Thursday, April 2, 2009

RỪNG GIÀ CẠN KIỆT

Tài nguyên quốc gia, khai thác hay tàn phá?

Rừng già cạn kiệt

01/04/2009 22:38

http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200914/20090401223833.aspx

Năm 1980, diện tích rừng của Tây Nguyên là 3.868.400 ha, chiếm 70,66% tổng diện tích tự nhiên. Từ năm 1980 - 1995, trung bình mỗi năm Tây Nguyên "xóa sổ" 120.000 ha rừng.

Rừng giàu và trung bình giảm 75%, rừng nghèo tăng 109%. Từ năm 1995 đến nay, mỗi năm không dưới 45.000 ha rừng bị phá. (Theo Nhân Dân, 2.4.2008)

"Xẻ thịt" rừng nghìn tuổi

Nằm giáp ranh với xã Thiện Hòa (H.Bình Gia, Lạng Sơn), khu rừng nghiến núi đá của xã Hảo Nghĩa (H.Na Rì) rộng hơn 400 ha được coi là kho gỗ quý của tỉnh Bắc Kạn với hàng vạn cây nghiến nghìn năm tuổi. Gần đây khu rừng này đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Chặt hạ gỗ quý

Để tận mắt chứng kiến cảnh rừng nghiến xã Hảo Nghĩa bị đốn hạ và tránh bị phát hiện, chúng tôi phải đi vòng sang huyện Bình Gia (Lạng Sơn) nhờ anh N., dân tộc Nùng (thôn Thạch Lùng, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia) dẫn đường đi tắt lên rừng. Sau hơn 1 giờ đi bộ theo con đường mòn Lâm Nghiệp 72 (đường được làm năm 1972) chúng tôi mới đến khu vực rừng nghiến xã Hảo Nghĩa. Tại đó, tiếng cưa máy gầm rú vang động một góc rừng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng những cây gỗ đổ "rầm".

Đi sâu vào trong rừng, tại khu vực rừng núi đá thung lũng Nặm Thuổm (xã Hảo Nghĩa) rộng chưa đầy 500m2 nhưng có tới 4 cây gỗ nghiến, mỗi cây có đường kính trên 1m mới bị chặt hạ, nơi vết cưa vẫn còn đỏ tươi. Mỗi cây gỗ nghiến đổ xuống đè gãy đổ cả một khoảng rừng. Bằng kinh nghiệm của người hơn 40 năm gắn bó với rừng, anh N. cho rằng, những cây nghiến này mới bị chặt cách đây vài ngày, cây to nhất có khối lượng khoảng hơn 30m3...

Tiếp tục đi vào khu vực rừng thôn Khuổi A (xã Hảo Nghĩa) - nơi Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam đang khai thác tận thu. Công ty này được phép khai thác tận thu 56 ha trong tổng số 400 ha rừng thuộc xã Hảo Nghĩa.

Tại khoảnh 4, tiểu khu 221 chúng tôi tiếp tục phát hiện 2 cây nghiến bị chặt hạ, lá còn tươi, thân cây đã bị lấy đi gần hết. Chưa ai thống kê chính xác đã có bao nhiêu cây nghiến bị đốn hạ nhưng theo anh N., trong 2 tháng nay, ít nhất hàng trăm cây nghiến bị cưa đổ, lấy gỗ.

Khó giữ rừng vì... giá gỗ nghiến tăng cao (!)

Trở về, chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Ngãi - quyền Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn kiêm Phó ban thường trực chỉ đạo tận thu gỗ nằm trên đất lâm nghiệp tỉnh này. Ông Ngãi thừa nhận: "Rừng nghiến thuộc xã Hảo Nghĩa đang bị tàn phá là có thật. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ giám sát khai thác tận thu gỗ nằm trên đất lâm nghiệp tại xã Hảo Nghĩa không hề có việc Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam lợi dụng giấy phép để phá rừng. "Lâm tặc" đã chặt phá những cây nghiến hàng trăm năm tuổi quý giá ấy". Ông Ngãi phân bua: "2 tuần trở lại đây, giá thớt nghiến bán sang Trung Quốc tăng gần gấp đôi. Giữ rừng là việc rất khó!".

Theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện tại lúc nào trên rừng cũng có gần 100 người làm thuê cho Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam. Công ty này tổ chức tận thu cùng lúc và đồng loạt trên cả 56 ha đã được cấp phép, trong khi Tổ giám sát khai thác tận thu gỗ nằm trên đất lâm nghiệp tại xã Hảo Nghĩa lại chỉ có 6 người. Tổ giám sát này được thành lập theo Quyết định 1441/QĐ-UBND ngày 18.2.2008, của UBND huyện Na Rì do ông Hoàng Văn Giáp - Phó chủ tịch UBND huyện ký.

Theo quy định, Tổ giám sát phải là tổ chức độc lập, không phụ thuộc vào đơn vị được cấp phép khai thác tận thu gỗ nằm là Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, người dân xã Hảo Nghĩa cho rằng, Tổ giám sát đã được Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam "trả lương" để đi giám sát việc khai thác gỗ tận thu của công ty này. Sự thật của vụ việc này như thế nào?

"Giám sát" nhận tiền của "khai thác"

Chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Khải Chiến - Chủ tịch UBND xã Hảo Nghĩa kiêm Tổ trưởng Tổ giám sát để xác minh thông tin này. Sau một hồi viện dẫn những lý do hết sức vô lý để từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Chiến thừa nhận: "Hằng tháng, Tổ giám sát có nhận của Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam 4,5 triệu đồng.

Đến nay, Tổ giám sát đã nhận tổng cộng 4 tháng, với tổng số tiền là 18 triệu đồng. Đây là tiền công Tổ giám sát được trả để thực hiện giám sát việc khai thác gỗ của công ty này". Cũng theo ông Chiến, Tổ giám sát không hề ký bất kỳ hợp đồng nào với công ty, mỗi khi nhận tiền tổ chỉ ký giấy biên nhận viết tay.

Về việc Tổ giám sát "ăn lương" của công ty liệu có khách quan, ông Nguyễn Bá Ngãi cho rằng: "Tổ giám sát không thể "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", nếu dùng ngân sách Nhà nước để trả công cho Tổ giám sát thì lại sai luật, nên việc Tổ giám sát được Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam trả phụ cấp hằng tháng cũng chẳng có gì khó hiểu?".

Chính vì được doanh nghiệp "trả lương" nên cũng chẳng có gì bất ngờ khi theo báo cáo của Tổ giám sát: Từ khi được cấp phép khai thác tận thu ngày 30.10.2008 đến nay, Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam thực hiện khai thác đúng như giấy phép!

Số gỗ mà Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam xin khai thác tận thu là gỗ nằm "lâm tặc" bỏ lại. Tuy nhiên, theo báo cáo của lãnh đạo Công ty TNHH đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam, đến nay họ mới chỉ khai thác được hơn 270m3 gỗ, số gỗ còn lại đã bị "lâm tặc" lấy trộm gần hết? Vậy chẳng lẽ, "lâm tặc" lại đi lấy trộm số gỗ trước đó mình đã bỏ đi? Hơn nữa, trước khi tổ chức khai thác, công ty còn dựng lán trại trên rừng cho Tổ giám sát ăn ngủ tại chỗ để thực hiện việc giám sát và bảo vệ gỗ. Vậy "lâm tặc" lấy gỗ đi lúc nào mà tổ giám sát không biết?

Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn cần vào cuộc, điều tra làm rõ thủ phạm phá rừng tại xã Hảo Nghĩa, đồng thời xem xét lại việc cấp phép khai thác tận thu trước khi quá muộn.

------------------------------------------------

Rừng chết, Tây Nguyên hạn và lũ

Nhiều năm qua, rừng Đắk Lắk đã phải "hy sinh" để có hơn 170.000 ha cà phê hiện nay. Ông Lê Cước, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk) bảo: "Ngày trước hàng ngàn héc-ta rừng xanh phủ sát nội thành Buôn Ma Thuột, thú rừng có khi lạc vào giữa phố. Thế nhưng, hiện nay diện tích rừng của Buôn Ma Thuột chỉ còn 551 ha, trong đó 53,5 ha rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ của rừng thuộc loại thấp nhất Đắk Lắk, chỉ còn 1,5%". Ông Cước cũng cho biết, những huyện trồng nhiều cà phê cũng là những địa bàn có tỷ lệ rừng che phủ thấp, như: Krông Búk chỉ còn 1,4%, Krông Pắk 6,2%, Krông Năng 11%, Krông Ana 12,4%... Tính chung cả tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ che phủ hiện chỉ đạt 45,8% (với diện tích 600.645 ha rừng), so với cách đây 20 năm tỷ lệ che phủ gần 70%. Tỷ lệ che phủ thấp đồng nghĩa với việc thu hẹp thảm thực vật có tác dụng giữ nước vào mùa mưa để bổ sung lượng nước ngầm.



Ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Đắk Lắk cũng nhận xét: Hơn 10 năm trở lại đây, tốc độ tàn phá mặt đệm diễn ra nhanh, lớp thảm phủ mặt đệm kém nên mưa xuống bao nhiêu là xuống hết lòng sông, mức độ cung cấp cho nước ngầm rất hạn chế. Kèm theo đó là tính chất khí hậu, thủy văn cũng thay đổi rõ rệt, hạn hán, lũ lụt khá thất thường, tác động tiêu cực đối với sản xuất và đời sống người nông dân.

Những con số thống kê mới đây của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đắk Lắk cho thấy hậu quả không nhỏ của hạn hán trên vùng đất cao nguyên này. Trong 12 năm (1996 - 2008), thiệt hại do khô hạn ở Đắk Lắk lên đến 8.058 tỉ đồng. Gần như năm nào cũng xảy ra hạn, mất trắng hàng chục ngàn héc-ta cà phê, lúa và hoa màu. Điển hình đợt hạn năm 2003 làm khô hạn 6.284 ha lúa và hơn 40.400 ha cà phê; năm 2005 khô hạn 9.160 ha lúa, 99.300 ha cà phê...

Thống kê 12 năm gần đây, lũ lụt ở Đắk Lắk đã làm 127 người chết, 5 người mất tích, ngập hơn 31.000 căn nhà, gây thiệt hại vật chất ước tính 1.462 tỉ đồng. Đã có những trận lũ quét kinh hoàng xảy ra ở những vùng rừng bị tàn phá. Còn nhớ tháng 8.2007, lũ quét đã cuốn trôi cả 4 người trong một gia đình sống cạnh dòng suối ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng…

Những hệ lụy của việc mất rừng, giảm độ che phủ vẫn tiếp diễn, đặt ra bài toán khó cho sự phát triển bền vững trên vùng đất này.

Trần Ngọc Quyền

No comments:

Post a Comment