Sunday, June 21, 2009

DỊCH TIÊU CHẢY ÓC TRÊN GIẤY BÁO

Dịch Tiêu Chảy Óc Trên Giấy Báo
Đinh Tấn Lực's Blog
Jun 20, '09 11:03 PM
http://dinhtanluc.multiply.com/journal/item/446/446
“TTXQC – Tin Vắn - 21/6/2009 - Một trận dịch tiêu chảy óc đã xảy ra tại Việt Nam từ ngày 13/6/09 đến nay. Nạn nhân là các tổng biên tập cỡ khủng, cỡ nhỡ và cỡ vụn, cùng một dàn ký giả thiếu vắc-xin trên hệ báo-đài chính quy của ta. Tình hình đã vượt cơn khẩn trương nhưng vẫn còn có thể kéo dài qua khỏi ngày Báo chí Cách mạng năm nay”.

Thử bước đầu tìm hiểu nguyên nhân?

Ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư TW, đã rầy rà trong buổi làm việc với Hội nhà báo ngày 19/6/09 là: Báo chí Việt Nam còn “gây khó khăn cho lãnh đạo” khi đưa tin về các đề tài nhạy cảm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có bài than phiền mới gửi các nhà báo, nói rằng họ cần có “bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin”.
Cả hai đều đúng, và cả hai đều thiếu.
Hãy thử trắc nghiệm bằng Google các trang mạng VN xem điều gì xảy ra?
- Results 1 - 10 of about 341,000 Vietnamese pages for "Lê Công Định". (0.49 seconds)
- Results 1 - 10 of about 187 Vietnamese pages for "Cù Hà Huy Vũ". (0.39 seconds)
Trong thao tác trắc nghiệm nêu trên, kết quả cho thấy là: Ngày nào mà tự thân ký giả chưa thấy ra ý đồ của lãnh đạo dàn dựng một xì-căng-đan khác, nhắm vào đối tượng là một luật sư hàng đầu của VN, để che khuất vụ việc LS Cù Hà Huy Vũ khởi kiện TT Nguyễn Tấn Dũng, (là một vụ việc chưa từng có tiền lệ ở nước VNDCCH lẫn CHXHCNVN và lẽ ra phải gây chấn động 9 độ Rích-te), thì chừng đó vẫn chưa thể đánh giá bản lĩnh của ký giả. Không một ai có tài đánh giá “một cái rỗng không” bao giờ!
Rõ ràng là bản tin gì đó trên VNN về vụ “nhân viên của Xí nghiệp Quản lý phà Cát Lái đã hành hung ‘hội đồng’ đối với một hành khách”, là chỉ thuộc hàng tép muỗi so với con voi trong vụ báo chí đánh hội đồng LS Lê Công Định suốt tuần qua.
Đã vậy, trong trận đánh hở sườn này, báo chí ta đã ăn theo cơ quan điều tra và đã trả giá cực đắt, thông qua ít nhất 10 điểm hớ hênh nghiệp vụ cực kỳ sơ đẳng, tạm liệt kê như sau:

Hớ hênh 1: Thủ Tục Phong Thánh
Thêm một lần nữa, cả nhà nước lẫn nhà báo VN lại chứng tỏ khả năng “đưa người vào lịch sử” trên cả tuyệt vời.
Lại thử Google trên mạng thế giới xem sao:
- Results 1 - 10 of about 1,720,000 for "Lê Công Định". (0.28 seconds)
- Results 1 - 10 of about 201 for "Cù Hà Huy Vũ". (0.39 seconds)
Về mặt cá nhân thì thời sự tuần qua cho thấy dư luận VN lẫn quốc tế đều chú mục vào chủ đề Lê Công Định. Cứ trông vào kết quả cú Google ngay đây, khỏi cần dẫn chứng. Qua đó, LS Lê Công Định đã được dư luận quốc tế trao huy chương vàng Olympic chính trị là nhân vật được nhắc tới nhiều nhất trong tuần, vô hình trung khiến cả dàn lãnh đạo mờ nhạt. Cả vụ truy tố Huỳnh Ngọc Sỹ cùng ngày cũng biến mất tăm. Đồng thời, LS Lê Công Định trở thành trung tâm điểm của một vụ việc mà Bộ công an cho là ở tầm quy mô, và cũng là điều đáng ngẫm, trong lúc những người khác chỉ được nêu tên thoáng qua đây đó trong các bài báo về vụ phá án hội đồng này, như các ông Trần Huỳnh Duy Thức hay Nguyễn Tiến Trung, chẳng hạn.
Về mặt cộng đồng, thì đó là trình tự phong thánh cho các tổ chức dồn sức dân chủ hóa Việt Nam, bao gồm cả Việt Tân, Dân Chủ Nhân Dân, Nhân Dân Hành Động, Họp Mặt Dân Chủ, Viễn Tượng Việt Nam, và Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ. Nhà nước và nhà báo ta đã tạo cơ hội hãn hữu và miễn phí cho các tổ chức này PR, quảng bá tên tuổi của họ đến tận vùng sâu vùng xa là những nơi nhân dân ta chưa có được internet để đọc báo lề trái. Tạo cơ hội cho Mỹ và các nước Tây phương có thêm lý cớ hạch sách nhà nước ta về nhân quyền hoặc đòi bỏ chính phủ VN vô lại danh sách CPC (tức các nhà nước cần quan tâm đặc biệt).
Đồng thời, cũng khuyến khích bằng cách tạo cơ hội cho nhân dân ta tìm hiểu thêm về mối nhục câm nín của một Hà Nội cúi đầu trước quyết định của Bắc Kinh nhằm thành lập huyện Tam Sa hay lệnh cấm đánh cá trên biển Đông, về nguy cơ Bô-xít ở Tây Nguyên, về nguy cơ Bắc thuộc lần nữa… và về đường lối đấu tranh bất bạo động của các tổ chức vừa được phong thánh đó.
Riêng về mặt lý luận trong tiến trình phong thánh này thì quả thật, nhà nước, thông qua tuyên giáo trung ương, đã sử dụng tuyệt chiêu đánh động lòng hiếu kỳ khiến người đọc phải khui cho ra lẽ, khi báo chí nước nhà cực lực lên án những tổ chức khủng bố đã âm thầm và liên tục tổ chức hai ba nơi tại Thái Lan (và biết đâu chừng ở cả VN) nhiều buổi tập huấn đấu tranh bất bạo động làm nòng cốt cho các phong trào dân chủ. Osama Bin Laden đòi tuyệt thực đấy ư? Hay ngài Gandhi tung khẩu hiệu đốt cháy sa mạc, san lấp sông Hằng mà đánh quy ước chiến giành lại độc lập từ bọn thực dân Anh?

Hớ hênh 2: Bể Đồng Hồ
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Vũ Hải Triều, LS Lê Công Định bị bắt vì đã “Lợi dụng việc bào chữa cho các đồng nghiệp Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và cho blogger Điếu Cày, để tuyên truyền chống chế độ, xuyên tạc Hiến pháp, pháp luật, lên án chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”.
Vụ bào chữa cho LS Nguyễn Văn Đài & LS Lê Thị Công Nhân xảy ra từ năm 2007, còn vụ Điếu Cày vướng tội mặc áo thun in hình 5 còng thế vận hội mà LS Lê Công Định bị ngăn cản tác nghiệp biện hộ trước tòa, là từ sau đận rước đuốc Bắc Kinh năm ngoái, 2008.
Mới biết đảng và nhà nước ta là nhà vô địch về thao tác …ém quân. Bằng không thì toàn bộ lãnh đạo đảng ta bị bể đồng hồ, nên tới giờ này mới tung lực lượng ra bắt giam khẩn cấp một người đã lên án chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền… từ nhiều năm trước.

Hớ hênh 3: Dập Mặt Lãnh Đạo
Còn chuyện xảy ra gần hơn, mới đây, thậm chí trùng ngày, là vụ bắt bớ xảy ra đúng ngay vào hôm Trưởng ban Tổ chức Trung ương ĐCS Trung Quốc Lý Nguyên Triều qua Hà Nội truyền chỉ cho TBT Nông Đức Mạnh. Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai ủy viên Bộ chính trị của hai đảng, với căn bản bốn tốt của mối giao hảo vương-hầu, tức là đều ngồi trên và lèo lái mọi quan hệ ngoại giao “hữu nghị” giữa hai nước.
Mọi người đều đoán được phần nội dung “nhạy cảm” của chiếu chỉ, như TT Dũng từng than phiền báo chí. Nên không hề một ai lúng túng, khi phải so sánh trường hợp của LS Lê Công Định với TBT Nông Đức Mạnh, để trả lời câu hỏi rằng đâu mới đích thực là nỗ lực “cấu kết với thế lực bên ngoài” làm hại đất nước.
Đã vậy, có nhà báo đi dự họp báo lề phải xong về nhà treo blast trên blog lề trái: “Bắt Huỳnh Ngọc Sỹ thì âm thầm, bắt LS Lê Công Định thì họp báo 2 đầu, bao thơ 300k”. Trên thực tế, 300K tương đương với chừng 18USD, chẳng là bao, nhưng cái blast lề trái (đáng giá bạc triệu đô-la) này đã ký họa truyền thần một hệ thống tuyên giáo huy động các nhà bồi bút văn nô trên hai miền đất nước tập trung nỗ lực bôi đen những nhân vật nghĩ sâu nói thẳng, tức là “khác luồng”, bằng cái giá của vài cuốc taxi. Nó lật mặt cả guồng máy thông tin cực kỳ khốn nạn của chế độ, đứng đầu là bộ chính trị, đứng cuối là các cỡ tổng biên tập gắn liền với CA văn hóa, và tòn teng ở giữa là bộ bốn tờ.
Còn nữa, “Nếu chống tham nhũng không có bất kỳ vùng cấm nào, như Thủ tướng đã tuyên bố gần đây, thì tăng cường dân chủ xã hội cũng vậy, không thể có bất cứ vùng cấm nào cả. Rất mong nhận được thái độ cầu thị của Thủ tướng”. Những ai chưa quên dòng kết này trong bài viết công khai “Tranh luận với Thủ tướng” của LS Lê Công Định, thì đều có thể nhận ra ngay ở đây cái “thái độ cầu thị” đó là một lệnh bắt khẩn cấp.
Há chẳng phải là hội đồng cho dập mặt lãnh đạo đấy sao?

Hớ hênh 4: Hai Đầm Một Bồi
Khoảng hai tuần sau khi trang mạng Bauxite Việt Nam hình thành (và đạt số lượt truy cập nhanh đến mức kỷ lục xưa giờ tại Việt Nam), là vụ phá án một nhúm Tiến sĩ của Viện Tài chính đánh bạc. Không trả lời nổi giới trí thức ở trong ngoài nước về vụ Bô-xít thì đảng và nhà nước ta bày ra sòng bài tráo, mục tiêu là đánh nhòe danh dự của tập thể trí thức bằng hành vi tiêu cực của một vài quan chức có học hàm tiến sĩ của Viện Tài chính.
Hai ngày trước lệnh bắt khẩn cấp LS Lê Công Định là vụ việc LS Cù Hà Huy Vũ chính thức và công khai gửi đơn khởi kiện cái quyết định vi luật của TT Nguyễn Tấn Dũng. Đây là một việc chưa từng xảy ra trong mọi triều đại từ ngày đảng ta thực hiện mỹ mãn mục tiêu tối hậu là cướp chính quyền đến giờ. Tức là có khả năng trở thành một ngòi dẫn đưa tới những đe dọa có tính sống còn của đảng. Nên nhà nước lại phải gầy sòng bài tráo lần nữa, bằng quyết định bắt khẩn cấp vị luật sư nổi tiếng nhất nhì cả nước, và bằng một cuộc họp báo hoành tráng có bao thư 300K như phát súng lệnh cho một chiến dịch báo chí đánh hội đồng theo mô thức “tiếng ‘sát’ át tiếng bom!”.
Mắt đổi mắt. Răng đổi răng. Một sòng bài tráo, gầy hai lần trong cùng một tháng: Hai con đầm cạn với một thằng bồi tàu (hay Tàu?). Không thể nào trơ hơn được nữa.

Hớ hênh 5: Đả Đảo Guinness!
Buộc tội nhân dân vốn là nghiệp vụ của công an, không ai còn lạ. Báo chí lề phải được đào tạo để đăng lại nguyên văn những gì CA công bố (mà từ nôm na vẫn gọi là nuốt bã), cũng không phải điều gì lạ.
Ít ai thấy chữ “nghi can” trên các bài báo do CA soạn sẵn nội dung. Phần lớn đều khẳng định ngay từ tựa bài rằng đó là những tội phạm: “Bắt khẩn cấp luật sư Lê Công Định vì chống phá Nhà nước”, hay, “Luật Sư Lê Công Định và mưu đồ phản loạn”, hay, “Hành trình phạm tội của Lê Công Định”, hay, “Kiến nghị xử nghiêm Lê Công Định”... Do đó mà người ta hiểu được vì đâu trong đời thường vẫn truyền tai nhau một lời nhận định không mấy đẹp để viết ra giấy: “Công An Việt Nam hút máu nhanh hơn Kotex”.
Ít ai thấy những bài báo nghiêm chỉnh loan tin (dẫn nguồn đầy đủ) hay bình luận nghiêm túc (lý luận kín vòng), cái nào ra cái đó. Phần lớn các bản tin đều kết luận bằng những lời tuyên án, theo đúng kiểu cách hình sự giật gân của báo CA. Trong lần này, nhiều báo đã kết luận ngay trong bản tin về vụ bắt khẩn cấp ngày 13/6/09: “Những kết quả bước đầu đã phần nào cho thấy Lê Công Định là một kẻ phản dân, hại nước”, hay “Rõ ràng Lê Công Định đang lội dòng nước ngược, sẽ không có tương lai sáng sủa, nhất định sẽ bị dòng thác cách mạng của nhân dân ta nhấn chìm”…
Một tập quán tỏ lộ tính thiếu nghiệp vụ và cực kỳ đáng xấu hổ khác là các bài báo vẫn thường tùy nghi khẳng định theo mẫu mực: “Dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt khẩn cấp Lê Công Định, sớm ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của Định và đồng bọn”.
Công an và Nhà báo xứ ta kiêm nhiệm trách nhiệm Quan tòa từ lâu đã thành truyền thống. Điều mới lạ trong vụ việc này là ngay cả luật gia cũng lấn sân của quan tòa:
Luật sư Phạm Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TPHCM, đã bày tỏ rằng ông “hết sức bất bình trước việc làm vi phạm pháp luật của luật sư Lê Công Định”, đó là “móc nối với các thế lực phản động ở nước ngoài để lật đổ Nhà nước”. Ông cho rằng đó là “một hành động không thể chấp nhận được”, và long trọng kêu gọi giới trí thức luật “mạnh dạn lên án những hành vi và việc làm đi ngược lại pháp luật Nhà nước Việt Nam của Lê Công Định và đồng bọn”.
Ngay cả vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia Sài Gòn cũng quên mất nội dung điều 72 chỉ đạo của bộ luật hình sự: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật“.
Rõ ràng: CA, cánh nhà báo ngoan ngoãn và một số luật sư quàng khăn đỏ như trên đều chỉ ưng nhảy cóc lên ghế chánh thẩm ngay từ khi có lệnh bắt tạm giam.
Nhờ đó, Việt Nam ta là nước có đông quan tòa nhất thế giới chăng? Xem ra cơ quan làm sách kỷ lục Guinness chưa làm việc đúng mức, và cần phải khẩn cấp viết bản tường trình-nhận tội luôn thể!

