Lê Nam: Một Hiện Tượng Đặc Biệt ... Trong Nền Văn Hóa Hải Ngoại
Thạch Vũ (Văn Nghệ tuần báo Úc châu)
5/29/2009 1:57:39 AM
http://www.take2tango.com/?display=7100
(Hình) Lê Nam: ngôi sao trẻ được hết lời ca ngợi và là một hiện tượng đặc biệt trên bầu trời văn học thế giới hiện nay. http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/05-2009/Tuan%2016/le_nam-01.jpg
Hồi tuần qua, quyển sách có tên là The Boat (Con Thuyền) của nhà văn trẻ người Úc gốc Việt đã được Thủ hiến New South Wales, ông Nathan Rees trao giải thưởng văn chương quan trọng về thể loại truyện ngắn - và được xem là quyển sách hay nhất trong năm tại Úc. Giải này được mang tên là NSW Premier's Literary Awards. Đồng thời trong cùng ngày, quyển The Boat được giải thưởng Glenda Adams của Đại học Kỹ thuật Sydney (UTS) về sáng tác mới hay nhất. Chỉ một tháng trước, cũng quyển sách ấy đã đoạt giải thưởng văn chương tại tiểu bang Victoria, khi Thủ hiến John Brumby ca ngợi là quyển sách xuất sắc nhất trong năm của tiểu bang.
Đây mới chỉ là các giải thưởng tại Úc về quyển sách nói trên, sau khi quyển The Boat viết bằng tiếng Anh, được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, Phần Lan, Croatia, Do Thái, Thụy Điển, Nhật Bản, Triều tiên và dĩ nhiên là tiếng Việt.
Được biết nhà văn trẻ Lê Nam mới 29 tuổi, chào đời tại Việt Nam và vượt biên cùng gia đình đến Mã Lai, khi anh mới được 3 tháng tuổi. Lê Nam lớn lên tại Melbourne và hành nghề luật sư, thế nhưng do thú ham đọc sách nên anh cũng tập viết lách và quyển The Boat là tác phẩm đầu tay gồm 7 truyện ngắn, đã được xuất bản tại Úc hồi năm rồi. Kể từ đó quyển sách này đã leo lên vị trí số 1 trong danh sách Top 10, những sách bán chạy nhất trong tuần trên thế giới.
Trước đó quyển sách đã được phát hành tại Mỹ và đã được đón nhận nồng nhiệt. Nhà phê bình văn học của nhật báo New York Times là bà Michikio Kakutani, vốn được xem là một cây bút nổi danh ở Mỹ trong việc giới thiệu các tác phẩm, đã hết lời ca ngợi và đánh giá cao quyển sách The Boat như một hiện tượng đặc biệt và mới lạ, xuất hiện trên bầu trời văn học thế giới. Còn nhà văn từng đoạt giải Pulitzer ở Mỹ là Junor Diaz, nhận xét và không tiếc lời ca ngợi tác phẩm của Lê Nam. Những nhận xét có trọng lượng này của nhà văn nói trên, đã được trích đăng trên bìa quyển The Boat, vốn được tái bản hơn hai trăm lần chỉ trong thời gian ngắn ngủi một năm trời.
Lê Nam đã được đón nhận ngay từ khi tác phẩm The Boat ra mắt lần đầu tiên tại Melbourne ở Úc, hiện là biên tập viên thể loại văn xuôi của tạp chí văn học nổi tiếng ở Mỹ là Harvard Review, mặc dù đầu tiên các sáng tác lúc mới chập chững cầm viết của anh, là những bài thơ bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Trước đó anh được mời sang Mỹ để tham dự các trại sáng tác, cũng như nhiều học bổng của các trường đại học Mỹ cấp, quyển The Boat dường như được ra đời trong dịp anh tham dự trại sáng tác ở Philadelphia và sau đó được xuất bản tại Úc.
Thủ hiến New South Wales rất mực khen ngợi
Trong buổi lễ trao giải thưởng về văn chương tại Sydney, Thủ hiến New South Wales, ông Nathan Rees ca ngợi quyển The Boat là một trong những những sáng tác văn học gây nhiều ngạc nhiên trong tâm tưởng con người. Quyển sách này được công nhận là hay nhất trong năm tại Úc. Ông Nathan Rees được xem là người có thẩm quyền trong việc phê phán quyển sách, do ông đã tốt nghiệp Đại học Sydney với hạng danh dự về môn Văn Chương Anh. Trong bài diễn văn loan báo kết quả tuyển chọn hôm thứ hai tuần rồi, ông cho biết “Quyển The Boat là một tập hợp các truyện ngắn vượt biên giới quốc gia và các ranh giới về văn hóa, mang lại cho người đọc những kinh nghiệm về một loạt các quan điểm và tiếng nói khác nhau trên thế giới”.
