Monday, April 6, 2009

BÔ-XÍT TUÔN LỆ ĐỎ KHÓC SƠN HÀ !

Bô-xít tuôn lệ đỏ khóc sơn hà (*)
Nguyễn Bặc
http://www.doi-thoai.com/baimoi0409_062.html
Trước đây khoảng nửa năm, khi nhà cầm quyền Bắc Kinh công bố quyết định sẽ bơm gần 600 tỉ USD (khoảng 450 tỉ
Euro) vào một chương trình kích thích kinh tế trong nước trước cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thì đã có rất nhiều tiếng hoan hô trên diễn đàn quốc tế. Bắc Kinh cho hay sẽ dùng số tiền khổng lồ này để tái thiết hạ tầng cơ sở bệ rạc của mình, hỗ trợ các vùng nông thôn nghèo xơ xác, cũng như xây dựng hệ thống an sinh xã hội sơ khai mấy chục năm qua. Chương trình kích cầu này cũng được cho hay sẽ không yểm trợ các dự án có hại cho môi sinh.
Chính chi tiết cuối cùng này đã làm cho một vài nhà phân tích chính trị Việt Nam nhíu mày: Họ có một ngờ vực nào đó, cho rằng các ngành công nghệ bẩn của Trung Quốc lâu nay (như khai thác quặng mỏ, nhất là mỏ bô-xít, một nguyên liệu để sản xuất nhôm), trước tình thế này sẽ tìm đường qua các xứ nghèo hơn, có nhân công rẻ hơn, có trình độ phát triển công nghệ thấp hơn để tung hoành sản xuất. Nói một cách khác, Trung Quốc đi xuất khẩu ô nhiễm. Việc xuất khẩu ô nhiễm này của Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn nữa, nếu xứ nghèo đó lại là một nước độc tài, bị cai trị bởi một cá nhân hay tập đoàn thiếu sáng suốt, tham quyền cố vị, đặt quyền lợi của phe nhóm trên quyền lợi tối cao của dân tộc. Ví dụ như nước Cộng Hoà Guinea bên châu Phi hay là… nước Cộng Hoà XHCN Việt Nam nằm sát nách Trung Quốc.

Nằm ven biển phía tây châu Phi, Guinea là một nước độc tài quân phiệt (đảo chính liên miên từ 2006 đến nay, lần cuối là cuối tháng 12/08), 10 triệu dân, lợi tức đầu người 473 USD, đứng hạng 157 trên thế giới, lạm phát khoảng 12,5%. Quân phiệt Guinea đã kí với Trung Quốc một hiệp ước, theo đó Trung Quốc xây cho Guinea một đập nước tại Souapiti và một nhà máy thuỷ điện có công xuất 150 Megawatt trị giá 1 tỉ USD. Để đổi lại, Trung Quốc sẽ có quyền nhập khẩu miễn phí 2 tỉ tấn bô-xít từ Guinea (có trị giá khoảng 800-1000 tỉ USD!).

Và nằm sát nách phía nam Trung Quốc, Việt Nam là một nước độc tài CS (thống trị cả nước liên tục từ 34 năm qua), 82 triệu dân, lợi tức đầu người 818 USD, đứng hạng 141 trên thế giới, lạm phát mới nhất là khoảng 11,5%. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy, năm 2007 chính Bắc Kinh đã gợi ý ĐCSVN nhượng cho Trung Quốc quyền khai thác các quặng mỏ trên Tây Nguyên (trước 1975 gọi là Cao nguyên Trung phần), đặc biệt là quặng bô-xít, đổi lại Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng và mở rộng đường sá từ Tây Nguyên xuống cảng Cam Ranh, kể cả việc tân trang mở rộng hải cảng này và xây dựng hoàn toàn mới một tuyến đường sắt, dài từ 200 đến 300 km, để chuyển hàng từ Đăk Nông xuống Bình Thuận. Ngày 1-11-2007 thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã ký một quyết định (số 167/2007/QĐ-TTg) thông qua và giao cho Tập đoàn Than Khoáng Sản VN, một công ti quốc doanh, quyền khai thác dự án bô-xít trên Tây Nguyên. Ngày 11-2-2009 bản Tuyên bố chung giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới dự án khai thác quặng bô-xít ở Đăk Nông mới được chính thức công bố, mặc dù văn bản này đã được kí kết từ 8 tháng trước đó, sau chuyến công du Bắc Kinh của Tổng bí thư CSVN Nông Đức Mạnh ngày 30-5-2008 (!).
Nhìn qua thì trên đây chỉ là một cuộc đổi chác, mà phía Việt Nam cũng có phần chấm mút. Vậy tại sao trong và ngoài nước lại nổi lên một làn sóng chống đối mãnh liệt dự án bô-xít Tây Nguyên? Đâu là vấn đề?
Vấn đề thứ nhất là: Dự án bô-xít Tây Nguyên sẽ đem lại một thảm hoạ môi sinh vô tiền khoán hậu trên đất nước ta. Các lợi nhỏ trước mắt sẽ không bù đắp được một phần trăm, phần ngàn sự tàn phá đất đai, sông ngòi và không khí của hằng thế hệ con cháu chúng ta sau nay.

