Thursday, April 2, 2009

TỘI CHỤP MŨ

Tội chụp mũ

Đỗ Thái Nhiên
Đăng ngày 02/04/2009 lúc 14:55:47 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3662

Tùy theo điều kiện sống, tùy theo phong tục tập quán, mỗi quốc gia có một hệ thống luật pháp riêng. Tuy vậy do tính thống nhất giữa dân tộc tính và nhân loại toàn tính, xã hội quốc tế có những nguyên tắc pháp lý căn bản chung. Một trong những nguyên tắc kia là nguyên tắc “Vô luật bất thành tội”. Điều này có nghĩa là: Không người nào có thể bị trừng phạt vì lý do đương sự đã làm một việc mà việc đó không bị hình luật ngăn cấm. Xưa kia hình luật nước Pháp chỉ trừng phạt các tội: trộm, cướp, lường gạt… mà quên không quy định tội “ăn không trả tiền”. Vì vậy hồi bấy giờ toà án Pháp quốc bị buộc phải tha bổng những người ăn quỵt. Mãi cho đến khi luật phạt tội ăn quỵt ra đời, thời kỳ vàng son của những kẻ ăn quỵt mới chấm dứt. Bây giờ chúng ta thử đặt vấn đề: Tại Hoa Kỳ, phải chăng hình luật có liệt kê tội “Phỉ báng một người bằng cách “chụp mũ” người đó là Cộng Sản” ? Câu trả lời nằm trong các tin tức sau đây:

Báo Người Việt số phát hành ngày 20/03/2009 cho biết: Năm 2006, Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster, thông qua thủ tục đầu phiếu đã quyết định tuyển Tiến Sĩ Lâm Kim Oanh làm tổng quản trị học khu. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, chính Hội Đồng Học Khu lại biểu quyết thâu hồi quyết định của họ trước đó. Hỏi ra mới biết: Sở dĩ học khu có hành động xoay chiều như vừa kể là vì ông Cao Sinh Cường đã bảo với học khu rằng Tiến Sĩ Lâm Kim Oanh là Cộng Sản. Vì vậy giáo sư Lâm Kim Oanh vào đơn kiện ông Cao Sinh Cường trước toà Thượng Thẩm California về tội phỉ báng. Sự thiệt hại của GS Lâm Kim Oanh trong trường hợp này là đương sự bị mất chức vụ tổng quản trị học khu.

Vẫn theo báo Người Việt, sau khi đọc hồ sơ Lâm Kim Oanh kiện Cao Sinh Cường, Chánh Án Charles Margines nêu ý kiến: “ Đã có bằng chứng đủ mạnh cho thấy sự việc ông Cao Sinh Cường phỉ báng bà Kim Oanh bằng cách “chụp mũ” bà Kim Oanh là Cộng Sản với ý định làm mất uy tín của đương đơn”. Toà Thượng Thẩm California có thể ra phán quyết về vụ Kim Oanh kiện Cao Sinh Cường trong vài tháng tới.

Mặt khác, năm 2003 toà án Denver, tiểu bang Colorado tuyên phạt những người đã chụp mũ Cộng Sản cho ông Hồ Ngộ và hai người con của ông này. Bị cáo phải trả cho các nạn nhân số tiền bồi thường thiệt hại lên tới 4 triệu 8 trăm ngàn Mỹ Kim.

Năm 2007, ông Phạm Tuân, chủ chợ Capital Market tại Saint Paul, Minnesota bị chụp mũ Cộng sản. Toà án liên hệ đã ra lệnh cho các bị cáo phải bồi thường cho nạn nhân 693 ngàn Mỹ Kim tiền thiệt hại.

