Wednesday, May 27, 2009

ÔNG KHOA HỌC Ở ĐÂY - ÔNG DÂN CHỦ Ở ĐÂU ?

Ông Khoa Học ở đây, còn ông Dân Chủ ở phương nao?
Mr Science is here, where's Mr Democracy?
Singapore Straits Times,
by Ching Cheong, Senior Writer

5 May 2009
------------
Nguyên Hân – Tổng hợp
27-05-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6344

Mới hôm đầu tháng Năm, Trung Quốc tổ chức rầm rộ buổi kỷ niệm lần thứ 90 ngày Phong trào Bốn tháng Năm ra đời. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn kêu gọi sinh viên Trung Quốc hãy dương cao “ngọn cờ yêu nước đầy vinh quang” đã từng dấy lên và thúc đẩy phong trào Bốn tháng Năm năm xưa.

Ngày lễ Bốn tháng Năm đánh dấu một trang sử quan trọng của một Trung Quốc hiện đại. Ngày Bốn tháng Năm năm 1919, sinh viên và thành phần trí thức Trung Quốc đã biểu tình rầm rộ, đòi hỏi một sự thay đổi. Họ hướng về phương Tây và muốn đoạn tuyệt với đạo Khổng mà họ cho rằng đã làm cho Trung Quốc đi thụt lùi. Những người biểu tình xác định rằng Trung Quốc cần có “Ông Khoa học và Ông Dân chủ”, và họ cho rằng đây là hai yếu tố chủ đạo để xây dựng Trung Quốc thành một nước văn minh và hiện đại (1).
Đằng sau phong trào này là lòng yêu nước. Nó khởi đầu ngay từ khi người dân khám phá rằng chính phủ trung ương đã ngầm thỏa thuận 21 yêu sách của Nhật Bản để chuyển nhượng địa tô của Đức nằm ở tỉnh Shandong cho Nhật Bản sau khi Đức bại trận trong Đệ nhất Thế chiến.
Những cuộc biểu tình lớn lao xảy ra sau đó đã bắt chính quyền trung ương phải rút lại những thỏa thuận nhượng bộ Nhật Bản trước đó.
Nhưng điều làm cho những cuộc biểu tình ngày Bốn tháng Năm năm 1919 khác với những cuộc biểu tình khác ở chổ, nó không những chỉ là sự kêu gọi và bày tỏ lòng yêu nước, nhưng còn đòi hỏi hai điều then chốt là sự tiến bộ trong lãnh vực khoa học và nền dân chủ cho đất nước. Đó là lý do sử gia đã gọi thời kỳ này là thời kỳ Trung Quốc Phục hưng, tương tự như châu Âu hồi thế kỷ thứ 17.
Kể từ đó, dân chủ là ước mơ cho người dân Trung Quốc.
Chính ước mơ này đã là động lực chính cho ra đời đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ). Một nhà lãnh đạo then chốt trong phong trào Bốn tháng Năm này là giáo sư Chen Duxiu ở đại học Bắc Kinh. Là một tín đồ của chủ nghĩa Mác, ông đã thành lập đảng CSTQ hai năm sau đó.
Đảng CS ra lò còn mới toanh đã dựa vào chiêu bài dân chủ này để đánh bại đảng Quốc dân đang cầm quyền.

Một tình tiết biểu trưng cho chuyện này là năm 1945, lãnh đạo đảng CSTQ Mao Trạch Đông đã có một cuộc đối thoại với một nhân vật hoạt động chính trị nổi tiếng Huang Yan-pei về việc làm thế nào để đảng CSTQ có thể tránh được những vết xe sai lầm trong lịch sử mà đã làm cho chế độ quân chủ ở Trung Quốc liên tục thăng trầm.
Ông Mao trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi đã tìm thấy một con đường mới, đó là dân chủ.” Khi cuộc đối thoại này được lan truyền từ trụ sở đảng nằm ở vùng tây bắc xa xôi của Trung Quốc đến khắp ngang cùng ngõ hẽm của Trung Quốc, quần chúng đáp ứng với một sự hậu thuẩn nồng nhiệt dành cho đảng CSTQ.

