Sự trỗi dậy của các chế độ dân chủ phi tự do (1)
Fareed Zakaria
“The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs, November 1997
http://www.fareedzakaria.com/articles/other/democracy.html
Người dịch: Phạm Hồng Sơn (với sự cho phép của tạp chí Foreign Affairs)
Người hiệu đính và chú thích: Mai Thái Lĩnh
28/05/2009 12:10 sáng
http://www.talawas.org/?p=357
Làn sóng sắp tới
Nhà ngoại giao người Mỹ Richard Holbrooke trằn trọc suốt đêm trước ngày bầu cử tại Bosnia vào tháng Chín năm 1996, cuộc bầu cử nhằm khôi phục lại đời sống dân sự cho đất nước bị tàn phá do xung đột. “Cứ giả thiết rằng cuộc bầu cử là tự do và công bằng,” ông ta nghĩ, “và những người được bầu lại là những người có tư tưởng phân biệt chủng tộc, phát-xít hoặc ly khai - những người đang công khai chống lại tiến trình hòa bình và tái hòa nhập”. Đó thực sự là một tình thế tiến thoái lưỡng nan không chỉ đối với Liên bang Nam Tư cũ mà còn là tình trạng đang trở nên phổ biến trên thế giới. Các chính quyền được bầu lên một cách dân chủ, nhất là các chính quyền được bầu lại hoặc được tái xác nhận thông qua trưng cầu dân ý, thường bất chấp các giới hạn quyền lực do hiến pháp qui định và thường tước đi các quyền và tự do căn bản của người dân. Từ chính quyền tại Peru đến các cơ quan quyền lực của Palestine, từ chính quyền ở Sierra Leone, Pakistan đến Slovakia hay Philippines, chúng ta đều thấy sự trỗi dậy của một hiện tượng đáng lo ngại trong đời sống quốc tế. Đó là sự trỗi dậy của chế độ Dân chủ phi Tự do.
Rất khó để nhận ra vấn đề này, vì suốt gần một thế kỷ qua tại phương Tây, dân chủ thường được hiểu là dân chủ tự do - một hệ thống chính trị được xác định không chỉ bằng thiết chế bầu cử tự do và công bằng, mà còn bằng chế độ pháp trị (rule of law), sự chia tách quyền lực và thiết chế bảo vệ các tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo và tự do sở hữu tài sản. Trên thực tế, tập hợp các quyền tự do vừa kể - chúng ta có thể gọi chúng bằng thuật ngữ “chủ nghĩa tự do hiến định” (constitutional liberalism), về lý thuyết là khác và về lịch sử là tách biệt với từ dân chủ. Như nhà chính trị học, Philippe Schmitter, đã chỉ rõ:”Chủ nghĩa tự do, với tư cách là một quan niệm về tự do chính trị hay một học thuyết kinh tế, có thể đã trùng hợp với sự trỗi dậy của dân chủ. Nhưng nó (chủ nghĩa tự do -ND) chưa bao giờ được gắn một cách bất biến hay rõ ràng với việc thực hành dân chủ.” Hiện nay, hai thành tố đó của nền dân chủ tự do (liberal democracy), được bện chặt với nhau trong các hệ thống chính trị phương Tây, lại đang tự lan truyền sang phần còn lại của thế giới một cách riêng rẽ. Dân chủ đúng là đang nở rộ. Nhưng chủ nghĩa tự do hiến định thì không.
118 trong tổng số 198 quốc gia trên toàn thế giới hiện nay đã trở thành dân chủ, bao gồm một đa số của cư dân toàn thế giới (chính xác là chiếm 54,8%), là một phát triển rộng lớn trong một thập niên đã qua. Với sự thành công như thế, lẽ ra người ta có thể đã háo hức trông đợi các chính trị gia và trí thức phương Tây sẽ còn tiến một bước xa hơn cả E.M.Forster[1] và nhiệt liệt ăn mừng cho dân chủ. Nhưng thay vì thế, thế giới lại đang lo lắng hơn cho sự gia tăng nhanh các cuộc bầu cử đa đảng, đang diễn ra tại khắp nam-trung Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, có thể vì những gì đã xảy ra sau các cuộc bầu cử đó. Những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Boris Yeltsin[2] tại Nga, Carlos Menem[3] tại Argentina đang phớt lờ cả quốc hội và đang cai trị bằng các sắc lệnh tổng thống - những hành vi đang gây xói mòn các thiết chế hiến định. Trong khi đó, quốc hội Iran - đã được bầu ra một cách tự do hơn hầu hết các quốc gia khác tại Trung Đông, lại đang áp đặt các biện pháp khắc nghiệt đối với ngôn luận, hội họp và thậm chí cả về trang phục, làm giảm đi sự tự do vốn đã rất ít ỏi của đất nước này. Chính phủ tuyển cử tại Ethiopia lại đang dùng lực lượng an ninh để đối xử với nhà báo và các đối thủ chính trị, gây ra những tổn hại thường xuyên cho quyền con người và cả tính mạng con người.
