Friday, March 27, 2009

ĐƯỜNG VỀ (Bút ký)

Đường về

Nguyễn Việt

26/03/2009 5:20 sáng

http://www.talawas.org/?p=1469

Chiếc Boeing 777 của Vietnam Airlines nhẹ nhàng vút lên bầu trời sông Rhein. Tôi thầm cảm phục mấy anh phi công trẻ người Việt, mặt mũi sáng sủa, tác phong rất khiêm tốn. Các cô chiêu đãi viên xinh xắn, tươi cười trong bộ áo dài màu cánh sen làm cho tôi cảm thấy như mình đã về đến nhà. Từ khi Vietnam Airlines (VNAL) bay sang châu Âu, tôi luôn sử dụng hãng hàng không quốc gia này để đi về nước. Tôi biết rất rõ các tiêu cực trong nội bộ VNAL, cũng như rất xấu hổ về các vụ việc phi công, tiếp viên ta đi buôn bị bắt ở nước ngoài. Trước kia khi còn làm việc cho nhà nước, mỗi khi ra nước ngoài tôi cũng đã phải đi buôn như họ để nuôi gia đình. Tôi hiểu được sự khác biệt giữa các hành động tham nhũng hàng tỷ của đám quan tham và những toan tính vụn vặt của mấy anh phi công. Tôi luôn nói với vợ con tôi: “Lọt sàng xuống niêu. Cho dù đám quan lại có tham nhũng hết, thì việc chúng ăn nhậu, mua sắm, thuê người hầu hạ cũng sẽ tạo điều kiện cho nhiều bà con ta có cái ăn. Đằng nào thì mình cũng phải mua vé, vậy thì mua cho đồng bào mình có lợi hơn.” Tôi không biết vợ tôi có hiểu nổi cái thái độ yêu nước “dung tham nhũng” của tôi không, nhưng cổ vẫn đặt vé VNAL cho tôi.

Chuyến bay Frankfurt - Sài Gòn ngày 29 Tết Kỷ Sửu này khá vắng vẻ, vì là chuyến bay chót trước giao thừa. Một mình tôi nằm dài trên cả 3 ghế. Khác với chuyến về nước cách đây hai năm, lần này khách người Âu chiếm hơn 2/3. Nghe lỏm họ nói với nhau thì tôi biết họ rất ngạc nhiên về sự tiến bộ của VNAL. Nhất là khi máy bay đáp êm ru xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, hai người Đức ngồi ở hàng ghế bên cạnh tôi nhìn nhau gật đầu có vẻ khâm phục và giơ ngón tay cái lên. Cử chỉ này họ sẽ không cần phải làm khi bay Air France hay Quantas chẳng hạn. Rõ ràng là họ thường chỉ biết đến một Việt Nam nghèo đói, nhếch nhác, một Việt Nam chuyên buôn lậu thuốc lá, chứ họ đâu có ngờ là anh phi công người Việt với cái va li đầy hàng hóa bán lẻ kia, với bao nhiêu mưa toan làm giầu trong đầu, lại có thể điều khiển cả chiếc Boeing ngon lành như một phi công Đức lương 22 ngàn Euro/tháng. Tôi đã chứng kiến cảnh cả một phi hành đoàn của VNAL, từ cơ trưởng đến chiêu đãi viên phải xếp hàng chờ khám xét hành lý tại sân bay Frankfurt, hải quan Đức lật từng chiếc áo lót của chiêu đãi viên ra xem. Thường thì chẳng có gì để bắt cả, nhưng đã thành thói quen, họ rất chịu khó khám vali của người Việt. Tuy cầm hộ chiếu Đức mà nhiều lúc tôi giận cho cái thói khinh người của đám viên chức bản xứ, chỉ mong sẽ có lúc đám người có tư tưởng “Arier” kia phải kính nể giống nòi chúng ta như họ đã phải làm với người Nhật.

Tết năm nào, má tôi cũng mong có đứa con nào đó về ăn Tết với bà tại Sài Gòn. Sau khi ba tôi mất, năm 2004 má tôi bán nhà ở Hà Nội vào Sài Gòn sống. Bà ở một mình trong đó với thằng Toàn cháu tôi và cô Bảy giúp việc, cả hai đều là người làng Gò Bồi (Bình Định). Thường thì Tết, ai nấy đều về nhà nên mấy anh em chúng tôi luân phiên nhau về ăn Tết với má. Năm nay lại đến phiên tôi.

Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30 Tết khá vắng vẻ, do đó việc làm thủ tục nhập cảnh rất nhanh. Anh sĩ quan biên phòng trẻ tuổi không quên tặng tôi một tấm bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh với các chỉ dẫn du lịch tối thiểu. Người lái xe tắc xi đầu tiên tôi gặp cũng vui vẻ không kém, giúp tôi chất đồ lên tắc xi. Đường phố Sài Gòn sáng sớm 30 Tết ít xe cộ, nhưng đầy biểu ngữ. Biểu ngữ ngang, khẩu hiệu dọc, tất cả đều có nội dung giống nhau: “Mừng Xuân, Mừng Đảng”, “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm”, “Mừng Thành Phố Hồ Chí Minh Hội Nhập”… Toàn là khẩu hiệu sáo rỗng, tự sướng, né tránh các vấn đề nóng bỏng của đất nước, như nạn tham nhũng, như sự suy đồi giáo dục, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ… Đã sợ nói ra điều này thì chẳng thà im miệng cả điều kia, lấy tiền đó giúp đỡ hàng vạn công nhân thất nghiệp, hàng triệu nông dân thất thu đang đói khổ còn hơn. Tôi đem việc đó ra trao đổi với cậu tài tắc xi. Cậu ta cười khì, nói:

“Chú ơi, ở trển mấy ổng chỉ mới nêu chủ trương tuyên truyền là mấy ông ở dưới lên dự toán cái rộp, vượt chỉ tiêu luôn, càng nhiều biểu ngữ càng tốt, mà mấy ổng làm lẹ lắm, mới 23, 24 Tết là đỏ đường đỏ phố rồi. Thế là từ trung ương, thành phố, quận, xuống tới phường, ‘ông văn hóa’ nào cũng có tiền tiêu Tết rủng rỉnh. Rồi tới đây còn Ba tháng Hai, Tám tháng Ba, Ba mươi tháng Tư nữa, họ giàu vì khẩu hiệu đó chú!”

À, té ra bên cạnh nền “kinh tế Bác Hồ” của Nguyễn Quang Lập còn có nền “kinh tế khẩu hiệu” của anh tắc xi.

Xe chạy khoảng 30 phút, tôi đã về đến nhà má tôi ở quận 7. Nghe tiếng ô-tô, cô Bảy, người giúp việc của má chạy ra mở cửa và khi thấy tôi tặng anh chàng tắc xi một trăm ngàn đồng tiền lì xì, cô nói nhỏ vào tai tôi “anh Tư đừng cho nhiều tiền như vậy!”. Hóa ra tôi vẫn quen cái lối tiêu tiền Euro.

Má tôi mừng lắm, bà chạy ra ôm tôi, sờ lên má tôi và thốt ra câu nói như mọi lần: “Hình như con sút hơn lần trước!”. Đối với bà, tôi vẫn là thằng Tư bé nhỏ hồi nào đến giờ, tuy rằng tôi đã ngót nghét tuổi 60, đã đi vòng quanh thế giới, tự xây dựng cơ nghiệp của mình tại một xứ sở mà có các vàng, bà cũng không muốn đặt chân tới. Năm 2003 tôi đã mời bà lúc đó sắp 80 tuổi sang chơi với con cháu. Bà ở Đức ba tháng, rủ đi đâu cũng chẳng thích, ăn cái gì cũng chẳng khen ngon. Rüdiger, thằng bạn Đức thân thiết nhất của tôi, đạo diễn điện ảnh, hỏi cảm tưởng của bà về nước Đức. Bà quý thằng này lắm, vì những năm bao cấp đói khổ, hắn vẫn gửi tặng gia đình tôi, lúc thì quà cáp, lúc tiền bạc, mỗi khi có đoàn quay phim nào của Đức qua Việt Nam. Vậy mà bà buông một câu làm tôi hơi bị quê:

“Nói thật với chú, quê chú cái gì cũng đẹp, cũng đồ sộ, nhưng đối với tôi cái gì cũng khô, cũng lạnh cả. Tôi chỉ thích về Việt Nam sống thôi!”

