Thursday, April 30, 2009

NƯỚC MẮT 30 THÁNG TƯ (Kỳ 1)

Nước Mắt 30 Tháng Tư (Kỳ 1)
TVH và MBQ tổng hợp
4/17/2009 11:02:27 PM
http://www.take2tango.com/?display=6710

Mỗi năm ngày 30-04 lại về, nhớ 30-04 của những năm xưa xin đọc lại những câu chuyên bi thương của người tị nạn Việt Nam đã viết lên trang sử tìm Tự Do bằng máu và nước mắt.

Ngày 30 tháng Tư, những ký ức cũ sau 33 năm nghiệt ngã lại hiện về khi người Cộng Sản Việt Nam nhẫn tâm trả thù người dân Việt Nam Cộng Hòa qua nhiều chính sách tàn bạo, gây điêu đứng cho người dân bị trị miền Nam. Để rồi trong sách báo ghi nhận những tiếng hờn cô đơn trong lao tù, những tiếng khóc oan khiên dưới đáy mồ lòng đại dương.

Tôi xót xa xem bài thơ của thi sĩ Ngô Minh Hằng như sau:

Khóc người đáy biển
Tháng Tư ra biển khóc người
Oan hồn hỡi, đáy trùng khơi, xin về…
Biển chiều vàng ánh tà huy
Dài tay sóng níu bước đi vô hồn

Đứng trên bờ đá cô đơn
Khóc người bằng tiếng thơ buồn xót xa
Ai hay đáy biển là nhà
Máu pha lệ hận chan hòa đại dương

Thịt da nát dưới bạo cuồng
Ngàn trang huyết sử bên đường tử sinh!
Mắt buồn nhìn sóng biển xanh
Thấy sương khói vẫn vô tình khói sương

Mà lòng đòi đoạn đau thương
Xót người đáy biển đoạn trường chưa nguôi
Tháng Tư ra biển khóc người
Hiển linh,chứng giám đôi lời thơ đau

Tôi viễn xứ, người biển sâu
Chung hồn lưu lạc, chung sầu quê hương
Người trên sóng nước trùng dương
Tôi khung cửa hẹp, gió sương bốn mùa

Bóc tờ lịch. Lại Tháng Tư!
Đau tình sông núi làm thơ khóc người
Người vùi xương trắng biển khơi
Còn tôi sống kiếp dân Hời vì ai?
Ngô Minh Hằng
(Viết để khóc cho mình và cho những thuyền nhân kém may mắn trên đường vượt biển tìm Tự Do sau 1975.)

Tượng Đài Mẹ Bồng Con, Canada
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/04-2009/Tuan%2011/ThuyenNhan-02-bis.jpg

Tôi có xem một bài báo viết dịp kỷ niệm 20 năm xa xứ, đúng vào tháng 4 năm 1995, thủ đô Ottawa của Canada đã cho ra đời Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam tại đây với bức tượng Mẹ Bồng Con của điêu khắc gia Phạm Thế Trung tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố sầm uầt này, ông vốn là người tị nạn vượt biển đến Canada với kỷ niệm u buồn về chuyến hành trình gian nan đầy hiểm nguy, là nguồn cảm hứng khiến ông sáng tác tác phẩm độc đáo này.

Người Việt du lịch từ các nơi có dịp ghé xem hay cư ngụ tại Canada không khỏi hãnh diện vì đã dựng được một bức tượng thật ý nghĩa và tạo xúc động cho nhân loại do một biến cố chính trị đau thương do nạn Cộng Sản tàn ác gây ra. Bức tượng đồng đen "Mẹ Bồng Con" đang chạy giặc, cho thấy nét lo âu hối hả. Gương mặt người mẹ đầy can đảm nhìn về phía trước, bà đi tìm một chỗ an toàn cho đứa con đang ngủ bình yên trên cánh tay mẹ. Tượng Mẹ Bồng Con to giống như người thật, là tấm lòng ưu ái mà chính quyền Canada dành cho người Việt tị nạn chính trị, quốc gia đã cưu mang tiếp nhận hơn 200,000 người Việt, mà làn sóng thuyền nhân chiếm độ 80% trên tổng số cộng đồng người Việt sinh sống tại Canada. Dưới chân tượng Mẹ Bồng Con, có bảng lưu niệm viết bằng tam ngữ: Việt, Anh và Pháp thật xúc động:
"Tưởng niệm những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do".