Cũng trong ngày thứ hai tuần qua, quyển The Boat cũng đạt giải thưởng văn chương Glenda Adams của trường Đại học Kỹ thuật Sydney UTS, với số tiền tượng trưng là 5 ngàn đô la, chưa kể giải thưởng quyển sách hay nhất trong năm mang lại một số tiền khác là 10 ngàn đô la. Thực sự hai số tiền này có tính cách hết sức tượng trưng và danh dự, so với số sách bán được và đã dịch ra qua nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, khiến Lê Nam trở thành nhà văn triệu phú chỉ với một quyển sách đầu tay.
Những hy sinh để chọn ra con đường riêng cho mình
Lê Nam là một luật sư cộng tác trong một văn phòng luật sư tại Melbourne, sau khi anh tốt nghiệp đại học. Với sự nghiệp vững chắc của ngành nghề luật sư, anh có thể sống một cuộc đời yên bình tại xứ sở Miệt Dưới, vừa có danh vọng và cuộc sống được bảo đảm đầy đủ về mặt vật chất ở Melbourne. Đây cũng là ước mơ của hầu hết các gia đình người Việt tại hải ngoại, luôn mong muốn con cái của họ tốt nghiệp đại học và theo đuổi một ngành nghề nào đó an toàn và bảo đảm tương lai. Chính sinh viên tốt nghiệp ra trường cũng chỉ cầu mong tìm được công việc làm vững chãi, có chút ít danh vọng và rồi yên ấm bên vợ đẹp con khôn. Thế nhưng Lê Nam đã chọn con đường sáng tác văn chương làm hướng đi cho đời mình, khi từ bỏ công việc của một luật sư tại tòa Thượng thẩm Victoria để dấn thân vào nghiệp văn chương, qua việc tham dự các trại sáng tác tại Philadelphia và tại Iowa ở Mỹ.
Lê Nam chính thức bước vào việc sáng tác chuyên nghiệp, khi theo học chương trình Cao học về nghệ thuật kéo dài trong hai năm trời, tại Iowa ở Hoa Kỳ. Chính từ các trại sáng tác nhằm tạo điều kiện cho các tay viết trẻ, đã giúp đưa Lê Nam lên đài danh vọng với quyển sách đầu tay The Boat. Quyển sách đã thành công ngoài sự mong đợi của tác giả trên văn đàn thế giới, chứng tỏ con đường văn chương chữ nghĩa quả là hướng đi đúng hướng cho một người trẻ đã chọn, khi phải hy sinh những gì đã có trước mắt.
Vài hàng về tác giả người Úc gốc Việt
Lê Nam chào đời vào năm 1978, chỉ ba năm sau khi Saigon sụp đổ và cũng là năm người cha từ ngục tù lao cải trở về, sau đó ông tìm cách đưa cả nhà ra đi lúc Nam mới ba tháng. Sau thời gian tạm trú tại Mã Lai, gia đình Nam được nhận vào Úc định cư. Chú bé thông minh học giỏi từ bậc tiểu học ở trường Melbourne Grammar School lên đến Đại học Melbourne và tốt nghiệp ưu hạng với hai bằng Cử nhân Văn chương và Cử nhân Luật. Người thầy tạo nhiều ảnh hưởng nơi Lê Nam khi học về văn chương, là thi sĩ người Úc Chris Wallace Crabble. Nam là luật sư làm việc trong một công ty luật và là luật sư tòa Thượng thẩm Victoria trong năm 2003 và 2004. Thế nhưng vào năm 2004, Lê Nam quyết định hướng đi mới cho cuộc đời của mình, khi anh tham dự trại sáng tác ở Iowa tại Mỹ, đồng thời hoàn tất bằng Cao học trong lãnh vực Sáng tác Văn chương. Anh được nhận làm biên tập viên cho tạp chí văn học nổi tiếng của Mỹ là Harvard Review. Vào năm 2006, truyện ngắn đầu tiên của anh được đăng trên Zoetrope, anh
cũng được học bổng của Trung tâm Mỹ thuật tại Princetown và tại Phillips Exeter Academy một năm sau đó. Năm 2008, Lê Nam trở về Úc và xuất bản quyển The Boat, thế nhưng sau đó sang Anh quốc để nhận một học bổng khác tại Đại học East Anglia.
Được hỏi về nguồn cảm hứng khi sáng tác, Lê Nam không ngần ngại cho rằng “Tôi cảm xúc rất nhiều qua những chọn lựa và hy sinh của cha mẹ tôi. Những chuyện ấy vẫn luôn đậm nét trong đầu óc tôi”.
