Monday, April 27, 2009

TRẬN NÀY KHÓ YÊN

Trận này khó yên
Trần Khải

Đăng ngày 27/04/2009 lúc 02:24:44 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3714

Trung Quốc không phải chỉ đưa người đổ bộ vào riêng Tây Nguyên, Đồng Nai, hay vào các nước giáp biên của Việt Nam như Lào và Cam Bốt, mà ý đồ đã lộ rõ bá quyền siêu cường quốc tế.Diễn binh Hải Quân của Trung Quốc trên Biển Đông hôm Thứ Năm 23-4-2009 hiển nhiên là lộ liễu, nhưng chính các độc chiêu lặng lẽ đưa người và tiền để lấy ảnh hưởng cũng không kém phần lợi hại. Chiến dịch đưa du khách vào để ảnh hưởng mới nghe tưởng như chỉ riêng Việt Nam mắc bẫy, nhưng cả Hoa Kỳ cũng đang lâm vào thế khó xử, khi một đảo nhỏ thuộc ảnh hưởng liên bang Hoa Kỳ yêu cầu một quy chế đặc biệt để ưu đãi du khách Trung Quốc.Bản tin thông tấn AP hôm 20-4-2009 cho biết đảo Tinian, hiện nằm trong quy chế Vùng Thịnh Vượng Liên Bang Mỹ Quần Đảo Bắc Mariana, yêu cầu chính phủ liên bang cho công dân Trung Quốc được vào miễn chiếu khán (visa-free).

Không cần giấy tờ gì mà vẫn vào được Hoa Kỳ? Đúng vậy, chỉ có du khách Trung Quốc mới dám đòi quy chế ngang ngược như thế đối với Mỹ.Bản tin AP nói rằng Tinian là đảo mà các oanh tạc cơ Mỹ cất cánh để thả 2 quả bom nguyên tử vào hai thành phố Nhật Bản Hiroshima và Nagasaki để kết thúc Thế Chiến 2.
Chủ tịch Phòng Thương Mại Tinian là Phillip Mendiola-Long nói rằng 90% thương mại của đảo là từ khách sạn sòng bài Tinian Dynasty Hotel & Casino. Có tới 70% khách vào khách sạn này là du khách Trung Quốc.
Tin AP nói rằng mới đây Phòng Thương Mại này thúc giục Bộ Nội An Liên Bang Hoa Kỳ vào chương trình nhập cảnh miễn visa, nhằm để cho đảo Tinian hốt bạc nhiều hơn. Phải chăng cùng suy nghĩ như thế mà Việt Nam đã mở cửa cho du khách TQ vào để rồi lặng lẽ ở lại làm công nhân xứ Việt?
Thực tế các du khách TQ lẻ tẻ, dù là vài trăm người hay vài ngàn người, có ở lại cũng vẫn là con số nhỏ. Nhưng nếu không phải là lẻ tẻ, mà lại nằm trong một chiến dịch quy mô biển người thì sao? Và nếu trong một cuộc đổ bộ lớn như thế, tất phải có chỉ đạo, và tất phải có những bàn tay quyền lực chui sâu luồn cao tại Hà Nội?

Đó mới là kịch bản đáng sợ. Giáo sư Tạ Văn Tài, người từng dạy tại Đại Học Harvard, Hoa Kỳ, trả lời phóng viên Thanh Quang của đài RFA trong bài "Nguy cơ Trung Quốc đối với Việt Nam?" đã nói rằng Bắc Kinh dàn dựng được nhân sự cấp cao ngay ở Hà Nội:
"… trong giới lãnh đạo VN thì những người thân Trung Quốc có thể dùng sức mạnh của phe của mình để loại trừ những người không sợ Trung Quốc và chống báng Trung Quốc ra khỏi những chức vụ trong đảng hay trong chính quyền.Trung Quốc xúi một phần trong lãnh đạo lật đổ bằng cách thí dụ như đưa ra Uỷ Ban Trung Ương hay đưa ra Quốc Hội bỏ cái chức của ông có vẻ chống Trung Quốc. Thành ra người này người kia ngó nhau, sợ nhau. Đó là cách Trung Quốc thao túng chính trường Việt Nam".


Bắc Kinh xuất chiêu như thế trong bóng tối quyền lực Hà Nội mới là đáng sợ. Vì đó là Vô Ảnh Quyền, không ai nhìn thấy. Dù như thế, Bắc Kinh vẫn biết hù dọa kiểu ầm ĩ lớn tiếng, tất nhiên là để ảnh hưởng dư luận toàn vùng và cả thế giới.

Chỉ vài ngày sau khi đảo Tinian xin Bộ Nội An Mỹ mở cửa cho dân TQ ra vào tự do ở đảo này, Hải Quân Trung Quốc mừng 60 tuổi bằng cuộc diễn binh lớn ở Biển Đông với 56 tàu ngầm, tàu chiến và phi cơ ngoài khơi Thanh Đảo (Qingdao).

