Sunday, May 3, 2009

TRÊN CHỊ HAI CÒN CÓ MÁ THỦ TƯỚNG

Chuyện vỉa hè: Trên chị hai, còn có Má Thủ Tướng
Tư Ngộ
Saturday, May 02, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94341&z=157
Hổm rày, thiên hạ ỳ xèo về chuyện chị hai Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bị nhà cầm quyền tỉnh Bình Dương cưỡng chế đất đai.
Sau khi “tự ý đục bỏ nhiều đoạn và thay đổi nhiều từ ngữ”, tác giả Huy Ðức cho phổ biến trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị bài viết “Chị Hai Thủ Tướng”.
Trong bài này, Huy Ðức kể chuyện xảy ra sáng ngày 17 Tháng Tư 2009 “một người thân của thủ tướng cũng đã bị áp giải ra khỏi hiện trường”. Hiện trường của vụ nhà cầm quyền huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương cưỡng chế thu hồi 280 ha (mẫu) cao su còn lại tại xã An Tây để làm khu công nghiệp.
Huỳnh Ngọc Sang, người tự giới thiệu là quản lý cho bà Hai Tâm (chị Hai Thủ Tướng, Bắc kỳ kêu là chị cả) kể rằng “Lực lượng cưỡng chế với khoảng 150 người đã 'đưa đi' ít nhất 3 người trong đó có 'ông Hai' chồng bà Tâm.”
Tác giả Huy Ðức nói rằng chuyện mua bán, đền bù giải tỏa rừng cao su đúng sai “rồi sẽ còn phải làm rõ”. Nhưng chuyện nhà cầm quyền tỉnh Bình Dương dám gồng mình hốt cả chồng bà Hai Tâm vì chống lệnh cưỡng chế là một thái độ chịu chơi được nhà báo gián tiếp ca ngợi.

Bây giờ đã hai tuần lễ qua, chưa thấy tin tức nào nói một viên chức nào của huyện Bến Cát đến quan chức cấp tỉnh Bình Dương bị thuyên chuyển hay kỷ luật vì dám đụng ổ kiến lửa. Nhưng bên cạnh cái bề ngoài êm ắng đó, có sự xuất hiện của Má Thủ Tướng.
Theo tay viết blog “Change we need” (tay này biết nhiều chuyện động trời thâm cung bí sử), sau khi con rể bị hốt, Má Thủ Tướng đã tới “sỉ vả tỉnh ủy Bình Dương không ra gì về vụ việc này”.
Theo dư luận, tỉnh ủy Bình Dương dù có uống cả trăm viên thuốc liều cũng không dám cưỡng chế khu rừng cao su của Chị Hai Thủ Tướng, mà lại còn hốt anh rể thủ tướng. Ðất Bình Dương vốn là địa bàn cũ của anh Sáu (Nguyễn Minh Triết). Cán bộ tỉnh Bình Dương bây giờ vẫn còn mối quan hệ chặt chẽ với anh Sáu nên khi có chuyện gì tế nhị khó khăn đều nhờ anh Sáu cho ý kiến hay che dù.
Người ta nghi tỉnh ủy Bình Dương đã được anh Sáu bật đèn xanh thì mới đủ liều mà cưỡng chế chị hai của anh Ba (Nguyễn Tấn Dũng).
Người ta đồn mâu thuẫn giữa anh Sáu và anh Ba khá lớn trên nhiều vụ việc. Ngay từ hai ba năm trước khi vụ lùm sùm vừa bán vừa cúng dường (dĩ nhiên trái luật) 750 mẫu rừng cao su (tài sản của nhân dân đấy nha!) của xã Tây An cho cán bộ (cả huyện và tỉnh Bình Dương) và tư nhân (Sài Gòn) trong đó có chị hai Thủ Tướng, nghe nói anh Sáu biết chuyện nên từng nhắc anh Ba là đừng để gia đình lợi dụng (cũng là một hình thức tham nhũng). Nhưng ngoài chuyện rừng cao su Bình Dương, chị hai thủ tướng còn dây cả vào khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện cũng đang rất lình xình.

