Friday, May 29, 2009

CHUYỆN KỂ MIỀN NAM SAU 30-4-1975 (2)

Hồi Ức: Chuyện kể … Miền Nam sau 30.4.1975 (2)

20.10.2007

http://mangykien.net/blog/?p=2899

Mai Tiến Tiệm.

KHÔNG HỌC CHỮ NGỜ

1- Cái nhìn chủ quan tai hại.-

Thị xã Vũng Tàu hôm 30.4.1975 thật khác thường. Ðường phố vắng bóng Cảnh sát. Bãi biển không thấy nhiều khách du lịch ngồi hóng gió như mọi ngày. Nhiều nhà quanh khu chợ đóng kín cửa. Một vài cửa hiệu còn để dấu vết cháy đen, cửa sắt bị bật tung cong queo vì bị cướp phá từ đêm vừa qua. Người ta kéo nhau đến những cửa hàng vắng chủ , cạy cửa bung ra , thản nhiên khuôn những bao gạo, bao than chất lên xe ba gác chở đi. Chỗ này, người vác nguyên bao gạo chạy. Chỗ kia, đám trẻ xúm lại xúc vội đôi ba ký gạo còn dở trong bao. Cửa hàng gạo bà X. ở đường Trương công Ðịnh bị cướp hết. Cảnh hôi của mặc sức hoành hành không còn nhân viên công lực nào ngăn cản. Lác đác một vài xác chết mặc quân phục nằm cô quạnh. Ðó đây bao trùm bầu không khí nặng nề lo sợ ! Thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng pháo kích hướng phi trường và Bến Ðá chen lẫn mấy loạt súng nổ xa xa.

Tôi ngồi nghe Radio chăm chú theo dõi tin tức chiến sự như thói quen hàng ngày nhất là từ hôm bắt đầu trận chiến ác liệt tại Long Khánh giữa Sư Ðoàn 18 của Chuẩn Tướng Lê minh Ðảo với 2 Sư Ðoàn Cộng quân Bắc Việt, cùng với tin Không quân thả 2 trái bom CBU chận đứng cuộc tiến của Cộng quân . Hôm qua cũng khoảng giờ này tôi còn nghe tin trực thăng Mỹ chở người di tản ra Hạm Ðội 7. Tôi cũng nghe tin đại diện Chính Phủ của Ðại Tướng Dương văn Minh vào Trại David Tân Sơn Nhất điều đình với phía bên kia…sao bây giờ lại nghe rõ tiếng của Ðại Tướng Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các đơn vị quân đội VNCH buông súng ngưng bắn ? Tôi bàng hoàng hốt hoảng tắt máy, chưa tin điều tai mình vừa nghe . Tôi mở Radio nghe lại lần nữa vẫn thấy lập lại những câu như trước. Mắt tôi hoa lên …

Trong khi đó, quân cơ hữu và những khóa sinh Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu vẫn kiên cường cố thủ. Họ lập điểm tựa trên núi để chống cự bất chấp lệnh ngưng bắn của Ðại tướng Dương văn Minh.

Nhìn ra đường, từng đoàn người lũ lượt dưới nắng chang chang , kéo nhau đi như một dòng chảy về hướng Bến Ðá, nơi quy tụ hàng ngày phần lớn những ghe thuyền đánh cá . Xe lamb có, xe đạp có, Honda có, nhưng nhiều nhất là người đi bộ tay xách nách mang những túi đựng căng phồng .Tôi cố làm ra vẻ bình tĩnh không xao xuyến trước cảnh ồ ạt di tản đang diễn ra. Trước đây vài ngày đã có người rủ tôi đi nhưng tôi còn do dự . Hai máy bơm nước giếng của nhà tôi vẫn chạy đều đều 24/24 hút nước chuyển lên hồ chứa mà vẫn không đủ cung cấp cho những xe bồn sắp hàng nối tiếp chờ. Chưa bao giờ có cảnh xe bồn đến chờ đợi ùn tắc như thế . Thì ra nhiều chủ giếng đã di tản từ bao giờ rồi thế mà tôi vẫn cứ tưởng họ vẫn còn ở lại !

Anh chị tôi từ Sàigòn ra đã vài ngày nay còn chờ tôi ở nhà người bà con tại Bến Ðá , hôm nay lại thuê xe ôm đến thúc giục và báo tin cho tôi biết „người ta“ đang chờ tôi xuống để tàu rời bến. Hôm qua người cháu , con anh em bà con tại Bến Ðá cũng sang nài nỉ tôi cùng đi chung thuyền. Trước đó mấy ngày một người quen ở Biên Hòa cũng ghé nhà tôi nói cho biết tình hình quân sự tuyệt vọng và khuyên tôi nên di tản càng sớm càng tốt. Tất cả những thúc giục khuyên nài ấy đều không làm cho tôi xiêu lòng. Tôi vẫn trước sau như một nhất định ở lại cùng với gia đình tiếp tục cuộc sống bất kể sẽ ra sao . Tôi tự phụ kiêu hãnh về dĩ vãng liêm khiết của mình. Tôi nghĩ rằng nếu tôi di tản, người ta sẽ đánh giá tôi cũng thuộc loại tham ô sợ tội phải chạy trốn . Tôi chủ quan lý luận rằng : Trước đây mình có gia nhập Quân đội VNCH nhưng mình chỉ mang đến cấp bực Thiếu Tá và đã giải ngũ hơn một năm nay. Vả lại hầu hết thời gian hơn 20 năm phục vụ Quân đội mình luôn đảm nhiệm những công tác „hiền lành“ như Huấn luyện tại Quân trường, phiên dịch tài liệu huấn luyện, hoặc làm công tác văn phòng phụ trách Quản trị Nhân viên. Chỉ có khoảng hơn một năm ở đơn vị chiến đấu trên sông trên biển nhưng chưa trực tiếp đụng trận bắn nhau lần nào. Mình cũng không bao giờ xâm phạm tới sinh mạng tài sản của ai; không ức hiếp, đè nén ai; không ăn hối lộ của bất cứ ai. Mình lại được lòng các thuộc cấp, và đặc biệt được sự qúy mến của các bà con lối xóm,… thì tội gì phải bỏ nhà cửa mà di tản ? Hơn nữa mới mấy hôm trước đây mình đã được đọc bản công bố 10 điểm của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam hứa sẽ đối xử nhân đạo, không trừng phạt các quân nhân công chức chế độ cũ. Tất cả những biện luận chủ quan đó đã khiến tôi thêm quyết tâm không di tản. Mãi về sau này tôi mới nhận thấy đó là một quyết định sai lầm tai hại dựa trên suy nghĩ ngây thơ chất phác của mình khiến tôi đã phải trả giá quá đắt.

2- Lo sinh kế gia đình.-

Rồi cờ đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam xuất hiện khắp phố phường. Trong khi đó, những vốn liếng mà các anh chị em giúp cho tôi trước đây để tạo dựng cơ sở làm ăn trước ngày giải ngũ đều bị thất bại , nay cũng đã cạn. Chị ruột tôi (anh chị PVH) giúp vốn khai thác nghề đánh cá (đóng đáy) tại Sao Mai. Người em họ vợ tôi (chú dì Th.) giúp vốn đi trưng khẩn và mua ruộng ở Mộc hoá. Tất cả đều thất bại do tình hình bất ổn. Cuộc sống mỗi ngày càng thêm khó khăn chật vật. Gia đình tôi chạy vạy mua lại được một cái cối xay bằng đá để xay đậu nành làm đậu hũ bán kiếm lời bù tiền mua gạo hàng ngày. Ðược một thời gian ngắn, đậu hũ không tiêu thụ được bao nhiêu. Việc sản xuất ít dần rồi ngày càng tệ hơn, nhưng vợ con tôi vẫn phải thức khuya dậy sớm để tiếp tục công việc. Sau cùng việc sản xuất đậu hũ phải ngưng hẳn. Gia đình tôi cuống cuồng lo lắng không biết phải làm gì để nuôi 9 miệng ăn hàng ngày .

