Chống đối xã hội dâng cao tại TQ
Phùng Nguyễn
tóm lược
Cập nhật:06:25 GMT - Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/04/090331_china_unrest.shtml
Trải qua hơn 30 năm cải cách và mở cửa, đồng thời với sự phát triển không ngừng về kinh tế, thì sự chênh lệch giàu nghèo và mâu thuẫn xã hội tại Trung Quốc đại lục cũng ngày càng gay gắt.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, số lượng phong trào chống đối xã hội được nhà cầm quyền Bắc Kinh gọi là "sự kiện có tính đám đông" đã mỗi năm một tăng, mấy năm gần đây xu thế này đã tăng trưởng có tính bùng nổ.
BBCVietnamese.com xin giới thiệu với quý vị một số tóm lược tình hình Trung Quốc, được cho là có nhiều nét tương đồng với hoàn cảnh Việt Nam:
*****
Sách xanh "Phân tích và dự báo tình hình xã hội Trung Quốc" do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố năm 2005 cho thấy, số lượng "sự kiện có tính đám đông" phát sinh ở Trung Quốc từ chỗ 8.700 vụ năm 1993 đã tăng lên đến 60.000 vụ năm 2003, số người tham dự đã từ 730.000 người tăng lên 3, 07 triệu người.
Sự kiện chống đối năm 2004 đã tăng tới hơn 740.000 vụ, số người tham dự vượt quá 3,760 triệu người. Còn năm 2005, số lượng "sự kiện có tính đám đông" đã đạt 870.000 vụ, trung bình cứ 6 phút xảy ra 1 vụ.
Năm 2006 theo số liệu của cơ quan công an, thì số lượng xử lý cái gọi là "làm loạn trật tự đơn vị", "gây rối trật tự công cộng", "cản trở việc chấp hành công vụ"... là 599.912 vụ.
Năm 2008, số lượng vụ chống đối có tính đám đông không những nhiều, qui mô lớn, mà hành vi càng thêm dữ dội (như vụ Dương Nhai, Thượng Hải do bị bức bách quá mức đã giết cảnh sát tại đồn, vụ hàng ngàn lái xe tắc xi bãi công một lúc tại Quảng Đông v.v.)
Chế độ "phân thuế"
Theo bà Hà Thanh Liên, nhà kinh tế nổi tiếng, thì sở dĩ mười năm gần đây Trung Quốc bước vào thời kỳ đỉnh cao của chống đối xã hội là do: từ năm 1994, Trung Quốc cho làm thử và năm 1995 chính thức thực hiện chế độ "phân thuế".
Năm 1995, thu nhập tài chính cộng thêm thu nhập ngoài dự toán của chính phủ Trung Quốc chiếm khoảng hơn 20% GDP, mấy năm gần đây liên tục tăng trưởng, tới hơn 30 %.
Trong khi đó con số tuyệt đối của GDP cũng càng ngày càng lớn, nên có thể nói chính phủ càng ngày càng giàu. Đã thế, số người mà chính phủ phải "nuôi" chỉ vào khoảng 70 triệu người, nhưng phần của 1,250 tỷ quốc dân mấy năm nay lại chỉ dao động quanh con số 12-14% GDP.
Có thể nói 70 triệu người tiêu hết 60% của 30% GDP(tức khoảng 18%), trong khi số còn lại chỉ có hơn 12% GDP, chỉ nhìn vào đó cũng biết là xã hội có công bằng hay không?
Do vậy việc chính quyền các cấp ngày càng hủ bại; chênh lệch giầu nghèo ngày càng lớn, thất nghiệp ngày càng tăng .. là điều không khó hiểu.
Sau khi thực hiện chế độ "phân thuế" thì nguồn thu của các địa phương chủ yếu là "tài chính nhà đất". Chính quyền địa phương "mua đất với giá rẻ" và "bán nhà với giá cao"(có người ước tính lãi tới hơn 60%) Chính vì vậy, trong các "quan tham" của Trung Quốc có tới 90% liên quan đến nhà đất.
Các địa phương đều đang xây dựng đô thị, không những thế còn xây rất đẹp, nhưng rõ ràng là những đô thị mới mọc lên đó đã làm cho nhiều nông dân mất ruộng đất, nhà cửa, vườn tược.
Từ năm 1998 đến nay sự chống đối của dân chúng chủ yếu có bốn loại:
Thứ nhất, nông dân nông thôn do mất ruộng đất mà chống đối:
Mười mấy năm qua, ruộng đất Trung Quốc đã giảm gần 150 triệu mẫu Trung Quốc (mỗi mẫu TQ bằng 1/15ha, tức khoảng 660m2), Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự tính, cứ mất đi hai mẫu TQ sẽ có nghĩa là 1 nông dân TQ không có ruộng đất. Mất gần 150 triệu mẫu TQ ruộng đất có nghĩa là khoảng 80 triệu nông dân Trung Quốc không còn ruộng đất.
Mà nông dân Trung Quốc một khi không còn ruộng đất thì họ sẽ là loại người "ba không": không đất để cầy , không nghề để sống, không nơi để đi.
Năm 2005 sở dĩ tại Hán Nguyên, Tứ Xuyên xảy ra vụ 10 vạn nông dân chống đối là vì khi trưng dụng ruộng đất để làm hồ chứa nước, người ta đã lấy hết ruộng đất của nông dân ở đó, mà mỗi gia đình chỉ được bồi thường hơn 10.000NDT (1NDT bằng khoảng 2.500VNĐ).