Bác sĩ Dương Anh Dũng, một thuyền nhân đến Đức do con tàu Cap Anamur vớt, ông là thủ quỹ trong Ban Chấp Hành của Hội Xây Dựng Tượng Đại Thuyền Nhân tại cảng Hamburg cho tôi biết Tượng Đài Thuyền Nhân dự trù hoàn tất sang năm, 2009. Mô hình điêu khắc đang chuẩn bị.
Hải cảng Hamburg bên Đức quốc là khởi điểm hải hành của các con tàu nhân đạo Cap Anamur đã đi cứu vớt 11,300 thuyền nhân tị nạn VN ngoài Biển Đông đưa về bến bờ tự do và chăm sóc y tế cho 35,000 thuyền nhân VN trong các đảo tỵ nạn tại Đông Nam Á. Chính Hamburg cho thấy sự rộng mở từ tâm và nhân ái với những nạn nhân tị nạn Việt Nam tại Biển Đông liều mình ra đi tìm ý nghĩa của hai chữ tự do, họ được cứu vớt mà nơi xuất phát và trở về của những con tàu nhân đạo Cap Anamur và các vị chủ tàu đều là người Đức đang sinh sống tại Hamburg.
Hamburg từ lâu đã được xem như Cửa ngõ ra thế giới, và giờ đây với sự hiện diện của tượng đài tị nạn Việt Nam thì Hamburg còn được gọi là Cửa ngõ đến tình người. Nó là một hải cảng lớn bận rộn và quan trọng của Âu châu, và là một danh lam ghi dấn tích can trường của thuyền nhân Việt Nam.

Để tưởng niệm Thuyền Nhân Việt Nam bỏ mình trên Biển Đông, hai nơi Bỉ và Thụy Sĩ cũng đã xây dựng bia tưởng niệm tại Liège và Genève. Tượng Đài Thuyền Nhân thì có tại Canada, Đức và Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, mô hình của Tượng Đài Thuyền Nhân đã có rồi, nó là biểu tượng người mẹ bồng con trườn trên cát dang tay cầu cứu và người thanh niên dìu bà cụ già đứng phía sau. Dự án nguyên thủy được nhà văn Thái Tú Hạp và hiền thê là thi sĩ Ái Cầm thực hiện lời ước nguyện từ Biển Đông khi ông bà ra đi vượt biên. Chuyến đi tưởng chừng vô vọng vì bị thiên nhiên bão táp đe dọa.

"Đi về đâu thuyền lạc giữa mênh mông
Không thể hiểu khi an bình đất nước
Người giết hại người thù hận đau thương
Người đày đọa người chết thảm giữa biển đông
Biển ơi! Xin hãy dừng cơn thịnh nộ
Hãy mở đường đưa ta đến niềm hy vọng bình an"


Đó là trích đoạn bài thơ dài "Lời Nguyện Giữa Biển Đông" của Thái Tú Hạp vào năm 1979, khi ông dâng cảm xúc tận cùng bắt nguồn từ khi con tàu ra khơi với 200 người tị nạn vượt trùng dương từ Đà Nẵng và bị bão tố đánh vỡ vào bờ hoang đảo Hải Nam, 13 người tử nạn. Ông đã thầm nguyện đến xứ sở Tự Do nào đó sẽ lập bia thờ và để tưởng niệm đến những đồng hương đã vĩnh viễn ở lại giữa Biển Đông u trầm oan khuất.