Tôi dự tính lần này về Sài Gòn ở chơi với má khoảng hai tuần, sau sẽ ra Hà Nội một tuần rồi quay về Đức. Khác với mọi chuyến đi trước về Việt Nam, lần này tôi chỉ tính kết hợp một vụ làm ăn nhỏ. Dự định chính của tôi là đi thăm các “đồng hương mạng” mà tôi đã làm quen trong thời gian qua. Họ là những người đã thổ lộ quan điểm sống hay ý thức chính trị qua các blog, các diễn đàn như tôi, nên tôi tìm đến họ. Tuy không biết nhau, nhưng tôi chắc là sẽ dễ làm quen thôi. Vì đa số họ đều đã từng hoặc đang nằm trong tầm ngắm của an ninh nên tôi phải hết sức cẩn thận, không làm điều gì sai sót về mặt luật lệ. Việc đầu tiên là tôi nhờ cô Bảy mang hộ chiếu của tôi ra trình báo hộ khẩu tại công an phường. Nhưng cô Bảy nói tỉnh khô: “Ngày Tết làm gì có công an nào trực nữa hả anh! Để đó sau Tết em đi báo cho anh!”. Thấy má cũng ủng hộ cô Bảy nên tôi yên tâm. Cho tới tận ngày 8 Tết, khi mọi cơ quan đã đi làm trở lại, tôi mới mang hộ chiếu ra công an phường đăng ký tạm trú “tiền trảm hậu tấu”. Cô công an trực ban thậm chí còn chẳng thèm đọc, bỏ luôn tờ khai của tôi cùng bản copy hộ chiếu vào ngăn kéo và nói “Xong rồi anh ạ”. Thế mới biết là mình lo không phải lối.

Tết ở Sài Gòn trôi qua với tôi khá buồn tẻ. Trong ký ức của tôi chỉ nhớ lại những ngày Tết trước năm 1991 ở Hà Nội. Trời bao giờ cũng lạnh, trước Tết mấy ngày gia đình tôi luôn hối hả lo sắm Tết và đi mừng Tết mọi người. Đêm giao thừa thì có pháo, cả nhà thức để đón giao thừa. Sáng mồng Một ra đường, không khí thơm mùi pháo, giấy đỏ bay lả tả trên hè phố. Hàng xóm láng giềng sang chúc Tết nhau, trước đó bạn thân đã hẹn nhau ai xông nhà ai cho “hên”, v.v.

Tất cả những kỷ niệm đó không có ở Sài Gòn. Đêm giao thừa, phố nhà tôi vắng tanh, không tiếng động. Mấy nhà hàng xóm của má tôi đóng cửa đánh xe hơi đi Vũng Tầu, Đà Lạt ăn Tết hết cả. Trong khi cô Bảy làm cơm cúng giao thừa ngoài sân, tôi cầm máy ảnh leo lên gác thượng, hy vọng chụp mấy bức ảnh pháo hoa ở Bến Nhà Rồng. Nhưng lên đến nơi chỉ nghe lụp bụp tiếng nổ, chẳng thấy pháo hoa đâu, vì nhà cao tầng che hết cả. Tôi thầm nhủ, chắc trong số bốn trăm ngàn Việt kiều về nước ăn Tết năm nay, liệu có mấy ai về chỉ để xem pháo hoa, để hưởng hương vị Tết cổ truyền. Việt Nam 2009 đâu có còn là Việt Nam 1990.

Giao thông

Có thể nói giao thông đường bộ ở Việt Nam là một kỳ tích của nhân loại. Với khoảng tám trăm ngàn chiếc ô tô và hai chục triệu chiếc xe máy, nền giao thông nửa XHCN, nửa vô chính phủ này tạo ra một tần suất đi lại trên đường phố gấp 3-4 lần của 52 triệu chiếc xe hơi ở Đức. Còn cường độ âm thanh thì chắc phải gấp 10-15 lần. Vậy mà sự hỗn lọan giao thông vô biên “made in Vietnam” này hàng năm cũng chỉ gây ra số tai nạn chết người xấp xỉ như nền giao thông đẳng cấp nhất thế giới của Đức, khoảng 10 ngàn người! Kỳ tích là ở đó.

Ở các quốc gia công nghiệp, đa số người dân thành thị sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Xe hơi chỉ để dùng đi mua sắm hoặc đi chơi cuối tuần. Số ít đi làm bằng xe hơi thì khi đến hãng là vào làm việc từ sáng đến chiều lên xe về. Còn ở ta thì khác. Phần lớn người dân đi tìm sự cơ động bằng xe riêng, may mà đa số còn là xe máy. Hơn thế nữa dân ta ít có thói quen giải quyết công việc qua điện thoại, qua email hay công văn. Mọi việc cứ phải được bàn bạc ba mặt một lời, tại các quán nhậu thì mới gọi là yên tâm. Khi các quan chức đưa tôi card visit, ít khi tôi gọi được họ bằng số điện thoại bàn. Chủ yếu là phải gọi qua máy di động, những lúc đó, họ đều ở ngoài cơ quan cả. Như vậy một người lớn đi làm ở Việt Nam một ngày nổ máy không ít hơn 5-6 lần để đi lại ngang dọc trong cái thành phố sặc mùi khói xe. Với cách đi ở ta, tuổi thọ của mỗi chiếc xe sẽ bị giảm 30-40%, và tác động của chúng đến lá phổi người dân sẽ tăng tuơng ứng.

Ngày mùng hai Tết, tôi phải thay mặt má mang quà biếu sang chúc Tết ông bà thông gia. Má tôi gọi anh xe ôm quen ở gần nhà. Ngồi sau anh, tôi nhiều lúc sởn gai ốc vì cách đi của anh ta, lúc thì vượt đèn đỏ, lúc thì đi ngược chiều sát vỉa hè tay phải. Tôi nhắc thì ảnh cười trừ, “Ngày Tết mà anh, làm gì có công an!”

Thế là từ sau đó, tôi quyết định không “gửi trứng cho ác” nữa. Sáng 3 Tết, tôi lấy chiếc Dream của Toàn, cháu tôi, ra đi thử ở gần nhà. Toàn về Gò Bồi ăn Tết với má nó, không quên rửa xe, bơm lốp, và đổ xăng đầy bình để bác Tư về đi cho ngon.

Quen kiểu lái xe hơi châu Âu, tôi đi xe máy rất cẩn thận, chú ý đèn hiệu, không bấm còi. Khi dừng xe hay khởi động tôi luôn về số để mau chóng vọt qua ngã tư. Vậy mà cũng nhiều lúc tôi lao đao, thậm chí đã có lúc va quệt. Sau hai ngày tôi mới lại hoàn toàn hòa nhập vào cái cái nền giao thông mà tôi gọi là “XHCN vô chính phủ” (socialist anarchy) đó. XHCN vì ở đây ai cũng có quyền sử dụng lòng đường, từ người đi bộ, người bán hàng rong đến các loại phương tiện đi lại. Ở những đường cái lớn, người đi bộ khi qua đường còn ngó ngang ngó ngửa trước khi rẽ. Còn ở các phố nhỏ thì đi lại là quyền “tự do pháp định” của mọi người, xe máy liệu mà tránh hoặc phải bóp còi để họ biết mà khỏi tạt ngang tạt ngửa. Tai nạn mà tôi gây ra cũng từ đó mà ra:

Tôi đang đi xe chậm chậm trước khi rẽ vào phố nhà tôi. Trước mặt, bên phải có một cô gái mới lên xe Vespa ở mép đường. Bất thần cô vọt xe ra, tôi bị cái gương của cô đập vào bắp tay, làm cho xe tôi lạng vào xe cô và cô bị ngã. Tôi kịp phanh lại cách đó vài mét và chạy lại đỡ cô dậy. Cô gái chỉ bị xây xát nhỏ, nhưng chắc cũng đau nên cô ta cau mày nói, “Sao chú chạy nhanh vậy?”

“Tôi đâu có chạy nhanh, nếu không thì làm sao tôi phanh ngay ở đây được! Sao cô đang đứng đó bỗng nhiên quay ngang vậy?”

“Cháu đâu biết là chú từ sau đi tới, sao chú không bấm còi!”

May mà vụ đó, cả người và xe không sao. Tôi hú hồn, được một bài học nhớ đời về công dụng của cái còi xe máy.

Hệ thống giao thông “vô chính phủ” vì chẳng có bất cứ một quy định quy tắc nào được chấp hành cả. Ngay chính quyền cũng đành nhắm mắt để người dân “tùy nghi di tản”, mà điển hình là các loại bùng binh được tạo ra để xe tứ chiều tự lách qua nhau. Ngay cả hệ thống đèn hiệu hình như không phải để điều hòa giao thông mà là để tạo ra các mâu thuẫn giao thông. Ví dụ như khi bật đèn xanh theo chiều nào thì các loại đi thẳng và xe rẽ trái cùng nhau lao lên phía trước. Xe rẽ trái cứ ngang nhiên ngăn đường các loại xe đi thẳng. Tắc đường vào các giờ cao điểm một phần là do các luồng xe rẽ trái gây ra, vậy mà năm này qua năm khác hệ thống đèn hiệu này không thay đổi.

