Tuesday, April 7, 2009

PHẢN HỒI MỘT BÀI BÁO TRÊN TỜ THANH NIÊN

Phản hồi bài báo "Tôi cầu... có bầu": Một Sự Lăng Nhục Thô bạo Chữ Việt của Báo Thanh Niên.
Trương Thị Nữ
05/04/2009
http://dcctvn.net/news.php?id=2754
Mấy hôm nay bận rộn công chuyện, không mở internet, nên không đọc gì cả, nay ngồi vào máy thì lại quá ư là bực mình vì bài báo của phóng viên Nguyễn Lê Nguyên trên báoThanh Niên, nói về chuyện khấn hứa của những cặp vợ chồng son sẻ ở Đan viện Biển Đức, Tam Bình, Thủ Đức. Tôi không thể không buột miệng chửi to: “Thằng nhà báo vô văn hóa”. Chồng tôi ngồi bên cạnh hỏi “chi vậy?”, Tôi trả lời “Anh đọc đi rồi biết, đi cầu nguyện cho có bầu mà tụi nó chạy cái tựa là “đi cầu … Có bầu”. Chuyện ở bên cạnh, ngay gần Sài Gòn mà tụi nhà báo còn nói láo huống hồ chi ở nơi xa xôi, khỉ ho cò gáy. Chỗ Dòng của mấy cha Thiên An ở Thủ Đức, Tam Bình, em đi cầu nguyện hằng tháng đó, mà tụi nó viết sai sự thật quá trời, chắc là sắp có ý đồ lấy đất đai chi của các cha đây, nó còn chơi chữ cái kiểu “dốt mà tưởng là hay””. Ông xã tôi xem cái tựa đề xong cũng lắc đầu, chép miệng “có chỉ đạo rồi nó mới dám viết thế chứ”, em tức chi cho mệt. Trưa ăn cơm, tôi hỏi mấy đứa con, tụi nó cười bảo chỉ có mẹ mới tức chứ ai đọc xong họ cũng nói là tụi nó “bố láo” và coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi tức, là vì tôi là giáo viên, cái kiểu chơi chữ thô tục như vậy mà lại dám đưa lên mặt báo, lăng nhục cả một niềm tin của những con-người-chân-chính, cái tựa đề nhằm câu khách, vừa nhìn vào, người ta tưởng rằng có cô gái nào đó đi toilet mà lại bị mang Bầu nên vội vàng mua tờ báo để xem cho biết. Khi đọc xong bài báo, người đọc tức cho mình và xấu hổ cho cả một tầng lớp được coi là trí thức; tức vì có cảm giác mình bị tờ báo lừa, xấu hổ vì cái thằng nhà báo chơi chữ quá thô tục cho một việc thánh thiêng, mà nếu là người có chút tự trọng, không ai dám đụng đến.
Tháng nào tôi cũng đi hành hương hai nơi bằng xe buýt số 19: Đan viện Biển Đức ở gần chợ Tam Hải và Mẹ Fatima ở Bình Triệu, nên biết rất rõ chuyện xảy ra ở đó. Ngày nào cũng như ngày nào, rất đông người đi xe hon đa, xe hơi đến nơi đó để cầu nguyện, không ai giống ai, tôi đi xin khấn cho gia đình bình yên, con dâu và con gái tôi sinh nở bằng yên. Vì các cha, thầy thuộc dòng chuyên cầu nguyện, với sự hãm mình cách nào đó theo luật của đan viện, nên chúng tôi, những người theo đạo, tin rằng lời cầu của các thầy, các cha sẽ được Thiên Chúa của chúng tôi tôn thờ nhậm lời nhiều hơn. Với những người ngoài tôn giáo, có những người họ đi đến đây là vì họ nghe đồn thế này thế kia, và có lẽ họ chỉ là kẻ đi vái tứ phương khi họ không biết kêu cầu cùng ai trong cơn cùng khổ của họ. Chuyện đó, chỉ có người trong cuộc mới cảm nghiệm được. Đối với chúng tôi, chúng tôi tin vào lời hứa của Đức Giêsu khi Ngài nói với các Môn