Saturday, May 2, 2009

VIỆN BẢO TÀNG THUYỀN NHÂN & VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa
Thy Nga, phóng viên đài RFA
2009-05-02
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Boat-people-and-the-republic-of-vietnam-museum-in-california-tnga-05022009084123.html
Đài Á Châu Tự Do trong những ngày vừa qua đã gửi đến quý thính giả loạt 10 bài về thuyền nhân để mô tả lại toàn cảnh một sự kiện có thể nói là "không tiền khoáng hậu" trong lịch sử Việt Nam.

Hình ảnh những con thuyền vượt biển tìm tự do. Photo: RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/About-the-latest-boat-people%20arrival-in-indonesia-12312008153150.html/BoatPeople305a.jpg

Nhằm giữ gìn những di vật của trang sử thuyền nhân cũng như của chế độ Việt Nam Cộng Hòa một thời, một viện bảo tàng đã được dựng lên tại Bắc California (Hoa Kỳ).
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông Vũ Văn Lộc, người trực tiếp sưu tầm di vật và xây dựng nên viện bảo tàng này.

Ông Vũ Văn Lộc: Cá nhân tôi đã làm việc cho cơ quan định cư trên 30 năm. Trong những năm đầu chúng tôi có sưu tầm được những di tích về Việt Nam Cộng Hòa và thuyền nhân, rồi cũng trưng bày với tính cách tài tử thôi, rồi càng ngày càng thấy nhiều di vật cho nên có nhu cầu phải có một viện bảo tàng. Nhưng mà trước khi có viện bảo tàng thì phải sáng tác thêm những tượng đài với lại vẽ những hình. Tới năm 2004 thì chúng tôi bắt đầu ký kết để có một chỗ này, sửa chữa lại thành viện bảo tàng. Năm 2007 thì chúng tôi khánh thành, nhưng mà sau đó lại đóng cửa là vì phải có một con đường cho những xe lăn vào và phải đạt tiêu chuẩn chống lại động đất nên phải sửa chữa lại. Bây giờ thì đã làm xong nên chúng tôi sẽ mở cửa lại vào Tháng Tư năm nay (2009).

Quá trình thuyền nhân Việt Nam

Thy Nga: Quá trình về thuyền nhân Việt Nam theo các số liệu mà ông sưu tầm được thì họ bắt đầu ra đi vào thời điểm nào? Các đợt vượt biển ra sao? Cao điểm là khi nào? Và tới lúc nào thì tàn dần, thưa ông?
Ông Vũ Văn Lộc: Ngay từ Tháng Tư 1975 rất nhiều người đi bằng thuyền. Số đi bằng máy bay rất ít. Người ta tổng kết lại thì có tới 130.000 người đi vào dịp 30 Tháng Tư, trong đó 70% là bằng thuyền và được Đệ Thất Hạm Đội vớt. Đó là đợt đầu tiên. Từ 1975 đến 1979 là đợt thuyền nhân thật sự, có tới 326.000 người đi trong đợt thứ nhì này. Rồi đến đợt 1980-1984 là 253.000 người. Và đợt thứ tư là 192.000 người, từ 1985 đến 1989. Đợt cuối cùng là 1990-1995 còn 63.000 người.
Tài liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tổng kết là 964.000 người đã đi trong 5 đợt. Đó là lịch sử của 20 năm thuyền nhân tị nạn.

Thy Nga: Tính ra thì khoảng bao nhiêu người chết trên biển cả?
Ông Vũ Văn Lộc: Theo ước tính có lẽ vào khoảng 300.000 người đi mà không tới, kể cả những người bị chết trên đường bộ và đường biển, nhưng mà đa số là đường biển.

Thy Nga: Bây giờ thì họ quy tụ ở đâu nhiều nhất ạ?
Ông Vũ Văn Lộc: Ở trên nước Mỹ này thì có độ chừng 5 chỗ quy tụ đông nhất là Bắc và Nam California, rồi đến Houston (Texas), Washington D.C., Illinois, Springfield, và Seattle. Toàn thế giới có gần 1 triệu người mà là thuyền nhân thì một nửa là ở nước Mỹ. Một nửa ở nước Mỹ đó thì một nửa là ở California.