Chuyện cũ 3 năm
Ngay từ ba năm trước, một số báo như Tuổi Trẻ, Tiền Phong và nhất là tờ Lao Ðộng đã có những loạt bài điều tra phóng sự bươi móc việc nhà cầm quyền huyện Bến Cát và tỉnh Bình Dương vừa bán vừa cho hơn 750 mẫu rừng cao su của công ty quốc doanh Sobexco. Công ty Sabexco làm ăn thua lỗ bị giải thể, nhà cầm quyền cho lệnh thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng.
Lúc đầu, công ty vừa nói được nhà cầm quyền tỉnh Bình Dương cho phép “bán vườn cây mà không gồm quyền sử dụng đất” với giá bán trung bình 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh những người tư nhân mua đất, ít ra giữa 550 ha đến 650ha đã được “biếu” cho cán bộ từ huyện đến tỉnh. Người ta không rõ Chị Hai Thủ Tướng nằm trong số những người mua hay người được “biếu”.
Vụ vừa mua vừa biếu kéo dài trong âm thầm nhiều năm thì đến năm 2001, các chủ mới của rừng cao su Tây An được cấp giấy tờ ghi là “bên A (Sobexco) chuyển nhượng vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất”. Từ đây, hơn 40 người mua được cấp “sổ đỏ” tức sổ chính thức công nhận “quyền sử dụng đất”. Không biêt là có lời nói vô của chị hai thủ tướng mà được vậy hay không.
Trong số những người được “biếu” có vợ và 2 con gái giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Dương là Cao Minh Huệ với tổng cộng 78 ha. Khoảng 52.9 ha được “biếu” cho “14 cán bộ văn phòng huyện ủy Bến Cát”.
Theo bản tin VietNamNet ngày 9 Tháng Mười Một 2006, ngoài số rừng cao su “biếu”, số còn lại thì “việc bán không qua đấu giá 350 ha cao su và cấp sổ đỏ 650 ha cao su cho cán bộ và cá nhân là sai đối tượng, sai qui trình thủ tục, vi phạm nghiêm trọng Luật Ðất Ðai và các văn bản thi hành” như kết luận của tờ trình thanh tra tỉnh Bình Dương.
Nhiều cuộc họp, nhiều vụ giải trình kể cả những lần công an kêu thẩm vấn một số người liên quan đến vụ hô biến rừng cao su Tây An (tài sản nhân dân) thành tài sản cá nhân.
Mãi đến giữa năm 2006, vụ việc mới được khui ra mà nhiều báo chen vào bươi móc vụ bán rừng cao su Tây An khi ông ba Dũng mới lên làm thủ tướng. Vụ việc chắc cũng không trở thành vấn đề lớn nếu không có chuyện tỉnh Bình Dương lập dự án biến khu rừng cao su này thành khu công nghệ.
Ngày 21 Tháng Ba 2007, nhà cầm quyền tỉnh Bình Dương “phê duyệt qui hoạch Khu Liên Hợp Công Nghệ-Dịch Vụ Tây An” thuộc hai xã An Ðiền và Tây An của huyện Bến Cát với diện tích tổng cộng 1,350 ha. Ðến ngày 22 Tháng Sáu 2007, nhà cầm quyền Bình Dương ra tiếp quyết định khác qui định “đơn giá đền bù hỗ trợ về đất và tài sản trên đất”.
Theo tờ Lao Ðộng ngày 26 Tháng Bảy 2007 “theo qui định này, toàn bộ những cá nhân được ‘biếu không’ giá trị 700 ha đất công sẽ được công ty SX-XNK BD (vốn nhà nước, thuộc UBND tỉnh Bình Dương) bồi thường giá trị đất và tài sản (tức vườn cao su) khi thu hồi 700 ha đất”.
Vậy là, những ai làm chủ miếng rừng cao su nào, dù được “biếu không hay phải mua cũng được đền bù trung bình 1 tỉ đồng một ha (mẫu).”
Chị Hai Thủ Tướng, mua hay được biếu? Không ai biết. Nếu chị hai mua, thì mỗi mẫu lời 950 triệu. Nếu chị hai được biếu thì ẵm trọn 185 tỉ mà chẳng phải làm gì.
Có kẻ bình luận rằng Chị Hai giả bộ “bị cưỡng chế” vậy thôi, đặng cho thủ tướng thêm danh giá. Ông là thủ tướng lại còn là người cầm đầu cơ quan phòng chống tham nhũng trung ương của nhà nước, nếu ông bốc phôn can thiệp thì dễ thôi. Lại còn có anh Sáu ở mé bên kia đỡ đầu cho bọn tỉnh lẻ, nói qua nói lại càng thêm um sùm.
Một (mua 50 triệu đồng) lời (bán một tỉ đồng) 20 lần, còn có gì kiếm nhiều hơn ở cái thời kinh tế suy thoái này?
Có người nêu ý kiến tại sao làm sai (cho không tài sản của nhân dân) lại không bị thu hồi, cũng không ai bị trị tội, lại còn dùng một số tiền khổng lồ của nhà nước để “đền bù” giải tỏa (Tay trái đền bù tay phải). Dân đói không có gì ăn mà lại dùng tiền nhà nước “đền bù” cho cái sai trái của nhà nước? Như vậy là “của dân, do dân và vì dân” đấy sao? Hay là “của dân, do dân và vì cán bộ” chăng? Hỏi tức trả lời rồi.
Có kẻ còn nói rằng nhà nước đã sai, đã trả tiền đền bù rồi thì ráng chịu, không được đòi lại tiền. Vậy mới là “vì cán bộ”. Mà cán bộ thì cũng từ nhân dân mà ra chứ đâu phải từ dưới đất chui lên!
Còn Má Thủ Tướng nếu tới sỉ vả đám chóp bu tỉnh Bình Dương, chắc là chưởi cái tội dám hốt con rể của bà, tức vuốt mặt mà không nể mũi, vừa cho mấy tên tỉnh này biết là tiền đền bù như vậy chưa bõ xỉa răng. Má vợ nào mà chẳng thương con rể.

No comments:

Post a Comment