Nước Mắt 30 Tháng Tư
THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG

Trường hợp của Thuyền Nhân Vũ Duy Thái
(Tự thuật từ trại tị nạn Songkhla, Thái Lan – Tháng 4,1980)

Tôi tên là Vũ Văn Thái, sinh ngày 2 tháng 10 năm 1936 tại Hóa Lộc, Tuyên Sơn, Ninh Bình (Bắc Việt). Thuở nhỏ rất nghèo, phải chăn trâu cắt cỏ từ lúc 5 tuổi. Mồ côi cha năm 10 tuổi, mẹ ốm đau thường xuyên, nhưng lần hồi đến năm 23 tuổi thì đời sống tương đối dễ chịu hơn với nghề thợ may.

Tôi di cư vào Nam năm 1954 và lập gia đình vào ngày 6-4-1958 ở xứ An Lạc, Gia Định. Nhà tôi tên là Đinh Thị Bằng, sinh năm 1940 tại Phú Nhai, Nam Định (Bắc Việt). Nhà tôi cũng thuộc thành phần di cư năm 1954. Lúc mới lấy nhau, chúng tôi rất nghèo. Tiền đám cưới có 6,000 bạc chúng tôi cũng lo không nổi phải đem bán cái máy may được hai ngàn và vay mượn bạn bè thêm bốn ngàn nữa mới tạm đủ. Như thế nhà tôi đã khởi sự chia sẻ với tôi nỗi gian nan, vất vả của đời sống ngay từ lúc mới bước chân về nhà chồng. Những năm đều sống thiếu thốn cực nhọc trôi qua trong sự đảm đang, tần tảo của nhà tôi. Là một phụ nữ yếu đuối về thể chất nhưng lại rất mạnh mẽ về tinh thần, nhà tôi đã phấn đấu, hy sinh rất nhiều để lo lắng cho chồng con. Gần như trong suốt cuộc đời, nhà tôi không được hưởng thụ gì, không có một thói quen giải trí nào, không ưa thích một điều gì ngoài niềm vui lo toan sắp xếp công việc tề gia nội trợ, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho chồng cho con. Lúc nào nhà tôi cũng cố gắng sắp xếp để cho chồng con được ăn ngon, mặc đủ. Dưới mắt tôi, nhà tôi là một phụ nữ tuyệt vời, một mẫu người phụ nữ Việt Nam đảm đang, trung hậu, hiền hòa, luôn luôn là niềm an ủi khích lệ, là chỗ dựa vững chắc cho toàn thể gia đình.

Chúng tôi sinh hạ được tất cả 7 con, tuần tự gồm có:
1 Giuse Vũ Duy Thanh sinh năm 1959
2. Vincente Vũ Duy Khanh sinh năm 1961
3. Phero Vũ Duy Tuấn sinh năm 1963
4. Maria Vũ Thị Thanh Thủy sinh năm 1966
5. Maria Vũ Thị Thanh Thủy Trang sinh năm 1968
6. Martin Vỹ Duy Tài sinh năm 1971
7. Phero Vũ Duy Trí sinh năm 1975

Gia đình tôi được kể như hoàn toàn hạnh phúc nếu như không có sự sụp đổ miền Nam, đất nước rơi vào tay Cộng Sản (CS). Là một gia đình Thiên Chúa giáo ngoan đạo, các con tôi đã thụ hưởng một nền giáo dục nằm trong tình yêu thương của Thiên Chúa do đó không bao giờ chúng tôi có thể sống nổi dưới ách độc tài, đàn đáp của CS. Vì thế chúng tôi đành quyết định bỏ nước ra đi.

