Thương vụ Chinalco-Rio Tinto và lo ngại Trung Quốc ở Australia
25/04/2009 07:02 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6798/index.aspx
(TuanVietNam) - Báo Wall Street Journal miêu tả chi tiết thương vụ mua bán đang gây tranh cãi ở Australia khi công ty nhôm Trung Quốc Chinalco sắp thành công trong việc mua lại phần lớn cổ phần tại công ty khai khoáng lớn thứ 3 thế giới Rio Tinto. Công luận Australia tỏ rõ sự không hài lòng khi các công ty Trung Quốc dường như quá dễ dàng thâu tóm tài nguyên thiên nhiên của nước mình.
Chê trách Thủ tướng vì chảy máu tài nguyên
Nếu khoản đầu tư mới trị giá 19,5 tỉ USD của Chinalco vào Rio Tinto, công ty nắm giữ nhiều mỏ sắt và đồng ở Australia cũng như trên toàn thế giới, được chính thức thông qua và tăng cổ phần của Chinalco trong Rio Tinto có 18%, quyền chi phối của Trung Quốc đối với tài nguyên thiên nhiên của Australia sẽ tăng lên đáng kể. Và đó chính là điều mà công luận nước này lo sợ và phản đối.
Ông Xiao Yaqing (trái) kí thỏa thuận đầu tư với Tom Albanese, Giám đốc điều hành của Rio Tinto. Ảnh: Bloomberg News
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/75/2009/04/chinalco-rio.JPG
Tuần trước, thương vụ này đã trở thành trọng tâm theo dõi của các cổ đông Rio Tinto trong buổi họp thường niên. Giám đốc điều hành Tom Albanese kiên quyết bảo vệ quyết định của mình: “Chúng tôi cam kết thực hiện giao dịch với Chinalco và trọng tâm của chúng tôi là kiểm soát và định hướng toàn bộ quá trình trước khi đưa ra cho các cổ đông bỏ phiếu”.
Rio Tinto cho rằng thương vụ này sẽ không gây hại tới lợi ích quốc gia của nước Australia. Nhưng đối với một công ty đang ngập trong nợ nần thì thương vụ sẽ giúp ích rất nhiều khi mà nguồn tín dụng của họ cạn kiện. Rio Tinto sẽ được tiếp nhận những dòng tín dụng trị giá hàng tỉ đô la của các ngân hàng Trung Quốc.
Nhưng những cuộc tranh luận chính trị ngày càng căng thẳng về quan hệ giữa Australia và Trung Quốc sẽ khiến việc thông qua này gặp khó khăn. Trong một diễn biến mới nhất, các chính trị gia đối lập đã buộc tội Thủ tướng Kevin Rudd, người từng làm ngoại giao ở Trung Quốc và biết nói tiếng Trung, là "đại sứ lưu động của Bắc Kinh".
Họ cũng chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng vì ông này đã không công khai thông tin xoay quanh việc ông được một doanh nghiệp Trung Quốc chi trả cho 2 chuyến đi đến Trung Quốc khi ông còn là một nghị sĩ đối lập. Cả Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia đều bảo vệ mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Nhưng một thượng nghị sĩ tên Barnaby Joyce trong một bản tin truyền hình phản đối vụ đầu tư của Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt rằng: “Chính phủ Australia sẽ không bao giờ được phép mua các mỏ của Trung Quốc. Vậy tại sao chúng ta lại để cho chính phủ Trung Quốc mua và kiểm soát những tài sản chiến lược của quốc gia?”
Không chỉ ở Australia, các công ty Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm trên khắp thế giới khi tìm cách thâu tóm các mỏ tài nguyên và năng lượng trên toàn thế giới. Trung Quốc thông báo năm ngoái đầu tư ra nước ngoài của họ có giá trị tổng cộng 52 tỉ USD, trong đó 2/3 là đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên. Năm nay họ cũng đã có 65 vụ làm ăn với tổng trị giá 23,2 tỉ USD, hầu hết là về tài nguyên thiên nhiên.
Trước tình hình đó, những người làm ngân hàng, luật gia hay ngoại giao đang đấu tranh để buộc các lãnh đạo Trung Quốc công khai tuyên bố sẽ bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên. “Có một chính sách chiếm đoạt các tài nguyên rất rõ ràng của Trung Quốc”, một nhà ngoại giao phương Tây nói.
Từ sự khôn ngoan của Chinalco...
Xiao Yaqing - Tổng Giám đốc Chinalco, 49 tuổi - là người rất tham vọng và biết cách hòa hợp với mục tiêu của chính quyền Trung Quốc trong việc đưa Chinalco thành một tập đoàn khai khoáng toàn cầu. Ông Xiao sinh ở Bắc Kinh và lớn lên trong buổi giao thời phức tạp về chính trị ở Trung Quốc. Ông lấy bằng kĩ sư năm 1982.
Trong một thập niên sau đó, ông Xiao từ chỗ là giáo viên do chính phủ cử về dạy học ở một nhà máy nhôm gần biên giới với Nga đã vươn lên thành quản lí nhà máy. Năm 1998, ông được điều đến xoay chuyển tình thế cho một công ty quốc doanh thua lỗ ở Tây Nam Trung Quốc. Thành công của Xiao ở công ty này đã được rất nhiều lãnh đạo Trung Quốc lúc đó tán dương, từ Thủ thướng Chu Dung Cơ đến Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Năm 2002, công ty này sáp nhập với Chinalco. Trong vòng 2 năm, ông Xiao được bầu làm Chủ tịch và Bí thư của Chinalco.
Xiao rất nóng lòng muốn đa dạng hóa đầu tư. Năm 2004, Chinalco đã vượt qua hơn 10 đối thủ để giành quyền đầu tư vào một mỏ bô-xít của Australia để lấy nguyên liệu sản xuất nhôm. Khoản đầu tư 3 tỉ đô la Australia lúc đó là khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào nước này. Rio Tinto, chủ sở hữu của một mỏ bô-xít gần đó cũng đã tiếp xúc với Chinalco về việc chia sẻ cơ sở hạ tầng.
Tháng 5/2007, Chinalco đồng ý đầu tư vào một công ty liên doanh luyện kim ở Arập Xêút. Tháng 6 cùng năm, công ty này cũng bỏ ra 860 triệu USD để mua lại công ty khai thác đồng Peru của Canada.
Tháng 12/2007, công ty BHP Billiton, công ty khai mỏ lớn nhất thế giới, đấu thầu vào Rio Tinto. Nếu thành công, thương vụ này sẽ kết hợp các công ty khai thác sắt lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới. Mà sắt lại là thành phần chính của thép, kim loại mà Trung Quốc đang cần cho các nhà máy và các cao ốc.
Lo ngại về quyền lực tiềm năng của sự sáp nhập đó, Chính phủ Trung Quốc đã họp khẩn cấp với các doanh nghiệp quốc doanh lớn. Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia điều khiển các phiên họp để tìm kiếm các ý tưởng ngăn chặn việc đấu thầu của BHP. Tham dự có Chinalco, Công ty sản xuất thép Baosteel, Công ty khai thác than Shenhua và Ngân hàng phát triển Trung Quốc.
Nguồn tin từ ngành ngân hàng cho biết Rio Tinto đang tìm kiếm một nhà đầu tư để mua lại. Trước đó Xiao đã thảo luận với Rio về việc các mỏ bô-xít ở Australia. Ông Xiao quyết định tìm cách mua lại lượng lớn cổ phiếu của Rio Tinto. Một khoản đầu tư như thế vừa giúp Chính phủ Trung Quốc ngăn chặn việc mua lại của BHP, vừa đa dạng hóa các hoạt động sản xuất của Chinalco.
Ông Xiao kêu gọi sự giúp đỡ từ các ngân hàng Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng phát triển Trung Quốc và công ty China International Caplital Corp. Ông Xiao cũng thuê công ty Lehman Brothers để lên kế hoạch chiếm lĩnh Rio Tinto.
Chinalco đã giành chiến thắng trong buổi họp với Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia khi lãnh đạo cơ quan này xem xét các bản đề xuất. Theo Chinalco thì các quan chức chính phủ chỉ có 2 câu hỏi với công ty: Công ty có đủ vốn theo đuổi thương vụ này không? Và công ty có thể giảm thiểu tối đa các rủi ro?
Uỷ ban này đã chọn phương án của Chinalco và công ty này đã liên kết với công ty sản xuất nhôm Mỹ Alcoa. Kế hoạch của họ là mua đủ cổ phiếu để gây ảnh hưởng lên vụ mua bán của BHP.
Sau khi thị trường đóng cửa ngày 31/1/2008, những người giao dịch của Lehman đã thành công trong việc thâu tóm một phần cổ phiếu của Rio Tinto. Ông Xiao ngồi cạnh bàn bàn giao dịch và quá lo lắng đến nỗi không ăn được. Chinalco đã bỏ ra 14 tỉ USD để mua 9% cổ phiếu của Rio, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này. Đây là vụ đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của một công ty Trung Quốc cho đến thời điểm đó.
