NHẬN XÉT KỸ THUẬT VỀ BẢN BÁO CÁO CHÍNH PHỦ VỀ VẤN ĐỀ BAUXITE TÂY NGUYÊN
Lê Quốc Trinh, kỹ sư tư vấn Canada
(Khoáng sản - Hóa dầu)
http://www.bauxitevietnam.info/diendan/090526_nhanxetvekythuat.htm
Tôi có vài điểm chính, vắn tắt góp ý với các đại biểu Quốc hội về nội dung bản Báo cáo số 91/BC-CP ký ngày 22-5-2009 của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi Quốc hội về vấn đề bauxite. Nhận xét chung, văn bản này còn thiếu khá nhiều dữ liệu định lượng để cho một Báo cáo tầm cỡ quốc gia không bị rơi vào tình trạng mất độ tin cậy. Những dữ liệu định lượng đó liên quan đến các vấn đề kỹ thuật sau đây.
1) Định giá trữ lượng bauxite của Việt nam còn thiếu dữ kiện.
Dự án Bauxite Tây Nguyên này cần được làm sáng tỏ thêm về những chi tiết kỹ thuật quan trọng phải được kiếm tra và xác nhận trước khi tiến hành. Báo cáo nói rằng: trữ lượng quặng Bauxite trên Tây Nguyên được ước lượng là 5,5 tỷ tấn, đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Có những câu hỏi sau cần đặt ra: Nguồn tin này do ai cung cấp? Tập đoàn chuyên viên kỹ thuật nào đã tiến hành kiểm tra địa chất? Thời điểm nào? Khoan đào bao nhiêu lỗ (họa đồ thực địa: độ sâu, diện tích, địa danh)? Phòng thí nghiệm nào đã thực hành kiểm tra (chất lượng và khối lượng)? Có lưu giữ lại hết mọi mẫu mã từ những mũi khoan không? Ai đã kiểm chứng và chịu trách nhiệm về cách tính toán (xác xuất, thống kê) để đi đến kết luận xác nhận con số 5,5 tỷ tấn? Những mỏ quặng Bauxite đứng hàng thứ nhất và thứ hai ở đâu trên thế giới là những mỏ nào? Đã có tập đoàn nào khai thác hai mỏ quặng đó chưa?
Một bài học đã xảy ra đối với thế giới về vụ công bố mỏ vàng ở Indonesia năm 1996. Khi đó, liên đới với công ty BRE-X inc., Canada, những chủ dự án cũng đã công bố rằng, theo đánh giá của họ tại Indonesia có mỏ vàng với trữ lượng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên điều đó không đúng, do đánh giá sai mà đã gây nên thiệt hại cho hàng ngàn người, tán gia bại sản, tạo ra xáo trộn thị trường chứng khoán.
2) Khách hàng alumina là ai?
Chính phủ đã có đối tác đầu ra sau khi sản xuất ra alumina chưa? Điều này rất quan trọng, vì nếu sản phẩm làm ra, không có đối tác cạnh tranh, chúng ta sẽ rơi vào thế nguy hiểm là bị mua ép giá bởi chính những chủ thầu Trung Quốc. Thiết nghĩ, chuyện mỏ Đồng ở Tằng Loỏng đã cho chúng ta một bài học đắt giá, chưa thể quên.
Nếu hiện tại, chúng ta chưa có một công ty hay quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc (nhà thầu dự án) ký tắt để họ sẵn sàng mua sản phẩm (bột Alumina tinh luyện) sau khi nhà máy Nhân Cơ, Tân Rai đi vào sản xuất, thì chúng ta sẽ nhìn thấy rõ một tương lai ảm đạm, và sẽ không có một cơ sở nào đảm bảo chúng ta sẽ hoàn vốn sau 13 năm chịu lỗ.
Theo báo cáo của TKV và Bộ Công thương, sản phẩm bột Alumina sản xuất từ dự án Bauxite Tây Nguyên trong tương lai sẽ chỉ đạt nồng độ tinh khiết tối đa là 83.6%. Với nồng độ alumina tinh khiết ở mức đó, sản phẩm của chúng ta không có khả năng cạnh tranh được các sản phẩm từ những nơi khác trên thế giới. Chỉ riêng công ty RIO TINTO ALCAN, Canada, cũng đã đòi hỏi chất lượng rất cao: Alumina 99.5%. Như vậy, khả năng tìm được một nơi tiêu thụ sản phẩm alumina của chúng ta là hoàn toàn khó khăn.
3) Huy động vốn cụ thể như thế nào?