Theo lẽ tự nhiên, hiện đang có một “phổ chính trị”[4] của thể chế dân chủ phi tự do, bắt đầu từ những loại ít hà khắc nhất như Argentina cho tới các loại gần-như-bạo-quyền (near-tyrannies) như Kazakstan và Belarus, và ở giữa là các nước như Romania hay Bangladesh. Phần lớn trong “phổ” này, các cuộc bầu cử đều ít khi được tự do và công bằng như tại phương Tây hiện nay, nhưng chúng đều phản ánh một hiện thực là dân chúng đã tham gia vào sinh hoạt chính trị và ủng hộ những người đắc cử. Các ví dụ cho hiện thực này không phải là cá biệt hay phi điển hình. Cuộc điều tra của Freedom House thực hiện năm 1996-1997 phản ánh qua báo cáo “Tự do trên Thế giới” (Freedom in the World)[5], đã xếp hạng riêng hai loại tự do chính trị và tự do dân sự, hai yếu tố gần tương đương với hai khái niệm dân chủ và tự do hiến định. Trong số các quốc gia nằm giữa thể chế độc tài cứng ngắc và thể chế dân chủ trưởng thành, có 50% thực hiện tự do chính trị tốt hơn tự do dân sự. Nói một cách khác, một nửa số các quốc gia đang dân chủ hóa hiện nay là các chế độ dân chủ phi tự do (illiberal democracies)[6].
Đúng là thể chế dân chủ phi tự do đang phát triển. Cách đây 7 năm chỉ có 22% các quốc gia đang dân chủ hóa có thể được xếp vào loại này, và chỉ hai năm sau đó, chỉ số này đã tăng lên tới 35%. Đến hôm nay, chỉ có một vài nền dân chủ phi tự do đã chuyển được sang dân chủ tự do, số còn lại thì đang chuyển sang xu hướng phi tự do tăng cường. Dù đã thoát xa khỏi giai đọan tạm thời hay quá độ, nhưng dường như phần lớn các quốc gia đó đang chuyển thành một dạng chính quyền pha trộn giữa một mức độ đáng kể về dân chủ với một mức độ đáng kể về chủ nghĩa phi tự do. Chính vì các quốc gia trên khắp thế giới hiện nay đã trở nên sung túc với nhiều biến thể của chủ nghĩa tư bản, nên chúng cũng có thể chấp nhận dễ dàng và duy trì nhiều dạng thức dân chủ khác nhau. Nền dân chủ tự do phương Tây có thể đang chứng tỏ không phải là đích đến cuối cùng trên con đường dân chủ, nhưng đúng là một trong nhiều lối thoát có thể có[7].
Dân chủ và Tự do
Từ thời Herodotus[8] cho đến nay, dân chủ luôn có nghĩa, đầu tiên và trước hết, là sự cai trị của dân. Quan niệm này về dân chủ - với ý nghĩa là một qui trình để chọn lựa ra chính quyền, đã được nhiều học giả nói rõ, từ Alexis de Tocqueville[9] đến Joseph Schumpeter[10], Robert Dahl[11], vẫn được các nhà xã hội học hiện nay sử dụng một cách rộng rãi.
Trong tác phẩm Làn Sóng Thứ Ba (The Third Wave), Samuel P. Huntington đã lý giải tại sao:
Bầu cử, với đặc tính mở rộng, tự do và công bằng, là cốt lõi của dân chủ, một điều kiện thiết yếu không thể thiếu. Song, các chính quyền được tạo ra bởi các cuộc bầu cử có thể không hiệu suất[12], đồi bại, thiển cận, vô trách nhiệm, bị chế ngự bởi những lợi ích riêng và không có khả năng chấp nhận các chính sách theo đòi hỏi của lợi ích công. Những phẩm chất xấu vừa kể tạo nên một chính quyền không mong muốn, nhưng chúng lại không làm cho các chính quyền đó trở thành thiếu dân chủ. Dân chủ là một phẩm hạnh công, nhưng không phải là độc nhất. Và mối quan hệ giữa dân chủ với các phẩm hạnh công và các tật xấu khác của xã hội, chỉ có thể nhận biết được nếu dân chủ được phân biệt rõ ràng với các đặc trưng khác của hệ thống chính trị.
Định nghĩa vừa nói về dân chủ cũng phù hợp với nhận thức phổ thông về thuật ngữ này. Khi một quốc gia tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng, có cạnh tranh, chúng ta sẽ gọi quốc gia đó là dân chủ. Khi tỷ lệ dân chúng tham gia vào chính trị tăng lên, ví dụ khi phụ nữ được thừa nhận quyền bầu cử, chúng ta sẽ coi đó là dấu hiệu của gia tăng dân chủ. Đương nhiên, một cuộc bầu cử phải có tính mở và công bằng và điều này đòi hỏi phải có sự bảo vệ ở một mức độ nào đó đối với quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Tuy nhiên, chỉ khi vượt qua được định nghĩa tối thiểu này và chỉ xếp một quốc gia vào dân chủ khi quốc gia đó đảm bảo được một danh mục đầy đủ, toàn diện về các quyền xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo; từ “dân chủ”, lúc đó, mới trở thành một danh hiệu nhằm tôn vinh hơn là một phạm trù để mô tả. Sau cùng, Thụy Điển có một hệ thống kinh tế mà nhiều người cho là cắt xén các quyền sở hữu cá nhân, nước Pháp cho đến gần đây vẫn còn độc quyền nhà nước về truyền hình, và nước Anh có một tôn giáo được công nhận chính thức[13]. Nhưng tất cả các quốc gia đó đều là những nền dân chủ rõ ràng và có thể nhận dạng. Do vậy, nếu nhận định một cách chủ quan, cho rằng có dân chủ là có “một chính quyền tốt” (a good government), thì định nghĩa này sẽ làm cho khái niệm “dân chủ” trở thành vô dụng[14].
