Ngón tay giữa của Lê Công Định
Đinh Từ Thức
25/06/2009 3:31 chiều
http://www.talawas.org/?p=6619
Suốt tuần qua, từ trong nước tới hải ngoại, từ báo chí quốc doanh tới blog chống cộng đều nói tới việc Luật sư Lê Công Định đã “thú tội”, và xin “khoan hồng”. Điều này khiến tôi hoang mang, phải coi lại “video thú tội” do công an Việt Nam đưa ra, và định chép lại lời ông Định để đọc cho rõ. Nhưng chưa kịp chép, đã thấy DCV Online đăng lời chép lại (transcript) từ video. Để chắc ăn, tôi đã dò lại bằng cách tai nghe lời ông Định từ video, mắt đọc theo bản chép của DCV, thấy bản chép đúng với lời nói, nguyên văn như sau:
Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập Tự do Hạnh phúc
Bản tường trình
Tôi tên là Lê Công Định, sinh ngày 1 tháng 10, năm 1968, đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ 163/8 Xô viết Nghệ Tĩnh, tạm trú tại BB34 Toà nhà Mỹ Khang, khu 4 Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Nghề nghiệp Luật sư.
Tôi xin trình bày hành vi vi phạm pháp luật của tôi theo Điều 88 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như sau.
Thứ nhứt, tôi đã tham gia khoá huấn luyện đấu tranh bất bạo động do tổ chức Việt Tân tổ chức từ ngày 1 tháng 3, 2009 tới ngày 3 tháng 3, 2009 tại Thái Lan. Trong đó … do hai người Serbia trình bày. Một người tên là Blado, còn người kia thì tôi không nhớ rõ tên. Tôi biết Việt Tân là tổ chức khủng bố đã huấn luyện cho một số người Việt Nam về đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam.
Thứ hai, theo sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, tôi đã tham gia tổ chức Đảng Dân chủ Việt Nam do Nguyễn Sĩ Bình, Chủ tịch Đảng Nhân dân Hành động, đứng đầu. Ông Bình mời tôi tham gia ban Thường vụ của Đảng Dân chủ. Ngày 26 tháng 3, 2009 tôi sang Phukhet gặp ông Nguyễn Sĩ Bình và ông Trần Huỳnh Duy Thức để bàn về tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam, và về chủ trương thành lập thêm hai đảng là Đảng Lao Động Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam để thu hút thêm mọi người tham gia.
Trước mắt, tôi thống nhứt thành lập một blog mang tên là “Đảng Lao động Việt Nam” do tôi phụ trách và blog kia tên là “Đảng Xã hội Việt Nam” do anh Thức phụ trách. Và cũng tại Phukhet chúng tôi đã bàn về việc viết chung một cuốn sách mang tên là “Con đường Việt Nam” để tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội kinh tế và pháp luật cho Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi cũng đã nhận định thời cơ của sự thay đổi sẽ diễn ra vào cuối năm 2010, xuất phát từ tình hình kinh tế xã hội khủng hoảng. Sau khi về nước tôi đã lập một trang blog và viết lời tuyên cáo thành lập đảng Lao động Việt Nam nhưng do lỗi kỹ thuật chưa hoàn thiện và công bố thì nay tôi đã bị bắt.
Trong quá trình tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam tôi cũng đã góp ý chỉnh sửa một số văn phong và thuật ngữ của bản điều lệ của Đảng Dân chủ Việt Nam. Tôi cũng đã được ông Nguyễn Sĩ Bình chuyển cho tham khảo và nghiên cứu một bản tân hiến pháp nhằm phục vụ cho việc soạn thảo một bản hiến pháp của Đảng Dân chủ Việt Nam.
Tôi thấy rằng là những việc làm trên của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình và tôi mong được nhà nước xem xét, khoan hồng.
Ngày 17 tháng 6, năm 2009.
Người tường trình,
Lê Công Định
Có hai vấn đề trong “Bản tường trình” của Lê Công Định: Một là “thú tội”, hai là xin “khoan hồng”.
Trước hết về mặt “chính danh”. Lê Công Định không hề nói mình thú tội, hay nhận tội, mà đặt tên cho lời phát biểu của mình là “Bản tường trình”. Theo ngữ nghĩa, “bản tường trình” chỉ ghi lại những gì đã xẩy ra, còn những điều này có vi phạm pháp luật hay không, và người làm những điều đó có thú tội hay không, là chuyện khác. Khi Công an, và báo quốc doanh gọi Bản tường trình của Lê Công Định là “Lời thú tội”, hay “Bản thú tội”, rồi nhiều người khác cũng theo đó mà gọi, là đã cố ý hay vô tình áp đặt cho nó cái tên ngoài ý muốn của tác giả.
