Monday, May 25, 2009

KHÔNG NỔI DOÁ MỚI LÀ CÓ VẤN ĐỀ

Không Nổi Dóa Mới Là… Có Vấn Đề
Đinh Tấn Lực
25.05.2009
http://blog.360.yahoo.com/blog-cvTEIyQ1cqjy3nKsgTLTpK4M2g--?cq=1

Chẳng hiểu sao vẫn còn thân được, chứ tình thiệt, nghe bạn kể chuyện mà phát chán.

Hỏi bạn có gì lạ không, thì chỉ nghe một lô chuyện: Đà Nẵng: Rơi xuống cống đang thi công, mẹ chết, 2 con bị thương; Tây Ninh: Chị tâm thần đánh chết em dâu; Phan Thiết: Các người đẹp chuyển đổi giới tính đại náo Mũi Né; Hà Giang: Bi kịch ‘đại công trường’ và khoản nợ 1.800 tỷ; Cà Mau: Những dòng sông chết; Hà Nội: Khởi công hai hạng mục công trình tại công viên Tuổi trẻ; TP.HCM: Giả danh sinh viên bán dâm xuyên Việt, hay, Dự án thoát nước lạc hậu, hay, Bệnh viện quá tải, bệnh nhi nằm tràn… hành lang, hay, 5 giờ giải cứu một cháu bé bị bắt cóc đưa ra nước ngoài v.v…

Lại hỏi bạn có gì cần sẻ chia, học hỏi, thì lại được nghe một lô “bình luận” khác: Giá vàng quay đầu tăng nhẹ; Tôn tạo, tu bổ di tích: Mạnh ai nấy làm; Quy hoạch đô thị: Lợi ích của dân phải được đặt lên đầu; Để 1 triệu ‘nông dân chất lượng cao’ thành hiện thực; Chỉ đầu tư sân golf ở những khu đất làm nông nghiệp không hiệu quả; Cần mạnh tay hơn với những kẻ làm ăn gian dối!; Hành trình của những người đau khổ nhất trong những người khổ; Khăm Phết xót Khăm Bun v.v…

Suýt nữa đã nghi oan là không lẽ nào bạn ta, vốn là dân tốt nghiệp báo chí, mà chỉ tần mần tẩn mẩn quan tâm ngần đó chuyện… thường ngày ở huyện?
Té ra, chung quy chỉ vì báo chí chính quy quanh năm cũng chỉ ngần đó tin tức, bình luận.

Bảo rằng: Chán phết!
Bạn gật đầu: Ấy là chưa kể phần tin tức Sinh Hoạt của Lãnh Đạo đấy. Này nhé, không cần ghé mắt vào sạp báo, mọi người đều có thể lẩm nhẩm những đoạn văn mẫu nghìn bài như một: Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí…(gì đó, liệt kê theo thứ tự thứ bậc); Trong diễn văn chào mừng, đồng chí… (gì đó, phát biểu thế này, thế này…); Đồng chí (ABC) đã nhiệt liệt đánh giá cao những kết quả bước đầu…; Đồng chí (XYZ) nhấn mạnh rằng cho dù các kết quả còn hạn chế…; Đồng chí (GAT) đã bày tỏ tin tưởng…; Đồng chí (QUY) đã trân trọng xác định quan hệ 2 nước…; Đồng chí (LAY) chúc mừng sự kiện 2 nước đã… v.v…

Bèn ngăn lại: Thôi, đủ rồi, ông mảnh! Thời ở trường thì hăm hở, hồ hởi cho lắm vào, sao giờ lại đìu hiu, điêu tàn làm vậy? Có gì “ít chán” hơn không, nói nghe coi?
Bạn xua tay: Sao lại đòi hỏi lắm thế? Không nắm bắt được quy luật “Cho gì ăn nấy” à? Chưa từng nghe chuyện Trưởng ban Quản lý KTX ĐH Sư phạm Hà Nội
Trần Công Thanh đáp ứng yêu cầu nối mạng internet của sinh viên bằng cách lắp đặt Tivi à? Ông ấy có một câu tuyên bố đã được sinh viên liệt vào dạng danh ngôn để đời: “Các em cứ vô tư, thích xem gì tivi chiếu thì xem vì nội dung được phát sóng đã qua kiểm duyệt”. Đấy! Thấy chưa? Không nổi dóa mới là có vấn đề! Kinh tế, coi lại đi, trừ quốc doanh, đã hết bao cấp; nhưng phía văn hóa, đặc biệt là văn hóa thông tin, thì chẳng những không chịu bớt, chịu hết, hay chịu chết, mà còn phát huy đậm nữa đấy!