Bauxite Tây Nguyên là một đại dự án, vậy Chính phủ đã có kế hoạch huy động kinh phí và vốn cụ thể như thế nào, nguồn nào là chính yếu, bao nhiêu cho mỗi nguồn? Có nghĩa là, Chính phủ lấy tiền thuế của dân hay vay mượn Ngân hàng thế giới? Nếu đi vay, thì lãi xuất bao nhiêu? Đủ khả năng chịu lỗ vốn trong vòng 13 năm không? Công ty nào đứng ra bảo hiểm cho dự án và nhà máy, trong trường hợp bị thiên tai (lũ lụt), hỏa hoạn, tai nan v..v...? Tất cả đều phải được đặt lên bàn cân.
4) Giám định kỹ thuật độc lập ra làm sao?
Chính phủ VN đã thành lập chưa một tập đoàn độc lập chuyên nghiệp kỹ thuật, quản lý đầy đủ chức năng và khả năng chuyên môn để theo dõi giám sát công trình Bauxite Nhân Cơ? Ai chịu trách nhiệm chính về tập đoàn này? Không thể khoán trắng 100% tất cả mọi chuyện cho một công ty nước ngoài (Nhân Cơ, Chinalco), không thể nhắm mắt giao vận mạng một công trình có ảnh hướng sâu đậm đến an ninh quốc phòng và môi trường của đồng bằng Nam Bộ cho người ngoài nắm giữ được. Dĩ nhiên, cũng không thể khoán trắng cho một công ty hoặc tập đoàn nội địa nếu chưa có những bảo đảm kỹ thuật của chủ thể đó. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, cần phải thuê một tập đoàn chuyên môn quốc tế thứ ba, có vai trò độc lập để giám sát dự án.
5) Thiết kế quy trình an toàn lao động như thế nào?
Theo báo cáo, phương pháp tinh luyện quặng Bauxite trên Tây Nguyên là dùng hóa chất sút NaOH, hoà tan với nước và nung lên tới 145 độ C, dưới áp xuất 5 atm. Đây là một phương pháp rất đắt tiền, cần đến năng lượng nhiệt vô cùng lớn để xử lý hàng triệu tấn quặng; quy trình chế biến này không có độ an toàn cao, do đó cần phải sử dụng những thiết bị cao cấp để bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Trong khi đó không thấy báo cáo chi tiết kỹ thuật rõ ràng về quy trình kiểm tra chất lượng thiết bị sử dụng trong nhà máy Nhân Cơ. Quan trọng nhất là thiết bị kỹ thuật để bảo đảm an toàn lao động, tránh những tai nạn nguy hiểm cho công nhân và môi truờng xung quanh.
Theo kinh nghiệm, ở Canada, trước khi dự án tiến hành, chúng tôi đã phải thiết kế lựa chọn các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, thường chúng tôi thường dựa trên tiêu chuẩn Hoa Kỳ, Code ASME Section VIII (Pressure Vessels), hay API 650 (Storage Tanks), hay CEMA (Belt Conveyors), AGMA, CSA, NEMA, NFPA vv... rất khắt khe về thiết kế và chế tạo.
6) Chi tiết kỹ thuật xử lý bùn đỏ ra sao?
Chính phủ chưa báo cáo những tiêu chuẩn kỹ thuật và các thông số quan trọng cơ bản mà nhà thu Nhân Cơ xử lý chất thải (bùn đỏ nhiễm chất kiềm NaOH.
7) Chi tiết về thiết kế vật tư cung ứng?
Việc thiết kế, cung cấp thiết bị vật tư, xây dựng và quản lý (EPCM) cho hai nhà máy tinh luyện quặng không thể giao khoán cho một công ty duy nhất đảm trách. Đối với các dự án như thế này, cần rất nhiều thiết bị, vật tư quan trọng, chức năng khác nhau, trọng tải lớn, kích thước đồ sộ, do nhiều công ty chuyên nghiệp trên thế giới sản xuất, chất lượng cao cấp, vận hành lâu dài. Phải có một chính sách rõ ràng minh bạch trong tiêu chuẩn đấu thầu thì mới tìm được những thiết bị bảo đảm, tránh được tệ nạn móc nối, hối lộ, tham nhũng, rút ruột công trình, và gây tổn thất nặng cho ngân sách. Những điều kiện đảm bảo đó (và những điều kiện đảm bảo khác) cần được đưa thành Phụ lục cho bản Báo cáo nếu không muốn bị chê trách là quá sơ sài, thậm chí thiếu hiểu biết về chuyên môn.
8) Thời gian hoàn vốn quá dài.
Chính phủ dự tính một thời gian mười ba năm chịu lỗ và hoàn vốn trước khi đi vào lợi nhuận. Và con số lẻ loi này không có tính thuyết phục. Chỉ nhìn đơn giản, với một nền kinh tế còn bấp bênh, đang trên đà hội nhập của nước ta, cộng thêm nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn suy thoái; chưa hết, chúng ta chưa hề có kinh nghiệm trong công nghiệp khai thác tinh luyện khoáng sản nên chưa tính toán được những khấu hao khổng lồ trong công nghệ này, nên theo kinh nghiệm của người làm khai thác khoáng sản như tôi, 13 năm là con số phi thực tế để chúng ta có thể hoàn vốn. Và những dự án mà phải kéo dài sự hoàn vốn quá lâu, sẽ không khả thi.
