Ngô Nhân Dụng
Tuesday, June 23, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96922&z=7
Hiện nay, người lịch sự không dùng chữ “người mù” mà phải viết là “người khiếm thị.” Sửa lối nói, vì những người mắt sáng muốn tỏ lòng kính trọng đối với những đồng loại không may mắn, mất khả năng nhìn bằng đôi mắt.
Nhưng xin quý vị cho phép chúng tôi dùng tên gọi khiếm nhã cũ, khi kể lại một câu “chuyện người mù” thời xưa, thời xã hội chưa tiến bộ như bây giờ. Thời đó người ta chỉ gọi người không trông thấy được là “người mù.” Có người nói như vậy còn tỏ vẻ khinh bỉ, rẻ rúng những “người mù;” mà không thấy áy náy, không ngượng ngùng nữa. Ngày nay xã hội văn minh hơn, chúng ta tránh những tiếng nói hạ phẩm giá người khác, nhất là những người không được may mắn như mình. Chúng ta chỉ dùng những chữ như “điếc” hay “mù” khi nói đến khuyết tật, nhưng khi nói về con người thì dùng những từ nhẹ nhàng, tôn kính hơn. Phải nói loài người bây giờ đã tiến bộ hơn trong cách đối xử với nhau, và chúng ta nên hãnh diện về sự tiến bộ đó.
Có tác giả kể chuyện một người mù, tôi đọc thời niên thiếu, bây giờ đã quên tên người viết, tôi đã lục tìm bằng các phương tiện rất mới nhưng vẫn không tìm ra tung tích. (Quý vị có thấy nguyên bản ở đâu làm ơn chỉ cho chúng tôi được đọc lại.)
Câu chuyện đó để lại một ấn tượng rất mạnh cho nên tới giờ tôi vẫn chưa quên. Vì đó là chuyện khích động giai cấp cần lao hãy vùng lên tranh đấu đòi quyền lợi cho mình.
Chuyện kể về một chuyến xe lửa chở thợ khai mỏ trên đường đi làm, rồi từ hầm mỏ trở về nhà. Những người lao động này phải ra đi từ sáng sớm, trước khi mặt trời mọc; và lúc họ trên đường trở về nhà với thân thể mệt nhoài thì trời cũng đã tối đen. Nhưng trong toa xe lửa không có đèn, không bao giờ có đèn. Và mọi người ai cũng chấp nhận như thế, coi đó là một điều tự nhiên. Khi tìm được một chỗ ngồi hay chỗ đứng trong toa xe là họ cũng bắt đầu ngủ gật hay là ngủ gục, còn ai quan tâm đến đèn đóm làm gì?
Cho đến một hôm, có một người mù cũng đáp chuyến xe lửa tối đen đó, chen chúc giữa đám phu mỏ. Bỗng anh mù đánh rớt một vật gì đó, một đồng xu chẳng hạn, và anh ta cúi xuống rờ mò tìm kiếm. Tìm mãi không ra, anh ta nói nhờ những người chung quanh kiếm giùm. Không ai tìm ra. Anh mù than phiền rằng mọi người không tử tế, có đôi mắt sáng mà không chịu tìm giúp một người mù như anh. Mọi người bèn giải thích là trong toa xe lửa tối đen, không ai thấy gì cả. Anh mù ngạc nhiên: Trong xe không có đèn à? Tại sao họ không thắp đèn? Sao vô lý vậy? Các anh để cho bọn chủ nhân họ bóc lột, họ bạc đãi các anh như vậy mãi mà cứ cam chịu hay sao?
Cuối cùng, mọi người đồng ý rằng các công nhân có quyền đòi hỏi mỗi toa xe phải thắp ít nhất một ngọn đèn bão, chẳng tốn kém bao nhiêu nhưng sẽ sống dễ chịu hơn. Họ cử người đại diện đến xin các ông chủ, bị các ông chủ nhân từ chối. Họ tổ chức đình công, nhiều cuộc tranh chấp diễn ra. Trước sự đoàn kết của các công nhân, các chủ nhân phải nhượng bộ.