Đó là về hình thức. Về nội dung bản tường trình, Lê Công Định có thú tội phạm điều 88 không? Xin đọc lại lời phát biểu để tìm câu trả lời.
Lê Công Định nói: “Tôi xin trình bày hành vi vi phạm pháp luật của tôi theo Điều 88 Bộ luật Hình sự…” Lê Công Định không thú nhận mình đã vi phạm điều 88, mà chỉ “trình bày hành vi [đã bị cáo buộc] vi phạm pháp luật”, và kể ra những hành vi đó:
Thứ nhứt, tôi đã tham gia khoá huấn luyện đấu tranh bất bạo động do tổ chức Việt Tân tổ chức…. Tôi biết Việt Tân là tổ chức khủng bố đã huấn luyện cho một số người Việt Nam về đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam.
Cái hành vi thứ nhất này, chẳng những không phạm pháp, vì luật không cấm đấu tranh bất bạo động, mà còn nói ra một điều có vẻ khôi hài, đó là “một tổ chức khủng bố đã huấn luyện cho một số người đấu tranh bất bạo động”. Khủng bố và bất bạo động không đi đôi với nhau. Nói tổ chức khủng bố huấn luyện bất bạo động, có khác gì nói kẻ keo kiệt giứp đỡ người nghèo.
Hành vi thứ hai cũng không kém khôi hài: Tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam do Chủ tịch Đảng Nhân dân Hành động đứng đầu. Tham gia đảng này, do… chủ tịch đảng kia đứng đầu, thế là thế nào? Đảng Dân chủ Việt Nam trước đây là một đảng ngoại vi của Đảng Lao động, tức Đảng Cộng sản Việt Nam, được thành lập để đánh lừa dư luận thế giới rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một chế độ đa đảng. Khi việc lừa bịp này không còn cần thiết, Đảng Dân chủ đã bị giải tán. Khi ông Hoàng Minh Chính phục hồi nó để thu hút đảng viên cũ và lấy thế hoạt động, đã cho nó cái tên mới là Đảng Dân chủ XXI. Như vậy, Đảng Dân chủ Việt Nam trong “Bản tường trình” của Lê Công Định là một đảng ma, hay chưa được thành lập. Tham gia một đảng không có trên thực tế, do chủ tịch một đảng khác đứng đầu, không thể coi là hành vi phạm pháp. Hơn nữa, Lê Công Định còn nói rõ, chỉ mới “tham gia tổ chức Đảng Dân chủ Việt Nam”, nghĩa là đảng này còn trong giai đoạn tổ chức, chưa thành hình, và chỉ mới được “mời tham gia ban Thường vụ”, chưa chính thức là thành viên ban lãnh đạo. Một đảng chưa ra đời, không thể có hành vi phạm tới điều 88 luật hình.
Bản tường trình cho biết những hành vi khác của Lê Công Định, gồm có:
1- bàn về tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam;
2- bàn về chủ trương thành lập thêm hai đảng là Đảng Lao Động Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam;
3- thành lập một blog mang tên là “Đảng Lao động Việt Nam”;
4- bàn về việc viết chung một cuốn sách mang tên là “Con đường Việt Nam” để tìm giải pháp cải cách tình hình xã hội kinh tế và pháp luật cho Việt Nam;
5- nhận định thời cơ của sự thay đổi sẽ diễn ra vào cuối năm 2010, xuất phát từ tình hình kinh tế xã hội khủng hoảng;
6- đã lập một trang blog và viết lời tuyên cáo thành lập Đảng Lao động Việt Nam nhưng do lỗi kỹ thuật chưa hoàn thiện và công bố thì bị bắt;
7- đã góp ý chỉnh sửa một số văn phong và thuật ngữ của bản điều lệ của Đảng Dân chủ Việt Nam;
8- tham khảo và nghiên cứu một bản tân hiến pháp nhằm phục vụ cho việc soạn thảo một bản hiến pháp của Đảng Dân chủ Việt Nam.
Chỉ có thể coi là vi phạm điều 88, những hành vi sau đây:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tất cả 8 hành vi liệt kê trên đây, đều còn nằm trong giai đoạn bàn thảo, chưa có điều nào được thi hành, nên khó có thể cho là những hành vi phạm pháp. Chỉ trừ trường họp công an chứng minh được Lê Công Định có những tài liệu với “nội dung chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, thì có thể buộc tội theo khoản “c” của điều 88, nhưng Lê Công Định không nói mình có làm ra hay tàng trữ hoặc phổ biến loại tài liệu này. Vậy, không thể coi “Bản tường trình” của Lê Công Định là bản thú tội.
Bây giờ, sang vấn đề thứ nhì, là xin khoan hồng.
Lê Công Định đã kết luận “Bản tường trình” của mình như sau:
Tôi thấy rằng là những việc làm trên của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình và tôi mong được nhà nước xem xét, khoan hồng.
