Sunday, June 21, 2009

CUỘC ĐỔI ĐỜI CỦA ĐỆ TỨ QUYỀN

Cuộc đổi đời của đệ tứ quyền
Đinh Từ Thức

21/06/2009 11:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=6295
Trước khi nhân loại bước qua thiên niên kỷ thứ ba, việc Johannes Gutenberg sáng chế ra máy in tại Âu châu vào giữa thế kỷ 15 đã được coi như phát minh quan trọng nhất của thiên niên kỷ thứ nhì. Phát minh này đã giúp loài người đưa thông tin lên tầm quan trọng hơn, làm nảy sinh ra báo chí, và khiến truyền thông trở thành “Quyền thứ tư” trong xã hội, sau các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Mặc dầu tự do ngôn luận và tự do báo chí đã được bảo đảm trong Hiến pháp Hoa Kỳ từ năm 1791, nhưng chỉ tám năm sau, do yêu cầu của Tổng thống John Adams, Quốc hội đã thông qua đạo luật chống nổi loạn (Sedition Act) năm 1798, trừng phạt nặng nề những người “viết, in, nói, hoặc phổ biến” tin thất thiệt, gây phẫn nộ trong công chúng, chống lại chính quyền, quốc hội, tổng thống… khiến nhiều nhà báo và chính khách đối lập vào tù. Cũng may là đạo luật này chấm dứt cùng với nhiệm kỳ của ông Adams, và những người bị phạt tù đều được ân xá.
Sang thời Tổng thống Thomas Jefferson, người thà có tự do báo chí mà không có chính quyền, hơn có chính quyền mà không có tự do báo chí (”Were it left to me to decide whether we should have a government without newspapers, or newspapers without a government, I should not hesitate a moment to prefer the latter”), khiến báo chí trở thành một thế lực giám sát quan trọng. Tuy vậy, khi Hoa Kỳ tham dự Đệ nhất Thế chiến vào đầu thế kỷ 20, đạo luật chống gián điệp (Espionage Act 1917) vẫn đặt ra nhiều giới hạn cho báo chí trong thời chiến. Từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1918, báo chí ngày càng có vai trò quan trọng hơn.
Có thể nói, kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, tại các nước tự do dân chủ, báo chí thực sự đóng vai trò đệ tứ quyền trong xã hội. Chính báo chí (gồm cả truyền thanh, truyền hình) đã làm thay đổi sinh hoạt chính trị tại nhiều nước. Xin kể một số vụ:
Đầu thập niên 50, Nghị sĩ Joseph McCarthy đã làm cả nước Mỹ run sợ trước chiến dịch tố cáo cộng sản. Tướng lãnh, nhân viên ngoại giao, đều bị ông tố là đảng viên, hay tay sai cộng sản, mặc dầu không có bằng chứng, nhưng không ai làm gì được ông. Cho đến khi ký giả Edward Murrow của đài CBS, chỉ trong một chương trình nửa tiếng vào tối 9 tháng Ba 1954, đã chôn vùi tiên tuổi McCarthy.
Sang thập niên 60, vụ đụng độ nẩy lửa giữa báo Spiegel và Bộ Quốc phòng Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 1962, khiến nhà báo Augstein phải vào tù. Nhưng cuối cùng, quyền thứ tư đã thắng quyền thứ hai và thứ ba, ông Augstein ra tù sau ba tháng, và Bộ trưởng Quốc phòng F. J. Strauss phải từ chức.
Thập niên 70, dù nại lý do an ninh quốc gia, chính quyền Nixon đã không ngăn cản được các báo New York Times và Washington Post đăng tải “Tài liệu mật Bộ Quốc phòng” (Pentagon Papers) về chiến tranh Việt Nam vào năm 1971. Vụ này đưa tới vụ Watergate, và những phát giác của Washington Post đã khiến Tổng thống Nixon phải từ chức vào năm 1974.
Cuối thập niên 80, chế độ cộng sản đã sụp đổ tại Đông Âu, và tại cả quê hương của nó là Liên Xô. Nhiều người đã đề cao vai trò của Giáo hoàng John Paul II, và Tổng thống Ronald Reagan trong biến cố trọng đại này. Thật ra, cũng có thể nói chính thông tin, hay quyền lực thứ tư, đã đóng vai trò quyết định trong việc làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản. Sức mạnh tinh thần của độc tài chuyên chế được xây dựng trên sự giả dối. Sự giả dối còn hiệu lực, chừng nào sự thật còn được bưng bít. Những bức tường Bá Linh, bức màn sắt hay màn tre, đều nhằm mục đích bưng bít sự thật. Khi các phương tiện truyền thông mới làm cho những bức tường hay bức màn này thành vô hiệu, sự thật được phơi bầy, thì các chế độ xây dựng trên sự giả dối bị sụp đổ. Giống như Dracula chỉ có sức mạnh vô địch trong bóng tối, khi đối diện với ánh sáng thì bị tiêu tan. Vệ tinh, làn sóng điện truyền thanh truyền hình… đã rọi ánh sáng vào “Đế quốc ma quỷ” (Evil empire), thống trị bởi con quái vật chỉ có thể sống trong bóng tối, khiến nó tan rã.

