Cha truyền con nối : Thế hệ thứ ba
Quỳnh Nhi
Người Đại Biểu
04/06/2009
http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/6/ContentID/74822/Default.aspx
Báo chí Hàn Quốc ngày 2.6 đồng loạt đưa tin, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đã yêu cầu phái đoàn nước này ở nước ngoài và các quan chức trong Chính quyền của ông thề “trung thành” với người con trai út Kim Jong-un. Thông tin này đã một lần nữa khẳng định những lời đồn đoán thời gian gần đây về gương mặt lãnh đạo họ Kim thế hệ thứ 3.
Tờ nhật báo Hankook Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời Ủy ban Tình báo Quốc hội cho biết, ngay sau vụ thử hạt nhân ngày 25.5, Chủ tịch Kim Jong-il lập tức thông báo tới các cơ quan, đoàn thể chủ chốt của CHDCND Triều Tiên (bao gồm Quân đội nhân dân Triều Tiên, Đoàn Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao và Nội các) cũng như các phái bộ ngoại giao của Bình Nhưỡng ở nước ngoài về quyết định của ông. Tờ Dong-a Ilbo cũng đăng tải một tin tương tự và cho biết thêm, Triều Tiên đang phổ biến đến người dân một bài hát ca ngợi tân “Tổng tư lệnh Kim”.
Kim Nhật Thành và con trai Kim Chánh Nhật, ảnh chụp năm 1946.
http://danluan.org/files/u5/Kim-1.jpg
Cách đây 4 tháng, một số hãng thông tấn của Hàn Quốc cũng từng đưa tin rằng, ông Kim Jong-il đã chọn con trai út làm người kế nhiệm và gửi một chỉ thị tới ban lãnh đạo đảng Công nhân cầm quyền vào ngày 8.1 - đúng vào ngày sinh nhật của Kim Jong-un. Nhà phân tích Cheong Seong-chang của Viện Sejong - một trung tâm phân tích tư vấn của Hàn Quốc về vấn đề an ninh, cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đáng lẽ sẽ chỉ định người kế nhiệm vào năm 2012 - đúng vào thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il-sung. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe của ông Kim Jong-il, người đã trải qua cơn đột quỵ hồi tháng 8 năm ngoái, đã khiến việc chỉ định người kế nhiệm trở nên cấp bách. Giới chức Triều Tiên lo ngại, sự ra đi đột ngột của ông Kim khi chưa chỉ định được người kế nhiệm, có thể sẽ dẫn tới khoảng trống quyền lực ở Bắc Triều và đây có thể là nguồn cơn cho một cuộc chiến tranh giành ngôi vị.
Lúc đầu, người con trai út Kim Jong-un không được nhắc đến như một nhân vật thích hợp nhất cho “ngai vị” ở Triều Tiên. Người con trai cả của ông là Kim Jong-nam, năm nay 37 tuổi, được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất. Tuy nhiên, Kim Jong-nam đã để mất điểm trong một vụ rắc rối vào năm 2001 khi nhập cảnh vào Nhật Bản với hộ chiếu giả. Trong khi đó, người con trai thứ Jong-chol, lại bị đánh giá là quá mềm yếu và ủy mị để có thể lấy lòng được giới quân sự và trở thành nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn của Triều Tiên. Chính vì vậy, người con trai út Kim Jong-un cuối cùng đã được chọn.
Kim Jong-un là con trai của Chủ tịch Kim với người vợ thứ ba - bà Ko Yong-hi, người đã qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 51 vào năm 2004. Theo nhiều nguồn tin, Kim Jong-un sinh vào cuối năm 1983 đầu năm 1984, từng đi du học ở Thụy Sỹ và có thể nói được cả tiếng Anh và tiếng Đức. Sau khi trở về Bình Nhưỡng lúc gần 20 tuổi, cũng giống như 2 người anh trai, Kim Jong-un hầu như không xuất hiện hay được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông quốc gia ở CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, trong số 3 người con trai của Chủ tịch Kim Jong-il, Kim Jong-un được cho là giống cha nhất, kể cả tính cách và tài năng lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã có những bước chuẩn bị chu đáo cho tiến trình chuyển giao quyền lực bằng một “chiến dịch 150 ngày” mang động cơ chính trị. Chiến dịch này có thể sẽ được đẩy lên đỉnh điểm vào đầu tháng 10 tới, trùng với thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Khi đó, Bình Nhưỡng có thể tổ chức một Hội nghị quốc gia lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua để chính thức công bố người kế nhiệm ông Kim Jong-il. Điều này cũng giống như vào những năm 1970, cố lãnh đạo Kim Il-sung đã tìm cách giúp con trai ông là Kim Jong-il giành được sự tín nhiệm thông qua “cuộc chiến 70 ngày” trước khi ông được chỉ định làm người kế nhiệm năm 1974.
Gia đình Kim Chánh Nhật (Kim Jong-un ngồi hàng đầu bên phải)
http://danluan.org/files/u5/Kim-2.jpg
Hồi tháng 4.2009, Kim Jong-un, đã được bổ nhiệm vào một vị trí cấp thấp trong Ủy ban Quốc phòng. Ngoài ra, thời gian gần đây, người ta không có thông tin về các chuyến đi nước ngoài của Kim Jong-un. Điều này cũng cho thấy, ban lãnh đạo cấp cao nhất của Bắc hàn đã cố giữ vị thái tử này trong nước vì lý do an ninh.
Vụ thử hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng cùng với một loạt các hành động gây ầm ĩ khác đều nhằm phục vụ cho “chiến dịch 150 ngày” trên. Trước hết, những động thái quân sự cứng rắn trên là nhằm củng cố uy tín và sức mạnh của nhà lãnh đạo Kim đối với giới chức quân sự và người dân, khẳng định rằng ông vẫn là nhà lãnh đạo nắm quyền chỉ huy tối cao, có đủ uy lực để chỉ định người kế nhiệm. Bên cạnh đó, cuộc biểu dương sức mạnh này còn nhằm thể hiện sự đoàn kết với quân đội có nhiều quyền lực ở Triều Tiên - nhân tố có ý nghĩa quyết định, đảm bảo cho tiến trình chuyển giao quyền lực ở CHDCND Triều Tiên diễn ra suôn sẻ.
Một động thái đáng chú ý khác của ông Kim là việc tháng trước, ông bổ nhiệm người con rể Jang Seong-taek, một nhân vật có các mối quan hệ quân sự và chính trị hùng mạnh vào Ủy ban Quốc phòng - nhóm mạnh nhất trong chính phủ Triều Tiên. Việc thăng chức cho ông Jang có thể là một động tác nhằm đưa ông trở thành người sẽ dẫn dắt và hậu thuẫn cho vị “thái tử Kim Jong-un” khi sức khỏe của ông Kim xấu đi. Ngoài ra, ông Jang cũng có thể làm lãnh đạo lâm thời cho tới khi Kim Jong-un đủ chín chắn để nắm quyền lực trong một xã hội trọng thâm niên của Triều Tiên.
Có vẻ như mọi đồng thái gần đây của Kim Jong-il đều nhằm chuẩn bị cho tiến trình “truyền ngôi” cho vị lãnh đạo thứ ba của dòng họ Kim.
Quỳnh Nhi
No comments:
Post a Comment