Phóng viên thời chiến tranh của hãng thông tấn Reuters ông Doon Campbell lúc đó có hỏi ông Mao Trạch Đông nói thêm cho biết ông ngụ ý gì khi nói đến dân chủ, và tự do. Về mặt dân chủ, ông Mao Trạch Đông trích dẫn một đoạn trong bài diễn văn nổi tiếng ở Gettysburg của tổng thống Hoa Kỳ ông Abraham Lincoln là xây dựng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân.” Về mặt tự do, ông Mao Trạch Đông “mượn đỡ” một câu nói của tổng thống Hoa Kỳ Franklin Rosevelt: đó là “tự do tư tưởng và tôn giáo, và giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi.”
Câu trả lời thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề đã chinh phục hằng triệu con tim người Trung Quốc yêu chuộng tự do và dọn đường cho đảng CSTQ đi đến thắng lợi cuối cùng, nắm quyền lực.
Nhưng một khi đã nắm được quyền lực trong tay, đảng ngoảnh mặt làm ngơ với nền dân chủ đảng đã hứa. Thay vào đó, đảng CSTQ ra sức thiết lập một chế độ độc tài toàn trị. Hiến pháp Trung Quốc năm 1954 gọi nền độc tài này là “nền độc tài dân chủ nhân dân” và cho đến năm 1963, nó được tu chính lại là “nền chuyên chính vô sản.”

Theo nhà báo Ching Cheong, sự thay lòng đổi dạ này đã kéo cả nước Trung Quốc vào những thảm họa khôn lường. Giữa năm 1949 cho đến năm 1976, ước chừng có khoảng 30 đến 50 triệu người chết “bất đắc kỳ tử”, theo con số lượng gía bởi những học gỉa Trung Quốc và phương Tây. Tối thiểu, có khoảng 100 triệu người bị hành hạ và bị vi phạm nhân quyền qua vô số lần đảng cộng sản TQ thanh trừng lẫn nhau (2).
Nhưng, người dân Trung Quốc vẫn chưa bỏ cuộc ước mơ dân chủ của họ. Tháng Tư năm 1976, họ lại có một phong trào đòi hỏi dân chủ, nhưng bị đè bẹp ngay trong trứng nước. Thế nhưng phong trào này lại nổi lên năm 1979 khi có phong trào dân chủ báo tường. Ông Wei Jingsheng, một nhân vật được nhiều người biết đến dạo đó đã đứng ra kêu gọi “cuộc hiện đại hóa thứ năm”.
Ông cho rằng bốn hiện đại hóa được đảng CSTQ đề ra - hiện đại hóa Nông nghiệp, Kỹ nghệ, Quốc phòng và Kỹ thuật - sẽ không mang đến một Trung Quốc thực sự hiện đại nếu không có cái “hiện đại thứ năm”. Và đó chính là một nền chính trị dân chủ. Ông Wei trả gía cho niềm tin của ông qua 15 năm nhìn lá rụng từ song tù.

Yêu cầu đòi hỏi dân chủ im lặng cho khoảng chừng một thập niên sau đó, rồi lại bùng nỗ lên ở một mức độ lớn hơn nhiều qua biến cố ngày Bốn tháng Tư ở Thiên An Môn năm 1989, khi sinh viên từ các trường đại học Bắc Kinh, đại học Qinghua, đại học Luật và Khoa học Chính trị cùng sinh viên từ các trước đại học khác cùng tiến về Quảng trường Thiên An Môn với biểu ngữ trong tay và chia sẻ cùng ước mơ cho một nền dân chủ đến với đất nước mình.
Đảng CSTQ đã sử dụng quân đội thẳng tay đàn áp những người biểu tình đòi hỏi dân chủ và làm nín khe quần chúng của mình trong gần hai mươi năm qua. Nhưng mới năm rồi, khát vọng cho một nền dân chủ lại bùng nỗ qua chiến dịch thu thập chữ ký ủng hộ cho Hiến Chương Linh Tám (Charter 2008), kêu gọi cho một nền dân chủ, sự tự do, sự tôn trọng nhân quyền và một hệ thống pháp quyền.

Không thể phủ nhận đã có những thành tựu nhất định kể từ ngày Bốn tháng Năm cho đến ngày Bốn tháng Sáu. Theo nhà báo Chinh Cheong, khoảng thời gian 90 năm sau này từ 1919 cho đến 2009 có thể chia làm ba giai đoạn.
Ba mươi năm đầu (1919-1949) là giai đoạn Trung Quốc đang mò mẫm tìm một lối đi. Đảng CSTQ đã bắt mạch quần chúng một cách thành công và hiểu được điều người dân mong mỏi – là một nước Trung Quốc độc lập và hùng mạnh không còn bị thống trị bởi ngoại bang – và đảng CSTQ đã mang được điều này đến cho họ. Chính cái kỳ công này đã cho đảng CSTQ một sự ủy nhiệm không thể chối cãi được từ chính người dân của họ.
Ba mươi năm kế tiếp từ 1949-1979 cho thấy Trung Quốc trải qua một thời kỳ cực kỳ khó khăn, và những năm cuối của thời kỳ này đảng CSTQ hầu như “bị phá sản”. Đảng CSTQ có nguy cơ mất hết tín nhiệm của người dân và buộc lòng đảng phải xét lại chính sách của mình.
Ba mươi năm cuối từ 1979-2009 cho thấy Trung Quốc chuyển mình vươn lên đến mức không còn nhận ra được nữa, nhờ chính sách cải cách và mở rộng cửa ra thế giới bên ngoài.

Trong suốt ba mươi năm cuối, Trung Quốc đã thay đổi diện mạo của mình hoàn toàn. Người dân giờ đây sung sướng với đời sống sung túc và những tự do cá nhân họ chưa từng có trước đây, và Trung Quốc tự cho mình là một trong những nước giàu có nhất trên thế giới – mà Trung Quốc đã từng là như thế trong qúa khứ cho đến giữa thế kỷ thứ 19.

Những thành công này cho thấy những ý tưởng cách mạng từ phong trào Bốn tháng Năm năm 1919 - về Khoa học và Dân chủ - giờ đây chỉ đạt được nữa vời. Nếu cuộc thám hiểm không gian năm rồi của Trung Quốc là niềm biểu tượng cho Ông Khoa Học đã đến với Trung Quốc, thì Hiến Chương Linh Tám chứng minh cho thấy Ông Dân Chủ vẫn còn nằm xa tít tắp ngoài tầm mắt. Theo nhận định của nhà báo Ching Cheong, nó sẽ là cuộc thử thách sinh tử cho đảng CSTQ và người dân của mình trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, trong bài phản biện của mình dành cho bài này, tiến sĩ Tam Chen Hee đặt vấn đề có thật “Ông Khoa Học đã đến với Trung Quốc” như nhà báo Ching Cheong nhận xét. Ông Tam Chen Hee cho rằng Trung Quốc đã có được những thành tựu trong lãnh vực khoa học, và họ đã có những trang thiết bị tối tân trong tay, nhưng cái cốt lõi là tinh thần khoa học thì còn khuya Trung Quốc mới đạt được. Đó là cái tinh thần biết tôn trọng sự thật, không gian dối và tính ngay thẳng để đối diện với những thực tế trải nghiệm khác biệt nhau. Cái tinh thần khoa học nếu được hiểu như thế, thì “chắc chắn là Ông Khoa Học chưa đến với Trung Quốc” như nhà báo Ching Cheong khẳng định.

Đã chín mươi năm kể từ ngày Bốn tháng Năm năm 1919, hai điều mà sinh viên và trí thức biểu tình đòi hỏi cho Trung Quốc đến nay vẫn là một giấc mơ chưa thành tựu. Như thế, Việt Nam Cộng sản sẽ đạt được gì nếu cứ tiếp tục lần theo lối mòn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi từ 90 năm trước?

© DCVOnline
-------------------------------------

Nguồn:
(1) Nhà báo Chieng Cheong đã không cung cấp nguồn cho con số được đề cập trong bài.
(2)
Mr Science is here, where's Mr Democracy? Singapore Straits Times, by Ching Cheong, Senior Writer, 5 May 2009
(3)
Meet Mr. Science, Mr. Democracy. The China Post, by Frank Ching, 5 May 2009
(4)
Democracy is good and all other systems are bad? That is a myth. Singapore Straits Times, by Dr. Tam Chen Hee, 10 May 2009

No comments:

Post a Comment