Một nguyên nhân khác gây tắc đường là đám người “đi rốn” và hội “ăn cơm trước kẻng”. Họ thường vượt qua đèn đỏ lúc đã hết đèn xanh tới một hai giây rồi, hoặc vọt qua ngã tư, lao thẳng vào dòng xe kia, khi đèn đỏ còn nháy hai giây nữa. Vậy mà tôi thấy cảnh sát cứ như không thấy gì, còn người đi đường cũng chẳng ai khó chịu với đám xé rào này. Có lẽ vì ai cũng đều đã và sẽ làm như vậy cả.

Đó là chỗ có đèn, có cảnh sát, còn chỗ không có đèn hiệu thì vui lắm. Khi anh Nguyễn Viện hỏi tôi về cảm giác đầu tiên ở Sài Gòn, tôi phải nói đùa là: “Cái khó nhất của tôi khi về đây là không hiểu đồng bào tôi nghĩ gì khi đến ngã tư”. Ở bất cứ đâu đó bên ngoài Việt Nam, kể cả ở bên Lào, nguyên tắc giao thông “nhường đường cho xe bên phải” được chấp hành tuyệt đối. Ở ta cũng có qui định này, nhưng có lẽ vì mải đọc cái khẩu hiệu “Sống, làm việc theo pháp luật” treo nhan nhản ở mọi nơi nên người ta quên béng đi mất cái nguyên tắc này và thế là từ 4 hướng cứ bấm còi lao thẳng vào ngã tư, rồi chẳng ai nhường ai, cứ lách đại qua nhau mà đi rồi cũng xong.

Một tay giám đốc ở Hà Nội vừa lái xe chở tôi nhích từng bước trên đường đê La Thành, con đường hay bị tắc nhất ở thủ đô, vừa than thở:

“Người mình thiếu cái văn hóa lái xe, không có khái niệm ‘nhường’, chỉ biết làm cách nào vượt lên, hơn được người khác, thế nên mới hay gây tắc đường một cách rất ngớ ngẩn. Anh xem kìa, họ leo cả lên vỉa hè để mong vượt qua cái đoạn tắc này. Thật không bằng đàn kiến.”

Cậu kỹ sư trẻ ngồi trên xe, chắc cũng là blogger, chêm vào một cách hóm hỉnh: “Giá như dân mình ai cũng hăm hở đi biểu tình chống Tàu như đang hăm hở lao vào cái ngã tư tắc tị kia thì chắc Tàu nó sợ mình hơn sợ cọp!”

Tuy tiền của đổ vào giao thông có đến cả chục tỷ đô la, nhưng ra khỏi Hà Nội vài chục cây là chẳng thấy tiền đâu hết cả. Khi ở Hà Nội, tôi lấy xe hơi của một ông bạn cũ để đi Tuyên Quang thăm bố vợ tôi. Đường khá tốt, chú Cường lái xe và tôi khởi hành ở Hà Nội lúc 6 giờ 45, chỉ hơn hai tiếng sau xe đã đến chân Đèo Gió, cách Tuyên Quang khoảng 25km. Thấy một đoàn xe tải đỗ bên đường, tưởng họ nghỉ nên chúng tôi vượt lên. Sau hơn 100 mét mới biết là tắc đường khoảng 2-3 cây số. Nghe đâu một chiếc xe tải bị gãy trục nằm ngang trên đỉnh đèo từ 23 giờ đêm hôm trước. Tôi lấy làm lạ là trước đó chẳng có biển báo tắc đường hoặc chỉ dẫn đi đường khác. Sau chúng tôi, hàng chục xe khác cứ tiếp tục lao vào chân đèo. Đám xe tải nặng nề đành chịu số phận nằm chờ cho đến lúc đường thông, còn các xe con đua nhau quay đầu tìm đường tắt đi vào thị xã, vừa đi vừa hỏi đường dân địa phương. Cuối cùng xe chúng tôi phải đi qua 20 km đường cấp phối đất đỏ, rải đá dăm qua Sơn Dương để vào thị xã. Đường vừa bụi vừa xóc, xe Toyota Lexus kín mít mà bụi vẫn lọt vào trong, lên đến Tuyên Quang rửa mặt mới thấy. Hai bên đường là những làng xóm nghèo xơ xác, cứ như là thời gian đã dừng lại nơi đây từ hơn 20 năm nay. Bụi đỏ bám kín cả cây cối, mái nhà, quán nước, bám cả vào mái tóc của mấy đứa trẻ thò lò mũi xanh đứng bên đường nhìn xe đi qua.

Đến chiều tối, tôi đón bố vợ tôi, đã 92 tuổi cùng quay về Hà Nội. Biết cụ già đi xe dễ mệt, tôi tìm mọi cách hỏi xem đoạn tắc đường đã thông chưa, để khỏi phải đưa cụ đi đường xóc. Nhưng cay nhất là ngay ở Tuyên Quang, bố vợ tôi hỏi đủ kiểu cũng chẳng ai biết tý gì về vụ này. Thế là đành phải lao đến gần chỗ tắc đường thì mới được xe ngược chiều cho biết là đèo vẫn chưa thông. Công cốc, lại phải cắn răng quay lại con đường đất đỏ đầy ổ gà, mua thêm mấy chục cây số đường. Vừa đi vừa thương ông bố vợ. Đúng hôm đó là thứ Sáu ngày 13 (tháng Hai)!

Cậu Cường hiểu sự bức xúc của tôi nên cậu ta nói: Tại chú cái gì cũng so sánh với bên ấy, ở đây nếu cháu cứ nghĩ như chú thì chắc cháu đã xanh cỏ lâu rồi! Đường tắc cả ngày không sửa xong, mà cũng chẳng thông báo cho dân thì có thấm vào đâu so với bao điều nhiễu nhương khác hả chú!

Thôi, tôi cũng phải học cậu Cường để khỏi chết sớm. Công bằng mà nói, so với hai năm trước đây, tôi đã nhìn thấy một số dấu hiệu đáng mừng trong ý thức tham gia giao thông của dân mình. Xe bus đã chạy nhiều tuyến hơn, tần suất dày hơn. Ở các bến bus đã có từng tốp sinh viên, công nhân đứng chờ xe, tay cầm báo hay sách đọc. Má tôi và cô Bảy cũng hay đi xe bus sang bệnh viện Nguyễn Trãi khám bệnh, giá chỉ vài ngàn đồng. Tôi nghĩ giá rẻ như vậy mà bus tư nhân vẫn chạy được chứng tỏ có đông người đi.

Dấu hiệu thứ hai đáng khích lệ là ngày càng có nhiều người đứng chờ đèn đỏ chuyển sang xanh rồi mới đi. Thông thường đèn đỏ mới đếm ngược (count down) xuống đến 02 giây là đã có kẻ rồ máy chạy. Mấy năm trước, bọn xé rào này thường kéo cả cộng đồng theo ra ngã tư còn đông nghịt xe của chiều kia. Những ai cố tình đứng chờ sẽ bị đám đông phái sau bấm còi phê phán là “hâm”. Nhưng nay thì đã có ít người chờ đến khi đèn xanh mới đi, mặc dù không có cảnh sát ở gần, mà cũng không bị kẻ đứng sau chê hâm nữa. Hy vọng số người như vậy năm sau sẽ đông dần lên.

Điểm thứ 3 tuy chẳng là dấu hiệu gì cả, nhưng là điều an ủi cho tôi. Đó là thái độ khá thân thiện của khách phương Tây đối với cái hệ thống giao thông thiên la địa võng này. Đám Tây ba lô trẻ thì đứng giữa rừng xe cộ, giơ máy ảnh chụp lia liạ, miêng lẩm bẩm “look very funny!” (hay dễ sợ!) cứ như cả đời chúng chưa đựơc chứng kiến hình ảnh này. Còn Tom Poederbach, một nhà báo già Hòa Lan, khi sang thăm Việt Nam năm 2003 với tôi thì nhận xét là: “Giao thông ở xứ mày có cái quy luật của sự hỗn loạn, nếu ai nắm được quy luật của nó thì tha hồ đi mà không bị tai nạn”. Chính Tom đã nêu cho tôi con số 10 ngàn người chết vì tai nạn xe hơi hàng năm cả ở Đức và Việt Nam để tôi đừng có than phiền nữa.

Nhưng có lẽ lão già Hòa Lan kia quên mất là, trong khi xe hơi ở Đức chạy trên xa lộ với tốc độ trung bình là 130km/giờ, thì ở Việt Nam xe chỉ bò với 1/3, 1/4 tốc độ đó. Thế mà cũng đòi so sánh! Ngược lại nhờ Tom mà tôi hiểu thêm từ bài học giao thông: Tại sao các nhà lãnh đạo nước ta vẫn chỉ cho đất nước tiến lên theo tốc độ con rùa, chưa muốn để phát triển theo tốc độ con rồng, con cọp: họ sợ tai nạn! Sợ cho ai?

