Tuesday, April 21, 2009

MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ SUY THOÁI TRẦM TRỌNG

Môi trường làng nghề suy thoái trầm trọng
Thứ ba, 21/04/2009 01:12GMT+7
http://www.nld.com.vn/20090421011215896P0C1002/moi-truong-lang-nghe-suy-thoai-tram-trong.htm
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, do ô nhiễm môi trường, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc
Ngày 20-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2008, tập trung vào vấn đề môi trường làng nghề.

Không xử lý chất thải
Kết quả khảo sát của Bộ TN-MT tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy 46% số làng nghề được khảo sát có môi trường ô nhiễm nặng (đối với không khí, đất, nước hoặc cả ba dạng). Ô nhiễm vừa và nhẹ chiếm 27%. Kết quả quan trắc thời gian gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm của các làng nghề có xu hướng tăng. Trong đó phải kể đến các làng nghề sơn mài và mây tre đan như làng nghề sơn mài Hạ Thá (Thường Tín, Hà Nội), cơ sở nhuộm 1 và 2 thôn Phù Yên (Chương Mỹ, Hà Nội); cơ sở sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương)... có lượng nước thải không lớn, chỉ khoảng 2 m³ - 5 m³/ngày/cơ sở nhưng nước thải chứa hàm lượng chất ô nhiễm rất cao. Nước thải sản xuất sơn mài chứa bụi mài nhỏ mịn làm tăng hàm lượng cặn. Nước thải từ quá trình nhuộm và nhúng bóng sản phẩm mây tre đan chứa nhiều chất gây ô nhiễm như dung môi, dầu bóng... Hàm lượng COD và BOD5 trong nước thải của các làng nghề này thường vượt tiêu chuẩn từ 2 đến 8,5 lần.

Đáng lo ngại là ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, tái chế giấy... Trong khi đó, ô nhiễm không khí diễn ra nặng nề tại các làng nghề gốm sứ, vật liệu xây dựng... Tình trạng chung đối với các làng nghề là phần lớn chất thải rắn không được thu gom, xử lý mà xả thẳng vào môi trường. Theo dự báo, ô nhiễm không khí, nước và đất ở các làng nghề sẽ còn gia tăng nếu không kịp thời áp dụng triệt để các giải pháp.

Tỉ lệ người mắc bệnh cao
Báo cáo của Bộ TN-MT nêu rõ: Thời gian gần đây, tại nhiều làng nghề, tỉ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng gia tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc.
Đáng lo ngại nhất là tỉ lệ người mắc bệnh ung thư, thần kinh lại rất phổ biến ở các làng tái chế kim loại. Theo Bộ TN-MT, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự phát thải khí độc, nhiệt cao và bụi kim loại từ các cơ sở sản xuất. Thống kê cho thấy tại các làng sản xuất kim loại, tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Đối với các làng tái chế giấy, cho thấy 16% đến 53,7% dân số bị mắc bệnh phổi, ngoài da, thần kinh do chịu sức ép từ khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hóa chất và các khí độc như Cl2, H2S... Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tỉ lệ người mắc các bệnh về đường ruột rất cao, với 58,8% dân số, đường hô hấp là 44,4%, phụ khoa chiếm 35%...
Bài và ảnh: Thế Dũng


Ô nhiễm làng nghề: Làm mạnh sẽ… “sập tiệm”
0h:2' - 21/4/2009
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/O-Nhiem-Lang-Nghe-Lam-Manh-Se-Sap-Tiem.html
(Toquoc) - Việc xử lý các làng nghề gây ô nhiễm, Bộ TNMT khẳng định có thể làm xong trong năm 2010-2011. Nhưng nếu đưa ra một liều lượng, giải pháp quá mạnh thì các làng nghề sẽ “shock” và thậm chí là… “sập tiệm” luôn.