Chuyến vượt biển thứ nhất, vợ chồng tôi cho ba cháu trai đầu đi trước. Tầu khởi hành từ bến Bạch Đằng, Sài Gòn vào ngày 1 tháng 10 năm 1978 chở theo 130 người. Nhưng chỉ đi được 4 ngày thì chết máy. Ghe lạc vào một đảo san hô đầy đá ngầm thuộc đảo Bành Hồ (Đài Loan). Sống ở đó 50 ngày, thực phẩm hết, số người chết vì đói cứ tăng dần và những người sống sót đành xẻ thịt người chết mà ăn để sinh tồn. Hai cháu lớn của tôi, Vũ Duy Thanh và Vũ Duy Trung đã bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát này. Các cháu đã chết và xác của các cháu đành cho bạn đồng ghe ăn thịt.

Mãi tới sáng ngày thứ 50 trên đảo mới có tầu đánh cá Đài Loan tới cứu. Cả ghe 130 người chỉ còn sót có 60 người. Nhưng trên đường từ đảo san hô vào Đài Loan, lại có thêm một số người chết nữa vì quá kiệt sức. Rút cục khi đặt chân lên đất liền ở Đài Loan, chỉ còn 34 người sống sót, trong số đó có con trai thứ ba của tôi là Vũ Duy Tuấn và một đứa con đỡ đầu của tôi nữa tên Trịnh Vĩnh Thụy. Hiện cháu đang ở Đài Bắc. Còn cháu Thụy, nhờ có thân nhân ruột thịt bảo lãnh nên đã định cư tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Trước thảm kịch có hai anh ruột bị chết thảm, cháu Tuấn vì sợ bố mẹ đau buồn nên đã giấu biệt tin tức.
Mãi tới ngày 20-12-1978, một người bạn của tôi tên Đỗ Minh Ngự ở Mỹ viết thư báo tin, gia đình tôi mới được rõ tin tức về chuyến đi kinh hoàng đó. Vào đúng thời điểm này, gia đình chúng tôi lại đang chuẩn bị vượt biển chuyến thứ hai. Chung tôi làm lễ cầu nguyện 3 ngày liền cho hai cháu ở nhà thờ An Lạc, Chí Hòa, rồi mặc dù vô cùng đau đớn, chúng tôi vẫn tiếp tục xúc tiến cuộc hành trình vượt biển với cả gia đình.