Bạn “thật” từ thế giới “ảo”

Sau khi đã tin là mình đi xe máy ngon lành, lại có tấm bản đồ Sài Gòn, tôi quyết định liên hệ với các “công dân mạng” mà tôi đã làm quen cả năm nay. Một số người trong đó tôi quen qua diễn đàn X-cafevn.org, một số khác thông qua các blog có ý thức chính trị. Thế giới ảo có cái hay là nó làm cho con người ta rất dễ tìm ra kẻ tâm đắc với mình, nhưng nó cũng có thể là một cái bẫy rất tinh vi của những kẻ cố tình lợi dụng sự vô danh, vô hình trên mạng. Đâu đó cũng giống nhau cả, nhưng có lẽ chỉ những cư dân gốc Việt, cho dù là đã là công dân của bất kỳ quốc gia nào, là bị ám ảnh, đe dọa bởi một con quái vật bí danh là CAM (công an mạng). Tôi đọc một số diễn đàn và đôi khi phải phì cười vì thấy cư dân mạng nghi ngờ nhau đến mức bệnh lý. Chống cộng cực đoan cũng sẽ bị nghi là CAM! Bênh vực chính quyền hoặc bảo vệ cái gì đó tích cực ở trong nước thì lại càng dễ ăn… CAM! Lý luận sắc bén, lập luận có bài bản quá, cho đội mũ… CAM! Nhất là sau các đợt bắt bớ trấn áp của công an qua các vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tổ quốc, không khí khủng bố trên mạng sặc mùi CAM. Phần chính của cái uế khí là do công an gây ra, nhưng phần không nhỏ là do dân mạng bị thần hồn nát thần tính “vãi ra”. Kể cả lúc tôi công khai mời một thủ lĩnh diễn đàn ở Bắc Âu qua Đức chơi, cũng có kẻ gièm: Cẩn thận đó! Có thể kẻ gièm pha kia nhìn thấy trong những bài viết của tôi một dấu hiệu nào đó để hắn ta tính ra được cái chỉ số CAM-index của tôi. Thật là “Một não trạng mang tên Việt Nam”! Tôi chẳng biết lực lượng công an mạng thực sự đã đạt được cái gì trong công cuộc bảo vệ đất nước, nhưng chắc chắn họ đã đạt được một điều: gieo rắc sự nghi kị, e dè trong đầu những người Việt Nam muốn đi tìm chút tự do tư tưởng, muốn tìm kiếm những thông tin không bị bóp méo!

Vì vậy tôi quyết tâm xua cái bóng hắc ám đó khỏi đầu và đã liên hệ từ trước khi về với mấy “đồng hương mạng” ở trong nước. Khi biết tôi sẽ về, anh em đều rất vui vẻ cho số điện thoại di động hay email để tôi dễ liên hệ.

Người đầu tiên tôi gọi vào tối ba mươi Tết là nick[1] “Sét Hòn”. Tay này liên hệ với tôi qua diễn đàn X-Cà vì tưởng tôi cùng học trường Cường Để Quy Nhơn. Hóa ra tôi là dân Quy Nhơn “rổm”, mới ba tuổi đã bám quần má tôi lên tàu há mồm của Pháp tập kết ra Bắc (ba tôi ở lại, sau mới ra). Ngay sau khi nhận được email làm quen của “Sét Hòn”, tôi dùng các thủ pháp sục mạng tìm ra ngay profile của hắn. Cu cậu khá điển trai, dám trương cả ảnh lên mạng. Tôi liền cảnh báo hắn về cái kẽ hở chết người đó. Hắn viết thư cảm ơn và hủy ngay cái công cụ “o mèo” hiện đại nọ. Từ đó chúng tôi hay mail cho nhau, nhất là những lúc mạng bị tấn công Ddos.[2]

Nhận được phone của tôi, “Sét Hòn” mừng lắm, nói sẽ gọi cho nhau sau Tết. Hôm mùng 3 Tết chúng tôi hẹn nhau lúc ba giờ chiều tại quán café “Windows” góc đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu. Tôi định vị nhanh trên bản đồ và lên xe. 20 phút sau, tôi đến nơi.

Bước vào phòng Net của quán Windows, tôi nhận ra ngay khuôn mặt điển trai rám nắng kia đang ngồi hút thuốc bên cốc cà phê đá, người dong dỏng cao, ăn mặc rất đúng kiểu. Trong phòng có 3, 4 người khác. Hắn ta yên tâm là tôi đã biết hắn nên khi tôi đến trước mặt, chúng tôi tuy mừng nhưng không tỏ bất cứ tình cảm gì, chỉ bắt tay nhau như đã biết nhau lâu rồi. Đúng là chuyện trinh thám An Nam hiện đại!

Qua mạng, tôi đã hiểu quan điểm chính trị của tất cả mấy nick mà tôi liên hệ “Sét Hòn”, “Trục Trặc”, “Dương79″. Xuất phát từ hoàn cảnh sống, kinh nghiệm sống khác nhau, chúng tôi có nhận định chênh nhau về cuộc chiến tranh 30 năm, về chủ nghĩa cộng sản, hay quá trình dân chủ hóa đất nước v.v. Nhưng có một điều giống nhau đã khiến tôi tìm đến họ: Chúng tôi đều nhìn hoàn cảnh cay nghiệt mà dân tộc ta đang lùng nhùng trong đó như một thực tế khách quan. Như những người nông dân lớn lên trên vùng ruộng trũng bị nhiễm mặn, nay lại bị thêm nạn hạn hán, nạn sâu bệnh, không ai đặt câu hỏi: tại sao mảnh đất mình lại khốn khổ như vậy? Cũng không kẻ nào mơ mộng với những giả thiết: “Giá như ngày xưa đã có đê biển chống mặn!”

Họ là những nhà nông vừa tìm cách rửa mặn, vừa sống với các tai họa đó mà không để chúng hủy diệt mình.

Vì thế nên thằng nông dân này cũng chẳng cần phải hỏi thằng nông dân kia là mày nghĩ sao về trời đất, mà chỉ quan tâm đến việc: Mày sống ra sao? Có hay bị trộm cướp hay không? “Sét Hòn” và tôi cũng vậy. Từ lâu, tôi đã biết hắn làm chủ một hãng xây dựng tại thành phố này, có lúc mộ đến 200 thợ. Trong mấy vụ tranh luận trên mạng về cầu Cần Thơ, về cầu Rạch Miễu, về các công trình của Hoàng Anh Gia Lai, tôi đều thấy “Sét Hòn” phát biểu đâu vào đấy, rất chuyên nghiệp. Với trình độ chuyên môn như vậy, hắn ta đã tạo dựng cho gia đình một cuộc sống ổn định. Tuy nhiên tôi biết cái typ người lãng mạn như hắn thì có làm ông chủ suốt đời cũng chỉ vậy thôi, không chết đói là may rồi.

“Sét Hòn” mới đi Cần Thơ về hôm qua và vẫn còn xúc động bởi chuyến đi đó. Sau khi đã tin nhau, hắn trầm ngâm kể cho tôi nghe về mối tình 25 năm trước của hắn mà cho đến tận sáng hôm kia, hắn mới có dịp sống lại:

Năm 1979, là một sinh viên mới ra trường, “Sét Hòn” gặp gặp cô nữ sinh Hằng trên một chuyến tàu Thống Nhất Sài Gòn - Đà Nẵng. Mối tình sét đánh đó đã khắc sâu vào tâm khảm hắn đến mức giờ đây hắn vẫn nhớ “Chuyến tàu Thống nhất số 3, toa số 9“. Với cái lý lịch con sỹ quan “ngụy”, hắn còn chật vật với cuộc sống mấy năm sau đó nên mối tình với Hằng chỉ dừng lại ở các bức thư tình, các cuộc thăm nom hẹn hò nhau ở quê nàng, gần Cần Thơ. Hắn lo cho tương lai của gia đình sau này và tính chuyện vượt biên.

Sau hai lần vượt biên thất bại, đến lần thứ ba vào cuối năm 1983 thì hắn bị bắt và phải đi tù hai năm liền. Hai năm khổ sai tai trại K.4 Xuân Lộc - Long Khánh, hắn chẳng làm gì ngoài việc phải đẽo đá, khuân về xây tường để giam chính mình. Sợ người yêu bị liên lụy, hắn chủ động cắt đứt mọi liên hệ với Hằng, trong khi cô vẫn thỉnh thoảng xuống Sài Gòn mò tìm hắn.