Tôi vào Sài-gòn thăm dò công việc làm ăn. Học lóm được cách sản xuất đường cát bằng việc chế biến từ đường mật mía qua máy quay ly tâm. Tôi quyết định vay vốn của bà con để sản xuất đường. Một người cháu vợ tôi (anh chị N) giúp tiền mua một máy ly tâm . Một người anh em bà con (chú dì Kh) giúp tiền mua vật liệu và vốn luân chuyển. Chúng tôi nhờ đặt máy ly tâm sản xuất đường ở nhà chị ruột (anh chị M) tại Phường 2 Quận Tân Bình Sàigòn. Con rể tôi (ÐNL) đến cộng tác với tôi trong việc sản xuất . Còn tôi đích thân đi tìm mối tiêu thụ đường và tìm mua mật mía đem về để sản xuất đường. Vì hoàn cảnh chật chội và cấu trúc nhà cửa thiếu thoáng khí, những mùi xông ra từ hợp chất acít + mật mía trong qúa trình hình thành đường cát đã khiến bệnh suyễn tôi tái phát luôn và trở nên khó trị .

Vào khoảng thượng tuần tháng 7 /1975 nghe Radio thông báo lệnh của Ủy Ban Quân Quản Sàigòn-Gia Ðịnh : Các cựu sĩ quan chế độ cũ từ cấp Thiếu Tá trở lên phải đến trình diện tại địa điểm đường Trần Hoàng Quân Sàigòn. Tôi đến trình diện đúng hạn và được cấp giấy chứng nhận cho trở về nhà chờ khi nào có lệnh triệu tập đi học tập sẽ tới . Bố con tôi bình thản tiếp tục việc sản xuất đường như trước . Ít ngày sau bệnh suyễn tôi mỗi lúc càng nặng . Vì nóng lòng muốn chóng khỏi bệnh để sẵn sàng trình diện khi có lệnh gọi đi “học tập”, tôi đến một người bạn quen thân (ông H) có nhà rộng rãi gần đó điều đình , ngỏ lời xin đến ở tạm một thời gian đổi không khí cho chóng khỏi bệnh để còn đi “học tập”. Ðược vợ chồng anh bạn vui vẻ nhận lời , tôi hăm hở làm lá đơn xin đổi chỗ ở để dưỡng bệnh rồi đem đến trụ sở Khóm sở tại . Trong đơn tôi ngay thật trình bày lai lịch xuất thân cựu Thiếu Tá chế độ cũ, đã trình diện theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản Sàigòn - Gia Ðịnh, được cho về nhà chờ khi nào có lệnh sẽ đến …; tôi cũng đính kèm theo bản Photocopie giấy chứng nhận đã trình diện v.v…Tôi nộp đơn rồi về nhà anh chị tôi chờ kết qủa.

3.- Bị cưỡng bức đi học tập cải tạo.-

Sau khi tôi về đến nhà anh chị tôi được chừng hơn một giờ đồng hồ , chưa kịp ăn cơm trưa, bỗng thấy khoảng một tiểu đội mang quân phục cầm súng AK , có vài người mang súng B40 nữa, đến bố trí trước cửa nhà anh chị tôi. Một người có vẻ là chỉ huy, cầm tờ giấy mà tôi liếc nhìn thấy đúng là tờ đơn mà tôi vừa nộp văn phòng Khóm lúc nãy để xin đổi chỗ ở . Người này lớn tiếng hỏi chị tôi:

- Có phải tên T ở đây không ?
- Thưa phải. Có việc gì đấy ạ ? Chị tôi trả lời và hỏi lại.
- Tôi được lệnh mời anh T đi ngay về trụ sở ,

Lúc ấy tôi đang bị suyễn hoành hành, cũng may có vợ tôi mới từ Vũng tàu vào săn sóc cho tôi. Chúng tôi vội vàng thu xếp một vài vật dụng thường nhật hối hả nhét vào vali rồi xách tay theo đoàn “bộ đội cụ Hồ” ra đi. Hôm đó là ngày 19.7.1975, tôi phải vịn vai vợ tôi để đi theo đoàn người võ trang trước những khuôn mặt ngỡ ngàng nhìn theo của đồng bào lối xóm. Tới một ngôi biệt thự vắng chủ đường Bùi thị Xuân gần đó, nơi đặt Trụ Sở của Ðội Trinh Sát. Chẳng nói chẳng rằng, một tên bộ đội chỉ cho tôi vào một căn phòng trống. Ðưa mắt nhìn chung quanh, tôi thấy cảnh vắng lặng hoang tàn: không giường, không bàn, không ghế…, đó đây vương vãi những gạch vữa vụn. Tôi ngồi bệt xuống nền nhà bất kể bụi bặm . Qúa mệt do suyễn tái phát, tôi cúi gục xuống góc tường và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy thấy trời gần tối . Màn đêm mỗi lúc càng buông xuống tối đen, ngoại trừ một vài khoảng trống có ánh điện chiếu sáng từ căn nhà làm văn phòng cách đó không xa. Ðến khoảng 9-10 giờ tối , một người đàn bà trạc tuổi khoảng tứ tuần được dẫn tới nhốt chung trong căn nhà trống . Hỏi ra được biết đó là một người bán hàng chợ trời . Hai tù nhân chúng tôi vẫn lặng lẽ trong suy tư riêng, không có câu nào trao đổi thêm nữa . Tới khoảng nửa đêm người đàn bà ấy được ra về, còn lại một mình tôi trong căn phòng trống cô quạnh. Tôi lần mở vali lấy hộp thuốc xịt hạ cơn suyễn rồi nằm chợp mắt chờ sáng.

Ánh bình minh đã lóe rạng làm loang lổ những mảnh tường của của dẫy nhà cao bên kia đường . Nhìn đồng hồ đeo tay tôi thấy kim đồng hồ đã chỉ 8 giờ. Ngoài cổng bóng dáng quen thuộc của vợ tôi có lẽ đang nài nỉ người lính gác để xin vào thăm tôi. Vợ tôi đưa cho tôi lon Guigoz cơm trắng và thịt kho, giục tôi ăn kẻo đói vì từ trưa hôm qua tới giờ này tôi chưa được ăn cơm. Qua câu chuyện trao đổi, vợ tôi với dòng lệ tràn my kể cho tôi nghe : đã báo tin ngay cho anh em bà con biết việc tôi bị bắt, và việc quan trọng hơn là đã yêu cầu ngưòi em rể đôi con dì với tôi (chú Ph) khiếu nại với cơ quan thẩm quyền để thả tôi vì lý do tôi đã bị bắt vô cớ ! Một chút tia hy vọng lóe lên trong tâm trí tôi và tôi vẫn ôm cái tia hy vọng hão huyền đó mãi trong một thời gian khá dài. Sau khoảng nửa giờ tâm sự, vợ tôi chia tay ra về sau khi người lính gác đến giục hai lần.

Chuyển sang Rạp Hát Ðại Lợi,.

Xế chiều hôm ấy tôi bị điệu sang giam tại một phòng thuộc khu nhà giam mới thiết lập từ sau ngày 30.4.75. Ðây là một dẫy nhà nhiều tầng mới tịch thu của một tư nhân nào đó, cùng khuôn viên và đối diên cách nhau một cái sân rộng với Rạp Hát Ðại Lợi đường Thoại ngọc Hầu , gần Lăng Cha Cả và Ngã Ba Ông Tạ Sàigòn. Mỗi phòng “nhà giam” chỉ đủ để có thể kê một giường đôi với một bàn ghế nhỏ , nhưng hiện không còn bất cứ thứ đồ đạc gì . Phòng lát gạch vuông, có cầu tiêu riêng nhưng đã bị nghẹt không biết tự bao giờ, thế mà”cách mạng “ nhốt chúng tôi 15 người ! Chúng tôi tự chia ranh giới mỗi người được chiều ngang hai viên gạch nền nhà (0,20m x 2 = 0,40m), đủ chỗ cho một người nằm ghé, còn chiều dài đủ để khi nằm đụng chân vào hàng kế tiếp. Ai không may bị vào đây sau chót (người thứ 15) thì phải nằm sát cầu tiêu thì tha hồ mà “đấu tranh khắc phục” với mùi xú uế xông lên không ngừng ! Mỗi tuần lễ chúng tôi được xuống sân tắm lộ thiên một lần 5 phút kể cả thời gian từ lúc mở khóa phòng giam, chạy qua hành lang,xuống cầu thang ra sân hứng vòi nước để tắm. Gọi là tắm cho oai chứ thực ra chỉ là tranh nhau hứng được ca nước lạnh rồi vội vàng xối vào đầu vào người cho đủ ướt để làm tan đi chốc lát cái nồng nực nhớp nhúa của không khí phòng giam. Sau 5 phút bị đuổi trở về phòng giam cũ , khóa cửa lại. Dễ chịu được một lúc rồi đâu lại hoàn đó.