Chúng tôi rời Sài Gòn vào ngày 28 tháng 12 năm 1979 lúc 4 giờ sáng để đi xuống Rạch Giá. Qua 4 giờ sáng ngày 29-12 thì ghe của chúng tôi ra khơi, chiếc ghe mang số VNKG 0980, dài 13 m, ngang 2,5m, chở 120 người. Ghe chạy tới 7 giờ chiều ngày 30-12 thì gặp hải tặc Thái Lan (trên tàu cướp có treo cờ Thái Lan), chúng xáp lại cướp lần đầu. Cướp xong, chúng bỏ đi. Qua 8 giờ sáng ngày 31-12 lại gặp một tầu cướp khác. Lần này cướp xong, chúng phá máy tầu. Một chuỗi 8, 9 tiếng nổ phát ra ở hầm may làm chiếc ghe lập tức bị chao đi và chìm lỉm ngay ít phút sau đó. Tất cả mọi người trên ghe đều la khóc kinh hoàng. Vào những giây phút cực kỳ khiếp đảm này, vợ chồng chúng tôi không nói được với nhau câu nào. Tôi chỉ còn kịp nhìn thấy nhà tôi với vẻ mặt hết sức kinh hoàng, thảng thốt. Rồi tôi cuối xuống hôn hai con chót của tôi là cháu Tài (8 tuổi) và cháu Trí (4 tuổi). Tôi cũng nghe thấy tiếng cháu Thùy kêu la: “Cha ơi... chú Tuynh kìa..” và cháu Trang la lên “Cha ơi ... chết rồi..” Rồi ghe chìm lỉm. Lúc đó nhà tôi vẫn ở bên cạnh
tôi. Nhưng nhà tôi không hề níu kéo lấy tôi. Đây là sự hy sinh cao cả cuối cùng của nhà tôi dành cho chồng con. Nhà tôi không muốn tôi bận bịu, vướng mắc giữa sóng biển để tôi có cơ hội cứu các con. Khốn thay, một con sóng độc ác đã ùa tới nhận chìm tất cả những người thân yêu của tôi. Tôi không còn thấy ai nữa. Chỉ có sóng nước ngập đầu. Ngay lúc đó tôi được một người cháu tên Phương níu tôi lại và tôi bíu vào một cái can nước. Tôi ôm cái can một cách hoàn toàn theo bản năng. Và lúc tôi mở được mắt ra thì tôi thấy nhà tôi vật vờ ngay trước mắt.. Rồi sau đó tôi ngất đi, không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh dậy tôi nhìn thấy mình đang nằm trên tàu của hải tặc. Bên cạnh tôi là hai em Hùng và Châu đang làm hô hấp nhân tạo cho nhà tôi, chắc là nhà tôi vừa được các em vớt lên. Tôi cũng gượng dậy để ra phụ giúp nhưng bọn hải tặc đã ra hiệu là phải hất nhà tôi xuống biển. Thật không còn gì tan nát hơn lòng tôi lúc đó. Tôi nhào lại, ôm nhà tôi vào lòng, đau đớn nhìn nhà tôi hai mắt vẫn còn mở nhưng thân hình đã bất động. Tôi đã đã dùng tay vuốt cho hai mắt của nhà tôi khép lại rồi tôi khiêng ở đầu, hai em Hùng và Châu khiêng ở chân hạ nhà tôi xuống biển. Đó là lần cuối cùng tôi ở cạnh nhà tôi. Những giây phút đau đớn nhất của một đời người. Một cơn sóng áp tới. Biển xanh bao vây nhiều sóng dữ đã vĩnh viễn lôi cuốn đi người vợ thân yêu nhất đời của tôi. Không bao giờ tôi còn gặp lại. Không có cả một nấm mồ để tôi lui tới thăm viếng. Một thoáng lay động trên mặt biển. Rồi vĩnh viễn chia lìa. Ôi đau đớn nào cho bằng sự đau đớn mà tôi đã phải chịu đựng. Tất cả những người thân yêu nhất của tôi đã ra đi trong khoảnh khắc. Khi chết, nhà tôi bận một cái quần đen, một cái áo montagut đen. Nét mặt nhà tôi không tỏ vẻ đau đớn gì cả. Chỉ có nét thảng thốt thoáng qua trên khuôn mặt bình thản. Đó là hình ảnh cuối cùng của nhà tôi mà tôi ghi nhớ được trước giây phút ngàn năm vĩnh biệt.

Kiểm điểm lại, chẳng những nhà tôi chết trên biển mà tất cả bốn đứa con của tôi đều chết đuối hết, cháu Thanh Thùy, cháu Thùy Trang, cháu Duy Tài, cháu Duy Trí, những người thân yêu nhất của đời tôi đã vĩnh viễn đi vào lòng biển sâu. Tôi tưởng rằng nếu trên đời này có những thảm họa đau đớn nào thì thảm họa giáng xuống gia đình của tôi phải kể là một trong những thảm họa lớn nhất, khủng khiếp nhất, vượt quá sức chịu đựng của một con người... Cùng số phận với vợ con tôi còn có 65 người khác nữa đi cùng ghe với tôi cũng đã bị chết chìm. Như thế, cả thảy 70 sinh mạng thuyền nhân trong ghe này đã bị chết dưới bàn tay bạo tàn của hải tặc. Số còn lại được hải tặc đưa vào đảo Kra, một hòn đào nằm trơ vơ giữa biển cả trong Vịnh Thái Lan. Đảo này bây giờ trở thành địa ngục của dân Việt Nam tị nạn bằng thuyền. Bởi vì bất cứ ai bị đưa vào đây đều trở thành nạn nhân của sự bạo hành: Tra tấn đàn ông để khảo của, và bắt chỉ chỗ trốn của phụ nữ, còn phụ nữ thì lẩn lút trong hốc núi, trong rừng sâu hay trong vách đá ngầm nhô ra ngoài biển. Trên đảo có nhiều dấu tích thảm thương của đồng bào đi trước để lại như những hàng chữ viết lên vách đá, những mớ tóc đàn bà vương vãi rải rác khắp mọi nơi (chắc là được cắt đi để giả trai) và cả những xác thuyền, những ngôi mộ của những người đã bỏ xác ở đó.

