Wednesday, April 1, 2009

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ MAO (2)

Những điều chưa biết về Mao (II)

Bùi Tín - phỏng dịch và tóm tắt

11-10-2007

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=4003

Tiếp theo: Phần I

Phần II: MAO lập Hồng quân, dựng căn cứ đỏ


1.- Cuốn sách đồ sộ của Jung Chang và Jon Halliday hơn 800 trang nêu bật một sự thật ít người biết rõ là nước Nga từ xưa, Liên Xô sau này, đảng cộng sản Liên Xô, Quốc tế Cộng sản, Phòng thông tin Quốc tế (Kominform) và đích thân Staline đã tác động trực tiếp và sâu đậm đến sự hình thành, mỗi bước đi của đảng Cộng sản Trung Quốc, đến sự xuất hiện và ngày càng lên vị trí cao nhất của nhân vật Mao Trạch Đông.

Cuốn sách chứng minh rằng Mao trải qua nhiều lần lên voi xuống ngựa, bị hạ thấp, bị loại ra ngoài cơ quan lãnh đạo vì cuộc đấu tranh nội bộ khốc liệt thì mỗi lần lâm nguy như thế đều được Staline cứu thoát.

Chính Staline bằng quyền lực áp đặt tuyệt đối trong phong trào cộng sản quốc tế đã đích thân lựa chọn Mao, cứu vớt Mao, theo tiêu chuẩn riêng của bản thân Staline là: trung thành với bản thân mình, có ý chí áp đặt quyền lực bằng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn bạo nhất, có gan thanh trừng nội bộ thẳng tay những đồng chí thân thiết nhất khi cần, không tính toán khi hy sinh sinh mạng của dân thường và quân lính nhằm đạt mục đích. Những tiêu chuẩn trên không nói ra, những biểu hiện rõ trong ý nghĩ và hành động giống hệt nhau của Xít và của Mao.

Mao chỉ ra nước ngoài duy nhất là Liên Xô, đích thân dự lễ sinh nhật lần thứ 70 của Xít ở Moscow ngày 21-12-1949 và người ta chỉ thấy được Mao khóc một lần duy nhất, là tại tang lễ Xít tại quảng trường Thiên An Môn tháng 2 năm 1953.

2-. Mao sinh năm 1893. Cách mạng Tân Hợi diễn ra năm 1911 lật đổ đế chế Mãn Châu và ngày 1-1-1912 nước Cộng hoà Trung hoa được thành lập. Các quyền tự do được ban bố. Tôn Dật Tiên làm Tổng thống lâm thời rồi bị tướng Viên Thế Khải cướp quyền thay thế. Viên chết năm 1916, các quân phiệt địa phương nổi dậy cát cứ khắp nơi, làm cho chính phủ Bắc Kinh rất yếu. Tôn Dật Tiên về Quảng Châu lập căn cứ và công khai kêu gọi Liên Xô giúp đỡ để thống nhất đất nước bằng vũ trang. Quốc Dân Đảng do Tôn Dật Tiên sáng lập năm 1912 gắn bó với Liên Xô từ đó.

Ở Moscow, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười 1917, Lénine lập ra tổ chức Quốc tế Cộng sản (CS) Komintern năm 1919 để bành trướng chủ nghĩa CS.

Komintern chú ý đầu tiên đến nước láng giềng lớn Trung Quốc và năm 1920 cử ngay nhóm cán bộ quốc tế do Grigori Voitinsky và Maring (người Hà lan) sang Thượng hải nhằm thành lập đảng CS Trung Quốc. Liên Xô lợi dụng tình hình thúc đẩy cuộc hợp tác Quốc - Cộng chống chính phủ quân phiệt Bắc Kinh để đưa đông đảo đảng viên CS vào nằm vùng trong Quốc Dân Đảng (QDĐ), đến mức tại đại hội 2 Quốc Dân Đảng tháng 1-1926, trong 256 đại biểu có đến 1 phần 3 là cộng sản, trong khi số đảng viên CS chỉ có chừng 10 ngàn so với vài trăm ngàn đảng viên Quốc dân đảng. Đảng CS còn được Liên Xô giúp cho hàng loạt cán bộ CS và có cảm tình với CS trà trộn lâu dài trong các tổ chức tình báo, quân báo, phản gián, tham mưu và chỉ huy của QDĐ.