Hỏi thêm: Thế nào là văn hóa bao cấp thông tin?
Bạn nhếch mép: Hãy ra coi dân làm bánh lọt là hiểu ngay đặc tính vận hành cơ bản hệ thống truyền thông tầm quốc gia của VN ta: Bộ CT cấp bột. Tuyên giáo trung ương nhào bột. Bộ 4 tờ nắm cần, nhấn tới đâu thì tin tức, bình luận, phóng sự, thậm chí cả văn nghệ, lọt ra tới đó. Mẻ đầu là của Thông tấn xã nhà nước, mẻ kế là của báo Nhân Dân với VOV, các mẻ sau là của 600 cơ quan báo đài đủ kích cỡ, vừa vặn cho mọi chiều thị hiếu độc giả bốn phương… Đến khi nào “trên” kéo cầu dao điện bảo ngưng thì tất yếu là nguyên dàn máy đứng khựng lại ngay. Dân ta vừa đóng thuế cấp dưỡng cả một hệ dây chuyền bánh lọt đó, lại vừa bỏ tiền ra đào tạo nhiều thế hệ tay nghề kế thừa truyền thống rập khuôn, từ phóng viên cho tới tổng biên tập, để được tự do đọc, nghe, xem hàng loạt bản tin thập cẩm mệnh danh “hướng dẫn dư luận” nói trên, không phải là rạng rỡ một nền văn hóa bao cấp thông tin thì là gì? Văn hóa tem phiếu bánh lọt à? Nói vui khái quát thế thôi, chứ còn phân giải cho ra đầu ra đũa thì phải kể tới hàng loạt mô hình văn hóa bonsai, văn hóa cơm hộp… trong nền báo chí nước nhà nữa cơ!

Lại gãi tai: Bonsai thì hiểu rồi, giá sinh ra còi cọc/ đành nhẽ với mệnh trời/ đây mảnh rừng luân lạc/ đại thụ thành đồ chơi... Nhưng còn văn hóa cơm hộp là sao?
Bạn cười cười: Thế chưa đọc tin về những con tàu lạ à? Biển Đông ta hằng ha sa số những con tàu lạ được báo chí mình ghi nhận. Nó bắn, nó tông chìm tàu đánh cá của ngư dân ta thường xuyên. Thế nhưng báo giới của ta đã rất “nhạy cảm” để chỉ ghi nhận đó là những “tàu lạ của nước ngoài”. Tin sốc nhất trên rất nhiều báo điện tử mấy hôm nay là: “khoảng 3 giờ sáng 19-5, tàu đánh cá mang biển số QNg-95048TS đã bị một tàu lạ của nước ngoài tông chìm”. Ấy, đã tự hoạn đến mức không nêu tên nước ngoài nào đó mà vẫn bị coi là chưa đủ “nhạy bén” đối với tình hữu nghị 4 tốt đã được long trọng cam kết. Sau khi các blogs chuyển tải bản gốc, thì chỉ vài giờ sau, mọi bản tin chính quy lề phải đều đồng loạt sửa lại như nhau là, nguyên văn: “đã bị một tàu nước ngoài (chưa rõ lai lịch) tông làm chìm tàu”, và chỉ đáng được liệt vào mục Tin Vắn. Nếu vụ này xảy ra vào cuối thập niên 1970 hay đầu thập niên 1980 thì hẳn đã khác. Truyền thống ứng xử răng môi cận đại của báo chí ta vào đầu thiên niên kỷ này đã uốn nắn các phóng viên thành một dàn nhà báo hội viên Hội Công Công như thế đấy. Bạn thấy chủ quyền cơm hộp của ta là hoàn toàn độc lập chưa nào? Bảo đừng nổi dóa có được không nào?