Câu chuyện thật lý thú, chuyện một người mù chỉ cho những người mắt sáng thấy họ có quyền được sống trong ánh sáng. Nói theo lối các anh chị em Mác xít, người mù này “giác ngộ quyền lợi” trước những người sáng mắt.
Trong xã hội nào cũng vậy, người ta sống trong một nề nếp quen rồi, không biết rằng đáng lẽ mình không nên sống như thế, hoặc không bắt buộc phải sống như thế. Thí dụ có một bọn trẻ không được giáo dục, sống chung mà không có thói quen nói năng lễ độ với nhau. Ðến khi gặp một người biết nói năng, thưa gửi với các em đó một cách lễ độ, các em thấy là hay, từ đó bắt chước. Một thời gian sau, mọi người đều biết thưa gửi, biết xin lỗi, biết cảm ơn lẫn nhau, cả xã hội sống lịch sự hơn. Từ đó, nghe ai nói năng cục cằn thô lỗ thì mọi người đều cảm thấy khó chịu.
Có những xã hội người ta coi việc xin xỏ, lạy lục, hối lộ quan chức nhà nước là chuyện bình thường. Hoặc coi những ông lớn, những ông có chức có quyền tất nhiên phải được hưởng mọi ưu tiên hơn mình, đó là chuyện tự nhiên. Coi báo, đài phải tuân theo mệnh lệnh nhà nước cũng là chuyện tự nhiên, trời sinh ra như vậy.
Hãy làm thí nghiệm cho những người này được thử sống trong một xã hội tự do. Cho họ thấy ở một nước dân chủ người dân đến công sở không phải lo hối lộ, khi chờ đợi thì một quan chức nhà nước cũng phải xếp hàng như mình, ai đến trước đứng hàng trước, đến sau đứng sau. Và thấy người ta được tự do sử dụng các phương tiện báo chí, phát biểu ý kiến riêng mà không sợ ai hết. Cho sống như vậy một thời gian, họ sẽ quen đi, khi trở về xứ sở cũ họ sẽ thấy lối sống trong sợ sệt, lối sống bất bình đẳng và thiếu tự do là không thể chấp nhận được. Khi đó những người này có thể trở thành “những anh mù sáng suốt” chỉ cho mọi người quyền được sống trong ánh sáng.
Trong mọi xã hội còn chậm tiến, cần phải có những người “sáng suốt hơn” như anh mù trong câu chuyện ngụ ngôn trên, đứng ra bảo cho người chung quanh là cái lối họ sống như cũ làm họ mất nhân phẩm! Con người không thể sống như vậy! Cần phải thay đổi! Rồi phải có những người có can đảm đứng lên đòi thay đổi, quyết tâm đòi thay đổi, không sợ khó, không sợ chết. Những người thấy trước, biết trước người khác; cùng những người can đảm tranh đấu cho người khác được hưởng những quyền lợi đáng được hưởng, chúng ta rất cần.
Ngay trong các xã hội tiến bộ rồi người ta cũng cần những “anh mù” như trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, những người nhìn rõ các vấn đề chung để cùng tìm cách giải quyết. Trong các xã hội tự do dân chủ thì những người đi trước đó có quyền kêu gọi các đồng loại của mình, nếu có ý kiến khác nhau thì sẽ có dịp tranh luận.
Còn trong những xã hội độc tài đảng trị thì họ cấm bàn, vì giai cấp cầm quyền chỉ muốn ai ở đâu ở đó, trên bảo dưới nghe. Các chính quyền độc tài coi dân như trẻ con, họ là cha mẹ, cha mẹ cho con cái gì thì được cái đó, không được đòi hỏi.
Chúng tôi nhớ lại câu chuyện về người mù trên đây vì mới đọc một bài báo với câu hỏi là “Dân Chủ cho ai?” được trích đăng lại trên nhật báo Người Việt gần đây. Ðại ý bài này nói rằng đa số đồng bào chúng ta sống ở Việt Nam không cần sống trong chế độ tự do dân chủ; do đó tranh đấu Dân Chủ là làm một việc không cần thiết.