Một số bám trụ lâu dài cho đến tận khi Tưởng Giới Thạch cùng ba quân bỏ chạy ra Đài Loan năm 1949.

3-. Tưởng Giới Thạch sinh năm 1887, từng học quân sự ở Nhật bản, năm 1923 khi làm tổng tham mưu trưởng quân đội QDĐ đã sang quan sát nghiên cứu 3 tháng ở Liên Xô. Liên Xô tận lực chiều chuộng, tranh thủ, nhưng Tưởng không cắn câu vì rất phản cảm với sự phân chia giai cấp đối kháng, cổ xúy đấu tranh giai cấp tàn bạo và cảnh thanh trừng bừa bãi của Lénine và Staline.

Tưởng vẫn dấu kín tư tưởng chống Liên xô và chống cộng, giữ quan hệ thân mật bên ngoài với tướng Borodine cố vấn Liên Xô cao nhất, cho đến khi Borodine dự định cùng phe Cộng sản ra tay bắt Tưởng thì Tưởng cảm thấy động, liền hành động trước; ngày 12-4-1927 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, truy bắt cộng sản khắp nơi, bắn xả vào biểu tình quần chúng ủng hộ cộng sản ở Thượng Hải.

Có thời Mao có những quan hệ gần gũi đặc biệt với tướng Uông Tinh Vệ của Quốc dân đảng ở Vũ Hán khi Uông có những quan hệ thân hữu với đảng Cộng sản. Khi Tưởng chuyển sang lập trường diệt Cộng, có lúc Mao phân vân, do dự, nửa muốn theo Tưởng và Uông, nửa muốn theo Cộng sản. Cho đến khi thấy tên mình trong danh sách bị truy nã, Mao giật mình quyết định bỏ trốn, đi theo con đường cộng sản đầy mạo hiểm, và trên con đường ấy Mao quyết giữ an toàn cho bản thân, và phương sách an toàn nhất là ngoi dần lên những đỉnh cao quyền lực trong đảng Cộng sản.

4-. Sau cuộc trở mặt diệt Cộng của Tưởng, tháng 4-1927 Staline quyết định ngay việc thành lập hồng quân và căn cứ đỏ ở Trung Quốc, cử ngay Beso Lominadze phái viên thân cận (cũng quê Gióocgia) và Jan Berzine cục trưởng cục tình báo quân sự sang Trung Quốc cạnh cơ quan trung ương đảng CS Trung Quốc ở Thượng Hải.

Ngày 7-8-1927 trong cuộc họp trung ương do Lominadze điều khiển, Mao phát biểu câu trứ danh: ''chính quyền từ đầu ngọn súng '', rắp tâm thu về cho riêng mình cả quyền cầm đầu đảng và quyền cầm đầu quân đội.

Mao liền dẫn một nhóm hơn 1 nghìn quân thu nhặt từ một số nhóm quân Tưởng bỏ ngũ và dân quân các thôn xã mở rộng căn cứ phía Tây Hồ Nam và Giang Tô, đi vào vùng có những nhóm thổ phỉ và quân phiệt cát cứ; quân của Mao thắng vài trận nhỏ nhưng tiêm nhiễm chất thổ phỉ, cướp của cải lương thực, giết người, bị dân oán ghét và chống lại.Chu Ân Lai lúc ấy là đại diện Trung ương ở Thượng Hải cho phái viên về thẩm tra, quyết định cảnh cáo, và ngày 31-12-1927 khai trừ Mao ra khỏi đảng lúc Mao đang là uỷ viên dự khuyết bộ chính trị. Quyết định này đến đúng vào lúc cả tỉnh uỷ Hồ Nam bị bắt, không được thi hành. Mao vẫn chỉ huy đơn vị trên cương vị sư trưởng.

Tháng 4-1928 một sự kiện quan trọng diễn ra. Chu Đức chỉ huy mấy nghìn quân sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Xương thất bại, kéo về căn cứ đỏ. Chu Đức sinh năm 1887, lúc ấy 41 tuổi, từng học quân sự ở Đức và Liên Xô, theo quân đội Quốc dân đảng, cấp lữ đoàn trưởng, nay gặp quân của Mao.