Ngày tàn của báo giấy
Trong khi truyền thanh, truyền hình phát triển mau lẹ, báo giấy vẫn có đời sống vững vàng, cả về tài chánh lẫn thế lực, tới cuối thế kỷ 20. Cho đến vụ Bill Clinton lén lút liên hệ với Monica Lewinsky, lần đầu tiên địa vị của báo giấy bị đe dọa bởi phương tiện truyền thông mới, là internet.
Ký giả Michael Isikoff của tuần báo Newsweek, người đã phanh phui vụ liên hệ giữa Bill Clinton và Paula Jones từ năm 1994, và biết tới Monica Lewinsky từ năm 1997, đã thu thập tài liệu về vụ này gần năm trời, và Newsweek đã dự định cho nổ vụ Clinton-Lewinsky vào số báo phát hành ngày Chủ nhật 18 tháng 1, 1998. Nhưng cho đến tối thứ Bảy 17-1 là hạn chót cho bài vở trước khi in, tòa soạn không chắc về vài chi tiết, nên câu truyện lớn đáng lẽ là độc quyền của Newsweek bị xếp lại.
Ngay trong đêm thứ Bảy này, trong khi Isikoff chán nản đi ngủ, thì câu truyện do anh độc quyền và dầy công theo đuổi xuất hiện trên internet, trong Drudge Report:
NEWSWEEK DẸP BỎ CÂU TRUYỆN VỀ CÔ TẬP SỰ Ở BẠCH ỐC
TƯỜNG TRÌNH CHẤN ĐỘNG: CỰU TẬP SỰ BẠCH ỐC 23 TUỔI
LIÊN HỆ TÌNH DỤC VỚI TỔNG THỐNG
**ĐỘC QUYỀN THẾ GIỚI**
**Phải nêu bản quyền của Drudge Report**
Đến phút chót, vào lúc 6 giờ chiều thứ bảy NEWSWEEK đã dẹp bỏ câu truyện có thể khiến Washington rung động tận gốc rễ: Một tập sự viên ở Bạch Ốc đã có liên hệ tình dục với Tổng thống Hoa Kỳ!
Drudge Report được biết rằng ký giả Michael Isikoff đã khám phá câu truyện của sự nghiệp mình để rồi bị Newsweek chặn lại chỉ mấy giở trước khi báo phát hành…

Drudge Report là Website của một tay “cà chớn” mới 31 tuổi. Sinh năm 1967, Matthew Drudge là một học sinh bê bối, kiếm ăn bằng các công việc ở 7-Eleven và McDonald. Được bố mua cho một computer Packard Bell vào năm 1994, Matt Drudge bắt đầu gửi bằng email những mẩu truyện kiểu tin đồn hoặc ý kiến vặt vãnh cho bạn bè. Hai năm sau, từ email truyện giải trí biến thành Website chính trị, theo khuynh hướng bảo thủ.
Đầu năm 1995, khách hàng của Drudge Report khoảng 1.000, hai năm sau tăng lên tới 85.000. Trong mùa bầu cử năm 1996, Drudge Report được dư luận chú ý nhờ tung ra đầu tiên tin ứng cử viên Tổng thống Bob Dole của Đảng Cộng hòa chọn Jack Kemp đứng chung liên danh. Rồi đầu năm 1988, Drudge Report đã qua mặt cả làng báo khổng lồ và đầy thế lực của Mỹ, đầu tiên tung ra vụ liên hệ giữa Bill Clinton và Monica Lewinsky. Chỉ 5 năm sau, lợi tức của Drudge Report đã vào khoảng hơn một triệu đôla mỗi năm, và năm 2006 tuần báo Time liệt kê Matt Drudge trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Sau khi Drudge Report tung ra vụ Clinton - Lewinsky đáng lẽ là độc quyền của Newsweek, làng báo Washington lên cơn sốt. Trong khi Bạch Ốc tìm cách đối phó với trận cuồng phong lớn ngang với vụ Watergate một phần tư thế kỷ trước thì Newsweek ôm câu chuyện với đầy đủ tình tiết giật gân, mà không biết làm gì. Vì là tuần báo, đợi tung ra trong số báo vào Chủ nhật tới thì quá trễ. Thay vì ôm câu chuyện độc quyền ngồi chửi thề vì lỡ cơ hội bằng vàng, tòa soạn đã quyết định vào ngày thứ Tư 21 tháng 1, tung toàn thể câu chuyện với đầy đủ chi tiết lên Web của Newsweek trên America Online, dưới tựa đề “Nhật ký của một Xì-can-đal” (DIARY OF A SCANDAL); đồng thời, fax tới tất cả các cơ quan truyền thông. Làm như vậy, Newsweek đã vớt vát được chút đỉnh: Giới truyền thông khi sử dụng nguồn tin phải ghi rõ lấy của Newsweek.
Vụ website “cò con” Drudge Report qua mặt giới truyền thông dòng chính có thể coi như hồi chuông báo thức đối với làng báo giấy. Được báo thức mà không chịu thức, một thập niên sau, báo thức đã thành báo tử. Kể từ cuối 2008 sang 2009, làng báo giấy đang trải qua những ngày tàn.
Năm 1964, khi Giáo hoàng Paul VI là vị giáo chủ đầu tiên của Vatican hành hương Thánh địa Jerusalem, tuần báo Paris Match của Pháp đã thuê bao nguyên một chiếc phi cơ Caravelle, có thiết bị tòa soạn và phòng tối, với hàng trăm phóng viên chụp hình và làm tin, hầu kịp thời cung cấp đầy đủ hình ảnh và tin tức về chuyến đi lịch sử. Dù nhà báo cố gắng phi thường như vậy, độc giả cũng phải đợi mấy ngày sau chuyến đi để có số báo đặc biệt trên tay. 45 năm sau, ngày 15 tháng 1, 2009, khi tin tức và hình ảnh chiếc máy bay Airbus 320 của hãng US Airways bị nạn phải đáp xuống sông Hudson ở New York được tung lên mạng, có người nhận được tin, chạy ra bờ sông, vẫn còn thấy máy bay chưa chìm. Chính vì vậy, những tạp chí chú trọng nhiều về hình ảnh, trước ưu thế của TV, đã phải thay đổi hoàn toàn như Paris Match, hay đình bản như Life của Mỹ.

Khi người ta chỉ có thể đọc tin trên báo, thì báo chí là một định chế vũng chắc trong xã hội. Khi mọi sự đều có thể tìm thấy trên internet, mau lẹ và tiện lợi hơn, thì địa vị của báo giấy bị lung lay. Drudge Report qua mặt cả làng báo năm 1998 đánh dấu sự thay đổi từ báo giấy sang báo mạng.
Tin công bố ngày 21 tháng 4, 2009 cho biết: Tam cá nguyệt đầu năm 2009, New York Times lỗ 74.5 triệu đô la, so với 335.000 cùng thời gian vào năm ngoái; quảng cáo sụt 28.4%. Boston Globe, nhật báo lớn vào hàng thứ 14 trên nước Mỹ, dự tính sẽ lỗ 85 triệu đô la năm 2009. Năm 1993, New York Times mua Boston Globe với giá 1.1 tỉ đô la, cách đây hai năm được định giá là 500 triệu, giá trị vào năm ngoái chỉ còn 20 triệu.
Vào tháng Tư, Washington Post bỏ đi nhiều mục thường xuyên, rút bớt số trang, và vào tháng Năm, hơn 100 ký giả ra đi, giảm bớt hơn 10% nhân viên phòng tin tức.
Tại kinh đô xe hơi, hai nhật báo Detroit Free Press và Detroit News quyết định không bán báo giấy các ngày thứ Hai, Ba, Tư và Bảy trong tuần. Các ngày này, chỉ có báo mạng.
Vào tháng 3, 2009, công ty Hearst cho biết báo San Francisco Chronicle năm ngoái lỗ mỗi tuần 1 triệu đô la. Công ty này cũng quyết định ngừng phát hành báo giấy Seattle Post-Intelligencer, chỉ còn tiếp tục dưới dạng báo điện tử; ban biên tập từ 165 người rút xuống còn 20.
Báo lớn kỳ cựu như Chicago Tribune, sau khi lỗ 124 triệu năm 2008, đã khai phá sản vào đầu tháng 12, 2008. Philadelphia Inquirer cũng khai phá sản ngày 21 tháng 2, 2009.
Báo giấy xuống dốc, một phần cũng do ảnh hưởng kinh tế suy thoái. Nhưng nguyên nhân chính, là trước tình trạng ngày càng thông dụng của internet, báo giấy có nhiều bất tiện, và trở thành lỗi thời.

Đệ tứ quyền tại Việt Nam

Từ khi xuất hiện tới nay khoảng 150 năm, báo chí Việt Nam có một lịch sử tương đối lâu dài. Nhưng có thể nói, chưa bao giờ thực sự đóng vai đệ tứ quyền theo đúng nghĩa của nó. Cây cổ thụ báo chí Việt Nam là một cây bon-sai, ngay từ khi ra đời đã được mọi chế độ kế tiếp nhau cắt xén, uốn nắn theo ý muốn của người cầm quyền. Trong khi truyền thông Việt Nam ít nhiều đóng vai trò trang trí cho chế độ, truyền thông nước ngoài đã có tầm ảnh hưởng lớn trên tình hình Việt Nam.
Vào những năm 1955, 1956, Buttinger và Oram của hội “Những bạn Mỹ của Việt Nam” (American Friends of Vietnam) đã quy tụ được giới truyền thông Mỹ làm hậu thuẫn cho ông Ngô Đình Diệm, như: Whitelaw Reid, Chủ nhiệm và Chủ bút New York Herald Tribune; Malcolm Muir, Chủ nhiệm Newsweek; Walter Annenberg, chủ Philadelphia Inquirer; William Randolph Hearst Jr. của New York Journal-American; và quan trọng hơn cả Henry Luce, chủ công ty Time. Với những tay tổ báo chí như vậy ủng hộ, ông Diệm bỗng chốc biến thành “kỳ nhân” (Miracle man). Vào đầu năm 1955, Buttinger đã được khen tặng là “hầu như chỉ có một người mà đã làm được sự thay đổi quan niệm của công chúng Hoa Kỳ về Việt Nam trong vòng một tháng”.
Nhưng chỉ sáu bảy năm sau, báo chí Mỹ đã biến kỳ nhân Ngô Đình Diệm thành “dã nhân” cần phải tiêu diệt. Theo nhà sử học Mark Moyar:
Halberstam, Sheehan, và Karnow đã vô tình tạo ra thiệt hại to lớn cho nỗ lực của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam - làm cho họ trở thành những nhà báo tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Là những nhà báo hàng đầu ở Việt Nam vào năm 1963, họ ủng hộ việc Mỹ can dự vào Việt Nam, trái hẳn với giới ký giả chiến tranh trong những năm sau này. Nhưng họ đánh giá thấp Tổng thống Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam và họ quyết định rằng cần phải loại ông ta nếu muốn thắng cuộc chiến. Ráng ảnh hưởng tới lịch sử một cách trơ tráo, Halberstam, Sheehan, và Karnow đã cho các đối thủ của Diệm trong chính quyền Hoa Kỳ những thông tin xấu về Diệm qua báo chí hoặc riêng tư. Hầu hết những thông tin họ loan truyền đều không đúng hoặc xuyên tạc, một phần do bởi họ dựa quá nhiều vào một thông tín viên của Reuters là Phạm Xuân Ẩn, người thật ra là một điệp viên của cộng sản. Các nhà báo này thuyết phục Đại sứ Henry Cabot Lodge chấp nhận báo cáo của họ thay vì những báo cáo chính xác hơn nhiều từ CIA và quân đội, khiến Lodge hối thúc các tướng Nam Việt Nam làm đảo chánh. Những bài báo gợi ý đồng minh chính của Diệm đã mất tin tưởng khiến các tướng Nam Việt Nam đón nhận âm mưu đảo chánh - người Việt ưu tú thường hiểu lầm ký giả Mỹ là phát ngôn viên chính thức của chính quyền Hoa Kỳ.
Thật ra, không phải chỉ có ba ký giả trên đây đã khai tử chế độ ông Diệm bằng quyền thứ tư. Chính bộ tham mưu của Kennedy đã dùng truyền thông để đánh ông Diệm những đòn chí tử. Sau vụ tấn công chùa vào tháng 8-1963, Washington đã cho đài VOA cải chính tin nói quân đội tấn công chùa, có nghĩa là lực lượng đặc biệt của ông Nhu đã làm việc này, và loan tin Mỹ sẽ ngưng viện trợ cả quân sự và kinh tế, nếu Sài Gòn không “có hành động ngoạn mục tức thì” thả hết các Phật tử bị bắt và thỏa mãn nguyện vọng của họ.
Ngoài ra, để khai mạc chương trình “Tin buồi chiều” mới của đài CBS, tăng từ 15 phút lên nửa giờ mỗi ngày bắt đầu từ ngày 2 tháng 9, 1963, Walter Cronkite đã được Tổng thống Kennedy dành cho cuộc phỏng vấn độc quyền (thu băng trước tại cư sở gia đình ở Hyannis). Tuy Cronkite đã tức giận khi biết Tham vụ Báo chí Bạch Ốc Pierre Salinger xếp đặt để Kennedy thả vào cuộc phỏng vấn đặc biệt này lời tuyên bố quan trọng về Việt Nam. Nhưng cuối cùng, vì lời tuyên bố quá quan trọng, Cronkite không thể bỏ, và nó đã trở thành sử liệu:
“… tôi không nghĩ rằng cuộc chiến có thể thắng trừ khi được dân chúng ủng hộ, và theo tôi, trong hai tháng qua, chính quyền [Nam VN] đã xa rời dân chúng”.
Cộng sản đã mất 9 năm, và hy sinh mấy chục ngàn mạng sống, nhưng không lật được ông Diệm. Mặt trận truyền thông đã thành công. Sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, để bảo vệ uy tín của ông, đám cận thần cũ đã cố gắng thay đổi ảnh hưởng cuộc phỏng vấn chết người ngày. Salinger đã viết trên New York Times Magazine và trong sách sau đó là CBS đã xuyên tạc Kennedy bằng cách cắt bỏ những chỗ làm cho lời tuyên bố nhẹ đi. Trong hồi ký A Reporter’s Life, Cronkite nói quả thật CBS có cắt đi những chỗ như “Tôi khâm phục những gì Tổng thống [Diệm] đã làm”, nhưng nội dung vẫn không thay đổi.
Có thể nói, sau này, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc như nó đã diễn ra, phần lớn cũng do mặt trận truyền thông.