đệ của Ngài “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở cho” và “Đức tin đã chữa anh lành” khi Ngài nói với anh chàng mù thành Giêrikô cùng với nhiều người bệnh khác vào thời của Ngài. Và với niềm tin như vậy chúng tôi cầu khẩn Ngài; và vì nhớ lại lời nhắn nhủ của Ngài “ở đâu có hai ba người hợp lại mà cầu xin, thì Ta sẽ ở giữa họ”, nên chúng tôi đến chung lời kinh nguyện, cùng hát và đọc kinh chung là vì như vậy. Chúng tôi đến Đan viện để xin các cha, thầy ở đó cầu nguyện, hay bất cứ dòng tu nào, hay là nơi hành hương nào là vì Đức Giêsu, Chúa của chúng tôi, cũng đã nói cho chúng tôi biết rằng có những điều xin, cần phải ăn chay, hãm mình mới được thỏa nguyện. Do vậy, chúng tôi, tự bản thân, nhận thấy rằng không làm được điều đó, nên chúng tôi đến Đan Viện, nhà thờ… để nhờ các cha, thầy làm giúp thay mình điều đó. Việc cúng tiền vào hòm, được xem như là lòng thành chung việc hãm mình, cầu nguyện với các cha, thầy, đó có thể là sự hy sinh một tô bún bò buổi sáng, thay vào đó là tô cơm nguội. Không phải là chúng tôi không có khả năng ăn tô bún khác, nhưng đó có thể là sự hy sinh tự nguyện bản thân chúng tôi để hạnh phúc của con cái chúng tôi đầy tràn.
Tôi nói dài dòng như vậy, để cho các anh bồi bút biết rằng, chúng tôi không “ngu” và “nhẹ dạ” như các anh tưởng (thật sự không phải các anh tưởng mà là các anh giả vờ tưởng). Tôi bảo các anh “vô văn hóa” là vì các anh dùng những lời lẽ đầy mưu mô xảo trá và viết sai sự thật. Vì là Đan viện, tức là dòng ẩn tu, nên các thầy và các cha không tiếp xúc nhiều với giáo dân như các dòng tu khác, chỉ có một số thầy hay cha được bề trên chỉ định mới tiếp xúc với giáo dân, nên phải có nơi để giáo dân đến gặp lúc cần thiết cho việc liên quan đến phần hồn và đức tin của giáo dân. Lúc đầu, ít người đến, các cha, các thầy ra gặp giáo dân để nhận và ghi ý lễ hoặc ý cầu nguyện, như tất cả các nhà thờ khác, nhưng sau đó vì nhiều người được ơn, mách bảo cho nhau, họ kéo tới đông, và chính quyền sở tại không muốn các thầy tiếp xúc, nên từ đó không thấy các thầy hay các cha ra gặp giáo dân nữa. Bên cạnh nhà thờ, có một phòng bán tranh ảnh, tượng, chuỗi Mân Côi và các loại dầu tràm, do các cha, các thầy ở Đan Viện Thiên An Huế sản xuất từ nhiều năm nay. Trước giải phóng, các thầy ở Huế cũng đã bán rồi, loại dầu rất hay cho sản phụ, người già cả và cả trẻ em. Ai không tin, xin đến mua thử về xài, không đúng như tôi nói, tôi sẽ trả tiền lại gấp đôi, một chai nhỏ giá 12 ngàn vnđ (ở Huế thì 10 ngàn). Nói như vậy, để cho các bạn đọc biết rằng, người viết bài này có đi đến đó thật sự, và cũng để cho các bạn biết rõ, cái dầu xức đó là dầu gì, chứ không phải như anh bồi bút nào đấy “ngu si” nhìn mà không thấy rồi cứ đoán mò. Biết đâu anh bồi bút đó chưa đi tới nơi, mà chỉ nghe kể lại rồi ngồi tại chỗ mà báo cáo láo. Thật là bây