Một thời là kẻ thù của nhau, Việt Nam giờ phải tranh lấy viện trợ từ Trung Quốc
Bản dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Chu Dân Khải dịch
http://www.bauxitevietnam.info/tintuc/090505_onceenemiesviet.htm
Việt Nam đang nỗ lực tạo sức hấp dẫn đối với các khoản đầu tư từ các công ty khai thác mỏ Trung Quốc, mặc cho phải đối mặt với một nhóm gây áp lực vì môi trường đang gia tăng rõ rệt trong nước lẫn mối nghi ngại ngấm ngầm từ phía Trung Quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng khai thác mỏ là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Song những tuần gần đây, sự phản đối về vấn đề khai thác đang lên đã đẩy chính phủ của ông vào thế phải phòng ngự.
Hôm Thứ Ba, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang phát biểu rằng một công ty trực thuộc nhà nước Việt Nam, với số tiền 460 triệu đô la, sẽ liên doanh với một công ty Trung Quốc để khai thác quặng bauxite từ vùng Tây Nguyên ngàn xưa của Việt Nam. Tuy nhiên, trong nỗ lực xoa dịu những chỉ trích, ông đã nhấn mạnh rằng công ty Trung Quốc đó sẽ không được góp vốn cho dự án.
Vấn đề khai thác mỏ đang đặt ra một câu hỏi hóc búa về chính sách cho các nhà lãnh đạo CS Việt Nam. Quốc gia này có cán cân thương mại bị lệch với Trung Quốc là 11 tỷ đô-la trong năm 2008, và đang mong muốn tăng cường xuất khẩu mặt hàng như khoáng sản tới nước láng giềng phương Bắc vốn lớn và phồn thịnh hơn mình.
Về phần mình, các công ty Trung Quốc rất háo hức được tham gia các dự án khai thác mỏ tại Tây Nguyên, nơi mà chính phủ Việt Nam cho biết là có trữ lượng quặng bauxite tới 5,4 tỷ tấn, là nguyên liệu thô để sản xuất nhôm (aluminum), lớn thứ 3 thế giới. Việt Nam cho biết cần khoảng 15,6 tỷ đô-la vốn đầu tư cho dự án khai thác và tuyển bauxite tới năm 2025 nhằm tận dụng tối đa các mỏ.
Tuy nhiên, nhóm người vận động vì môi trường của Việt Nam cho rằng cần phải tranh luận với những người làm chính sách về công nghiệp khai thác mỏ. Vài tuần gần đây, đã có sự đồng thanh lên tiếng phản đối về kế hoạch của Hà Nội trong việc cho phép liên doanh gữa tập đoàn nhà nước Công Nghiệp Than và Khoáng Sản Việt Nam với một đơn vị của Tổng Cty TNHH Nhôm Trung Quốc (Aluminum Corp. of China Ltd.) vào khu vực được coi là ngôi nhà chung của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam.
Từng là nhà chiến lược đằng sau hàng lọat chiến thắng đối với quân lực Mỹ & Pháp, nay đã 97 tuổi, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi chính phủ cảnh báo về sự ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc trong lòng Việt Nam và hiểm họa tàn phá môi trường có thể xảy ra từ việc khai thác mỏ trong khu vực đó. Các nhà khoa học, nhà kinh tế, là những người từng đặt câu hỏi về tính khả thi của dự án trong thời kỳ suy thoái toàn cầu này, đã hưởng ứng mạnh mẽ mối quan ngại của ông.
Một số nhà kinh tế lo ngại rằng chất thải độc hại từ quy trình phức tạp mà việc tinh luyện bauxite thành alumina, một chất bột trắng khi nung chảy thành kim loại nhôm, có thể hủy hoại các ngành kinh tế khác trong vùng. Tây Nguyên là nơi sản xuất 80% lượng cà phê Việt Nam và là đất trồng trọt của các mặt hàng khác, như cao su, hạt tiêu và ca-cao.
“Nhiều người ở Việt Nam được hưởng lợi ích từ sự tự do hóa kinh tế, có ti vi, lò vi sóng,v.v.., nhưng họ cũng đang sống trên những con phố đông đúc và ô nhiễm, chất lượng cuộc sống thì đang ngày càng trở thành vấn đề lớn”, Carlyle Thayer, một giáo sư và là một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Hàn Lâm Quốc Phòng Úc thuộc Canberra nhận định “Hiện đang có nhiều ý kiến của giới chuyên gia kỹ thuật đặt vấn đề với Đảng Cộng Sản”.
Gần đây, Phó TT Hoàng Trung Hải đã cam kết trong một hội thảo về môi trường tại Hà Nội rằng sẽ kiểm soát chặt chẽ dự án bauxite lộ thiên, dự án mà sẽ để lại những vết thương sâu trên đại ngàn Tây Nguyên.
Vấn đề càng thêm nóng bỏng do tinh thần bài Trung Quốc đang lan nhanh trong nhiều nhà họat động vì môi trường Việt Nam. Trung Quốc từng gây chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979, nay đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào các vùng mỏ khắp thế giới. Khoảng 1000 năm tính đến thế kỷ X, Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam, và nhiều vị anh hùng trong lịch sử Việt Nam đã chống lại quyết liệt sự thống trị của Trung Quốc.
Trong khi đó, lại không có mấy ca thán đối với một đơn vị thuộc liên doanh Alcoa Inc của Mỹ đang tiến hành nghiên cứu khả thi cho một dự án tinh luyện Alumina ở miền nam Việt Nam. Nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới UC Rusal cũng đang lên kế hoạch liên doanh để xây dựng một nhà máy tinh luyện Alumina trị giá 1,5 tỷ đô-la ở miền nam Việt Nam.
No comments:
Post a Comment