Người dân làng nghề ngày càng tổn thọ
Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2008 với chủ đề Môi trường làng nghề Việt Nam công bố chiều tối qua 20/4, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNTM) đã “trưng” ra một bức tranh làng nghề ảm đạm, xấu xí.
Hàng trăm ngàn làng nghề tập trung nhiều tại Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ đang thu hút khoảng 11 triệu lao động với kim ngạch xuất khẩu khoảng gần 900 triệu USD (2008). Báo cáo này còn chỉ ra xu hướng, các làng nghề sẽ còn tăng lên nữa
Trên thực tế, những đóng góp của các làng nghề là không hề nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương. Nhưng cũng chính hoạt động của các làng nghề đã và đang làm suy thoái môi trường, trở thành một vấn đề vô cùng bức xúc.
Riêng về ô nhiễm không khí, xếp theo thứ tự thì các làng nghề tái chế phế liệu chiếm vị trí quán quân, tiếp đến là các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá, các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ. Góp “mặt” sau cùng trong việc tàn phá môi trường nông thôn là các làng nghề ươm tơ, dệt vải, thủ công mỹ nghệ…
Các cơ sở này hiện đang tống thẳng vào nguồn nước các chất độc hại hầu hết vượt tiêu chuẩn cho phép. Làng tái chế giấy Dương Ổ và Phú Lâm (Bắc Ninh) là một ví dụ, hàng ngày tổng khối lượng nước thải lên tới 3.500m3/ngày với khoảng 1.450-3.000 kg COD và 3.000 kg bột giấy.
Báo cáo còn cho biết, chất thải rắn tại hầu hết làng nghề không được thu gom hết và xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng…
Chính vì thế, bệnh tật gia tăng, tuổi thọ người dân suy giảm đã trở thành hậu quả tất yếu từ việc ô nhiễm môi trường làng nghề.
Theo các kết quả nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người dân làng nghề ngày càng giảm đi và thấp hơn từ 5-10 tuổi so với người dân không ở làng nghề.
Làng nghề cũng đã kéo theo các bệnh phổ biến như bệnh ngoài da, viêm niêm mạc gây nấm, bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp, thần kinh, thậm chí là cả ung thư. Tỷ lệ người dân mắc ung thư và chết cao nhất tại làng nghề tái chế kim loại Vân Chàng và Tống Xá (Nam Định) với tỉ lệ 13,04 và 9,8%.
Ô nhiễm làng nghề còn làm nảy sinh xung đột môi trường giữa người làm nghề và không làm nghề…

Áp dụng công nghệ “con nhà nghèo”
Theo Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên, một trong những nguyên nhân gây khó cho hoạt động xử lý ô nhiễm làng nghề chính là sự đa dạng hoá nhưng lại lẻ tẻ, không tập trung. Với nhiều ngành nghề khác nhau, chất thải hữu cơ, vô cơ trộn lẫn với nhau khiến các nhà môi trường rất khó xử lý.
Một nguyên nhân nữa là do sản xuất ở làng nghề đa phần là người nghèo, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay nên việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải là việc không đơn giản.
Một giải pháp được Bộ TNMT đưa lên đầu tiên trong việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chính là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. “Người dân thường quan niệm, những gì nhà mình thải ra người khác chịu chứ không phải mình, trong khi thực tế, chính họ bị ảnh hưởng. “Gậy ông đập lưng ông!” - Bộ trưởng Khôi lập luận với chứng cứ là tuổi thọ của người dân làng nghề giảm và bệnh tật nhiều.
Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập WTO, người dân làng nghề, nhất là các làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, các thị trường nước ngoài thậm chí còn tới tận nơi sản xuất để xem xét sản phẩm này được sản xuất có gây ô nhiễm môi trường hay không? Liệu lúc đó, họ có còn đặt mua sản phẩm?
Bộ trưởng Nguyên cũng cho biết luôn, nhiệm vụ tuyên truyền này, Nhà nước phải bỏ tiền ra và hoạt động quyết liệt hơn nữa.
Nhóm giải pháp khác cũng được Bộ TNMT đề cập tới đó là quy hoạch các khu/cụm công nghiệp gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư, đồng thời tại các khu vực này phải có hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn.
Căn cứ vào quy mô, các làng nghề có thể được quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ hoặc có thể được quy hoạch phân tán, cho sản xuất ngay tại gia đình kết hợp cải thiện điều kiện sản xuất và cải thiện vệ sinh môi trường. Với quy hoạch phân tán có thể kết hợp hoạt động sản xuất của làng nghề với du lịch.
Về công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, người đứng đầu ngành TNMT quả quyết quan điểm: “áp dụng công nghệ với con nhà nghèo”.
Ông Nguyên cho rằng, “các làng nghề không thể sử dụng công nghệ của các nước tiên tiến – “con nhà giàu”- bởi nó có thể giải quyết được về mặt kỹ thuật nhưng lại không kinh tế. Bộ TNMT sẽ tổ chức cuộc thi nhằm phát hiện các sáng chế, phát minh của người dân, các nhà khoa học Việt Nam trong việc xử lý ô nhiễm làng nghề”.
Được biết, hiện cũng đã có một số mô hình hợp tác xã thu gom, xử lý chất thải làng nghề. Các địa phương sẽ giao một số hoạt động có thu khác cho hợp tác xã như được thu tiền trông giữ xe tại các điểm công cộng, thu hoạch các rặng cây ăn quả trồng trên diện tích công… để trả lương cho những người thu gom rác.
Một khía cạnh khác cần chú ý, theo nguyên tắc, ai gây ra ô nhiễm thì người đó phải xử lý nhưng với các làng nghề, nếu để họ tự đứng ra xử lý thì… “sập tiệm luôn” - lời bộ trưởng Nguyên.
Bộ trưởng cũng khẳng định, “chúng tôi có thể xử lý ô nhiễm các làng nghề xong trong năm 2010-2011 nhưng nếu đưa ra một liều lượng giải pháp quá mạnh thì các làng nghề sẽ “shock”, vì thế phải có một lộ trình bền vững”./.
Song Đào




No comments:

Post a Comment