Số phận cay nghiệt hồi đó đã dứt hai con tim ra khỏi nhau… Cuộc đời của “Sét Hòn” đi theo dòng chảy của nó, và hắn phải vật lộn để có cái cơ nghiệp và tổ ấm ngày nay. Ngày Tết cổ truyền yên tĩnh giúp người ta nghĩ về các kỷ niệm xưa. Vậy là sáng mồng một Tết, vợ con về bên ngoại, hắn lên xe phóng về Cần Thơ, định bụng tìm lại Hằng, xem nàng sống ra sao, có cần giúp đỡ gì không. Đến nơi, hắn chỉ gặp ông bà già, chị Hai cùng mấy đứa em của Hằng. Chi Hai khi xưa rất quý mến hắn, nay định cư bên Cali, về thăm nhà. Nhìn thấy hắn chị rưng rưng nước mắt nói, “Sáu ơi, Hằng mất đã bốn năm nay rồi”.

“Sét Hòn” muốn té xỉu khi biết nàng bị ung thư phải về Sài Gòn điều trị cả mấy tháng trời, rồi qua đời cách nhà hắn có mấy trăm mét đường chim bay.

Kể đến đây, tôi cảm tưởng hắn vô cùng hối hận và cắn rứt, vì bao nhiêu năm qua đã không quyết tâm dứt bỏ mọi việc mà về thăm Hằng một lần. Tôi cố an ủi hắn, tuy biết rằng việc đó vô nghĩa.

Tôi phải là kẻ có phúc thế nào mới được “Sét Hòn” cho xem cả bài thơ hắn tặng Hằng năm 1981 và bài thơ chị Hai tặng hắn trước lúc lên xe về Sài Gòn. Tôi đã xin phép “Sét Hòn” cho đăng cả hai bài thơ đó lên mạng.

Nick “Trục Trặc” thì tôi không thân như “Sét Hòn”. Tôi chỉ thích lối viết rất duy lý của gã trong các tranh luận trên mạng. Duy lý như vậy, nhưng nhiều bài viết của gã cũng mang nặng tình thương những số phận bất hạnh. Đã có đêm gã mất ngủ, lên mạng kể cho chúng tôi nghe về một cô dâu Việt qua Singapore cưới chồng. Ngày cuới, cô bị tai nạn và hôn mê mấy tuần nay. Chú rể suốt ngày rầu rĩ bên giường bệnh. “Trục Trặc” hay đả các chính sách ngu dân, chửi các quy định ngớ ngẩn của chính quyền, nhưng gã không bị rơi vào phái “Phàm là”. Tôi rất ngán nói chuyện với phái này, vì đối với họ, “phàm là” của cộng sản, cái gì cũng phải thối tha đến tận gốc. Khi máy bay của Vietnam Airlines bay nhầm qua đất Tiệp, họ bảo phi công do cộng sản đào tạo thì chỉ có vậy thôi. Họ đâu có biết là Úc đào tạo phi công cho ta, mà ngay cả phi công Mỹ cũng có những lầm lẫn chết người. Khi hãng UPI đưa tin sai về vụ cô Sharapova đến Việt Nam thì họ bảo vệ UPI là chỉ vì “ngây thơ” mà mắc lừa báo Tuổi Trẻ, đại loại như vậy.

Nhưng cái tôi phục nhất ở “Trục Trặc” là công suất viết. Đã có lúc gã viết một ngày tới hơn 10 bài trong một vụ bút chiến “đẫm mực” với một nick già đầu khác, vậy mà không hề lỡ nói dại như tay kia. Thành thực mà nói, cứ cho tôi ngồi gõ, không cần nghĩ gì cả, không ăn uống thì cả ngày cũng không viết nổi 50% số bài viết đó của hắn. Tôi có cảm tưởng tay này vô công rỗi nghề nên để tới hôm 11 Tết tôi mới gửi email cho gã. Quả nhiên mấy phút sau “Trục Trặc” gọi vào máy di động của tôi. Chúng tôi hẹn nhau hết giờ làm việc đến quán cà phê Regina ở đường Nguyễn Du.

Tôi tới trước và ngồi vào một bàn trống ở góc quán để có thể quan sát được mọi người ra vào quán. Một lúc sau có một người đi một mình vào ngồi cách tôi mấy bàn và cũng liếc nhìn qua tôi. Tôi không biết mặt “Trục Trặc” nên lấy máy ra gọi cho gã. Hóa ra gã cũng đang bơi trong cái biển xe máy cách đó khoảng một cây số. Còn ở bàn bên, đã có một cô gái đến ngồi với ông khách nọ. Rõ ràng con quỷ CAM vẫn ám ảnh tôi.

Vài phút sau một người đàn ông tầm thước, ngoài năm mươi, da ngăm đen, tóc búi tó phía sau, tay cầm máy di động buớc vào quán bước vào quán. Khi đó máy di động của tôi reo lên và gã nhận ra tôi. “Trục Trặc” nói thích quán Regina này vì nghe đâu một đại gia lập ra nó với ý đồ lấy tiền lời để làm từ thiện. Nghe vậy tôi mới để ý đến cách trang trí, cách ăn mặc của mấy cô cậu phục vụ và cảm thấy có lẽ gã có lý.

Cuộc đời của “Trục Trặc” cũng có nhiều trùng hợp với gia đình tôi và hàng triệu gia đình Việt Nam khác: Cha “Trục Trặc” tham gia cách mạng, nhưng hoạt động nằm vùng, trong khi nhiều người khác thì ở phía bên kia. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn năm xưa cũng để lại trong gia đình gã một sự chia rẽ bi đát. Kẻ được công nhận là người có công, kẻ bị kết án là có tội mà nguyên nhân chỉ là sự ngẫu nhiên của số phận.

Trái với nhận định ban đầu của tôi, “Trục Trặc” không phải là kẻ rỗi hơi, thất nghiệp. Gã có một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, đổ hàng cho khách từ Đà Nẵng đên tận Sài Gòn. Công ty chạy khá tốt và gã luôn phải ra Trung vào Nam để coi công chuyện. Khi tôi hỏi lấy đâu ra thời gian để viết bài thì gã khai: “Buổi tối ở nhà thì khỏi phải nói, còn ban ngày đến hãng, sau khi cắt đặt công việc xong là vào phòng, một mình một máy online. Có việc thì đi, xong quay về lại log-in!”. Gã bỏ khá nhiều thời gian, tâm lực vào các diễn đàn, bất chấp cả sự rình rập của CAM, vì gã không chịu được cái tâm lý vô cảm, chai sạn của phần đông quần chúng trước các vấn đề nóng bỏng của đất nước, mặc dù gã biết thừa là đang đem muối bỏ biển.

Tôi cười: Ừ, nếu không vậy thì làm sao mấy con dã tràng lãng mạn như anh và tôi ngồi đây với nhau.

Chúng tôi nói về các vụ sờ gáy của công an, nói về nỗi nghi kị ấu trĩ đến nực cười của các nick. Khi chia tay tôi nói: “Tôi chỉ mong cái ngày ấy sẽ đến và tất cả chúng ta trong diễn đàn tổ chức gặp nhau, bất kể ‘hồng vệ binh’, ‘phàm là’, ‘rân chủ cuội’, hay là ‘CAM’. Lúc đó nhắc lại các chuyện này chắc vui lắm. Mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết ai là Trục Trặc, ai là Tê Cu, ai là Sét Hòn, mấy thằng cha hám gái có thể sẽ té ngửa vì mấy cô ả Kỷ Niệm hay Hoàng Hôn chỉ là mấy lão già đầu hói, bụng phệ.”

Nick thứ ba mà tôi gặp tại Hà Nội một tuần sau đó, “Dương79″, là một cậu thanh niên sinh năm 79, năm Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh chống nước ta. Một cuộc chiến mà ngày nay cả bên gây chiến lẫn bên bị đánh đều cố tình dìm cho quên. “Dương79″ chỉ hơn con trai tôi 4 tuổi, nhưng vì ảo nên cậu ta gọi tôi bằng anh. Khi hết ảo, thấy cậu ta có vẻ khó xử, tôi nói: “Không sao Dương ạ, mình vẫn hay kết bạn với những người trẻ như cậu. Chí lớn gặp nhau không kể tuổi tác!”