Giam được ít ngày thì Công An Chấp Pháp (CACP) bắt đầu màn hỏi cung và bắt khai lý lịch kéo dài nhiều ngày . Khai đi khai lại mãi vẫn chưa được ý Công An Chấp Pháp . Ðến đây tôi mới được CA Chấp Pháp cho biết tôi bị bắt về tội “ xử dụng giấy tờ bất hợp pháp”. Tôi phản đối vì chưa bao giờ tôi phạm tội này . Nhân viên CA Chấp Pháp la lối áp đảơ:

- Ai cho phép anh dùng giấy tờ của nhà nước để kèm đơn nộp cho Khóm ?
- Tôi nghĩ tôi được cấp giấy chứng nhận đã trình diện thì tôi có thể Photocopie giấy ấy để chứng minh tình trạng của tôi chứ . Tôi trả lời.
- Anh còn ngoan cố hả ! Nhân viên Chấp Pháp (CP) quát .
- Bố mẹ anh làm gì ? CP hỏi.
- Bố mẹ tôi làm ruộng. Tôi trả lời.
- Trước khi vào quân đội “ ngụỵ “ anh làm gì? CP hỏi.
- Tôi làm ruộng. Tôi trả lời.
- Anh có cày cấy bao giờ không ? CP hỏi.
- Có. Tôi trả lời.
- Anh tả cảnh cấy lúa cho tôi coi. CP nói.

Tôi diễn tả cảnh cấy lúa theo kiểu người Bắc quen làm mà tôi đã từng đi “mói “ cho người ta cấy lúa. Cách cấy này khác với cách cấy lúa của người miền Nam , nên hắn không chịu vì nghi là tôi nói dối. Cuộc tranh cãi qua lại khá lâu. Trở về phòng giam tôi vẫn còn thắc mắc tại sao tôi chỉ dùng bản photo giấy chứng nhận của CA cấp cho khi tôi đến trình diện tại địa điểm đường Trần hoàng Quân, để đính kèm đơn xin đổi chỗ ở mà lại bị khép tội “xử dụng giấy tờ bất hợp pháp” là nghĩa gì ? Có thuở nào người dân dùng bản sao chụp giấy của cơ quan nhà nước cấp cho mình mà bị khép tội xử dụng giấy tờ bất hợp pháp ? Chẳng lẽ “cách mạng” lại hành xử như thế? Rất có thể đội trinh sát muốn tâng công nên bắt bừa ? Ðợi vài ngày nữa chắc cách mạng sẽ xét tha cho mình ! Tôi tự nhủ như thế để an ủi mình.

Một lần khác tôi lại bị kêu lên trình diện Công An Chấp Pháp, nhưng lần này tôi cảm thấy có cái gì khác hơn mọi khi, vì thấy có thêm một tên mặc thường phục cầm khẩu súng máy với vẻ mặt nghiêm trọng, đứng xế phía sau nơi tôi ngồi. Thoạt tiên tên Chấp Pháp hằm hằm lớn tiếng lên giọng :

- Anh khai báo chưa thành thật ! Rồi y đưa cho tôi bản khai lý lịch do ai đó đã viết sẵn và bảo tôi ký vào. Tôi cầm đọc lướt qua những mục quan trọng thấy khác hẳn bản tôi đã viết hôm trước , đặc biệt là nơi ghi nghề nghiệp của cha mẹ tôi đã được ai đó sửa lại là: Cường hào, Ðịa chủ làm việc cho Pháp. Tôi hiểu ngay ác ý này, liền nói :”Cha tôi không phải là cường hào, địa chủ làm việc cho Pháp, xin anh cho sửa lại đúng với sự thực”. Tên Chấp Pháp quát ầm lên áp đảo rồi hướng về người cầm súng quát lớn:

- Lên đạn ! Nhúc nhích bắn liền !

Tôi thầm nghĩ nếu nhắm mắt ký liều vào bản lý lịch này là tự mình ký bản án tử cho mình như đã từng xảy ra hồi Cải Cách Ruộng Ðất trước kia ở ngoài Bắc, nên tôi quyết không ký rồi muốn ra sao thì ra. Sau nhiều phút tranh cãi ôn hòa, thấy không có hy vọng từ chối hoàn toàn trước họng súng, tôi hạ giọng rồi cầm lấy tờ lý lịch ấy và nói: “ Tôi sẽ ký nhưng xin anh cho sửa mục nghề nghiệp của cha tôi .”

Thấy tên Chấp Pháp không có phản ứng gì, tôi cầm bút sửa lại nghề nghiệp của cha mẹ tôi là “làm ruộng” rồi ký tên , đưa trả lại tờ lý lịch cho tên Chấp Pháp.

Sở dĩ tôi không chấp nhận ghi nghề nghiệp áp đặt của cha tôi là vì hồi Cải Cách Ruộng Ðất đã cho thấy chủ trương của Cộng sản quyết tâm tiêu diệt TRÍ,PHÚ, ÐỊA,HÀO. Nay nếu tôi chấp nhận ghi nghề nghiệp của cha tôi như ai đó đã viết vào lý lịch tôi thì đương nhiên chúng sẽ ghép tôi vào tội là con Ðịa chủ Cường Hào làm việc cho Pháp, cộng với tội gia nhập “Quân Ðội Ngụy” thì chúng có thể xử bắn tôi bất kỳ lúc nào nếu chúng muốn. Vì vậy tôi đã nhất quyết từ chối và tranh cãi đến cùng. Còn mục ghi lý do bị bắt vì ”xử dụng giấy tờ bất hợp pháp” tôi không cần đề cập ngay, bởi hy vọng sẽ khiếu nại dễ dàng vì nó qúa hiển nhiên vô lý. Sau này khi bị chuyển đến các trại giam khác, nơi nào cũng phải khai đi khai lại nhiều lần, và lần nào tôi cũng khiếu nại lý do bị bắt vô cớ của tôi, nhưng không bao giờ được xét tới. Dù vậy bất cứ lúc nào có dịp là tôi vẫn tiếp tục khiếu nại, bởi vì theo thông cáo chính thức của Ủy Ban Quân Quản Sàigòn-Gia Ðịnh lúc ấy thì tôi thuộc diện cựu sĩ quan chế độ cũ cấp Thiếu Tá không phải đi tập trung cải tạo mà chỉ phải đi “học” một vài tuần tại địa phương. Chỉ những cấp cựu sĩ quan từ cấp Trung tá trở lên mới phải đi tập trung cải tạo. Hơn nữa, tôi cũng không bao giờ xử dụng giấy tờ bất hợp pháp như Nhân viên Công An Chấp Pháp áp đặt ghi vào bản khai lý lịch của tôi. Vì thế tôi vẫn tin tưởng là tôi bị bắt oan và sẽ được tha về nay mai. Rốt cuộc cái “nay mai” mà tôi nghĩ đã kéo dài ròng rã 3 năm với biết bao nhiêu khổ nhục và nước mắt, rồi còn phải trải qua Khám Chí Hòa, Trung tâm cải huấn Thủ Đức, Trại cải tạo Quảng Ninh (ngoài Bắc).

4.- Gia đình bị khánh kiệt, bị đối xử nghiệt ngã

Trong thời gian tôi bị bắt đi tù cải tạo, tình trạng kinh tế gia đình tôi 9 miệng ăn mỗi lúc càng thiếu thốn. Các con tôi đều bị ngưng việc học hành, đa số đã đến tuổi lao động nhưng không xin được bất cứ việc làm nào vì mang cái tội „con ngụy“. Gia đình tôi phải bán dần dần những vật dụng trong nhà để nuôi sống đàn con và tiền mua đồ tiếp tế thăm nuôi tôi. Tủ áo, quạt trần, đồng hồ, salon, máy bơm nước … lần lượt đội nón ra đi vĩnh viễn! Tình trạng bi thảm đến nỗi con cái tôi phải lên núi Lớn Vũng Tàu đào củ nần về khử độc rồi luộc để ăn thay cơm trừ bữa theo sự chỉ vẽ của bà hàng xóm tốt bụng (bà Ch.C). Sau này mỗi khi nghe gia đình kể lại chuyện này lòng tôi cảm thấy đau nhói vì thương cảm. Dù không cầm nổi nước mắt nhưng tôi cố làm ra vẻ bình thản để gia đình đỡ động lòng buồn tủi thêm !