Mặt khác, chủ nghĩa tự do hiến định không liên quan đến các thủ tục để chọn ra chính quyền, mà đúng hơn là nói đến các mục tiêu của chính quyền. Nó (chủ nghĩa tự do hiến định-ND) dựa trên truyền thống lâu đời của các nước phương Tây luôn tìm cách bảo vệ tính tự trị của cá nhân và phẩm giá con người chống lại sự áp bức có thể đến từ bất cứ nguồn gốc nào - nhà nước, giáo hội hay xã hội. Thuật ngữ này hàm chứa hai ý niệm đã được bện chặt với nhau. Ý niệm Tự do được rút ra từ xu hướng triết học nhấn mạnh tự do cá nhân[15], khởi đầu từ các triết gia Hy lạp. Ý niệm Hiến định dựa vào truyền thống pháp trị (rule of law), khởi đầu từ những người La Mã. Chủ nghĩa tự do hiến định (constitutional liberalism) đã phát triển tại Tây Âu và nước Mỹ với ý nghĩa là phương tiện bảo vệ cho quyền sống, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân. Nhằm đảm bảo an toàn cho các quyền đó, chủ nghĩa tự do hiến định nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát đối với quyền lực của mỗi ngành trong chính quyền, sự bình đẳng trước pháp luật, các thẩm phán và tòa án không thiên vị, và sự tách rời giữa nhà nước và giáo hội. Những nhân vật đại diện kinh điển cho trường phái này có nhà thơ John Milton[16], luật gia William Blackstone[17]; các chính trị gia như Thomas Jefferson[18], James Madison[19], và các triết gia như Thomas Hobbes[20], John Locke[21], Adam Smith[22], Nam tước Montesquieu[23], John Stuart Mill[24] và Isaiah Berlin[25]. Hầu như tất cả các biến thể của chủ nghĩa tự do hiến định đều công nhận rằng con người có những quyền tự nhiên (hay “không thể chuyển nhượng”) và rằng chính quyền phải chấp nhận một đạo luật cơ bản, nhằm hạn chế chính quyền lực của nó, và bảo toàn các quyền tự nhiên đó. Vì lẽ đó, năm 1215 tại Runnymede, các quý tộc của nước Anh đã buộc nhà vua phải tuân thủ một số luật về đất đai đã ổn định và dựa trên tập quán lâu đời. Tại các thuộc địa ở châu Mỹ, những điều luật như thế cũng đều được tuyên bố rõ ràng và vào năm 1638 thị trấn Hartford đã thông qua một hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Trong những năm 1970, các quốc gia phương Tây đã điển pháp hóa các chuẩn mực ứng xử cho các chế độ trên toàn thế giới. Magna Carta[26], Các quy định cơ bản Connecticut[27], Hiến pháp Hoa Kỳ và Tuyên bố chung tại Helsinki (Helsinki Final Act)[28] đều là những biểu hiện của chủ nghĩa tự do hiến định.
Đường tới nền Dân chủ Tự do
Kể từ năm 1945 đa phần các chính quyền tại phương Tây đều thể hiện cả hai yếu tố dân chủ và chủ nghĩa tự do hiến định. Vì vậy thật khó hình dung được hai yếu tố đó lại có thể tách biệt nhau: dưới dạng dân chủ phi tự do (illiberal democracy) hay dạng độc đoán tự do (liberal autocracy). Trên thực tế thì cả hai hình thức đó đã từng hiện hữu trong quá khứ và vẫn tồn tại đến ngày nay. Cho đến đầu thế kỷ 20, phần lớn các quốc gia Tây Âu vẫn chỉ là các chế độ độc đoán tự do hoặc khá nhất là nửa-dân chủ (semi-democracy). Quyền bầu cử lúc đó vẫn bị hạn chế chặt chẽ, cơ quan lập pháp do tuyển cử chỉ có chút ít quyền hạn. Vào năm 1830, nước Anh, ở một mức độ nào đó là nước dân chủ nhất ở châu Âu lúc đó, cũng chỉ cho phép 2% dân số đi bầu một viện của Nghị viện, sau đó tăng lên 7% vào sau năm 1867 và đạt được khoảng 40% vào những năm 1880. Chỉ đến cuối những năm 1940, phần lớn các quốc gia phương Tây mới trở thành các nền dân chủ có “đủ lông, đủ cánh”, với hệ thống bầu cử phổ thông cho tất cả người thành niên. Nhưng, 100 năm trước đó, quãng cuối những năm 1840, phần lớn các quốc gia đó đều đã thừa nhận các thành tố quan trọng của chủ nghĩa tự do hiến định: nguyên tắc pháp trị, quyền sở hữu tài sản tư nhân và với mức độ ngày càng tăng, công nhận sự chia tách giữa các quyền lực, cũng như các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp. Trong phần lớn lịch sử hiện đại, cái làm thành đặc trưng và tạo ra sự khác biệt giữa các chính quyền tại châu Âu và Bắc Mỹ với các chính quyền khác trên toàn thế giới không phải là dân chủ mà chính là chủ nghĩa tự do hiến định. Biểu tượng tốt nhất của “Mô hình phương Tây” không phải là hệ thống bầu cử đại chúng mà chính là vị quan tòa không thiên vị.