Chúng tôi được đưa lên đảo vào lúc 6 giờ chiều ngày 31-12 năm 1979. Lòng đớn đau, thân xác rã rời, bệnh hoạn. Các em tôi phải tìm kiếm cỏ khô trải thành nệm cho tôi nằm, lo tìm thức ăn cho tôi ăn. Vì tôi quá đau ốm nên chú Chiếu đã chịu khó đi mày mò ở khắp mọi chỗ, bòn mặt ở những nơi có vật dụng vương vãi của đồng bào đi trước bỏ lại để tìm kiếm cho tôi những viên thuốc. Có những viên đã vữa nát vì nắng mưa, có những viên mòn vẹt chỉ còn lại một phần tư nhưng tôi vẫn cố nuốt để cầm cự được cho sức khỏe đã vô cùng suy sụp của tôi.

Sáu ngày trên đảo là sáu ngày buồn thảm, kinh hoàng. Đói, bệnh và những nỗi nhớ thương, đau đớn đến tận cùng của tâm hồn tôi. Trong khi ấy, các phụ nữ đi cùng ghe vẫn phải lẩn trốn như những con vật vô phương tự vệ trước những cuộc lùng sục bạo tàn của hải tặc.

Đến ngày 6 tháng 1 năm 1980, chúng tôi được Cao Ủy LHQ phát hiện (bằng trực thăng bay qua đảo) và đưa thuyền ra đón vào quận Pakphanang thuộc tỉnh Nakorn Sri Thamaraj. Ở đó 18 ngày làm thủ tục với cảnh sát Thái, thì chúng tôi được đưa về trại Songkhla ngày 23-1-1980.

Hôm nay là ngày 10 tháng 4 năm 1980, là ngày thứ 100 nhà tôi và các cháu chết trên biển, trong Vịnh Thái Lan trên đường vượt thoát xứ CS để đi tìm tự do. Tôi đang ở trại tị nạn Songkhla. Cách đây 50 ngày, Cha Tuyên Úy Joe Devlin đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho nhà tôi và các con tôi tại nhà thờ ở trong trại. Hôm nay, nhân dịp 100 ngày, Người cũng dâng lễ cầu nguyện cho. Tôi vô cùng đớn đau, vô cùng chua xót nhớ lại những người thân yêu nhất của đời tôi. Vợ tôi, sáu con tôi đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại.

Lạy Chúa, xin Chúa hãy xót thương cho những linh hồn đã chết đớn đau trong thảm họa đớn đau chung của cả Dân Tộc Việt Nam chúng con. Xin Chúa hãy cứu vớt linh hồn vợ con, các con của con để đưa tất cả về nơi an nghỉ bình an hạnh phúc đời đời nơi nước Chúa. Xin Chúa hãy giúp con đầy đủ can đảm để đứng vững sau cơn gió bão khủng khiếp của đời người, để cho con còn đầy đủ minh mẫn, đủ sức khỏe để lo lắng cho đứa con trai duy nhất của con còn đang sống ở Đài Loan. Con đã chịu đau thương quá nhiều. Con cầu nguyện ơn Chúa ban xuống cho tất cả thân nhân còn lại của con, các đồng bào của con, những người sẽ vượt biển ra đi đều tới bến bờ bình an.

Songkhla, ngày 10 tháng 4 năm 1980 Vũ Duy Thái
(Nhân giỗ 100 ngày của vợ và các con chết trên Biển Đông)



No comments:

Post a Comment