Sau ngày Bắc quân chiếm đóng miền Nam , những gia đình khá gỉa cũng như những gia đình bị liệt vào loại „ngụy quân“ „ngụy quyền“ đều được chính quyền mới chiếu cố tận tình trong việc đưa đi lao động vùng kinh tế mới. Ai có khả năng đút lót chạy chọt thì mới thoát khỏi. Con trai lớn tôi đang độ tuổi đôi mươi vừa phải từ bỏ chương trình Ðại học Luật năm I về nhà chưa tìm được việc làm, phải đi vùng kinh tế mới Long- Giao . Tại đây phải đốn cây, chặt tranh , dựng lều, mắc võng để làm nơi trú nghỉ trong khi bụng đói,thuốc men thiếu thốn. Sau những ngày lao động vất vả và không chịu nổi rét lạnh,mưa rừng,muỗi,vắt…con tôi đã phải trốn về nhiều lần. Sau cùng phải gia nhập Ban Văn Nghệ nghiệp dư của Ðoàn Thanh Niên Thị Xã mới thoát khỏi nạn đi vùng kinh tế mới. Trong lúc đó gia đình tôi may mắn được một anh bộ đội người Bắc vào tiếp thu thương tình giúp đỡ . Tên anh là N , thuộc một gia đình có người cha bị đấu tố chết hồi cải cách ruộng đất 55-56 . Anh tỏ ra thương cảm hoàn cảnh điêu đứng của những gia đình „ngụy“ trước sự kỳ thị, trù ém nghiệt ngã của các cán bộ địa phương mà gia đình anh đã trải qua. Dù trước đó anh chưa hề quen biết gia đình tôi ,nhưng tấm lòng xót thương tình người „tứ hải giai huynh đệ“của anh đã khiến anh thương cảm . Anh đã can đảm không sợ liên lụy , đứng tên bảo lãnh và giới thiệu cho hai con tôi vào làm tại hai xí nghiệp khác nhau. Nhờ vậy gia đình tôi đã có thêm thu nhập hàng tháng, giải quyết được phần nào sự chật vật về kinh tế. Ðây là một cử chỉ rất đáng trân trọng và qúy hiếm trong tình thế tranh tối tranh sáng lúc bấy giờ . Cho tới nay gia đình tôi vẫn hằng nhớ ơn và cảm khích sâu xa tấm lòng quảng đại „thi ân bất cầu báo“của anh bộ đội ân nhân hiếm có ấy . Nhưng chúng tôi vẫn chưa một lần gặp lại anh. Xin anh nhận nơi đây tấm lòng chân thành ghi ơn của gia đình tôi.

Cũng trong thời gian tôi bị đi tù cải tạo, cơ quan nhà đất Vũng Tàu cho người đi kiểm kê nhà cửa rồi báo cho những chủ nhà thuộc khu vực Hải quân ở kế thương cảng Rạch Dừa Vũng Tàu , trong số đó có gia đình tôi, phải đem xuất trình những giấy tờ liên hệ tới chủ quyền nhà đất để được trả tiền bồi thường. Thấy có người được tiền bồi thường, dù không tương xứng, con trai tôi cũng đem giấy tờ liên hệ đến trình cho cơ quan nhà đất Vũng tàu, nhưng nhân viên sở Nhà Ðất sau khi thu giữ giấy tờ nhà của tôi mà không được tiền bồi thường , còn nói đe dọa rằng : „ Không những tịch thu nhà này mà cả căn nhà gia đình tôi đang ở cũng sẽ bị tịch thu nữa“. Con tôi thấy bị lừa đành tiu nghỉu ra về mà lòng hằng hậm hực ! Rõ thực „Hoạ vô đơn chí“ .

5 - Tình trạng đen tối của xã hội miền Nam.-

Sau khi chiếm miền Nam được khoảng 3,4 tháng , Chính quyền Cộng sản tiến hành chính sách Ðánh Tư sản Công Thương nghiệp Tư Doanh , phối hợp việc tịch thu tài sản với việc đổi tiền. Lúc ấy tôi đang bị giam tại Khám Chí Hòa. Tôi nghe văng vẳng tiếng loa phóng thanh vào ban đêm thông báo lệnh giới nghiêm, cấm không cho ai ra đường nếu không có chuyện gì cần kíp. Bạn tù chúng tôi lẩm bẩm: Chắc có chuyện gì đây, hay là tình hình quân sự có gì gay cấn ? Mọi người hồi hộp chờ đợi. Ðến tờ mờ sáng hôm sau, loa phóng thanh thông báo lệnh đổi tiền : Cứ 500 đồng tiền cũ thì đổi lấy 1 đồng tiền mới (tiền cụ Hồ). Mỗi người chỉ được đổi tối đa là 200 đồng tiền mới. Ai có dư thừa tiền cũ thì phải gửi lại . Hạn đổi đến 18 giờ cùng ngày là hạn chót.

Ðây là một cú đánh vào tử huyệt của mọi người dân miền Nam không phân biệt giàu nghèo . Nó làm san bằng sự nghèo khổ xuống tới mức cùng cực. Không ai được có qúa 200 đồng tiền vô gía trị, không có bảo chứng. Những số tiền cũ dư ra không được đổi đa số lọt vào túi các cán bộ gộc. Tư bản Ðỏ khởi sự từ đây.

Ðến khoảng năm 83-84 tôi không nhớ rõ, chính quyền CS lại bồi thêm một lần đổi tiền nữa . Lần này tin tức đổi tiền bị lọt ra ngoài khiến có nhiều người biết trước mà đề phòng . Họ tung tiền ra mua các hàng hóa đắt tiền : tủ chè, bàn ghế, sập gụ , cẩm lai khảm xà cừ… đắt mấy họ cũng ném tiền ra mua. Họ cũng nhờ bà con nghèo đổi tiền giúp.

Qua những cuộc đổi tiền , đánh Tư sản công thương nghiệp tư doanh, kiểm kê tịch thu tài sản vàng bạc ( nghe nói có tiệm vàng bị tịch thu trên 2000 lượng vàng) , cộng với chính sách cưỡng bách hợp tác hóa nông nghiệp, cấm chợ ngăn sông (hàng hóa thực phẩm lúa gạo từ vùng này không được đưa sang vùng khác), nông dân chán nản không muốn canh tác. Nhà giàu,trí thức,chuyên viên,văn nghệ sĩ… đua nhau vượt biên. Nền kinh tế cả nước lao xuống vực thẳm, Lạm phát có lúc tới gần 1000%. Nạn đói hoành hành nhiều nơi.

Có những bà mẹ qúa nghèo có con thơ phải đi xin nước cơm pha vào vài hột muối cho con bú thay sữa. Hồi ấy những bà mẹ nghèo nào thiếu sữa cho con bú, muốn được mua sữa rẻ, phải có gíấy đề nghị của Khóm Phường đem tới Bệnh viện Lê Lợi VT cho nhân viên Y Tế trực tiếp vắt vú sữa xem có thực hay không. Nếu qủa thực vú không có sữa mới được chấp thuận cho mua sữa rẻ. Nhiều bà mẹ cảm thấy mắc cỡ, bỏ về luôn!

Tình trạng thiếu đói lan tràn, xã hội nảy thêm ra nạn con buôn bất lương. Con gái tôi ra chợ trời mua một hộp sữa mang về định khui ra cho con bú . Tệ thay ! khi khui ra thấy ở trong toàn là cát!

Nhiều giáo sư Trung học bị “về vườn”, không được chế độ mới cho tiếp tục dạy học, đã lâm vào hoàn cảnh thật đáng thương ! Tình trạng Giáo sư ngồi vệ đường vá xe đạp, chạy xe ôm, bán bong bóng …không hiếm!

Gia đình tôi cũng không tránh khỏi nạn thiếu đói trong thời kỳ đen tối này, lúc thì phải ăn bo bo thay cơm, lúc thì phải lên núi đào củ nần về ăn thay cơm, lúc thì ăn khoai ăn sắn trừ cơm, lúc thì ăn độn khoai sắn . Rất ít ngày được ăn cơm no đủ, phải hạn chế số lượng bằng cách phân chia phần cơm cho mỗi người ! Thật là thương tâm và tủi nhục khi phải chứng kiến thảm cảnh này ! Ðó là hậu qủa trực tiếp của chủ trương chính sách “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” mà Ðảng Cộng Sản VN đã thực hiện theo khuôn mẫu các nước đàn anh Liên xô và Trung Cộng .

