Sunday, April 26, 2009

QUÂN ĐỘI VIỆT NAM - CON ĐƯỜNG CANH TÂN

Quân đội Việt Nam — Con đường canh tân
Trần Vũ
talawas Chủ Nhật
26.04.2009
http://www.talachu.org/truyen.php?bai=259

Trước hiểm nguy Trung Hoa, không thể phân biệt quân đội quốc gia với quân đội Bắc Việt hay quân đội Cộng hòa với quân đội Cộng sản. Duy nhất một quân đội Việt Nam mà hiện nay là Quân đội Nhân dân, vì quân đội Cộng hòa đã biến mất, vì Quân đội Nhân dân đang mang trọng trách bảo vệ đất nước. Tiên đề này làm nền cho các khảo sát.

1. Tinh thần ái quốc

Khác với quân đội của các đế quốc, quân đội Việt Nam đã luôn phải xây dựng sức mạnh trên chính lòng ái quốc của dân tộc mình. Ngay cả khi Đại Nam đạt đến sức mạnh của một đế quốc Đông Dương, quân đội Đại Nam chưa biết vận dụng sức lực của các sắc tộc Chàm, Ai Lao hay Thủy Chân Lạp. Sức mạnh của quân đội Việt Nam là sức mạnh của sự đoàn kết, chết để giữ đất và chết để mở đất, của sắc tộc Kinh. Mạc Cửu ở Hà Tiên là một biệt lệ.
Ngược hẳn, quân La Mã hay Thập Tự Chinh là một hỗn hợp các sắc dân tham chiến vì lý tưởng chinh phục hoặc chống Hồi giáo. Gần hơn, quân đội Anh trong hai thế chiến tập hợp lính Ái Nhĩ Lan, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại, Nam Phi và Ấn Độ. Tinh thần ái quốc không hẳn là động cơ tham chiến của những người lính này. Trường hợp Quân đội Liên hiệp Pháp không khác. Quân đội Pháp sử dụng một bộ phận lớn lính Ma-rốc, Algérie, Tunisie, Sénégal, Cameroun và binh chủng Lê dương. Trên chiến trường Việt Nam, lính ngoại quốc đông hơn lính Pháp, 52% quân số Lê dương là cựu binh Đức. Có thể viết: Sức mạnh của các quân đội đế quốc là sức mạnh tổng hợp, xây dựng trên sức tổng hợp các lý thuyết, nhân chủng, nguyên vật liệu, kỹ thuật, tài chánh và cả lý tưởng.
Quốc gia Việt Nam chưa đạt đến sức mạnh này, tinh thần ái quốc vẫn là sức mạnh duy nhất.
Đến chiến tranh Việt-Pháp, quân đội Việt Nam gặp thử thách: Lần đầu tiên phải đương đầu với quân đội Tây phương. Quân nhà Nguyễn thất bại liên tiếp khiến triều đình Huế phải ký các hòa ước Nhâm Tuất, Giáp Tuất, Quý Mùi, rồi đến hòa ước Giáp Thân, tức hòa ước Patenôtre, công nhận vĩnh viễn nền bảo hộ Pháp. Lòng ái quốc đã không tạo ra đủ sức mạnh để thắng các phương tiện kỹ thuật của đối phương. Chiến thắng của quân viễn chinh Pháp là chiến thắng của một nền công nghiệp nặng đã nghiền nát một nền nông nghiệp lạc hậu. Một cách khác, quân đội nhà Nguyễn tụt hậu kỹ thuật đến mức mà tinh thần ái quốc và lòng can đảm không thể bù đắp. Cái chết tiết tháo của các đại thần Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu để lại trong lòng dân tộc vô vàn thương tiếc, cùng kính trọng. Nhưng những cái chết này không cứu vãn được nền độc lập quốc gia, chúng cứu vãn duy nhất danh dự của một giai cấp quan triều.
Canh tân trở nên cần thiết. Nhưng không phải lúc nào quốc gia cũng có đủ thời gian và đủ khả năng canh tân. Lịch sử là một chuỗi cơ hội mà chỉ những quốc gia nào biết kịp nắm bắt mới có thể giành lấy những cơ hội kế tiếp.

