Saturday, May 2, 2009

ĐẠI VỆ VĂN MINH CHÍ DỊ

Đại Vệ văn minh chí dị
Thứ năm, ngày 30 tháng tư năm 2009
http://giapvan.blogspot.com/2009/04/ai-ve-van-minh-chi-di.html

(Lấy cảm hứng từ
Đại Vệ chí dị của Người Buôn Gió)
Giáp Văn

Lại nói, sau khi tể tướng nước Vệ đi rồi, Đào Vương là vua nước Tề mới quay sang nói với cận thần:
-Nước Vệ tuy nhỏ nhưng ngoan cố kiên cường. Tiên đế đã bao phen mang quân chinh phạt, mấy nghìn năm rồi mà việc vẫn chưa xong. Xét theo sử sách, thì nước này Bắc giáp Động Đình, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Nam Hải. Trải qua mấy nghìn năm, nước Tề ta đã thu phục gần hết, chỉ còn lại phần nhỏ ở phía Nam. Nhưng cứ vài trăm năm, lại có kẻ dấy binh nổi loạn đòi cố quốc. Trước có chị em nhà Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh lên Tượng Quận. Sau lại có bọn Tây Sơn đòi lưỡng Quảng, đòi cả công chúa. Sở dĩ như vậy là do văn minh nước Vệ độc đáo, hun đúc kết tinh truyền từ đời này sang đời khác.
Tể tướng nước Tề là Bảo, thấy vậy mới thưa rằng:
-Ngay đến cả quốc bảo của chúng ta như Kinh Dịch, Lạc Thư Hà Đồ, cũng có kẻ xấu miệng nói rằng xuất xứ là từ nước Vệ. Xem thế đủ biết, văn minh nước ấy thâm sâu khôn lường.
Đào Vương thấy vậy liền nói tiếp:
-Dân xứ ấy, bất kể đàn ông hay đàn bà, cũng anh dũng khác thường. Nhớ lại năm xưa, Thị Trinh nổi loạn,
Lục tiên sinh mang quân đánh dẹp sáu tháng không xong, sau phải sai quân sĩ tụt quần diễu võ. Trinh thấy thế xấu hổ rút lui nên Lục tiên sinh mới có cơ bình phạt. Cho nên, muốn thu phục, vạn bất đắc dĩ mới phải dụng binh.
Cả hai trầm ngâm suy tính, bất giác Đào Vương nói:
-Xưa tiên đế bình phạt nước Vệ, tuy chỉ cai trị chưa đến hai chục năm, nhưng đã kịp đốt sách diệt sĩ. Cái gì quí báu cũng kịp chở về nhà. Nhờ thế mà dân Vệ lung lay như cây mất gốc suốt mấy trăm năm. Nếu không, nước Tề ta khó mà được như bây giờ, ta với các ngươi có khi cũng không có mặt. Nay ta học theo người xưa, tàn sát văn hóa, thì nước Vệ tự nhiên suy yếu. Nguyện ước của tiên đế nhờ thế mà có cơ thực hiện.
Bảo tể tướng thấy thế liền hùa theo:
-Đại Vương nói chí lý. Mấy chục năm nay ta đã cho không phim ảnh, nên dân Vệ suốt ngày xem phim dã sử nước Tề, đến mức thuộc sử Tề hơn cả sử Vệ. Chưa kể, dân xứ ấy sau mấy chục năm loạn lạc đói khổ, giờ chỉ chăm chắm lo cái trước mắt mà không nghĩ đến chuyện lâu dài. Kể như mỗi khi ta mua móng trâu móng bò, mua ếch, rắn, mèo thì vài vụ sau nhất định mất mùa đói kém. Nên kế của Đại vương, nếu bỏ chút công của, lại nhằm vào lòng tham sân si của quan lại và dân chúng thì dễ thực hiện lắm.
-Vậy ngươi định tính sao? Đào Vương hỏi. Bảo liền nói tiếp:
-Nước Vệ có cái mỏ nhôm lớn, nằm ở cao nguyên, là nơi hiểm yếu chiến lược. Nay vì túng quẫn, triều đình nước Vệ đã nhờ Đại Vương giúp sức đào lên chia phần để bán. Vậy Đại Vương mượn cớ giúp đỡ, cử hai vạn quân xuất thân từ vùng nghèo khó, giả làm phu đào mỏ đi sang. Lại dẫn thêm vài nghìn người phục dịch, mang theo nhiều quần áo, băng đĩa karaoke, phim ảnh và năm trăm cân vàng. Nội trong ba năm, có thể xong đại sự.
Ngươi nói rõ hơn xem! Đào Vương gắt.
-Muôn tâu! Trải qua nghìn năm cai trị mà xứ ấy vẫn không bị Tề hóa, chung qui cũng chỉ tại cái lũy tre làng. Cái lũy tre ấy ngăn cách sinh hoạt của dân chúng với triều đình, nên văn hóa xứ Vệ mới tồn tại dai dẳng như vậy. Thì nay cái xứ cao nguyên kia cũng thế, ở vùng hẻo lánh cách biệt, dân chúng nam đóng khố, nữ mặc váy thêu, hát sử thi Đăm Săn, gõ cồng múa chiêng, rất đặc biệt. Mỗi khi có dạ hội liên hoan to nhỏ, lại mang những thứ ấy ra nhảy múa trình diễn...
-Ngươi dài dòng quá. Nói gọn ta nghe! Đào Vương sốt ruột gắt lớn.
-Thưa vâng! Nay ta mang nhiều quần áo sang phát không cho dân chúng, thì họ không đóng khố mặc váy nữa. Lại mang băng đĩa karaoke phim ảnh cho không, thì họ không hát sử thi nữa. Lại lấy năm trăm cân vàng, đúc thành cồng chiêng, rồi cho đổi một cồng chiêng đồng lấy một cồng chiêng vàng thì nhất định dân chúng sẽ mừng húm. Nhưng cồng vàng gõ không kêu, chiêng vàng đánh không ra tiếng, thì cái trò múa cồng múa chiêng tự nhiên chấm dứt. Dân chúng tham vàng, sẽ tự đánh giết lẫn nhau, văn minh vùng ấy tự nhiên bị diệt.
-Hay! Đào Vương vỗ đùi đánh đét một cái, rồi hỏi:
-Còn gì nữa không?
Bảo thấy vậy, vui mừng ra mặt, tâu tiếp:
-Hai vạn quân sĩ sẽ cho kết hôn với người bản địa. Bọn này ở nhà không lấy được vợ, có cơ làm loạn. Nay cho sang bên ấy tiện cả đôi đường. Còn bọn phuc dịch sẽ cho mở nhà hàng ăn uống giải trí, bán các món ăn Tề, hát các bài hát Tề. Sau ba năm, sẽ có hai vạn Tề con, lại có thêm một cái Tề-thao ở đó. Vậy coi như có một nước Tề nhỏ trong lòng nước Vệ. Lúc ấy, đại sự hà cớ gì lại không thành!
-Còn gì nữa không? Nếu không, tiến hành ngay lập tức! Đào Vương phấn khích đến độ không giữ được bình tĩnh. Thấy vậy, Bảo càng vui hơn, dõng dạc tâu tiếp:
-Muôn tâu! Khi khai mỏ rửa quặng, ta bí mật đổ thêm chút thuốc độc. Thuốc này theo đường sông suối mà chảy về xuôi. Nước sông nước giếng, tôm cua cá, lúa gạo cấy trồng, trâu bò lợn gà, kể cả người dân uống nước, đều sẽ bị nhiễm độc. Lúc ấy dân chúng sức khỏe suy yếu, tinh thần bạc nhược, lại suốt ngày xem phim Tề, mặc quần áo Tề, ăn món ăn Tề, vui chơi hú hí ở Tề-thao, thì sức đâu mà kháng cự. Muôn tâu bệ hạ! Cái này là bất chiến tự nhiên thành. Hoặc giả, một trận gió to là bay sạch...
-Diệu kế! Quả là diệu kế! Phen này ta một tên trúng năm sáu đích. Ước nguyện của tiên đế có cơ thành hiện thực!
Đào Vương phấn khích cùng cực, ngồi nhổm hẳn lên ngai vàng, mắt sáng rực, quát lớn:
-Bay đâu! Y kế thi hành!
Quần thần dạ ran rồi lui ra, bàn bạc cắt cử việc mang người mang của đi sang nước Vệ.