giờ tôi mới thấy cái câu ngày xưa cha tôi hay nói với chúng tôi đó là câu “Nhà Báo nói láo ăn tiền” mới đúng làm sao. Còn cái chuyện có bầu và khám bệnh, tôi đã gặp và nói chuyện với ba thai phụ ở trong phòng cầu nguyện, và một thai phụ ở Ông Đồn, giáo xứ Tam Thái, khi tình cờ xuống thăm người bạn sau tết. Tôi gặp một người đã có bầu và thắc mắc sao đã có bầu lại còn đi xin cho có con? Tôi nghĩ có lẽ họ giống mình, đi cầu nguyện thôi. Tôi thấy cô ta đi có một mình, mà lại bụng mang dạ chửa, chắc là có chi đau khổ lắm đây. Nghĩ vậy nên tôi làm quen, không ngờ lại biết được, cô ấy là người được Chúa nhậm lời sau 9 năm tuyệt vọng, bây giờ đã mang thai 6 tháng rồi. Tôi hỏi tiếp: vì sao em biết mang thai? - Dạ, em thấy tắt đường kinh và đi khám chỗ Sơ và được biết là em có thai. Em không đi siêu âm sao? Dạ không, em tin Chúa cho em, nên em trao cho Chúa lo. Trai, gái gì cũng được, miễn là có con. -Vậy em có uống thuốc gì không? Dạ có, thuốc bổ, thuốc Nam v.v… Và tôi tin vì thấy, còn vì sao họ có thai, không thuộc quyền của tôi. Với người có niềm tin, tôi tin vào lời của sứ thần khi trả lời cho Đức Maria trong ngày loan báo Mẹ có thai Con Đấng TỐI CAO “Không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được”.
Đọc mấy bài phản hồi, tôi cũng thấy rõ cái sự xem thường mấy tay bồi bút, học trò cũ của tôi ở Mỹ gửi thư về hỏi “cô ơi làm sao mà dịch ra tiếng Mỹ cho mấy đứa bạn mỹ của em hiểu cái tựa đây cô? Cô biết không? Ở bên này mà báo chí viết như vậy là chúng em có quyền kiện ra tòa đó, vì đã xâm phạm và lăng nhục vào niềm tin tôn giáo. Nếu anh ta viết “đi cầu nguyện có bầu” thì đó chỉ là bài phóng sự, có thể là thêm mắm muối, cho thêm phần sống động, thì không sao, thế nhưng anh ta viết “đi cầu… có bầu” thì bài viết đó là bài viết có tính cách mạ lỵ và đụng chạm đến niềm tin thánh thiêng của con người tin, chứ không còn là bài phóng sự nữa. Nhưng cô ơi, em biết bên Việt Nam mình, làm gì có công lý phải không cô? Sao họ không để giờ và sức lực mà nâng cao dân trí và làm giàu cho đất nước mà họ cứ chĩa mũi dùi vào các cha và các sơ vậy cô nhỉ? Ở xa thì em nhớ quê nhà lắm, nhưng mà về ở thì chắc là không rồi”. Đó! cái con bé học trò cũ của tôi, chỉ được ở và học tiếng Việt đến 12 tuổi thôi mà nó cũng còn biết và hiểu tiếng Việt như vậy, huống hồ chi là chúng tôi?
Vậy mà, có anh nhà báo “bố láo” coi thường bạn đọc chúng tôi. Vậy có nên tẩy chay báo Thanh Niên? Vì đã lừa đảo, và chạy theo lợi nhuận mà bán rẻ đi cái thâm thúy thanh cao của Tiếng Việt? Một lối chơi chữ ngu si, thô tục, làm mất đi sự hào hùng, trong sáng của toàn thể thanh niên Việt Nam trên thế giới, vì tôi hay bất cứ ai, như cô học trò của tôi,cũng không thể nào cười được khi thông dịch cho bất cứ một người nước ngoài nào cái tựa bài báo “đi cầu’’ như vậy.
Trương Thị Nữ, Sài Gòn, tháng Tư 2009


Phản hồi từ bài báo: “Tôi đi cầu…có bầu”
bocau
06/04/2009
http://dcctvn.net/news.php?id=2759
Tôi, một bệnh nhân đang đươc xơ Yến chữa bệnh, thật sự bức xúc khi đọc những bài phóng sự của nhà báo Nguyễn Lê Nguyên đăng trên Báo Thanh niên từ ngày 31/3- 2/4/2009. Tôi chỉ là một bệnh nhân nghèo, ít học. Tôi không tốt nghiệp một trường Đại học nào như anh Lê Nguyên cả. Bố mẹ tôi cho tôi học đủ để biết đọc, biết viết và nhất là biết phân biệt đúng- sai, biết nhìn mọi sự dưới nhiều góc cạnh của nó chứ không như “những thầy bói mù đi xem voi”.
Còn anh, anh Lê Nguyên? Tôi nghĩ, ít nhất anh cũng đã tốt nghiệp Khoa Báo chí của một trường Đại học nào đó chứ anh không phải là “tay phóng viên đâm ngang” hoặc vì “quen biết” mà được vào làm trong tòa báo Thanh Niên - Diễn đàn của Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt nam.
Giữa anh và tôi, chúng ta có một khoảng cách lớn về địa vị xã hôi, về bằng cấp học vấn (tôi không muốn dùng cụm từ “trình độ” vì khối kẻ có bằng cấp cao nhưng có “trình độ” thực sự thì…“hậu xét”). Nhưng hôm nay, tôi mạn phép để nói với anh đôi điều mà anh chưa biết trong cuộc sống cũng như những điều anh đã “quên” sau những năm ở giảng đường Đại hoc. Tôi bắt đầu nhé!

1. Tôi không bàn nhiều về cái cách anh đặt tựa cho bài báo “Tôi đi cầu…có bầu” vì đã có nhiều người “dạy” cho anh rồi (hẳn là anh đã đọc trên mạng???). Thú thực với anh, đọc cái tựa bài này, tôi thấy nó thô thiển, thô tục làm sao ấy. Nhưng tôi chợt hiểu: Anh đang học bắt chước cách “tiếp thị giật gân” mà các báo “lá cải” ở nhiều nước người ta hay làm. Còn ở Đất nước Việt nam “4000 năm văn hiến” của chúng ta, nhất là trên “Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam” thì nó không phù hợp lắm. Vô tình anh đã làm “xấu” đi nét văn hóa của người Việt nam rồi đấy!
2. Trong bài báo ngày 1/4/2009, anh viết: “Có vẻ thấy bất ổn mấy tay bảo bệ đóng cánh cửa sắt “rầm”, định khóa cửa vô luôn”. Người đọc sẽ có cảm tưởng đây là “sào huyệt” của những tên xã hội đen, với những tay côn đồ bặm trợn, trong khi đây là phòng khám bệnh “miễn phí”. Anh có ý đồ gì khi gán cho anh bảo vệ nghèo này cụm từ “mấy tay bảo vệ”? Tôi vẫn đến đây khám bệnh nên biết anh bảo vệ này là ai. Trong ngôn từ của anh có cái gì đó “xúc phạm đến phẩm giá” người nghèo đấy, anh Nguyên ạ!
Ở một đoạn khác: “Một người đàn bà nói vọng ra từ bên trong…, Người đàn bà sắp cho người vô sau ngồi dãy bên trái…, Người đàn bà khác khóa lại…, Các người đàn bà đi dọc các hàng ghế kiểm tra và ổn định chỗ ngồi như những vệ sĩ chuyên nghiệp…”. Tôi không hiểu tại sao anh lại dùng cụm từ: “người đàn bà” thay vì dùng cụm từ “người phụ nữ”. Mặc dù anh viết đúng ngữ pháp và ai cùng hiểu “người đàn bà” là người thuộc “giống cái”. Nhưng, giá mà anh viết “người phụ nữ” thì nghe nó thanh tao và tôn trọng chị em phụ nữ hơn. Thường thì, để tỏ thái độ khinh miệt, người ta mới gọi phụ nữ là “đồ đàn bà”. Anh có gọi mẹ anh, chị anh và vợ anh (nếu có) là “đàn bà” không? Hay là anh trân trọng gọi họ là “những người phụ nữ” của anh? Coi chừng anh lại “xúc phạm đến phẩm giá phụ nữ” nữa đấy!
3. “Số ghi thẳng vào..da” (1/4/2009).
Anh có hiểu tại sao Xơ phải ghi số vào tay không? Chắc anh không biết đâu mà cũng có thể anh biết, nhưng “cái biết thật” đó sẽ làm mất đi tính hấp dẫn li kì của bài phóng sự nên anh không dám nói thật. Số là như vầy: Trước đây, chúng tôi đến khám bệnh có lấy thẻ số như ở bệnh viện. Nhưng rồi, những người cò mồi xuất hiện, họ chen vào lấy số và bán cho các bệnh nhân đến sau với giá từ 30.000-100.000 đồng, trong khi Xơ khám bệnh miễn phí. Vì tội nghiệp những bệnh nhân nghèo phải mất tiền oan uổng, Xơ mới viết số trên cánh tay bệnh nhân và giải thích cho chúng tôi biết tại sao Xơ làm như thế. Nhóm cò mồi cũng băt chước theo nên Xơ phải đổi màu bút thuờng xuyên và ghi ký hiệu riêng để họ không bắt chước được. Có lần, tôi chứng kiến hai bệnh nhân có cùng một số vào khám. Xơ nhận ra một người có số giả, Xơ dừng khám và hỏi mãi họ mới chịu tiết lộ là có một ông ghi số cho họ với giá 100.000 đồng. Xơ đề nghị họ ra đòi tiền lại rồi Xơ mới khám cho. Nhờ sự cương quyết của Xơ mà nhũng người cò mồi bớt đường làm ăn, trả lại sự công bằng cho người nghèo. Tôi nghĩ đây không phải là sự xúc phạm thân thể như một vị kết luận (số Báo ngày 2/4/ 2009). Thiết nghĩ, sự xúc phạm đến danh dự, uy tín của một con người chắc còn nặng hơn nhiều? Trước một sự kiện nào đó, ta nên tìm hiểu tại sao và nhìn dưới mọi góc cạnh của nó thì cuộc đời này sẽ bớt đi nhiều sự xấu.
4. “Ba đêm liên tiếp, chúng tôi đã có mặt ở khu vực phòng khám xơ Yến để ghi âm, ghi hình việc cho số khám bệnh từ lúc nửa đêm… Khoảng 4 giờ sáng, nghe tiếng lạch cạch mở cửa bên trong…”. (Số báo ngày 1/4/2009) Có ai thấy một sự không chính xác, không thống nhất trong bài viết của phóng viên Nguyễn Lê Nguyên không? Anh vừa mới viết: “việc cho số khám bệnh lúc nửa đêm” thì ở đoạn kế tiếp anh xác định khá chính xác việc Xơ mở cửa cho số lúc “4 giờ sáng”. Một đứa con nít cũng hiểu “nửa đêm” là lúc nào, “4 giờ sáng” là lúc nào? Có lẽ do anh quá mỏi mệt vì “ba đêm liên tiếp” mai phục ở đây nên anh không còn minh mẫn để phân biệt sáng - đêm nữa???
Anh có biết tại sao Xơ phải ghi số sớm cho chúng tôi không? Có những bệnh nhân đến từ xa: Hà Tĩnh, Buôn Ma Thuột , thậm chí từ Bắc vào. Xe đến nơi lúc nửa đêm hay 3, 4 giờ sáng là chuyện bình thường. Thế nên Xơ phải mở cửa sớm cho chúng tôi vào để nghỉ trong sân phòng khám cho an toàn, khỏi nạn trộm cắp hoặc những bất trắc khác và nhất là để chúng tôi giải quyết những “việc cần” một cách sạch sẽ và có văn hóa sau một chặng đường dài hơn là giải quyết bừa bãi, mất vệ sinh.. Đây là việc làm đầy tình người của Xơ. Một việc tốt như vậy mà có những người lại hiểu “méo mó nghề nghiệp” như thế!
Anh Lê Nguyên, là một nhà báo, hẳn là anh hiểu vai trò, chức năng, quyền lợi và nghĩa vụ của anh. Đừng đánh mất đạo đức của một nhà báo cách mạng! Đừng làm ô danh các thầy cô đã dạy anh khi anh sử dùng từ ngũ không chính xác và thiếu văn hóa! Là tầng lớp thanh niên trẻ trí thức, anh đừng làm chúng tôi thất vọng!
bocau