2. Thời điểm canh tân

Hệ thống dân vận và Viện Sử học cố gắng tìm ra những điểm tương đồng giữa phong trào Tây Sơn với Chính quyền Cách mạng. Trong thực tế, nhìn theo chiều dài lịch sử, chính phủ Việt Nam đương quyền có nhiều điểm tương đồng với nhà Nguyễn và rất khác Tây Sơn trong cách đối đầu với phương Bắc. Trên mặt quân sự, quân nhà Nguyễn đã tiến vào Nam Vang lập Trấn Tây thành nhưng không bình định được Chân Lạp, Quân đội Nhân dân cũng đã trải qua kinh nghiệm này. Trên mặt chính trị, chính quyền Tây Sơn không thật sự thần phục nhà Thanh trong lúc các triều vua Nguyễn đã luôn nhìn về phương Bắc và phụ thuộc vào động thái của Thanh triều trong phương cách ngoại giao với Tây phương. Chính quyền Việt Nam hiện nay ứng xử tương tự.
Điểm tương đồng lớn nhất giữa chính phủ hiện tại với nhà Nguyễn nằm ở sự chậm trễ canh tân sau khi thống nhất đất nước.
Kể từ thế kỷ 19, lịch sử dân tộc cho phép duy nhất hai thời kỳ khả dĩ có thể canh tân quân đội: Bốn triều vua đầu nhà Nguyễn và từ thập niên 90 đến nay. Các giai đoạn khác, quốc gia chìm đắm trong chiến tranh và loạn lạc.
Hoàng đế Gia Long có nhiều thuận lợi: Mối giao hảo ban đầu khá tốt đẹp với Pháp hoàng, ngay cả khi Pháp hoàng Louis XVI bị cách mạng đánh đổ, đường dây ngoại giao đã thiết lập, và ngay cả khi mối quan hệ này đứt đoạn, Âu châu đang chìm trong chiến tranh của Nã Phá Luân cho phép Đại Nam một thời kỳ dài bình yên. Các giám mục, giáo sĩ, kỹ sư theo phò Gia Long đã chứng tỏ trung thành và đắc lực. Một chính sách phổ biến kiến thức của các kỹ sư này, một cách quy mô, mở mang công xưởng và tận dụng tri thức Tây phương bằng cách thuê mướn người Âu châu như Nhật Bản sẽ thực hiện về sau, đã có thể cải tổ quân đội Đại Nam một cách hữu hiệu. Gia Long còn thừa hưởng âm vang của hai chiến thắng Rạch Gầm và Đống Đa của Nguyễn Huệ, khiến Xiêm La và Đại Thanh quốc nể vì. Gia Long đã không tận dụng những ưu thế này.
Các hoàng đế kế nhiệm Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã không nhìn thấy bối cảnh thế giới vẫn còn thuận lợi và Đại Nam là một trong những quốc gia mạnh ở Á châu, kể cả khi so sánh với Nhật Bản.
Phía Bắc, Thanh triều phải đối đầu với các nội loạn triền miên ở Lưỡng quảng cho đến 1864 mới dẹp yên Hồng Tú Toàn. Cuộc chiến với Thái bình Thiên quốc làm Thanh triều kiệt quệ. Phía Đông Bắc, Cao Ly đang bị Mãn Thanh chiếm đóng, còn Nhật Bản vẫn đóng cửa không giao tiếp với thế giới. Nhật Bản liên tiếp trải qua 11 trận đói trong suốt một thế kỷ rưỡi, mà nạn đói sau cùng diễn ra vào năm 1837. Các sứ quân Tokugawa suy yếu dần.
Phía Nam, Mã Lai không đủ sức uy hiếp Đại Nam. Phía Tây Nam, Xiêm La với 4 triệu dân không cản được Trương Minh Giảng tiến vào Chân Lạp. Phía Tây Bắc, vương quốc Miến Điện với 3 triệu dân không có cả quân đội chính quy để gây hấn với Đại Nam. Lính Miến, trưng binh khi chiến tranh, không được tổ chức thành một đạo quân thường trực.
Phía Đông, biên giới Hoa Kỳ chỉ chạm đến Thái Bình dương vào năm 1848 sau khi giành lấy California từ tay quân đội Mễ. Hiểm nguy đến từ Âu châu. Tuy nhiên, ngoài các thương điếm, Hòa Lan và Bồ Đào Nha không đủ sức mở những cuộc viễn chinh lớn. Tây Ban Nha tuy hiện diện ở Phi Luật Tân đã bắt đầu chu kỳ suy tàn. Đế quốc Phổ, một sức mạnh lục địa, không ưu tiên xây dựng hạm đội và hãy còn đang tìm cách chế ngự quân đội Pháp. Trường hợp Pháp, tiềm năng khoa học kỹ thuật và tham vọng vẫn tràn đầy nhưng hải quân Pháp bị tiêu hủy trong thủy chiến Trafalgar chưa vực dậy. Đế chế Nga tập trung sức lực hoàn thành tuyến đường hỏa xa xuyên Tây Bá Lợi Á để tiến vào Mãn châu bằng đường bộ, vì Bắc Băng dương đóng băng quanh năm, khiến tham vọng Nga giới hạn vào Bắc Á. Hoàng gia Anh đã bắt đầu xuất hiện ở miền duyên hải Miến Điện và Mã Lai ngay từ 1826, mở các thương điếm và ký thương ước. Trước yêu sách của các công ty hàng hải Peninsular and Oriental và Cunard Line, các triều vua George rồi Victoria sẽ gửi thêm chiến thuyền sang Á châu nhưng tập trung vào các vùng đất vừa khám phá ở Úc và Tân Tây Lan, rồi Trung Hoa, khiến lãng quên Đại Nam.
Các vua đầu triều Nguyễn, như thế, vẫn còn thời gian. Ngoài hai năm khởi loạn của Lê Văn Khôi và động loạn của vài bộ tộc thiểu số ở miền Thượng du Bắc Việt, nhà Nguyễn có sự ổn định ngai vàng và đã biết đến sự hiện diện của một nền văn minh khác ở Tây bán cầu, và chính sự hiện diện của nền văn minh này mới có thể giúp canh tân nếu có một chính sách đối ngoại vừa trung lập, vừa tương tác với nhiều quốc gia, vừa mở cửa tiếp nhận kỹ thuật Tây phương. Trong suốt sáu thập kỷ, từ lúc Gia Long tiến vào Phú Xuân cho đến khi Tự Đức nhận tối hậu thư của Pháp, triều Nguyễn đã không canh tân. Chính sự thụ động này đã kết án số phận dân Việt, một kết án chung thân khi những canh tân quyết định thế giới diễn ra trong thế kỷ 19.
Nhà Nguyễn đã không áp dụng phương châm của Bismarck: "Chính trong thời bình phải đúc súng."
Sang thế kỷ 20, đầu thập niên 90, lịch sử đem đến cho dân tộc một cơ hội thứ nhì. Trước đó, Chính quyền Cách mạng đã bị cả hai đế quốc Trung Hoa và Hoa Kỳ cô lập. Trong mặt nội chính, chính quyền này đã tự cấm vận tri thức của dân tộc khi không cho phép bất kỳ một giao dịch nào với thế giới. Thập niên 90, cánh cửa mở ra bên ngoài phơi bày hình ảnh của một quốc gia tụt hậu. Dân chúng ý thức rất rõ: Việt Nam đã bị nhân loại qua mặt. Tuy vậy, quốc gia không nội loạn, đầu tư thế giới đã vực dậy kinh tế, sự thay đổi chiến lược của các đế quốc, sự thay đổi các ý thức hệ, vị trí và tiềm năng quốc gia dần khôi phục cho phép dân tộc một hy vọng. Nhưng cho đến phút này, tiến trình công nghiệp nặng và hiện đại hóa quân đội vẫn chưa thực sự bắt đầu. Có thể giải thích vì Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo, dân trí thấp. Câu trả lời là nếu không canh tân, sẽ không bao giờ có thể nâng cao dân trí và nâng cao mức thu nhập quốc dân mà không vay mượn.
Hiểm nguy Trung Hoa còn là một lý do cấp thiết. Thời Mã viện, dân tộc bị đô hộ vì thua kém binh lực mà quyết tâm không để bị đồng hóa còn cho phép khởi nghĩa giành lại đất đai, quyền làm người. Dưới triều Tự Đức, dân tộc bị đô hộ vì không thể bắt kịp kỹ thuật Tây phương, vì đã không hiểu các cuộc xâm chiếm nằm trong một chuyển động toàn cầu, trong phân chia giữa các đế quốc. Cả hai nguy hiểm hôm nay nhập một. Với kẻ thù truyền kiếp Trung Hoa.
Nếu thập niên 70 tương đương với nội chiến Nguyễn Ánh-Tây Sơn và chấm dứt khi Nguyễn Ánh vào Phú Xuân, thập niên 80 tương đương với triều Minh Mạng tiến quân vào Chân Lạp rồi đồn trú và sa lầy, thì thập niên 90 cũng tương đồng với giai đoạn chuyển tiếp của triều Thiệu Trị. Hôm nay, sang thập niên 2010, dân tộc đã ở vào giữa triều Tự Đức mà hiểm nguy đã trông thấy. Nếu chậm trễ, quốc gia sẽ lâm vào hoàn cảnh của Tự Đức còn chưa đầy hai thập niên trước khi nhận tối hậu thư của giặc. Một cách khách quan, ở vào giữa triều Tự Đức là đã muộn. Vì vận tốc canh tân của quốc gia, nếu thực hiện, vẫn chậm hơn vận tốc phát triển kinh tế, binh lực, vũ khí hiện đại của Bắc Kinh đã đạt đến tầm mức lớn. Nhưng dân tộc vẫn muốn tin hãy còn kịp, chưa muộn.
Phải canh tân trước khi một Yalta thứ nhì chia chác các vùng ảnh hưởng được ký kết giữa các đế quốc Nga, Hoa, Mỹ, như đã xảy ra vào tháng 2-1945 giữa Churchill, Roosevelt và Staline, trao những tiểu quốc này vào tay đế quốc kia và những tiểu quốc khác vào tay đế quốc nọ. Với một phân vùng như vậy, Việt Nam sẽ không thoát được số mệnh trở thành chư hầu của Trung Hoa và tương lai dân Việt sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào lương tâm Bắc Kinh. Hạn chót của canh tân đã điểm.