Đời sống thiên biến vạn hoá, muôn hình vạn trạng. Vì vậy, không phải lúc nào hình luật cũng có khả năng mô tả đầy đủ và rõ ràng tất các loại tội phạm. Rất nhiều khi Toà án phân vân trong việc xác định tội danh cho một tội phạm. Giải quyết phân vân vừa kể, tức là toà án tuyên phán một bản án có tính tiền lệ, gọi tắt là án lệ. Án lệ có tác dụng giúp các Toà án về sau giải quyết những vụ án tương tự bằng cách đi theo con đường mà án lệ đầu tiên đã mở ra.

Trở lại với câu chuyện chụp mũ Cộng Sản. Các ý kiến và phán quyết của toà án thuộc các tiểu bang California, Colorado, Minnesota đã dẫn đến án lệ rằng một người bị xem là phạm tội phỉ báng khi chụp mũ Cộng Sản cho người khác. Mang “án lệ phạt tội chụp mũ” đặt cạnh nghị quyết 36 của Hà Nội, chúng ta nên nghĩ gì và làm gì? Như mọi người đã biết nghị quyết 36 có mục tiêu: Xâm nhập cộng đồng Việt Nam hải ngoại, gây chia rẽ, vô hiệu hoá mọi hoạt động cộng đồng, lôi kéo thành viên của cộng đồng phục vụ chế độ Hà Nội. Làm thế nào để cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ vừa có thể khoá chặt tay chân nghị quyết 36 vừa không bị phiền nhiễu bởi “Án lệ phạt tội chụp mũ CS”? Thưa rằng: Có ba trận địa đang chờ đón những người chống độc tài Hà Nội.

Trận địa thứ nhất:

Chống nghị quyết 36, chúng ta không thể không tố giác những tay CSVN đang nằm vùng trên đất Mỹ để thực hiện vô số hành động phi pháp. Muốn cho công việc tố giác đạt hiệu quả cao, chiến sĩ đấu tranh cần nghiêm khắc tôn trọng các nguyên tắc sau đây:
1. Đừng bao giờ tìm cách tố cáo một người là CS chỉ vì lý do tư thù, lý do cạnh tranh nghề nghiệp hay chính trị.

2. Hãy tố cáo có kèm theo nhân chứng hay vật chứng những lời nói và việc làm của một người có chủ đích tuyên truyền hay tán trợ chế độ Hà Nội. Những tố cáo này cần cụ thể và chính xác. Nghe lời tố cáo, người nghe tự kết luận người bị tố cáo đích thực là CS. Tuyệt đối không bao giờ tố cáo trắng trợn và vô tội vạ kiểu: “ Nguyễn Văn X, Trần Văn Y là Cộng Sản”. Tiếng Việt rất phong phú, người Việt rất thông minh, chỉ cần một vài chi tiết thật chính xác, ngưòi nghe có thể hiểu ý của người nói 100%, không cần phải sát phạt, thẳng thừng với nhau. Vì vậy, hãy nói thật rõ và thật cụ thể với ghi chú: Không tố cáo trắng trợn và vô trách nhiệm. Đó là phương pháp giúp chúng ta thực hiện quyền tự do ngôn luận mà không bị vướng vào “Án lệ phạt tội chụp mũ Cộng Sản”.

Trận địa thứ hai:

Xin nhắc lại mục tiêu trọng tâm của nghị quyết 36 là đánh phá các cộng đồng Việt Nam hải ngoại, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam tại Mỹ. Tuyệt đa số người Việt trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ đều mang quốc tịch Mỹ. Vì vậy, cộng đồng Việt Nam tại Mỹ là một bộ phận không thể tách rời khỏi quốc gia Hoa Kỳ. Thi hành nghị quyết 36 bằng cách đánh phá và/hoặc gây chia rẽ cộng đồng Việt Nam tại Mỹ hiển nhiên chế độ Hà Nội đã xâm lấn vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ một cách cực kỳ công khai và thô thiển. Sự việc này không thể nằm ngoài tầm quan sát của cơ quan an ninh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào cũng dành cho ngành công tố quyền tùy nghi truy tố. Quyền này hàm ý rằng đứng trước một hay nhiều tội phạm xảy ra với đầy đủ bằng chứng, cơ quan công tố được quyền tùy nghi: hoặc truy tố, hoặc “án binh bất động”. Tình trạng án binh bất động kia có thể diễn ra bởi nhiều lý do: ổn định xã hội, chính trị quốc tế, vụ án cần mở rộng hơn là những gì nó đã lộ ra v.v. Vì vậy tại Hoa Kỳ, có nhiều tội phạm kéo dài trong nhiều năm, sau đó các can phạm mới bị truy tố. Điều này cho thấy một tội phạm chưa bị truy tố không có nghĩa là bị can vô tội. Trong khi chờ đợi ngành công tố Mỹ ra tay bố ráp những cán bộ CS Hà Nội ngấm ngầm phá hoại Cộng Đồng Việt tại Mỹ, người Mỹ gốc Việt hãy mẫn cán trình báo cho cơ quan an ninh Hoa Kỳ biết rõ mọi tác vụ phạm pháp trên đất Mỹ do CS và tay chân điều động và tổ chức. Hành động như vừa kể có nghĩa là chúng ta không những chống nghị quyết 36 trong hiện tại mà còn đón đường đánh nghị quyết này trong tương lai.

Trận địa thứ ba:

Yếu tố chủ chốt của tội phỉ báng là bị can phải gán cho nạn nhân những việc làm thực sự đáng kinh tởm kiểu trộm, cướp, hiếp dâm, giết người, buôn bán ma túy… Vì vậy, khi đưa ra án lệ phạt tội chụp mũ một người là CS, toà án Hoa Kỳ mặc nhiên đồng hoá CS là tất cả những gì chống lại xã hội văn minh, tất cả những gì làm cho bất cứ người nào bị gán cho hai chữ Cộng Sản đều cảm thấy xấu hổ sâu sắc. Sự thực, có khuynh hướng xuất hiện trong những hoàn cảnh rất bất ngờ. Bức hình chụp linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng là một tình cờ diễn tả chính xác cái gọi là tự do ngôn luận dưới chế độ Hà Nội. Án lệ phạt tội chụp mũ CS là một tình cờ cho thấy dưới mắt nhìn của toà án Hoa Kỳ, uy tín của chế độ Hà Nội đang chìm sâu dưới đáy bùn đen. Chúng ta, những người yêu chuộng tự do dân chủ hãy phổ biến sâu rộng về Việt Nam ý nghĩa nhục nhã mà án lệ phạt tội chụp mũ CS đã dành cho đảng CSVN. Sự phổ biến kia làm cho dân chúng VN thấy rõ hơn giá trị hèn kém của CSVN dưới mắt nhìn của xã hội văn minh. Những “thấy rõ hơn” vừa nói sẽ là chất xúc tác hối thúc lịch sử phải chuyển mình.

“Án lệ phạt tội chụp mũ Cộng Sản” đã mặc nhiên giúp con người nhìn ra một chân lý mới. Ấy là: tiếng nói phát ra từ guồng máy tuyên truyền của chế độ độc tài, tham ô kiểu Hà Nội, hiển nhiển là tiếng nói của dối trá, của gạt gẫm. “Án lệ phạt tội chụp mũ Cộng Sản” là tiếng nói tuyệt đối phi chính trị, tuyệt đối phi tuyên truyền. Nó là tiếng nói lạnh lùng và nghiêm trang của công lý. Nó vừa là lẽ phải vừa là nhu cầu của đời sống được bật lên thành án văn. Nhờ vào sự khác biệt giữa án văn và tuyên- truyền- văn, “Án lệ phạt tội chụp mũ Cộng Sản” là một phát biểu không dè dặt rằng ngày nào chế độ Hà Nội còn tồn tại, ngày đó Việt Nam còn bị đè bẹp bên dưới tảng đá của cực kỳ phi lý.

Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment