Dân Chủ cũng như luật đá banh
Ngô Nhân Dụng
Friday, June 26, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=97134&z=7
Cái ông bạn Ba Sún viết bài “Dân Chủ Cho Tui” trên diễn đàn X-Cafe, in lại trên Nhật báo Người Việt ngày hôm qua, nêu lên các lý do thật giản dị khiến cho một người dân Việt Nam bình thường như ông cũng muốn nước ta tiến đến chế độ tự do dân chủ.
Một: Vì con người ta không phải chỉ lo cơm ăn áo mặc là đủ; ai cũng có những nhu cầu tinh thần. Mà trong chế độ độc tài độc đảng hiện nay hầu hết các quyền tự do cho tinh thần bị cấm đoán.
Hai: Có dân chủ thì người dân mới có quyền thay đổi những người cầm quyền khi thấy họ bất lương hay bất lực .
Ba: Có dân chủ mới hy vọng xã hội có công bình, pháp luật công minh.
Bốn: Có dân chủ mới hy vọng con cái sau này được sống đúng phẩm giá con người.
Nếu hỏi ý kiến nhiều người khác ở Việt Nam, chắc chúng ta còn được nghe nhiều lý do khác nữa thúc đẩy người ta muốn nước Việt Nam thành một nước dân chủ.
Nhưng hiện nay Phong Trào Dân Chủ ở trong nước ta vẫn còn rất yếu. So với người dân các nước Á Ðông, từ Hàn quốc, Ðài Loan, Hồng Kông qua tới Thái Lan, Mã Lai Á thì trình độ hiểu biết về Chế Ðộ Dân Chủ của người Việt mình thua xa. So sánh với dân Iran thì ý thức dân chủ của dân mình còn thấp hơn nhiều. Dân Hàn Quốc, dân Thái Lan cho tới người Iran họ đều có những cơ hội thực tập “Cuộc chơi dân chủ” nhiều lần.
Những cuộc tranh cử, bỏ phiếu tại các nước đó rất gay go, người dân có tham gia quyết định việc nước thật sự. Còn người Việt Nam ta lâu nay vẫn sống dưới chế độ đảng cử, dân bầu, cho nên chẳng mấy ai quan tâm đến các thủ tục, luật lệ của cuộc chơi dân chủ.
Mà bản chất của Chế Ðộ Dân Chủ chính là việc thay đổi “luật chơi” trong xã hội. Giống như đang trong một cuộc đá banh giữa hai đội, mà phía sân của đội banh Ðảng và Nhà Nước thì chiếm vị thế cao lên dần dần, còn nửa sân thuộc về đội Nhân Dân thì nằm phía dưới thấp. Các cầu thủ đội Nhân Dân muốn đem banh lên phía khuôn thành của Ðảng và Nhà Nước thì phải chạy lên dốc, còn phía Ðảng và Nhà Nước thì thư thả dẫn banh xuống phía dưới, tha hồ đá lủng thành đội Nhân Dân.
Luật chơi banh do đảng và nhà nước tự ý đặt ra, vì họ nói họ đã là đại biểu của nhân dân rồi, họ chỉ phục vụ quyền lợi của nhân dân mà thôi. Cho nên họ đặt cái khung lưới của đảng và nhà nước thật nhỏ, còn khung lưới của nhân dân thì to. Các cầu thủ nhân dân chỉ được đá bằng chân hoặc đội đầu, còn cầu thủ đảng và nhà nước có thể dùng tay cũng không bị phạt.
Bây giờ, nhân dân đòi dân chủ có nghĩa là họ muốn thay đổi luật chơi. Trước hết, nhân dân muốn bên đảng và nhà nước cũng chỉ được đá bằng chân, cấm dùng tay. Nếu được rồi, nhân dân sẽ yêu cầu hai cái khung lưới phải lớn bằng nhau, không chơi lối bên to bên bé! Và nhân dân sẽ yêu cầu được chơi trên một sân banh bằng phẳng, không để cho đảng và nhà nước ở trên cao đá xuống nữa.
