Saturday, April 25, 2009

LỢI VÀ HẠI TRONG VIỆC KHAI THÁC BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Lợi và hại trong việc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên
Baphi_HaiLua, X-cafe
23.04.2009
http://www.x-cafevn.org/node/1655

Thiệt hại

Muốn nói về cái hại, ta phải biết sơ về ngành công nghiệp Nhôm. Ngành công nghiệp Nhôm hiện nay là một ngành công nghiệp độc quyền của vài tập đoàn “đại gia” trên TG, trong đó có Alcoa của Mỹ, Rio Tinto của Úc, Rusal của Nga, BHP của Úc và một vài đại gia nhỏ hơn. Ngành công nghiệp nhôm có vai trò rất quan trọng trong nền công nghiệp nặng và nhẹ của các siêu cường, đặc biệt là trong Quốc Phòng. Một số khách hàng lớn của Alcoa thường từ bộ Quốc Phòng. Có lẻ cũng dễ hiểu vì Nhôm là một vật liệu quan trọng trong sản xuất vũ khí, đặc biệt là cho máy bay chiến đấu và các chương trình không gian. Nếu nói không quá thì như Alan Greenspan đã từng nói rằng nếu Ông ta theo dõi được sản lượng Nhôm, Sắt hoặc Thép của Trung Quốc cùng các số liệu khác như điện năng, Ông ta có thể đoán được nền công nghiệp nặng, thậm chí là công nghiệp quân sự của Trung Quốc phát triển như thế nào.

Ai cũng cho rằng dầu hỏa quan trọng nhưng quên rằng Nhôm và Thép cũng quan trọng không kém trong chiến lược của các cường quốc. Trung Quốc đang phát triển rất mạnh và có nhu cầu lớn về Nhôm cho các ngành sản xuất, đặc biệt là quốc phòng của họ. Tuy Trung Quốc sản xuất ra Nhôm nhiều nhất thế giới nhưng giá nguyên liệu là bột Nhôm thì bị khống chế bởi các đại gia Mỹ, Úc và Canada. Do đó không có gì khó hiểu khi Trung Quốc nhảy vào Việt Nam và tôi nghĩ đúng như TT Dũng nói “Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước”, chắc chắn dự án này không thể dừng lại.

Muốn sản xuất Nhôm phải qua khoảng 3 giai đoạn: tách bột Nhôm từ bauxite, luyện bột Nhôm thành Nhôm và chế biến Nhôm sang các dạng cần dùng, thích hợp riêng cho từng khách hàng hoặc nền công nghiệp. Hiện nay thì Việt Nam chỉ làm giai đoạn thứ 1 và đây là giai đoạn không đem lại lợi nhuận nhiều, thậm chí thua lỗ vì rất nhiều lý do sau đây.

Giai đoạn thứ 1 là giai đoạn gây chết cho môi trường. Vì sao? Vì trong quá trình khai thác bauxite, toàn bộ rừng, cây hoặc bất cứ thứ gì nằm trên mặt đất phải bị khai hoang. Trong hợp đồng khai thác, công ty khai thác phải có một trách nhiệm rất quan trọng việc tái tạo lại môi trường như củ hoặc ít nhất là 80% lúc ban đầu. Điều này nhà thầu Trung Quốc có làm được không? Tôi đoán là không. Ngay cả Alcoa, Rio khi khai thác tại Guinea, Iceland cũng chỉ có khả năng tái tạo lại khoảng 80% môi trường lúc ban đầu. Họ đã sử dụng nhiều biện pháp tiên tiến với trình độ khoa học kỹ thuật cao nhưng vẫn không thể nào trả lại môi trường như thuở ban đầu. Vậy Trung Quốc, một nước còn rất kém về khoa học kỹ thuật, đặc biệt ngay tại quốc gia họ, họ còn làm không xong thì lấy gì bảo đảm môi trường Tây Nguyên tại vùng khai thác sẽ được tái tạo lại như củ? Nếu không tái tạo lại môi trường Tây Nguyên sau thời gian khai thác thì TT Dũng và Đảng có tội rất lớn với người dân Tây Nguyên vì TT Dũng nói rằng “Dự án bauxite là một chủ trương lớn của Đảng”. Do đó nếu Đảng chủ trương không tái tạo lại Tây Nguyên sau khi khai thác hoặc không có một kế hoạch thực tiễn để trồng lại rừng cây ở đây thì Đảng có tội rất lớn với nhân dân.

Giai đoạn thứ 1 cũng là giai đoạn giết mầm sống xung quanh mỏ khai thác. Trung bình mỗi tấn bột nhôm tách được từ bauxite sẽ thải ra ngoài ít nhất là BA TẤN hỗn hợp mà bạn hay nghe gần đây là bùn đỏ (red mud). Bùn đỏ rất độc cho cây trồng và nguồn nước sử dụng vì nồng độ PH (độ acid) rất cao, hơn 13.0, trong khi độ PH bình thường trong nước là 6.8-7.0 và độ PH để cây trồng có thể sống được phải khoảng từ 5.5 – 7.0 (bảo đảm càfê Trung Nguyên gần đó sắp sập tiệm vì không cây nào có thể sống nổi). Vậy thử hỏi mọi người nếu tách được khoảng 1 triệu tấn bột nhôm thì khoảng 3 triệu tấn bùn đỏ sẽ giải quyết như thế nào? Theo Alcoa và Rio Tinto thì chỉ có vài phương cách. Thứ nhất là đổ ra lộ thiên. Đây là cách gây “chết chóc” cho toàn Tây Nguyên vì cây trồng và nguồn nước sẽ bị nhiễm độc rất nặng. Cách thứ 2 là đào những hồ và dùng vật liệu chặn các vách hồ để chứa bùn đỏ. Cách này chỉ giải quyết được một phần nhưng có ai chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng vật liệu để che chắn hồ, bảo đảm không để bùn đỏ làm ảnh hưởng vào môi trường, đặc biệt là mạch nước ngầm. Ngoài ra, chổ để đào hồ lớn bao nhiêu và làm thế nào khi hết chỗ để đào hồ chứa? Cách quan trọng mà hiện nay Alcoa và Rio phải xài để xử lý bùn đỏ là khử độ “độc” của bùn bằng kỹ thuật tiên tiến. Cái này thì ngoài tầm hiểu biết của tôi và tôi đoán họ chỉ sử dụng ở những quốc gia mà luật pháp vì nhân dân, còn các nước thứ 3 thì chắc chính phủ không cần, vì tiền quan trọng hơn.

Không những vấn đề bùn đỏ mà còn nhiều thiệt hại khác về sức khỏe con người khi lượng bụi độc hại từ nhà máy, công trường ảnh hưởng lên toàn bộ khu vực cùng với đường giao thông mà nó đi qua. Tại cảng biển, không thể nào tránh khỏi việc ô nhiễm toàn bộ cảng biển cũng từ các độc chất từ bột nhôm trong quá trình vận chuyển.

Tuy nhiên quan trọng nhất là lượng khí thải lên trời từ quá trình tách bột Nhôm ra khỏi Bauxite. Để tách bột Nhôm, đòi hỏi phải dùng công đoạn Bayer (các bạn có thể google để biết thêm). Công đoạn này thải ra một lượng khí carbon rất lớn, trung bình để sản xuất 1 tấn nhôm thì nhà máy sẽ thải ra 13 tấn khí Carbon Dioxide. Như vậy nếu khai thác 1 triệu tấn bột Nhôm thì ai sẽ trả cho hàng triệu tấn khí thải Carbon Dioxide này? Theo tính toán bằng tiền thì cái giá phải trả cho lượng khí Carbon thải ra khoảng USD $700/tấn, dĩ nhiên là Trung Quốc không phải trả cho cái giá này. Đây là một trong những “negative externality” lớn nhất của khai thác Bauxite tại Tây Nguyên.

Giai đoạn thứ 1 cũng là giai đoạn mà chính phủ Việt Nam phải trợ cấp cho các công ty khai thác của Trung Quốc nhiều nhất. Vì sao? Trong giai đoạn này, để tách bột nhôm từ bauxite, các nhà máy đòi hỏi hai thành phần rất quan trọng đó là điện năng và nước. Phải nói rằng ngành công nghiệp chế biến nhôm ngốn một lượng điện năng khổng lồ và sử dụng một lượng nước rất lớn. Mọi người có biết rằng Trung Quốc xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới là Three Gorges Dam cũng với mục tiêu ban đầu là để cung cấp điện cho các nhà máy luyện Nhôm của họ. Trung bình một tấn Nhôm được luyện đòi hỏi 13 000 Kwh điện. Nếu sản xuất 1 triệu tấn nhôm/năm thì mỗi năm cần khoảng…13 tỉ Kwh điện, tức khoảng 1/3 lượng điện phát ra cho dân xài từ thủy điện Trị An (Trị An vào 2006 phát khoảng 36 tỉ Kwh) . Do đó, khi xây một nhà máy luyện nhôm, chính phủ phải xây một hai nhà máy điện gần đó, đồng thời sử dụng nước từ hồ chứa của nhà máy thủy điện trong quá trình chế biến bột Nhôm và Nhôm. Nên nhớ các nhà máy luyện và sản xuất nhôm được trợ cấp rất nhiều trong giá điện và nước. Nếu không được trợ cấp điện và nước thì khâu thứ 1 rất khó lời và thậm chí hoàn toàn thua lỗ.

Như vậy ở khía cạnh thiệt hại ta đã thấy được những thiệt hại rất lớn. Ai sẽ tái tạo lại môi trường Tây Nguyên sau khi khai thác? Ai sẽ trả giá cho hàng triệu tấn khí thải Carbon Dioxide lên bầu trời Việt Nam? Ai sẽ giải quyết hàng triệu tấn bùn đỏ tại Tây Nguyên? Ai sẽ giải quyết độ PH quá cao tại các nguồn nước tại Tây Nguyên? Ai sẽ dọn dẹp các cảng biển ô nhiễm tại miền Trung? Ai sẽ chăm lo cho hàng ngàn đồng bào Tây Nguyên khi phải di dời và hứng chịu hậu quả độc hại của môi trường? Ai sẽ giải thích như thế nào về việc trợ cấp hàng tỉ Kwh điện và hàng tỉ met khối nước cho các nhà máy luyện nhôm của Trung Quốc trong khi người dân Việt Nam phải chịu cảnh cúp điện thường xuyên? Chắc chắn không phải là người TRUNG QUỐC.

Lợi ích

Chính phủ là người hưởng lợi đầu tiên cùng với các công ty khai thác Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay giá Nhôm trên thế giới rất thấp, chính phủ Việt Nam bây giờ chỉ có “ăn cháo”, còn “cơm sườn” thì chắc chắn là phía Trung Quốc (vì họ có khả năng add value ở giai đoạn 2 và 3 của sản xuất nhôm) .

Thường trên TG thì khi khai thác tài nguyên quốc gia, quốc gia được chia theo phần trăm, gọi là royalty (tôi tạm gọi là huê hồng hay bản quyền cũng được, đại khái là chia tiền). Đây là mấu chốt của vấn đề vì không một người dân đen nào biết Trung Quốc trả bao nhiêu phần trăm royalty cho chính phủ Việt Nam (có lẽ là dưới 0.7%). Royalty có thể được tính theo % giá nhôm trên thế giới tại thị trường LME (London Metal Exchange), ví dụ giá Nhôm hiện giờ khoảng $1,400/tấn, chính phủ Việt Nam nếu được 0.7% royalty thì tính ra tiền là 1,400*0.7% = $9.8/tấn. Nếu chính phủ nói tôi nói sai thì nên công bố cho toàn thể dân Việt Nam biết số tiền royalty từ phía Trung Quốc trả là bao nhiêu. Số tiền $9.8/tấn này không bằng …ly Hennessey của mấy bác cán bộ, nói gì tới bù lỗ $700 là cái giá của mấy tấn Carbon Dioxide, ngoài ra còn tiền bù lỗ điện nước, tiền giải quyết bùn đỏ, tiền di dời người dân..v.v. Như vậy tiền vào túi chính phủ Việt Nam chí có 1, người dân Việt Nam chỉ có…0 còn Trung Quốc thì 10.

Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất. Họ hoàn toàn không phải trả một cắc cho các mất mát về môi trường, điều kiện sống độc hại tại Việt Nam. Họ thu lợi lớn vào thời điểm khi giá nhôm đang xuống thấp so với một năm trước (năm ngoái khoảng $3,000/tấn so với $1,400/tấn hiện giờ). Một điều ngạc nhiên nhất là công nhân phổ thông Trung Quốc khai thác tại đây và hình thành một khu dân cư riêng của họ trong khi người dân Tây Nguyên không được giải quyết công ăn việc làm và đời sống hằng trăm năm của họ bị thay đổi theo chiều hướng đi xuống một cách nhanh nhất.

Như vậy chúng ta phải có một dấu hỏi rất lớn cho câu nói “Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước”. Nếu TT Dũng và ban điều hành kinh tế tài ba với PTT Hoàng Trung Hải có bằng MBA tại châu Âu có thể đưa ra những số liệu để phản bác những điều tôi vừa nêu trên thì họ có thể chứng minh chủ trương bauxite là đúng. Còn nếu không, đây chỉ là một chủ trương phá hoại tài nguyên, môi trường sống và đời sống của người dân Việt Nam. Còn nếu an ninh thì tôi dám cá với các bạn là TT Dũng không đáng xách dép cho Đại Tướng Võ Nguyên Giáp về vấn đề này.

Một câu bình dân mà người Tây hay nói đó là “Nếu bạn thấy nó giống con Vịt, đi giống Vịt và có mùi Vịt thì nó chính là con Vịt”.

No comments:

Post a Comment