Lịch sử hiện đại của các quốc gia Đông Á cũng đang đi theo lộ trình phương Tây. Sau giai đoạn ngắn ngủi ve vãn chế độ dân chủ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phần lớn các chế độ tại Đông Á đều chuyển thành độc đoán. Rồi dần dần chuyển từ độc đoán sang độc đoán tự do hóa và, đối với một số trường hợp, chuyển tiếp sang nửa-dân chủ tự do hóa[29]. Đa phần các chế độ tại Đông Á hiện tại vẫn chỉ là nửa-dân chủ, với những lãnh đạo kiểu gia trưởng hoặc với hệ thống độc đảng chỉ tiến hành các cuộc bầu cử nhằm tạo bộ mặt hợp pháp cho quyền lực chứ không phải là tranh cử thực sự. Tuy nhiên, các chế độ này đã chấp nhận cho các công dân một không gian rộng hơn về các quyền kinh tế, dân sự, tôn giáo và các quyền chính trị có giới hạn. Giống như tại phương Tây, quá trình tự do hóa tại Đông Á cũng bao gồm tự do hóa về kinh tế - yếu tố chủ chốt để thúc đẩy cả tăng trưởng kinh tế lẫn dân chủ tự do. Lịch sử đã cho thấy các yếu tố có quan hệ mật thiết nhất với một nền dân chủ tự do trưởng thành là: kinh tế tư nhân (chủ nghĩa tư bản), một giai cấp tư sản và một chỉ số cao về tổng sản phẩm quốc dân (GNP:gross national product) tính theo đầu người. Tình hình hiện nay tại Đông Á, cũng gần giống như các chính phủ phương Tây vào khoảng năm 1900, là sự pha trộn giữa dân chủ, tự do, tư bản, độc quyền chính trị và tham nhũng.
Chúng ta đã thấy chủ nghĩa tự do hiến định đã dẫn đến dân chủ, nhưng dân chủ thì dường như không mang lại chủ nghĩa tự do hiến định. Tương phản với các con đường của phương Tây và Đông Á, trong vòng hai thập niên qua tại Mỹ Latinh, châu Phi và một số nơi khác ở châu Á, các chính thể độc tài với một chút ít nền móng của chủ nghĩa tự do hiến định đã mở đường cho dân chủ. Nhưng kết quả vẫn không đáng khích lệ. Ở bán cầu phía tây, không tính đến Cuba, với tất cả các cuộc bầu cử được tiến hành ở tất cả các nước, một nghiên cứu của học giả Larry Diamond năm 1993 đã cho thấy 10 trong số 22 quốc gia quan trọng tại Châu Mỹ La tinh “đã có mức độ xâm phạm nhân quyền không tương thích với sự củng cố chế độ dân chủ (tự do)”[30]. Tại châu Phi, quá trình dân chủ hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh đặc biệt. Chỉ trong 6 tháng của năm 1990, rất nhiều các quốc gia dùng tiếng Pháp đã bãi bỏ lệnh cấm hoạt động đa đảng. Nhưng cho dù phần lớn các quốc gia cận Sahara (gồm 45 quốc gia), từ năm 1991, đã tổ chức bầu cử (riêng năm 1996 đã có 18 cuộc bầu cử), đã có sự thụt lùi về tự do tại nhiều nước. Một trong những nhà quan sát cẩn trọng nhất về làn sóng dân chủ hóa tại châu Phi là Michael Chege đã rút ra một bài học là lục địa này “đã quá nhấn mạnh vào các cuộc bầu cử đa đảng…và một cách tương ứng đã sao nhãng những nguyên tắc cơ bản của cách lãnh đạo quốc gia theo kiểu tự do.” Tại Trung Á, các cuộc bầu cử khá tự do, như tại Kyrgyzstan và Kazakstan, đã tạo ra các bộ máy hành pháp mạnh, và các cơ quan lập pháp và tư pháp yếu ớt và chỉ có một chút tự do về dân sự và kinh tế. Còn trong thế giới Hồi giáo, từ cơ quan quyền lực của Palestine cho tới Iran, Pakistan, dân chủ hóa đều đưa đến sự gia tăng vai trò của chính trị thần quyền, gây xói mòn truyền thống của chủ nghĩa thế tục và tính khoan dung đã được định hình từ lâu. Tại nhiều quốc gia Hồi giáo như Tunisia, Morocco, Ai-Cập và một số quốc gia vùng Vịnh sẽ có những cuộc bầu cử vào nay mai, nhưng có một điều gần như chắc chắn là các chính quyền sau các cuộc bầu cử đó sẽ thiếu tính tự do hơn các chính quyền hiện nay.