Vì bô-xít được khai thác lộ thiên, nên phương thức này sẽ chiếm dụng vô số đất đai, người ta bắt buộc phải phá rừng và huỷ hoại môi trường sinh vật trên Tây Nguyên. Có thể tính đổ đồng rằng muốn có 1 triệu tấn Alumina (Alumina chưa phải là nhôm kim loại, mà chỉ là quặng bô-xít sơ chế, công thức hoá học là Oxyd nhôm Al2O3, để xuất khẩu), người ta phải phá bình quân 450 hec-ta rừng. Theo các dự án đầy tham vọng của các quan chức CSVN thì tổng công suất dự tính sẽ lên đến 18 triệu tấn/năm, tương đương với việc phá một diện tích đất đai là 8 ngàn hec-ta mỗi năm, năm này qua năm khác! Trong khi đó, dù chưa tính đến hậu quả tai hại của dự án bô-xít, sự tàn phá môi trường diễn ra từ năm 1975 đến nay ở Tây Nguyên đã quá sức tưởng tượng rồi: Riêng Lâm Đồng có 67 ngàn hec-ta rừng thông, thì đã bị phá huỷ 52 ngàn hec-ta!

Ngoài việc phá rừng và chiếm đất, việc khai thác bô-xít để chế biến Alumina còn tốn một lượng nước khổng lồ (24 triệu m3 nước cho 1 triệu tấn Alumina!), điều mà Tây Nguyên không có. Các dự án lại được thiết kế nằm ở vùng các suối đầu nguồn cung cấp nước cho các sông La Ngà, Đồng Nai, là các nguồn nước chính của thuỷ điện Hàm Thuận – Đa Mi và hồ Trị An. Hoặc nằm ở vùng đầu nguồn suối Đăk R’Tih – nguồn nước chính của các nhà máy thuỷ điện nằm trên sông Sêprốc. Nếu lấy nước để tinh chế Alumina thì sẽ thiếu nước nghiêm trọng cho yêu cầu của dân sinh, trồng trọt và cho thuỷ điện. Trong khi đó, mực nước ngầm tại Tây Nguyên đã giảm mất cả 20 mét, vì nhiều năm qua việc canh tác cao su, cà phê, trà, hột điều, hồ tiêu,… đã được đẩy mạnh quá mức.

Nhưng vấn đề môi sinh nhức nhối số một trong quá trình sơ chế Alumina là chất thải cực kì nguy hiểm của nó, gọi là bùn đỏ (tiếng Đức là Rotschlamm). Chất bùn đỏ được thải ra trong quá trình sơ chế Alumina, còn đọng lại một lượng Natronlauge rất lớn, cùng với những hoá chất khác như Oxyd sắt, Oxyd Titan và nhiều hợp chất khác, có tác dụng ăn mòn và huỷ diệt môi sinh nơi chứa nó, có thể ô nhiễm nguy hiểm các mạch nước ngầm và môi sinh của các vùng chung quanh. Cứ sơ chế 1 tấn bô-xít thì người ta phải thải ra nửa tấn bùn đỏ, cộng thêm với một khối nước nhiễm bùn. Vì các dự án của Việt Nam chọn phương pháp rẻ tiền, gọi là công nghệ thải „ướt“ (lạc hậu và nguy hại cho môi trường hơn công nghệ thải „khô“ đắt hơn), nên chất lỏng bùn đỏ phải lưu trữ trong các hồ chứa khổng lồ, có những đập chắn to lớn như đập hồ thuỷ điện. Vì địa thế cao của Tây Nguyên, có gió lớn về mùa khô và mưa nhiều về mùa mưa, nên việc giữ cho hàng triệu tấn bùn đỏ năm này qua năm khác trong các hồ chứa không bị gió bốc bay đi hoặc không trôi xuống các vùng dân cư chung quanh sẽ vô cùng tốn kém và mang nhiều rủi ro khôn lường sau này.
Chưa nói đến nhu cầu năng lượng để tinh chế Alumina (mà Việt Nam hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng), việc phải tích trữ trên Tây Nguyên một số lượng khổng lồ về hoá chất cho các nhà máy bô-xít, hay việc phá hoại thô bạo thiên nhiên để xây đường sá, cầu hầm và nguy cơ ô nhiễm bãi biển trong các hải cảng tương lai để xuất khẩu quặng bô-xít sơ chế, các vấn đề nói trên cũng đủ cho thấy nguy cơ của một thảm hoạ môi sinh kinh hoàng, di hại cho nhiều thế hệ con em Việt Nam.

Không phải là không có lí do, khi mà trong năm 2008 chính Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa gần 100 mỏ bô-xít trong vùng Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây và trong huyện Tĩnh Tây thuộc tỉnh Quảng Tây (trong đó có những mỏ chỉ vừa mới đi vào hoạt động được một năm), vì "quặng bauxite tàn phá môi trường, gây ra nhiều bệnh tật lạ cực kỳ nguy hiểm cho sức khoẻ con người" (Nhân Dân Nhật Báo).
Vấn đề thứ hai là: Dự án bô-xít Tây Nguyên là một nguy cơ về an ninh, quốc phòng cho nước ta: Nó chỉ là một lí cớ để người Trung Quốc có mặt chính thức và đông đảo trên một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng của Việt Nam.
Nó nằm trong cái gọi là chủ trương "hai Hành lang, một Vành đai kinh tế" của Trung Quốc (x.x. Bản Tuyên bố chung Việt-Trung ngày 2-6-2008, Điều 5). Hai Hành lang ở đây là quốc lộ 1 của Việt Nam và quốc lộ 13 của Lào, một Vành đai kinh tế là vùng Nam Hoa và ba quốc gia Đông Dương. Quốc lộ 13 nối liền miền Bắc Lào xuống Nam Lào vừa hoàn tất cuối năm 2008. Hiện nay Bắc Kinh đang giúp Kampuchia xây dựng lại quốc lộ 7, nối liền miền Bắc xuống hải cảng Kampot và Kompong Som trong vịnh Thái Lan, dự trù xong cuối năm nay. Nếu dự án Hành lang 2 này (nối liền các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây với vịnh Thái Lan) hoàn tất, hàng hoá xuất khẩu và tài nguyên nhập khẩu sẽ ra vào miền Hoa Nam một cách thong dong, thẳng đuột.
Trong chiến lược này thì hai Hành lang giống như 2 ngón tay xỉa dài của Trung Quốc chọc thẳng vào cái gọi là "Vành đai Kinh tế" mà Bắc Kinh có lẽ xem như „sân nhà“ của mình (tương tự như chủ trương của Trung Quốc lâu nay xem Biển Đông từ đảo Hải Nam đến Trường Sa là „ao nhà“ của họ).
Trong khi Hành lang 2 được Bắc Kinh xem đã nắm chắc trong tay rồi, thì Hành lang 1 (quốc lộ 1 của Việt Nam) cần phải được bảo đảm hơn nữa bằng sự hiện diện hữu cơ và đông đảo của người Trung Quốc.
Mặc dầu các dự án khai thác quặng bô-xít chưa được thông qua, trong lúc các chuyên gia và quan chức Việt Nam còn đang tổ chức các cuộc „toạ đàm“ tới lui về vấn đề „Mất và được trong việc khai thác bô-xít Tây Nguyên“,vân vân và vân vân, thì hơn 1000 người Trung Quốc „lạ lẫm“ đã có mặt tại Đăk Nông để đo đạc, đào xới và xây dựng cơ xưởng. Còn ở Bảo Lâm (Bảo Lộc-Lâm Đồng), một cán bộ phòng Lao động Thương binh tại thị xã Bảo Lộc nói rằng hiện nay có khoảng 500 người Trung Quốc gồm các chuyên gia và công nhân đang phục vụ mỏ và cho biết khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ có hơn 6000 người Trung Quốc phục vụ tại đây. Sau một hàng rào cao hơn đầu người là một dãy nhà mới xây khang trang làm nơi ở của các "chuyên gia" Trung Quốc. Cũng tại Bảo Lâm, các cửa hàng („Trung Hoa Quán“) đã mọc lên để phục vụ các "chuyên gia" và công nhân „nước bạn“, mà tổng số trên toàn Tây Nguyên có khả năng lên tới từ 10 000 đến 20 000 người và có nhiều dấu hiệu chứng tỏ đây là những quân nhân mặc thường phục.
Vấn đề thứ ba là: Dự án bô-xít Tây Nguyên sẽ đem lại nhiều bất ổn xã hội cho nước ta.