Hớ hênh 6: Phát Triển Hoang Mang
Đã có bài viết về Lệnh bắt Lê Công Định, BCT phải quyết hai lần! Tức là lãnh đạo đảng đã đắn đo, cân nhắc, ém quân, chờ đợi một ngày nghỉ ngơi của ký giả ngoại quốc ở đây, và chờ đợi đương sự dính vào một tội trạng đúng tầm. Thế nên lệnh bắt khẩn cấp đã được thi hành với lý do LS Định “cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài”, căn cứ vào những dữ kiện có được từ sau vụ bắt giam ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Ngay sau đó là một phản ứng cực mạnh của giới bloggers Việt Nam và của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nối tiếp là phản ứng cấp thời và kỷ lục (2 ngày) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, rồi của các cơ quan nhân quyền quốc tế và nhiều dân biểu Mỹ.
Không mấy chốc, bản nháp cáo trạng của Bộ CA “ngẫu nhiên” thay đổi tội danh áp đặt cho LS Định thành “mưu đồ phản loạn”, cùng lúc, CTN Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh nỗi ưu tư đau đáu về nguy cơ “lật đổ đảng”. Tức cần khẳng định ngay rằng đây là “chuyện nội bộ của VN”.
Lãnh đạo đảng ở đây lại chứng tỏ thêm một khả năng khác là biến nỗi sợ của mình thành nỗi hoang mang cho nhiều người khác. Cho dù là nỗi lo sợ có thật đó còn nguyên.

Hớ hênh 7: Lạy Ông, Con Đây!
Bằng chứng hùng hồn nhất của vụ phá án, được công bố trong cuộc họp báo 300K vào chiều ngày 13 tháng 6 tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Vũ Hải Triều cho biết đó là quyển sách “Từ Độc Tài Tới Dân Chủ”, bản Việt ngữ dịch từ nguyên tác tiếng Anh “From Dictatorship to Democracy ” của TS Gene Sharp, được tóm ý ở trang đầu là “Một hệ thống ý niệm về giải phóng”, do Học Viện Albert Einstein ở Mỹ ấn hành.
Dùng chứng cứ này để khép tội LS Lê Công Định “chống phá nhà nước CHXHCNVN” cũng đồng nghĩa với hành động tự cúi đầu thú nhận của Bộ Công an, rằng: Nhà nước hiện hành là một chế độ độc tài toàn trị, cực kỳ kiêng kỵ mọi ý niệm giải phóng, mọi hình thái sinh hoạt dân chủ và cần được kéo dài! Không một ai có thể mô tả đầy đủ và sâu sắc hơn. Đây cũng là một tuyệt chiêu trủy thủ của Bộ Công an đã đâm sâu thọc thủng ngang sườn lãnh đạo đảng.

Hớ hênh 8: Ung Thư Giác Mạc
Trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Học viện Ngoại giao, CTN Nguyễn Minh Triết đặc biệt nhấn mạnh: “Ngành ngoại giao phải chủ động đấu tranh nhằm ngăn chặn được âm mưu diễn biến hòa bình hay dùng cách mạng màu để lật đổ chế độ, lật đổ đảng”.
Gần tới mức đánh vần từng từ, CTN bộc bạch cực rõ mối lo canh cánh tự thân, và hẳn là của cả 14 ủy viên còn lại trong Bộ chính trị, là: Lật đổ đảng, bằng cách mạng màu.
Không phải là do ngẫu nhiên mà điều này được long trọng nhấn mạnh trong một buổi lễ hoành tráng. Nó xảy ra 5 ngày sau cái lệnh bắt khẩn cấp LS Lê Công Định. Tức là sau khi Bộ CA chính thức họp báo để công bố những nguy cơ bị đục thủng (nguyên văn) “những trụ cột” chống đỡ của đảng (từng giăng đầy khẩu hiệu đời đời quang vinh).
Rõ là những phương thức đấu tranh ôn hòa do TS Gene Sharp tổng hợp có làm nhiều người hoảng sợ, không phải vì nó kỳ bí, mà vì nó khả thi, nhắm đúng tử huyệt của chế độ toàn trị, và quan trọng nhất là nó đã chứng minh nhiều lần thành công qua những cuộc cách mạng ôn hòa được đánh dấu bằng màu sắc, nói gọn là những cuộc cách mạng màu.
Các bác sĩ nhãn khoa ở thành phố Little Pekin sắp sửa ăn mừng 1000 năm tuổi này có mối nghi ngờ rằng: Bệnh sợ màu sắc của lãnh đạo đảng, ngoại trừ màu xanh đô-la, là một loại triệu chứng ung thư giác mạc, hệ quả của bệnh tham và tính ác kinh niên.

Hớ hênh 9: Giải Đạo Diễn Tồi
Bản “tường trình” và “nhận tội” của LS Lê Công Định, có thể đúng là nét chữ của ông chép lại theo một bản viết sẵn nào đó. Rồi được chính giọng ông “cắm cúi” đọc trước ống kính truyền hình để làm tài liệu trình chiếu cho cả nước xem, và có khi là để dành riêng tặng cho Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak khi ông đáo hồi nhiệm sở nữa, không chừng.
Chỉ vướng đôi ba cái “vì sao?” khó hiểu cho một số khán/thính/độc giả:
- Có 2 màu mực trong bản tường trình được chụp thành phóng ảnh. Mực đen là chữ viết của LS Lê Công Định, còn màu mực xanh là của ai?
- LS Lê Công Định cắm cúi đọc văn bản này, với dáng vẻ không khác trẻ mẫu giáo tập ráp vần. Tuyệt nhiên không rời mắt khỏi bản văn cho tới dòng cuối, ông “cắm cúi đánh vần” cả tên họ, ngày sinh, mà vẫn còn trật cả địa chỉ nhà của chính mình. Vậy thì bản để đọc chép sai, hay LS Định đọc chữ/số không thông?
- Có một số từ nghe trong clip không trùng với bản văn trên ảnh. Vậy thì có phải bản để đọc là một bản khác với bản phóng ảnh?
Nếu còn thì giờ để xem đi xem lại nhiều lần, hẳn khán /thính/độc giả sẽ còn phát hiện thêm nhiều chi tiết lý thú khác nữa. Cũng vậy, nếu có nhiều thì giờ hơn, các tay đạo diễn, biên tập các văn bản và đoạn clip này sẽ chỉnh sửa cho chúng có tính “tin cậy được” cao hơn. Hiện giờ, chúng cho thấy tác giả xứng đáng nhận lãnh giải Oscar về lãnh vực Đạo diễn tồi.

Hớ hênh 10: Tình Thế Sĩ Diện
Tiếc thay, tình thế cực kỳ khẩn trương. Bằng mọi giá phải hoàn tất công đoạn lấy cung và nhận tội này thật nhanh, hầu làm nguội bớt những đám cháy rừng lan rộng bên ngoài phòng tạm giam và cả bên ngoài Việt Nam. BCT đã nhất trí và lệnh thế. Bộ CA đã lên phương án thực hiện khâu nhận tội tối hảo với đầy đủ hình ảnh, âm thanh, và kiên quyết đạt thành tích kỷ lục lần này. Tuyên giáo TW cũng đã chuẩn bị tốt cho các cháu ngoan nhà báo nhà đài quàng khăn đỏ, nhân dịp ăn mừng ngày nhà báo cách mạng 2009.
Mục tiêu? Đảng và Nhà nước VN có “đầy đủ chứng cứ” đương sự thừa nhận mọi cáo buộc và cúi đầu “xin hưởng lượng khoan hồng” để kết thúc vụ này, cho dù không tìm được tội danh nào ra hồn. Đồng thời, có “đầy đủ chứng cứ” để báo trước mọi tình huống án treo/án nhẹ/án tượng trưng… bằng những thao tác ít bị mất mặt nhất đối với dư luận quốc tế. Còn đối với trong nước, thì vụ xì-căng-đan này đã đạt thành quả nhất định “hướng dẫn dư luận” rời xa ngòi dẫn “Bauxite Việt Nam” và quả bom tấn “Đơn Kiện Thủ Tướng”.

***

Chào Mừng Ngày Báo Chí

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn từng định nghĩa “Chức năng quan trọng của báo chí là định hướng dư luận xã hội”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng chỉ đạo cho “Báo chí thực sự trở thành lực lượng xung kích tin cậy trên mặt trận chính trị - tư tưởng của Đảng”.
Trưởng ban Tuyên giáo Tô Huy Rứa từng khen ngợi “Báo chí đã thực sự thể hiện vai trò và ưu thế của một binh chủng tiên phong trong công tác tư tưởng”.
“Lực lượng xung kích” và “binh chủng tiên phong” này ở Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Có khá nhiều báo cùng giật tít: “Kẻ chống đối đã bị bắt”, cùng các dòng tựa nhỏ: “Vài nét về chân dung của kẻ chống đối”, “Những hành vi phạm pháp của Lê Công Định”…
Lại có báo giật công chụp ảnh, phỏng vấn một số “độc giả” để túm gọn “dư luận”: Tất cả những người được phỏng vấn trong bài đều đồng tình với lệnh bắt khẩn cấp LS Lê Công Định!
Luật sư Cù Hà Huy Vũ, trong buổi trả lời phỏng vấn của BBC, đã nhận xét: “Báo chí VN thì tôi thấy gần như chỉ phản ánh lại nội dung mà Tổng cục An ninh cung cấp”. Chỉ cần có vậy. Rất ngoan!

Với công trạng dồn sức đánh hội đồng đúng theo định hướng như vừa kể, ngày Báo chí Cách mạng đã tự động biến thành Ngày nhà báo. Qua đó, sau những cuộc họp báo 300K, người ta chẳng ngạc nhiên là bao khi thấy có nhà báo (của tờ báo từng nổi tiếng về loạt bài Vươn Ra Biển Lớn, trong đó có bài viết xuất sắc viết về LS Lê Công Định) đã tự hãnh treo blast trên blog cá nhân: “Ngày nhà báo: nhận quà từ nay đến hết ngày 21-6. Hehe”.
Tất nhiên, không hẳn mọi người đều như nhau. Trong chiến dịch đánh hội đồng tuần qua, có kẻ cẩn thận soi rọi bằng một dòng chú thích ảnh, rằng: “Lê Công Định sử dụng tới 7 chiếc điện thoại di động…”. Lại có lắm kẻ xách mé về cựu hoa hậu Ngọc Khánh trong bài viết, tuồng như đây mới là nhân vật chính cho phần câu khách, đến độ phải giật tít “Chồng hoa hậu Ngọc Khánh bị bắt khẩn cấp”… Mọi góc cạnh ganh tỵ được phô bày như thể đây là một cơ hội hãn hữu để trả thù một người mà mình đời đời không thể nào theo kịp. Cứ đọc Blast và Quick Comment (cả hai đều sai bét ngữ pháp) của một nhà báo thì rõ là quả thật, nhân cách có tầm của nó: “Hoa hậu Ngọc Khánh, tài sắc vẹn toàn, đời riêng trắc trở! Chồng trước bị bỏ, chồng nay bị bắt”… “LS Lê Công Định bị bắt hôm nay, là chồng của hoa hậu Ngọc Khánh, người trước là TS nghệ thuật Nguyễn Quang Minh, Cty Cát Tiên Sa”. Tất cả đã tỏ lộ nét thô bỉ cực hèn hơn là nỗ lực tác nghiệp một bản tin hay một phóng sự, có thể hiểu như rằng: “Đáng đời, ai bảo mày đã giỏi, đã giàu mà lại còn thêm vợ đẹp…”. Nói cách khác, “Tai họa của mày chính là niềm vui của họ hàng công sai nhà tao đấy”!
Thép đã tôi như thế đó?
Có blogger bảo rằng “Vượt khỏi từ khốn nạn để mô tả thì nói về họ chỉ còn loại ngôn ngữ giang hồ, không tiện viết ra”. Đúng lắm thay!
Và thảm lắm thay, cho những ai đang ăn mừng một ngày báo chí của cả nước, ngay trong trận dịch tiêu chảy óc trên giấy báo, hiện giờ.

Rút Tỉa Những Gì?