-------------------------------------------------------------------

BÀI VIẾT TRÊN BÁO THANH NIÊN


Tôi đi cầu… có bầu - Kỳ 1: Thức đêm đi cầu khấn
31/03/2009 0:22
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200914/20090331002220.aspx
Thời gian gần đây, quanh đan viện Biển Đức Thiên Phước thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM) đang có những xáo trộn khác thường bởi dòng người tứ phương lũ lượt đổ về xin có bầu sinh con. Nói "khác thường" bởi tại đây đã xuất hiện nhiều sự việc phản khoa học, các tin đồn thất thiệt, làm mất thời gian, tiền bạc của nhiều người nhẹ dạ. PV Thanh Niên đã xâm nhập thực tế gần 1 tháng tại địa điểm này để tìm hiểu...

"Xin gì cũng được" (!?)
Chuyện bắt đầu từ khoảng cách đây 1 năm; những người khó sinh con đã nghe râm ran tin đồn "dưới phường Tam Bình, Q.Thủ Đức có ông Thiện là người có khả năng chữa bệnh vô sinh và nhiều thứ bệnh khác". (PV Thanh Niên đã xác minh tin đồn này: Người được đồn là cha Tô-ma Thiện ở đan viện Biển Đức Thiên Phước). Theo đó, người có nhu cầu sẽ đến đây, viết những yêu cầu của mình trong một tờ giấy, bỏ trong bao thư sau đó gặp ông. Ông Thiện sẽ cầu nguyện, cho nước thánh, những người khác trong đan viện sẽ bán một số "thuốc", sau đó, người có nhu cầu mang "thuốc" về nhà uống, "sẽ có con, bệnh sẽ khỏi, quan trọng là phải tuyệt đối tin". Tại thời điểm đó, chưa ai kiểm nghiệm được điều này bằng chứng cứ khoa học cụ thể mà chỉ là những lời đồn rỉ tai nhau, mức độ tin cậy không cao. Nhận thấy hiện tượng này có thể gây hệ lụy không hay, ảnh hưởng đến uy tín của đan viện, chính quyền địa phương đã mời cha Thiện và đại diện đan viện thảo luận khuyên ngăn nhưng chưa có nhiều kết quả. Sự việc không dừng lại trong suốt thời gian dài cho đến nay...
Một ngày tháng 3.2009, trời mưa to gió lớn, trong vai người đi cầu để cho vợ có bầu, PV Thanh Niên hòa vào dòng người đội mưa đến đan viện Biển Đức để cầu nguyện. Lúc đó là 2 giờ chiều. Lối vào đan viện, sát đường Tô Ngọc Vân, đang được đào bới ngổn ngang, chuẩn bị làm đường. Ngay từ ngoài đường, cách đan viện hàng trăm mét đã có nhiều người mời chào "gửi xe đây đi bộ vô, đường trong không đi được". Hỏi "đây là chỗ đến để xin con phải không", họ trả lời "đúng rồi, xin gì cũng được nữa". Lối vào đã bị rào, buộc lòng phải gửi xe ở một nhà dân. Ông chủ nhà đang nhậu, mặt đỏ bừng bừng lao ngay ra, ghi số, xin tiền 3.000 đồng/xe, rất chuyên nghiệp.