Vài hàng về tác phẩm The Boat
Quyển The Boat dày 272 trang với 7 truyện ngắn, lấy bối cảnh là chuyến vượt biên từ năm 1978 của gia đình Lê Nam từ Rạch Giá, vốn là nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Chiếc thuyền trôi giạt đến Mã Lai khi đó Lê Nam mới ba tháng và đang bị ốm nặng, do đó cha mẹ anh đã chấp nhận lời mời của phái đoàn để đi định cư sớm ở Úc nhằm chữa lành bệnh cho con, và có lẽ đó là nguồn cảm hứng khiến anh sáng tác quyển sách nổi danh The Boat. Nhân vật chính trong truyện là một cậu bé 6 tuổi, ốm yếu tên Trương, với cặp mắt sâu thẳm, u buồn, phảng phất nét suy tư của một cụ già. Bố Lê Nam là một sĩ quan trở về từ trại “học tập cải tạo”, sự kiện này cùng nhiều chuyện thật khác trong đời thường của tác giả, đã được lồng vào câu
truyện thực hư lẫn lộn một cách tài tình của cậu bé tên Trương, qua truyện ngắn đầu tiên của sách mang tên “Love and Honor and Pity and Pride and Compassion and Sacrifice” (Tình yêu, Danh dự, Lòng Thương hại và Niềm Tự hào, Lòng Trắc ẩn và Sự Hy sinh).
Đây là những chủ đề mà các gia đình Việt Nam vượt biên, dù đến bất cứ quốc gia nào định cư cũng đều phải đối diện và tìm thấy chính mình trong đó. Những câu truyện khác tác giả dẫn dắt người đọc với các nhân vật qua thời gian và không gian khác biệt, từ Iowa đến Nữu Ước, từ Cartegena đến Hisoshima, rồi từ một làng đánh cá nhỏ ở Úc cho đến con tàu đánh cá vượt biên Việt Nam trôi dạt trên biển Đông; từ suy tư của một tay sát thủ trẻ 14 tuổi ở Medellin (Columbia) cho đến tâm trạng của một họa sĩ già yếu ngoại lục tuần ở thành phố Nữu Ước, luôn mong đợi người con gái đã chia cách 17 năm qua; từ tâm trạng khắc khoải của một cô gái Nhật Bản tuổi đôi mươi vào những gây phút khi quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima, tâm tình của một thiếu phụ người Mỹ bị phụ bạc cho đến tấm lòng sôi sục của một phụ nữ đối kháng ở Nam tư, bạn của thiếu phụ Mỹ, khi người này đến thăm bạn tại Teheran thủ đô của Iran, chuyện tranh giành gái đẹp của các học sinh trung học trong bối cảnh một gia đình người Việt tỵ nạn tại Úc.
Truyện cuối cùng là Con Tàu trở lại bối cảnh Việt Nam, trên một chiếc thuyền đánh cá chen chúc những người tỵ nạn với nhiều thảm cảnh diễn ra, trong đó người phụ nữ phải chấp nhận những quyết định hết sức đau lòng. Tất cả nói lên những tâm sự ray rứt và đau buồn lẫn tuyệt vọng của cuộc đời, của từng nhân vật trong các truyện ngắn khác nhau. Người đọc cuốn hút vào dòng chảy của quyển sách, nhập vai từng nhân vật trong truyện, với những buồn vui lẫn lộn theo từng lời văn tuyệt diệu của Lê Nam.
Vài thành quả của Lê Nam qua quyển The Boat
Ngoài các giải thưởng Lê Nam nhận được hồi trung tuần tháng nầy, như giải thưởng Văn chương của Thủ hiến New South Wales về quyển sách hay nhất trong năm, cùng giải thưởng của Đại học Kỹ thuật Sydney về sáng tác mới xuất sắc nhất, năm rồi quyển The Boat chiếm được giải thưởng cao quí là Dylan Thomas. Cũng trong năm 2008, quyển The Boat được giải thưởng về sáng tác hư cấu cho tác giả dưới 35 tuổi của National Book Foundation, ngoài ra, còn được giải thưởng truyện ngắn của Frank O'Connor International Short Story Award. Vào năm 2007, quyển The Boat được giải thưởng Pushcart Price và cùng năm, Lê Nam được giải thưởng của Michenner Copernicus.
Hiện nay, đã có hơn 8 nhà xuất bản ngoại quốc mua bản quyền của quyển The Boat. Ở Mỹ, sau khi nhà xuất bản nổi tiếng Alfred A. Knopf phát hành quyển The Boat, Lê Nam đã chiếm quán quân giải Pulitzer, một giải thưởng cao quí về văn chương, báo chí, truyền thông...
Tính đến nay quyển The Boat đã được 68 giải thưởng, cũng như được tuyển chọn là quyển sách số 1, từ khắp nơi trên thế giới và danh sách này có lẽ sẽ tiếp tục còn dài. Lê Nam quả là một hiện tượng hết sức đặc biệt của một cây bút người Việt trẻ tuổi trên văn đàn thế giới và mở ra một đường hướng sáng tác bằng Anh ngữ của các nhà văn Việt Nam, trên con đường tiến đến giải Nobel Văn chương, một mục tiêu mà mọi cây bút sáng tác trên thế giới đều mong mỏi.
Thạch Vũ (Văn Nghệ tuần báo Úc châu)
No comments:
Post a Comment