Nói sơ qua về hao mòn, trong công nghệ khai khoáng kim loại nặng, độ hao mòn máy móc, trục trặc kỹ thuật lên rất cao, chỉ vì sự cọ sát khoáng sản (rất cứng) với thiết bị, thường xuyên gây tắc nghẽn, nhà máy phải ngưng sản xuất đều đều . Ở nước ngoài, người ta chỉ cho phép một thời gian tối đa là ba năm (3) để hoàn vốn, quá ba năm thì bắt đầu đặt vấn đề đóng cửa nhà máy. Bởi vì hàng trăm, hàng ngàn nhà máy khắp nơi trên thế giới cũng đang sản xuất tạo một thị trường cạnh tranh mãnh liệt. Chỉ cần nhà máy bị trục trặc, không giao đủ số lượng hay chất lượng chỉ định trong trong giao kèo, là khách hàng sẽ huỷ bỏ hợp đồng để tìm mua chỗ khác. Tại Quebec, Canada, đã có một nhà máy khai thác quặng hiện đại bị đóng cửa vĩnh viễn sau năm năm vận hành do gặp trục trặc kỹ thuật, không giải quyết nổi, một tỷ đô la tiền đầu tư đã "đi tong".
9) Sai lầm trong chọn chủ thầu.
Chính phủ VN đã tự mâu thuẫn khi chọn chủ thắng thầu công trình Bauxite Tây Nguyên là nhà thầu TQ, vì ai cũng dư biết rằng TQ đã đóng cửa hàng trăm nhà máy khai thác Bauxite tại đất nước họ, thì không có lý do nào cho phép chúng ta nghĩ rằng công nghệ TQ đáng tin cậy. Mặt khác, dự án Nhân Cơ không hề đưa ra đấu thầu, mà lại giao luôn cho chủ thầu đã thắng thầu ở Tân Rai thực hiện, là một điều khó có thể tin nổi trong thương trường quốc tế. Ngoại trừ chính phủ chịu một sức ép từ bên ngoài quá sức nặng, để phải đặt tay ký vào "một dự án chứa đầy tính phiêu lưu, mạo hiểm".
10) Mở rộng bàn thảo vấn đề trong toàn dân.
Nếu những dự án khai thác quặng mỏ được những công ty tư nhân đứng ra thực hiện, thì tôi không có ý kiến. Ngược lại những dự án công trình tầm cỡ quốc gia do Nhà nước chịu trách nhiệm, thì mọi người có quyền tham gia đóng góp ý kiến. Là một Việt kiều, có chuyên môn về khai khoáng, tôi chỉ có thể góp ý dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm và trong lãnh vực hiểu biết của mình, ngõ hầu làm sáng tỏ vấn đề, giúp cho Chính phủ ta có quyết định sáng suốt, để tránh phải những vết xe đổ của các nơi khác. “Một lần vấp ngã là một lần bớt dại”, ngạn ngữ ông bà ta dạy thế, nhưng trong những đại dự án tầm vóc quốc gia hệ lụy đến toàn dân như thế này, không cho phép chúng ta vấp ngã mà không dự đoán trước. Còn dự đoán trước có thể vấp ngã, thì giải pháp tốt nhất là không nên tiến hành.
Tôi đồng ý với chính phủ VN về những dự án khai thác tài nguyên, tạo công ăn việc làm, huấn luyện đội ngũ kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng này, nhưng không thể chấp nhận phiêu lưu mạo hiểm, những rủi ro ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và môi trường sống xung quanh.
Tôi tin tưởng đội ngũ trí thức, khoa học gia trong nước có đủ khả năng để giám sát, quản lý mọi công trình quốc gia, với sự hỗ trợ của những nhà chuyên môn có kinh nghiệm tại hải ngoại, nếu cần. Nhưng những khả năng của đội ngũ trí thức đó sẽ rất khó có thể phát huy nếu vận hành trong một bối cảnh thiếu minh bạch.
Nhận xét tôi có thể mang tính chủ quan, vì dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, rất mong mọi người đóng góp ý kiến thêm.
LQT
PT, ĐN Bauxite Việt nam biên tập
-------------------------------------------
TIN BAUXITE :
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội:Chưa đồng thuận về khai thác bôxit ở Tây nguyên (Tuổi Trẻ)
+ Tướng Giáp gửi thư nữa về bauxite (BBC).
+ Quốc hội thảo luận về khai thác bauxite (BBC).
+ Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường: TKV phải tính lại vốn đầu tư (VNN).
+ Có những chủ trương lớn, sao nay QH mới bàn? (TuanVietnam).
No comments:
Post a Comment