Không được đến bệnh viện!
Chúng tôi gặp một người đàn ông đến từ Hà Tĩnh, anh kể: "Mình đến đó, lấy hai tờ giấy, viết tên tuổi vợ chồng mình, cầu có con, viết trên giấy, đi lên đó đọc, xong bỏ vô hộp thư đó". Người đàn ông này đã đến Thủ Đức ở trọ gần đan viện 1 tuần nay. Lý do anh biết đan viện này là từ những người cùng hoàn cảnh ở quê anh, nghe nói tại đây có khả năng chữa bệnh vô sinh nên kéo vô. Nói như anh thì "cả làng đi hết" vô đây. Người đàn ông này nói: "Mình cầu ở đây khoảng 5 hôm, sau đó đi nhà thờ sau ni để khám, khám xong về cầu tiếp".
Hỏi: "Ở đây không muốn cho mình khám bên ngoài phải không?". Anh bảo: "Không cho. Mình cầu đây mà đi ra ngoài khám hay khám ở bệnh viện là không được". Người đàn ông nói tiếp: "Hôm trước, có cặp vợ chồng cầu ở đây, vợ tin mà chồng không tin cũng không được". Dĩ nhiên điều này làm ngạc nhiên không ít người, bởi cầu nguyện là điều không ai cấm cản, nhưng đi cầu để xin có bầu, trong thời gian đó không được đi khám để có những khẳng định cụ thể bằng khoa học thì là điều rất khác thường. Càng khác thường hơn khi hỏi: "Nếu đi khám thì khám ở đâu?". Anh bảo: "Nhà thờ ở bên tê, đi khám mất 10.000 xe ôm, hỏi bọn xe ôm chở sang". Hỏi anh, tại sao cầu nguyện thì là ở đây nhưng lại sang bên kia khám bệnh? Người đàn ông này ậm ừ, đại loại rằng anh cũng nghe người khác bày cho và làm như vậy chứ không biết tại sao.
Càng thấy thắc mắc hơn, khi đan viện đây là dòng nam còn "nhà thờ ở bên tê" - theo chỉ dẫn của người đàn ông này - lại là dòng nữ, dòng mến thánh giá Khiết Tâm?
Đêm hôm đó, từ 4 giờ sáng chúng tôi đã trở lại. Lối vô đan viện từ hướng đường Tô Ngọc Vân đã bị đổ đầy cát sỏi, xi măng chuẩn bị làm đường. Xe không thể đi qua. Đứng tần ngần dưới ánh đèn đêm vàng vọt, chợt thấy một cặp trung niên nam nữ từ xa đi bộ lại. Đoán là họ đi cầu có bầu, bèn hỏi: "Đi cầu phải không anh?", "Đúng rồi". Họ là hai vợ chồng, cũng ở Hà Tĩnh vô. Anh chồng tận tình chỉ đường cho tôi đi vô đan viện từ hướng đường Gò Dưa. Đường đất gập ghềnh. Đan viện hiện ra trong cái se lạnh của buổi sáng sớm, tinh khiết. Trong sân cầu, đã có khoảng chục người. Họ, từng người, từng người đi vô phòng nguyện bên trong. Rồi thành kính vừa khẩn cầu, vừa đưa hai tay xoa vô bụng của mình... Hỏi một người phụ nữ mới bước ra từ phòng nguyện, "Cầu như vậy mấy lần?". Chị nói "tùy tâm". Ở sân ngoài, nhiều cặp vợ chồng vừa cầm tờ giấy ghi "nhu cầu" của mình, xoa xuống bụng, sau đó thành kính bỏ tờ giấy vô hòm thư. Ở cái mâm chứa nhiều ngọn nến, nhiều người vừa khẩn cầu, vừa khua tay trên ngọn lửa rồi áp tay, xoa xoa lên bụng của mình. Cũng nghiêm trang, thành kính.
Tôi trở ra, gặp một chiếc Matiz biển số Đà Nẵng đi theo đường đất vô đây. Người đàn bà bước xuống xe đã trên 50 tuổi, hỏi "Chị đi cầu hả?". "Dạ, tôi ở xa mới đến". Lúc đó trời vẫn tối đen như mực.
Rời khỏi đan viện, chúng tôi vẫn không thể thoát khỏi thắc mắc: Tại sao đi cầu tại đây vào giờ này, tại sao lại phải sang khám bệnh ở nơi khác? Và trong thời gian đó, vừa phải sinh hoạt vợ chồng, vừa phải uống thuốc và tin tưởng tuyệt đối là sẽ có bầu, nhưng lại không được đi khám hay siêu âm bằng khoa học?

(Còn tiếp)
Phóng sự của Nguyễn Lê Nguyên

-------------------------------------

Tóm lược quá trình hoạt động gần đây của PV Nguyễn Lê Nguyên, theo như sự trao đổi bản bè làm trong 2 tờ báo lớn
http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?p=309353#post309353 Nguyên về làm cho báo Thanh Niên từ tháng 07/2008, sau khi có một số vấn đề "bất đồng và conflict bên báo Tuổi Trẻ", chuyên viết những bài nhảm nhí, theo như 1 vài thân hữu bên báo TT cho hay, sau khi về Thanh Niên viết một số bài như:
- Công an trẻ giải quyết việc tồn đọng hồ sơ
- con nít đi ăn nhậu
- đánh cờ tướng vỉa hè
- chiếc xích lô cuối cùng
- và khi hết chuyện chuyển qua tấn công niềm tin (cả người CG và không CG)

Nói chung, sau khi viết bài này, Nguyên bị lạnh lùng của đồng nghiệp, và có 1 điều là chính Quận Thủ Đức thừa nhận vấn để trên 15 năm nay (chứ không phải Nguyên nói 1 vài năm gần đây trong bài báo), sau bài viết của Nguyên, Quận Thủ Đức không hề có một động thái nào, và được biết con đường đang làm dang dở vào tu viện tốc độ làm càng nhanh hơn

Nguyên còn có 1 bồi bút name: Thiếu Gia, khi hồi còn viết lách bên TT, Nguyên dùng nick "ăn chơi" này mà Nguyên cũng đã đụng một số phiền toái, từ ngày về TN, không thấy Nguyên dùng lại


No comments:

Post a Comment