Cái ông, bà nào viết bài đó rõ ràng là người dễ tính. Ông/bà ta coi 80 triệu con người sống thỏa mãn với chế độ độc tài chuyên chế của đảng Cộng Sản; cứ tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó, bất công và mất tự do như vậy mà không người Việt nào cảm thấy hổ thẹn với lân bang.
Xã hội nào cũng có những người dễ tính như vậy, nhất là những người đang được hưởng thụ nhờ cơ cấu xã hội đó.
Nhưng thế nào cũng cần phải có những “người mù sáng suốt” hơn người khác, như trong câu chuyện trên đây. Nếu không thì người chung quanh cứ chịu sống trong cảnh tăm tối mãi mà không biết là mình thiếu thốn, là mình bị khinh rẻ, bị sỉ nhục.
Vậy thì từ mấy thế kỷ nay, cả thế giới loài người đã tranh đấu đòi tự do dân chủ, họ đòi Dân Chủ cho ai nhỉ? Cho tất cả chúng ta, cho cả ông hay bà nào viết bài báo đặt câu hỏi đó. Sống tự do là lối sống tôn trọng và bảo vệ giá trị con người, tất cả mọi người. Ðó là sự tiến bộ của nhân loại, phải mất hàng trăm năm, bao nhiêu người đổ máu mới đạt được sự tiến bộ đó. Từ nô lệ bước tới tự do, văn minh nhân loại được xây dựng dần dần như vậy. Cũng giống như lối nói năng lễ phép, tránh không dùng những chữ “người mù,” hay “người điếc” mà sử dụng các tiếng thanh nhã và kính cẩn hơn. Ðó cũng là một nếp sống văn minh mọi người cùng bảo nhau phải sống. Nói năng lễ độ là niềm hãnh diện của loài người, cũng như mọi người hãnh diện khi được sống tự do. Chúng ta chọn sống theo lối đẹp đẽ văn minh; không tiếp tục sống trong bất công, sợ hãi, mất phẩm giá người khác và của mình.
Dân chủ cho ai?
akavn
20-06-2009, 01:38 AM
http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?p=336593#post336593
Đây là bài thứ hai tôi viết trên X-cafe.
Tôi là một trí thức sống giữa lòng Hà Nội, mắt thấy, tai nghe tất cả những diễn biến chính trị đặc biệt là vụ bắt luật sư Định vừa rồi.
Bài viết này không phải để ca ngợi hay phản đối bên nào. Viết chỉ để nói lên một thực trạng, và dãi bày một vài thắc mắc.
Khi anh Định bị bắt, tôi lên tiếng bênh vực anh trên blog cá nhân, sau đó có tranh luận với một số bạn bè thân thiết, những người bình thường vẫn coi nhau như anh em trong cuộc sống.
Họ nói rằng những người như họ không cần cái dân chủ mà anh ĐỊnh đang đấu tranh. Cái họ cần là yên ổn để làm ăn!
Đó là những ngườu bạn tôi, họ cũng là trí thức, và tôi hiểu, họ chính là đại diện cho tầng lớp trí thức đông đảo nhất tại HN.
Một người nói, chúng mày đấu tranh giành dân chủ để làm gì? cho ai? Cho nhân dân à? Thế thì trong đó không có tao, tao ko cần chúng mày đấu tranh gì cho tao hết.
Một người khác nói, trong đó cũng không có tao!
Và nếu có hỏi ngươi thứ ba, thứ tư, chắc chắn họ cũng trả lời như vậy!
Vậy ta đấu tranh dân chủ cho ai?
1- Cho người nông dân nghèo khổ? Người ngư dân lam lũ? Họ có biết dân chủ là cái gì đâu? Họ chỉ cần cho tiền, cho thóc gạo, mì tôm là họ sướng. Bảo đấu tranh dân chủ cho họ họ có cám ơn không hay còn chửi chúng ta là phản động!
