Thursday, April 23, 2009

CÔNG NHÂN XUẤT KHẨU VIỆT NAM GẶP NẠN TẠI HOUSTON (TEXAS)

DB Cao Quang Ánh: Gắn Liền Công Nhân Gặp Nạn Ở Houston Với Chính Sách Mậu Dịch Đối Với Việt Nam
Posted on Wednesday, April 22 @ 23:16:04 EDT
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1556

Tin của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển -- 22/04/09

Trong chuyến viếng thăm trụ sở cộng đồng Việt ở Houston cuối tuần qua, Dân Biểu Liên Bang Cao Quang Ánh gặp gỡ và uỷ lạo 19 anh em công nhân “xuất khẩu lao động” đang tranh đấu đòi công lý.
Họ thuộc số 38 công nhân làm thợ hàn tại hãng đóng tàu Southwest Shipyard thuộc vùng Pasadena, Texas. Họ đã phải đóng khoản tiền phí dịch vụ từ 6 ngàn rưởi đến 15 ngàn Mỹ kim cho các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam. Họ được hứa hẹn việc làm cho 30 tháng, tối thiểu 50 giờ một tuần, ở mức lương 15 Mỹ kim một giờ cho 40 giờ đầu tiên và thêm 50% cho những giờ làm phụ trội.

DB Cao Quang Ánh hỏi han một công nhân “xuất khẩu lao động”, Houston, 17/04/09 (ảnh Ngy Thanh)
http://www.machsong.org/spaw/images/Cong%20Nhan%20&%20DB%20Anh.jpg

Tuy nhiên mới chỉ làm việc được tám tháng, họ được thông báo là không được gia hạn chiếu khán và phải hồi hương. Trên một chục công nhân chấp nhận hồi hương và một số bỏ trốn đi các tiểu bang khác; còng 20 công nhân ở lại Houston thì đã cầu cứu sự can thiệp của các tổ chức trong cộng đồng Việt.

Qua móc nối của một số nhà hảo tâm, hai hãng luật lớn ở Houston đồng ý trợ giúp về mặt pháp lý cho các công nhân trong vụ kiện dân sự lẫn việc truy tố hình sự.

Riêng về mặt chính sách, DB Ánh cho biết: “Khi trở về Quốc Hội tôi sẽ kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ gắn liền vấn đề này với quy chế General System of Preferences (GSP) mà Việt Nam đang vận động với Hoa Kỳ”.
Quy chế GSP giảm thuế trên nhiều ngàn mặt hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ cho các quốc gia chậm phát triển. Muốn hưởng quy chế này, Việt Nam phải chứng tỏ sự tôn trọng quyền của người lao động.
Trường hợp của số công nhân gặp nạn ở Houston không chứng minh sự tôn trọng này. Chẳng hạn, bản hợp đồng của Công Ty Cổ Phần Sông Đà (SIMCO), một trong bốn công ty đã đưa số công nhân này sang Hoa Kỳ, cấm công nhân “không được tham gia các hoạt động chính trị, tôn giáo, công đoàn bất hợp pháp.”

“Đây là một vi phạm trắng trợn quyền lao động và quyền con người bởi SIMCO, một công ty quốc doanh”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, nhận định.
Theo Ông, các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam là nhân tố chính nhưng không phải độc nhất trong đường dây đưa người lao động sang Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, các công nhân này được bàn giao cho công ty cung ứng lao động Coast to Coast Resources. Công ty này lại dùng công ty ILP Agency, do một người Mỹ gốc Việt tên Vũ Quốc Hùng làm chủ, làm môi giới. Theo hợp đồng ký với Coast to Coast Resources, các công nhân này sẽ làm việc cho hãng Dynamic Industries ở Harvey, Louisiana, nhưng lại bị giao cho hãng Southwest Shipyard ở Pasadena, Texas.

Điều trùng hợp là Ông Vũ Quốc Hùng cư ngụ ở Harvey, Louisiana, ngay trong địa hạt 2 mà DB Ánh đại diện.

Trong kế hoạch xuất cảng lao động của Việt Nam, Hoa Kỳ là một thị trường béo bở. Từ năm 1999 Việt Nam đã có kế hoạch đưa người lao động vào Hoa Kỳ, khởi đầu với nhóm 250 công nhân đưa đến đảo American Samoa. Số công nhân này bị bóc lột và ức hiếp nặng nề. Cuối năm 2000 họ được cơ quan công lực Hoa Kỳ giải cứu. Phối hợp với chính phủ Hoa Kỳ, UBCNVB giúp nhiều nạn nhân định cư ở Hoa Kỳ và làm thủ tục cho họ ở lại Hoa Kỳ làm nhân chứng. Chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ sau đó đã truy tố chủ sử dụng lao động--ông ta bị tuyên án 40 năm tù về tội buôn người. Đồng thời toà thượng thẩm của đảo American Samoa xử hai công ty xuất khẩu lao động quốc doanh phải bồi thường 3.5 triệu Mỹ kim cho các nạn nhân; cho đến nay chính phủ Việt Nam vẫn lờ đi khoản bồi thường này.

Lo lắng tình trạng tái diễn, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội đã triệu tập các công ty xuất khẩu lao động liên quan đến sự vụ đang diễn tiến ở Houston và chỉ thị cho các công ty cấp tốc gởi cán bộ sang Hoa Kỳ để bằng mọi cách đưa các công nhân về nước và ngăn chặn vụ kiện dân sự cũng như việc chính phủ Hoa Kỳ có thể truy tố hình sự. Đồng thời các công ty xuất khẩu lao động áp lực thân nhân ở Việt Nam phải triệu các công nhân về nước nhằm “tránh những hậu quả đáng tiếc sau này”.

No comments:

Post a Comment