Thursday, April 30, 2009

NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC NGẠN KỂ LẠI BI KỊCH ĐẮM TÀU

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn kể về bi kịch đắm tàu nhân đọc Việt Tide đặc biệt “Thuyền Nhân: Bi sử Biển Đông” (1)
Khôi Nguyên (Thực hiện)

Lời Tòa Soạn:
Trong chuyến đi cùng trung tâm Thúy Nga đến Houston, Texas để làm “MC” cho chương trình Paris By Night 89 chủ đề: “Lam Phương, đường về quê hương” vào ngày 5 tháng 5 năm 2007 và nhân việc đọc qua ấn bản Việt Tide đặc biệt: “Thuyền Nhân: Bi sử Biển Đông” phát hành vào dịp 30 tháng Tư vừa qua, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã dành cho Việt Tide một cuộc phỏng vấn xoay quanh đề tài thuyền nhân.

Lần đầu tiên trên tuần báo Việt Tide nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã kể lại biến cố đau thương của gia đình ông trên đường vượt biển tìm tự do mà cho đến nay, hài cốt của người vợ 26 tuổi và con trai 4 tuổi của ông mãi mãi nằm lại trong một ngôi mộ tập thể ven bờ biển Malaysia. Biến cố này đã làm thay đổi đời ông ra sao và vợ con ông, những người đã khuất, có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống và sự nghiệp của ông. Ông cũng tiết lộ lý do nào khiến ông lại trở thành nhà văn. Và vì sao 28 năm qua ông chưa một lần trở lại Việt Nam. Cũng như những mong muốn và chia xẻ với cộng đồng Việt Nam tại Hải Ngoại nên làm gì với những thuyền nhân chẳng may thiệt mạng, thân xác vùi sâu trong lòng biển cả và bây giờ là những ngôi mộ nằm dọc bờ biển các quốc gia vùng Đông Nam Á… Bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn được đăng 2 kỳ trên Việt Tide số 304 và Việt Tide 305.

* Việt Tide: Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, ông đã đọc tờ Việt Tide đặc biệt “Thuyền Nhân: Bi sử Biển Đông” và ông có thể cho độc giả Việt Tide biết cảm xúc của mình không?
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Hôm nay tôi tình cờ đọc được tờ báo Việt Tide ấn bản đặc biệt 30 tháng Tư 2007, tôi bắt gặp 3 chi tiết trong tờ báo này làm cho tôi xúc động. Thứ nhất là ngôi một tập thể ở trang 38 và chú thích rằng đây là ngôi mộ chôn 146 thuyền nhân chết ngày 1 tháng 12 năm 1978 sau khi con tàu mang tên MT 065 chở hơn 300 người chìm ngoài khơi Semerak, Malaysia. Chính gia đình tôi đã đi trên chiếc thuyền này. Thứ hai là trong này có bài của tác giả, nhạc sĩ Trần Chí Phúc: “Xác em nay ở phương nào” với dòng chữ “Tặng Nguyễn Ngọc Ngạn”, viết về thảm kịch xảy ra với gia đình tôi. Thứ Ba là bài của ông Vũ Duy Thái, bài này thực sự thì tôi đã đọc từ năm 1981 trích trong tuyển tập “Hải tặc trong vịnh Thái Lan”.Vũ Duy Thái là người tôi biết, bởi anh là người hàng xóm của tôi. Thành thử cả 3 chi tiết này đưa lại cho tôi nỗi xúc động khôn nguôi về câu chuyện xảy ra đã 29 năm.

* Việt Tide: Cụ thể như thế nào thưa ông?
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Trước hết là về ngôi một tập thể. Vào năm ngoái anh Trần Đông ở bên Úc, là người sáng lập ra Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân có điện thoại qua nói chuyện với tôi về việc đã tìm ra ngôi một tập thể của những người đã đi cùng tàu với tôi và bị chìm vào ngày 1 tháng 12 năm 1978. Hôm nay tôi được nhìn thấy bức ảnh ngôi mộ này tương đối rất rõ ràng, mặc dầu ở đây không nhìn thấy được tên của những người đã qua đời. Nhưng dĩ nhiên là tôi biết trong ngôi mộ ấy có hài cốt của đứa con mình. Tôi xin kể lại một cách tóm tắt bi kịch đã xảy ra với gia đình tôi trong chuyến đi định mệnh ấy. Ngày 1 tháng 12 năm 1978 thì chiếc tàu chở chúng tôi đi vào tới vịnh Malaysia. Chiếc tàu đó tên thật của nó là tàu “Kim Hoàng” mang số hiệu là “MT 065”, “MT” đây chắc là Mỹ Tho. Chiếc tàu này vượt biển đêm 24 tháng 11 ở Kiến Hòa (nay là tỉnh Tiền Giang). Moi người đi bằng những chiếc thuyền nhỏ rồi lên tàu 065 này ở ngoài khơi. Tàu bắt đầu đi từ khuya ngày 24 tháng 11 cho đến ngày 1 tháng 2 năm 1978 thì tới bờ biển Malaysia. Khi tới nơi thì sóng quá lớn ở vịnh Malaysia nên không nhìn thấy bờ và nhất là đó lại là đêm mưa. Chiếc tàu đó chở tất cả vào khoảng hơn 300 người, đàn ông thanh niên, trong đó có tôi, tất cả đều phải ở dưới hầm tàu. Vì đây là chuyến tàu đi “bán chính thức” nên mình phải dùng tên giả là tên người Hoa. Trong chuyến tàu đó chỉ có khoảng hơn 20 người Việt, số còn lại là người Việt gốc Hoa. Khi tàu đến gần bờ biển trong đêm thì ở trên bờ (sau này tôi được biết) cảnh sát Malaysia họ dựng 2 cây súng đại liên họ vừa bật đèn pha vừa bắn ra. Họ không nhắm bắn thẳng vào tàu nhưng họ bắn để đuổi tàu ra lại ngoài khơi. Như chúng ta đã biết sau này, từ năm 1979 họ cũng làm như thế, và dã man hơn là họ cột tàu lôi thẳng ra ngoài khơi sau đó chặt dây để tàu lênh đênh trên biển. Bởi khi đó là năm 1978, đây là một trong số chuyến đi đầu tiên nên họ chỉ bắn đe dọa để đuổii mà thôi. Ở trên boong tàu có khoảng 17 ngừơi thợ máy, tài công cùng số đàn bà và trẻ em. Những người đàn ông đều năm dưới hầm tàu nên không biết chuyện gì đã xảy ra. Khoảng 5 giờ sáng, tôi đang ngồi ở phía cuối hầm tàu, nhưng vì người ta khóa nắp hầm lại để người ta khỏi nhốn nháo trèo lên chỉ khi nào đến giờ ăn họ mở nắp đó ném thức ăn cho mình mà thôi. Mình là người Việt lại không quen biết chủ tàu nên họ nhét mãi xuống phía cuối tàu, 6 bảy ngày đêm ngồi trong đó chật chội nên không đứng lên được. Với lại ở trong đó nước dâng ngang tới ngực. Vì khi nước ngang tới ngực nên rác rến lúc nào cũng ngang người mình. Tôi còn nhớ lúc 5 giờ sáng thì vì hầm tàu nóng quá nên người ta mới khoét một lỗ thông hơi. Lúc ấy tôi mới ở tù hơn 3 năm, ra được khoảng mấy tháng nên người rất là ốm cho nên lỗ thông hơi đó nếu mình cố gắng sẽ chui lên được, nhưng dĩ nhiên là người ta không cho chui lên. Lúc đó bà xã tôi thò đầu xuống và gọi nho nhỏ: “Anh Ngạn ơi, anh Ngạn ơi”. Vợ tôi nói rằng con nó bị lạnh quá. Lúc ấy tôi nhìn quanh thấy tất cả còn đang ngủ ngồi trong đống nước tôi mới lén đứng dậy vì người bị tê cứng sau sáu bảy ngày ngồi một chỗ tôi mới dùng hết sức để có thể đu được lên boong tàu. Khi lên đó tôi chỉ mặc theo được một cái áo Jacket không quân, còn quần dài thì bị
tuột chỉ cái quần đùi. Khi lên đến nơi thì thấy cậu con trai tôi, sinh năm 1974, lúc ấy mới chỉ 4 tuổi rưỡi, cháu bị mưa nguyên một đêm nên bay hết áo, chỉ mặc cái quần và mẹ cháu cuốn cho cái khăn bông. Nhưng vì cái khăn bị mưa ướt nên cháu bị lạnh, người tái lại. Khi tôi lên boong tàu thì cũng là lúc tôi biết rằng mình sắp chết rồi. Bởi lúc ấy, cả 17 người tài công, thợ máy, chủ tàu họ đã đeo phao và nhảy xuống biển để bơi vào bờ. Họ đã hoàn toàn bỏ tàu. Khi ấy con tàu cứ quay lông lốc giữa những cơn sóng cấp 7, cấp 8, vừa bão tố vừa mưa. Không những thế và cái tàu không có người lái và mình không thấy bờ ở chỗ nào. Không có người lái thì tàu phải chìm thôi. Lúc ấy, vì là người công giáo nên tôi đọc kinh và nói với đứa con an ủi chính mình: “Con ơi, con ôm lấy cổ bố rồi bố sẽ nhảy xuống biển rồi sóng nó có thể đưa vào chứ đứng ở đây lát nữa tàu chìm thì mọi người núi nhau cũng chết thôi”. Tôi cũng nói với vợ mình là bây giờ ở đây có những cái thùng nước ngọt, những túi nylon khoảng 10 lít mà người ta uống hết, bây giờ em ôm cái thùng này nhảy xuống may ra sóng đánh vào được chứ bây giờ đằng nào cũng sẽ chết chìm. Tôi vừa nói xong câu đó thì có một lớp sóng quá lớn ở ngoài đẩy vào. Sóng đánh làm con tàu lật ngang vào phía trong. Vì con tàu lật ngang nên trên boong có khoảng trên 100 người phụ nữ và trẻ em thì rớt xuống biển khoảng một nửa. Khi ấy tôi đang bế đứa con và bà xã đứng ở bên cạnh. Đợt sóng đó nó đẩy vợ tôi bay mất ngay từ lúc đó không thấy lại nữa. Đứa con tôi cũng lọt khỏi tay và rơi xuống biển. Bản thân tôi thì bị văng mắt kính nên không nhìn thấy gì cả. Nhưng may mắn là không hiểu sao tay tôi lại quờ quạng và níu được một sợi dây trên tàu. Tôi níu lại lên mặt tàu nhưng vì sóng lại đánh mạnh cuốn tàu lật ngược trở ra một lần nữa qua phía bên ngoài biển thì tất cả những người trên tàu kể cả tôi đều rụng hết xuống trong lần ấy.
Khi rụng xuống trong đợt này, thì dĩ nhiên là nửa phần trên của chiếc tàu (buồng lái, ca bin) kính bị bể tung ra hết. Khi đó hơn 150 người ngồi trong hầm tàu vì nó không vỡ ra nên những người trong đó ôm nhau và chết hết vì ngộp nước. Thành ra chiếc tàu ấy khi mọi người vào bờ chỉ toàn là đàn bà và trẻ mồ côi mà thôi.
Có thể nói là có một định mệnh lạ lùng tôi là người thứ hai, trong số hai người đàn ông trong cái hầm tàu ấy sống sót. Người kia là một người đàn ông lớn tuổi mà sau này tôi có dịp gặp lại ở Canada.
Mọi chuyện kể ra thì nó lâu như thế này, nhưng sự thật thì nó chỉ xảy ra trong vòng 1-2 phút đồng hồ là cùng rồi mặt biển lại bằng phẳng trở lại như không có chuyện gì xảy ra. Kỳ thực là biển vừa cướp đi mạng sống của hơn 150 con người.
Khi rớt xuống biển tôi thấy tất cả mọi người níu kéo nhau, ôm nhau, tôi thấy xác mọi người xung quanh mình. Tôi không biết bơi nên cứ phải hụp lên hụp xuống để né những cái va ly hay những tấm ván tàu như muốn đập vào mặt mình. Khi kiệt sức và uống no nước, tôi thầm đọc kinh và buông tay để về bên kia thế giới. Đến khi mà song đánh mạnh quá đẩy được vào gần bờ thì có một ai đó kéo tôi vào rồi quẳng tôi vào đống xác đã vào bờ trước. Lúc ấy, vì úp bụng lên đống xác thì nước trong bụng tôi ộc ra. Tôi tỉnh dậy đầu óc trống rỗng thì có một cậu bé đi vượt biển chung gọi tôi: “Đắm tàu, tỉnh dậy đi chú Ngạn ơi” . Lúc ấy tôi còn ngơ ngác một lúc rồi từ từ tỉnh lại. Cậu bé bảo “Cô Lan chết rồi”. Lan là tên vợ tôi. Khi ấy tôi mới thực sự nhớ lại tất cả những gì xảy ra. Tôi đứng vùng lên chạy lại, bới đống xác người ở bên cạnh thì tìm ra xác của đứa con. Lúc ấy cháu đã bị vật gì đó như tấm ván tàu đánh vào bể cả trán và cháu đã chết.Còn vợ tôi, kể từ phút dặn dò nhau ở trên tàu thì không tìm thấy nữa, mà cũng không tìm thấy cô ấy trong những cái xác được người ta vớt lên. Ngày hôm sau người ta cho tàu đi dọc bờ biển tìm xác thì tìm thấy them một số xác nhưng có những xác cụt tay, cụt chân hoặc cụt đầu và có những xác trương phình lên, một số xác cũng không thể nhận diện.
Thật sự ra cái lúc mà mới đắm tàu, đa số phụ nữ thoát chết là do sóng đánh vào bờ nên mới sống hơn 100 người. Nếu lúc ấy người ta làm hô hấp và cứu ngay thì có thể sẽ cứu được thêm rất nhiều người giống như trường hợp của tôi. Nhưng khi vào tới bờ những người bất tỉnh hay đã chết bị cảnh sát Malaysia lôi vào một đống họ quây dây lại cấm không cho người chạy lại cứu, còn những người sống sót mà tỉnh như tôi thì họ quây vào một gốc dừa khác với mục đích lột quần áo để lấy vàng và đô la mà những người vượt biển khâu trong gấu áo gấu quần...
Thành thử ra khi mà vào trại tị nạn thì tàu Kim Hoàng MT 065 lên khai với Ban Đại Diện và Cao Ủy là 146 thuyền nhân chết, nhưng tôi nhớ không lầm là 161 người chết, mà xác đếm được trong cái đống mà tôi bị quăng lên đó chỉ có 97 xác thôi, có thể những xác sau này do người địa phương họ vớt được rồi họ tập trung lại trong ngôi một tập thể này.
Vì khi ấy người Việt gốc Hoa đi quá đông nên có 2 nhà sư người gốc Hoa mua vải vàng đến để lót ở dưới hố tập thể sau đó thả xác xuống rồi phủ tiếp một tấm vải vàng rồi xe ủi đất lấp lên. Con trai tôi được chôn theo những người đó, còn xác vợ tôi thì từ đó vẫn không tìm thấy. Thế nhưng trong ngôi mộ này vẫn có tên vì khi vào tới văn phòng thì bất cứ ai còn sống cũng khai tên than nhân mình đã mất và tôi khai tên vợ tôi là Trần Thị Tuyết Lan và con trai Nguyễn Trần Lê Chân. Hôm nay sở dĩ mọi người thấy tên vợ con tôi trên tấm bia của ngôi mộ tập thể này là như vậy.
Vợ tôi, khi mất 26 tuổi còn cháu Lê Chân khi ấy lúc ấy hơn 4 tuổi. Xác của cháu Lê Chân thì tự tay tôi đưa cho người ta đặt vào mộ còn xác vợ tôi thì không tìm thấy. Nhưng cũng có thể những ngày sau người ta tìm thấy xác của vợ tôi và đặt luôn vào đó. Bởi vì trong suốt thời gian này ở bờ biển này chỉ có duy nhất con tàu Kim Hoàng bị đắm mà thôi...(Còn tiếp)

* Đón đọc kỳ sau trên Việt Tide 305:
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết lý do vì sao ông cầm bút viết văn, rồi làm văn nghệ. Những người đã khuất có ảnh hưởng ra sao với đời sống, sự nghiệp của ông và cả gia đình mới của ông sau này....

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đang chỉ vào trang báo số 38, đặc san Việt Tide “Thuyên nhân: Bi sử Biển Đông”, trong đó có bức ảnh chụp ngôi một tập thể mà ông biết chắc chắn có hài cốt của đứa con trai 4 tuổi. Hình: Khôi Nguyên/Việt Tide
http://www.viettidemagazine.com/images/image1/July07/nguyenngocngan1.jpg

Hình 2: Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn trong phong thu âm của Little Saigon Radio tại Houston với biên tập viên Vũ Kiểm và xướng ngôn viên Nguyễn Văn Thịnh. Hình: Khôi Nguyên/Việt Tide
http://www.viettidemagazine.com/images/image1/July07/nguyenngocngan2.jpg

Hình 3: Hình ngôi mộ tập thể ghi tên 146 thuyền nhân chết ngày 1 tháng 12 năm 1978, trong đó tấm bia ghi tên cả vợ và con nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Hình: Đinh Quang Anh Thái/Việt Tide
http://www.viettidemagazine.com/images/image1/July07/motapthes.jpg

1 comment:

  1. Bài viết có ý nghĩa,Hãy cùng chúng tôi chung tay bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường cho nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp. Liên hệ Công ty tư vấn môi trường Phong Việt
    Chuyên viên môi trường - Hoàng Hải Vy - 0912.811.100
    Trụ sở chính :97 - 99 Tôn Thất Đạm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
    Văn phòng : 372/1 Nguyễn Văn Nghi, Phường 7, Quận Gò Vấp
    Tham khảo: Đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại Tp. Hồ Chí Minh
    de an bao ve moi truong chi tiet tai Tp. Ho chi minh

    ReplyDelete