Cầm cự vượt qua được thời kỳ đen tối này qủa thật nhiều gian nan. Cũng may có bà hàng xóm nghèo bên cạnh tốt bụng (bà Ch.C.) thỉnh thoảng đem tặng rổ khoai lang rất ngon mà bà ta trồng ở rẫy xa nhà. Ðến nay gia đình tôi còn cảm khích tấm lòng qúy hóa đó. “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, câu nói của tiền nhân “bần tiện chi giao bất khả vong “ có lẽ thể hiện đúng trong trường hợp này ! Rồi nhu cầu nảy ra sáng kiến, một con gái tôi (MTNH) trong thời gian chồng bị đi tù cải tạo , đem các cháu nhỏ về ở chung nhà với gia đình tôi, đã tìm cách sang lại được một quán xập xệ bán gỉai khát tại cảng Bến Ðá, nơi thường ngày tấp nập ghe đánh cá đi về và cũng thường là những tụ điểm xuất phát nhiều cuộc vượt biên bằng đường biển. Nhờ bán gỉai khát, gia đình chúng tôi có thu nhập khả dĩ trang trải cho nhu cầu thường nhật một cách eo hẹp, cộng với tiền thu nhập của chiếc xe lamb chở khách mà con trai tôi góp thêm vào, nên gia đình chúng tôi đã vượt qua được nạn thiếu đói dai dẳng ấy. Trong thời gian bán gỉai khát ở Bến Ðá,nhiều khách hàng quen thường ngỏ ý cho gia đình tôi đi ké ghe vượt biên, nhưng gia đình tôi không nhận lời vì không nỡ bỏ tôi cô đơn thất vọng buồn tủi trong thời gian tù cải tạo cũng như sau khi được trả Tự Do về nhà .

Lợi dụng tình trạng nhân tâm còn đang xao xuyến, sợ sệt, chính quyền địa phương Vũng tàu ngụy tạo ra lý do để tịch thu nhiều cơ sở tôn giáo. Nhà dòng Chúa Cứu Thế gần Rạch Dừa và Nhà Dòng Ðaminh Bãi Trước VT lần lượt bị tịch thu. Các Tín hữu CG không dám hé răng phản đối! Sau này nhiều Nhà Dòng khác quanh vùng Gò Vấp, Thủ Ðức…cũng phải chịu chung số phận !

Hồi đó trong dân gian thường kháo nhau câu chuyện ông Ðỗ Mười, người chỉ đạo chiến dịch đánh Tư sản công thương nghiệp tư doanh miền Nam, bị Du Kích Mỹ Tho chận xét giữ lại số gạo do ai đó ở miền Lục Tỉnh tặng ông. Khi ông cùng người cận vệ trên đường từ Lục Tỉnh về Sàigòn tới trạm gác ở Mỹ Tho thì bị khám xét. Lúc ấy có người nhắc anh Du Kích :
- Ông Ðỗ Mười đấy !
- Ðỗ Mười Hai cũng bắt nữa là Ðỗ Mười ! anh Du Kích trả lời.

Sau đó tên cận vệ liên lạc nhờ sự can thiệp của giới chức nào đó không rõ. Một lúc sau ông Ðỗ Mười và tên cận vệ được trả lại gạo và tiếp tục về Sàigòn. Không rõ số phận anh Du Kích ấy rồi sẽ ra sao .

Trong thời kỳ này rộ lên những câu vè tỏ nỗi thất vọng và châm biếm chế độ. Trước tình trạng bị bộ đội CS Bắc Việt mang dép râu xâm chiếm miền Nam tạo nên cảnh nước mất nhà tan, gia đình lâm cảnh túng thiếu cơ cực, thanh niên phải bỏ học gia nhập Ðoàn Thanh niên Xung Phong đội nón tai bèo đi xẻ sông đào mương, tuổi trẻ hết hy vọng thăng tiến. Do đó trong dân chúng đâu đâu cũng thấy loan truyền câu
„Ðôi dép râu dẫm nát đời son trẻ,
Mũ tai bèo che khuất ánh (1) tương lai“ .
(1) có người đọc là nẻo.

Rồi nhiều tên đường phố được sủa đổi . Ở Sài gòn đường Công Lý được đổi thành Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ðường Tự Do được đổi thành Ðường Ðồng Khởi, cho nên xuât hiện câu vè:
Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý,
Ðồng Khởi vùng lên mất Tự Do.”

Lại cũng xuất hiện những vụ bôi , sửa khẩu hiệu trên tường :
„Bác Hồ sống mãi trong lòng chúng ta“ được bôi xóa chữ „lòng“ và viết đè lên chữ „quần“, thành ra câu:
„Bác Hồ sống mãi trong quần chúng ta“.

Câu „Không có gì qúy hơn Ðộc Lập Tự Do“, bị xóa ba chữ „ gì qúy hơn“, thành ra :
„Không có Ðộc Lập Tự Do“ .

Cũng có nơi câu trên bị xóa liền sáu chữ cuối “qúy hơn Ðộc lập Tự do”, chỉ còn lại ba chữ :
“Không có gì”

Tinh thần xu nịnh của các cán bộ nhiều nơi được biểu hiện bằng những sáng kiến lố bịch, nói lên tầm hiểu biết qúa nông cạn của những người mới được cầm quyền :
Nhà Bảo sanh Từ Dũ ở Sàigòn, nơi thăm thai đỡ đẻ cho các sản phụ, nghe nói được đổi thành „Xưởng đẻ„ !
Sau một thời gian thấy dân chúng chế nhạo, nên phải gọi lại tên cũ. Không biết bây giờ còn gĩư tên đó nữa không ?

Ở Vũng Tàu,gần cổng Trường Trung Học Nguyễn thái Học, một tấm bảng kẻ chữ đậm bằng sơn dầu, treo trước cửa hàng mậu dịch quôc doanh:
„Cửa hàng chất đốt thanh niên„ !
Ngưòi ta thì thầm riễu cợt :
- Thanh niên mà bước vào cửa hàng này sẽ bị bắt chất lên thành đống rồi đốt ! Vậy còn Thanh niên nào dám tới đây nữa ?

Tại một đường khác gần chợ Vũng Tàu, có một bảng hiệu gắn trên một cửa hàng Quôc Doanh :
“Cửa hàng Thanh Niên làm theo lời Bác“ !
Ðọc tấm bảng hiệu trên, người bình thường ai biết cửa hàng này bán gì ?

Chao ôi! Kể sao cho hết những hiện tượng lố bịch, dốt nát của kẻ mới tập tễnh nắm quyền cưỡi đầu cưỡi cổ nhân dân, và những biểu hiện thái độ chống đối đa dạng cũa người dân trong thời kỳ này .

6.- Về nhà. Công An Ðịa phương hành hạ.-

Sau 3 năm bị bắt cưỡng bức đi tù cải tạo không án Tòa, trải qua 5 nơi giam giữ từ Nam ra Bắc : Trụ sở Trinh sát đường Bùi thị Xuân SG , Rạp Ðại Lợi đường Thoại ngọc Hầu SG, khám Chí Hòa SG, Trung tâm Cải Huấn Thủ Ðức SG và Trại Quảng Ninh ở Bắc, tháng 4 năm 1978 tôi được trả Tự Do về nhà ở Vũng Tàu là nơi gia đình tôi đã ở đó lâu năm.

Về tới nhà nghỉ một đêm, sáng hôm sau theo đúng thủ tục, tôi đem giấy ra trình đồn Công An và Khóm sở tại. Yên trí rằng từ đây tôi sẽ được yên ổn ở nhà làm ăn sinh sống nuôi nấng dạy dỗ con cái .

