Monday, April 20, 2009

LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG NƯỚC NGOÀI TRÀN NGẬP VIỆT NAM

Công luận bức xúc về việc nhiều lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc
Đức Tâm
Bài đăng ngày 20/04/2009- Cập nhật lần cuối ngày 20/04/2009 14:04 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3256.asp
« Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam », « Hàng vạn công nhân Trung Quốc đã vào Việt Nam », « Sức ép từ lao động nước ngoài ». Trên đây là một số hàng tựa các bài trong rất nhiều bài viết được đăng tải trên báo chí ở Việt Nam trong thời gian qua.

«Vào lúc Việt Nam phải đương đầu với nạn thất nghiệp có nguy cơ tăng nhanh do khủng hoảng kinh tế, thì ngày càng có nhiều lao động phổ thông nước ngoài, chủ yếu là nhân công Trung Quốc, đến làm việc trên những công trường ở Việt Nam.
Khái niệm « lao động phổ thông » được nêu lên ở đây là những lao động giản đơn, làm việc tay chân.

Theo số liệu của Cục Việc làm, thuộc bộ Lao Động Thương Bình và Xã Hội, được báo chí trong nước trích dẫn, hiện nay, Việt Nam có 44 triệu người trong độ tuổi làm việc, trong đó có tới 35 triệu lao động ở nông thôn. Mỗi năm, có thêm hai triệu người tham gia vào thị trường lao động.
Theo dự báo của bộ Lao Động, do khủng hoảng kinh tế, trong năm 2009, sẽ có từ 300 đến 400 ngàn người mất việc làm. Thế nhưng, xin trích dẫn báo Tuổi trẻ trên mạng, ngày 16 tháng tư năm 2009, « Chưa ai thông kê được con số chính thức, nhưng trên thực tế, ước lượng số lao động phổ thông nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam có thể vượt qua con số chục ngàn người. Và dòng người này còn tiếp tục ».
Tờ báo đưa ra những ví dụ cụ thể, trong hai dự án nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh và Hải Phòng sắp hoàn thành, mỗi nơi đều có trên 2000 công nhân nước ngoài, hầu hết là Trung Quốc. Trong quá trình thi công dự án, có lúc số công nhân Trung Quốc lên tới gần 4000 người.

Trước tình trạng này, báo chí đã lên tiếng báo động, sự hiện diện của lao động phổ thông nước ngoại tạo thành sức ép cạnh tranh không nhỏ đối với lao động giản đơn trong nước. Nếu không có biện pháp chế tài, thì lao động Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Vừa qua, bộ Lao Động cũng đã chính thức lên tiếng khẳng định, việc đưa hoặc tuyển dụng lao động phổ thông nước ngoài như vậy là trái với luật pháp của Việt Nam.

Nhà báo Thanh Thảo, người đã từng viết bài lưu ý tình trạng không bình thường này, bầy tỏ thái độ:

Nhà báo Thanh Thảo_20090420_1
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3256.asp


Tình trạng lao động giản đơn nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhưng các cơ quan chức năng đã không có những biện pháp chế tài. Theo nhà báo Thanh Thảo, đã đến lúc phải áp dụng luật pháp, ngăn chặn việc đưa lao động phổ thông vào Việt Nam và định thời hạn cho các chủ thầu, doanh nghiệp nước ngoài hồi hương loại lao động này.

Nhà Báo Thanh Thảo_20090420_2
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3256.asp

Cùng với tiến trình hội nhập vào kinh tế thế giới, việc tiếp nhận lao động nước ngoài là bình thường và tất yếu. Bởi vì thị trường Việt Nam chưa thể đáp ứng được nhu cầu về một số vị trí việc làm, chuyên gia. Bên cạnh đó, các nhà thầu nước ngoài vẫn phải mang theo một số chuyên gia, kỹ thuật viên chuyên biệt để phục vụ cho dự án.
Do vậy, luật pháp của Việt Nam cho phép đón nhận lao động nước ngoài có trình độ cao, từ đại học trở lên và làm việc tại những vị trí mà không thể tìm được hoặc có quá ít để tuyển dụng trên thị trường lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chấp nhận đón tiếp những lao động không cần bằng cấp nhưng thuộc các ngành nghề có tính chất truyền thống, một dạng nghệ nhân.

Theo thống kê của bộ Lao Động, tính đến hết 2008, đã có khoảng 50 ngàn lao động nước ngoài được cấp giấy phép làm việc tại Việt Nam, số người này đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đang gây lo lắng trong công luận là lao động giản đơn, phổ thông. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh quốc tế Pháp, tiến sĩ Nguyễn Quang A ghi nhận sự bức xúc của người dân. Ông nói thẳng là các cơ quan chức năng đã không làm tròn nhiệm vụ. Do vậy, cần phải hoàn thiện luật pháp, phân công rõ vai trò nhiệm vụ của cơ quan trung ương và các cấp địa phương trong việc kiểm tra lao động và thực thi luật pháp. Việc báo chí, người dân, các tổ chức xã hội dân sự lên tiếng là cần thiết để nhắc nhở các nhà chức trách phải làm tốt công việc của mình.
Sau đây là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Quang A:

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A_20090420
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3256.asp

No comments:

Post a Comment