Thursday, April 23, 2009

BẢN KIẾN NGHỊ THÁNG TƯ

Bản Kiến Nghị tháng Tư
Tưởng Năng Tiến
23/04/2009 10:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=2991

“Nhiều người trí thức chuyển sang đối lập với hệ thống có nghĩa là về mặt lịch sử số phận của hệ thống đã được quyết định.”
Adam Mikhnik
---------------------

Bằng giờ này tháng 4 năm ngoái, từ miền xuôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (“một mình, đất lạ, đường xa”) đã lên đến Hà Giang. Trong
blog saurieng, bà có viết đôi dòng chữ ngắn về chuyến đi này:
”Người ta nói, đi qua một khu chợ sẽ biết đời sống của cư dân ở đó. Mình tin điều đó. Và nhìn món hàng bày trước mặt những người phụ nữ vùng cao, mình hình dung được nồi cơm, căn bếp, cuộc đời… “
Những món hàng mà Nguyễn Ngọc Tư ghi lại qua ống kính – ở chợ Hà Giang – chỉ là vài rọ lợn con, nụm nịu hai ba nải chuối, mấy mớ rau xanh, và một hai bó củi co ro …

Nụm nịm vài nải chuối. Hình: Nguyễn Ngọc Tư.
Nguồn:
http://ngngtu.blogspot.com/2009/04/thang-4-nam-ngoai.html

Mớ rau xanh. Hình Nguyễn Ngọc Tư.
Nguồn:
http://ngngtu.blogspot.com/2009/04/thang-4-nam-ngoai.html

Bó củi co ro. Hình: Nguyễn Ngọc Tư.
Nguồn:
http://ngngtu.blogspot.com/2009/04/thang-4-nam-ngoai.html

Cảnh lèo tèo của một phiên chợ, ở bảng làng xa, khiến tôi thốt nhớ đến những lời nhạc của Phạm Duy - trong bản
Quê nghèo:
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy…
Làng tôi luôn luôn vươn vài đám khói
Những mái tranh buồn nhớ người
Xơ xác điêu tàn vì ai
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi…


Những lũy tre già tả tơi, những mái tranh buồn xơ xác, và tiếng thở dài bùi ngùi của nguời dân Việt – ở một làng quê nào đó, hồi đầu thế kỷ trước – nghe chắc cũng não nuột y như những cảnh đời hẩm hiu, nghèo khốn (ở Hà Giang) bây giờ! Nói thế nghe đã buồn; vậy mà nhà văn
Phạm Thị Hoài – trong một buổi toạ đàm tại Berlin, vào tháng 10 năm 2000 – nói (nghe) còn buồn hơn thế nữa:
“Nếu chỉ như vậy thì tôi còn chưa thấy có gì đáng sợ lắm. Vấn đề một là ở chỗ: chưa bao giờ chúng ta không như thế. Từ khi tôi sinh ra đã như vậỵ Từ khi cha mẹ, ông bà tôi sinh ra đã như vậỵ Từ khi các cụ tôi sinh ra cũng như vậy. Khi các kỵ tôi sinh ra thì thế giới lúc đó chỉ là Trung Hoa và Ần Độ, nhưng bảng xếp hạng thì vẫn thế, không có gì thay đổi. Nước Hy Lạp chẳng hạn là một nước hiện nay đang nghèo nhất cộng đồng Châu Âu, nhưng không phải bao giờ cũng thế. Nước Nga cũng đang vô cùng bê bối, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Chỉ có nước Việt là chưa bao giờ không như thế mà thôi. Tôi thậm chí không dám nghĩ tiếp rằng, khi cháu tôi, hoặc chắt tôi sinh ra, chúng ta vẫn không thoát được cái kiếp đội sổ như vậy.”

Bà Phạm Thị Hoài – cũng trong buổi tọa đàm thượng dẫn – còn không quên chỉ ra chính phạm, cũng như tòng phạm, đã gây ra cảnh nghèo hèn (triền miên) ở Việt Nam:
“Vậy dân tộc Việt trọn gói thì không có lỗi gì đáng kể, nhưng một bộ phận, bộ phận đầu sỏ của nó thì bao giờ cũng luôn luôn là đầu mối của mọi tai họa. Bộ phận đó, như chúng ta thường xuyên được nghe nói, bao giờ cũng là chính quyền, là lực lượng thống trị…”
“Rõ ràng có những vấn đề thuộc về văn hoá Việt Nam, những vấn đề nghiêm trọng, không thể qui vào một chính thể, tập đoàn hay đảng phái thống trị nào… Và nếu đã mở hồ sơ văn hoá Việt Nam ra mà xét thì có thể nói là ở ngay trang đầu chúng ta đã gặp một thành phần không thể không gặp, đó là trí thức Việt Nam.”
“Một người bạn vong niên của tôi ở Hà Nội, ông Nguyễn Kiến Giang, gần đây có đưa ra một khái niệm là “tính cách phò chính thống của trí thức Việt Nam”. Tôi thì gọi đó là tư cách quan văn, theo cái mô hình trị nước là một ông vua có thể u mê, có thể anh minh, hai bên tả hữu là quan văn và quan võ… Chế độ khoa cử với chức năng là một hệ thống đào tạo và tuyển chọn cán bộ và nhân viên nhà nước, đã tự động ghép học thức, tri thức và quyền lực thành một cặp bài trùng.”