Không ngờ sau đó ít tháng , bất chợt tôi nhận được giấy mời ra Ðồn Công An Phường và tại đây tôi nhận được giấy của Sở Công An Tỉnh chấp thuận “theo nguyện vọng của đương sự” cho tôi và gia đình được về vùng kinh tế mới Cái Sắn thuộc Tỉnh Kiên Giang (Rạch Gía) . Sửng sốt trước việc kỳ khôi này vì tôi không hề xin đi vùng kinh tế mới bao giờ , tôi lên tiếng phản đối sự việc này và hiểu rằng Công An địa phương muốn tống tôi đi khỏi nơi cư ngụ hiện nay nên đã làm tờ trình lên lên CA Tỉnh phịa ra việc tôi xin đi vùng kinh tế mới để mượn tay CA Tỉnh tống tôi đi. Tôi tuyên bố tại chỗ với CA địa phương rằng : Việc này tôi sẽ khiếu nại lên cấp Tỉnh . Thấy tôi cương quyết và làm mạnh, bọn CA dịa phương đành im lặng và rồi cũng không đả động gì tới vụ đi vùng kinh tế mới nữa . Nhưng từ đó hầu như mỗi ngày CA Khu Vực thường lai vãng hoặc thỉnh thoảng đột nhập nhà tôi “thăm hỏi”vu vơ. Ít lâu sau CA Khu Vực bảo tôi phải làm đơn xin tạm trú.Tôi cũng không chịu được sự vô lý đó , bèn trả lời :

Tôi phải làm đơn xin tạm trú nhà của tôi là nghĩa gì ? Tôi và gia đình tôi đã ở nơi này hơn chục năm nay . Giấy trả Tự Do cho tôi cấp trên cũng ghi cho tôi về địa chỉ này. Tại sao anh lại bảo tôi phải làm đơn xin tạm trú ? Tôi không làm và sẽ khiếu nại lên cấp trên. . Sau một hồi trao đổi loanh quanh, CA Khu Vực bỏ ra về, và từ đó không thấy nhắc tới việc đòi tôi làm đơn xin tạm trú nữa .

Ðể có thể bù đắp thêm cho gia đình đỡ thiếu thốn, tôi tìm mọi cách để có việc làm bất kể nghề gì. Tôi nhờ cậy người giới thiệu xin vào làm cho một công ty xây cất sửa chữa nhà cửa. Làm phụ thợ nề, đánh vữa, chuyên gạch cho thợ xây. Ðược mấy tháng cũng phải nghỉ vì hết việc làm. Sau đó tôi gặp người quen giới thiệu ký hợp đồng với trường Y Tế VT để vẽ phóng lớn ra những hình vẽ cấu tạo cơ thể con người , để nhà trường làm tài liệu huấn luyện các Y sĩ. Làm chưa hết hợp đồng thì trường Y Tế cho biết “hết tiền!”. Phải ngưng hợp đồng mà không có một xu bồi thường thiệt hại! Tôi lại xoay ra đi đánh lưới cá đối chung với vài người con ông hàng xóm. Cứ đêm đến là phải ra nằm ở bãi biến lộng gió nhưng muỗi như trấu để chờ mực nước lên xuống thích hợp mà bủa lưới. Ðược mấy tháng, không chịu nổi giãi gió nằm sương lại thu nhập không đủ sống , tôi phải từ giã nghề này. Ðược ít lâu có người rủ cộng tác vào tổ hợp “Thêu-Vẽ”. Tôi đảm nhiệm bộ môn vẽ chân dung và tranh sơn dầu, còn ông kia (ông H.) chịu trách nhiệm về thêu tay . Hồi ấy có những chuyên viên dầu khí người Pháp, người Liên Xô thường hay lui tới phòng vẽ của tôi để đặt hàng . Công An theo dõi thấy thế liền đến hạch xách tôi đủ điều , gặng hỏi tôi đã nói chuyện với những ai ? Ðã nói những gì với họ ? Ðã nói bằng tiếng gì ? v.v…

Thấy bực mình, tôi dẹp bỏ về vẽ tại nhà cho qua ngày. Thu nhập chẳng đuợc bao nhiêu. Tôi nản dần . Thành ra gia đình tôi chỉ còn trông cậy vào tiền thu nhập ít ỏi của quán giải khát xập xệ ở Bến Ðá và tiền chạy xe Lam ế ẩm của con tôi .

7- Chuẩn bị vượt biên.-

Tình hình kinh tế gia đình tôi mỗi ngày càng thê thảm theo mức độ xuống dốc chung của nền kinh tế miền Nam. Nhiều gia đình trong đó có gia đình tôi thực sự lâm cảnh túng thiếu eo hẹp. Ðã vậy, gia đình tôi còn bị Công An theo dõi trù dập hàng ngày . Con cái lớn bé đều phải bỏ học. Cuộc sống lâm vào tình trạng bế tắc không lối thoát . Một tương lai ảm đạm đen tối hiện rõ ra trước mặt. Lúc ấy vợ chồng người em vợ tôi (cậu mợ ÐVC) đến chơi thấy cảnh gia đình tôi qúa thiếu thốn, thương tình cho mượn tiền để giải quyết những khó khăn cấp thời. Ðặc biệt là vợ chồng một người em khác của vợ tôi (ÐVK) muốn bỏ tiền ra giúp cho tôi cùng vượt biên một thể theo lối „bán chính thức“mà cơ quan CA nhà nước tổ chức cho những người Việt gốc Hoa đi ra khỏi nước. Nhưng không may cho chúng tôi, trong lúc chúng tôi làm thủ tục gần xong, đã đóng tiền làm hồ sơ, đã đóng một phần tiền lệ phí, thì bất chợt có lệnh ngưng và hủy bỏ việc tổ chức vượt biên theo lối „bán chính thức“. Trong lúc đó, các con lớn của tôi không chịu đựng nổi sự đè nén nghiệt ngã của CA địa phương . Chúng âm thầm bàn nhau tìm cách vượt biên bằng mọi gía để xây dựng lại tương lai cho gia đình . Một chiếc ghe cũ được mua rồi sửa lại, sắm thêm lưới đánh cá ,xin giấy hành nghề, tập lái ghe ra khơi, học những mánh khóe của các bạn đồng nghiệp về nghệ thuật đánh cá, đồng thời cũng làm quen dần với cách xử dụng la bàn , bản đồ hàng hải, xác định phương hướng, ước lượng khoảng cách trên biển, phân biệt mầu cờ các nước CS v.v…trang bị thêm dụng cụ phòng hờ những bất trắc có thể xảy ra trên biến , mua thêm dầu dự trữ và giấu kín tránh con mắt cú vọ của Công An. Khi đã quen với việc hải hành và đã sắm sửa chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc men …, tu bổ cho ghe có thể cầm cự với sóng gío ngoài biển khơi, nhiều cuộc vượt biên được tổ chức sau khi mua chuộc được CA bến bãi. Nhưng “ mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, có những cuộc vượt biên tưởng như sắp thành công, nhưng đến phút chót thì bị lộ, phải giải tán cấp kỳ !. Có khi cả người và ghe bị bắt. Chính con tôi cũng đã có lần bị bắt tù mấy tháng vì liên hệ tới vượt biên. Có khi giải tán rồi nép mình trong bụi cây hốc đá. Có khi phải tản mát trốn chạy lên núi ẩn núp suốt đêm, chờ qua đêm nghe ngóng êm ả mới dám lò dò xuống núi tìm đường về nhà ! Một lần tổ chức vượt biên gần Long Hương Bà Rịa, ghe đã khởi hành và ra tới gần cửa biển, bỗng ghe bị vướng bánh lái vào gốc rễ cây vẹt mọc ngổn ngang ven sông rạch, bánh lái bị hỏng. Toàn thể mọi người phải lội bùn lội nước trở về. Trong chuyến này có 3 cháu nhỏ của tôi được bố mẹ cháu cõng bế lội nước tìm đường về. Cháu bé cứ luôn miệng hỏi bố :

– Bố ơi ! Sao bố không đi trên đường mà bố cứ lội nước mãi vậy bố ?

Lúc ấy bố má các cháu càng thất kinh vì e người qua đường nghe thấy sẽ bị lộ tẩy, liền lấy tay bụm miệng cháu lại ,vừa trả lời ừ… ừ…cho qua chuyện!

Mỗi một lần tổ chức vượt biên là một lần chịu đựng trăm cay ngàn đắng, là một lần phải vận dụng mưu mẹo và ý chí can trường .

