Tuesday, May 5, 2009

THW VIỆN QUỐC HỘI HOA KỲ GHI LẠI CÂU CHUYỆN THUYỀN NHÂN

Thư Viện Quốc Hội Ghi Lại Câu Chuyện Thuyền Nhân
Posted on Tuesday, May 05 @ 09:46:28 EDT
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1579
Ngày 2 tháng 5, 2009 Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ tổ chức Hội Nghị Hoài Niệm Thuyền Nhân, phát động đề án lập văn khố về kinh nghiệm vượt biển tìm tự do của hàng triệu người Việt.

Qua lá thư chào mừng hội nghị, DB Cao Quang Ánh tóm tắt ý nghĩa của hội nghị đặc biệt này:
“Hôm nay là một ngày đáng ghi nhận -- đến mức ngày Thứ Ba tuần qua, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị Quyết H.Res. 342. Nghị quyết này, do tôi bảo trợ, ghi nhớ ngày hôm nay là “Ngày Người Tị Nạn Việt Nam” Một cách cụ thể, nghị quyết này ghi nhớ ngày những người tị nạn Việt đặt chân đến Hoa Kỳ. Nó nói về kinh nghiệm hãi hùng của những người Việt tị nạn và những thành tựu của họ sau đó trên một quê hương mới. Nó cũng vinh danh các quốc gia chủ nhà đã đón nhận thuyền nhân và những người tị nạn khác, và các tổ chức thiện nguyện cũng như các tổ chức ngoài chính phủ đã tạo điều kiện cho vấn đề định cư, thích ứng, và hội nhập vào xã hội dòng chính ở Hoa Kỳ.”

Dân Biểu Tiểu Bang Bob Hull trao nghị quyết của Quốc Hội Virginia vinh danh Ngày Tị Nạn Việt Nam, 01/05/09 (ảnh Nguyễn Văn Đăng)
http://www.machsong.org/spaw/images/Retrospective%20Banquet%20(05-01-09).jpg

Chỉ trong một thế hệ, cộng đồng Việt non trẻ đã vươn mình lớn mạnh, giống như trong huyền thoại Phù Đổng. Trong bữa cơm chiều chào đón hội nghị, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, nhận xét: “Hôm qua chúng ta bỏ nước ra đi trong nỗi ô nhục và đau đớn, bầu trời tưởng như đổ sụp, vết thương tưởng như không bao giờ lành. Nhưng hôm nay chúng ta đứng thẳng người hãnh diện, tự tin vì đã lập lại cuộc đời, đã xây lại cộng đồng, đã đóng góp cho đất nước này và tiếp tục tranh đấu cho một ngày mai tươi sáng cho đồng bào trong nước.”

DB Ánh, qua lá thư gởi chào mừng hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Khi Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt, nhiều trăm ngàn người Việt tị nạn bỏ chạy khỏi một Việt Nam bị kiểm soát bởi chế độ Cộng Sản, bằng tàu, bằng máy bay, bằng đường bộ. Ngày nay, trên hai triệu cựu thuyền nhân và các người tị nạn Việt khác phân tán khắp thế giới. Nhiều người tìm cách lánh nạn qua các trại tị nạn và ở các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ. Khi đến Hoa Kỳ, nhiều người đã phải đi qua các trại tị nạn trước khi hoà nhập vào đời sống mới ở Hoa Kỳ.”

Người Việt đã sẵn sàng đánh đổi mạng sống cho tự do và dân chủ; khát vọng mãnh liệt ấy cần được kể lại và ghi xuống để nhắc nhở lương tâm của nhân loại không phải chỉ ngày hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.

Trong phần mở đầu hội nghị, Giám Đốc Thư Viện Quốc Hội, Tiến Sĩ James H. Billington, nói lên ý nghĩa của buổi sinh hoạt: “Hội Nghị Hoài Niệm Thuyền Nhân tập trung vào những người Việt mà cuộc đời phản ánh ý nghĩa đích thực của tự do và dân chủ.”

Câu chuyện thuyền nhân là một chương sử bi thương và hùng tráng với những người vượt biển can trường và biết bao tấm lòng quảng đại của những người Việt cứu vớt đồng bào và những người ngoại quốc giang tay cứu giúp đồng loại.

DB Ánh tâm tình: “trong 28 năm qua, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) đã giúp đỡ các cá nhân và gia đình trong mọi giai đoạn của cuộc hành trình của họ đến Hoa Kỳ. Do chính bản thân là một người tị nạn và do đã phục vụ qua BPSOS, tôi có thể liên tưởng đến những hành trình mà quý vị sẽ được nghe kể ngày hôm nay. Các con đường chúng ta trải qua dài đằng đẵng và chật vật, nhưng chúng ta đã may mắn có được nhiều bàn tay giúp đỡ dọc suốt con đường.”

May mắn thay khi Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ bắt đầu công cuộc thu thập các câu chuyện của chúng ta, từ hàng triệu góc cạnh khác nhau cấu thành một bộ phận lịch sử chia sẻ bởi hai quốc gia, hai dân tộc: Việt Nam và Hoa Kỳ. Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, phát biểu khai mạc hội nghị, nhận xét rằng việc hàng triệu người Việt hiện sinh sống ở Hoa Kỳ là một thất thoát trí tuệ rất lớn cho Việt Nam nhưng lại là một may mắn vô cùng cho dân tộc Hoa Kỳ.

Theo DB Ánh, Ông đưa ra nghị quyết H.Res. 342 để “vinh danh và tưởng nhớ những hành trình của hàng triệu người Việt tị nạn và gia đình của họ, mà gia đình của tôi chỉ là một trong số ấy. Những câu chuyện của chúng ta khi đến Hoa Kỳ và hội nhập và làm vững chắc thêm giềng mối của xã hội này chính là chứng tích của ý niệm rằng Quốc Gia này là vùng đất của cơ hội và tự do. Hành trình của chúng ta là câu chuyện về Giấc Mơ Hoa Kỳ. Chúng ta làm lại từ đầu với con số không và đã tạo được tất cả bằng công khó và quyết tâm.”

Đã đến lúc cộng đồng người Việt cần ghi lại kinh nghiệm để ôn cố tri tân, để chia sẻ với thế giới, và để làm di sản cho hậu thế. Mọi người Việt đã từng lênh đênh trên biển, đã từng băng đường bộ, đã từng ở trong trại tù hay trại tạm dung cần viết lại hay thu lại kinh nghiệm của mình về cuộc vượt thoát chế độ cộng sản, về những năm tháng dài trong trại tị nạn, hay về cuộc sống mới ở Hoa Kỳ để gởi cho Thư Viện Quốc Hội.

No comments:

Post a Comment