Wednesday, May 6, 2009

NGHỆ SĨ CÓ NÊN LÊN TIẾNG TRƯỚC VIỆC NƯỚC ?

Nghệ sĩ Việt Nam có nên lên tiếng trước việc nước?
Lê Diễn Đức
Tháng Năm 6, 2009
http://ledienduc.wordpress.com/2009/05/06/ngh%E1%BB%87-si-vi%E1%BB%87t-nam-co-nen-len-ti%E1%BA%BFng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-vi%E1%BB%87c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc/
Hôm cuối tháng Tư vừa qua, nghệ sĩ dương cầm Ba Lan, Krystian Zimerman đã gây ra một vụ scandal ở Hoa Kỳ vì công khai phê phán chính sách ngoại giao của Mỹ.

Sự việc xảy ra hôm 27/04/2009 tại Cung hoà nhạc Walt Disney Concert Hall ở Los Angeles với chương trình ông trình diễn các bản nhạc của Bach, Beethoven và hai nhạc sĩ tài hoa Ba Lan, Grażyna Bacewicz và Karol Szymanowski.
Trước khi chơi bản “Biến tấu đề tài dân tộc Ba Lan” của Szymanowski, ông nói với thính giả rằng đây là chuyến lưu diễn cuối cùng của ông tại Hoa Kỳ, bởi vì ông “không muốn chơi nhạc tại một đất nước mà quân đội muốn kiểm soát toàn thế giới”.

Hãy để nước tôi yên!

Nhắc đến việc tra tấn tù nhân tại Guantanamo và chống lại kế hoạch Hoa Kỳ lắp lá chắn tên lửa tại Ba Lan, ông nói: “Các vị hãy để đất nước tôi yên!”.
Sau đó, trong tiếng vỗ tay của của thính giả ông bắt đầu chơi bản nhạc của Szymanowski.
Nhưng không phải tất cả thính giả đều hưởng ứng.
Theo báo Los Angeles Times, vài chục người huýt sáo phản đối và bỏ ra ngoài.
Krystian Zimerman đã nói hài hước: “Mới nghe đến âm vang của từ quân đội mà một số người đã bắt đầu hành quân” và “Hoa Kỳ có nhiều thứ xuất khẩu tuyệt vời hơn quân đội”.

Dù châu Âu vốn thường muốn các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ nhạc cổ điển tránh xa chính trị, báo Anh, tờ The Guardian đã khen ngợi thái độ của ông Zimerman.
Sinh năm 1956, hiện sống tại Thụy Sĩ, Zimerman là một trong những nghệ sĩ dương cầm hiện đại nổi tiếng nhất hiện nay, người đoạt giải nhất cuộc thi dương cầm quốc tế mang tên Frédéric Chopin năm 1975
Đây không phải lần đầu tiên Zimerman nói lên quan điểm của mình trong các buổi trình diễn.
Khi Ba Lan còn chế độ cộng sản, ông đã phê phán mạnh mẽ lệnh thiết quân luật đàn áp phong trào đối lập.

Năm ngoái, trong vòng công diễn ở Ba Lan ông nói rằng, nhiều quan chức trong chính phủ của George W. Bush có lẽ phải đưa ra Toà án Quốc tế tại The Hague.
Ông gọi lá chắn tên lửa của Hoa Kỳ tại Ba Lan là “chuyện ngớ ngẩn”.
Tờ Los Angeles Times với lời tựa “Sự tẩy chay của Krystian Zimerman” viết rằng, một số người không đồng tình với Zimerman đã phản đối bằng chân - đi ra khỏi Cung hòa nhạc Los Angeles và họ có quyền như vậy, “nhưng thật buồn là nghệ thuật dương cầm của ông không còn được nghe tại Hoa Kỳ”.
Kế hoạch lá chắn chống tên lửa ở Ba Lan từ mấy năm nay đã bị Nga phản đối kịch liệt. Đa số dân Ba Lan cũng không ủng hộ. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra do giới văn nghệ sĩ và bảo vệ môi trường tổ chức.
Năm 2007 tại Poznan, khi trao bản thỉnh thư cho báo chí, những người nghệ sĩ Ba Lan nói: “Chúng tôi đòi hỏi được biết ai là kẻ thù đe doạ Ba Lan và chúng ta trang bị để chống lại ai? Chúng tôi chống trả vì lẽ gì?”.

Vai trò của nghệ sĩ

Khi báo chí hỏi nghệ sĩ có nên tham dự vào các tranh luận chính trị, Zimerman trả lời rằng, phản ứng của ông không phải với tư cách của nghệ sĩ mà là của một con người.
Trong lịch sử Ba Lan, tiếng nói của những nhà trí thức nổi tiếng có tác động rất lớn đối với mọi nhà cầm quyền, bởi vì sau lưng họ có một đội ngũ quần chúng lớn hâm mộ.

