Thursday, April 30, 2009

CHIA CỦA CẢI KHÔNG ĐỀU

Chia của cải không đều
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, April 28, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94120&z=7
Lúc sinh thời, có lần cựu Dân Biểu Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Hữu Chung viết rằng mỗi lần đến ngày 30 Tháng Tư ở Việt Nam nơi có nhiều người thích mở tiệc ăn mừng nhất là tại Sài Gòn và Buôn Mê Thuật. Vì sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 ở hai nơi đó có rất nhiều người đã chiếm được của cải mới. Họ chiếm những ngôi biệt thự mà cả đời họ vẫn mơ ước ở Sài Gòn, hoặc chiếm được những mảnh đất đồn điền mầu mỡ trên cao nguyên. Cả đời họ không bao giờ quên những chiến lợi phẩm đó, mỗi năm họ lại ăn mừng cuộc đổi đời của mình.

Nguyễn Hữu Chung so sánh hiện tượng chiếm nhà chiếm đất này với chuyện trong sử cũ: Khi quân Pháp chiếm xong Lục Tỉnh, họ cũng chia của cả cho những người Việt Nam theo Pháp. Nhiều đại gia vào thế kỷ 19 ở Nam Kỳ đã trở thành chủ nhân những cánh đồng bát ngát là nhờ cuộc đổi đời mà thực dân Pháp tạo ra. Các đoàn quân chiến thắng đều cướp và chiếm của cải, những người dân bản xứ biết theo thời cũng được “cách mạng cuộc đời” của họ như vậy. Thực dân Pháp dùng súng cướp đất rồi đem chia cho lũ tay sai. Chế độ Cộng Sản cũng dùng súng chiếm lấy quyền phân chia của cải; nhưng họ còn sử dụng mánh khóe hay hơn thực dân thế kỷ 19, là làm sao ép được người ta “hiến dâng của cải” cho đảng và nhà nước nữa. Như vậy thì không có ai mang tiếng là đi ăn cướp trực tiếp của người khác. Hiến cho nhà nước tức là cho một cái vật trừu tượng, chung chung, chứ không cho riêng một người nào cả. Sau đó, nhà nước nằm trong tay ai thì người đó được hưởng, đó lại là chuyện khác!

Nhưng có cảnh tượng mà ông bạn Nguyễn Hữu Chung đã qua đời nên không được trông thấy, là mấy chục năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975, những cảnh cướp của và chia của cho nhau vẫn còn tiếp tục, vẫn là cảnh bọn người cướp được quyền để chia của cải cho nhau. Như vụ các quan lớn chia nhau mua đất vườn cây cao su ở tỉnh Bình Dương rồi sau đó đem bán lại, như ở Mỹ người ta gọi là “lật đảo nhà” - flipping, giống như lật miếng chả chiên trong chảo. Nhưng ở Mỹ người mua một cái nhà rồi đem flip, bán lại ngay trong một thời gian ngắn, nhà giá một triệu người ta cũng chỉ hy vọng kiếm lời được mấy chục ngàn thôi. Ở Việt Nam thì khác, các đại gia mua đất rồi bán lại, trong vòng mấy năm bỏ vốn một đồng bán ra giá tới 20 đồng, lời 2000 phần trăm! Ðó mới thật là đỉnh cao trí tuệ!

Lý do các đại quan cách mạng kiếm được lời nhiều như vậy là vì họ theo quy luật kinh tế độc quyền của đảng. Họ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào thực tế nước ta, đúng như “Bác Hồ” dậy! Khi mua đất họ trả giá rẻ được vì chính họ làm ông thầy của cái anh đứng ra bán, bảo sao nó cũng phải nghe. Rồi khi bán lại đất, họ cũng nắm trong tay quyền sai phái cái cậu đứng ra mua, bán giá nào nó cũng phải chịu. Giống như tự mình bán cho mình, rồi lại tự mình mua lại của mình vậy, giá nào mà chẳng được? Cái “vật” được đem ra mua và bán ở đây là đất, không thuộc về các ông áy mà họ vẫn nắm quyền mua rồi bán, bán vào đúng lúc nào họ muốn. Như thế đó mới là đỉnh cao trí tuệ.

