Monday, May 25, 2009

HOUSTON BIỂU TÌNH TỐ CÁO TRUNG QUỐC XÂM LẤN VIỆT NAM

Biểu tình tố cáo Trung Quốc xâm lấn ViệtNam
Hiền Vy, thông tín viên RFA
2009-05-25
Vào trưa thứ sáu, 22/5/2009 có khoảng trên dưới 300 người đã tụ họp trước tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston để phản đối Bắc Kinh trước việc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Việtnam, cũng như để phản đối việc Hà Nội cho Trung Quốc vào khai thác Bauxite tại Việtnam.

Biểu tình trước tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston để phản đối Bắc Kinh trước việc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Việtnam. Photo Hien Vy RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Viets-in-houston-demonstrate-against-china-border-05252009084704.html

Biểu tình phản đối trước lãnh sự Trung quốc tại Houston

Trước mặt tiền của toà lãnh sự Trung quốc, những lá cờ vàng ba sọc đỏ với cờ Hoa Kỳ đã cùng tung bay trong buổi trưa đầu Hè. Bên cạnh những lá cờ là những biểu ngữ tiếng Anh như “No to China – Vietnam’s border treaty”, “Down with China”, “We demand China to withdraw from Spartly anh Paracels” “China get out of Vietnam”
Xe cộ chậm hẳn lại trên đường để nhận những tờ rơi do người biểu tình phân phát trong tiếng reo hò phản đối Trung Quốc xâm chiếm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việtnam vang lên cả một góc phố.
Và những người biểu tình cũng đã phân phát những tờ rơi cho khách bộ hành.
Như đã thông tin trên báo đài địa phương, đúng 12 giờ, phần chào cờ bắt đầu. Sau đó là những lời phát biểu của ban tổ chức, cũng như của những người biểu tình.

Ông Đặng Quốc Việt, đại diện ban tổ chức, cho biết mục đích của cuộc biểu tình:
“Chúng tôi muốn nói lên sự phản đối của người dân Việtnam trước sự xâm lăng của Trung quốc vào lãnh thổ và lãnh hải của Việtnam. Nhà nước Cộng Sản Việt Nam là không do dân Việtnam bầu lên qua một cuộc bầu cử tự do mà do một sự quyết định của đảng cộng sản Việtnam, do đó dân tộc Việtnam phủ nhận tất cả mọi hiệp ước mà nhà nước Việtnam đã ký kết với Trung Quốc.
Sự kiện mà nhà nước Việt nam để cho Trung Quốc vào cao nguyên trung phần để khai thác bauxite là một hành vi tiếp tay cho Trung Quốc trong vấn đề để mà thống trị Việt Nam”

Luật sư Hoàng Duy Hùng đã nói rằng thế giới cần biết đến dã tâm bành trướng thế lực của Trung Quốc và ông cũng đã lên án sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội cũng như của Bắc Kinh

Một phụ nữ tham dự cuộc biểu tình đã bầy tỏ sự bất mãn với nhà nước Việtnam trong việc cho Trung Quốc khai thác beauxite:
“Từ ngàn xưa, tổ tiên ông bà đã một lòng chống đối Tầu, đổ bao nhiêu xương máu để đánh đuổi Trung quốc ra khỏi đất nước mà ngày hôm nay, cộng sản Việt Nam đã rước rắn về cắn gà nhà, tức là rước Trung quốc vào để phá rối đất nước Việt Nam, chiếm đóng đất nước Việt Nam của chúng tôi”

Sinh viên hải ngoại kêu gọi đòan kết chống TQ

Một sinh viên của trường đại học Houston đã nói lý do em tham dự cuộc biểu tình và em góp ý về những việc người Việt hải ngoại có thể làm để hy vọng chấm dứt được việc khai thác Bauxite tại ViệtNam
“Hôm nay em đến đây để biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam. Người Việt Nam ở hải ngoại có thể ký những cái gọi là môi trường bị hiểm hoại để gửi về Việt Nam và gửi lên thế giới, nói là Việt Nam đang bị những chất độc của bauxite thải ra làm dơ môi trường.
Trong việc tranh đấu, người dân trong nước phải làm nhiều hơn, phải có tiếng nói nhiều hơn người Việt hải ngoại. Theo em biết thì người dân trong nước cũng đã ký tên phản đối những việc mà nhà nước Việt Nam đang làm và cũng phản đối việc Trung Quốc đang xâm chiếm ViệtNam”

Một sinh viên khác, tên Duy nói rằng việc khai thác bauxite tại cao nguyên trung phần mang lại nguy hại cho dân tộc Việt:
“Dân Việt Nam hiện tại đang còn thiếu công ăn việc làm, dân còn nghèo khổ mà lại cho cả chục ngàn người vào đất nước mình để làm việc trong khi dân mình thì không có việc làm. Thứ hai là vấn đề môi trường sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này là vùng đất đó sẽ bị ô nhiễm, không thể nào trồng trọt được, không thể nào sinh sống được, người dân sẽ bị nguồn nước nhiễm độc …”

Trong tiếng la hét phản đối nhà cầm quyền Việtnam của đoàn người biểu tình, có cả sự hiện diện của các tín đồ Pháp Luân Công, người Mỹ gốc Trung Hoa. Họ đến không những để ủng hộ người Việt hải ngoại mà còn để nói cho thế giới biết rằng nhân quyền đang bị chà đạp trầm trọng tại Trung Quốc

Mặc cho bên ngoài hô hào khẩu hiệu phản đối bằng 3 ngôn ngữ, cánh cửa của tòa lãnh sự Trung Quốc vẫn đóng kín nhưng điều đó đã không làm nản lòng những người biểu tình, anh Michael Hoàng cho rằng:
“Có hàng ngàn người đi qua đi lại, chúng tôi không cần Trung quốc có nghe hay không nhưng Trung Quốc phải biết là dù có đóng cửa thì hàng ngàn người đang đi ngang qua đây, thấy việc chúng tôi đang làm. Những gì chúng tôi làm là cho đất nước Việt Nam, chứ không phải riêng gì cho Trung Quốc …”

Cô Phan Dụy cũng đồng ý như vậy:
“Điều quan trọng là đồng bào của chúng ta đoàn kết và nói cho người dân bản xứ biết rằng là chúng tôi đứng trước một tòa lãnh sự đóng cửa nhưng mà tiếng nói của chúng tôi không vì họ đóng cửa mà không nói lên được nguyện vọng của chúng tôi”

Trước khi cuộc biểu tình chấm dứt, sinh viên tên Duy cho biết, em mong mỏi rằng các người trẻ trong nước cũng như tại hải ngoại hãy cùng nhau cố gắng gìn giữ đất nước:
“Tụi em ai cũng yêu nước cả. Hy vọng những bạn trẻ ở Việt Nam cùng nhau nắm tay lại để mà nói với chính phủ bên đó là đất nước này không phải chỉ của những người trong chính phủ bên đó, mà còn là đất nước của tương lai tụi em sau này nữa. Mảnh đất đó là của cha ông bao nhiêu đời hy sinh xương máu để gìn giữ …Nhiệm vụ của tương lai thế hệ trẻ là phải tiếp tục gìn giữ mảnh đất đó …”

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments:

Post a Comment