Friday, May 29, 2009

THỊ TRƯỜNG và TỰ DO

Thị Trường & Tự Do
Ô Sin
May 25 2009
http://www.blogosin.org/?p=915
Những trở ngại hồi thập niên 90 đối với phát triển thị trường vẫn còn đó, ông Lê Văn Triết, Bộ trưởng Thương mại thời kỳ 91-97, nhận xét. Ông Triết là một thành viên kỳ cựu trong Ban chấp hành Trung ương Đảng; ông được coi là tác giả chính của chính sách cho tư nhân “thuê nhân công đến 15 người” để phát triển “tiểu thủ công nghiệp” khi Đảng chưa “đổi mới” (1984-1985). Khi ấy, ông là Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch TP HCM. Sau đây là cuộc trò chuyện của ông với SGTT.

Bộ Công thương vừa đưa ra chương trình xúc tiến thương mại nội địa, ông đã từng đặt vấn đề “xây dựng thị trường nội địa” từ đầu thập niên 90, thưa, ông có thể chia sẻ gì khi nó được bắt đầu trở lại?
Tôi nghĩ, vấn đề của chúng ta không chỉ là thị trường nội địa. Gần đây, tôi thấy các báo nhắc nhiều đến Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh phú Kim Ngọc, ông Kim Ngọc đúng là một người rất đáng ca ngợi khi cho nông dân “khoán chui”. Nhưng, tại sao không thấy ai nói về việc phá bỏ chính sách “ngăn sông cấm chợ”. Tự do hóa trong lưu thông hàng hóa theo tôi đã đóng vai trò hết sức quan trọng làm thay đổi bản chất kinh tế Việt Nam.

Có lẽ, làng xã giữ những câu chuyện thời bao cấp tốt hơn những “trạm kiểm soát” khám xét hàng hóa của những người đi đường, cho dù theo ông thì đấy mới là thay đổi mang tính bản chất?
Theo tôi, nguyên nhân chính của việc cho đến nay chúng ta chưa có một thị trường nội địa, cũng như thị trường nói chung đủ mạnh là vì, chúng ta không xác định và quan niệm về kinh tế thị trường đúng như bản chất của nó, đấy là tự do thuận mua vừa bán.

Nhiều người còn nhớ, đầu thập niên 90, có một hội nghị xây dựng thị trường nội địa dự định tổ chức tại Hà Nội, các giám đốc sở Thương mại đã được mời, nhưng giờ chót thì hội nghị ấy không xảy ra, có phải “thị trường tự do” cũng là một lý do?
Vấn đề không nằm ở chỗ có hay không hội nghị ấy. Khi xây dựng Luật Thương mại, tôi nhớ, tôi cố gắng để đưa vào dự thảo một nguyên tắc: “công dân có quyền tự do mua bán cũng như tự do sản xuất kinh doanh”, nhưng rồi tinh thần này bị phản đối. Có vị nói thẳng: “Tự do gì cũng phải ở trong khuôn khổ, quốc doanh phải nắm hết”. Một chương trình đặt ra mục tiêu là phải xây dựng thị trường nội địa mà lại phải đảm bảo “tư tưởng chỉ đạo” là “xây dựng quốc doanh, kiên quyết không để cho tư thương đẩy lùi trận địa” thì làm sao thị trường có được.

Thưa ông, lúc ấy “Cương lĩnh” đã xác định xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Là Bộ trưởng Thương mại, tôi không làm được thì cũng không nên đổ lỗi cho ai. Nhưng, ngay cho đến bây giờ tôi cho rằng sở dĩ chúng ta không có một thị trường phát triển đúng tầm là vì khái niệm “định hướng” đã không được định nghĩa rõ ràng. Ở thời điểm ấy, yếu tố này được khai thác, và những nỗ lực theo đúng kinh tế thị trường đều rất có thể bị coi là “chệch hướng”. Đề án xây dựng thị trường của tôi bị bác bỏ gần hết. Bản dự thảo sau khi đưa lên mấy tầng, cuối cùng trở về không còn là bản của mình nữa. Ngay cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ủng hộ nhưng cũng không bảo vệ được.

Bây giờ nhìn lại, ông thấy tiếc?
Tôi có một nguyên tắc, đã về hưu thì không có ý kiến nữa, và nguyên tắc đó được tôi giữ suốt hơn 10 năm qua; chỉ có gần đây, trước lo ngại về tình hình khai thác bauxite Tây Nguyên, tôi đã phải chủ động gặp một số đồng chí có trách nhiệm. Về thị trường thì, anh hỏi, tôi thấy cũng cần nhắc lại. Vì thực ra, sự ngắc ngứ hiện nay của thị trường Việt Nam có nguyên nhân do những vấn đề bản chất của nó vẫn chưa giải quyết. Đặc trưng của hệ thống mậu dịch quốc doanh xã hội chủ nghĩa là “thu mua”. Chưa nói những nguyên tắc như đơn phương định giá, dùng chính quyền ép người dân bán cho quốc doanh, bản thân hai chữ “thu mua” cũng đủ để nói lên yếu tố bất bình đẳng trong quan hệ thương mại. Khi nào còn bất bình đẳng, khi nào chưa có tự do thương mại thực sự, thì chưa thể có thị trường thực sự.