3. Quân đội công dân

Khiếm khuyết lớn của Quân đội Nhân dân và Viện Sử học là đã chịu chi phối bởi cách nhìn quân sử của Hồng quân Sô Viết về Âu châu, và của Hồng quân Trung quốc về Á Châu, trong một thời kỳ dài.
Khiếm khuyết lớn của dân tộc Việt là đã say mê khía cạnh chính trị của chiến tranh mà lãng quên khía cạnh thuần học thuật, quân sự của chiến tranh. Clausewitz nổi tiếng với mệnh đề thường xuyên được trích dẫn: "Chiến tranh là cánh tay nối dài của chính trị." Nhưng Clausewitz không viết duy nhất một mệnh đề này, mà soạn thảo tám tổng tập Cẩm nang Chiến tranh mà cho đến phút này vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt, ngay cả tóm lược. Clausewitz không duy nhất. August von Gneisenau, Gerhard von Scharnhorst, Helmuth von Moltke và Alfred von Schlieffen là những gương mặt đã cải cách quân đội Phổ, đưa quân đội này từ vị trí thảm bại trước quân Nã Phá Luân đến vị trí thống trị ở Âu châu trong suốt thế kỷ 19 sang đến đầu thế kỷ 20. Có thể kể thêm Hans von Seeckt, đã xây dựng nền móng cho quân đội Wehrmacht.
Clausewitz là một lý thuyết gia quân sự. Gneisenau mới thật sự là một nhà cải cách. Lịch sử quân đội Phổ đánh một khúc quanh quan trọng sau các thảm bại Jena, Auerstaedt trước đại quân Nã Phá Luân. Tập thể sĩ quan ưu tú đặt câu hỏi: Làm cách nào để ngăn chặn sức bành trướng của đế chế Pháp? Xây dựng sức mạnh của quân đội Phổ từ đâu? Những câu hỏi mà quân nhà Nguyễn đã không đặt ra và Quân đội Nhân dân chưa tìm thấy câu trả lời trước uy hiếp của Giải Phóng quân Trung quốc. Các công trình suy nghiệm của Clausewitz, Gneisenau và Scharnhorst đều được biên soạn ở thời kỳ này, khi quân đội Phổ thất thế, ở dưới đáy cùng của bất lực. Điều cần nhấn mạnh là những công trình này, bên cạnh việc tập trung nghiên cứu tìm cách triệt tiêu sức mạnh quân sự của quân đội Pháp, ở cả hai mặt học thuyết và chiến thuật, trong tấn công cũng như trong phòng ngự, còn giải quyết những câu hỏi khái quát, trừu tượng, bằng những giải đáp thực tế.
Gneisenau và Scharnhorst định nghĩa tức khắc, sức mạnh của một quân đội nằm trong 7 yếu tố: Học thuyết, phương tiện, tổ chức, quân số, tinh thần, địa lý và tính tự trị độc lập của quân đội đó. Phải có học thuyết rồi mới có thể vận dụng phương tiện thích ứng để tổ chức, và phải có tổ chức mới có thể thâu nạp, huấn luyện, võ trang, khiển dụng hữu hiệu quân số mà tinh thần làm nên sức mạnh. Nếu sức mạnh này còn tùy thuộc vào địa lý của vùng đất phải tấn công hay phòng thủ, sức mạnh đó chỉ đạt đến viên mãn nếu tập thể quân đội có được sự tự trị độc lập với giới chức chính trị nắm giữ hành pháp mà các mục tiêu thường ngắn hạn không cho phép thực hiện một học thuyết chiến tranh lâu dài. Tất cả khái niệm về quân đội của Gneisenau và Scharnhorst thâu tóm trong khái quát căn bản này.
Trong 7 yếu tố, 3 yếu tố được xem tối quan trọng: Tinh thần, học thuyết và tính độc lập tự trị. Tinh thần không giản dị là tinh thần trách nhiệm, tinh thần tổ chức, tinh thần kỷ luật, hay tinh thần chiến đấu. Đây là những tinh thần phụ, cần có một tinh thần xương sống, xuyên suốt qua 7 yếu tố, để từ tinh thần này nảy sinh các tinh thần phụ kể trên.
Gneisenau viết: "Tập thể quân nhân tìm sức mạnh trong tập thể công dân mà trách nhiệm ngang bằng với dân quyền."
Tuy ăn lộc triều đình, Gneisenau đã yêu sách: Phải đặt khái niệm công dân lên trên khái niệm thần dân của Phổ hoàng. Đặt khái niệm quyền lợi dân sự ngang bằng với khái niệm nghĩa vụ quân sự. Có trách nhiệm thì phải có quyền lợi. Có thi hành thì phải có tham dự. Lòng ái quốc vô điều kiện phải chuyển hoán thành lòng ái quốc có điều kiện. Một cách vắn tắt: Tinh thần công dân.
Trước những tấn công của phái bảo hoàng, Gneisenau phân tích: Một tập thể quân nhân không thể thiếu tinh thần chủ đạo cho tất cả các quyết định. Tinh thần này không thể là tôn giáo, vì một dân tộc không thuần một tôn giáo, vì tôn giáo không cho phép những tư duy khoa học với những phương pháp khoa học. Tôn giáo cũng dễ đẩy đến những quyết định không chiến lược mà thuần đức tin. Còn lại tinh thần ái quốc. Nhưng lòng ái quốc là một tình cảm trừu tượng, thiếu cụ thể, dễ biến thiêng và dễ bị ngụy tạo. Tinh thần ái quốc thăng giảm tùy theo đạo đức chính trị của giới cầm quyền. Tinh thần ái quốc có thể dẫn đến sa ngã, làm chán nản, bất mãn, ly khai, khi đạo đức chính trị suy thoái, tác động đến hiệu năng chiến đấu của quân đội. Ngược lại, an nguy của một quốc gia không giới hạn vào một tập thể hành pháp mà có thể có nhiều chính quyền kế tục nhau nắm giữ hành pháp. Do vậy, quân đội cần phải tự trị, độc lập với chính trị, để có thể giữ được sức mạnh tinh thần của quân đội trong bất kỳ mọi hoàn cảnh. Có nghĩa vụ, phải có quyền lợi. Quyền lợi của công dân trong xã hội là được tham gia việc nước. Quyền lợi của công dân trong quân đội là được tham gia giữ nước ở vị thế bình đẳng với giai cấp quý tộc. Tinh thần công dân phải là tinh thần của quân đội.
Viết thành văn bản, đề nghị canh tân nền tảng, và hành động, Gneisenau xứng đáng là một gương mặt cải cách.
Phổ hoàng Friedrich không tầm thường, đã chuẩn y. Nhiều lý lẽ viện dẫn Phổ hoàng không có chọn lựa vì cần tập hợp toàn dân, toàn quân, chống lại Nã Phá Luân. Giải thích này đúng hoặc sai, không quan trọng. Điều quan trọng là Gneisenau và Scharnhorst đã san bằng giai cấp quý tộc, tuy vẫn hiện diện, thăng thưởng ngạch trật, giao phó trọng trách, sẽ dựa trên khả năng mà không còn trên giai cấp. Hàn lâm viện danh tiếng Bá Linh mở cửa cho các sĩ quan xuất thân từ giới thợ thuyền, bình dân và nông dân. Sự kết hợp toàn dân, ở cùng một vị trí công dân, làm nên sức mạnh của tân quân đội Phổ, trở thành một quân đội quốc gia, thay vì quân đội riêng của Phổ hoàng.
Cùng với Gneisenau, Scharnhorst bắt buộc tất cả các sĩ quan đều phải tốt nghiệp học viện quân sự, không còn sĩ quan chỉ có khả năng thuần trận mạc mà thiếu kiến thức tham mưu, khoa học, quản trị. Từ 3 hàn lâm viện ban đầu ở Bá Linh, Königsberg, Breslau ― Scharnhorst cho xây thêm 10 Kriegschule, học viện chiến tranh, trên khắp lãnh thổ: Anklam, Cassel, Dantzig, Erfurt, Glogaw, Hanovre, Hersfeld, Neisse, Postdam và Munich. Nếu Gneisenau khái quát, còn Clausewitz tổng hợp học thuyết, thì Scharnhorst đào tạo và quảng bá tư tưởng của Gneisenau và Clausewitz. Trong canh tân, Scharnhorst đặt dấu nhấn lên hệ thống giáo dục quân nhân.
Chưa đầy một thập niên sau trận Jena, quân Phổ chiến thắng ở Leipzig rồi Waterloo. Nếu hai chiến thắng này chưa thể xem là thành quả của canh tân vì có sự tham gia của liên quân Nga-Áo tại Leipzig và liên quân Anh-Áo tại Waterloo, đến chiến thắng Sedan về sau của Moltke, nhận đầu hàng của Nã Phá Luân đệ tam ngay tại mặt trận và giành lại hai tỉnh lỵ Alsace và Lorraine, có thể xem công trình canh tân của Gneisenau, Scharnhorst và Clausewitz đã hoàn tất. Số sĩ quan xuất thân bình dân đã chiếm ¾, tuy chưa lên đến thượng tầng, các sĩ quan này đã hiện diện ở các chức vụ trung cấp: trung đoàn phó, trung đoàn trưởng, phó phòng hành quân, phụ tá tham mưu, và suy nghĩ Clausewitz trở thành suy nghĩ của quân đội Reichswerh.
Ngoài kết quả chiến trường, cải tổ của Gneisenau còn mang tính chất căn bản: Quân đội Phổ sẽ từng bước đặt sứ mệnh quốc gia trên sứ mệnh hoàng gia, và đặt quyền lợi của dân tộc trên quyền lợi của dòng họ Hohenzollern đang trị vì. Quyết định đơn phương chấm dứt chiến tranh một thế kỷ sau, vào tháng 11-1918, yêu cầu Phổ hoàng Wilhelm thoái vị để quốc gia không bị chiếm đóng, để có thể giữ được tiềm năng của quân đội cho phép phục hưng về sau, là những quyết định của một quân đội quốc gia, không phải của một quân đội hoàng gia, của một tập thể sĩ quan công dân, không phải của một tập thể sĩ quan thần dân.
Khái niệm quân đội công dân là khái niệm bảo vệ quyền lợi chung của đất nước, thay vì bảo vệ một giai cấp, một cung đình.