Dương có khuôn mặt phúc hậu, thông minh, dáng đi đứng tự tin. Cậu sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội, đang có chỗ làm việc tốt, lương bổng rất khá. Mặc dù đúng là đối tượng của “Lối sống hưởng thụ định hướng XHCN” mà những người làm công tác “thanh vận” đang tìm cách chèo kéo, cậu ta lại quan tâm đến chính trị và đã từng liều mạng đứng ra tổ chức các cuôc biểu tình chống Trung Quốc, bất chấp mấy cú điện thoại nặc danh đe dọa tính mạng. Trong diễn đàn, “Dương79″ chưa có những bài viết lý luận kiểu “Trục Trặc”, đơn giản là vì cậu còn ít kinh nghiệm sống, nhưng là người hay cung cấp các sự kiện mà người khác nhiều khi chưa biết. Trong những ngày sau Tết này, chính “Dương79″ đã cho chúng tôi biết về cuốn sách Ma chiến hữu của Mạc Ngôn mới được nhà xuât bản Văn Học “vô tình” đưa ra vào dịp này. Cậu mượn cuốn sách đó của “Người-Buôn-Gió”, đọc ngấu nghiến xong là scan hết cả 199 trang sách, tải lên mạng qua một đêm. Riêng cái khoản đó là cậu đã xứng đáng đuợc nâng cấp lên hàng “anh em” với lão già 60 này. Có thể vì không va chạm với cuộc chiến hồi đó nên Dương đánh giá Mạc Ngôn khá tích cực. Cậu tìm thấy cái lõi nhân bản, sự lên án cái ác trong Ma chiến hữu và có vẻ khó chịu là sao chúng ta không có những tác phẩm như vậy. Tôi nói: “Nếu cuộc chiến này không bị dìm trong lãng quên, không bị cấm nói đến, thì cũng sẽ có Nỗi buồn của chiến tranh II. Hồi đó Bảo Ninh bị cấm mãi rồi cũng phải cho in”. Tuy nhiên tôi không thuyết phục đuợc Dương. Cậu nói: “Bên Tầu cũng cấm, nhưng vẫn có người dám nói. Trí thức ta có vấn đề anh ạ!”

Qua cuộc gặp gỡ các nick trên đây và một số văn nghệ sỹ, trí thức khác tôi nhận ra một điều thú vị. Tất cả họ đều thành đạt trong cuộc sống, đều là những người được hưởng các lợi thế của nền kinh tế mở cửa hiện nay ở Việt Nam, chẳng có lý do gì để bất mãn được! Chính những người có cuộc sống kinh tế vững vàng lại càng có nhiều đòi hỏi đến sự thật, lại muốn nhìn vào cốt lõi của mọi vấn đề.

Một thực tế thứ hai mà tôi nhìn thấy, đó là con người ta ngày càng ít bị phụ thuộc vào nhà nước. Trong chế độ XHCH trước kia, nhà nước nắm 100% quyền sinh quyền sát đối với mọi cá nhân. Công ăn việc làm ư? Nhà cửa ư? Đến cả quyển sổ gạo cũng do nhà nước cấp. Khi đó chỉ cần có ý nghĩ khác là đã có thể chết đói.

Nay chuyển sang nền kinh tế hàng hóa TBCN (gọi khéo là thị trường) định hướng XHCN, nhà nước chỉ còn nắm được duy nhất cái quyền cho nói, còn mọi thứ trên đây đều có thể nằm trong tay người dân, nếu họ có điều kiện và hiểu biết. Cách duy nhất để hệ thống toàn trị quay trở lại khống chế con người chỉ còn là các biện pháp xã hội đen, điều mà bản thân nó cũng chỉ dám áp dụng trong các trường hợp hãn hữu. Như vậy rõ ràng là quá trình tự do hóa vật chất đang tạo ra đất cho tự do tư tưởng. Các thành tựu kinh tế đang thúc đẩy tự do thông tin (internet, blog, điện thoại di động, kỹ thuật in ấn, kỹ thuật video v.v.) bất chấp ai đó muốn hay không. Ngày càng có nhiều trí thức và trung lưu ở Việt Nam nhìn thấu sự thật đằng sau các chiến dịch kiểu “Ngô Quang Kiệt”, “Nguyễn Việt Chiến”, hoặc chiến dịch bóp chết đợt kỷ niêm 30 năm chiến tranh biên giới. Tôi có gặp nhiều bạn bè làm báo, có cả tổng biên tập báo viết ở Hà Nội, đa số họ rất xấu hổ vì những việc làm này. Họ đều được dạy về tinh thần “Viết dưới giá treo cổ” của Julius Fucik[3] tại trường đại học báo chí. Nhưng sự sợ hãi đang xé cái đám đông đó ra thành nhiều mảnh, chủ nghĩa cơ hội đang biến tất cả họ thành kẻ thù của nhau. Cuối cùng họ lại chấp nhận hành động theo đường lối “cứ Tô Như Rứa”[4]. Nhờ đó mà may mắn lần này không xảy ra như vụ “Trần Dần Thơ”, khi mà hơn 200 trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng đã ký kiến nghị gửi Ban Bí thư và đã thành công. Những người dám vượt cái sợ, nắm tay nhau đi ngược dòng mới chỉ là thiểu số nhỏ, nhưng sự tích tụ tư hữu tất sẽ dẫn đến sự bùng nổ của tri thức, của ý thức dân chủ, vấn đề chỉ là thời gian.

--------------------------------------------------

[1] Nick: Biệt danh trên các diễn đàn
[2] Ddos: kiểu tấn công bằng hàng ngàn máy tính truy nhập vào một trang nào đó làm tắc nghẽn cổng vào. Khi đó mạng báo lỗi Denied of Service (Ddos). Kiểu tấn công này thường chỉ các tổ chức mật vụ hoặc khủng bố lớn mới đủ sức làm.
[3] Julius Fucik, (1903-1943) nhà báo cộng sản Tiệp, bị phát xít Đức giết hại. Tác phẩm Viết dưới giá treo cổ của ông từng là sách gối đầu giường cho các nhà báo ở các nước XHCN.
[4] Tô Huy Rứa, Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng

--------------------------------------------------------

Truyền thông

Bên cạnh mấy ông bạn “thật-ảo”, tôi đã dự tính đợt này sẽ gặp các văn nghệ sỹ mà tôi ngưỡng mộ lâu nay. Người đầu tiên tôi liên hệ là đạo diễn Song Chi. Trước kia tôi đã trao đổi email với cô vài lần, xin phép copy mấy bài viết của cô cho trang web khác. Do đó Song Chi cho tôi số điện thoại để khi về nước gặp nhau. Song Chi hẹn tôi gặp nhau lúc năm giờ chiều ngày mùng 5 Tết tại quán cà phê High-Land, bên ngoài Diamond-Plazza, trước cửa Nhà thờ Đức Bà. Khi nghe nói tôi sẽ tự đi xe máy đến, cô còn khuyên tôi là không nên.

Tôi đáp xe máy đến nơi và nhận ngay ra khuôn mặt khả ái phảng phất “Nỗi buồn mang tên Việt Nam[1] đang ngồi đó. Khi tôi chào cô, cô hỏi: Ủa sao anh lại biết em?

“Cô quá nổi tiếng, ai mà không biết!”

Từ sau khi bị đài truyền hình TPHCM (HTV) cắt hợp đồng làm phim, Song Chi đã chuyển sang phụ trách sản xuất cho một công ty truyền hình tư nhân, tất nhiên là dưới một cái tên nghệ thuật khác. Thu nhập cũng không đến nỗi gì. Song Chi ở với mẹ già và con gái 14 tuổi, ba người phụ nữ trong một căn nhà nhỏ. Cuộc sống của cô từ ngày bị tra xét đến nay, vẫn nằm dưới tầm ngắm của an ninh. Ngày tòa án xử anh Hải Điếu Cày, phường vẫn gây sự, mời cô ra trình diện. Cô nói thẳng: “Hôm đó tôi không đến phiên tòa đâu mà các anh phải giở cái trò đó ra. Tôi mắc đi công chuyện làm ăn, tôi không hơi đâu mà đi gặp các anh”, và cô làm như vậy.

Song Chi có một hoài bão là làm những bộ phim có chiều sâu tư tưởng, không cần phải đao to búa lớn, nhưng phải để lại cho khán giả cái gì đó sau khi xem. Vậy mà cái lệnh miệng tháng Năm 2008 đã chặn đứng mọi dự định của cô. Bao nhiêu kịch bản, ý đồ đang thai nghén đều phải gạt sang một bên. Hàng ngày cô chỉ còn biết sản xuất các loại chương trình vô thưởng vô phạt cho cái kênh tư nhân kia. Đối với Song Chi, một “môn đệ” của Krishnamurti, đau khổ nhất là khi không được sống cho hết mình. Hy vọng cuối cùng của Song Chi là một lúc nào đó, gió sẽ đổi chiều, hoặc mọi việc sẽ phai nhạt đi, cô có thể quay trở về thực hiện các giấc mơ của mình, thậm chí dưới một bút danh khác.

Tôi và Song Chi nói chuyện với nhau độ chừng 15 phút thì anh Nguyễn Viện và chú Bùi Chát đến nhập hội. Anh Viện sinh năm 49, hơn tôi hai tuổi, trông quắc thước mạnh khỏe. Hiện anh làm việc cho một công ty marketing, quảng cáo và cũng có thu nhập đều đặn. Các tác phẩm hiện nay của anh hầu như không còn được các nhà xuất bản trong nước in ấn nữa. Nhờ có internet nên những tác phẩm của anh vẫn đuợc “phát hành”, không có nhuận bút! Đã là thành viên của “hội văn học nghệ thuật ngoài luồng”, anh chấp nhận điều đó. Anh viết không phải để kiếm sống, mà vì lẽ sống.