Liverpool, 30/4/09.
Giáp Văn
Liverpool, United Kingdom
Sinh quán tại Làng Vĩ cầm (Làng Then), Bắc Giang, Việt Nam. Hiện làm việc tại khoa Hóa, Đại học Liverpool, UK.
------------------
Đại Vệ chí dị
Tuesday April 21, 2009 - 01:47am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-t0IS290hb67U6oYE5faRfPd8?p=3753
Nước Vệ trải qua nhiều năm khốn khó, đến năm ấy thì Mạnh Vương lên ngôi báu. Thiên hạ hí hửng mừng rỡ, ngoài đường, ngoài chợ xầm xì bán tán đầy vẻ phấn khởi. Nào là Mạnh vốn dòng của tiên đế, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, tính tình thuần hậu ưa sự thật. Thế này là dân Vệ hưng rồi, con cháu rồng đã trở lại nắm vương quyền. Bọn sâu mọt sẽ không còn đất sống...
Sau khi ngôi tể tướng vào tay Dũng, dân Vệ lại đồn, tể tướng là loại tài ba, học rộng, chí khí tiến thủ khác người, trình độ ưu việt. Ngài quản lý triều đình đâu sẽ ra đó, trọng dụng người hiền tài, xử trí anh minh lỗi lạc. Vận nước Vệ hưng thật rồi.
Ấy là đầu năm đại hội triều đình lần thứ XXX.
Dũng nắm ngôi tể tướng, có lần vi hành trong dân. Nghe thấy có kẻ mù lòa ở chợ nói rằng.
- Cái nước Vệ này càng ngày càng thiên về cường bạo ?
Người buôn bán đi qua, có đứa hiếu sự dừng lại hỏi nguyên do, kẻ mù nói.
- Vua thì Mạnh,quan thì Dũng thế có phải là toàn cường bạo đó sao ?
Dũng về triều tức tốc tìm kẻ có tên là Nhân để cho làm phó của mình. Hòng bịt miệng lời đồn đại về triều đình trong dân. Ba tháng sau Dũng vi hành ra chợ, lại nghe kẻ mù ấy nói.
- Phàm mọi mối quan hệ trong đời đều cần lấy chữ Tín. Làm quan càng cần phải giữ chữ Tín thì dân mới tin. Dân tin thì mọi việc mới suôn sẻ trôi chảy. Nước Vệ cường bạo có thừa, cái chữ Nhân kia cũng năm bày đường Nhân. Cái Nhân của kẻ đại trượng phu khác với cái Nhân của đám quần thoa. Nước Vệ mà không có chữ Tín thì khó mà thu phục được nhân tâm.
Dũng về bàn với Mạnh, xin tìm người Tín để làm quan đầu triều. Tìm mỏi mắt trong đám quan lại không có đứa nào đáng tên là Tín cả. Mấy năm sau chán nản thôi không tìm nữa.