2-Cho tầng lớp trí thức? báo chí? Những con người được học hành có hiểu biết nhưng bị bóp nghẹt tư tưởng, không có tự do ngôn luận? Thì đấy, họ trả lời là họ đâu có cần, với họ sống và tuân thủ đúng pháp luật đấy là tự do, là dân chủ. Cái họ cần là môi trường ổn định để họ kiếm tiền, nuôi vợ, nuôi con.
3-Vậy chẳng nhẽ cho chính chúng ta, những con người với một nỗi "khát" dân chủ cháy bỏng? Vậy ra chúng ta làm dân chủ vì mục đích cá nhân hay sao?
Vậy DÂN CHỦ LÀ DÀNH CHO AI???
Nhưng mà đấy, đó là thực trạng của cuộc sống xung quanh tôi. Nó giống như một cái ao bèo phẳng lặng và anh Định chỉ như một cục đá ném xuống cái tõm. Những lá bèo còn chửi tổ sư thằng nào ném đá làm mất giấc ngủ bình yên.
Dân Chủ cho tui
3 Sún
21-06-2009, 03:11 AM
http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=27525&page=3
Xin dân chủ cho tui,
Bấy lâu vô đọc x-cà nhưng mà không dám viết, không dám phát biểi ý kiến vì sợ công an mạng truy ra cái địa chỉ thì chết cả họ nhà tui, mấy hôm nay đọc cái bài viết của anh akaVN, tôi mấy lần tính tham gia nhưng cái sợ lại làm tui không dám gởi, sợ mấy bác công an mạng lắm, Hôm nay nhờ thằng em bên ngoài gởi cho chắc ăn.
Tui là một nông dân ở miền trung, ngoài việc làm ruộng, nuôi heo, thỉnh thoảng lén bà xã đi tới tiệm nét để vô X-cà, DCV, BBC để tìm chút gió lạ bồi dưỡng tinh thần. Nhưng mà vô mấy chỗ này thì cũng rét lắm, nhưng mà mê quá không vô không được. Cho nên vẫn cứ lén vô mà vừa đọc vừa run.
Bây giờ trở lại câu hỏi dân chủ cho ai ? Xin thưa là xin được dân chủ cho tui và những người như tui nè, vì sao:
Điều thứ nhất- Tui thèm được tự do để được vô nét để học hỏi về những điều mình thích, mình quan tâm bên ngoài những điều nhà nước và dang CS rao giảng ra rả mỗi ngày trên mấy cái loa công cộng mà không phải sợ chính quyền gắn cho cái tội phản động, tư tưởng xấu. Tui cũng thèm được tự do phát biểu tư tưởng, ý kiến của mình mà không sợ công an xã, công an huyện bắt đi cải tạo vì trái với đường lối tư tưởng của đảng.
Phàm là con người thì ngoài thức ăn cho thể xác, ai cũng cần có thức ăn cho trí tuệ, và cho tâm hồn nữa. Chỉ có loài vật mới có thể thỏa mãn khi được ăn no, rồi ngủ kĩ, sống chết mặc bay, vật lo thân vật. Con người thì ai chẳng có ước mơ được sống vui vẻ và hạnh phúc, được tự do tư tưởng, được nói lên những gì mình nghĩ, mình thất đúng Tui nghĩ một chết độ dân chủ sẽ bảo đảm cho tui cái quyền được học hỏi, được suy nghĩ, được nói, được tranh luận mà không sợ bị tù, bị bắt cải tạo, gia đình bị trù dập vì nguyên tắc chính của chế độ dân chủ không phải chỉ là thiểu số phải phục tùng đa số, mà phải bảo vệ cho thiểu số được quyền nói lên ý kiến của mình mà không sợ phe đa số trừng phạt.