Bùi Chát cũng vậy! Lúc đầu tôi cứ tưởng cậu ta họ Bùi tên Chát, nhưng hóa ra đó là một nick-name “hơi chát chát hơi bùi bùi”. Bùi Chát năm nay mới 31 tuổi, cậu ở chung với Lý Đợi trong một căn hộ thuê ở quận 7, cách nhà má tôi vài trăm mét. Hai tay “thanh niên nổi loạn” có một cuộc sống rất cộng sản chủ nghĩa. Đứa nào làm ra tiền cứ mua gạo, mua thức ăn để đó, tiền thuê nhà cũng vậy. Hiện Lý Đợi vẫn phải làm khổ chủ vì cậu ta kiếm được nhiều tiền hơn qua việc viết các bài báo bình luận thể thao, văn hóa. Nhìn cách ăn mặc, đi lại của Bùi Chát, tôi nghĩ là cái “chủ nghĩa cộng sản” của hai ông tướng trẻ vẫn sẽ tồn tại được khỏe trong cái nền kinh tế tư bản vô định hướng này.

Bùi Chát tặng tôi các cuốn sách: Có Jì Dùng Jì, Có Nấy Dùng Nấy, Xin Lỗi Chịu Không Nổi của nhà xuất bản Giấy Vụn và cuốn M-N&Z của nhà xuất bản Minh Châu ở Đà Nẵng. Tuy là sách tự in ấn, nhưng chất lượng giấy, bìa in đều khá, không kém gì sách của nhà nước. Mỗi lần tirage chỉ xấp xỉ 50-100 cuốn, biếu không là chính. Chi phí in ấn đều do các “nhà tài trợ” đảm nhiệm. Với cách xuất bản này các nhà văn tự do ở Việt Nam muốn khẳng định quyết tâm không để bị bịt miệng của mình. Nhưng để xây dựng được một nền văn học tự do cho hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn hàng triệu độc giả thì tôi e là không thể đi bằng con đường đó.

Việc đầu tiên chúng tôi hỏi nhau là tình hình của anh Hải Điếu Cày. Song Chi đưa cho mọi người xem chiếc nhẫn anh đan bằng sợi nylon mới gửi từ Khám Chí Hòa ra. Trong xà lim thiếu ánh sáng mặt trời, anh Hải hàng ngày đan những chiếc nhẫn với dòng chữ JFC và trước Tết gửi ra hơn 20 chiếc tặng bạn bè. Theo Song Chi, anh Hải vẫn mạnh khỏe và kiên cường. Hàng ngày anh tập trung làm các công việc thủ công như vậy chủ yếu là để tránh phải va chạm vơi ba tay lưu manh mà ban giám thị trại giam “gửi” vào ở với anh. Từ lâu tôi đã biết anh Hải không giỏi tiếng Anh, do vậy dòng chữ JFC anh viết lộn, thay vì FJC (Free Journalist Club). Chỉ từng đó cũng đã làm cho tôi cảm phục anh, quý trọng anh. Đâu cứ phải biêt ngoại ngữ mới là kẻ sỹ!

Lát sau cả bốn chúng tôi đến phố “Tây” ở đường Bùi Viện - Lê Lợi ăn ốc và nói chuyện tiếp. Song Chi rất khoái ra đây ngồi, cô bảo ở đây như cái thế giới thu nhỏ. Quả thât, tôi nhìn quanh thì thấy đủ các loại Tây, Nhật, Trắng, Đen, mặc T-Shirt, váy ngắn, váy dài, mặc complete, kiểu gì cũng có. Tội nhất là mấy anh chị cò mồi, cứ thấy người ngoại quốc là chạy đến lôi kéo mời chào bằng cái thứ ngoại ngữ “Ôkê-Bông Dua”. Đám Tây chắc đã quen với cảnh này nên chỉ đáp lại bằng cái nhìn lạnh lùng và cái lắc đầu No! Sorry! Trong cái thế giới thu nhỏ này của Song Chi, người Việt vẫn là những kẻ đáng thương, thua thiệt.

Chúng tôi vừa ăn vừa bàn về tình hình của xuất bản, truyền thông hiện nay ở Việt Nam. Nếu như trước kia, hoạt động trên lĩnh vực này chỉ là những cỗ máy tẩy não, tiêu tốn tiền bạc không thương xót thì ngày nay bản chất ấy chỉ chuyển từ tẩy não thành ru ngủ. Cái thay đổi về cơ bản là cách vận hành bộ máy đó. Nhà nước ngày nay không thể in tiền ra để nuôi cỗ máy nữa, nên đã chấp nhận để cho đồng tiền chi phối nó. Ngựợc lại cỗ máy đó đã được các nhà “tân tư bản” cải tiến để nó chạy êm hơn, ru ngủ dễ hơn, vừa là nơi thu tiền khổng lồ.

Yên tâm với chính sách cán bộ, chính sách đào tạo con người đã đạt đến mức tuyệt hảo, không thể xảy các tai nạn làm rung chuyển hệ thống, đảng đã nới rộng sân chơi cho báo chí truyền thông từ mấy năm nay. Nhờ đó mà Song Chi mới được làm việc cho “kênh truyền hình tư nhân” nọ. Tôi không buồn hỏi Song Chi tên của nó, vì tôi đã không thể nhớ hết các kênh trên tivi của má tôi. Riêng ở Sài Gòn có thể đã lên đến hơn hai chục kênh tư nhân. Do luật báo chí cấm các loại báo đài tư nhân, nên các đài, các công ty nhà nước tha hồ kiếm lời trong việc bán bản quyền in sách hoặc cho cho tư nhân “thuê” các kênh truyền hình. Hàng loạt các công ty nhà nước như VTC (Bộ Bưu chính Viễn thông), SCTV (Saigontourist), VCTV (Đài Truyền hình Việt Nam), HTV (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) đã mở ra vô số các kênh truyền hình cáp để cho tư nhân thuê. Đến như Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam VOV), anh cả đỏ truyền thông trong chiến tranh, nay không cam phận ngồi nhìn các đàn em thu tiền nên cũng đệ đơn xin chính phủ cho ra kênh VOV-TV. Trong xuất bản người ta khó phân biệt đầu sách “lá cải” nào là của tư nhân in “nhờ” nhà nước. Nhưng trong truyền hình, bên cạch các logo (đài hiệu) của VTC, HTV hay VCTV thường là logo thứ hai của tư nhân. Nhiều lúc họ phát phim có bản quyền của nước ngoài lại có thêm logo của hãng đó, cộng logo của nhà tài trợ, làm cho món xúp logo bắt đầu có mùi canh hẹ.

Giá thuê kênh là cả một bí mật, nhưng theo tôi biết thì kênh bèo nhất cũng mất 5-6 tỷ đồng/năm. Tôi có gặp một doanh nhân từ Nga về ngay trong tòa tháp 20 tầng do chính anh xây dựng tại đường Kim Mã, Hà Nội. Vị tiến sỹ này muốn mở một kênh thông tin kinh tế kiểu như CNBC hay Bloomberg tại Việt Nam. Tôi áy náy với anh rằng:

“Thông tin kinh tế nghe như vậy nhưng nếu làm thật chất lượng thì nó sẽ phải chạm đến chính trị. Anh cứ đọc Far Eastern Economic Review hay The Economist thì thấy đấy, những bài dịch trong đó đều bị TTTXVN đưa vào bản tin không phổ biến.”

Anh chia sẻ quan điểm của tôi, nhưng tin chắc sẽ tìm ra cách thông tin hợp lý. Tuy không gặng hỏi, nhưng tôi nghĩ là anh sẽ không tìm cách vượt ngưỡng. Một người thành đạt như anh thì rõ là phải tính toán đến hiệu quả kinh tế và sẽ không vì quá lãng mạn để mà tiêu tan cơ nghiệp. Qua nói chuyện tôi tự nhẩm ra được khoản tiền thuê kênh hơn 1 triệu USD/năm (hai mươi tỷ VNĐ). Đó là chưa kể đến chi phí để đầu tư mua sắm thiết bị, đầu tư vào đội ngũ biên tập, đạo diễn, kỹ sư, chi phí hoạt động v.v., vài triệu USD/năm như chơi. Vậy thì lãi ở đâu ra?

Song Chi nói là chủ yếu nguồn thu trông vào quảng cáo. Thực tế là hiện nay các kênh truyền hình tư nhân hầu hết đều đang chi ra mà chưa có thu vào hoặc thu không đáng kể, năm qua đã một số nhà tư bản truyền hình… giãy chết, tình hình này năm nay rồi sẽ còn nhiều nhà khác chết nữa! Chỉ có các đài nhà nước là sống khỏe nhờ tiền… bán sóng, ai chết mặc ai.