Mao có hơn 1 ngàn quân, Chu có hơn 4 ngàn; Mao tổ chức linh đình lễ hội nhập 2 đoàn quân, báo cáo tin mừng về cuộc ''hội sư '' này về trung ương ở Thượng Hải, và ngày 2-5 1928 đề nghị Chu Đức là tổng chỉ huy, còn Mao là người cầm đầu đảng bộ, và xin được Trung ương chuẩn y.

Thật may cho Mao, đúng lúc ấy Đại hội VI đảng CS Trung Quốc đang họp rất bí mật ở Moscow trong tháng 6 và tháng 7 -1928. Cù Thu Bạch làm tổng bí thư từ tháng 8-1927 sau khi Trần Độc Tú bị loại, với tội là theo xu hướng ''trôtkyst'', thật ra là vì không tán thành để đảng CS Liên Xô và Staline khống chế quá sâu. Mao không có mặt tại Đại hội VI; Chu Ân Lai là nhân vật nổi nhất đọc cả 3 báo cáo chính. Chu sinh năm 1898, từ năm 19 tuổi sang Nhật học rồi sang Pháp vào đảng CS Pháp năm 1921, sau đó Chu sang Nga, được Staline ưa chuộng và năm 1924 được cử về Trung Quốc làm Cục trưởng chính trị trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng châu, dưới quyền tướng Borodine. Chu được Quốc tế Cộng sản giao trách nhiệm chính là xây dựng Hồng quân và tổ chức cơ quan tình báo quân sự. Chu gặp Staline nhiều lần để chuẩn bị Đại hội VI, họp ở ngoại ô Moscow gồm gần 1 trăm đại biểu từ Trung Quốc sang, được Liên Xô chi phí tiền di chuyển ăn ở và tham quan.

Tại đại hội VI Chu báo cáo rõ là Mao vừa để quân lính của mình có những hành động thổ phỉ, nhưng Staline vẫn cho qua, công khai tín nhiệm Mao, cho rằng Mao đang có quân và có căn cứ, đã hội sư với quân của Chu Đức, hơn nữa Mao bắt đầu gây được thanh thế trong nước và cả ở nước ngoài. Tuy kém kỷ luật nhưng Mao rất coi trọng sự chỉ đạo của Staline. Sau đại hội VI Chu Ân Lai trở về Thượng Hải, quay về ủng hộ và đề cao Mao vì hiểu rõ thái độ của Staline tín nhiệm Mao ra sao và mặt khác Chu cũng luôn tỏ ra không có tham vọng làm lãnh tụ số 1, chỉ muốn ở cương vị quân sư quạt mo, hiến mưu tính kế, tổ chức thực hiện mà thôi.

5-. Sự kiện lớn tiếp theo là đội quân ''Mao-Chu'' (Mao với Chu Đức) tháng 8-1928 lại thu hút thêm đội quân của Bành Đức Hoài.

Bành sinh năm 1898 cũng ở Hồ Nam, nghèo khổ từ nhỏ, người to lớn, vào quân đội năm 1916, trở thành sỹ quan, bí mật vào đảng CS, tháng 6 -1928 Bành dắt 800 quân của trung đoàn mình nổi dậy đi lập căn cứ; quân của Bành có kỷ luật, thiện chiến, phát triển nhanh, lên đến 15 ngàn sau hơn một năm; Bành tiến quân đánh chiếm Trường Sa tháng 7 năm 1929. Sau khi hợp nhất Mao xếp đặt cho Bành chức phó tổng chỉ huy quân sự dưới quyền tổng chỉ huy của Chu Đức. Sau đó Mao được khôi phục chức uỷ viên dự khuyết bộ chính trị.

