Sunday, April 5, 2009

VỀ CON NGƯỜI CHÍNH TRỊ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Về con người chính trị của Trịnh Công Sơn
Bùi văn Phú
5.04.2009
http://damau.org/archives/5135
Trịnh Công Sơn gây nhiều tranh cãi là do ở những ca khúc ông viết về chiến tranh, thân phận và con người Việt Nam trong một giai đoạn cực kì tang thương của đất nước. Ông đứng về phía nào của cuộc chiến thì chẳng bao giờ ông nói rõ, vì thế người đời phải dùng lời ca, hay ghi nhận những sự kiện liên quan đến Trịnh Công Sơn rồi suy đoán.
Bài viết mới của Trịnh Cung là những ghi chép đáng được đón nhận, phân tích và phản biện. Chỉ rất tiếc là trong hoàn cảnh hiện tại, có những điều mà một số người trong cuộc chưa thể nói ra, hay nói thật.
Trong bài viết Trịnh Cung có nhắc đến một sự kiện quan trọng xảy ra tại đài phát thanh Sài Gòn ngày 30.4.1975 khi Tôn Thất Lập có lời hằn học với Trịnh Công Sơn. Trong bài Trịnh Cung cũng nhắc đến Nguyễn Hữu Thái mà tôi có dịp đọc một số tài liệu của ông Thái viết về ngày 30.4 tại Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn. Trong một tài liệu phổ biến năm 2005 qua mạng BBCVietnamese ở hải ngoại và năm vừa qua trên tạp chí Xưa & Nay trong nước, số tháng 4.2008, Nguyễn Hữu Thái không nhắc gì đến việc Trịnh Công Sơn lên đài hát “Nối vòng tay lớn”. Bỏ qua sự kiện này của một người từng là nhân chứng cho thấy có gì đó còn chưa rõ hay không hợp với quan điểm của chính quyền hiện tại.

Về việc Trịnh Công Sơn có thể được chọn làm Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá, tôi tin thông tin kiểu như thế có thực trong những ngày khi mà quốc hội Việt Nam Cộng hoà bàn thảo việc chuyển giao quyền hành. Không phải chỉ có Trịnh Công Sơn mà một số người thuộc những nhóm chính trị khác nhau cũng đã được bắn tiếng cho nắm những chức vụ trong chính quyền mới. Lúc đó tôi có nghe đến việc ông Trần Minh Tiết có thể làm thủ tướng hay tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh và lập chính quyền mới và một người tôi biết có thể sẽ nắm chức bộ trưởng trong nội các mới. Trong giai đoạn khủng hoảng chính trị lúc đó ở miền Nam, cùng lúc người Mỹ muốn rút toàn bộ và không muốn bị người Việt coi là phản bội để rồi có hành vi chống lại người Mỹ trong những giờ phút chót thì việc tung tin ủng hộ hay không ủng hộ một nội các nào đó chỉ là loại thông tin trấn an, đem hi vọng ảo để người Mỹ thực hiện kế hoạch của họ.
Về con người chính trị của Trịnh Công Sơn tôi đã có bài viết trên talawas.org ngày 1.4.2008, xin trích lại một đoạn sau đây để độc giả có thêm tài liệu:

Trong hồi kí nhan đề N.D.B. [1], ông Nguyễn Mâu, cựu đại tá cảnh sát, là cấp chỉ huy tình báo Việt Nam Cộng hoà từ 1968 đến 1972, có đưa ra những sự việc nhưng không dẫn đến kết luận vững vàng cho thấy Trịnh Công Sơn có hay không hoạt động cho cộng sản.
Ông Mâu kể chuyện vào năm 1969 Trịnh Công Sơn bị một đơn vị cảnh sát bắt giao cho Ngành Đặc biệt và chính ông đã nói chuyện với Trịnh Công Sơn. Qua buổi nói chuyện đầu tiên, ông Mâu có cảm tưởng Sơn không phải là người cộng sản. Khi hỏi thẳng Sơn có hoạt động trí vận, có viết nhạc theo chỉ thị, có hoạt động cho hội văn nghệ sĩ yêu nước, thì câu trả lời của Sơn là không.
Ông kể cho Sơn nghe về những tài liệu ông có được cho thấy chính Bộ Chính trị miền Bắc mới lo sợ bộ đội cộng sản nghe nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn và chính phía chính quyền miền Nam đã cho phát thanh những bài nhạc này, với tiếng hát Khánh Ly, từ máy bay xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh để cho bộ đội nghe, cụ thể là bài “Gia tài của Mẹ”. Kể xong ông Mâu hỏi Sơn nghĩ sao về chuyện này? Người nhạc sĩ không trả lời, nhưng trên nét mặt “sáng rỡ, niềm vui không giấu giếm, mắt long lanh hàm chứa sự thích thú và hài lòng đến cùng độ. Chúng tôi không nghĩ rằng anh vui mừng vì có tinh thần chống cộng cao độ. Chúng tôi cũng không nghĩ anh giả vờ vui để tỏ ý chống cộng trước một viên chức thuộc ngành công an. Anh đã vui vì tâm tư và ý tưởng đối với quê hương tang tóc, về một cuộc chiến tương tàn cần phải chấm dứt đã được gửi gắm đi xa, qua làn sóng điện đến với những người có trách nhiệm”. (N.D.B. tr. 222)


Tác giả Nguyễn Mâu ghi lại lời Trịnh Công Sơn nói với ông:
“Tôi không kêu gọi họ buông súng hay mang súng trở về như Bộ Chiêu hồi, nhưng tôi đã làm việc ấy một cách tế nhị và rất thâm trầm như bài ‘Lại gần với nhau’ với lời nhạc ‘… đừng bỏ tôi… đừng bỏ tôi… đi hai mươi năm qua… còn gì cho anh… còn gì cho tôi… không còn gì… không còn gì… còn lại chiến tranh… hai mươi năm chinh chiến mẹ ngủ không yên…’ Và còn nhiều nữa, tôi đã nói thẳng với họ hãy vượt mọi trấn áp, từ bỏ rừng núi… mà trở về cùng với dân tộc đang chịu quá nhiều đoạ đầy thống khổ như bài ‘Nối vòng tay lớn’ với câu kết luận ‘Vượt thác cheo leo… hay ta vượt đèo… từ quê nghèo lên phố lớn… nắm tay nối liền biển xanh sông gấm… nối vòng tay lớn…’ Tôi đã nói chuyện với họ như bằng hữu, như anh em chứ không phải như ông Bộ trưởng Chiêu hồi. Phương cách của tôi theo tôi nghĩ có thể thích hợp và được họ vui vẻ chấp nhận và lĩnh hội hơn. Tôi thương yêu và kính trọng họ thật, với tình người thật, với tinh thần ruột thịt thật và muốn trải với họ chút tâm sự thật. Tôi có thể bị công an, bị chính ông kết tội nhưng đó là sự thật tôi không giấu giếm. Cũng bằng cách này, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những giới chức chỉ đạo chiến tranh của bên này và cả bên kia”. (sđd, tr. 223)

Tiếp xúc trực tiếp nhiều lần với Trịnh Công Sơn, tác giả Nguyễn Mâu có nhận xét: “Anh Sơn rất vô tư trong chính trị, với lập trường không thiên vị, không theo những người quốc gia triệt để mà cũng chẳng theo cộng sản. Qua những lời tâm sự, có thể anh đã phải tránh qua, né lại, lúc chường, lúc trốn, dù là bạn nhưng vẫn phải đối phó với Hoàng Phủ Ngọc Tường và vài người khác vốn là cơ sở trí vận cộng sản”. (sđd, tr. 224)
Theo tác giả, người nhạc sĩ này “là một nghệ sĩ có tâm hồn đang đau nhức với cái đau nhức của dân tộc và sáng tác vì cái đau nhức ấy”. (sđd, tr. 215)

Rồi ông Mâu nhắc đến Nguyễn Thanh Ty là tác giả của tập sách Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn là một người gần gũi với Sơn ở trường sư phạm Qui Nhơn. Ông Ty nhận xét trong những năm chung sống với nhau không có dấu chỉ nào cho thấy Trịnh Công Sơn là Việt cộng. Nhưng những liên lạc, gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn với Hoàng Phủ Ngọc Tường trong giai đoạn này, 1965-1969, còn là một dấu hỏi lớn và có thể đó là những thất bại của tình báo Việt Nam Cộng hoà mà ông Nguyễn Mâu có một phần trách nhiệm.
Tác giả Nguyễn Mâu đã tỏ ra ngạc nhiên khi nghe bài ca “Nối vòng tay lớn” đã được những “bọn chạy hiệu Ba mươi tháng Tư” diễn giải theo một nghĩa khác, không như ý của Trịnh Công Sơn trước đó ít năm.

