Thursday, April 2, 2009

PHÚC TRÌNH ĐẶC BIỆT VỀ DỰ ÁN BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tìm hiểu về dự án Bauxite Tây Nguyên

Việt Studies

Xin giới thiệu tới độc giả Dân Luận một báo cáo phân tích tương đối tổng quát về các vấn đề khi triển khai các dự án bauxite tại Tây Nguyên. Báo cáo cho thấy, dự án khai thác bauxite có nguy cơ lỗ lớn, trong khi không tạo thêm công ăn việc làm, mà ngược lại, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới văn hóa và môi trường Tây Nguyên.
Một dự án thua thiệt đủ bề như vậy, tại sao Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện?

http://danluan.org/node/898

* * * * *

... Việc cả 2 nhà máy alumina đầu tiên của Việt Nam đều sử dụng công nghệ của một công ty Trung Quốc là điều đáng lo ngại bởi những lẽ sau:

1. Trung Quốc không phải là quốc gia có công nghệ nguồn sản xuất alumina trên thế giới.

2. Quy trình kỹ thuật mà nhà thầu CHALIECO đang sử dụng ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc (nơi chúng tôi đã được đi tham quan) là quy trình công nghệ sử dụng để chế biến cho loại bauxite diaspor, khác hẳn với bauxite gipsit có nguồn gốc phong hóa ở Tây Nguyên.

3. Công nghệ thải bùn đỏ "ướt" sẽ được áp dụng tại các nhà máy alumina ở Tây Nguyên hiện nay đã không còn được sử dụng nhiều trên Thế Giới, đặc biệt là các nước phát triển do nguy cơ lớn đối với vấn đề môi trường. Hiện nay, các quốc gia (đặc biệt là các nước vùng nhiệt đới có mưa nhiều như Tây Nguyên, Việt Nam) đang chuyển dần từ công nghệ bùn đỏ "ướt" sang công nghệ "khô" bới các lý do sau: (i) Nếu thải "khô", các thành phần cỡ hạt khác nhau của bùn đỏ sẽ đông cứng lại thành chất rắn, ít nguy hại nếu bị trôi lấp. Còn "ướt" thì dung dịch bùn đỏ sẽ phân ly thành nhiều pha với các cỡ hạt khác nhau, trong đó có pha cỡ hạt siêu nhỏ gồm các kim loại nặng độc hại sẽ ngấm xuống đất, còn các pha cỡ hạt lớn lại không thể liên kết lại với nhau khi gặp mưa rất nguy hiểm, dễ bị trôi lấp; (ii) với công nghệ ướt, các đập của hồ bùn đỏ (cao tới 25m, dài 282m, nằm trên độ cao 700-800m so với mặt nước biển) sẽ có nguy cơ bị vỡ nhiều hơn bởi giống như các đập hồ thủy điện, các đập này phải chịu áp lực do áp lực thủy tĩnh của bùn đỏ ướt tạo ra.

4. Việc lựa chọn công nghệ cho cả 2 nhà máy alumina đầu tiên của Việt Nam đều do một nhà thầu của Trung Quốc có thể giúp chủ đầu tư giảm chi phí nhưng có thể đó lại không phải là giải pháp tối ưu và khôn ngoan nhất, đặc biệt khi chúng ta chưa có hiểu biết về công nghệ và khi mà các công nghệ của Trung Quốc chưa được đánh giá cao, dẫn đến mức độ rủi ro và phụ thuộc rất cao...

... Hiệu quả kinh tế đã được tính toán của hai nhà máy bước đầu đang được khởi công, nếu hạch toán đầy đủ sẽ có nguy cơ thua lỗ lớn về mặt tài chính... Với công suất hai nhà máy là 1,2 triệu tấn / năm, mỗi năm tập đoàn Than Khoáng Sản sẽ phải bù lỗ cho 2 nhà máy này từ 60-120 triệu USD...

... Quá trình khai thác bauxite sẽ chiếm dụng một diện tích đất rất lớn, nhưng hiệu quả về tạo công ăn việc làm lại không cao. Dự án Tân Rai chiếm diện tích đất tới 4200 héc ta, nhưng chỉ tạo công ăn việc làm cho 1668 lao động. Như vậy, bình quân các dự án bauxite cần 2,5 héc ta đất để tạo 1 việc làm cho người đã được đào tạo. Trong khi đó, 1 héc ta đất dùng để phát triển cây công nghiệp sẽ có thể đáp ứng việc làm cho 5 người mà không cần trải qua các chương trình đào tạo quá phức tạp. Ngoài ra, cần phải đặt vấn đề rằng ai sẽ là người được tạo công ăn việc làm tại các nhà máy, công trường của dự án alumina ở thời điểm hiện tại và trong tương lai?...

________________________________

Tải báo cáo xuống tại địa chỉ sau:

Báo cáo đặc biệt: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với bước đầu tìm hiểu các vấn đề xung quanh việc triển khai các dự án bauxiteTây Nguyên

http://www.viet-studies.info/kinhte/Baocao_VUSTA.pdf

No comments:

Post a Comment