6-. Từ tháng 12-1930, Tưởng tập trung quân tiến hành càn quét lớn các khu đỏ. Chiến lược của Mao là dử sâu quân Tưởng vào vùng căn cứ hiểm trở rồi phản kích. Mao được sự yểm trợ rất hiệu quả của màng lưới tình báo đông đảo của cơ quân quân báo GRU của Liên xô, gồm hơn một trăm tình báo viên chất lượng khá do Liên xô trả lương cao, nằm sâu trong các sở chỉ huy tối cao, bộ tổng tham mưu, các quân chủng, quân đoàn, sư đoàn của Tưởng. Họ có phương tiện truyền tin hiện đại. Các cuộc càn quét lớn đều được báo trước, có khi chính xác cụ thể đến ngày giờ và lực lượng, địa điểm từng mũi tiến quân. Tiêu biểu là Richard Sorge hoạt động ở Thượng Hải, đã thâm nhập sâu vào hàng ngũ các chuyên gia quân sự Đức được Hitler cử sang giúp Tưởng. Chính Sorge sau này đã báo cáo với Staline rằng chiến tranh thế giới sẽ nổ ra ởchâu Âu trước, Nhật không dám tiến công Liên xô vào thời điểm ấy.

Cuối năm 1930, 4 vạn quân của Mao phục kích 9 ngàn quân Tưởng, bắt nhiều tù binh và thu nhiều vũ khí. Tháng 4-1931, cuộc càn quét lớn thứ 2 của Tưởng cũng thất bại nặng. Đến tháng 7-1931 Tưởng trực tiếp chỉ huy 30 vạn quân, gấp 10 quân đối phương, trụ lại vùng càn quét, đẩy quân của Mao ở vùng Giang Tây vào tình trạng nguy khốn. Mao gặp may lớn, chiều 18-9-1931 Nhật cho quân mở cuộc tiến công vào Mãn Châu, mở đầu cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương. Tư lệnh vùng Mãn Châu Trương Học Lương không chống cự. Quân Nhật chiếm thủ phủ Thẩm Dương và nhiều thị trấn. Ngày 20-9 Tưởng vội trở về Nam Kinh. Tưởng không tuyên chiến với Nhật, chỉ yêu cầu Hội Quốc Liên can thiệp, cho rằng quân Nhật quá mạnh không chống nổi, cứ để quân Nhật tiến, Trung quốc bao la hiểm trở; với thời gian sẽ khẩn trương hiện đại hoá quân đội, tằng cường kinh tế rồi sẽ phản công. Tưởng chủ trương thống nhất dân tộc, ngừng tấn công quân cộng sản, rút quân khỏi vùng Giang Tây.

Mao từ chối đề nghị thống nhất chống Nhật của Tưởng, còn tận lực mở rộng thanh thế. Ngày 7-11-1931, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga lần thứ 14 Chính phủ đỏ của Nhà nước đỏ được chính thức thành lập, bao vùng những vùng rộng lớn thuộc Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy và Triết Giang, rộng 150 ngàn kilômet vuông với 10 triệu dân, thủ đô là Thụy Kim. Mao được cử là Chủ tịch chính phủ kiêm luôn chức thủ tướng (chủ tịch uỷ ban hành chính). Danh nghĩa ''Mao Tru Xi '' (Mao Chủ tịch) trở thành quen thuộc mãi mãi về sau. Dấu ấn Liên Xô trên đất Trung Quốc còn nhiều nữa, như các vùng đỏ Giang Tô, Phúc Kiến được gọi là ''vùng Xô-viết'', cuộc khởi nghĩa Quảng châu cũng lập nên ''Công xã Quảng châu''.

Đến khi ấy Moscow vẫn không tin hẳn ở Mao. Chỉ huy quân sự vào tay Chu Đức được huấn luyện ở Liên xô; số 1 của đảng sau khi Cù Thu Bạch bị mất chức nay về tay Chu Ân Lai tuy Chu không mặn mà với chức này, nhưng được Staline tin cậy. Mao chỉ có quyền hành trong vùng căn cứ đỏ.

Mao thực hiện quản lý vùng đỏ theo mô hình Liên Xô: họp hành liên miên, các tổ chức thanh niên, phụ nữ, học sinh, công đoàn bị nhồi sọ, lao động nặng nhọc, hưởng thụ bất công, thanh trừng liên miên, dân phát khiếp. Đến mức năm 1949 cộng sản toàn thắng trên lục địa, người cũ trở về vùng đỏ cũ, cả tỉnh Giang tô hầu như không có một chi bộ hay đảng viên cộng sản nào!

( còn nữa )

© DCVOnline

No comments:

Post a Comment