Điều thứ hai- Tui cần dân chủ vì nơi tui đang sống chính quyền từ thôn, xã, huyện, tỉnh cả tới trung ương 100% là dốt nát, tham nhũng, hối lộ, dâm ô, đạo đức suy thoái nhưng vẫn cứ hết năm này tới năm khác, hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác vẫn là cán bộ, vẫn tiết tục vênh vang, tiếp tục tham nhũng mà lũ dân đen tui chẳng làm gì được cả. Nếu có dân chủ thì tui chắc chắn là những tên cán bộ dốt nát, tha hóa kia, không thể kéo dài quá một nhiệm kỳ. Tui mong được có dân chủ để những người có tài năng, có tâm huyết được tự do ra ứng cử, và tự do tranh cử để thay thế cho cái đám cán bộ thối tha kia, và tui cũng có thể được tự do chọn lựa người tui tín nhiệm để bỏ phiếu ủng hộ họ ra làm.
Điều thứ ba - Là tui mong có dân chủ để xã hội được công bình và mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, tui có quá nhiều oan ức mà không dám kiện cáo với ai được cả vì tòa án và chính quyền là một, cùng một đảng thì nếu tui đi kiện chi'nh quyền thì chỉ có từ chết tới bị thương. Nhà tui chẳng phải giàu có lắm, nhưng ông bà nhiều đời trước và tới đời cha mẹ tui đã ăn nhín, làm ráng cần kiệm lắm để có mua được vài mẫu ruộng canh tác và làm hương hỏa cho ông bà, từ ngày chính quyền bắt buộc vô hợp tác xã, ruộng nhà tui bây giờ thành ruộng nhà nước, chính quyền xã lấy bán làm khu công nghiệp và phân lô chia nhau bán lấy tiền làm giàu riêng, cán bộ xã, huyện ông nào cũng có vài lô bán lấy tiền, còn gia đình tui thì bao đời đã tằn tiện để được làm chủ số ruộng đất đó mà giờ nhìn người bán lấy tiền làm giàu riêng mà không dám nói ho hé một tiếng. Nếu dưới chế độ dân chủ thì chắc chắn gia đình tui không phải chịu thua thiệt như vậy. Tui cần một chính quyền dân chủ để pháp luật được công minh, không phải như hai người hàng xóm tui cũng bị một tội uống rượu, đánh lộn như nhau mà người có 10 triệu cho quan tòa thì bi. 9 tháng tù treo, còn người không có tiền thì 3 năm cải tạo, hay thằng bé con ông anh họ đói quá đào trộm mấy bụi sắn của ông công an xa mà bi đánh tơi bời còn bị đưa đi cải tạo một năm trời, còn con bà bí thư xã bán mấy trăm tấn phân đa.m của hợp tác xã lấy tiền đi bia ôm mà chỉ bị cảnh cáo, phê bình rút kinh nghiệm.
Điều thứ tư - Là tui cầu xin dân chủ cho con cái của tui vì nghe tụi nó dù tốt nghiệp đại học chính qui hẳn hoi, tài giỏi hơn những xiếp của tụi nó, mà vẫn không dám phản biện, hay đưa ý kiến trái với xiếp dù biết xiếp nó dốt, nói sai, làm sai vì đa phần những vị trưởng phòng, giám đốc là bằng cấp mua, học chuyên tu, tại chức chỉ nhờ là lí lịch tốt, bè cánh đảng viên mà lên. Chỉ dám nói lẫn nhau mà cũng còn sợ ăng ten của xiếp tiết lộ bị trù yếm thì mất việc làm. Tui mong sao có chế độ dân chủ cho con tui dám chỉ trích cái sai, dám đứng thẳng làm một con người đúng nghĩa chứ không phải quì gối cúi lưng, nịnh nọt kẻ có chức có quyền theo đóm ăn tàn của cái xã hội này tạo ra. và còn rất nhiều điều nữa nhưng tui tạm có bốn cái điều làm cho tui bức xúc nhất mà cũng là những điều chính tại sao tui lại thèm chế độ dân chủ như vậy
3 Sún
No comments:
Post a Comment