Friday, June 19, 2009

CHÍNH QUYỀN CẦN SỬA SAI CÁCH HÀNH SỬ ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

Cần sửa sai cách hành xử đối với phụ nữ
Hoàng Lan
http://www.thtndc.com/index.php?option=com_content&view=article&id=519%3Acn-sa-sai-cach-hanh-x-i-vi-ph-n-hoang-lan&catid=58%3Abaivietvethtndc&Itemid=75
Những ngày đầu tháng Sáu, thông tin về ba người phụ nữ Việt Nam ở ba miền đất nước, làm việc trong ba ngành nghề khác nhau, đến với tôi một cách ngẫu nhiên và thật trùng hợp.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh ở Quảng Nam bị buộc thôi việc chỉ vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thêm những nguồn tài liệu nhiều chiều và đào sâu cảm nhận vẻ đẹp của Con người, vượt qua những vẻ ngoài bóng bẩy thần thánh mà một nhóm người chủ ý tạo ra.
Đạo diễn Song Chi rời Sài Gòn để tỵ nạn chính trị ở Na-Uy, sau khi bị làm khó dễ trong công việc nghệ thuật của chị, chỉ bởi vì chị thẳng thắn nói lên bức xúc của mình về hiện trạng xã hội và tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo Tổ Quốc.
Còn Luật sư Lê Thị Công Nhân ở Hà Nội, mặc cho tình trạng sức khỏe tồi tệ vì cuộc sống kham khổ trong nhà tù, mà trạm xá trại giam không đủ khả năng chữa trị, vẫn bị chính quyền từ chối không cho đi điều trị ở bệnh viện.

Tôi đồng cảm với chị Song Chi, “chỉ là một người phụ nữ yêu công việc làm phim của mình, chỉ muốn sống với mối bận tâm về công việc và gia đình thôi, nhưng rồi cuối cùng cũng phải lên tiếng, để rồi đành phải rời khỏi đất nước…” Tôi thấy hổ thẹn cho nền giáo dục nước nhà khi một giáo viên trẻ, nhiệt huyết, mong muốn khơi dậy tính sáng tạo cho học sinh của mình, thì bị buộc thôi việc chỉ vì đụng đến những danh từ và chủ đề “nhạy cảm.” Tôi khâm phục, nhưng xót xa cho chị Công Nhân, một người phụ nữ trẻ, có tài, dũng cảm – vâng, để sống thẳng thắn, để ngẩng cao đầu trong phẩm giá con người trong cái xã hội này dường như người ta phải trả giá đắt.


Cách hành xử mà Nhà nước đối xử với ba người phụ nữ ấy, theo tôi, sự sai phạm đó không chỉ xảy ra lần này mà đây là vấn đề thường xuyên của Nhà nước từ lâu nay.


Trước hết, là cách xử sự của chính quyền với công dân của mình. Mới hôm qua, xem thời sự, nói về kết quả cuộc đối thoại Việt-Mỹ về quốc phòng, an ninh, chính trị, Thứ trưởng Thường trực Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh còn phát biểu, đại ý như sau: Ít nhất ngồi lại được với nhau như vậy là điều tốt; phải ngồi lại, nói chuyện với nhau như vậy mới hiểu vấn đề, và giải quyết trọn vẹn vấn đề. Vâng, Nhà nước sẵn sàng ngồi lại với Mỹ, với Pháp, cựu thù của Việt Nam. Vậy mà với những công dân Việt Nam tâm huyết, họ chưa nghĩ, chưa làm được vậy. Đó không phải là điều trớ trêu cho dân tộc sao? Chị Song Chi hay cô giáo Bích Hạnh bị mất việc, đã bao giờ được ngồi lại với người có thẩm quyền, để giãi bày những bức xúc, những khát vọng cho đất nước, cho sự nghiệp trồng người? Họ sẽ không bao giờ được giải thích họ làm gì sai, vì thực ra họ chẳng có gì sai cả. Sống và cống hiến cho những gì mình tin tưởng, vì đất nước, vì Con người, chẳng có gì là sai cả.
Còn trường hợp giam cầm chị Công Nhân, đây là vấn đề về đạo đức xã hội. Chính quyền hay cao giọng, Việt Nam có bản sắc văn hóa riêng, không được áp đặt mô hình nào cả. Vâng, câu này nên áp dụng cho Nhà nước trước. Cách hành xử của Nhà nước với chị ấy hoàn toàn không phù hợp với đạo lý của người Việt Nam. “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo,” Lời nói bất hủ ấy của Nguyễn Trãi mới thể hiện đạo lý của người Việt Nam, một nền văn hóa đề cao tinh thần nhân nghĩa. Nghĩa quân Lê Lợi đại thắng quân Minh, nhưng mở đường nhân đạo cho họ về nước, giữ hòa khí lâu dài về sau. Vậy mà, trong thời bình, giữa những con người Việt Nam với nhau, cùng chia sẻ ước mong về một xã hội công bằng, dân chủ, tôi không thể hiểu tại sao người ta có thể làm ngơ trước bệnh tật của một phụ nữ chỉ vì quan điểm khác biệt.

Viết bài này, tôi chạnh lòng nhớ đến chị Phạm Thanh Nghiên, chị nuôi của chị Công Nhân và cũng là một phụ nữ đấu tranh cho dân chủ. Hè năm trước tôi còn được chuyện trò với chị qua điện thoại và biết trình trạng sức khỏe của chị rất kém, còn bị hành hung. Hè năm nay, không biết chị bị giam ở đâu. Không ai biết, kể cả gia đình. Người ta chỉ biết chị bị bắt vì lý do "an ninh quốc gia," sau khi chị cùng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nộp đơn xin biểu tình.

Những trường hợp dân oan là phụ nữ bị đánh đập, hành hung, cả khi đi khiếu kiện lẫn khi ở tù, không phải là cá biệt, như trường hợp của chị Hồ Thị Bích Khương ở Nghệ An, chị Lê Thị Kim Thu ở Đồng Nai, vợ Mục sư Nguyễn Công Chính…. Với tình trạng thu hồi đất bừa bãi để xây sân golf, xây dựng khu công nghiệp để rồi dự án bỏ hoang và quan tham chia chác đất để bán, tình trạng khiếu kiện đất đai và các vấn nạn xã hội xảy ra khi nông dân mất đất, mất nhà sẽ còn tiếp diễn. Người dân có quyền khiếu kiện, khiếu nại, trách nhiệm của cơ quan công quyền là phải giải quyết hợp tình, hợp lý, chứ không thể hành xử với công dân một cách bạo lực như vậy được. Nữa là với những người phụ nữ chân yếu tay mềm, không tiền không quyền, không có trong tay một tấc sắt.

Theo tôi, đã đến lúc Nhà nước cần quan tâm giải quyết đúng đắn những vấn đề này, trong tinh thần thượng tôn pháp luật. Các chị tuy là nhỏ bé, nhưng tiếng nói của các chị đã vang dội, cất lên giùm cho rất nhiều chị em phụ nữ cũng như nhiều người dân trong nước. Đất nước cần những người có tâm, có tài. Vì quyền lợi của thiểu số mà làm mất đi cơ hội phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của những con người tâm huyết, là có tội với Tổ quốc.

Hoàng Lan
Hà Nội, 11-06-2009


No comments:

Post a Comment