Thứ hai, cư dân đô thị do cưỡng chế dời đi mà chống đối:
Trước năm 1995, sự chống đối xã hội xảy ra ở đô thị chủ yếu là do công nhân thất nghiệp, nhưng từ năm 1995 đến nay đã xuất hiện hiện tượng mới: đấu tranh xã hội là do phản đối lại việc bị di chuyển nơi ở.
Thống kê của một Trung Tâm nhà ở Thụy Sĩ cho biết ở Trung Quốc từ năm 1995 đến năm 2005 đã có 3,8 triệu hộ thành thị bị mất nhà( vào dịp Trung Quốc chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh trung bình, mỗi tháng có hơn 13.000 người bị đuổi khỏi nhà).
Để biểu thị sự chống đối nhiều người đã dùng những hình thức phản kháng dữ dội như tự thiêu, nhấy cầu tự tử, như năm 2003 tại Nam Kinh đã có 1 vụ tự thiêu đồng thời làm chết theo 8 người nữa, gây chấn động toàn quốc
Thứ ba, do ô nhiễm môi trường mà dẫn tới chống đối để bảo vệ môi trường:
Trung Quốc nay trở thành "nhà máy của thế giới". Dựa vào điều gì mà gọi Trung Quốc như vậy? Có hai điều, một là thấu chi vào giá thành sinh mệnh của người lao động; và hai là giá thành môi trường của Trung Quốc
Hiện nay cả nước chỗ nào cũng có ô nhiễm. Theo báo cáo của Ngân Hàng thế giới trong mười thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, Trung Quốc chiếm sáu thành phố.
Theo số liệu do Trung Quốc chính thức công bố, mỗi năm do không khí bị ô nhiễm mà có tới 400.000 người bị chết vì bệnh tật, còn năm 2006, Ngân hàng thế giới trong một báo cáo đã cho rằng có 750.000 người Trung Quốc chết vì không khí ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường cũng làm cho thực phẩm của Trung Quốc không an toàn. Theo tin chính thức, cả nước hiện có 10% ruộng đất bị ô nhiễm, 150 triệu mẫu TQ ruộng đất bị ô nhiễm này, ngoài việc do bón phân hóa học ra còn do nhiễm nước ô nhiễm, và chất thải rắn ô nhiễm(như kim loại nặng ô nhiễm), qua đất, nước, các chất độc này nhiễm vào cây trồng làm cho thực phẩm, gia súc bị nhiễm độc và qua đó truyền vào con người.
Ô nhiễm môi trường còn làm cho môi trường làm việc ở Trung Quốc không an toàn. Theo tài liệu của Bộ Y tế Trung Quốc, thì Trung Quốc là một trong mấy nước có bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng nhất, số xí nghiệp trong cả nước liên quan tới sản phẩm độc, hại đã vượt quá 16 triệu, số người tiếp xúc với nhân tố nguy hại do bệnh nghề nghiệp đã tới hơn 200 triệu.
Đã có những thôn, xóm lao phổi, ung thư.. do ô nhiễm tạo nên, và tại Hà Bắc, Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc, Chiết Giang... Trung Quốc đã xuất hiện không ít những thôn trang như vậy.
Thứ tư, chống đối kiểu " trút phẫn nộ":
Ví dụ như "sự kiện Ông An, Quí Châu" năm 2008, khởi nguồn là do một nữ sinh trung học bị bức hại đến chết, do nguyên nhân chết không rõ, cuối cùng dẫn tới mấy vạn dân chúng bản địa xung kích chính quyền, đốt cháy trụ sở chính quyền, náo động một vùng.
Giải thích sự kiện không bình thường này, một quan chức cho biết đó là sự bùng nổ của sự tích lũy âm ỷ từ lâu mối "thù quan", "thù cảnh sát", "thù bọn giầu phất" trong dân chúng.
"Thù quan" là thù hận chính quyền; "thù cảnh sát" vì cảnh sát là công cụ trấn áp; "thù bọn giầu phất" là vì bọn này cậy thế làm ẩu, làm càn.
Nói một câu, chính sách công của xã hội Trung Quốc đã tạo nên mô thức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, mô thức tăng trưởng kinh tế này đã cướp đoạt tài nguyên sinh tồn của dân chúng, cho nên họ buộc phải chống đối. Thế thì sự chống đối này còn có dư địa để lùi không? Không có, sự phẫn nộ của dân chúng còn chưa đến cực hạn.
Có chuyện Dương Nhai là một thanh niên Bắc Kinh, khi đến Thượng Hải bị đối xử không công bằng, nên đã giết cảnh sát, giết liền một lúc 6 cảnh sát trong đồn và được nhiều người Trung Quốc khen là anh hùng, đại hiệp, không ai đồng tình với cảnh sát cả.
Vợ một cảnh sát bị giết cảm thấy oan khuất đã nói, chồng chị ta là người lương thiện, từng góp tiền giúp người nghèo. Một người biết chuyện đã viết: mọi người không hận thù cá nhân chồng chị, mà hận thù hệ thống cảnh sát do chồng chị là đại diện.
Câu nói đó phải chăng đã phản ánh đúng lòng dân?
No comments:
Post a Comment