Cổ phần của Chinalco lúc đó vẫn còn quá bé để ngăn chặn BHP. Tuy nhiên, với tư cách là một cổ đông chính của Rio Tinto, Chinalco không muốn bị coi là một mối đe dọa ở Australia. Họ đã thuê công ty chuyên vận động hành lang Hawker Britton để tiếp cận Thủ tướng Australia Rudd.
Tháng 11 năm ngoái, BHP đã từ bỏ việc đấu thầu Rio Tinto. Trung Quốc thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cổ phiếu của Rio Tinto sụt giảm giá đã khiến ông Xiao ngồi trên đống lỗ có lúc đó đã lên đến khoảng 10 tỉ USD.
Đến tháng 12, người quản lí bộ phận chiến lược của Rio Tinto, Douglas Ritchie, đã hội đàm với Wang Wenfu, người đứng đầu chi nhánh của Chinalco ở Australia. Hai vị này sống gần nhau ở Brisbane. Rio Tinto đang lo lắng về khoản nợ 38 tỉ đô la khi mua lại Alcan, công ty nhôm lớn nhất Canada tháng 7/2007. Đến tháng 10/2009, 8,9 tỉ USD tiền nợ sẽ đến hạn phải trả.
Ông Wang cho biết Chinalco quan tâm tới việc hợp tác lâu dài còn ông Ritchie cho biết Rio Tinto muốn được tiếp cận nguồn tín dụng từ các ngân hàng Trung Quốc.
Hai công ty cuối cùng cũng đi đến một thỏa thuận thăm dò: Chinalco sẽ mua lại 7,2 tỉ USD tiền trái phiếu mà sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu của Rio Tinto cộng với 12,3 tỉ USD tiền tài sản của Rio bao gồm cổ phần trong các mỏ sắt và đồng lớn.
Với khoản nợ sắp đến hạn vào tháng 10, Rio Tinto đang xem xét hoặc bán ra thêm cổ phiếu mới hoặc theo đuổi thương vụ với Chinalco. Hội đồng quản trị thì hậu thuẫn lựa chọn hợp tác với Chinalco. Tháng 2 vừa rồi, Chinalco và Rio thông báo một khoản đầu tư 19,5 tỉ USD gây tranh cãi.
... đến chiến lược thâu tóm của Trung Quốc
Không giống những nhà kĩ trị khác đang điều hành các doanh nghiệp quốc doanh lớn của Trung Quốc, sự nghiệp chính trị của Xiao lên rất nhanh. Sau thương vụ với công ty đồng Peru, ông được bổ nhiệm làm uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lần này, chỉ vài ngày sau khi kí một thỏa thuận hời nói trên, ông Xiao Yaqing đã rời vị trí đương nhiệm trong công ty để gia nhập nội các chính phủ Trung Quốc. Việc này dấy lên câu hỏi về những tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc khi họ tham gia sân chơi toàn cầu: liệu họ thực sự làm việc vì lợi nhuận hay họ đang theo đuổi một kế hoạch quốc gia dài hạn của Chính phủ Trung Quốc?
Xem xét thương vụ Chinalco - Rio Tinto có thể thấy câu trả lời là cả hai. Đặc biệt là vai trò của Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc. Cơ quan này có quyền lực sâu rộng trong các khoản đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài. Nếu có hơn một công ty quốc doanh quan tâm tới cùng một tài nguyên ở nước ngoài, họ sẽ phải thi đấu một cuộc thi kiểu như hoa hậu do uỷ ban này làm giám khảo. Thường thì chỉ có một người chiến thắng cuối cùng để đại diện cho Trung Quốc.
Thương vụ Chinalco - Rio Tinto tuy chưa có kết luận cuối cùng song các quan chức của Rio Tinto không loại bỏ khả năng tỉ lệ Chinalco nắm giữ sẽ còn tăng thêm. Khi được hỏi liệu có ngày nào Chinalco sẽ mua cả Rio Tinto không, Phó Chủ tịch Chinalco Lu Youqing chỉ cười: “Chúng tôi không bao giờ làm thế. Ai sẽ biết điều gì sẽ xảy ra trong 10 năm tới".
Chung Hoàng (Theo Wall Street Journal)
Đọc thêm:
Trung Quốc "đổ tiền" để tiến vào Mỹ Latinh
Chùm ảnh: Người Trung Quốc ở châu Phi
Logic đằng sau việc nhập khẩu bô-xít ồ ạt của Trung Quốc
Châu Phi thất vọng với đầu tư tài nguyên từ Trung Quốc
“Nhập tài nguyên, xuất hàng hoá” - chiến lược TQ với Đông Dương
Chiến lược khai thác tài nguyên tiểu vùng sông Mekong của TQ
No comments:
Post a Comment