Đáp: Thấy! Còn nghe được cả tiếng sủi tăm của mấy lít máu đang sôi nữa. Có người bảo dân ta có cả thảy 86 triệu đôi tai đôi mắt, nhưng chỉ được nghe và thấy xuyên suốt qua 15 “tô đậu hũ”. Bây giờ bạn đã làm rõ hơn tính chính xác của nhận xét đó.
Lại cười đểu: Cả 15 chiếc tô bạc đều có nạm chữ vàng, nhưng tiếc thay, chúng không đựng thành phẩm tàu hũ, mà toàn bã đậu cả đấy bạn ạ! Còn, “chỉ được nghe và thấy” như ai đó từng bảo, thì chỉ đúng vào thời của Diễm thôi. Giờ khác xa rồi! Bọn thế lực thù địch Google với Yahoo! vãi bom Net không kịp vuốt mặt. Chỉ những kẻ tự chọn giữ thói quen bưng tai bịt mắt mới tiếp tục chắt lọc hình ảnh và âm thanh cho mình thông qua 15 cái tô bã đậu ấy. Nói nhại
Trần Hoài Anh, trong một bài viết về một nhà thơ Huế trên tạp chí Sông Hương tháng 12/2008, là: “…để tồn tại họ chấp nhận đánh mất mình, chấp nhận sống chung với các ác”. Còn phần đông đã vươn cao qua khỏi những cái đầu lè tè mặt ghế của lãnh đạo. Chưa thời nào mà lãnh đạo bị khinh miệt tận cùng bằng số như thời này. Khu vực công bị chảy máu chất xám đến thất sắc là vì thế… Chỉ thị của Thủ tướng cũng chen chân rầm rập ra đời là vì thế… Người người đua nhau tuyên bố lăng nhăng nhặng xị suốt mấy năm qua là vì thế… Trên bảo dưới không nghe trở thành đại nạn của cả guồng máy cũng là vì thế…

Gặng tí: Không nghe, nhưng …vẫn không nói ra?
Bạn ngã người, ha hả: Chưa nói ra hết thì có phần chính xác hơn chăng? Mà sự đời nó vậy: Mấy cái thủy chấn Tsunami không tiếng động lại gây thiệt hại tàn khốc gấp trăm lần những cơn sấm rền. Còn… đã nói ra, thì bạn có để ý con số page views của nhiều blog cá nhân trong nước cao hơn gấp mười lần số lượt truy cập của trang mạng MTTQ đã từng được đưa vào hoạt động từ nhiều năm nay không? Bạn có thấy trang mạng Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, và ngay cả trang mạng gốc
www.cpv.org.vn có 4 thứ ngôn ngữ (kể cả tiếng tàu) của đảng CSVN …đều chẳng dám công bố số lượt truy cập không?