4. Tinh thần Đại hòa

Cuối thế kỷ 18, chiến thắng hàng loạt của Nã Phá Luân trên chiến trường Âu châu thâu đạt từ cách vận dụng kỵ binh xé đội hình bộ binh ô vuông của các quốc gia đối phương. Tấn công bằng kỵ binh không phải là một chiến thuật mới. Các đế chế Nga, Thổ vẫn thường xuyên đánh dàn trận bằng kỵ binh đông đúc và áp đảo. Canh tân của Nã Phá Luân là đã tăng cường hỏa lực của kỵ binh bằng cách cho kỵ binh nặng kéo trung pháo và pháo nhẹ 30 ly, 40 ly, thậm chí 75 ly di động theo cùng đoàn kỵ mã, rồi khai hỏa vào cạnh sườn đối phương trước khi xung phong. Pháo nặng của quân đội các quốc gia Nga, Áo, Phổ do ở các đơn vị biệt lập, cố định hay vận chuyển chậm, đã không kịp tác xạ theo hướng di động của chiến trường. Thành công của Nã Phá Luân còn nằm trong chia cắt, đánh từng đạo binh của các quốc gia riêng rẽ, ngăn giao kết. Cải cách của lục quân Phổ thời kỳ này, là tạo khối liên kết hiệp đồng bên cạnh sản xuất hàng loạt pháo binh nhẹ ― theo phương thức của Scharnhorst.
Trường hợp Nhật Bản khác hẳn. Cho đến giữa thế kỷ 19, sức mạnh của quân đội Nhật xây dựng duy nhất trên kiếm pháp của giai cấp võ sĩ đạo. Tương tự Đại Nam, tinh thần ái quốc và lòng can đảm làm nên sức mạnh duy nhất của quân đội này. Tiến trình canh tân do vậy khởi điểm từ lưỡi kiếm samourai trên một mặt bằng nông nghiệp lạc hậu. Dưới triều Minh Trị, tiến trình này nhanh cấp kỳ.
Các sử gia hầu hết đều chuẩn thuận hai thời điểm: 1868 khởi đầu canh tân và 1894 hoàn tất hiện đại hóa quân đội Nhật. Vì sao hai niên lịch này? Vì trước 1868, Nhật Bản chưa sở hữu hạm đội viễn dương và đến 1894 thiên hoàng Minh Trị đủ sức khai chiến với Mãn Thanh giành lấy Cao Ly, Lữ Thuận khẩu và bán đảo Liêu Đông. Rồi vài năm sau tranh chấp Mãn Châu với Nga hoàng. Cả hai xung đột đều kết thúc bằng chiến thắng vang dội của Hải quân Hoàng gia Nhật, đánh chìm Hạm đội Bắc dương của Đinh Nhữ Xương tại Hoàng hải, và đánh đắm hoàn toàn Hạm đội Bắc hải của đô đốc Rojetsvensky tại eo biển Đối Mã. Canh tân Nhật Bản là một thành tựu rực rỡ ― đã thực hiện trong vòng 25 năm.
Vì sao Nhật Bản, một đảo quốc với 42 triệu dân đã dám tuyên chiến với Đại Thanh quốc, một lục địa với 350 triệu dân ở cuối thế kỷ 19, và dám tuyên chiến với đế chế Nga, một đế quốc trải dài từ Thái Bình dương qua hết Bắc Băng dương ở đầu thế kỷ 20? Rất khác quân đội Phổ, một tập thể công dân, quân đội Nhật vẫn là một tập thể thần dân. Nhưng tập thể quân nhân thần dân này, một cách trái nghịch đã tập hợp lại trong một quân đội quốc gia, mà cho đến 1868 chưa hiện hữu. Trước, vương quốc Nhật Bản mang dáng dấp của một cung đình vua Lê, chúa Trịnh. Quyền hành trong tay Mạc phủ, với các lãnh chúa địa phương mà mỗi lãnh chúa thuê mướn các võ sĩ dùng làm quân đội riêng. Vương quốc Nhật, như thế, bao gộp nhiều quân đội tư nhân hay hoàng phái, khi kết hợp, khi đánh lẫn nhau, khi liên kết từng phần để tranh giành quyền bính với Mạc phủ, hoặc giúp Mạc phủ. Những quân đội này không mang sứ mệnh quốc gia vì ăn lộc chúa. Sứ mệnh của các võ sĩ samourai là bảo vệ lãnh chúa của mình. Canh tân trước tiên của Minh Trị Mutsu-Hito nhằm thống nhất quốc gia, tức thống nhất hành chánh và quân đội. Sức mạnh chính của Minh Trị là đã biết cải tổ toàn phần cơ cấu xã hội dựa trên tinh thần Đại hòa của vương quốc Yamato ― Vương quốc Đại hòa xưa cũ. Đại hòa dân tộc là tinh thần cổ xưa của Nhật Bản.
Kể từ thế kỷ 12, xã tắc Nhật Bản không thay đổi. So với Đại Nam đứng dừng từ thế kỷ 15, tổ chức triều chính Nhật Bản bất động lâu hơn nữa. Cho đến khi đề đốc Perry tái xuất hiện ở vịnh Yédo vào tháng 3-1854, với 250 đại bác trí trên các thuyền chiến Hoa Kỳ, xã hội nhật Bản vẫn là một xã hội phong kiến nhiều giai cấp, với các lãnh chúa cát cứ có quyền đúc tiền riêng và quân đội riêng: Các lãnh chúa daimio khiêm nhượng có trên 200 võ sĩ, trong lúc các lãnh chúa ngự trị nhiều địa phương có đến hàng vạn samourai. Toàn xứ Nhật chia làm 276 lãnh địa do 276 lãnh chúa cai quản, toàn quyền sinh sát, tức toàn quyền sắp đặt công lý cá nhân, với nhiều đơn vị tiền khác nhau mà đứng đầu là sứ quân Chôgoun ― một chúa Trịnh của thiên hoàng. Tổng số samourai lên đến 500 ngàn. Chỉ có các võ sĩ có quyền mang kiếm, không phải lao động, không đóng thuế, và không bị áp dụng hình luật phổ thông, thậm chí có quyền "thế thiên hành đạo" nếu bị giai cấp thứ dân rônin bất kính. Sứ quân Tokugawa sở hữu ¼ tổng số đất của đảo Bản châu, đảo lớn nhất chiếm 60% diện tích nước Nhật, và chiêu tập dưới trướng 50 ngàn võ sĩ. Thiên hoàng chỉ là một vua Lê mờ nhạt, với các hoàng thân tạo ra giai cấp quý tộc kugé chỉ chiếm giữ một số ít đất đai. Trong suốt tám thế kỷ, Mạc phủ ngăn cấm thiên hoàng tiếp xúc với các lãnh chúa, ngược lại các lãnh chúa không được quyền lên đế đô Kyoto gặp thiên hoàng, tất cả phải thông qua sứ quân. Trong suốt tám thế kỷ, thiên hoàng không biểu trưng quốc gia Nhật Bản mà duy nhất làm một hình bóng dòng dõi thần linh theo truyền thuyết.
Ngay sau khi đăng quang vào năm 1868, Minh Trị hiểu ra tức khắc, không thể hiện đại hóa quân đội mà không cải cách toàn diện xã hội. Sáng suốt của thiên hoàng Mục Nhân là đã ý thức trong bất kỳ mọi cải cách sâu rộng, sẽ xảy ra thiệt hại cho một hay nhiều giai cấp, vì phải tước đặc quyền của một bộ phận dân chúng để trao cho nhiều bộ phận dân chúng. Nguy cơ lật đổ là khả dĩ. Nếu trầm trọng sẽ trở thành nội chiến, hay ít hơn tạo ra bất mãn ly khai và thụ động làm suy giảm tiềm lực đất nước. Giải pháp Đại hòa, xây dựng trên tinh thần Đại hòa truyền thống của vương quốc Yamato từng hiện hữu cho đến thế kỷ 12, sẽ được Minh Trị áp dụng.
Công thức canh tân của Mitsu-Hito có thể tóm lược vào một nguyên tắc: San hòa đồng đều quyền lợi và hy sinh.
Với Đại Hiến chương ban hành ngày 6 tháng 4-1868, còn gọi Khế ước 5 điểm, Minh Trị hiệu triệu quốc dân và cam kết: Xóa bỏ thể chế phong kiến. Thâu thập tri thức của toàn thế giới. Thực hiện ý nguyện chính đáng của mọi tầng lớp. Sự tham gia của quần chúng vào việc nước làm nền tảng của thể chế mới. Toàn dân bình đẳng.
Không còn sứ quân chôgoun, lãnh chúa daimio, quý tộc kugé, võ sĩ samourai hay cùng đinh rônin. Minh Trị trao trả tất cả đất đai của sứ quân và lãnh chúa cho nông dân, mà cho đến khi đó cày ruộng thuê cho lãnh chúa, phải giao nộp tất cả thóc lúa đổi lấy tiền công. Tất cả nông dân, ai đang cày thuê bao nhiêu sào ruộng thì trở thành chủ điền của các sào ruộng ấy, thay vì nộp toàn bộ hoa lợi cho lãnh chúa, được giữ lại và chỉ đóng thuế thu nhập theo gặt hái và thuế thổ trạch. Với tiền thuế này, Minh Trị bồi hoàn đất đai cho lãnh chúa, thu hồi cung điện, lâu đài làm dinh thự chính phủ, trợ cấp hàng tháng đủ bảo đảm phú quý cho lãnh chúa với điều kiện phải rời khỏi địa phương để lên sống ở Kyoto. Giải thể các võ sĩ, cho về quê, hưởng phụ cấp để sinh sống. Biện pháp đối với giai cấp quý tộc hoàng phái không khác. Trên mặt tài chánh, đồng yen, đơn vị tiền tệ quốc gia ra đời; trên mặt giáo dục, tiểu học bắt buộc cho cả hai giới tính, bắt buộc nam giới lên đến trung học; trên mặt truyền thông, báo chí tư nhân phát hành đầu tiên năm 1871, bốn năm sau trên 100 nhật trình và tập san định kỳ.