Báo Anh cũng nhắc tới nhạc sĩ Frederic Chopin (1810-1849) và những người sau ông như Ignacy Paderewski (1860-1941) là những nghệ sĩ có truyền thống thể hiện tình ái quốc.
Một bạn đọc trên portal “Wykop.pl” của Ba Lan viết: “Tốt biết bao khi một người có tên tuổi và tư cách xã hội như thế phản đối. Đây là tín hiệu cho thấy, từ lâu Ba Lan lẽ ra phải điều chỉnh cách hành xử với Hoa Kỳ chứ không năn nỉ vô tác dụng mãi. Chúng ta đã chơi trò leo cột mỡ trong mối quan hệ với người Mỹ”.

Một người khác viết:
“Qua rồi một thời nhiều nước chỉ biết tuân theo ngón tay chỉ của Hoa Kỳ. Zimerman chỉ ra một giai đoạn mới khi Hoa Kỳ không còn là cường quốc độc nhất, mà phải là một quốc gia bình đẳng với phần còn lại”.

Trong quá khứ, từ 1947 đến 1989, nguyệt san Kultura (Văn Hoá) do trí thức Ba Lan phát hành tại Paris đã đóng góp quan trọng vào phong trào tranh đấu dân chủ.
Czeslaw Milosz, nhà văn Ba Lan được giải thưởng Nobel Văn học 1980 còn nói: “Đôi khi người ta nói rằng, các sáng lập viên của Kultura là người lật đổ chế độ cộng sản tại Ba Lan”.
Giới trí thức Ba Lan không chỉ tranh đấu để Ba Lan giành được tự do, dân chủ, mà còn bảo vệ tiến trình xây dựng dân chủ.
Những nhà hoạt động xã hội, khoa học, văn học, nghệ thuật danh tiếng nhất của Ba Lan đã ký tâm thư kiến nghị phản đối chính phủ Kaczynski đưa ra “luật thanh lọc” năm 2006, tấn công cực đoan vào quá khứ cộng sản.
Toà Hiếp pháp Ba Lan cuối cùng phán quyết bộ luật thanh lọc vi hiến.
Thành quả này đầu tiên thuộc về giới trí thức Ba Lan.

Liên tưởng tới Việt Nam

Sự kiện Đảng và nhà nước Việt Nam đưa ra đề án cho Trung Quốc khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên đã và đang làm chấn động dư luận người Việt.
Ý thức được hậu quả nghiêm trọng của đề án này đối với môi sinh và an ninh của đất nước, gần một ngàn trí thức Việt Nam trong và ngoài nước đã gửi thỉnh thư lên quốc hội Việt Nam.
Những đề nghị của họ biểu hiện sự quan tâm đặc biệt đến vận mệnh tương lai của dân tộc.
Họ đã làm theo tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm.

Như Adam Michnik, một trong những cựu lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan đã nói: “Đối với người trí thức thì chính trị là lựa chọn mang tính đạo đức. Người trí thức bước vào chính trị là để lấy sự thật chống lại dối trá của bộ máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy’.

Thế nhưng, điểm qua danh sách những người ký tên phản đối vụ bauxite, tôi thấy vắng bóng hoàn toàn những người thuộc lĩnh vực ca nhạc, sân khấu, thời trang.
Không có một nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú nào. Không thấy những giọng ca vàng. Không có hoa hậu kiều diễm nào với lời hứa hẹn ấn tượng khi nhận vương miện. Không một nhà tạo mode nào. Cả trong và ngoài nước!

Theo tôi biết, cho đến giờ này không có cả Đặng Thái Sơn, người đoạt giải nhất cuộc thi International Frédéric Chopin Festival 1980, đồng nghiệp của Zimerman.

Tôi chợt nhớ hồi bé rất thích lớn lên trở thành nhạc sĩ, ca sĩ. Bố tôi bảo: “Mày không theo cái nghề ấy. Xướng ca vô loài!”.
Câu nói dân gian mà bố tôi nói sai hoàn toàn với những người nghệ sĩ Ba Lan.
Còn với các nghệ sĩ Việt Nam?
Họ không biết, “vô loài” hay vô cảm trước số phận của mảnh đất Tây Nguyên?

Rồi sẽ còn không những đoá hoa Pơ-lăng, những cây Kơ-nia của buôn làng? Mới ngày nào trong cuộc kháng chiến họ còn say sưa hát: “Tây Nguyên hỡi, lòng nhớ anh em chờ, như đá bên bờ suối, dẫu nước cuốn không rời, bến bờ đâu anh ơi, có thương nhau xin nhớ lời…“

Hy vọng những người nghệ sĩ Việt Nam hôm nay còn nhớ lời, sẽ biết nói và lên tiếng, ít nhất không phải với tư cách của nghệ sĩ thì của con người, như Krystian Zimerman đã nói.

Nếu không thì đất nước chúng ta bất hạnh thật!

No comments:

Post a Comment