Tóm lại, cứ theo như nhà văn Phạm Thị Hoài thì chính cặp bài trùng này – “lực lượng thống trị” với “giai cấp trí thức” – là thủ phạm và đồng loã trong tội ác gây ra cảnh sống khốn cùng (thường trực) ở Việt Nam.

Tôi thật đến chết được với cái bà Hoài này, chứ chả bỡn đâu - Giời/Đất ạ! Từ hàng ngàn lũy tre già tả tơi, hàng triệu mái tranh nghèo xơ xác, dãi nắng dầm mưa, chắt chiu thương khó, dân tộc chúng tôi mới tạo ra được một tầng lớp tinh hoa - gọi là giai tầng trí thức. Thế mà bà ấy cứ mắng xa xả, như tát nước vào mặt con người ta, như thế thì ai mà chịu đời cho thấu?

Dù hoàn toàn (và tuyệt đối) không có quen biết hay liên hệ (xa gần) gì với qúi ông trí thức, và dù rành rành chỉ là một thường dân Nam Bộ, trong tinh thần “thất phu hữu trách” – hôm nay – tôi buộc lòng phải mượn diễn đàn này để có đôi lời (phải/quấy) với bà Phạm Thị Hoài, cho rộng đường dư luận.

Nếu cứ nằng nặc đổ hết tội lỗi cho giới trí thức ở Việt Nam (trong việc tiếp tay với giai cấp cầm quyền, để hà hiếp hay bóc lột dân đen) thì tôi e là có điều hơi oan khuất. Thời trước ra sao, tôi không rõ, chứ vào thời đại của tôi thì mọi chuyện không hẳn (luôn luôn) đã thế đâu.

Trên
Tuổi Trẻ Online (đọc được vào ngày 17 tháng 8 năm 2005) phóng viên Cẩm Hà có đăng một bài viết rất thú vị - tựa là “Nhiều Con Tim Đã Vui Trở Lại ” Tôi xin phép được trích dẫn một đoạn ngắn để minh thị vấn đề:
“Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình kể rằng nhạc sĩ Phạm Duy khi tiếp nhận văn bản cho phép ông về định cư và phổ biến tác phẩm đã nói: ‘Thật tuyệt vời. Đất nước đã đổi thay thế nào thì cùng lúc một viên tướng (ông Nguyễn Cao Kỳ), một nhà sư (thiền sư Thích Nhất Hạnh) và một nhạc sĩ lại cùng về…

Thấy chưa: nhạc sĩ, tu sĩ, và ngay cả chiến sĩ - ở tận nước ngoài, há miệng khỏi sợ mắc quai - danh vọng, của cải, tiền bạc, chó mèo… đều không thiếu mà còn phù thịnh (thấy mẹ luôn) cho nó chắc ăn. Sao bà Phạm Thị Hoài không nói gì đến họ mà cứ chăm chăm lườm nguýt cái đám văn sĩ, thi sĩ, viện sĩ, tiến sĩ, hay thạc sĩ (suốt đời tem phiếu, cơm nhà quà vợ …) ở ta.

Ông Nguyễn Kiến Giang, và bà Phạm Thị Hoài, cũng không thể bỏ hết trí thức Việt Nam vào chung một rọ (“phò chính thống” hay “tư cách quan văn”) được mãi đâu. Sông có khúc, người có lúc … chớ bộ.