Ðó là đại cương lịch sử những cuộc tranh đấu đòi dân chủ, dân quyền diễn ra trên thế giới. Ngày xưa dân chúng các nước Âu Mỹ nổi lên đòi dân chủ cũng chỉ cốt đòi thay đổi luật lệ giao đấu để chấm dứt tình trạng vua và nhà nước đối xử với họ tùy tiện và bất công. Có những cuộc cách mạng đổ máu, như khi dân Mỹ đứng lên chống lại vua nước Anh và lập ra một nhà nước mới do chính người dân bỏ phiếu lựa chọn. Có những cuộc cách mạng diễn qua những cuộc biểu tình hết năm này sang năm khác, đòi thay đổi luật chơi trong từng bước một, cho mỗi ngày một công bằng hơn. Như dân Ðài Loan, dân Nam Hàn, Thái Lan, vân vân, đã thực hiện trong những thập niên 1960, 70 cho tới nay. Còn dân Ấn Ðộ may mắn vì họ thành lập ngay Chế Ðộ Tự Do Dân Chủ sau khi được đế quốc Anh trả lại độc lập, nhờ những người lãnh đạo sáng suốt nhất định không để cho cái bã độc tài nó cám dỗ.
Khi bàn về quá trình dân chủ hóa ở các nước Nhật Bản và Hàn Quốc vào ba chục năm trước đây, Giáo Sư Trần Ngọc Vương ở Ðại Học Quốc Gia Hà Nội đã nhận xét rằng, “...dân chủ hóa 'từng bước, từng bộ phận, tiến tới toàn diện và triệt để, vững chắc' lại chính là bước đi tiếp theo ở các quốc gia vừa đề cập sau khi công cuộc hiện đại hóa đã thu về những thành tựu rõ rệt.” Và ông kết luận, “Tôi cho rằng dân chủ hóa trong trường hợp này là một quá trình hợp với lôgic phát triển tự nhiên. Không dân chủ hóa thực sự, thật khó tìm ra cách thức nào hữu hiệu hơn để bảo vệ những thành quả của quá trình hiện đại hóa.” (Theo ViệtStudies/info).
Nói cách khác, khi kinh tế thị trường phát triển giúp nâng cao đời sống của nhiều người dân trong một nước, thì đó là một thành quả cần bảo vệ. Và muốn bảo vệ thành quả đó, thì con đường hợp lý nhất, lôgic nhất, là dân chủ hóa. Các nước Á Ðông đã thực hiện điều đó qua những cuộc vận động từng bước một, từng phần một, mỗi lần đòi nhà nước phải thay đổi luật chơi một chút. Nhưng cuối cùng thì người dân vẫn tiến tới những thay đổi “toàn diện và triệt để.”
Khi chúng ta nhìn những cuộc vận động dân chủ như một quá trình đòi “thay đổi luật đá banh” thì sẽ thấy không cần phải đặt ra câu hỏi “Dân Chủ Cho Ai” nữa. Dân chủ cho tất cả mọi người. Bây giờ, luật chơi đá banh do đảng và nhà nước đặt ra, dân đen không được bàn. Ai lên tiếng, dù chỉ xin bàn việc thay đổi thôi, thì đã bị gán cho tội này đến tội khác. Dân oan ức quá kéo nhau đi biểu tình thì bị dẹp, và cả guồng máy nhà nước không ai chịu trách nhiệm giải quyết những oan khuất cho người ta, đồng đổ cho cốt, cốt lại đổ cho đồng. Các đại biểu Quốc Hội thì chỉ biết gật đầu, những người can đảm to tiếng thì cũng biết là những lời nói của họ chẳng có hiệu quả nào hết. Các thẩm phán thì xử án theo chỉ thị của công an. Ba quyền Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp đều nằm trong tay một đảng hết, thằng dân rõ ràng là đang phải đứng trong một sân banh nghiêng đến 30, 40 độ!