Các sử gia đặt câu hỏi vì sao sứ quân và các lãnh chúa đã đầu hàng nhanh chóng như vậy, sau tám thế kỷ ngự trị? Các sử gia cùng tìm ra câu trả lời: Sự suy vi của Mạc phủ Tokugawa, vì không giải quyết được nạn đói 1837 và hoàn toàn bất lực nhục nhã trước khiêu chiến của Âu Mỹ, đã đưa đến khinh thường rồi bất phục tòng của các lãnh chúa là một nguyên nhân. Lòng trung quân của một số lãnh chúa phê phán sứ quân chuyên quyền là một nguyên nhân khác. Nhưng nguyên nhân chính nằm trong sự phân rã của giai cấp lãnh chúa, khiến các lãnh chúa khiêm nhượng muốn quay về với thiên hoàng trước nguy cơ sẽ bị các lãnh chúa mạnh hơn tiêu diệt, các lãnh chúa cấp trung bình thiếu đoàn kết không cùng phù trợ một lãnh chúa mạnh nào để tạo ra thế lực đối kháng. Sau cùng, vì giữa các lãnh chúa mạnh thường trực kình chống nhau, không ai muốn đối thủ trở thành sứ quân thay thế Mạc phủ. Trên tổng số 276 lãnh chúa, duy nhất 17 lãnh chúa chống lại thiên hoàng.
Với giai cấp võ sĩ, mà tiền phụ cấp quá ít, cũng như đặc quyền mang gươm biến mất, Minh Trị nhanh chóng nhận ra phải vận dụng, thay vì lãng quên. Các samourai được mời gọi gia nhập quân đội hoàng gia, cảnh sát, hành chánh, kỹ nghệ mà với truyền thống võ sĩ đạo tinh tuyền, cùng khả năng được tôi luyện, giai cấp này nhanh chóng chiếm lĩnh các chức vụ chỉ huy trong tân quân đội Nhật Bản, và ở các ban ngành khác, đặc biệt trong kỹ thuật. Một cách gián tiếp Minh Trị đã chuyển hóa giai cấp võ sĩ thành một giai cấp kỹ trị. Các samourai mà truyền thống hiến thân, xả thân, xem trọng danh dự, khinh thường cái chết, sẽ từ bất mãn vì quyền lợi thâu hẹp, sang phục vụ và trở thành nhân tố thực hiện canh tân vì đã tìm lại được vị trí trong xã hội.
Đối với giai cấp thứ dân rônin, quyền sở hữu đất đai hơn một ân huệ, một thức tỉnh đất đai thuộc về quốc gia mà quốc gia thuộc về dân, không thuộc một thiểu số nào. Các nông dân khi tham gia quân đội, ý thức đang tham gia bảo vệ chính quyền lợi đất đai, quyền thụ hưởng một công lý minh bạch duy nhất, và vị thế bình đẳng của bản thân, gia đình mình. Cải cách sâu đậm này của Minh Trị khiến hình ảnh thiên hoàng trở nên biểu tượng quốc gia vì biểu trưng cho quyền lợi chung. Vẫn còn là thần dân trong một quân đội hoàng gia, nhưng việc quân đội này phụng sự thiên hoàng trở nên tương đồng với việc phụng sự quốc gia. Một bước đi vĩ đại trong lịch sử Nhật Bản đã thoát ra khỏi thời kỳ Mạc phủ.
Các tóm lược trên, nằm trong chính sách san hòa quyền lợi. Còn sự san hòa hy sinh vì canh tân?
Để thủy sư đô đốc Ito Sukeyuki có thể chỉ huy một hạm đội hiện đại vào năm 1894, tiến vào biển Hoàng hải giao chiến với hạm đội Mãn Thanh, dân Nhật đã phải hy sinh rất nhiều. Vào năm 1893, khi Bộ Hải quân quyết định mua thêm hai tuần dương hạm nặng 12 ngàn tấn của Anh, Bộ Tài chánh đã từ chối với sự đồng ý của thủ tướng Hirobumi Ito vì lý do ngân khố sắp cạn. Quốc hội Kokkai, với Hạ viện Shugi-in và Thượng viện Sangi-in, và kể cả Hội đồng Trưởng lão Genro chuẩn y.
Thiên hoàng Minh Trị đã can thiệp tức khắc, bằng đạo dụ ngày 10 tháng 2-1893: "Nếu chúng ta phạm bất kỳ một sai lầm nào trong an ninh quốc phòng, sai lầm này sẽ đè nặng lên dân tộc chúng ta trong suốt một thế kỷ." [Meiji Mutsu-Hito, Rescrit du 10 février 1893, dẫn theo sử gia Pierre Renouvin, trong tập Câu hỏi Viễn Đông, chương Mâu thuẫn Hoa-Nhật 1894-1895, trang 142, Nxb Librairie Hachette, 1947]
Minh Trị quyết định cắt lương công chức, tỷ lệ thuận với mức lương và chức vụ. Số lương tiết kiệm dùng thanh toán phí tổn của hai tuần dương hạm. Vẫn giữ vững tinh thần Đại hòa, Minh Trị xuống chiếu cho phép tất cả con em công chức bị trừ lương được ưu tiên thi vào các trường trung học, đại học, học viện quân sự, cũng như cao học hành chánh hay công sở và ưu tiên được chọn ban, ngành, binh chủng. Ưu tiên, không có nghĩa đương nhiên thâu nhận mà không qua thi tuyển, ngược lại vẫn phải hội đủ sức khỏe, khả năng, trình độ và trí thông minh, tuy nhiên mỗi con em gia đình đã đóng góp cho đất nước hai tuần dương hạm sẽ được tăng thêm điểm, xem như quốc gia cộng cả công lao của cha mẹ vào điểm học vấn. Việc ưu tiên cứu xét còn cho phép các gia đình công chức cấp thấp một cơ may thăng tiến xã hội ở thế hệ thứ nhì. Đây chỉ là một chi tiết, nhìn rộng ra, tất cả nguồn vốn đầu tư của nước ngoài và cả vay mượn của chánh phủ đều dùng cho mục đích canh tân mà không tiêu sài cho mục đích tiện nghi. Nhật Bản không cải tạo đường xá, ngoài các quốc lộ chính dẫn đến hải cảng; không xây các đô thị nhà ở cao cấp, dân Nhật vẫn tiếp tục sống trong những ngôi nhà gỗ, cửa giấy, chật hẹp. Bốn công trình lớn: mỏ than Chikouho trên đảo Cửu châu, đường hỏa xa, điện lực, dẫn thủy canh nông - lâm thủy sản, dù đem đến thêm chút tiện ích và lương thực cho dân Nhật, vẫn không ra ngoài mục đích xây dựng quân đội mạnh. Tuyến đường xe hỏa nhằm vận chuyển khí cụ, nguyên vật liệu, điều phối các đơn vị quân đội; điện lực và than đá cần thiết để phát triển công nghiệp; khai thác quy mô canh nông - lâm thủy sản nhằm gia tăng dự trữ lương thảo của quân đội, tránh nạn đói trong quá khứ giúp tăng dân số để tăng quân, và sau hết khuếch trương xuất cảng trả vốn vay ngân hàng.
Năm 1878, chính phủ ra luật trái phiếu, bắt buộc dân Nhật phải mua công khố phiếu dài hạn với lãi suất thấp nhằm tài trợ tuyến đường xe hỏa Tokyo-Kobé, là một hình thức bắt buộc hy sinh ― để xây dựng hạ tầng cơ sở. Tuy khá gần với khái niệm "dân quyền" và "nghĩa vụ" của Gneisenau, sự hy sinh của dân chúng Nhật cao hơn mức ghi trong hiến pháp. Tiêu biểu là để có quyền chọn dân biểu của mình, mỗi cử tri phải mua lá phiếu với giá 15 yen để bỏ vào thùng phiếu. Cử tri có nghĩa vụ phải đến phòng phiếu nhưng muốn có dân quyền phải góp thêm tài chánh.
Sự san hòa hy sinh này vừa mang tính chất lý tưởng, vừa cụ thể, vừa áp đặt từ quyết tâm của thượng tầng.
Một khía cạnh khác của tinh thần Đại hòa còn nằm trong cách Minh Trị đã ân xá phó tổng tài hải quân Takeaki Enomoto, đã theo sứ quân sau cùng Tokugawa Yoshinobu làm phản. Sau khi dẹp yên, Minh Trị đã trao cho Enomoto chức phó đô đốc rồi bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản. Vì khả năng tổ chức của Enomoto, mà cũng vì muốn tránh phân ly, cần hợp sức của toàn dân.
Bài học canh tân nhật Bản, trước nhất là bài học phải cải tổ cấu trúc thể chế-xã hội để có thể cải cách toàn diện. Các thiệt hại cùng quyền lợi phát sinh phải chia đều cho công chúng. Đối với Quân đội Nhân dân, tinh thần Đại hòa có thể hiểu giản dị là đi tìm đồng thuận xã hội để đạt sức mạnh hiệp nhất.