Công cuộc thành lập Viện Bảo Tàng

Thy Nga: Những thuyền nhân mà sau này đi định cư ở các nơi trên thế giới có nhiều người tiếp tay trong công cuộc này không?
Ông Vũ Văn Lộc: Trên thực tế thì phần lớn chỉ là đóng góp di sản chứ còn chưa có đóng góp gì nhiều bởi vì tìm đủ tiền mới làm thì không kịp. Nếu mà tìm ra một chỗ để mà làm Viện Bảo Tàng rồi mới đi tìm di vật thì tới lúc đó di vật đã phân tán hết rồi, thành ra chúng tôi 25 năm qua là sưu tầm di vật để một chỗ đã, xong rồi chúng tôi mới quyên góp trong số anh em thôi để mà có tiền thực hiện những bản đồ và những tượng. Đó là giai đoạn thứ hai.
Chúng tôi có một nhóm nghệ sĩ, các điêu khắc gia, các họa sĩ cùng nhau thực hiện. Và các anh em cũng nói rằng là không muốn để tên tuổi. Các anh nói là tất cả vì công việc chung cho mai sau.

Thy Nga: Công cuộc hình thành xây dựng Viện Bảo Tàng có được các tổ chức nào tiếp tay hỗ trợ không?
Ông Vũ Văn Lộc: Hiện nay chúng tôi làm Giám Đốc Cơ Quan Định Cư & Văn Hóa Đông Dương; đó là tổ chức duy nhất sáng tạo và làm cái này cùng với thân hữu phần nhiều. Cho tới ngày hôm nay chúng tôi thực hiện được thì không phải là một tổ chức nào thực hiện, không có công quyền, không có liên bang, tiểu bang, cũng không xin tiền cộng đồng. Chúng tôi đã thực hiện được, chỉ có cái ước mong là cộng đồng và chính phủ tiếp tay để gìn giữ về sau.
Từ bốn phương người ta đóng góp di vật, những cái gì thuộc về thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng mà không có đóng góp tiền bạc bởi vì thực sự ra người ta cũng chưa tin tưởng. Nhưng người ta đến thăm, từ trên thế giới có đến thăm rồi. Viện Bảo Tàng của chúng tôi coi như là đầu tiên trên thế giới và là duy nhất mà di sản và những tác phẩm để thực hiện được ngày hôm nay là trị giá 1 triệu Mỹ kim, còn riêng tiền sửa ngôi nhà này là gần 500.000 Mỹ kim. Cái giai đoạn khó khăn nhất đã qua rồi. Bây giờ là lúc mà mọi người tới để đóng góp thêm di sản, và nếu mà có đóng góp thêm tiền để gìn giữ được nó hàng trăm năm về sau thì điều đó là điều quan trọng hơn.

Thy Nga: Vâng. Chỉ ít ngày nữa thôi là đến ngày 30-4 năm nay (2009) Viện Bảo Tàng có chương trình đặc biệt gì không?
Ông Vũ Văn Lộc: Viện Bảo Tàng của chúng tôi có chương trình rất là đặc biệt là mời tất cả trẻ em và sinh viên - học sinh Việt Nam ở toàn thể vùng Bắc Cali này đến thăm viếng, bởi vì công việc mà Viện Bảo Tàng này muốn gửi ra là gửi ra cho thế hệ tương lai để các em biết thuyền nhân là như thế nào, Việt Nam Cộng Hòa là như thế nào. Trong năm qua chúng tôi đã mời được 6 hội sinh viên Việt Nam ở các đại học ở đây về thăm. Và đặc biệt là chuyến viếng tăm của 180 sinh viênTrường Stanford, trong số các em đó có 2 em mà mới đầu tôi tưởng là dân Á Châu nhưng mà sau cùng mới biết là hai em sinh viên Việt Nam đã ôm nhau khóc trước bức tranh thuyền nhân bởi vì các em nói là mẹ của một trong hai em là thuyền nhân mà các em không bao giờ biết đến chuyện thuyền nhân như thế nào, cho đến khi đến thăm Viện Bảo Tàng thì cả hai anh em ôm nhau khóc và cả lớp lúc đó mới biết các em này là con em của thuyền nhân và các em sắp sửa tốt nghiệp cử nhân ở Đại Học Stanford về chính trị học.

Thông điệp và ý nghĩa

Thy Nga: Nói chung về cảm tưởng của khách ngoại quốc thì như thế nào?
Ông Vũ Văn Lộc: Các khách ngoại quốc thì tôi nói thật tình, tưởng là vậy chứ họ không có hiểu biết nhiều về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Họ chỉ biết Việt Nam qua chiến tranh. Thành ra đây là hình ảnh để chúng ta cho họ thấy được là đất nước Việt Nam Cộng Hòa - Miền Nam có ý nghĩa nào. Ví dụ như một chuyện giản dị lắm là họ xem một bộ sưu tầm huy chương của chúng tôi, họ ngạc nhiên thấy là một nửa là huy chương dân sự cấp cho những thầy giáo, cho những nông trại mà mình gọi là "Nông dân bội tinh" hay là "Y tế bội tinh" vân vân, để cho người ta hiểu là một xã hội văn minh đã phát triển cùng đồng thời trong chiến tranh.
Quý vị đến đây xem sẽ thấy thế nào là Viện Bảo Tàng của Việt Nam Cộng Hòa, nhân bản, lịch sử và không có một chút nào hận thù xuyên tạc, sẽ nhìn thấy những gian khổ của những người vượt biên, trang lịch sử thực sự chứ không phải cái kiểu như là mình lại bắt chước cộng sản triển lãm tội ác Mỹ-ngụy, cái đó không phải vậy. Cái đó có ý nghĩa một thông điệp mới gửi cho kể cả thế hệ của thế giới ở đây cũng như là về sau này. Chúng tôi muốn đem lại những chuyện gì đã xảy ra, quan trọng nhất là tự do - dân chủ - nhân bản và trung thực. Cái đó là lịch sử. Cái đó là ý nghĩa căn bản của Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân & Việt Nam Cộng Hòa để mà xứng đáng với lại 300.000 người đã chết trong rừng cũng như ở biển sâu.
Từ 30-4 chúng tôi dự trù mở cửa hàng ngày và cuối tuần. Bây giờ chúng tôi có những người khách mà đa số là các trẻ em ở trong chương trình giáo dục địa phương. Hàng trăm em mỗi ngày hay là có khi đến cả ngàn em mỗi tuần đến thăm theo chương trình chung. Nhưng mà chúng tôi rất là hân hạnh được đón khách phương xa từ Việt Nam. Chúng tôi phải mở cửa cho những người bốn phương trời cũng như những người ở Việt Nam không hề biết Việt Nam Cộng Hòa là cái gì, và thuyền nhân đến thăm. Có nhiều gia đình quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa mà bây giờ vẫn còn ở Việt Nam sang thăm gia đình ở đây đã đến đây thăm và họ rất là ngạc nhiên, rất là cảm động nhìn thấy bà con mình trước kia đã vượt biên như thế nào hay là nhìn thấy những lá cờ và quân phục của Miền Nam. Họ rất là xúc động!
Tôi biết bây giờ thì chưa đông, nhưng mà tưởng tượng 50 năm, 100 năm sau, cả trăm triệu dân Việt Nam không hề biết Việt Nam Cộng Hòa và thuyền nhân ra làm sao. Những người đó từ Việt Nam sang đây, đến Viện Bảo Tàng này mới nhìn thấy trang sử của Miền Nam.

Thy Nga: Xin cám ơn ông Vũ Văn Lộc, người thành lập Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân & Việt Nam Cộng Hòa, đã dành cho đài chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

----------------------------------

Buổi triển lãm của Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa tại tòa soạn báo Người Việt ở California
09 May 2006
http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-05/2006-05-09-voa15.cfm
Bấm vào đây để nghe Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để nghe
Mời quí vị và các bạn theo dõi bài tường trình của Diễm Hương về buổi khai mạc triển lãm của Viện bảo tàng thuyền nhân và Việt Nam cộng hòa tại tòa soạn báo Người Việt ở California:

Bảo tàng Người Việt
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o_t%C3%A0ng_Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t
Viện Bảo tàng Người Việt, tên chính thức
tiếng Anh: Viet Museum, còn được gọi là Viện Bảo tàng Thuyền nhânViệt Nam Cộng hoà, là tập hợp các sưu tầm của người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, với trụ sở đặt tại Greenwald House, Kelley Historic Park, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Viện Bảo tàng Người Việt được khánh thành
tháng 8 năm 2007[1] là kết quả của sự nổ lực của cơ quan IRCC-Immigrant Resettlement and Cultural Center (Trung tâm tái định cư & văn hoá di dân), dưới sự điều hành của ông Vũ Văn Lộc.
Bộ sưu tầm được chia thành ba phần:
1950 – 1975: Việt Nam Cộng hòa và cuộc chiến vì Tự do;
1975 – 1996: Thuyền nhân và con đường tìm Tự do;
1975 – 2007: Người Việt tỵ nạn ngày nay xây dựng Tự do.
Thành phố San Jose tại miền bắc California là nơi tập trung người Việt đông thứ nhì tại Hoa Kỳ, sau
Quận Cam.


Trang web của Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hoà
http://www.irccsanjose.com/contents/bttn.aspx


No comments:

Post a Comment