Lại nói về dân Vệ, sau mấy năm sống dưới sự cai trị của vua quan mới. Con rồng chả thấy tinh tướng đâu, lòi đuôi ra giống tắc kè hoa. Càng trị vì lâu càng mưu mô xảo quyệt, biến hóa khôn lường. Sâu mọt được thể càng ngày càng sinh sôi, phát triển lúc nhúc. Tài ba học rộng cũng chả tăm hơi, lúc cần bán lúa thì cấm, lúc cần cấm thì lại cho bán, lạm phát leo thang, vật giá đắt đỏ, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng. Dân tình lừa lọc nhau kiếm nắm gạo cho qua bữa, quan lại thì gia sức vơ vét thuế má, tài nguyên. Xã hội đảo điên, đạo đức xuống cấp. Đứa nào ma lanh thì sống, thật thà thì khốn đốn cả lũ.
Tề Bá Vương ở phía Bắc thấy nội tình nước Vệ rối ren, mới sai sứ sang Vệ đưa thư nói với Mạnh vương rằng.
- Nước các ngươi vốn là chư hầu của ta từ lâu, cảm cái tình ấy mà ta nói cho Vệ ngươi rõ. Lòng người Vệ oán thán triều đình lên đến tận mây xanh, không khéo trừ bỏ mối nguy ấy thì có ngày vua quan các ngươi chả còn dinh cơ nguy nga, bạc vàng, châu báu mà hưởng nữa đâu. Cái họa diệt vong ngay trước mắt đó.
Mạnh Vương nhận thư lấy làm lo sợ lắm. Bèn thân chinh sang Tề cầu kiến sự giúp đỡ. Tề Bá Vương cùng Mạnh Vương cắt máu ăn thề. Ký kết hiệp ước liên minh can thiệp nội bộ lẫn nhau khi có biến. Đổi lại Tề Bá Vương nói ý mình.
- Nước Tề ta có con ngựa gỗ, muốn ăn cỏ cao nguyên nước Vệ, liệu nhà ngươi có giúp được chăng ?
Mạnh Vương vái lịa lịa ríu rít rằng.
- Đại Vương nói một con, chứ mười con tôi cũng xin hầu đại vương.
Hàng nghìn thanh niên nước Tề kéo ngựa gỗ sang cao nguyên nước Vệ . Lão đại thần nước vệ cùng các sĩ phu thấy nguy cơ tiềm ẩn bèn dâng biểu can ngăn. Mạnh vương và Dũng phán rằng.
- Có mấy ngàn dân phu và con ngựa gỗ, làm gì mà các ngươi phải lo cuống lên như vậy, các ngươi an phận mà sống, đây là chủ trương lớn của triều đình. Cỏ để không cũng vậy, cho ngựa gỗ nước Tề ăn. Họ giả tiền có thêm ngân sách cho cao nguyên , thế không tốt sao. Cấm bàn.
Kẻ mù ở chợ đi xin ăn, lải nhải rằng.
- Nước Tề đồng ruộng bát ngát phì nhiêu, thảo nguyên mênh mông. Thế mà nhọc công kéo ngựa sang tận cao nguyên nước Vệ ăn cỏ . Há chả phải chuyện bất thường sao ? Tỉ như trong bụng ngựa chứa đồ binh khí, nếu có biến thì không thể hình dung mà nói hết.
Lời ấy đến tai triều đình, lập tức Mạnh sai Dũng sang Tề triều kiến. Khi đi dặn dò.
- Chuyến này ngươi đi, cốt phải thật khéo để làm sao dân Vệ ta thấy rằng nước Tề đối đãi nước Vệ như anh em ruột một nhà. Cho dân Vệ khỏi dị nghị , dèm pha.
Dũng sang chầu được Tề Bá Vương cho quan lại địa phương đón tiếp long trọng lắm. Về đến Vệ huênh hoang nói rằng.
- Đấy các người đúng là bọn hủ nho, nước Tề đãi Vệ ta như anh đối với em. Làm sao mà có chuyện thế này, thế nọ được.
Dân Vệ biết rằng nước Tề là nước mà từ trước đến này, chuyện anh em giết nhau tranh giành ngội vị, quyền lợi là nhiều nhất thiên hạ. Nhưng chả sử gia nào dám nói sợ đi ngược chủ trương lớn của triều đình. Quanh quẩn lại bàn đến kỳ đại hội triều đình tới, sẽ có vị này thẳng thắn , cương nghị vì dân vì nước, tay kia kiến thức uyên thâm... lên nắm ngôi. Nước Vệ lại sắp hưng rồi.

No comments:

Post a Comment