5. Chiến lược canh tân

Các sử gia liệt kê 4 nguyên nhân thành công của Nhật Bản: Quyết tâm canh tân từ thượng tầng, chiến lược thích ứng, khả năng tiếp thu và vận dụng kỹ thuật Tây phương. Sau hết: bản sắc ái quốc, kỷ luật và tính hiếu kỳ của dân tộc Nhật làm điểm tựa cho Minh Trị.
Trong 4 nguyên nhân thành công kể trên, dân Việt có thể tự hào sở hữu hai thành tố: Khả năng học tập rồi áp dụng kỹ thuật Tây phương và bản sắc ái quốc cùng tính hiếu kỳ du nhập những đổi mới. Còn kỷ luật? Kỷ luật hay không là do kỷ cương nhà nước. Muốn một dân tộc kỷ luật thì nhà nước phải kỷ luật. Và muốn một dân tộc hùng cường thì nhà nước phải có hùng khí. Yếu kém quyết tâm và yếu kém kỷ cương ở thượng tầng quốc gia Việt Nam là nguyên nhân chính làm chậm phát triển quốc gia này.
Tể tướng Bismarck, trong những ngày cực thịnh của đế chế Phổ, rao giảng đức tin: Ngoại giao là vũ khí mạnh nhất của quân đội, trong điều kiện quân đội đó phải có thực lực để tiếng nói ngoại giao có trọng lượng, trường hợp quân đội chưa đủ mạnh, thế chiến lược của địa lý phải được khai thác để phủ dụ các tham vọng bằng chính sức mạnh của các tham vọng đối phương. Bismarck, bậc thầy của các hiệp ước, đã đi vào lịch sử Đức ở vị thế của một tể tướng giỏi nhất.
Đế quốc Phổ là một nền Quân chủ Tuyệt đối. Nhật Bản dưới triều Minh Trị cũng là một nền Quân chủ Tuyệt đối. Nhật Bản đã sao chép hiến chương quân chủ Phổ mà không phải hiến chương quân chủ Anh. Các thủ tướng Nhật từ Hirobumi Ito, Kiyotaka Kuroda đến Aritomo Yamagata đã theo sát Bismarck. Vấn đề an ninh đặt ra tức khắc: Phải có tấm khiên chắn trước khi lưỡi kiếm samourai được hiện đại hóa có thể vung lên lần nữa. Đế quốc Anh mà sự lớn mạnh của đế chế Phổ trở nên một mối lo, không muốn nhìn thấy hải quân Nga khống chế Thái Bình dương. Hải quân Anh đủ sức hủy diệt riêng rẻ hải quân Phổ, Pháp, Nga, nhưng không đủ sức vừa phân chia ở Thái Bình dương và Đại Tây dương, vừa đương đầu với liên hiệp các hải quân đế quốc. Nhật Bản trở thành một đối trọng cần thiết ở Viễn Đông. Liên minh với Nhật Bản có nghĩa hãm đường lan ra biển lớn của hải quân Nga từ căn cứ Hải Sâm Uy (Vladivostok). Vừa kềm chế hải quân Pháp đã vào Đại Nam. Vừa giảm ảnh hưởng của Tây Ban Nha từ Phi Luật Tân và cắm mốc đồng minh Anh trên đất Nhật Bản đối với Hoa Kỳ. Đế chế Phổ chỉ còn lại đầu cầu Thanh Đảo để nhìn ngắm, không đáng lo. Hiệp ước hỗ tương hàng hải và liên minh hải quân Anh-Nhật sẽ là viên gạch nền tảng trong chiến lược canh tân Nhật Bản. Các đế quốc Pháp, Nga, Phổ, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, tuy chậm trễ, đều nhìn thấy vị trí chiến lược của Nhật. Nhưng để lao vào Nhật Bản, Pháp cần bình định Đại Nam mà ở vào thời điểm 1868-1870 vừa chiếm được lục tỉnh Nam kỳ khiến đại thần Phan Thanh Giản phải quyên sinh đã là hết sức vì trên chiến trường Âu châu đại binh Phổ của thống chế Moltke đã bắt đầu gây chiến. Không thể lao vào Nhật Bản, Pháp bắt buộc phải mua chuộc bằng cách ký các thương ước, thỏa ước, gửi kỹ sư giúp Nhật Bản hầu giảm "sự thôn tính tinh thần" của Anh, với hy vọng trong tương lai sau khi giải quyết Phổ, có thể tách Nhật ra khỏi quỹ đạo Anh để trở về quỹ đạo Pháp. Hòa Lan tự biết sức không thể tranh giành với Anh, Pháp, chọn con đường giao thương bán vũ khí, tàu chiến, thương thuyền để kiếm lợi. Tây Ban Nha đã kiệt sức. Hoa Kỳ, đứng trước hiệp ước liên minh Anh-Nhật quyết định chọn Phi Luật Tân làm thuộc địa vì giao chiến với Tây Ban Nha vẫn dễ dàng hơn với Hải quân Hoàng gia Anh cực kỳ hùng mạnh. Phổ, hãy còn dồn hết nỗ lực giành lại Alsace và Lorraine, cố gắng thu phục Nhật bằng cách gửi các phái bộ quân sự cố vấn, tân trang và huấn luyện, trong cùng mục đích với Pháp lôi kéo Nhật Bản thành đồng minh.
Thế giới đã diễn ra như vậy và Nhật Bản đã sáng suốt nhìn thấy để trục lợi từ các tranh giành kình chống giữa các đế quốc. Các minh ước, thương ước, thỏa ước, hiệp ước chồng chéo càng củng cố vị trí trung lập của Nhật Bản cho đến 1894. Phương châm của Otto von Bismarck: "Khối lượng các hiệp ước phải đem đến sức mạnh thay vì ràng buộc tay chân" đã được các thủ tướng Nhật thực thi.
Vương triều Nguyễn, không biết đến Bismarck, đã đánh mất nhiều cơ hội.
Năm 1804, hoàng gia Anh cử Sir Roberts làm sứ thần mang phẩm vật và quốc thư dâng vua Gia Long xin thiết lập ngoại giao. Năm 1831, Hoa Kỳ xin đề cử Shilluber làm tổng lãnh sự tại Huế. Năm sau, phái đoàn của Edmund Robert và Georges Thompson đến Trà Sơn trình quốc thư, hy vọng ký kết một hiệp ước song phương. Quốc thư không ghi rõ danh hiệu hoàng đế Đại Nam, khiến vua Minh Mạng hạ bút phê: "Bất tất đầu đệ.", có nghĩa văn thư thiếu chính danh, không cần đệ lên ngự lãm. [Đại Nam Thực lục Chính biên, dẫn theo sử gia Phạm Văn Sơn, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm]
Dưới triều Thiệu Trị vào tháng 10-1847, toàn quyền Anh tại Hương Cảng John Davis, cùng hai chiến hạm đến cửa Hàn trình quốc thư của nữ hoàng Victoria muốn lập thương điếm tại Đà Nẵng, đề nghị liên minh chống Pháp hoàng Louis Philippe ở Á châu. Cung đình Huế từ chối không cho John Davis diện kiến vua Thiệu Trị. Đến triều Tự Đức, nhà Nguyễn đánh mất những cơ hội cuối cùng khi khước từ các điều trần của các trung thần Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Điều, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh, Phan Liêm, Bùi Viện mà ngay từ 1864 các sứ thần này sau khi đi sứ Hương Cảng, Xiêm La, Pháp, Mỹ trở về đã xin mở cửa thông thương và liên hiệp tìm sức mạnh. Năm 1868, tức niên đại Tự Đức thứ 21, hoàng đế Tự Đức khước từ phê duyệt lá sớ của Đinh Văn Điền quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, xin cải cách huấn luyện binh sĩ, khai mỏ bạc, làm tàu hỏa, bỏ lệnh cấm nghiên cứu binh thư, thăng thưởng đúng đắn và giảm sưu dịch cho lính tráng. Không đầy sáu năm sau, Françis Garnier hạ thành Hà Nội.
Chiến tranh đã luôn diễn ra bằng các động thái chính trị trước khi tiếp nối bằng vũ lực. Mà vũ lực chỉ xảy đến sau khi một phía thất bại chính trị. Chính phủ Việt Nam hôm nay đã bắt đầu các minh ước với Ấn Độ nhưng hãy còn quá chậm và quá ít, để thực sự xem là đang vận dụng đối sách của Bismarck. Liên minh với các quốc gia vòng đai Thái Bình dương và tìm thêm nguồn trang bị quân đội từ Do Thái và Tây Âu phải là quốc sách trong mục tiêu kềm hãm Trung Hoa.
Niên đại Tự Đức thứ 21, tức năm 1868, khi Đinh Văn Điền dâng sớ cũng là lúc Minh Trị đăng quang. Canh tân Nhật Bản diễn ra khác hẳn: Nhiều thế hệ sĩ quan ưu tú như Heihachiro Togo, Isoroku Yamamoto, các thủy sư đô đốc tương lai thắng trận Đối Mã và Trân Châu Cảng, sang tu nghiệp ở Hàn Lâm viện Hải quân Anh. Ngược lại, các đề đốc Douglas rồi Willan sang Nhật mở các trung tâm huấn luyện hoa tiêu và thủy thủ. Phía Phổ, thống chế Moltke gửi các sĩ quan Phổ qua Nhật để giám sát các khóa đào tạo bộ binh, cũng như nhiều sĩ quan lục quân Nhật theo học tại các học viện Phổ.
Liên minh Anh-Nhật đưa đến việc Anh giúp xây phân xưởng Kawasaki và khu công nghiệp Ishikawajima-Harima; thỏa ước Nhật-Phổ giúp kiến tạo ngành luyện kim do xưởng thép danh tiếng Krupp, chuyên đúc đại bác cho quân đội Phổ, đứng ra quy hoạch và trang bị. Năm 1870, hải quân công xưởng Mitsubishi ra đời và ngay tức khắc sao chép cách thức chế tạo thủy lôi cùng mìn đại dương. Một trong những đặc điểm của các hợp đồng đầu tư kỹ nghệ này còn nằm trong điều khoản bắt buộc các đối tác, bên cạnh phân xưởng, phải mở lớp đào tạo chuyên viên và các lớp huấn nghệ cho công nhân cũng như thu dụng kỹ sư bản xứ. Một hình thức chuyển giao kỹ thuật tuyệt đối, có thời hạn và trong điều kiện. Đặc điểm khác: Tất cả các công trình đầu tư vốn nước ngoài nếu do ngoại quốc xây cất, Nhật Bản vẫn sở hữu toàn bộ chủ quyền, từ đất đai đến nhà máy, các tập đoàn đầu tư thu lợi duy nhất từ khai thác. Các đặc điểm này do Hội đồng Trưởng lão Genro kiến nghị chính phủ thi hành, trước khi quốc hội Kokkai ra đời biểu quyết các quốc vụ.
Trong lĩnh vực tài chánh, Nhật Bản vận dụng một công cụ của kinh tế tư bản mà triều đình Huế không biết đến: Hệ thống ngân hàng. Nếu vào năm 1870, hai công trình hỏa xa Tokyo-Yokohama và Kobé-Osaka phải vay mượn từ Âu châu và do chính các ngân hàng Âu châu quản trị chi trả, chưa đầy ba năm sau, ngân hàng Daishi đầu tiên của nước Nhật, thành lập vào năm 1873, sẽ đứng ra đảm trách tất cả vay vốn, chi thu, rồi quản trị thành công luật trái phiếu 1878 bắt toàn dân ký gửi công khố phiếu giúp tài trợ tuyến xe hỏa Tokyo-Kobé. Trong 20 năm, 7200 cây số đường xe lửa sẽ do ngân hàng này triển khai tài chánh.
Tuy nhiên, tất cả những thành tựu kể trên chỉ có thể đem đến một nước Nhật hiện đại mà chưa bảo đảm sức mạnh thật sự của Quân đội Thiên hoàng. Để nắm chắc sức mạnh này, cần một học thuyết chiến tranh mũi nhọn mà Clausewitz đã định nghĩa: phải song hành với chiến lược kỹ nghệ, thiếu chiến lược này sẽ trở thành một tư duy không thể xác. Kỹ nghệ càng tăng tiến, học thuyết phải càng tinh vi.
Khi gửi các sĩ quan lục quân sang các học viện chiến tranh Kriegschule, do Scharnhorst sáng lập nhằm quảng bá tư tưởng Clausewitz, theo thỏa thuận ký kết với phái bộ của tướng Jacob Meckel đại diện Moltke, một cách trực tiếp, quân đội Nhật được uốn nắn theo suy nghĩ Clausewitz. Cùng lúc tại các Hàn Lâm viện Hải quân Anh, các sĩ quan hải quân Nhật bám sát các học thuyết của Nelson, mà Horatio Nelson, với uy danh của thủy chiến Trafalgar, từng yêu sách: Giữa một chiến hạm trọng tải nặng và hai chiến hạm trọng tải kém nặng, hai chiếm hạm chiếm ưu thế, với điều kiện hỏa lực không quá chênh lệch. Chiến lược võ trang của Nhật Bản sẽ không ra ngoài nhãn quan của Clausewitz và Nelson.
Đi sâu vào chi tiết: Khi đặt đóng các tuần dương hạm trong các phân xưởng Anh, dựa trên khuôn mẫu chiến thuyền Anh, Nhật Bản đã thương lượng sửa đổi khá nhiều chi tiết, đặc biệt trong concept, cấu trúc tam giác bọc thép―hỏa lực―vận tốc, làm nên sức mạnh của một chiến hạm. Có nghĩa, vừa trên khuôn mẫu Anh, vừa theo đơn đặt hàng của Nhật, tức theo nhu cầu và theo học thuyết chiến tranh trên biển của Nhật, theo phương thức "kỹ nghệ song hành chiến thuật" của Moltke kế thừa Clausewitz.
Học thuyết Nelson đưa đến Capital ships ― đúc tàu trọng tải không quá nặng, do vậy không bọc thép dầy, để tăng vận tốc. Ngược lại, hải quân Phổ ưu tiên che chắn và hỏa lực, đưa đến Panzerschiff ― hải vận chậm nhưng là cả một khối thép trên biển mà tiêu biểu là hai thiết giáp hạm Chen-Yuen và Ting-Yuen mà Mãn Thanh mua của Phổ. Học thuyết Nhật Bản, khi xác định kẻ thù trước mắt là Trung Hoa, đã tìm cách ứng phó: đúc và sắm nhiều tuần dương hạm hơn Mãn Thanh rồi dùng các tuần dương hạm này vây hai soái hạm Chen-Yuen và Ting-Yuen mà vì gia tốc chậm không thể triển khai đội hình nhanh bằng Nhật Bản. Hải quân Nhật giảm thiểu tối đa lớp vỏ bọc thép để tăng đường kính đại bác lên đến 255 ly so với 315 ly của Mãn Thanh. Với trọng tải tuần dương hạm trung bình năm ngàn tấn, kích cỡ đại bác này là một kỷ lục, vì trước thời kỳ Dreadnought.
Thủy chiến Hoàng hải chứng minh Panzerschiff khó đánh đắm, vì cả hai thiết giáp hạm Chen-Yuen và Ting-Yuen tuy trúng nhiều đại bác vẫn không chìm. Thủy chiến này đặc biệt chứng minh sự pha trộn hỏa lực của Panzerschiff với vận tốc của Capital ships, trong học thuyết Nhật Bản, chiếm ưu thế: Tám tuần dương hạm Mãn Thanh đều bị đánh chìm. Clausewitz, Moltke, rồi Nelson đã trao cho Nhật Bản định lý canh tân quân đội.
Anh và Phổ không phải là các đế quốc duy nhất hỗ trợ hiện đại hóa Nhật Bản. Kể từ 1886 đến 1890, Louis-Émile Bertin với một ê-kíp trên 300 kỹ sư Pháp xây cất các công xưởng và quân cảng Sasebo, Kure, Yokosuka. Louis-Émile Bertin giữ chức cố vấn tối cao của Minh Trị, gần như một thứ trưởng hải quân với quyền hạn quyết định, quy hoạch và tổ chức mọi thứ. Các kỹ sư Pháp, dưới quyền Bertin, sẽ chỉ huy công nhân Nhật đóng những chiến hạm nặng đầu tiên ngay trên đất Nhật. 90 năm sau Gia Long, Minh Trị tìm ra cho mình một Bá Đa Lộc. 90 năm trước Minh Trị, Đại Nam đã có cơ hội này.

