Thursday, April 30, 2009

GIỚI TRẺ HẢI NGOẠI HỘI THẢO VỀ HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC

Hội thảo của giới trẻ về hiện tình đất nước
Hiền Vy, thông tín viên RFA
2009-04-30
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/student-meeting-about-vietnam-today-04302009121532.html
Để tưởng niệm 34 năm ngày Hà Nội cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, một buổi hội thảo của giới trẻ mang tên “Hiện tình đất nước: Đấu Tranh vì Lý Tưởng hay Hận Thù” đã được tổ chức vào chiều thứ Bảy ngày 25 tháng 4, 2009 tại trụ sở Cộng Đồng người Việt Quốc Gia Houston.

Tượng đài ghi cảnh di tản năm 1975 do họa sĩ Phạm Thông tạc và dựng ở Houston, Hoa Kỳ. Photo by Thy Nga RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/student-meeting-about-vietnam-today-04302009121532.html/Ti-Nan_tuong-Houston-305.jpg

Dĩ vãng 34 năm về trước

Trước khi trình chiếu đoạn phim tài liệu “34 năm nhìn lại” ông Võ Đức Quang, thay mặt ban tổ chức, đã chào mừng quan khách và các sinh viên :
“Chúng tôi sẽ đưa quí vị trở về cái dĩ vãng 34 năm về trước, đồng thời cũng ôn lại với các bạn sinh viên chuyện gì đã xảy ra với đất nước của chúng ta và ảnh hưởng của nó đối với chúng ta ngày nay”

Sau đó, diễn giả chính thức của buổi hội thoại là bà Tôn nữ Hoàng Hoa đã tóm tắt những giai đoạn lịch sử dẫn đến biến cố 30/4 và theo bà thì vì quá kinh sợ trước sự tàn ác của Hà nội qua những cuộc thanh trừng, đấu tố và vụ thảm sát Tết Mậu Thân nên nhiều người đã phải bỏ xứ ra đi:
“Làm một cuộc vượt thoát trên những đoạn đường ly cắt của gia đình, của bè bạn, của quê hương để phải ra đi đến một chân trời xa lạ mà không biết ngày trở lại trên những con thuyền bấp bênh, trên những chuyến bay trong cái vòng pháo kích … Ai đã gây ra cảnh đó ? Ở miền Trung, ở miền Nam với sự chôn sống, cắt cổ … đã làm cho người dân quá sợ hãi”

Không ai yêu Việt Nam bằng chính người Việt Nam

Mở đầu phần thảo luận, sinh viên Vũ Linh đã nói lý do khiến anh tham dự buổi hội thảo:
“Vì mục đích chung của chúng ta là đem Tự do Dân chủ về cho đất nước Việt Nam, hôm nay cháu xin mạn phép đứng đây phát biểu với tư cách của một người dân bình thường, hiểu được 4 chữ “Tự Do Dân Chủ” và cháu đứng đây với nỗi niềm của 1 thế hệ trẻ lớn lên ở trên 1 đất nước tự do nhưng cháu không quên mình vẫn còn mang dòng máu dân tộc Việt Nam.
Có một bậc trưởng thượng đã nói với cháu một câu: không ai yêu đất nước Việt Nam bằng chính con người Việt Nam. Và đúng như vậy, tuổi trẻ chúng cháu, tuy sống và lớn lên ở xứ người nhưng trong lòng vẫn chảy một giòng máu Việt. Chúng cháu hy vọng sẽ được học hỏi thêm từ quí bác để cùng góp sức làm được một cái gì cho quê nhà.”

Và anh khẩn thiết mong mỏi sự thông cảm của thế hệ cha anh trước phương cách tranh đấu mới mẻ hơn của lớp trẻ ngày nay, để mang lại Tự Do và Dân Chủ cho quê hương Việt Nam:
“Thưa quí vị, thời thế đã thay đổi, thì chúng ta cũng phải biết thay đổi chiến thuật và chiến lược theo thời thế, tuy nhiên những sự thay đổi này sẽ có nhiều điều mới lạ nhưng chúng ta sẽ giữ vững lập trường đó là đấu tranh cho Tự do và Dân chủ cho Việt Nam. Và tuổi trẻ, nhất là bản thân cháu đây, xin thành khẩn mong những bậc đi trước sẵn sàng mở rộng vòng tay bao dung và ôn hòa hơn để có thể tiếp nhận những những tư tưởng mới để tuổi trẻ có thể tiếp nhận những tư tưởng mới để tuổi trẻ có thể bư ớc vào tiếp sức, đưa ngọn đuốc Tự do Dân chủ về tới quê nhà tại Việt Nam”