Xin đơn cử một thí dụ: mới đây, vào ngày 12 tháng 4 năm 2009, có lẽ do nhầm lẫn sao đó nên qua email tôi (cũng) nhận được bản dự thảo “Kiến nghị về vụ khai thác Bauxite ở Tây Nguyên” – gửi từ đất Tràng An. Tuy chỉ mới ở dạng bản thào, bản văn này chỉ cần đọc vài câu (xin được in nghiêng) là đủ… sướng:

“Kính gửi:
Ông Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;
Ông Nguyễn Phú Trọng cùng toàn thể Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam;
Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
Chúng tôi, những nhà trí thức Việt Nam ký tên dưới đây, lo lắng trước vận mệnh nước nhà về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, xin kính gửi quý cơ quan bản kiến nghị này…
1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội ra nghị quyết;
2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và thông qua nghị quyết thích hợp;
3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.
Thưa quý cơ quan,
Những người trí thức ký tên dưới bản kiến nghị này bày tỏ sự lo lắng không cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite.
Xin quý cơ quan nhận ở đây lòng kính trọng của chúng tôi và rất mong được thông hiểu cho nỗi trăn trở của giới trí thức chúng tôi cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước…”

Theo BBC, nghe được vào hôm 18 tháng 4 năm 2009, “hơn 150 trí thức trong ngoài nước đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.” Bốn ngày sau, hômg 22 tháng 4, số người ghi danh trên blog BAUXITE VIỆT NAM đã lên tới 1.100 người. Con số này, tất nhiên, sẽ không dừng ở đó.

Phen này, tôi e rằng bà Phạm Thị Hoài sẽ (vô cùng) vất vả. Bận lâu (và bận lắm) à nha. Không chừng (dám) bận luôn cái chết mẹ. Phải viết thư xin lỗi vài ngàn vị trí thức ở Việt Nam đâu phải là chuyện giỡn, mấy cha!

Trong một buổi toạ đàm khác, có tên gọi là “Trí thức và Dân chủ” , tổ chức tại Moskva vào ngày 4 tháng 3 năm 2009, ông Adam Mikhnik (Tổng Biên tập báo Gazeta Wyborcza) đã kể lại kinh nghiệm về tiến trình dân chủ hoá ở Ba Lan như sau:
“Trí thức trở thành đối lập với chính quyền. Chính quyền không thể dùng họ như những cái loa tuyên truyền được nữa. Nhiều người trí thức chuyển sang đối lập với hệ thống có nghĩa là về mặt lịch sử số phận của hệ thống đã được quyết định. Nhà nước không thể tồn tại lâu nếu nó không được những người có học ủng hộ. Sự ủng hộ đã trở thành dĩ vãng. Nếu trong những năm 1940 các nhà văn và các nhà khoa học nổi tiếng đã ủng hộ chính quyền vì lí tưởng thì cuối những năm 1960 điều đó đã không còn. Một phần vì lí tưởng đã lụi tàn, một phần vì ủng hộ thì sẽ bị xã hội lên án. Xã hội cho phép cộng tác với hệ thống với điều kiện là khi nằm trong hệ thống người đó phải thực hiện nhiệm vụ của chính quyền sao cho nó không giúp mà còn phản lại chính quyền (ND,
Phạm Minh Ngọc, nhấn mạnh)… Chính quyền không biết phải xử trí với trí thức như thế nào. Họ đã bỏ gậy rồi, còn củ cà rốt của họ thì lại chẳng mua chuộc được ai.”

Chính quyền Ba Lan, rõ ràng, hơi kém. Ta thì ngoan cường và linh động hơn nhiều. Ngay sau khi bỏ gậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam vớ ngay lấy… cứt làm vũ khí (cách mạng) để tấn công… trí thức!

Theo tường thuật của thông tín viên Hà Giang (nghe được qua
RFA, vào hôm 13 tháng 4 năm 2009 ) thì bà Trần Khải Thanh Thủy – một người cầm bút ở Việt Nam – sau khi được phóng thích khỏi nhà giam”… vẫn đang tiếp tục bị nhà nước Hà Nội trù dập. Điều làm mọi người rùng mình, là gia đình bà đã bị khủng bố rất man rợ bằng cách bị ném phân nguời và các thứ xú uế vào nhà…”
“Trước tình thế như vậy, nhà văn nữ can đảm này vẫn lạc quan cho rằng bóng tối không đi được xa và hy vọng rồi đây ánh sáng dư luận sẽ dội xuống khiến những hành vi chà đạp nhân quyền tồi tệ này phải chấm dứt.”

Tôi vô cùng tiếc là không được lạc quan như thế. Tất cả những vị trí thức đã ký tên vào Bản Kiến Nghị Tháng Tư, đòi bãi bỏ dự án khai thác beauxite, đều có ghi rõ địa chỉ nơi cư trú. Tôi vừa lo cho nhà cửa của họ bị bôi bẩn, vừa ái ngại cho những nhân viên công an sẽ phải làm công việc bẩn thỉu trong những ngày tháng tới.

Giới trí thức ở Việt Nam rõ khổ mà đám công an, xem ra, cũng không sung sướng gì hơn. Sống trong một chế độ mà những kẻ cầm quyền có thể trâng tráo đến độ bôi phân trát cứt vào mặt chính họ như thế thì ai mà …không khổ, hả Giời!

No comments:

Post a Comment