Ông muốn nói đến vai trò quốc doanh hiện nay?
Tôi không phải là người phản đối quốc doanh. Tôi biết có nhiều quốc gia không hề “định hướng xã hội chủ nghĩa” họ vẫn có các doanh nghiệp quốc doanh. Những doanh nghiệp này được nhà nước lập ra, cũng có thể là để nắm giữ một ngành quan trọng; nhưng, chủ yếu là để hoạt động trong những ngành tư nhân không muốn làm nhưng xã hội và người dân lại cần. Quốc doanh của ta, điển hình là các tập đoàn kinh tế lớn, đang được giao khai thác hầu hết những tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia nhưng hiệu quả kinh tế lại không bằng khu vực tư nhân. Quốc doanh độc quyền kinh doanh xăng dầu nhưng vẫn tăng giá khi giá xăng dầu thế giới giảm. Theo tôi, quốc doanh được lập ra là để phục vụ lợi ích chứ không phải là để thâu tóm lợi ích và ép người dân như thế.

Theo ông thì nguyên nhân tại sao?
Thay vì tuân thủ pháp luật, trưởng thành qua lăn lộn với thị trường thì chủ yếu, khối quốc doanh chỉ tận dụng đặc quyền, từ đặc quyền khai thác tài nguyên đến đặc quyền “vai trò chủ đạo”. Đó là nguyên nhân chính khiến cho các tập đoàn kinh tế thay vì cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu quay về bắt chẹt tư nhân và doanh nghiệp nhỏ hơn ở trong nước.

Thưa ông, chúng ta có “tập đoàn”, có “tổng công ty”, nhưng, không những không có vai vế bên ngoài, ở bên trong cũng bỏ trống. Nhiều năm nay, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài như Uniliver cứ “hành trình về nông thôn” thì các doanh nghiệp Việt Nam lại loay hoay xuất khẩu những tài nguyên thô, để mất dần thị trường nội địa?
Theo tôi, hiểu thị trường nội địa một cách thuần túy là không đúng, nội thương, ngoại thương và sản xuất là những mặt không thể tách rời. Đúng là chúng ta đã mở cửa khi mà ở bên trong chúng ta chưa có sức. Nhưng, vấn đề không phải là trì hoãn tiến trình mở cửa mà là phải tạo điều kiện để phát triển bên trong. Bản chất của vấn đề là tự do cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh bình đẳng. Nếu những khái niệm như “chủ đạo”, định hướng” không được định nghĩa rõ ràng thì rất khó có sự bình đẳng giữa tư nhân với quốc doanh. Không bình đẳng thì không có môi trường cạnh tranh lành mạnh. Không có môi trường kinh doanh lành mạnh thì không thể có những nhà doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao với bên ngoài; không thể có một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và hiệu quả.

Lúc nãy, ông có nói là ông cũng lo ngại về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, điều lo ngại đó là gì?
Vấn đề của Tây Nguyên là an ninh, quốc phòng và môi trường, tuy nhiên điều tôi có thể nói ở đây là những bài học khi làm ăn với Trung Quốc. Tôi làm thứ trưởng bộ Cơ khí Luyện Kim từ đầu thập niên 80, biết công nghệ của Trung Quốc đưa sang cho mình ở khu gang thép Thái Nguyên, ở mỏ sắt Trại Cau tới đâu. Sắt, thép, thiếc đào lên gần như bán thô cho họ, để cái còn lại hiện nay là những nhà máy bỏ thì thương, vương thì tội. Khi tôi làm Bộ trưởng Thương Mại tôi cũng không nhất trí xây dựng xi măng lò đứng và nhà máy đường tràn lan. Nhưng Trung Quốc họ “hay” lắm, họ cho thăm thú, họ cho vay tiền, không chỉ có các ngành mà các địa phương cũng gây sức ép để nhập. Nhà máy đường và nhà máy xi măng lò đứng là những bài học rất mới. Tôi nghĩ là chúng ta cũng nên nhớ họ đã khuyên ta những gì khi ta định ký sớm hiệp định thương mại Việt- Mỹ và đã để mất cơ hội ký với Mỹ trước họ như thế nào.

Huy Đức thực hiện

No comments:

Post a Comment