Nhưng mặt khác, nhiều nước Trung Âu đã chuyển đổi thành công từ chế độ cộng sản sang chế độ dân chủ tự do bằng cách trải qua một quá trình tự do hóa mà không có dân chủ giống như các nước châu Âu khác đã làm trong thế kỷ 19. Thực vậy, đế quốc Áo-Hung, mà hầu hết các nước Trung Âu lúc đó trực thuộc, đã từng là một chế độ độc đoán tự do (liberal autocracy) cổ điển. Thậm chí ở ngoài châu Âu, nhà chính trị học Myron Weiner đã phát hiện ra một liên hệ đáng ngạc nhiên giữa chế độ hiến định trong quá khứ với chế độ dân chủ tự do hiện tại. Ông chỉ ra rằng, cho đến năm 1983, “tất cả các quốc gia độc lập trong Thế giới thứ Ba, nổi lên từ chế độ thuộc địa sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, với ít nhất một triệu dân (cùng với hầu hết các thuộc địa nhỏ hơn) và có một kinh nghiệm dân chủ liên tục, đều là cựu thuộc địa Anh quốc.”[31] Cách cai trị của người Anh thời thuộc địa không phải là dân chủ (chế độ thực dân theo định nghĩa là chế độ phi dân chủ) nhưng là chế độ theo chủ nghĩa tự do hiến định. Di sản của chế độ thực dân Anh về pháp luật và quản trị hành chính đã chứng tỏ có ích hơn chính sách của Pháp trao quyền bầu cử cho một số dân chúng tại thuộc địa.
Như vậy chế độ chuyên chế tự do có thể đã có mặt trong quá khứ, nhưng ai có thể hình dung được là nó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay? Mãi cho đến gần đây thôi, vẫn có một chế độ điển hình như thế, nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, phát triển ngay cạnh lục địa châu Á - đó là Hồng Công. Trong suốt 156 năm, tới tận ngày 01 tháng 07 năm 1997, Hồng Công được đặt dưới sự cai trị của Nữ Hoàng Anh, thông qua một Toàn quyền được bổ nhiệm. Tới năm 1991, Hồng Công chưa bao giờ tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử có ý nghĩa nào, nhưng chính quyền của nó luôn là hình ảnh thu nhỏ của chủ nghĩa tự do hiến định: bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, điều hành một hệ thống tòa án và một bộ máy hành chính công bằng. Bài xã luận ngày 08 tháng 09 năm 1997 trên tờ Washington Post đã giật một tít buồn bã “Đang giải thể chế độ dân chủ Hồng Công.” Nhưng thực tế, Hồng Công có quá ít dân chủ đáng giá để giải thể. Cái mà nó có chỉ là một khung rõ ràng cho các quyền công dân và pháp luật. Các đảo quốc nhỏ có thể không đem lại nhiều ý nghĩa thực tiễn trong thế giới hôm nay, nhưng chúng có thể giúp cho người ta lượng định được tương quan về giá trị tương đối giữa chế độ dân chủ và chế độ tự do hiến định. Ví dụ, khi bạn cần lựa chọn nơi để sống giữa Haiti - một chế độ dân chủ phi - tự do và Antigua - một chế độ nửa-dân chủ tự do. Sự lựa chọn của bạn chắc sẽ không phải dựa vào yếu tố thời tiết, là cái đều dễ chịu ở cả hai nơi, mà phải dựa vào không khí chính trị, là cái mà ở hai nơi không giống nhau [32].
-----------------------------------
Nguyên tác: Fareed Zakaria, “The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs, November 1997: http://www.fareedzakaria.com/articles/other/democracy.html
Ngoài những chú thích của người hiệu đính, các chú thích của chính tác giả đều có ghi chữ (F.Z.)
(Còn 2 kì)
----------------------------------------
[1] Edward Morgan Forster (1879 - 1970), nhà văn Anh. Trong tiểu luận «Tôi tin tưởng vào điều gì?» (What I believe?) viết vào năm 1939 , Forster hoan nghênh dân chủ vì hai lý do : (1) Dân chủ coi trọng cá nhân (ít nhất là so với các chế độ độc đoán) và (2) Chế độ dân chủ cho phép phê bình. Do đó, ông kêu gọi « hai lần hoan hô dân chủ », nhưng lập luận rằng lần thứ ba là không cần thiết. Hai lần hoan hô dân chủ (Two Cheers for Democracy) cũng là nhan đề của tuyển tập xuất bản vào năm 1951, có đăng bài tiểu luận nói trên.
[2] Boris Yeltsin (1931 - 2007): là thành viên của Bộ chính trị Đảng cộng sản Liên Xô từ năm 1986, ông bị buộc phải từ bỏ chức vụ bí thư thủ đô Moscow vào năm 1987 và sau đó rời khỏi Bộ chính trị. Tháng 5.1990, ông trở thành Chủ tịch Xô-viết tối cao (tức Quốc hội) của nước Nga và một năm sau, trở thành Tổng thống nước Cộng hòa xô-viết Nga (thuộc Liên Xô). Tháng 8.1991, ông góp phần làm thất bại cuộc đảo chính của phái bảo thủ nhằm lật đổ Tổng thống Gorbachev (tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô). Sau khi Liên Xô tan rã, ông (Boris Yeltsin) được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga (nhiệm kỳ 1991-1999).
[3] Carlos Menem (sinh 1930): luật sư, chính trị gia. Tổng thống Argentina trong hai nhiệm kỳ (1989-99).Giai đoạn cầm quyền của ông được ghi dấu bằng nhiều tai tiếng về tham nhũng.
[4] Nguyên văn : spectrum. Tác giả dùng từ này với ý nghĩa như political spectrum (phổ chính trị).