Kinh nghiệm Nhật Bản là một la bàn định hướng:
- Đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, không tùy thuộc vào một quốc gia nào để có thể giữ vững độc lập chính trị về sau. Quân đội Nhân dân phải đủ can đảm từng bước thay thế vũ khí Trung Hoa vì không gì nguy hiểm bằng sử dụng vũ khí của kẻ thù khi chính kẻ thù có khả năng chế tạo và cải tiến vũ khí đó. Không duy nhất mua vũ khí mà phải sản xuất được vũ khí, qua thuê mướn kỹ sư thế giới, vừa giúp kỹ sư, sinh viên, công nhân Việt Nam học nghề.
- Tập trung vốn vay vào việc xây cất công xưởng trước việc xây cất các đô thị cao cấp. Hy sinh của dân chúng phải được vận dụng thích đáng. Ký tối đa các hiệp ước với các quốc gia hỗ trợ canh tân. Đặt ra lịch trình công nghiệp nặng phải đạt được trước khi kẻ thù trở nên quá mạnh. Sau nữa, xác định rõ rệt đối thủ quân sự cần kềm hãm và khu vực phải đương đầu, để học thuyết chiến tranh tương thích.
- Nếu ở cuối thế kỷ 19 thiết giáp hạm là vũ khí tuyệt đối, vào đầu thế kỷ 21, một tân không lực chiến thuật tầm xa có thể kiểm soát được biển Đông.
- Sau hết và quan trọng nhất, thâu thập tri thức thế giới.
Với công lao mở mang bờ cõi, nhà Nguyễn có thể được giảm khinh vì phương tiện thông tin yếu kém trong thế kỷ 19. Với công lao kháng Pháp, Chính quyền Cách Mạng sẽ khó được giảm khinh nếu không hành động sau bài học nhà Nguyễn và Minh Trị.