Giống như bây giờ tôi đến nhà bạn, thấy bạn có trái bưởi thơm quá. Màn thứ nhất: Tôi bảo anh đầy tớ của bạn tổ chức một cuộc bán đấu giá trái bưởi. Tôi là người duy nhất có mặt, trả giá một đồng và mua được ngay, tôi đưa bạn một đồng rồi đem trái bưởi ra về. Vài bữa sau, hay là ngay hôm sau, tới màn thứ hai: Tôi tới nhà bạn và anh đầy tớ của bạn tổ chức bán đấu giá trái bưởi lần nữa. Chỉ có mình tôi bán cho nên khi tôi xin bạn trả tôi 20 đồng, anh đầy tớ đồng ý ngay. Tôi trả lại bạn trái bưởi và cầm 20 đồng bỏ túi. Trong tất cả hai màn kịch mua bán đó, tôi nói giá nào người đầy tớ của bạn cũng đồng ý hết. Giản dị, vì nó là tay sai của tôi. Nó chỉ sợ tôi chứ không sợ ai cả. Mà bạn cũng vậy, bạn không dám cãi nó, vì bạn cũng sợ tôi nốt. Vì tôi vừa là đảng, vừa là nhà nước, lại là đại biểu của nhân dân luôn! Mua bán như vậy gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng còng số tám!” Bởi vì tôi có còng số tám sẵn trong tay, không nghe tôi cũng không được.

Câu chuyện xẩy ra ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương diễn ra giống hệt như vậy. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, đảng Cộng Sản cướp hết đất đai ở miền Nam trong đó có những khu vườn cao su. Tất cả đất đai từ nay thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Các ông nhà nước làm đầy tớ của dân, các ông đó do đảng chỉ định và được đảng lãnh đạo; họ chỉ quản lý đất đai giúp dân thôi.

Mấy năm sau khi “giải phóng” các thửa đất của mọi người, màn thứ nhất mở ra: Công ty quốc doanh Sobexco đang quản lý 642 ha (mẫu Tây) đất cao su tuyên bố làm ăn thua lỗ, nợ nhiều quá, xin bán đất để trả nợ. Chẳng hiểu họ vay tiền những ai, vay về làm những gì, và tại sao lại nợ nhiều như thế. Nhưng họ đã xin phép và được tỉnh Bình Dương cho phép bán. Giá đất tính bình quân 50 triệu một mẫu, hecta. Công ty Sobexco do đảng Cộng Sản lãnh đạo. Chính quyền tỉnh Bình Dương cũng được đảng Cộng Sản lãnh đạo. Và có 40 người đứng ra mua những khu đất vườn cao su đó với giá 50 triệu một mẫu, họ cũng nằm trong đảng. Nhóm 40 người này không cần đảng lãnh đạo; mà ngược lại, chính họ lãnh đạo đảng trong chuyện mua bán này! Cho nên sau vài lần thay đổi giấy tờ, Sobexco được cho phép “bán với quyền sử dụng đất,” rồi được vội vàng cấp sổ đỏ, tức là các đại gia trở thành chủ đất, những mảnh đất trước kia là của tư bị cướp biến thành của công, giờ lại quay ngược chiều biến trở lại thành tư hữu, dù chỉ nắm quyền sử dụng. Màn thứ nhất này kết thúc vào năm 2001.

Bước vào năm 2006 thì đến màn thứ hai. Biến cố chính trong màn hai này là đất tư hữu lại được biến hóa trở thành đất công với giá mới. Tất cả những màn kịch này diễn ra trong thời gian ông Nguyễn Minh Triết nắm đầu tỉnh Bình Dương và được tiếng là một cán bộ lãnh đạo tỉnh rất “năng nổ.”

Trong màn thứ hai những nhà đầu tư mua đất bắt đầu đem flip, đảo mặt cái miếng thịt chiên là những mảnh đất ngày xưa vẫn trồng cao su. Tỉnh Bình Dương có một công ty Xuất Nhập Khẩu Bình Dương, và công ty này làm ra cái dự án xây dựng Khu công Nghiệp An Tây. Tình cờ (!)nơi xây dựng dự án nằm ngay trong khu đất 642 mẫu đất trồng cao su ngày xưa, đã biến thành của tư hữu của các đại gia trong đảng. Chính cái tỉnh này đã bán đất công vườn cao su cho 40 đại gia, bây giờ họ sắp sửa mua lại.