[5] Freedom House (Ngôi nhà Tự do) là một tổ chức quốc tế phi-chính phủ đặt trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu và bảo vệ dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền. Nhà ngôn ngữ học bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Mỹ - Noam Chomsky, một trí thức có quan điểm vô chính phủ (anarchist) và tự do phóng túng xã hội chủ nghĩa (libertarian socialist), đã chỉ trích tổ chức này nhận tiền và hỗ trợ quyền lợi của chính phủ Mỹ. Một số quốc gia như Cuba, Trung Quốc,… cũng cực lực chỉ trích tổ chức này. Tuy nhiên, bản báo cáo thường niên của tổ chức này - “Freedom in the World” (Tự do trên Thế giới), là một bản đánh giá hàng năm về mức độ nhận thấy được về các quyền tự do dân chủ trong từng nước, lại thường được dùng trong nghiên cứu khoa học chính trị.
[6] Roger Kaplan, ed., Freedom Around the World, 1997, New York: Freedom House, 1997, pp. 21-22. Bản điều tra xếp hạng các quốc gia theo hai thang 7 điểm, thang cho quyền chính trị và thang cho tự do dân sự (điểm thấp hơn thể hiện tiến bộ hơn). Tôi đã coi tất cả các quốc gia có điểm phối hợp giữa 5 và 10 là đang trong quá trình dân chủ hóa. Số phần trăm (%) dựa trên số liệu của Freedom House, nhưng trong trường hợp cá biệt của từng quốc gia, tôi không dựa hẳn vào xếp hạng của bản điều tra. Mặc dù bản Điều tra là một kỳ công đặc biệt - toàn diện và trí tuệ - nhưng phương pháp luận của nó lại đánh đồng một số quyền hiến định với các thủ tục dân chủ, gây lẫn lộn các vấn đề. Hơn nữa, tôi đã sử dụng các quốc gia làm ví dụ (mặc dù không có trong bảng dữ liệu) như Iran, Kazakstan và Belarus, những quốc gia này thậm chí về các điều khỏan thủ tục cũng chỉ được cùng lắm là nửa-dân chủ. Nhưng các quốc gia này vẫn đáng viện dẫn để làm rõ các vấn đề quan tâm, vì phần lớn các nhà lãnh đạo trong các quốc gia đó đều là những người đã được đắc cử, tái đắc cử hay vẫn đang được lòng dân. (F.Z.)
[7] Freedom in the World: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties, 1992-1993, pp. 620-26; Freedom in the World, 1989-1990, pp. 312-19. (F.Z.)
[8] Herodotus hay Herodotus xứ Halicarnassus: sử gia Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, thường được coi là “người cha của sử học” trong nền văn hóa phương Tây. Tác phẩm duy nhất của ông là cuốn Historíai (ἱστορίαι) - một cuốn ghi chép bao gồm những điều tra nhằm truy tìm nguồn gốc của cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư (490-479 trước c.n.). Historíai trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là «điều tra», «truy tìm», về sau được chuyển thành từ historia trong tiếng La-tinh trước khi mang ý nghĩa là “lịch sử, sử học” (history, histoire) như ngày nay chúng ta thường hiểu.
[9] Alexis de Tocqueville (1805-1859): Nhà khoa học chính trị, sử học, và chính trị gia người Pháp, nổi tiếng với tác phẩm Démocratie en Amérique (Nền dân chủ ở Mỹ, bản dịch tiếng Việt của Phạm Toàn có nhan đề “Nền Dân Trị Mỹ” - Nxb Trí Thức, 2007), một phân tích sâu sắc về hệ thống chính trị và xã hội của Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19.
[10] Joseph A. Schumpeter (1883-1950): nhà kinh tế học và xã hội học người Mỹ gốc Moravia (lúc đó thuộc đế quốc Áo-Hung, nay thuộc Cộng hòa Czech). Nổi tiếng về các lý thuyết bàn về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và các chu kỳ kinh doanh. Các tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực lý thuyết kinh tế.
[11] Robert Alan Dahl (sinh 1915), giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Là cựu chủ tịch của Hội Khoa học Chính trị Mỹ (American Political Science Association) và là một trong những nhà chính trị học xuất sắc nhất của nước Mỹ đương đại.
[12] Nguyên văn “inefficient” (vẫn tạo ra được kết quả mong muốn nhưng với chi phí tốn kém)
[13] Giáo hội chính thống ở Anh là Anh giáo (the Church of England, Anglican Church).
[14] Như ta sẽ thấy trong phần sau, Zakaria cho rằng một chính quyền dân chủ chưa phải đã là một chính quyền tốt, mà một “chính quyền tốt” trước hết phải là một chính quyền bảo đảm các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do hiến định.
[15] Thuật ngữ « liberal » được sử dụng ở đây theo nghĩa cổ hơn của châu Âu, hiện nay thường được gọi là chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism). Hiện tại ở Mỹ, từ này đang chuyển sang một ý nghĩa hoàn toàn khác: cụ thể là các chính sách ủng hộ nhà nước phúc lợi hiện đại. (F.Z.)
[16] John Milton II (1608-1674): một trong những nhà thơ lớn nhất trong văn chương ngôn ngữ Anh. Ông cũng là một sử gia, một học giả, và là một công chức dưới thời Cộng hòa Anh (Commonwealth of England). Trong số các nhà thơ của nước Anh, Milton được xếp thứ hai, chỉ sau Shakespeare. Bài thơ nổi tiếng của ông, Paradise Lost, được đánh giá là bài sử thi hay nhất trong ngôn ngữ Anh.