6. Chủ nghĩa quốc gia

Tể tướng Bismarck trong suốt thời gian cầm quyền đã củng cố tối đa quân đội để có thể áp đảo trên bàn đàm phán, ký nhiều hiệp ước chồng chéo mà mỗi một hiệp ước đem đến thêm cho đế chế Phổ thời gian cần thiết để tăng thêm cực thịnh. Mỗi quốc gia Âu châu đều vừa lo ngại, vừa muốn tựa vào sức mạnh quân sự Phổ. Với mỗi quốc gia Âu châu, Bismarck hứa hẹn hòa bình, bảo vệ, vừa chuẩn bị chiến tranh ngay cả với quốc gia vừa ký kết hiệp ước. Tài năng của Bismarck là đã giữ cho thế chiến không bùng phát, quan hệ không bao giờ đứt với Anh, Áo, Nga, Thổ, các đối thủ tranh giành ảnh hưởng. Không thế chiến, nhưng Bismarck áp đặt lên Âu châu một nhãn quan Phổ, đến mức "Âu châu Bismarck" đã trở thành thành-ngữ. Hồ Cẩm Đào đang áp dụng triệt để phương pháp Bismarck.
Tất cả những công cuộc canh tân và hiện đại hóa quân đội, về lâu dài đều dẫn đến chiến tranh. Trường hợp Nhật Bản là một điển hình, ngay khi sở hữu một hạm đội viễn dương đã khai chiến với Trung Hoa để giành lấy Cao Ly. Trường hợp Phổ vẫn là một điển hình: Sau khi canh tân, quân đội Phổ khai chiến với Pháp để giành lại Alsace và Lorraine, một thứ Lưỡng Quảng của Phổ. Dân Việt có thể phản chiến hay yêu chuộng hòa bình, nhưng nếu các dân tộc khác không phản chiến và không yêu chuộng hòa bình, dân Việt sẽ rơi vào thảm cảnh bị khuất phục. Trong quá khứ, nhà Nguyễn mỗi một lần cầu hòa là một lần cắt đất. Lịch sử đã diễn ra như vậy. Tương lai cũng sẽ tiếp tục diễn ra như vậy, tuy có thể không ở hình thức chiến tranh quy ước, mà bằng xâm lấn kinh tế, chính trị và bằng tước đoạt quyền lợi giao thương.
Viễn cảnh một đế quốc Việt Nam khai chiến để giành lại Lưỡng Quảng quá xa vời, trong lúc cận ảnh Hán thuộc quá đen tối để cho phép dân Việt phản chiến mà không yêu sách chính quyền canh tân. Trước câu hỏi: "Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?" Câu trả lời giản dị: Không bao giờ đủ. Và cần gọi một cách chính danh là chủ nghĩa quốc gia, thay vì chủ nghĩa dân tộc, khi dung từ "dân tộc" ở đây mang âm hưởng vị kỷ. Không thánh chiến, không kỳ thị, và cũng không lấn áp các dân tộc khác, chủ nghĩa quốc gia Việt Nam xây dựng trên nền tảng của sự tồn vong của chính quốc gia này. Vì lòng ái quốc vẫn là sức mạnh duy nhất của dân tộc này.
Dung nạp khái niệm "Phản chiến", hay "Thế giới Đại đồng", hoặc "Hòa bình Xanh" sẽ làm suy yếu quốc gia Việt Nam đang cần hiện đại hóa quân đội. Quốc gia này chưa đạt đến khả năng phòng vệ của Tây phương để cho phép an nhiên nhìn ngắm hòa bình.
Lịch sử đã trưng bày đậm nét khả năng bất lực của Hội Quốc liên, của Liên Hiệp quốc và tính bất nhất của các nền dân chủ Tây phương. Lịch sử đang lập lại sức bành trướng của Thiên triều. Quốc sách của Việt Nam hôm nay không thể khác quốc sách của Minh Trị: Canh tân đất nước để có thể áp đặt sự hiện diện quốc gia trước đối phương và canh tân quân đội để đảm bảo cho sự hiện diện này một uy thế, cũng để có một lá chắn sau cùng sau khi tất cả các phương thức ngoại giao thất bại. Quân đội trong lịch sử nhân loại đã luôn là điều kiện sống sót của một dân tộc.
Lịch sử là kho tàng của canh tân.

----------------------------------------------------

Thư mục sách tham khảo

Ambroise Fourcy, Traité de l'artillerie, par le général Scharnhorst, accompagné d'observations et d'une notice historique sur l'auteur par le capitaine d'artillerie Mazé, Nxb J. Corréard, 1840

Benoist Méchin, Histoire de l’armée allemande, Nxb Albin Michel, 1966

Bernard Brodie, La stratégie navale, Nxb Payot, 1947

Carl von Clausewitz, De la guerre, Edition présentée par Gérard Chaliand, Nxb Perrin, 2006

Carl von Clausewitz, De la guerre, Traduction intégrale par Denise Naville, Nxb Editions de Minuit, 1992

Carl von Clausewitz, De la révolution à la restauration, Ecrits et lettres, Nxb Gallimard, 1976

Carl von Clausewitz, Campagne de 1815 en France, Nxb Ivréa, 1973

Donald Macintyre, Jutland, La dernière grande bataille navale, Nxb Presses de la Cité, 1958

Edouard Driault, La question d'Extrême-Orient, Nxb Félix Alcan, 1908

Emil Ludwig & A. Lecourt, Bismarck, Nxb Payot, 1984

Frank Thiess, Tsoushima, Nxb Flammarion, 1956

Frédéric Mauro, L'Expansion européenne 1600-1870, Nxb Presses universitaires de France, 1967

Friedrich Wilhelm von Hohenzollern, Mémoires de Guillaume II, Nxb Agence Radio, 1922

Georges Blond, L’Amiral Togo, Nxb Librairie Arthème Fayard, 1958

Georges Lefèbvre, Napoléon, Nxb Presses Universitaires de France, 1965

Hans von Seeckt, Pensées d'un soldat, Nxb Éditions du Cavalier, 1932

Helmuth Karl Bernhard von Moltke, Mémoires du maréchal, Nxb Librairie H. Le Soudier, 1892

Henri Welschinger, Bismarck, Nxb Ancienne librairie Germer Baillière et cie Félix Alcan, 1900

Henry Bidou, Histoire de la grande guerre, Nxb Gallimard, 1936

Henry Houssaye, 1815, Wellington, Gneisenau, Nxb Perrin & Cie, 1898

Hiroyuki Agawa, Yamamoto, Chef de guerre malgré lui, Nxb Editions France-Empire, 1982

Hubert F. , La guerre navale, Mer du Nord - Mers lointaines, Nxb Payot, 1916

Jacques Boudet & Bernard Druène, Histoire universelle des Armées 1700-1914, De Pierre Le Grand à Moltke, Nxb Laffont, 1966

Jean Thiry, Ulm – Trafalgar – Austerlitz, Nxb Editions Berger-Levrault, 1962

Jean Trogoff, Les grandes dates de la guerre sur mer, Nxb Imprimerie Bretonne, 1950
Jean-Paul Bled, Bismarck: De la Prusse à l'Allemagne, Nxb Alvik Editions, 2005

Maxime Joseph Marie Sauvage, La guerre sino-japonaise 1894-1895, Nxb L. Baudoin, 1897

Otto von Bismarck, Pensées et souvenirs, par Joseph Rovan, Nxb Calmann-Lévy, 1984

Paul Chack & Jean Jacques Antier, Histoire maritime de la première guerre mondiale, Nxb France-Empire, 1970

Paul Étienne Antoine Roques, Adversaires prussiens de Napoléon: Blücher-Scharnhorst-Gneisenau, Nxb Berger-Levrault, 1928

Paul Matter, Bismarck et son temps, Nxb Félix Alcan, 1905

Phạm Văn Sơn, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm 1847-1945, Quân sử tập 3, 1971, Đại Nam tái bản, Cali

Philippe Héduy, Histoire de L'Indochine, La conquête 1624-1885, Nxb Henri Veyrier, 1983

Philippe Héduy, Histoire de L'Indochine, La Perle de L'empire 1624-1954, Nxb Albin Michel, 2002

Pierre Renouvin, La question d’Extrême-Orient 1840-1940, Nxb Librairie Hachette, 1947

Pierre Renouvin, Histoire des relations internationales‎, Le XIXè Siècle, Nxb Librairie Hachette, 1954

Raymond Aron, Penser la guerre, Clausewitz, Nxb Gallimard, 1976

Sebastian Haffner, Wolfgang Venohr, Isabelle Hildenbrand & Michel Tournier, Profils prussiens: Frédéric II, Neithardt von Gneisenau, Otto von Bismarck, Helmuth von Moltke, Nxb Gallimard, 1976

-------------------------------------------
Cùng một tác giả

Quân đội Việt Nam — 1979, Cơ hội đánh mất
Trần Vũ
22.03.2009
http://www.talachu.org/truyen.php?bai=257

No comments:

Post a Comment