*

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những nắm trọn trong tay các quyền thứ nhất, thứ hai, và thứ ba, mà còn nắm cả quyền thứ tư, là truyền thông. Chín chục năm trước, tại Versailles, Nguyễn Ái Quốc đòi tự do báo chí cho dân Đông Dương. Đảng đã cầm quyền được hơn 60 năm, nhưng vẫn không chịu cho người dân tự do ngôn luận. Có thể vì nhờ vậy mà Đảng vẫn còn cai trị cho đến hôm nay. Tuy nhiên, đệ tứ quyền đang trải qua một cuộc đổi đời, mà dù muốn hay không, Đảng cũng không thể kìm giữ như trước nữa. Giống như sự biến đổi của đứa trẻ từ vị thành niên sang tuổi trưởng thành.

Một trăm năm trước, tại Nhật Bản, muốn vận động dân trong nước bằng sách Hải ngoại huyết thư, cụ Phan Bội Châu phải rất khó khăn khi làm chuyện này. Từ sau khi viết tới khi sách đến tay người đọc, phải qua nhiều giai đoạn: Xoay tiền, in (chỉ mấy trăm bản), và gian lao nhất là kiếm người mang về nước, và phổ biến trong nước an toàn. Mức độ an toàn nhờ vào may rủi. Ngày nay, nhờ mạng internet, tất cả những gì được đánh vào computer, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, khoảng cách giữa người viết và người đọc chỉ là một vài cái nhấn. Bất kể một vài người đọc hay hàng triệu người. Đó là sự đổi đời của truyền thông trong một thế kỷ.

Trước những thay đổi kỳ diệu đang diễn ra nhanh chóng, hình như cả phía cầm quyền lẫn người dân, trong và ngoài nước, đều chưa bắt kịp thời đại của mình. Người cầm quyền vẫn sử dụng các biện pháp giới hạn từ hàng trăm năm trước, như không cho tư nhân ra báo, sách nhiễu, bỏ tù những người nói thẳng. Trong khi ấy, phía người dân, lại chỉ chống đối - nhiều khi chống lẫn nhau - thay vì tìm cách vô hiệu hóa những giới hạn của phía cầm quyền.

Để vượt qua chủ trương của Đảng Cộng sản cấm tư nhân ra báo, tư nhân Việt cả trong và ngoài nước có thể chung sức ra những tờ báo mạng mà Đảng không thể ngăn cản hay kiểm soát được. Số người sử dụng internet hiện nay ở Việt Nam đã trên 20 triệu. Một tờ báo mạng chỉ cần có được 10% số này là độc giả, cộng với người đọc ngoài nước, là có khoảng vài ba triệu người đọc. Điều này không thể thực hiện với báo giấy, nhưng có thể làm với báo mạng. Biện pháp thông thường nhất của Đảng để ngăn ngừa, là tường lửa. Nhưng kẻ chơi lửa sẽ cháy vì lửa.


© 2009 Đinh Từ Thức
© 2009 tạp chí talawas


-----------------------------------------

PHẢN HỒI :

Thật ra đã có những tờ báo mạng từ mấy năm nay nhưng ảnh hưởng của chúng không được rộng lớn vì bức tường lửa của nhà cầm quyền cộng sản. Chúng ta có thể kể vài tờ mạng như sau :

Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận :
http://tudongonluan.atspace.com/
Số 1 ra ngày 15-4-2006 và cho tới nay được 76 số

Bán nguyệt san Tổ Quốc :
http://www.to-quoc.net/
Số 1 ra ngày 15-9-2006 và cho tới nay được 66 số

Tập san Tự Do Dân Chủ :
http://www.tudodanchuvn.com/
Số 1 ra ngày 2-9-2006 và cho tới nay được 13 số. Số mới nhất (số 13) ra ngày 12-3-2009)

Tạp chí Phía Trước ở hai địa chỉ :
http://www.phiatruoc.org & http://www.phiatruoc.net và cho tới nay đã ra được 23 số.

No comments:

Post a Comment