Một sinh viên năm cuối của đại học Houston, tên Trần Vũ đã phát biểu ý kiến về Ngày 30/4:
“Nếu có ai hỏi em Ngày 30 Tháng 4 là ngày gì thì em xin mao muội trả lời rằng: Ngày 30/4 là ngày cuối cùng của một chế độ mà đã mang đến cho Sàigon cái tên mỹ miều là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Và Ngày 30/4 cũng là ngày đầu tiên của một chuỗi ngày dài đau thương đối với con rồng cháu tiên ngay trên giải đất hình chữ S.
Mười năm sau khi biến cố lịch sử xảy ra em mới chào đời, nên em không biết chi tiết về cuộc chiến, cũng không biết hết cảm giác đau đớn, chua xót của các bậc trưởng thượng, các bác, các chú các cô khi thấy vận mệnh đất nước đã đến hồi kết, cách đây 34 năm và cũng không thể cảm nhận hết tất cả những nỗi tủi nhục của các bậc cha anh, khi phải tìm đường vượt biển để trốn ra khỏi chính quê hương mà mình vô cùng yêu thương nhưng bù lại, em cũng như các bạn trẻ trong và ngoài nước, có một lòng yêu nước tha thiết.
Em khát khao được nhìn thấy một nền tự do dân chủ trên đất nước Việt Nam, nơi mọi người được nói lên điều mình suy nghĩ. Em ước gì trên đất nước ta Thiên Chúa giáo, Phật giáo và các đạo giáo khác sẽ không bị sự kềm kẹp của chính quyền”

Anh Bùi Khánh, một sinh viên đã ra trường nói về cái khoảng cách giữa thế hệ cha anh và thế hệ trẻ hơn, nhưng theo anh khoảng cách đó có thể san bằng được. Và anh cho biết Ngày 30/4/75 đã dạy cho anh là Tự Do rất mong manh và không hề được bảo đảm

Giới trẻ tại Việt Nam và những du học sinh

Cô Chinh, 20 tuổi, sinh viên khoa tâm lý học, nói rằng cha của cô đã chiến đấu để bảo vệ tự do cho Việt Nam Cộng Hoà thì giờ đây những người trẻ như cô, cũng phải mang lại Tự Do Dân chủ cho Việt nam nhưng cô không tin rằng hận thù có thể giải quyết được vấn đề Tự Do Dân chủ cho đất nước
Trả lời câu hỏi của một người tham dự buổi hội thảo, là có một giải pháp gì hay một đề nghị gì cho nhà nước Việt Nam, hay cho người dân Việt trong nước cũng như tại hải ngoại, trước công cuộc vận động cho Tự do Dân chủ tại Việt Nam, một sinh viên của đại học Houston tên Trác cho biết là chỉ có giới trẻ tại Việt Nam mới có thể làm được việc đó:
“Muốn thay đổi Việt Nam thì người Việt tại hải ngoại không làm được, chỉ có người trẻ tại Việt Nam mới làm được điều đó, mình chỉ có thể làm cho họ hiểu biết được đời sống tự do là gì. Đa số người dân Việt Nam còn trẻ, chỉ dưới 30 tuổi và em nghĩ chỉ có cách dùng internet mà thôi, vì những phương tiện truyền thông khác đều bị bưng bít.”

Và sinh viên Vũ Linh thêm rằng du học sinh là những người có thể mang lại sự thay đổi cho Việt Nam khi họ trở về nước :
“Người dân tại Việt Nam vẫn chưa có cơ hội để hiểu Tự do, Dân chủ là gì vì họ nghèo quá chỉ lo làm việc kiếm ăn cho gia đình nên cần phải cho giới trẻ hiểu về Tự do Dân chủ. Theo em, du học sinh là những người có ý thức muốn thay đổi Việt Nam nên mình cần giúp họ hiểu rõ Tự do Dân chủ để khi về nước họ sẽ chỉ lại cho người dân”

No comments:

Post a Comment