Tuy nhiên, thông điệp ngầm của vở tuồng múa rối nước kiểu Bắc Kinh này là gì? Trước tiên là với Mỹ, một nước vừa có tàu chiến đụng chạm với tàu chiến TQ mấy tuần trước vì "dám vào Biển Đông do thám", mà lúc đó TQ cho 5 tàu nhỏ tới quấy rối, làm trò khỉ kiểu Chí Phèo… Sau nữa là với Đài Loan, rằng các bạn đừng tính chuyện độc lập nữa, vì TQ còn dám đưa tàu ra quấy rối Mỹ thì nhằm nhè gì các "tàu giấy" của Đài Loan. Thêm nữa, dường như Tổng Thống Mã Anh Cửu của Đài Loan hành xử trông như kiểu người mà Giáo Sư Tạ Văn Tài đã mô tả về cách Trung Quốc "trồng người" vào Bộ Chính Trị Hà Nội. Và sau cùng là thông điệp cho Việt Nam, rằng lần này là hết thoát nhé: Tướng Mã Viện một thời phải cắm trụ đồng rồi bỏ chạy, vó ngựa Mông Cổ giẫm nát mấy cánh rừng một thời rồi cũng phải lui… nhưng bây giờ là thế kỷ 21, đồng đô la và nhan sắc Hồng Kông còn mạnh hơn biết bao là binh tướng.

Khi chưa lộ, thì tất nhiên là còn giấu kín âm mưu. Nhưng khi đã có dư sức mạnh, thì không hề giấu gì hết, Bắc Kinh đã tới lúc ầm ĩ hù dọa Việt Nam.
Trên mạng Talawas hôm 23-4-2009, tác giả Trương Thái Du đã viết bài nhan đề "Thông điệp của kẻ cướp", kể về một đoạn video của Trung Quốc, trong đó nói rằng Hải Quân Trung Quốc đã có cuộc hải chiến với VN năm 1988 là để "bảo vệ" đảo Trường Sa:
"Tôi đã chết lặng khi xem đoạn video quay "trực tiếp" cuộc tấn công Trường Sa của hải quân Trung Quốc ngày 14.3.1988. Giọng thuyết minh gầm gừ như tiếng sói: "… chúng ta hải chiến để bảo vệ Nam Sa chư đảo…" Mấy chục chiến sĩ hải quân Việt Nam dựng cờ sao năm cánh trên bãi đá Gạc Ma (gần đảo Sinh Tồn) trở thành bia hứng đạn đại liên. Con tàu vận tải 604 rỉ sét đang thả neo giữ biển đành phơi bụng lãnh đủ lửa pháo 100 ly từ mấy chiếc tàu khu trục tối tân, trang bị cả tên lửa đối hạm. Những cột khói trắng thê lương như khăn tang. Người Việt Nam đã không nổ súng trước và trong khi cuộc tấn công diễn ra, trái ngược hoàn toàn với mô tả tại công hàm "vừa ăn cướp vừa la làng" của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14.3.1988……Không nghi ngờ gì nữa, nó là thông điệp "bán chính thức" của nhà cầm quyền Bắc Kinh gửi đến phương nam".

Hù dọa như thế vẫn chưa đủ. Bắc Kinh lại bày trò tuyên truyền, chuẩn bị dư luận và giáo dục tư tưởng nhân dân Trung Quốc rằng Biển Đông là của Trung Quốc. Báo nhà nước China Daily hôm 24-4-2009 có bài viết nhan đề "Strong stand on marine rights urged" (Đòi Hỏi Cứng Rắn Giữ Chủ Quyền Biển), viết rằng:
"Trong một cuộc thăm dò trên mạng hôm qua, hơn 90% người trả lời (TQ) nói là họ muốn thấy TQ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ chủ quyền biển.Trong cùng bản thăm dò, 53.1% trong số 44,000 người tham dự thăm dò nói họ tin là nguy hiểm cho chủ quyền biển của TQ tới 'chủ yếu từ bên ngoài.'……Quan ngại bày tỏ trong cuộc thăm dò là khả dĩ, với gần phân nửa trong diện tích 3 triệu kilômét vuông lãnh thổ biển bị tranh chấp với 8 nước láng giềng, theo lời Meng Xiangqing, một giáo sư Đại Học Quốc Phòng TQ.Meng nói, 'Quá thường, chúng ta đã thấy lãnh thổ biển của chúng ta bị cắt ra, đảo của chúng ta bị chiếm đóng và tài nguyên của chúng ta bị cướp bóc.'…"
Hình như câu cuối vừa dẫn của ông giáo họ Meng là ám chỉ rằng các đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc và đã bị Việt Nam chiếm đóng từ nhiều thế kỷ cho tới năm 1974 và 1988, khi hải quân TQ chiếm lại mới thôi?Nhưng kế hoạch của Bắc Kinh thấy rõ là không dừng lại ở hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa thôi. Bởi vì đảo Tinian của Mỹ cũng có vẻ đang lộ vẻ dao động rồi thì phải? Như thế, Việt Nam trận này hẳn là khó bình yên.

TrầnKhải
© Thông Luận 2009




No comments:

Post a Comment