1- Không phải tự nhiên mà người Việt Nam đặt tên cho điều 88 của Bộ luật Hình sự là điều luật còng đôi hay còng đúp.
2- Không thể chờ đợi gì ở dàn báo chí quốc doanh, khi mà chưa mấy ai trong số một vạn rưỡi người có thẻ nhà báo ở đây học được điều thẳng thật của em Nguyễn Phi Thanh, lớp 11A18 Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.
3- Không thể chờ đợi gì ở dàn báo chí quốc doanh, đặc biệt là ở Hội nhà báo VN, khi mà hệ thống này chỉ có một bản lĩnh duy nhất cho tới giờ là tự nguyện biến mình thành con tin chính trị của chế độ. Chúng ta chỉ có thể chờ đợi trong số đông đó có những cá nhân còn chút khả năng nhận diện được mớ tình người còn sót lại qua những biến cố loại này.
4- Chính chúng ta phải nói lên Sự Thật. Chính chúng ta mới có quyền định nghĩa từ phản động. Trong bài Thế nào là …thế hệ phản động, tác giả Nguyễn Hoàng Văn đã viết: “Tuổi trẻ mà cả quãng đời trẻ không dám nói khác người đi trước một câu thì chẳng khác nào một thứ tuổi trẻ nhai lại. Khi đã yên thân làm loài nhai lại, đấy chính là một thứ tuổi trẻ vứt đi…”.
5- Chính chúng ta phải vận dụng ưu thế internet và tự lực tự cường trên các sân chơi Dân Báo. “Thử nghĩ nếu không có internet, hệ thống chuyên chính mặc sức mà rung đùi cai trị!”. Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh nói vậy trong tiểu luận Một ngày đàng-Một sàng khôn.
6- LS Lê Công Định đã thong dong bước qua ngưỡng “tù dự khuyết”. Thiếu cái dũng chính là những người bất động chứ không phải những người dám dấn thân đấu tranh bất bạo động.
7- Một blogger nhận định: “Đảng và nhà nước ta đã hết lòng phân tích lẽ phải thì có chạy đằng giời mới ra khỏi… lẽ phải của Đảng và nhà nước ta”. Chúng ta hãnh diện ngày càng có nhiều người cất bước dấn thân vì đại nghĩa, nhưng không vì thế mà đòi hỏi hay chờ đợi ở những con người quả cảm đó các phản ứng anh hùng đúng như ý mình mường tượng phải là. Mỗi người có một chọn lựa tối hảo mà chỉ tự thân họ biết rõ nhất. Hãy cảm thông với những chọn lựa đó như chúng ta đã từng chọn lựa nhận sự hãnh diện về họ.
8- LS Lê Công Định có thể bị tước mất một số điều kiện để đi hết con đường dân chủ hóa Việt Nam, nhưng Con Đường đó vẫn còn nguyên và vẫn thênh thang mời gọi mọi công dân Việt Nam tiếp tục tiến bước. Chúng ta cần phải, hơn bao giờ hết, xác quyết tâm nguyện tiếp tục đấu tranh toàn diện cho đến ngày đạt được lý tưởng của từng người trong chúng ta, và đạt được khát vọng của toàn thể đại khối dân tộc Việt.
9- Lãnh đạo Hà Nội đã bộc lộ toàn bộ nỗi sợ về các phương thức đấu tranh bất bạo động, đặc biệt là các kỹ thuật đánh kéo các trụ cột quyền lực của chế độ. Kết quả khắp nơi là các cuộc cách mạng màu. Kết quả gần nhất là tiến trình đấu tranh bằng lời cầu nguyện ở Thái Hà. Chứng tỏ rằng đây là lúc chúng ta cần khai thác tối đa những điều đã được TS Gene Sharp chia sẻ, cho tới ngày thành công.
10- Riêng trong vụ bắt giam LS Lê Công Định, mọi việc vẫn còn đang diễn tiến. Áp lực của quốc tế vẫn còn gia tăng. Hãy bình tâm và cùng nhau cầu nguyện cho nhau có đủ nghị lực để đòi bằng được công lý cho dân tộc và cho cả những người đã bị tù vì đấu tranh cho Sự Thật và Công Lý. Biết đâu LS Cù Hà Huy Vũ sẽ là người biện hộ cho LS Lê Công Định lần này!

21/6/2009 - Đinh Tấn Lực


No comments:

Post a Comment