Tôi nhớ có một hôm khác, tự nhiên tôi thấy từng nhóm người lạ mặt vào nhà tôi hỏi thăm tên con tôi . Sau đó tôi được biết đó là những “khách” sắp vượt biên đêm nay. Họ được con tôi sắp xếp cho ngồi đợi ở nhà phía sau , khép kín cửa thông lên nhà trên để che mắt người lạ mặt bất chợt ở ngoài đường vào không trông thấy. Ðến khoảng 9 giờ tối có tiếng chó sủa , tôi hé cửa nhìn ra qua ánh đèn đường , thấy bóng dáng mấy người mặc quần áo màu vàng Công An đang trèo qua cổng bước vào sân., trong số này rõ bóng dáng anh Công An Khu Vực mà tôi đã nhẵn mặt. Tôi hoảng hồn vội mở cửa bước ra sân chận hỏi lớn tiếng và chào những nhân viên CA Ðịa phương quen mặt, tìm cách nói cười lớn tiếng kéo dài thời gian đứng ngoài sân để những người khách lạ ở phía nhà dưới nghe thấy và kịp thời tẩu thoát .Một lúc sau tôi mới mời bọn CA ấy vào nhà, bình tĩnh kéo ghế mời ngồi trao đổi vui vẻ. Thì ra đám CA ấy chỉ có mục đích đến đây để kiểm soát bất chợt sự có mặt của tôi, nên họ không đòi khám nhà, lục soát gì cả. Những khách lạ ngồi đợi ở nhà phía sau nhờ vậy cũng kịp thời tẩu thoát an toàn. Thật hú vía ! Cũng may hôm ấy tôi có mặt ở nhà chứ nếu tôi tự ý vắng nhà không xin phép Công An thì chắc chắn tôi sẽ lãnh đủ những hình phạt do không tuân hành luật lệ trình báo tạm trú tạm vắng, còn những người khách lạ hôm đó đợi ở nhà phía sau chưa biết sẽ ra sao ! Nếu họ bị bắt thì tôi tránh sao khỏi sự liên lụy ?

Chuyến vượt biên sau cùng của các con tôi đã may mắn thành công như một phép lạ. Ghe vượt biên đón khách ngay tại Bãi Trước Vũng Tàu. Dự trù sẽ khởi hành vào lúc nửa đêm, nhưng mới khoảng hơn 9 giờ tối , một cơn giông nổi lên dữ dội, gío ào ào kéo mây đen kịt bầu trời. Không bỏ lỡ dịp may nhưng nguy hiểm đó, ghe vượt biên vội vã nhổ neo rời bến mà ghe tuần tiễu của Công An Cầu Ðá không dám đuổi theo vì sợ giông gío nguy hiểm ngoài biển.

Sau này được biết nếu hôm ấy ghe vượt biên không nhổ neo sớm vào lúc nổi cơn giông , mà để tới nửa đêm mới khởi hành như đã dự định thì sẽ bị CA bắt gọn, vì CA đã biết và chuẩn bị phương án bắt vào lúc nửa đêm .

8- Chạm trán với Công An Khu Vực.-

Cuộc vượt biên xong xuôi được mấy ngày , lác đác có người đánh điện về báo tin vui cho gia đình . Công An Khu Vực (CAKV) cũng đã đánh hơi đến hạch sách , buộc tội tôi “chỉ đạo” cuộc vượt biên cho các con:
- L có nhà không bác ? CAKV hỏi.
- Cách đây mấy ngày hắn nói là về Sàigòn thăm bà con , chưa thấy về . Tôi trả lời.
- Tôi được tin L đã vượt biên, sao bác không báo cáo ? CAKV hỏi.
- Tôi chỉ nghe L nói về Sàigòn, còn vụ nói nó vượt biên tôi không rõ. Tôi trả lời.
- Bác chỉ đạo cho con bác vượt biên mà bác còn chối ?

Nghe câu nói “chỉ đạo vượt biên” tôi nóng mặt , chụp cơ hội nói luôn :
- Tại sao anh nói là tôi chỉ đạo vượt biên ? Tôi ghe cộ không có , tiền bạc thì không, tài năng cũng không , tôi làm sao chỉ đạo ? Ngay cả cơm ăn hàng ngày còn chưa đủ , tôi lấy gì để chỉ đạo vượt biên ? Các anh quen thói quan liêu cửa quyền, áp đặt cho người khác. Anh làm sai chính sách của nhà nước. Trước khi tôi được trả Tự Do, một sĩ quan cao cấp Bộ Nội vụ có đến gặp chúng tôi và nói rằng : Kể từ giờ này chúng tôi có đủ quyền công dân, về địa phương nếu có ai làm khó dễ cứ gửi giấy cho ông ấy biết để can thiệp, nhưng tôi chưa làm . Tôi về đây , tôi đã tích cực tham gia công tác địa phương , điển hình là tôi đã tham gia công tác kiểm tra dân số phường khóm vừa qua . Lẽ ra các anh phải tạo điều kiện để chúng tôi tham gia công cuộc xây dựng Ðất Nước, nhưng các anh làm ngược lại. Tôi về đây đã gần hai năm nhưng các anh vẫn chưa cho nhập hộ khẩu để ổn định đời sống. Tôi biết ở Thị xã này có người đi cải tạo về chỉ mới 3, 4 tháng mà đã có hộ khẩu. Tại sao lại có những đối xử khác biệt như thế ?

Tôi dồn cho anh CA Khu Vực một hồi như vậy khiến hắn không trả lời được. Mặt hắn đỏ bừng. Sau cùng hắn hậm hực lủi thủi ra về và quay mặt lại nói một câu đe dọa :
- Thôi nhé, bác hãy giữ lời bác đã nói nhé !
- Tôi sẽ luôn luôn giữ lời tôi nói tại bất cứ nơi nào . Tôi trả lời.
Khoảng trên một tháng sau , khi hắn đi qua nhà tôi, hắn dừng lại và nói :
- Bác T ơi, tháng sau bác sẽ có hộ khẩu .
- Thế à , cảm ơn anh . Tôi trả lời.
Tôi thầm nghĩ : Ðúng là « mềm nắn rắn buông », nếu hôm nọ mình không cho hắn ta một chập thì chưa biết đến bao giờ mới có hộ khẩu . Quả nhiên tháng sau tôi có tên trong hộ khẩu thuờng trú.

9- Công An địa phương trả thù.-

Tuy vậy, CA địa phương vẫn không ngừng để lòng hiềm thù, làm hại gia đình tôi. Chúng luôn tìm cách đẩy tôi đi khỏi Thị xã . Tôi có tên trong hộ khẩu thường trú chưa được bao lâu thì có lệnh giải toả khu vực nhà tôi với lý do xây dựng khu cư xá cho các chuyên gia dầu khí Liên Xô, buộc tôi và gia đình phải rời khỏi Thị xã Vũng Tàu, nhưng phải rời đến vùng ngoại ô thành phố, không được ở trong nội thành. Thực ra đây chỉ là cái cớ vin vào để đuổi tôi và làm hại gia đình tôi . Nếu chỉ vì lý do xây cư xá cho chuyên viên dầu khí Liên xô thì tại sao lại cấm tôi không được chuyển gia đình đến ở trong nội thành ? Ðây rõ ràng là « cư trú bắt buộc » mà chỉ có Toà Án mới có quyền phán quyết. Nhưng dưới chế độ Ðộc tài « Công an trị » thì quyền của Công An như quyền của ông vua thời Phong kiến. Công an nắm quyền sinh sát trong tay, hành hạ ức hiếp kìm kẹp người dân bất kể luật pháp. Nhân dân coi Công an như kẻ thù . Sau này khi xây bức tường ngăn cách khu cư xá Liên xô chỉ lấn vào vườn cây của khu đất tôi ở , còn nguyên vẹn cái nhà mà sau này tôi phải bán tống bán tháo cho bọn chúng chỉ bằng 1/100 thực gía !