Một người, trong hoàn cảnh bị giam giữ, không có luật sư bên cạnh, sau khi trình bầy những hành vi bị coi là phạm pháp (nhưng thật ra không hề phạm pháp) của mình, đã cho rằng việc làm của mình vi phạm pháp luật, rất ân hận và mong được khoan hồng. Lời kết luận này không khôi hài, mà mỉa mai nhức nhối. Đó là lời nói của kẻ yếu thế trong một hoàn cảnh đặc biệt, với quân vũ phu: Tôi đã làm những điều như vậy đấy [nếu cho rằng tôi có lỗi], tôi rất ân hận và xin được khoan hồng.
Nhận lỗi về điều không do mình làm, không phải chỉ có thể xẩy ra với một cá nhân, như Lê Công Định, mà đã từng xẩy ra với cường quốc số một trên thế giới, là Hoa Kỳ.
Trưa ngày 23 tháng 1, 1968, con tầu trinh sát Pueblo của Hoa Kỳ đang làm công việc thăm dò đáy biển để vẽ bản đồ ở hải phận quốc tế, cách đất liền 16 hải lý, bỗng nhiên bị 6 tầu hải quân Bắc Triều Tiên ập tới tấn công, và 2 chiến đấu cơ Mig bay thấp thị uy trên đầu, hạ sát một thủy thủ, và bắt tất cả 82 người còn lại trong đoàn làm con tin. Hạm trưởng Bucher bị bắt phải ký giấy thú tội đã xâm phạm hải phận Bắc Triều Tiên, nếu không ký, thủy thủ sẽ bị giết từng người một, và ông đã phải ký. Rồi tất cả mọi người đều phải ký giấy thú tội, và cùng chụp hình để phổ biến. Khi chụp hình, hơn nửa số con tin đã dùng ngón tay giữa của mình ra dấu như một lời chửi thô tục. Khi dân Mỹ xem hình, thay vì buồn cho những anh hùng nhát gan của mình, đã cùng nhau cười hô hố.
Chẳng những đòi người bị bắt nhận tội, Bắc Triều Tiên còn bắt chính quyền Hoa Kỳ nhận tội và xin lỗi, mới chịu thả con tin. Sau 11 tháng thương lượng, Washington chịu nhận tội và xin lỗi, với điều kiện sau khi ký giấy, sẽ tuyên bố những gì viết trong lời tuyên bố nhận lỗi đều không phải là sự thật. Bắc Triều Tiên đồng ý, vì họ kiểm soát truyền thông, chỉ cần chữ ký nhận tội của Mỹ để khoe với dân chúng, còn Mỹ tuyên bố thế nào, dân họ không thể biết. Các con tin được tha ngày 23 tháng 12, 1968.
Khi coi video về “Bản tường trình” do Công an Việt Nam phổ biến rộng rãi từ ngày 18 tháng 6, tôi không chú ý theo dõi ngón tay giữa của người đọc tường trình, vì theo ý tôi (có thể nhận định sai), cả “Bản tường trình” đã là một ngón tay giữa của Lê Công Định. Công an đã tưởng ông thú tội, như mấy anh nhà quê Bắc Triều Tiên đã tưởng đám con tin trên tầu Pueblo thành tâm thú tội, vội vàng cho phổ biến tối đa hình ảnh để khoe thành tích, không biết đó là những hình ảnh lăng mạ chính mình.
“Bản tường trình” của Lê Công Định đã được “cầu chứng” trước dư luận quốc nội và quốc tế.
Trước hết, nó là bằng chứng chế độ Hà Nội đã trắng trợn vi phạm nhân quyền, kể cả đối với người trí thức và danh tiếng như Luật sư Lê Công Định, vì ông đã bị công an và báo chí quốc doanh xử trước khi tòa án xử theo đúng quy định của luật pháp trong xã hội văn minh.
Thứ nhì, khi ra tòa, nếu chỉ căn cứ vào “Bản tường trình” ngày 17 tháng 6 để ra hình phạt, thì rõ ràng tòa án công cụ của Đảng đã áp đặt một bản án thiếu cơ sở, vì “Bản tường trình” cho thấy Lê Công Định không hề phạm pháp. Ngược lại, khi ra tòa, nếu Lê Công Định bị phạt dựa trên những lởi nhận tội khác với “Bản tường trình” đã được cầu chứng trước dư luận, tức là nhà cầm quyền cộng sản đã dùng biện pháp dã man để ép cung bị cáo.
Tóm lại, dù Lê Công Định cố ý hay không, “Bàn tường trình” của ông cũng là một biểu tượng sỉ nhục dành cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
© 2009 Đinh Từ Thức
© 2009 talawas blog
No comments:
Post a Comment