[17] Sir William Blackstone (1723- 1780): nhà luật học người Anh và là một giáo sư, tác giả của Commentaries on the Laws of England (Chú giải về luật của nước Anh) - một tác phẩm kinh điển về thông luật (common laws). Công trình này trở thành nền tảng của giáo dục luật học ở Anh và Mỹ.
[18] Thomas Jefferson (1743- 1826): người sọan thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ (1801-09). Trong một thời gian dài là “vị thánh tông đồ của tự do”, trong phạm vi học thuật ông lại trở thành đối tượng chỉ trích do bởi quan niệm về chế độ nô lệ (tin rằng xã hội Mỹ là lãnh địa của người da trắng). Vực thẳm ngăn cách giữa sự bày tỏ các lý tưởng tự do và thực tế của cuộc đời ông biến ông thành vị anh hùng đầy nghịch lý và, theo ý kiến của nhiều người, là vị anh hùng khó hiểu nhất của nước Mỹ.
[19] James Madison (1751-1836): Tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ (1809-17) và là một trong những người sọan thảo Hiến pháp Mỹ. Là thành viên của Hạ viện, ông bảo trợ mười tu chính án đầu tiên của Hiến pháp, thường được gọi là Đạo luật về Nhân quyền (Bill of Rights).
[20] Thomas Hobbes (1588-1679): Nhà triết học và lý thuyết chính trị người Anh, tác giả của cuốn Leviathan. Các quan niệm của ông về an ninh cá nhân (individual security) và khế ước xã hội (social contract) là những phát biểu quan trọng, mở đường cho cả hai xu hướng: chủ nghĩa tự do (liberalism) và chủ nghĩa chuyên chế tuyệt đối trong lĩnh vực chính trị (political absolutism).
[21] John Locke (1632-1704): nhà triết học người Anh, là người mở đường cho thời kỳ Khai sáng (Enlightment) ở Anh và Pháp, là tác giả của Hai khảo luận về chính quyền (Two Treatises of Government, 1689) - một tác phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành của chủ nghĩa tự do hiến định. Bản dịch tiếng Việt (phần khảo luận thứ hai) của Lê Tuấn Huy có nhan đề Khảo luận thứ hai về chính quyền - chính quyền dân sự, Nxb Tri Thức, 2007.
[22] Adam Smith (1723-1790): nhà triết học xã hội và kinh tế chính trị học người Scotland. Là tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết về tình cảm đạo đức, 1759) và The Wealth of Nations (Sự giàu có của các Quốc gia, 1776), ông được coi là người sáng lập cả hai khoa: triết học đạo đức và kinh tế học hiện đại. Trong cuốn Sự giàu có của các quốc gia, Smith giải thích rằng thị trường tự do, tuy bề ngòai có vẻ hỗn lọan và không bị kiềm chế, trên thực tế chịu sự điểu khiển của một “bàn tay vô hình” (invisible hand), do đó việc sản xuất ra số lượng và chủng lọai hàng hóa được điều chỉnh một cách hợp lý. Ông tin rằng khi một cá nhân theo đuổi lợi ích riêng của mình, anh ta hỗ trợ cho lợi ích của xã hội nhiều hơn là khi anh ta có ý định làm điều tốt cho xã hội. Là người bảo vệ cho thị trường tự do, ông cho rằng cuộc cạnh tranh vì lợi ích riêng trong thị trường tự do sẽ có xu hướng làm lợi cho xã hội xét như một tòan thể bằng cách giữ cho giá thấp, trong khi vẫn khích lệ sự đa dạng của các chủng lọai hàng hóa và dịch vụ.
Mặc dù được coi là nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa tự do trong kinh tế (economic liberalism), nhưng theo một số nhà nghiên cứu gần đây (như nhà viết lịch sử kinh tế Jacob Viner), Adam Smith không hề ủng hộ một cách giáo điều cho chủ trương tự do kinh tế - không can thiệp (laisser-faire) như một số người đã giải thích một cách cường điệu. Ông vẫn có thái độ thận trọng đối với giới doanh nhân và chống sự hình thành của các độc quyền kinh tế.
[23] Montesquieu(1689-1755): là bút danh của Charles Louis de Secondat, nam tước (baron) của lãnh địa La Brède (thừa kế từ người mẹ) và lãnh địa Montesquieu (thừa kế từ một người chú từ năm 1716). Là một nhà triết học chính trị người Pháp thuộc thế kỷ Ánh sáng, tác giả của De l’esprit des Lois - một trong những cuốn “tân thư” được truyền bá vào nước ta từ đầu thế kỷ 20 qua bản chữ Hán nhan đề “Vạn pháp tinh lý”. Bản dịch tiếng Việt (chưa đầy đủ) của Hoàng Thanh Đạm có nhan đề Bàn về tinh thần của pháp luật, Nxb Lý luận chính trị, 2006.
[24] John Stuart Mill (1806 - 1873): nhà triết học, kinh tế chính trị học người Anh, một nhà tư tưởng cổ điển theo chủ nghĩa tự do có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 19. Tác giả của On liberty (1859, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng có đầu đề Bàn về tự do - Nxb Trí Thức, 2005).
[25] Sir Isaiah Berlin (1909-1997): triết gia, nhà viết lịch sử tư tưởng người Anh gốc Latvia, được coi là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của phái tự do trong thế kỷ 20.
