Friday, April 3, 2009

XIN ĐỪNG XÚI VIỆT NAM BỎ BIỂN ĐÔNG

Xin đừng xúi Việt Nam bỏ Biển Đông!

Phạm Quang Tuấn

03/04/2009 3:46 chiều

http://www.talawas.org/?p=2142

Bài sau cùng của Trương Nhân Tuấn viết rất dài nhưng không chứa đựng điểm gì mới và vẫn đưa cái giải pháp “hòa giải dân tộc” để chiếm lại tất cả Biển Đông, mà trong bài trước tôi đã chứng minh là không có tác dụng gì cả. Tuy nhiên, những chuyện đó xin để độc giả thẩm định. Chỉ có một điểm duy nhất trong bài là mới, thì lại sai một cách rất tệ hại.

Trương Nhân Tuấn viết: “Nhiều người lên tiếng rằng Việt Nam cần nộp hồ sơ thềm lục địa đúng hạn 13-5-2009, nếu không đúng thời hạn thì có thể sẽ mất cho nước khác có nộp hồ sơ. Việc này tương đối, nếu ta xét hồ sơ của Việt Nam đã nộp cho LHQ về hải phận và chủ quyền các đảo chứa đựng gì? Hồ sơ thềm lục địa của Việt Nam rất đơn giản, các đảo HS và TS thuộc về Việt Nam. Nếu Việt Nam không thay đổi hồ sơ cũ (1977, 1982), nhờ hiệu lực ZEE và thềm lục địa của các đảo, Việt Nam không cần lập hồ sơ thềm lục địa mở rộng, vì không còn thềm lục địa trong Biển Đông nữa để «mở rộng».”

Đọc xong đoạn đó tôi rùng mình! Chắc Trương Nhân Tuấn muốn nói về bài “Đăng ký thềm lục địa mở rộng trước 13/05/2009” của Dương Danh Huy. Và ông nghĩ rằng Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền trên HS-TS từ xửa xưa rồi, do đó Biển Đông tự động thuộc hết về ta, không cần làm gì để mở rộng thêm!

Ông Tuấn hiểu sai chữ “thềm lục địa mở rộng”, đây chính là phần thềm lục địa mà luật biển UNCLOS cho phép các nước duyên hải khai thác. Chữ “mở rộng” đây tức là mở ra ngoài giới hạn 200 hải lý. Trước khi có UNCLOS (1982) thì chưa có luật quốc tế nào chính thức cho các nước duyên hải quyền lợi khai thác vùng đó. Vì vậy, muốn khai thác ra ngoài EEZ 200 hải lý thì mỗi nước bắt buộc phải đăng ký đòi hỏi của mình với một ủy ban của UNCLOS (gọi là Commission on the Limits of the Continental Shelf tức Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa) trong vòng 10 năm sau khi nước đó phê chuẩn UNCLOS [1]. Dĩ nhiên, trước khi đăng lý thì phải khảo sát vùng đáy biển, thiết lập đường cơ sở và biết chính xác giới hạn vùng thềm lục địa mà mình đòi, theo những nguyên tắc của UNCLOS. Tuy nhiên, vì thời hạn này quá gấp cho một số nước, UNCLOS sau đó nới hạn chót ra thành “10 năm sau ngày 13/05/1999″ [2]. Hạn chót do đó trở thành 13/05/2009.

Tóm lại, thềm lục địa không đương nhiên thuộc về mình, mà mình phải làm đơn đòi trước 13/5/2009, và phải đệ đơn đó lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của UNCLOS. Không có “hồ sơ cũ (1977, 1982)” gì ăn nhậu đến chuyện này, vì trước UNCLOS 1982 không có luật cho khai thác thềm lục địa và không có Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa để mà nộp hồ sơ (ủy ban đó chỉ mới bắt đầu hoạt động vào năm 1997). Và nói “không cần lập hồ sơ thềm lục địa mở rộng vì không còn thềm lục địa trong Biển Đông nữa để «mở rộng» là hoàn toàn sai bậy, xúi trẻ ăn cứt gà!

Một lần nữa tôi kêu gọi ông Trương Nhân Tuấn tìm đọc Luật Biển UNCLOS để khỏi “cố vấn” một cách bậy bạ, vô trách nhiệm như vậy. Phần tôi hoàn toàn không chuyên môn những chuyện luật pháp khô khan này, thậm chí còn rất ghét, nhưng đã dễ dàng truy tìm và đọc những tài liệu cần thiết trong vòng vài phút. Nếu những chuyên viên của chính quyền Việt Nam mà cũng “lè phè” như ông Trương Nhân Tuấn thì chẳng bao lâu Việt Nam sẽ mất hết những vùng biển còn lại!

----------------------------------

Tài liệu

[1] United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS). Trích:
Annex II, Article 4: Where a coastal State intends to establish, in accordance with article 76, the outer limits of its continental shelf beyond 200 nautical miles, it shall submit particulars of such limits to the Commission along with supporting scientific and technical data as soon as possible but in any case within 10 years of the entry into force of this Convention for that State. The coastal State shall at the same time give the names of any Commission members who have provided it with scientific and technical advice.

[2] UNCLOS SPLOS/72 (2001), http://daccessdds.un.org/doc/UNDOC/GEN/N01/387/64/PDF/N0138764.pdf?OpenElement. Trích:
Considering the problems encountered by States Parties, in particular developing countries, including small island developing States, in complying with the time limit set out in article 4 of Annex II to the Convention,
Decides that:
(a) In the case of a State Party for which the Convention entered into force before 13 May 1999, it is understood that the ten-year time period referred to in article 4 of Annex II to the Convention shall be taken to have commenced on 13 May 1999;

No comments:

Post a Comment