Cho nên, người dân đòi dân chủ tức là đòi thay đổi luật chơi. Trong những xã hội tự do dân chủ chính người dân đặt ra luật giao đấu. Ðó là quy luật quan trọng nhất trong chế độ dân chủ tự do. Dựa trên quy luật đó, dân chúng có thể chọn lựa và thay đổi luật lệ, thể thức chọn người cầm quyền, phân phối quyền hành và quyền lợi như thế nào, mỗi dân tộc có thể chọn theo cách khác nhau.
Những luật lệ của cuộc chơi dân chủ không đồng nhất, mỗi quốc gia chọn một hệ thống chính trị phù hợp với hoàn cảnh, tư chất của mình, miễn bảo vệ quyền tự do đi tìm hạnh phúc của mọi người và của mỗi người. Riêng trong mỗi quốc gia, cùng sống dưới một hệ thống chính trị, chính quyền cũng không theo một chủ trương, một chính sách mãi mãi. Các đảng phái hoạt động tự do tha hồ trình bày các quốc sách của họ, để người dân lựa chọn.
Không một chế độ tự do dân chủ nào giống hết chế độ ở nơi khác. Ấn Ðộ là thuộc địa cũ của Anh, nhưng không dân chủ theo lối Anh. Ðài Loan, Hàn quốc không dân chủ theo lối Mỹ. Dân chủ không phải là một tôn giáo, không phải là một chủ nghĩa, không phải là một ý thức hệ. Tất cả chỉ là tổng cộng những luật chơi cốt làm sao bảo vệ được tự do và công bằng trong xã hội loài người. Trong khuôn khổ những luật chơi đó, mỗi người có quyền theo những tín ngưỡng, những chủ nghĩa mà mình lựa chọn.
Khi chế độ Cộng Sản ở Nga và Ðông Âu sụp đổ, thì người dân các nước đó thản nhiên không một ai thương tiếc, không ai tìm cách chống đỡ, bảo vệ những giáo điều của chủ nghĩa Cộng Sản cả. Trong thế giới loài người tự do dân chủ bây giờ, không ai còn hô hào và bó buộc tất cả mọi người cùng tin vào một chủ nghĩa, không ai còn đòi áp dụng một chủ nghĩa trên toàn thể xã hội nữa, Vì nhân loại đã tiến bộ. Việc áp đặt một thứ chủ nghĩa nào đó trên đời sống xã hội là phản tiến bộ. Thay vì những chủ nghĩa giáo điều không tưởng, chúng ta chỉ cần thiết lập những quy tắc để sống chung với nhau mà thôi. Những quy tắc đó có thể thay đổi khi xã hội thay đổi, cũng như những luật chơi đá bóng vậy.
Khi bàn luận về đạo Công Bằng, nhà chính trị học nổi tiếng John Rawls (1921-2002) đã đưa ra vài quy tắc trong cuốn “Công lý Qua Lẽ Công Bình” (Justice as Fairness). Rawls giả thiết rằng mọi người đều hướng thiện và có ý thức về công lý như nhau. Quy tắc thứ nhất: Quốc gia phải xác nhận rằng “mọi người có những quyền tự do như nhau.” Rawls đề nghị thêm hai điều nữa cho đạo công bình: “Nếu phải chấp nhận có những bất bình đẳng về xã hội và kinh tế không thể tránh được thì phải làm sao để tất cả mọi người đều được có cơ hội bằng nhau” (quy tắc thứ 2a, công bằng về cơ hội). Nhưng, công bằng không thể tuyệt đối, loài người phải biết thương yêu những người yếu thế: “Tổ chức xã hội phải làm sao mang lại mức lợi ích cao nhất cho những người yếu thế nhất” (quy tắc 2b).
Những quy tắc của Rawls cho chúng ta cơ hội suy nghĩ xem có thể áp dụng vào các luật chơi dân chủ như thế nào. Trên thế giới có biết bao nhiêu hình thức tổ chức xã hội theo lối dân chủ, tự do. Chúng ta có thể tìm hiểu coi những luật chơi của họ có thể giúp gì cho việc xây dựng nước Việt Nam trong tương lai hay không.
No comments:
Post a Comment