Ðòn thù ác hiểm ấy của bọn vô lương tâm đã giáng xuống gia đình tôi trong lúc chúng tôi đang gặp khó khăn qúa nhiều về kinh tế do chế độ mới gây ra làm cho tôi băn khoăn lo lắng . Không biết tìm đâu ra tiền để tạo lập cơ sở sinh sống nơi khác ? Lại còn vấn đề hộ khẩu nữa, làm sao xin được nhập hộ khẩu mới ? Tôi vò đầu suy nghĩ nhưng vẫn bế tắc không tìm ra được giải pháp nào . Tôi đành tìm cách chần chừ trì hoãn , tạm để gia đình lưu lại Vũng tàu còn một mình tôi lưu vong về Sàigòn xoay xở tìm cách đối phó. Lúc ấy gia đình tôi đã có giấy của chính phủ CHLB Ðức hứa cho nhập cảnh do con tôi bảo lãnh đoàn tụ theo diện nhân đạo , chúng tôi lập hồ sơ xin xuất cảnh nhưng CA Ðịa phương Vũng Tàu không cứu xét . Họ cố tình hành hạ gia đình tôi . Bị đẩy vào bước đường cùng,tôi làm một là đơn khiếu nại nói rất tỷ mỷ về lai lịch xuất thân, phải bị bắt cưỡng bức đi tù cải tạo , con cái không chịu nổi sự đè nén phải vượt biên, CA địa phương không cứu xét hồ sơ xin xuất cảnh lại còn đưổi đi khỏi nơi cư ngụ…. Ðơn được gửi đến Cao Ủy tỵ nạn LHQ (UNHCR),Bộ Ngoại Giao CHLB Ðức, Toà Ðại sứ CHLB Ðức tại Hànội , Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Việt Nam tại Hà Nội : Tôi cũng gửi một bản thông báo đến Sở CA Tỉnh sở tại . Tôi lại biên thư và gửi cho con tôi một bản để gửi đến cơ quan Nhân Quyền LHQ . Chỉ vài tuần sau tôi nhận được điện văn trả lời của UNHCR và của Toà Ðại sứ CHLB Ðức xác nhận cho nhập cảnh và bảo tôi liên lạc với các cơ quan thẩm quyền địa phương để hoàn thành hồ sơ xuất cảnh . Tôi thi hành theo các chỉ dẫn trên nhưng CA/Phòng Xuất Nhập Cảnh vẫn không chấp nhận .

Trong thời gian lưu vong về Sàigòn, nay nơi này mai nơi khác , khi thì ở nhà con rể, khi thì tới nhà các anh chị em tôi để tìm cách xin nhập hộ khẩu. Tôi điều đình việc xin nhập hộ khẩu vào với gia đình em rể tôi và được hứa ưng thuận. Ðây là một nơi ở LQ thuộc huyện Hóc Môn là nơi duy nhất có người thân cư ngụ phù hợp tiêu chuẩn do CA áp đặt để tôi có thể xin nhập hộ khẩu, vì đó là nhà của em tôi và cũng thuộc vùng ngoại ô thành phố.

Khi tôi đã tìm hiểu rõ thể thức làm việc của các « quan cách mạng », tôi làm đơn xin nhập hộ khẩu ở nhà em rể tôi (TTTh) . Ðơn xin có đính kèm bản photo lệnh giải toả của Thị xã VT,nhờ người bà con hướng dẫn nộp tại CA Huyện Hóc Môn, nhưng chờ đợi cả năm trời, họ chỉ đùn đẩy cho nhau không ai giải quyết . Trong khi đó vợ con tôi ở Vũng Tàu càng ngày càng bị áp lực gia tăng của CA địa phương . Tôi đành liều một lần chót, viết lại tờ đơn kể rõ tình tiết,lý do phải rời gia đình về LQ Hóc môn, đã nộp đơn tại Hóc môn cả năm nay nhưng chưa được giảI quyết, vì thế nay phải nộp đơn tại Sở CA Thành Phố Sàgòn /Phòng Tiếp Dân hàng tuần. Ðơn cũng đính kèm bản Photo lệnh giải tỏa . Ðược nơi đây nhận đơn nhưng mãi mấy tuần sau mới được trả lời là phải xin giấy xác nhận lại của Thị xã Vũng Tàu. Tôi lại phải trở về Vũng Tàu và xin được giấy xác nhận có ghi kèm lời « xin giúp đỡ… » . Cuối cùng , sau mấy tuần chờ đợi , Sở CA Sàigòn chấp nhận cho gia đình tôi nhập hộ tại nơi đã xin.

Ai có gặp trường hợp này mới thấu rõ nỗi khốn khổ của chính sách hộ khẩu mà người dân phải chịu. Không có hộ khẩu thì không được cơ quan chính quyền giải quyết bất cứ việc gì như xin giấy di chuyển đi lại, xin chứng thực các loại giấy tờ hành chánh, xin việc làm, xin mua thực phẩm, xin phép hành nghề v.v… Chính sách hộ khẩu đi kèm luật lệ khai báo tạm trú tạm vắng đều do Công An quản lý và kiểm soát chặt chẽ hàng ngày. Ðó là một loại gông cùm vô hình kìm kẹp nghiệt ngã người dân mà những ai quen sống ở các nước Tự Do khó lòng cảm nhận được. Nó cũng tạo cơ hội cho Công An tham nhũng và hống hách với mọi người. Hiện nay việc khai báo tạm trú tạm vắng vẫn còn áp dụng nhưng có phần ít ngặt nghèo hơn trước. Dù sao đó vẫn là hạn chế quyền Tự Do Di Chuyển, Tự Do Cư Trú của người dân, trái với những điều minh định trong các Công Ước Quốc Tế mà nước Việt Nam đã ký kết và hứa tôn trọng.

Gia đình tôi tạm sống tại địa chỉ mới cho tới ngày đi xuất cảnh sang Tây Ðức đoàn tụ với các con cái năm 1986.

Lẽ ra gia đình tôi đã được xuất cảnh từ mấy năm trước rồi , vì chúng tôi đã nhận được giấy bảo lãnh hứa cho nhập cảnh từ năm 1980, nhưng CA Ðịa phương Vũng Tàu không giải quyết hồ sơ xuất cảnh . Tôi phải làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền liên hệ . Sau mấy năm chờ đợi chưa kết qủa thì gia đình tôi lại bị đuổi đi khỏi Vũng Tàu, về Hóc Môn. Về đây lại phải lập lại hồ sơ mới theo địa chỉ cư trú mới , nộp tại Sàgòn. Vì thế việc xuất cảnh càng bị chậm trễ thêm .

Một lần kia tôi trở về Vũng Tàu thăm bà con , được bà thông gia cho biết mới có phái đoàn ở Hànội về ghé đây hỏi việc tôi xin xuât cảnh. Một người trong nhóm đi đi lại lại quan sát căn nhà tôi rồi gật gù lẩm bẩm : « ừ, nhà này được đấy », rồi họ hỏi địa chỉ mới nơi gia đình tôi hiện ở tại LQ Hóc môn để họ liên lạc giải quyết. Sau khi đã nói để họ ghi địa chỉ mới của tôi, bà ta lại nói thêm :

- Nhà này đứng tên con gái ổng.
Người kia thừ mặt ra :
- Thế thì hỏng rồi !

Sau đó có lẽ vì họ nghĩ khó điều đình giải quyết việc căn nhà đứng tên con tôi để đánh đổi việc xuất cảnh cho gia đình tôi , cho nên không thấy ai liên lạc về vấn đề ấy nữa. Thực ra lúc ấy nếu phải đánh đổi căn nhà để cho gia đình được xuất cảnh thì tôi cũng không ngần ngại. Chúng tôi chỉ muốn mau chóng thoát khỏi bàn tay nghiệt ngã của CA để đến một phương trời mới có Tự do và tôn trọng nhân phẩm. Chúng tôi đã chán ngấy những khẩu hiệu tuyên truyền bịp bợm , nhưng thực tế hành động thì hiểm độc tàn ác.

Một thời gian khá lâu sau đó gia đình tôi được báo tin có giấy của Bộ Nội Vụ Hà Nội cho xuất cảnh theo địa chỉ cũ ở Vũng Tàu chứ không phải địa chỉ mới ở Hóc Môn mà tôi đã lập hồ sơ lần thứ 2 tại Sàigòn. Chúng tôi phải ra Vũng Tàu nhận giấy xuất cảnh, phải lập thủ tục xuất cảnh cả hai nơi : Vũng Tàu và Sàigòn. Không biết có ai gặp phải sự phiền toái rắc rối khi lập thủ tục xuất cảnh như tôi đã gặp chăng ? Dù sao tôi cũng nhận thấy rằng đơn khiếu nại mấy năm trước đây của tôi nay đã có kết qủa tuy qúa chậm chạp và phải chịu qúa nhiều phiền phức.

Dù sao, cải gía qúa đắt mà tôi đã phải trả là sự quyết định sai lầm của tôi dựa vào suy nghĩ nông cạn ngớ ngẩn đối với chính sách lừa bịp dối trá của Cộng Sản, để đến nỗi phải đi tù cải tạo khổ nhục 3 năm trời, khiến gia đình phải khốn khổ lao đao vất vả, nhà cửa bị cưỡng chiếm vô cớ, cuối cùng phải lìa bỏ nơi quê cha đất tổ để đến sinh sống nơi xứ lạ quê người !

Mấy ai học được chữ ngờ !

No comments:

Post a Comment