Gật đầu: Có! Nhiều blog có lượng truy cập cao hơn gấp hai mươi lần trang mạng MTTQ của nhà nước nữa kia! Nhưng mà… điều đó liên hệ gì đến chuyện “nói ra”?
Bạn xua tay: Ậy, để thấy độc giả ta thích đọc điều gì! Còn nhớ bài
“Đợt sinh hoạt chính trị lớn năm 2008” của nhà báo Thái Duy trên tờ Đại Đoàn Kết hồi tháng 2 năm 2008 đã khẳng định “lực cản cái mới lại là bộ máy Đảng và Nhà nước” chứ? Còn nhớ bài “Tản mạn cho đảo xa” của phóng viên Trung Bảo (Blogger Ginola) trên tờ Du Lịch hôm Tết Kỷ Sửu vừa rồi chứ? Còn nhớ bài khuyến cáo báo CA Thành phố của Ls Đoàn Thị Lan trên báo Pháp Luật hồi tháng 3 chứ? Còn nhớ các bài “Biên giới tháng Hai” của nhà báo Huy Đức (Blogger Osin) trên báo SGTT chứ? Mới nhất là bài “Sống chung với hàng TQ?” của nhà báo Kim Hạnh, cũng trên tờ SGTT, đã đọc rồi chứ?... Tiêu biểu tạm thời là thế! Các nhà báo vẫn viết, vẫn “nói ra” đó chứ, lắm khi còn quá mức “chạm ngưỡng” nữa đó chứ! Chỉ là trên phương tiện báo chí chính quy hay trang blog cá nhân thôi. Do sự thôi thúc rất chung là “phải nói ra điều nổi dóa trong lòng” của từng người, chưa một ai từng phân biệt khoảng cách của hai loại phương tiện này, cho đến lúc Bộ trưởng bộ 4 tờ khẳng định “quản lý là quản… có lý”, để nói về thứ tự do bên …lề phải. Giống như trường hợp đôi bờ tả hữu của con sông Seine chảy ngang kinh đô ánh sáng Paris vậy! Nhà báo Trương Duy Nhất nhận xét rằng: “Càng ngày càng thấy nhiều nhà báo… thò tay viết blog. Càng ngày càng thấy nhiều người chen nhau đọc blog đến nghẽn mạng”. Không phải mới đây đâu. Từ những tháng cuối năm 2006 lận. Một năm sau đó, con số tăng đến mức đủ để Bộ CA phải mượn tay Cty Kết Nối Việt và báo Lao Động cùng tổ chức buổi hội thảo “Blog trong thế giới thật” vào ngày 21/8/2007, dưới sự chủ tọa của Đại tá công an Trần Thế Tuyển, Phó cục trưởng Cục báo chí. Nhà báo Vũ Mạnh Cường (blogger VMC) dẫn giải: “Ở Việt Nam, câu chuyện tỏ tình gây chấn động của một sinh viên ở ĐH Bách khoa Hà Nội, vụ cảnh sát giao thông chặn bắt xe taxi vượt đèn đỏ, nhật ký của Trần Tuyên - chàng trai bị bệnh máu trắng là những ví dụ sinh động về việc báo chí chính thống sử dụng nguồn tin của ‘báo chí công dân’…”. Có thể nào cụm từ báo chí công dân, gọi tắt là dân báo, bắt nguồn từ đây chăng?... Một chuyện vui được nhà báo Đức Hiển (báo Pháp Luật, tức Blogger Bố Cu Hưng) PR trong dịp này là …đã có báo đề nghị mua lại một số entries trên blog của anh. Còn, nhà báo nổi tiếng Huy Đức (Blogger Osin) lại nhẩn nha phát biểu cực đểu, rằng: “Tôi không nghĩ rằng Blog là thế giới ảo. Bởi vì khi ngồi viết blog, tôi vẫn nhìn thấy anh Thế Tuyển và các anh A-25. Vì vậy tôi thận trọng như bao việc khác!”. Phải chăng nhà báo Huy Đức/blogger Osin vẫn muốn và thấy cần nhấn mạnh rằng vẫn còn lơ lửng rợp trời những chiếc gươm treo khắp nơi? Việt Nam mình không khác Tàu và Bắc Triều Tiên lắm đâu!...

Bèn lật đật chen vào: Này! Đừng quên một comment rất đáng quan tâm của nhà báo/blogger Phan Văn Tú về bài tường thuật buổi hội thảo về Blogs lần đó là: “Trong đầu thằng nhà báo Việt Nam nào hình như cũng có cái kéo. Nó tự cắt nó trước khi... bị cắt. Ở Việt Nam hiện nay, có lẽ khó phân biệt anh nhà báo trong tư cách blogger và anh blogger trong tư cách một nhà báo (trừ những blog ảo)”.
Bạn thư thả nhún vai: Đó là tình hình sơ khai của hai năm về trước. Giờ hả? “Thúy đã đi rồi”, bạn ạ! Bạn đã từng nghe sinh viên phê bình rằng: “Blogger Trương Duy Nhất hay ho, thú vị hơn... nhà báo Trương Duy Nhất!” rồi mà, đúng không? Còn chính nhà báo/blogger Trương Duy Nhất thì thẳng thắn nhận định về cái nhìn của đồng nghiệp thế này: “Trong hội trường thì oang oang chụp mũ, phê phán, chỉ trích như... nã đạn rằng tác phẩm này, thằng nhà báo, nhà văn, nhà thơ kia là... phản động. Thế nhưng về phòng, chính họ lại
cặm cụi chép những thứ ‘phản động’ ấy một cách nâng niu, trân trọng vào sổ tay và đêm đêm nhẩm đến thuộc lòng”. Người ta nhại sửa lời thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài Về lại đời thường sao khó thế: “Ghi những điều cần ghi chép”. Trong phòng thi nó gọi là “phao” đấy, nghĩ không ra, hay không “tiện” nói ra thì cặm cụi chép chứ sao! Để còn nhân rộng ra nữa. Mới hay, cái sự nổi dóa vẫn sống hùng sống mạnh mọi nơi, cho dù ai đó đã cất công “đặt bục công an giữa trái tim người”. Mới cười: Thế thì từ bao giờ, cái “mẫu số chung phản động” đã lên ngôi trong đầu và cả trong tim nhiều giới? Trước hay sau cái thói quen “đọc báo ngược”? Từ bao giờ các thứ ngụy luận tùy tiện, trước sau bất nhất, hay trên dưới tréo ngoe… đã bị treo phất phới như các dây phơi quần áo? Trước hay sau tập quán “đọc báo giữa các dòng chữ”? Từ bao giờ những bài báo theo đơn đặt hàng chạm phải những “phản biện” vây bủa mà trước đó chưa từng xảy ra, như vụ áp án Điếu Cày hay vụ bôi đen đức cha Kiệt? Từ bao giờ luồng thông tin “chính thống” lâm vào tình cảnh tứ bề thọ …sự thật, như vụ Thái Hà, chẳng hạn? Trước hay sau khi giới Blogger lập làng dân báo?