Thương hải biến vi tang điền, cho nên sang năm 2006, số đất mà 6 năm trước đó được nhà nước Cộng Sản tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng một hecta, nay sắp biến thành Khu Công Nghiệp đã được công ty quốc doanh nhận đền bù cho các chủ đất với giá một tỷ đồng một hecta. Tức là mua giá một đồng, bán giá 20 đồng. Ngay Bill Gates cũng không kiếm tiền nhanh như thế! Trong bốn tháng, từ Tháng Bảy đến Tháng Mười năm 2007, công ty Xuất Nhập Khẩu Bình Dương đã trả ra hơn 500 tỷ để đền bù cho chủ của những vườn cao su cũ.

Nhưng trong số 40 đại gia của tỉnh Bình Dương có những người không chịu nhận mức lời vốn một đồng lời 20 đồng. Chắc họ nghĩ có thể còn kiếm lời cao hơn, cho nên không chịu bán. Trong số 280 mẫu đất không chịu bán đó có 185 mẫu thuộc ông Hai Tâm, mà bà vợ ông là chị của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không biết bà Hai Tâm tính toán ra sao, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng sau này khu công nghiệp thành hình rồi thì tất cả đất đai chung quanh chắc sẽ lên giá. Biết đâu trong mười năm nửa giá một hecta đất đó sẽ lên tới 5 hay 10 tỷ đô la?

Chính vì bà Hai Tâm không chịu bán cho nên mới có vụ công an phải “cưỡng chế” bắt phải bán. Nhờ thế mà nhân dân vô sản toàn thế giới mới biết câu chuyện xẩy ra như thế nào! Chưa biết phe Nguyễn Tấn Dũng và phe chống Nguyễn Tấn Dũng sẽ đấu đá nhau kết quả ra sao. Chắc đảng Cộng Sản sẽ xử lý nội bộ với nhau để giữ “ổn định chính trị!”

Cuộc cách mạng Cộng Sản ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều là những vụ cướp tài sản. Ðúng như lời Karl Marx đe dọa: Những kẻ ăn cướp sẽ bị cướp lại! Những người Cộng Sản đầu tiên đã hát vang câu: “Bao nhiêu lợi quyền sẽ về tay mình” trong bài Quốc Tế Ca. Mình ở đây là giai cấp vô sản. Ðảng Cộng Sản cướp được chính quyền ở nước nào là họ chiếm ngay hết của cải, từ đất ruộng, nhà máy cho đến sức lao động của người dân, thu vào tay đảng sử dụng. Sau đó, đảng dựng lên guồng máy nhà nước chuyên chế thay mặt cho giai cấp vô sản để quản lý của cải chung. Nhà nước quản lý thì nhà nước phải được trả tiền công. Cũng giống như tại tại các nước tư bản có những ông bà quản lý quỹ đầu tư hedge funds (quỹ đối trọng, nói theo kiểu Hồng Kông). Trong các quỹ này các nhà tư bản góp vốn, các vị quản lý lo làm ăn sao cho vốn liếng sinh lời. Và mỗi năm các nhà quản lý được hưởng 1% hoặc 2% tài sản, cộng với 10 tới 20% tiền lời, ai không chịu thì đừng góp vốn.

Nhưng các đảng Cộng Sản khác giỏi quản lý những quỹ đối trọng. Toàn dân là những người góp vốn cho họ, không góp cũng không được, vì đây là “chuyên chính vô sản.” Các đảng viên Cộng Sản làm việc quản lý tự ấn định tiền công của mình, không tính phần trăm nào nhất định cả.

Ðến khi đảng “đổi mới” thì họ làm ngược lại, một cuộc cách mạng ngược chiều. Ðảng đem chia những của cải mà đảng đã cướp được thời trước. Ðem tư hữu hóa là cách chia giản dị nhất. Chia cho ai? Một vụ vườn cao su ở Bình Dương là thí dụ điển hình cho tất cả quá trình làm cách mạng ngược chiều của các đảng ở Việt Nam, ở Trung Quốc, và mai mốt sẽ được thực hiện ở Cuba, ở Bắc Hàn.

Ðồng bào Việt Nam coi tất cả những tấn tuồng trên mà chỉ cười trước cảnh những cán bộ Cộng Sản tranh ăn với nhau mà không ai nổi giận, thì đúng là cả nước Việt Nam đã biến thành triết nhân quân tử hết cả rồi.


No comments:

Post a Comment