[1] Nguyễn Mâu, N.D.B. Ngành đặc biệt (Special Branch) Tập I, tác giả tự xuất bản, San Jose 2007
bài đã đăng của Bùi văn Phú
Về con người chính trị của Trịnh Công Sơn - 05.04.2009
Văn nghệ, gặp nhau giữa quảng trường - 09.03.2009

1 bình luận
»
Phan Đức viết:
Nói cho cùng,theo cộng sản hay không chỉ có chính TCS.mới trả lời chính xác được,miễn là ông dám nói thật. Còn chỉ đơn giản dựa vào câu trả lời của ông TCS. với ông Nguyễn Mâu, đầu ngành cảnh sát đặc biệt,thì e rằng mức độ chính xác cần phải xét lại.
Trước 1975, những người hoạt động cho CS. miền Bắc như Vũ Hạnh, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Hữu Thái v.v.thì có bao giờ họ tự nhận mình là cs.đâu. Vũ Hạnh được cố linh mục Thanh Lãng bảo lãnh nên không bị bắt vì tin lời VH.nhất mực cho rằng mình không phải là VC.nằm vùng.Huỳnh Tấn Mẫm thì mới đây đượcbáo nhà nước xác nhận chân tướng CS. của mình còn Nguyễn Hữu Thái thuộc nhóm ám sát cố giáo sư Nguyễn Văn Bông do Quang Hùng là tổ trưởng nhưng đến nay ông này cứ nhất quyết khẳng định mình thuộc thành phần thứ ba !!!
Ngay bà Nguyễn Thị Bình vốn là đảng viên CSVN.thế mà khi được nhà báo Pháp hỏi là “thưa bà,bà có phải là cộng sản không”,bà Bình (Mặt trận G.P.miền Nam)nói như đinh đóng cột là “không,tôi không phải là cộng sản” !!!
Tuy nhiên,trường hợp TCS. thì khác,có thể tin được ông không phải VC. mà chỉ thiên tả như đa phần những trí thức miền Nam thời đó…a dua làm thiên tả như cái mốt thời thượng,vậy thôi!
Có điều là sau 1975,TCS. mới biết rõ thực tế chế độ cộng sản như thế nào khiến ông sợ qúa phải xu thời để sống còn.May là có ông Võ Văn Kiệt biết lợi dụng danh tiếng của TCS.để phục vụ cho chế độ.Hai bên đều có lợi như thế nên TCS.cố gắng sáng tác nhạc để đền ơn ông Kiệt ! Điều này cũng dễ hiểu và nên thông cảm cho TCS. vì ông không muốn làm anh hùng !

———

Xin phép viết ra một số dẫn chứng về
-Huỳnh Tấn Mẫm trên tờ Thanh Niên được Talawas (bộ cũ) đăng lại ngày 28-6-2008 trong Spectrum dưới nhan đề “Huỳnh Tấn Mẫm,một đời sôi nổi”.
-Nguyễn Hữu Thái do Vũ Quang Hùng kể lại trong Đứng Dậy năm 1976 và trong bài Phóng sự điều tra 7/2004 dưới tên (ký giả lão thành)Quang Hùng hoặctrong bài Bí mật điệp báo chưa từng công bố của Nam Thi trên báo Thanh Niên số ra ngày 02/5/2000. Theo đó thì NHT.thuộc An Ninh T4 và sau này về tổ Điệp báo A10 gồm Vũ Quang Hùng,Lê Văn Châu và NHThái.
-Nguyễn Thị Bình trả lời khi được ký giả Michel Tauriac phỏng vấn năm 1973 tại Paris như sau :
“-Xin trả lời tôi thẳng thắn,thưa bà,bà có phải cộng sản không ?
-Không,thưa ông,tôi không phải cộng sản ! “



No comments:

Post a Comment