Đáp: Đừng hỏi khó, bạn mình! Người ta chỉ có thể biết chắc rằng báo chí chính quy không có điều kiện thuận lợi như là các blogs để “lột tả” mọi hiện trạng xã hội (thường xuyên rất dễ gây nổi dóa). Còn nếu quy chụp cho việc lột tả đó là “phản động”, thì quả thật các bloggers đã góp công góp sức rất nhiều trong nỗ lực “rọi đèn” để mọi người hăm hở “phản động”, đến độ trở thành công thức mới rất giàu tính thời đại: Không phản động = Hâm!
Bạn ta gật gù: Đúng thế, còn nguyên đây lời trần tình của ông Nguyễn Văn Kim - Phó cục trưởng Cục giải quyết khiếu nại tố cáo, Thanh tra Chính phủ trên tờ báo điện tử TuanVietNam hồi giữa tháng 5: “Việc không công khai minh bạch thông tin là một trong những nguyên nhân cản trở lớn cho cuộc đấu tranh tham nhũng. Ngoài xã hội, nếu dân vi phạm, (thì) luật ‘bò’ vào tận nhà, thậm chí tận giường”. Thế, nếu quan vi phạm thì luật “bò” đi đâu? Cứ xem vụ động trời về trang mạng vietnamchina.gov.vn của nhà nước ta, cụ thể là của Bộ Công Thương, mà lại do bọn bá quyền phương Bắc quản lý, khắc rõ. Nếu ông Lê Tuấn Huy chỉ mải mê dịch sách mà không chơi blog thì có khi đến giờ cả nước vẫn còn mù tịt về chuyện TQ miệt mài bao sân quản lý cả trang mạng có đuôi của nhà nước VN. Làm sao cả nước nghe đến tên Nguyễn Thanh Hưng, cục trưởng cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, bộ Công Thương, cơ quan chịu trách nhiệm về trang web này đã nhận định rằng đó “không phải là chuyện ghê gớm… (bởi nó là) của mình nhưng mà là phía TQ phụ trách”! Không nổi dóa mà được à? Và đó cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều người viết blog, kể cả những nhà báo trong luồng, kể cả những cây bút chưa ra trường báo chí….