Từ xưa nay, cộng đồng người Thượng vùng Cao nguyên Trung phần (với các dân tộc lớn là Bahnar, Jarai, Rade, Kaho, Mnong và Stieng) đã chưa bao giờ thắm thiết được với các chính quyền trung ương, dù chính quyền đó là Sài Gòn trước kia, hay Hà Nội từ 1975 đến nay. Họ có những liên hệ thân thiện hơn với người Pháp hay người Mỹ trong thời chiến tranh, vì những người phương xa này có chính sách gian ngoan lấy lòng họ, huấn luyện quân sự cho họ, để dùng họ làm phương tiện áp lực chính trị với chính quyền người kinh. Ngược lại, các chính quyền Sài Gòn hay Hà Nội không những đối xử tệ bại với họ như con ghẻ, mà còn luôn luôn nhìn họ với cặp mắt đầy nghi ngờ, đàn áp ngấm ngầm và công khai các phong trào đòi quyền sống chính đáng của họ. Tình hình đàn áp người Thượng Tây Nguyên dưới thời CSVN đã lên cao điểm, thời các quan chức đỏ tìm cách chiếm cứ đất đai, núi rừng –là không gian sinh sống của người Thượng- rồi bán cho dân di cư từ các tỉnh miền Bắc ào ạt vào trồng trọt, lập nghiệp. Dân số Tây Nguyên trước đây là 1,2 triệu, nay đã lên đến 4 triệu. Năm 2001, hàng ngàn người Thượng Tây Nguyên đã tổ chức đứng lên biểu tình ôn hoà để đòi đất sống và đòi tự do tôn giáo (nhiều người Thượng theo đạo Tin Lành, do chính sách truyền đạo của người Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam). Họ đã bị CSVN dồn quân đội đàn áp vô cùng man rợ. Hàng loạt những người lãnh đạo Thượng đã bị bắt trong đợt này và xử tù nặng đến 10-12 năm, nhiều người vô danh chết trong cuộc tra tấn của CSVN. Những năm sau đó, hàng ngàn người dân Thượng lũ lượt kéo nhau qua Kampuchia xin tị nạn chính trị với UNHCR. Làn sóng bất mãn này trong tương lai chắc chắn sẽ gia tăng trong cộng đồng người Thượng, nếu đất đai và núi rừng Tây Nguyên bị dự án bô-xít tàn phá một cách có hệ thống.

Các chuyên gia an ninh CSVN sẽ nghĩ sao, nếu phong trào phản kháng này của người Thượng Tây Nguyên sẽ bị các chuyên gia tình báo Trung Quốc lợi dụng và huấn luyện họ thành một lực lượng FULRO mạnh, lần này thì trung thành với Bắc Kinh? Và họ sẽ tính sao, nếu số người kinh lên Tây Nguyên lập nghiệp lâu nay nổi lên chống đối vì sự thu nhập tại các đồn điền cao su, cà phê, trà, hột điều, hồ tiêu,… bỗng nhiên sụt giảm vì các hậu quả môi sinh tai hại của dự án bô-xít (bùn đỏ, thiếu nước canh tác, thiếu điện cho các trạm bơm,…)? Và nếu ngành du lịch và ngư nghiệp của dân cư vùng duyên hải Trung bộ cũng bị khốn đốn năm này qua tháng khác vì ô nhiễm không khí và biển cả do bô-xít gây ra?

Trước phong trào phản kháng của nhân dân trong và ngoài nước, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định hôm 4-2-2009 rằng việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên là „chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước“ và quyết tâm theo đuổi.
Đó là một chủ trương sai lầm, và là một sai lầm cố ý!
Chủ trương sai lầm này là một tội ác của CS Hà Nội đối với con người Việt Nam và đất nước Việt Nam!

Nguyễn Bặc
Stuttgart, 29-3-2009


*) Tựa bài mượn một câu trong bài thơ „Lửa Bô-xít“ của Hà Sĩ Phu.

-----------------------------------------------------

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

Thông cáo Chung cuả Ông Nông Đức Mạnh và Trung Quốc

TS. Nguyễn Thành Sơn:
Làm rõ một số ý kiến tại cuộc tọa đàm về bauxite ngày 20/2/2009

Nhà văn Phạm Đình Trọng:
Thư ngỏ cuả một con dân nước Việt gởi TT chánh phủ

Cụu Thiếu Tưóng Nguyễn Trọng Vĩnh:
Bauxit Tây Nguyên

Lê Phú Khải:
Thư ngỏ của một công dân ngoài Đảng

Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN:
Báo cáo về Bauxite Tây Nguyên

TS Lê Đăng Doanh:
Cân nhắc lợi nhuận kinh tế từ bô xít

No comments:

Post a Comment