Những khuyến cáo của Tổ Chức Nhân Quyền đối với nhà nước CHXHCNVN
Human Right Watch
Đăng ngày 5-5-2009
http://danchimviet.com/articles/1096/1/Nhng-khuyn-cao-ca-T-Chc-Nhan-Quyn-i-vi-nha-nc-CHXHCNVN/Page1.html
• Trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả những người đang bị giam cầm vì đã có những hoạt động ôn hòa cổ võ cho quyền tự do kết hợp của công nhân, trong đó có quyền thành lập và gia nhập công đoàn mà mình tự do lựa chọn; quyền ôn hòa hội họp để bảo vệ và thực hiện quyền lợi của mình; và thực thi quyền tự do phát biểu thay mặt cho các công nhân nói lên ưu tư của họ.
• Xác nhận trách nhiệm của Việt Nam đối với Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR), Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa (ICESCR), và trong tư cách thành viên của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), tôn trọng và khuyến khích quyền tự do kết hợp và quyền của công nhân được tự do thành lập công đoàn lao động độc lập, tổ chức đình công, cùng nhau thương lượng với chủ nhân.
• Tu chính tất cả các điều luật và các quy định của Việt Nam, bao gồm Luật Lao Động 1994, để phù hợp với Hiệp Ước ICCPR, ICESCR, và thích hợp với những điều kiện của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế. Đặc biệt phê chuẩn và thực thi Quy Ước Số 87 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, liên quan đến quyền tự do kết hợp, và Quy Ước Số 98 liên quan đến quyền tự do tổ chức và thương lượng tập thể.
• Bảo đảm cá nhân có quyền kết hợp và ôn hòa tụ họp với người khác cho dù họ bày tỏ quan điểm đi ngược lại với quan điểm chính trị hoặc ý thức hệ của chính quyền VIệt Nam hoặc của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
• Luật pháp Việt Nam phải công nhận các công đoàn lao động độc lập.
• Bảo đảm việc các công ty và xí nghiệp tư nhân, quốc doanh và có chủ nhân ngoại quốc tại Việt Nam tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
• Mời các viên chức của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế đến để điều nghiên và thảo luận về việc bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của công nhân Việt Nam và chấp nhận những khuyến cáo của TCLĐQT.
• Tích cực cộng tác với những đặc phái viên về nhân quyền của LHQ, đặc biệt cấp giấy mời thường trực cho Đặc Phái Viên phụ trách về việc khuyến khích và bảo vệ quyền tự do tư duy và phát biểu, Đại Diện Đặc Biệt của LHQ phụ trách về tình hình các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và nhóm chuyên trách về vấn đề Giam Cầm Tùy Tiện và Những Vụ Mất Tích Ngẫu Nhiên hoặc có Chủ Mưu.
• Công bố tất cả những thông tin mà chính quyền có được về tung tích của nhà hoạt động Lê Trí Tuệ, mất tích hồi tháng 5 - 2007 sau khi sang Căm-Bốt xin tị nạn chính trị. Đối với các ân nhân và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam, trong đó có Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
• Khẩn thiết bày tỏ quan ngại về những vi phạm quyền lao động tại Việt Nam ở mức độ cao nhất và kêu gọi chính quyền Việt Nam ngừng sách nhiễu và bắt giữ tùy tiện, giam cầm và bỏ tù các nhà hoạt động bảo vệ lao động.
• Bảo đảm quyền lợi của công nhân được tôn trọng trong mọi dự án do quốc tế tài trợ.
• Yêu cầu chính quyền Việt Nam đình chỉ lập tức những vụ bắt bớ, sách nhiễu hoặc bắt giữ các nhà hoạt động bảo vệ lao động và những người tán phát tin tức về quyền lao động.
• Yêu cầu chính phủ Việt Nam bảo vệ trên pháp luật và trên thực tế toàn bộ những quyền công nhân đã được quốc tế công nhận, trong đó có quyền tự do kết hợp; quyền tổ chức và thương lượng tập thể; ngăn cấm lao động cưỡng bách; tuổi tối thiểu để tuyển dụng trẻ em; những điều kiện làm việc chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ giấc, an toàn và sức khỏe.
• Đối với những quốc gia đang thương lượng hoặc đã tiến hành chương trình kinh doanh với Việt nam, tiến hành duyệt xét thường xuyên tư cách khả chấp của Việt Nam, chiếu theo việc tuân thủ và bảo vệ quyền công nhân.
Đối với Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) :
• Cử một phái đoàn cao cấp từ Genève sang Việt Nam để thảo luận với chính quyền Việt Nam về quyền công nhân.
• Kêu gọi việc trả tự do vô điều kiện các nhà hoạt động công đoàn bị giam giữ, bỏ tù hoặc bị quản thúc tại gia vì đã bày tỏ một cách ôn hòa quan điểm của họ.
• Gây áp lực để buộc Việt Nam tu chính Luật Lao Động và có những hành động thích đáng để yêu cầu Việt N am tuân thủ những cam kết trong Tuyên N gôn của TCLĐQT về những Nguyên Tắc và Quyền Căn Bản trong Lao Động.
• Tìm ra một chương trình cải tổ có hạn kỳ rõ rệt để tu chính Luật Lao Động Việt Nam cho phù hợp với điều 87 và 98 ghi trong Qui Ước của TCLĐQT.
• Chỉ thị cho Văn Phòng Sinh Hoạt Công Nhân của TCLĐQT thực hiện những sinh hoạt mở rộng, những chương trình đào tạo kỹ năng, khởi sự từ những qui ước 87 và 98 của TCLĐQT, cho các công đoàn Việt Nam tha hương và những nhóm hỗ trợ cho quyền lợi công nhân hoạt động ở ngoài Việt Nam.
Đối với các công ty đầu tư vào các xí nghiệp ở Việt Nam:
• Bảo đảm tất cả mọi công nhân được thông báo đầy đủ và được chỉ dẫn về quyền của họ và cách thực thi chúng, bảo đảm các tin tức về quyền lao động đến với công nhân, ví dụ như niêm yết tại nơi làm việc.
Đối với Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN):
• Ghi nhận việc Việt Nam không tôn trọng quyền lao động và nhân quyền là một vi phạm Hiến Chương của ASEAN, đặc biệt là điều 2 (i) về những quyền tự do căn bản, về thăng tiến và bảo vệ quyền con người, về xiển dương công bằng xã hội, và báo cáo những vi phạm Hiến Chương này lên Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN.
Đối với Chính Phủ Hoàng Gia Căm-Bốt :
• Tiến hành điều tra kỹ lưỡng về trường hợp của nhà hoạt động bảo vệ lao động Lê Trí Tuệ, bị mất tích vào tháng 5 năm 2007 sau khi đã sang Căm-Bốt xin tỵ nạn chính trị, và hành động để ngăn ngừa sự việc tương tự đối với những người xin tỵ nạn và những người tỵ nạn trong tương lai. Thông báo tất cả mọi tin tức mà chính quyền có được về ông Lê Trí Tuệ.
Trích từ "Not Yet a Workers’ Paradise - Vietnam’s Suppression of the Independent Workers’ Movement" của HRW
No comments:
Post a Comment