Bèn nhào vô ăn có: Biết đâu, đó cũng là sự chọn lựa tuy không toàn hảo nhưng đang là tối hảo cho các nhà báo còn kẹt chân bên lề phải hiện giờ? Còn nhớ, Thượng nghị sĩ John Mc Cain, trong tiểu luận A Cause Greater than Self, vào thời tranh cử Tổng thống Mỹ 2008, đã nói một câu đáng ngẫm: “Lòng yêu nước không phải là việc chấp nhận, mà chính là trong cách riêng của những người nam nữ để bảo vệ những lý tưởng đã sáng lập ra quốc gia chúng ta: đứng lên để chống lại bất công và đấu tranh cho những quyền của mọi người chứ không phải cho quyền lợi riêng tư của mỗi cá nhân… Nếu bạn nhìn thấy những sai lầm của đất nước chúng ta, hãy sửa chữa để cho đất nước này tốt đẹp hơn. Nếu bạn thất vọng với những sai lầm của chính quyền, hãy gia nhập chính quyền ở đẳng cấp đó và làm việc để sửa chữa những sai lầm đó”… Thất vọng, hoặc nổi dóa, đều là những biểu hiện tại chỗ của lương tâm đối với lẽ phải, đều đòi hỏi những cải sửa, và sẽ không thể nào mỏi mòn chờ đợi chính quyền. Tức là, không thể nổi dóa chay, hay thất vọng suông, mà phải xiển dương sự thật để giành công lý. Phải hành động. Phải có cách phản đối điều sai. Phải có cách kiến nghị điều phải. Phải nhập cuộc. Các bác cựu chiến binh nhà ta, biết đâu đã đặt tên cho câu cách ngôn này là thế cận chiến thời A còng, không chừng!
Bạn chép miệng: Có thể lắm. Ở lại trong luồng để tích lũy cơn dóa, để mài sắc ngòi bút và để nuôi dưỡng lương tri, vừa “nâng bóng” trên mặt báo chung, vừa “làm bàn” trên blog riêng… Theo cách lý giải của ngài Gene Sharp thì điều này càng khiến cho nhà nước ta vò đầu bứt tai: Buông chẳng xong, mà quản không nổi. Chậc! đó cũng là một cách trui rèn kỹ thuật tung hứng liên hoàn trong thời “mai phục”. Sẽ đến một lúc nào đó, dàn ký giả ẩn mình trong hệ báo chí chính quy hôm nay sẽ là những ngọn cờ tiên phuông và là tụ điểm phản ánh tiếng nói của hàng triệu bước chân tuần hành trên đường phố. Tiếng Anh gọi nghĩa cử đó là “pay back”, tức là hoàn trả, đúng không nào?

Lại chen vào: Hãy khoan nói đến chuyện bồi hoàn cho nhân dân những gì mà giới ký giả đang nhận hôm nay. Họ tự mở rộng tầm bay và làm đầy khoang lương tâm của mỗi người, để bù lại cho một thời gian dài co cụm dưới những chiếc vòng kim cô bó rọ. Blogs là đường băng phi đạo hôm nay, và sẽ là bầu trời ngày mai…
Bạn nâng cốc: Tác động lớn nhất của chân trời blogging bao la không hẳn là chỉ nhằm vào chính báo giới, mà là mở ra một không gian mới để giúp cho tất cả độc giả nạn nhân của hơn nửa thế kỷ thông tin một chiều có cơ thoát ra khỏi những khuôn mẫu uốn nắn tư duy của mỗi người theo phương thức định hình trên tiền đề định kiến sai trái xưa nay của “trung ương” hay “trên trung ương”, kể cả các loại tiền đề “cam kết quốc tế” hay “sứ mạng lịch sử”. Không gian mới đó cũng sẽ là nền tảng của những suy nghĩ độc lập và thông thoáng, dẫn đến những cách hành xử trẻ trung, đúng đắn và đúng tầm. Nó sẽ giúp độc giả, đặc biệt là giới độc giả sinh viên, tự phân biệt và đánh giá đúng sai, tự chốt lại từng kết luận cho mỗi vấn đề, kể cả việc đánh giá lại các bản đánh giá chính quy hay chương trình học, dứt bỏ hẳn những áp đặt, những nghịch lý, những ăn theo, và cả những dòng cuốn xoáy bon chen đua đòi… Quan trọng hơn cả chính là cốt lõi của tinh thần dân chủ trong không gian mới đó, nó giúp mỗi người trong chúng ta tự cân nhắc, chọn lựa và lấy quyết định cho chính mình: Ta đã có chưa và ta cần làm gì, làm thế nào, và làm với ai, để đạt một cuộc sống xứng đáng là một con người? Keep on blogging, Bạn mình!

21-24/5/2009, kỷ niệm sớm 1 tháng ngày Báo Chí Cách Mạng VN.

No comments:

Post a Comment