[26] Magna Carta (Great Charter, Đại hiến chương): là bản hiến chương về các quyền tự do do Vua John ban hành tại Anh vào năm 1215 dưới áp lực của giới quý tộc. Được xem là một biểu tượng chống áp bức, bản hiến chương này cũng là một trong những nguồn gốc sớm nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ. Magna Carta có ảnh hưởng rất lớn đến luật pháp của các nước Anglo-Saxon, nhất là nội dung liên quan đến Lệnh định quyền giam giữ (writ of habeas corpus). Lệnh định quyền giam giữ là một lệnh triệu tập có hiệu lực như một lệnh tòa án được gửi đến người đang giam giữ (vd: một viên chức của nhà tù), yêu cầu phải đưa người bị giam giữ (tù nhân) ra trước tòa án cùng với những bằng cớ để tòa xác định xem người giam giữ có quyền hợp pháp để bắt giam hay không, nếu không thì phải trả tự do ngay cho người đó. Người bị bắt giam hay một người khác nhân danh người đó có quyền thỉnh cầu tòa án hay một thẩm phán phát hành lệnh định quyền giam giữ. Quyền thỉnh cầu để có được một lệnh định quyền giam giữ từ lâu đã nổi tiếng là cách bảo vệ tốt nhất đối với quyền tự do của cá nhân.
[27] Các quy định cơ bản (The Fundamental Orders) được Thuộc địa Connecticut công nhận vào năm 1638. Các quy định này mô tả cơ cấu của chính quyền tự quản của các thị trấn trên bờ sông Connecticut. Nó có những đặc điểm của một bản hiến pháp thành văn và được một số học giả coi là bản hiến pháp thành văn sớm nhất trong truyền thống phương Tây.
[28] Tuyên bố chung Helsinki (Helsinki Final Act): còn gọi là Tuyên bố Helsinki (Helsinki Declaration) hay Thỏa ước Helsinki (Helsinki Accords): là bản Tuyên bố chung của Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (Conference on Security and Co-operation in Europe) năm 1975 họp tại Helsinki (thủ đô Phần Lan). Được ký bởi 35 quốc gia (Mỹ, Canada và tất cả các nước châu Âu chỉ trừ Albania và Andorra) vào ngày 1.8.1975, bản Tuyên bố này lúc đầu được coi là một nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa phương Tây với khối Cộng sản. Nhưng trong thực tế, nó không giải thể được cả NATO lẫn Liên minh quân sự Varsaw. Điều bất ngờ nhất xuất phát từ bộ khuyến cáo thứ ba (thường được gọi là giỏ thứ ba, basket III) liên quan đến vấn đề nhân quyền. Chính những khuyến cáo này là nguồn gốc của sự hình thành một số tổ chức phi-chính phủ và phi-lợi nhuận nhằm theo dõi vấn đề nhân quyền trong các nước cộng sản và trên thế giới. Một trong những tổ chức nổi tiếng nhất là Quan sát Helsinki (Helsinki Watch) ra đời vào năm 1978, đến năm 1988 trở thành Human Rights Watch (« Tổ chức theo dõi nhân quyền » hoặc « Tổ chức quan sát nhân quyền », HRW) - một tổ chức thường bị báo chí chính thống của Việt Nam gán cho cái âm mưu là « hoạt động chống phá Việt nam », mặc dù phạm vi họat động của họ không nhằm vào riêng Việt Nam mà nhằm vào tất cả các nước trên thế giới. Vào ngày 2 tháng 3 năm 2005, HRW đã đệ đơn kiện Donald Rumsfeld (bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó) tại tòa án tại Illinois, cáo buộc Rumsfeld đã cố tình dung túng cho việc tra tấn trong các trại giam của quân đội Hoa Kỳ.
[29] Indonesia, Singapore và Malaysia là những ví dụ cho các chế độ độc đoán đang tự do hóa (liberalizing autocracies), trong khi Nam Hàn, Đài Loan và Thailand là các chế độ nửa-dân chủ có tính tự do (liberal semi-democracies). Cả hai nhóm này, dầu sao, cũng có nhiều tính tự do hơn là tính dân chủ, đây cũng là đặc điểm đúng với trường hợp dân chủ tự do duy nhất trong vùng là Nhật Bản. Papua New Guinea và ở mức độ kém hơn là Philippines chỉ là các ví dụ của nền dân chủ phi tự do (illiberal democracy) ở Đông Á. (F.Z.)
[30] Larry Diamond, “Democracy in Latin America,” in Tom Farer, ed., Beyond Sovereignty: Collectively Defending Democracy in a World of Sovereign States, Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1996, p. 73. (F.Z.)
[31] Myron Weiner, “Empirical Democratic Theory,” in Myron Weiner and Ergun Ozbudun, eds., Competitive Elections in Developing Countries, Durham: Duke University Press, 1987, p. 20. Hiện nay tuy có những nền dân chủ đang vận hành trong Thế giới Thứ ba không phải là cựu thuộc địa của Anh, nhưng đa số các nền dân chủ đó đều là cựu thuộc địa của Anh.(F.Z.)
[32] Ngụ ý của tác giả là ta có thể chọn Antigua (nơi có nhiều quyền tự do) hơn là chọn Haiti (nơi ít quyền tự do).
No comments:
Post a Comment