Tuesday, June 23, 2009

BẮT LÊ CÔNG ĐỊNH ĐỂ HÙ DOẠ NHỮNG AI DÙNG KINH TẾ LÀM DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH

Bắt Lê Công Định: hù doạ những ai muốn dùng kinh tế làm diễn biến hoà bình
Bùi Văn Phú
24/06/2009 5:58 sáng
http://www.talawas.org/?p=6564
Khi hay tin luật sư Lê Công Định bị bắt tôi không ngạc nhiên vì trong vài năm qua anh đã có nhiều phát biểu, nhận định về đất nước trái với quan điểm chính thống.
Với điều 88 của bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành, nhà nước thường dùng nó để trấn áp, bắt giữ và qui tội cho những ai phát biểu quan điểm bất đồng với chính quyền.

Nội dung điều 88 ghi tội: “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”:
1. Những ai có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Là người hoạt động nhân quyền lâu năm, trong quá khứ từ thời mà tốc độ thông tin không nhanh như bây giờ, tôi đã theo dõi kĩ các vụ bắt giam người ở Việt Nam và liên lạc với các tổ chức nhân quyền quốc tế để họ can thiệp, vận động trả tự do cho những người bị cầm tù vì những phát biểu ý kiến, hoặc nếu bị cáo buộc phạm luật, nghi can phải có luật sư bảo vệ trong khi bị điều tra. Nếu ra toà cần được xét xử công khai, bị cáo được quyền có luật sư biện hộ.

Trường hợp của luật sư Lê Công Định, theo cáo buộc của cơ quan an ninh thì nghiêm trọng hơn vụ việc của luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đang bị án tù vì phạm điều 88 bộ luật hình sự mà luật sự Định đã đứng ra bào chữa.
Với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền tôi tin là luật sư Lê Công Định đang bị khủng bố tinh thần. Việc làm của anh và nhiều người khác nữa trong hoàn cảnh Việt Nam hiện tại là vận động ôn hoà để đòi lại những quyền căn bản cho dân. Nhưng theo cách nhìn của nhà nước thì đó lại là âm mưu “diễn biến hoà bình”.

Theo điều 79 của bộ luật hình sự thì tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân có khung án nặng hơn tội tuyên truyền chống lại nhà nước, có thể là chung thân hay cả việc tử hình. Sự việc như thế đã được áp đặt lên các Thượng toạ Tuệ Sĩ và Trí Siêu hai mươi năm trước đây, với hai án tử hình cũng với tội âm mưu lật đổ chính quyền. Sau đó án đã được giảm xuống chung thân vì những phản ứng mạnh mẽ của quốc tế.

Điều 79 bộ luật hình sự ghi:
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.


Theo thông tin của cơ quan an ninh trong nước thì luật sư Lê Công Định đã có những nối kết với một số tổ chức hải ngoại, như Đảng Việt Tân, Đảng Nhân dân Hành động là những tổ chức muốn dùng kinh tế để chuyển hoá cơ chế chính trị tại Việt Nam qua hình thức diễn biến hoà bình, nghĩa là vừa đầu tư vừa vận động quần chúng và quốc tế để Việt Nam cải cách chính trị đưa đến một nền dân chủ đa nguyên trong đó người dân được quyền tự do thông tin, lập hội, bầu cử và ứng cử.

Luật sư Lê Công Định bị cáo buộc vi phạm các điều 79 và 88 của bộ luật hình sự, ra toà ở Việt Nam, như những bản án đã được áp đặt trước đây lên giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế thì cũng sẽ phải chịu án tù nhiều năm.

Theo tôi, chính vì lo sợ một bản án nặng sẽ được áp đặt nên luật sư Lê Công Định đã nhanh chóng nhận tội và xin khoan hồng. Là luật sư, tôi tin anh hiểu rõ pháp luật và cách giải thích luật ở Việt Nam hơn ai hết, vì thế tôi không trông đợi phiên toà sẽ là một diễn đàn chính trị để anh nói lên quan điểm của mình.

Hà Nội bắt luật sư Lê Công Định chính là để hù doạ những ai đang muốn dùng kinh tế để thúc đẩy cải cách chính trị. Một tín hiệu cho thấy thành phần bảo thủ còn đang nắm ưu thế trong hệ thống quyền lực và pháp luật ở Việt Nam ngày nay được dùng để bảo vệ Đảng hơn là bảo vệ dân.

© Buivanphu.wordpress.com 2009


No comments:

Post a Comment