Quả thật, với nền kinh tế non trẻ của ta, số lượng công ty đủ mạnh để đổ tiền cho quảng cáo chưa nhiều. Cái thị trường lớn nhất 15 triệu máy thu hình miễn phí (free-TV) nằm gọn trong tay truyền thông nhà nước, do đó HTV mỗi năm thu 1,4 ngàn tỷ, VTV 1,3 ngàn tỷ đồng. Mấy chục kênh tư nhân và các kênh thương mại (commercial) nhà nước còn lại tranh nhau mảnh đất truyền hình cáp và DVB-T (Pay-TV) với khoảng gần 2 triệu thuê bao (giá 50-60. ngàn/tháng). Cảnh mật ít ruồi nhiều này khiến cho các nhà đầu tư phải tìm cách giảm tối đa chi phí, kéo theo cả chất lượng! Các nhà “tư bản giãy chết” này thường mua sắm các loại máy móc rẻ tiền nhất, dùng cả phần mềm crack để làm chương trình. Tại một số cơ sở truyền hình tư nhân, tôi bị “xốc” bởi điều kiện làm việc ở đó. Tiền nào của nấy, vì vậy chất lượng hình, tiếng của một số kênh không khá hơn trên You Tube là mấy.

Song cái đáng sợ nhất là chất lượng nội dung. Hơn hai chục năm qua, dân số nuớc ta đã phát triển với tỷ lệ 1,5% / năm, kinh tế tăng trưởng với tốc độ 8%, mạng luới công nghệ thông tin tăng 10-12%/năm, so với 1987 số đầu báo và số đài phát thanh truyền hình tăng gấp 8 lần. Một cơ thể đang lớn rất nhanh, nhưng lớn không bình thường. Nếu như cải cách kinh tế đã giúp nguời dân thoát cảnh xếp hàng cả ngày để mua bo bo, đã xóa bỏ cảnh ngày Tết chia nhau mấy quả trứng muối, thì việc đổ một phần đáng kể tiềm lực quốc gia để tăng vọt số đầu báo, số đài truyền hình đã không hề cải thiện chất lượng cuộc sống tinh thần, nâng cao dân trí. Hàng nghìn giờ chương trình truyền hình hàng ngày, hàng triệu trang báo tạp chí chỉ quanh quẩn giới thiệu phim, ảnh ngoại rẻ tiền và các loại tin giật gân vô thuởng vô phạt. Chúng cố tình né tránh bất cứ cái gì bị coi là “nhậy cảm”. Trong nghệ thuật, nguời ta dùng cái lá dâu để che đậy chỗ nhậy cảm, nhưng ở ta, nguời ta lại dùng cái nhậy cảm đó để che đậy sự thật. Tôi thật không thể nghe đuợc cái từ đó phát đi phát lại từ miệng của các ông tuyên huấn nữa rồi. Lạy các bố! Ở một cơ thể lành mạnh chỉ có một vùng đó thôi, còn nếu như chỗ nào các bố cũng tuyên bố là vùng ấy thì cái cơ thể đó quái thai đến mức nào?

Trong hoàn cảnh cái đầu bị bội thực “bo bo” như vậy, sự ra đời ngầm của truyền thông tư nhân đã làm nảy sinh một số hy vọng là quá trình này có thể tận dụng nguồn lực trong dân để tạo ra những bức tranh xã hội đa dạng hơn, tạo ra những giá trị nhân bản hơn. Nhưng kết quả ở đây cũng giống quá trình “xã hội hóa” ngành giáo dục hay ngành y tế đã xẩy ra ở Việt Nam, người dân vẫn coi trường tư kém hơn trường công, bệnh viện tư không giỏi bằng bệnh viện công, truyền hình tư nhân không hay bằng VTV. Có chăng là các bệnh viên, trường tư không dám cửa quyền nữa, mà đã lễ độ với khách hơn là các cơ sở nhà nuớc. Nhưng truyền hình tư nhân thì còn phải đắn đo, không biết nên lễ độ với khách nào? Khán giả hay khách quảng cáo?

Hiện nhà nước tránh chưa nói đến “xã hội hóa” báo chí, nhưng trong thực tế, tư nhân đã nắm một phần truyền thông. Các ngành công nghiệp quảng cáo, công nghiệp “sức khỏe”, công nghiệp “dạy học” v.v đã bắt đầu thao túng mảnh đất mới này. Tại các xã hội dân sự bình thường, truyền thông tư nhân luôn tìm cách đấu trực diện với truyền thông công cộng (thay cho truyền thông nhà nước) để tranh giành thị phần và cuộc đấu sòng phẳng như vậy thường đem cho khán giả lợi thế của cạnh tranh. Ở nước ta sự độc quyền về báo chí đã buộc truyền thông tư nhân tìm mọi cách luồn cúi uốn éo để “hợp tác” với nhà nước, hòng kiếm miếng ăn. Do đó bức tranh hôm nay tuy đã nhiều mầu sắc hơn hơn xưa, nhưng chỉ là sự lòe loẹt bên ngoài. Sự thao túng của tư nhân trong hoàn cảnh hiện nay không thể hiện ở sự phê phán hay phản biện với chính sách, mà ở chỗ các ngành công nghiệp nói trên thả sức dăng ra các loại bẫy để chộp người tiêu dùng. Ví dụ kênh tư nhân “truyền hình y tế” là một vương quốc của ngành công nghiệp “sức khỏe”, ngành có lợi nhuận cao nhất ở Việt Nam. Khi xem kênh này, ít khi người ta vấp phải các quảng cáo lộ liễu. Nhưng đứng đằng sau các chương trình giới thiệu về một phương pháp điều trị nào đó là các tập đoàn y dược xuyên quốc gia. Nguời dân không thể phân biệt đuợc đâu là ý nghĩa thương mại đâu là thông tin khách quan. Chỉ có nhà quản lý nhìn thấu cái trò quảng cáo chìm này. Nhưng đã thu tiền của doanh nghiệp thì nhà nước cũng phải giữ luật chơi. Kết quả là dân chi tiền nuôi cả nhà nước và doanh nghiệp. Thành quả của sáng kiến “nhà nuớc và nhân dân cùng làm” truyền hình!

Sau một hồi bàn luận, cả bốn chúng tôi đều nhất trí một điều: Với sự quản lý hiện nay, môi trường truyền thông ở Việt Nam rồi cũng sẽ đến lúc như môi trường đô thị, hay thị trường bán lẻ. Chỗ nào cũng xây nhà, cũng thành của hàng bán lẻ, nhưng chẳng cửa hàng nào ra hồn. Tất cả những căn nhà mặt tiền rộng 2m, cao 6-7 tầng kia rồi sẽ bị thế hệ sau đập tan, chứ chúng có đâu chấp nhận sống trong các chuồng cọp đó, mặc dù cha ông chúng đã ngu muội đỏ hàng trăm tỷ đô la để xây dựng. Báo chí, truyền hình rồi cũng vậy, sẽ có hàng trăm quả bóng xì hơi, tiêu phí hàng tỷ tỷ đồng, để lại hàng núi rác thải nhập từ Trung Quốc, Đại Hàn, Thái, hay được sản xuất ra từ các studio rẻ tiền kia, bởi các nhà tư bản hám lợi nhuận hơn lòng nhân đạo. Hậu quả lớn nhất là biết bao tâm hồn bị nhiễm độc bởi các sự thật bị bóp méo mà không hề được phản biện.

Chúng tôi chia tay nhau, Bùi Chát và tôi cùng đi về quận 7, vừa đi vừa trao đổi tiếp. Đợt này Lý Đợi không có mặt ở Sài Gòn nên tôi không gặp cậu ta. Tôi rủ Bùi Chát hôm nào đến nhà anh Đào Hiếu tán dóc cho vui.

Anh Đào Hiếu không hề biết tôi là kẻ hâm mộ anh từ hồi anh “Nổi Loạn”, nhưng khi nhận được email của tôi, anh đã vui vẻ mời tôi hôm nào đến chơi. Anh ở khu di tích Gò Ô Môi, gần nhà má tôi. Hôm mùng năm Tết tôi hẹn đến thăm thì anh lại bị huyết áp cao, nằm bệnh viện quận 7 gần đó. Tôi lo, nhưng anh bảo không sao, chỉ vì ngày Tết rượu bia nhiều nên huyết áp tăng, vào đây để theo dõi thôi. Anh rủ tôi qua bệnh viện để anh em làm quen nhau.

Tôi đến bệnh viện lúc 7 giờ tối, anh Hiếu đang ngồi ngoài sân một mình, tôi nhận ra anh đúng như trên trang web nên chạy đến chào anh. Anh rất mừng vì gặp thằng đồng hương “rổm”. Nhà thờ tổ họ Đào cũng ở Gò Bồi như nhà thờ họ Nguyễn của tôi. Tôi ra Bắc từ nhỏ, nhưng năm 75 cũng theo đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Huế, Đà Nẵng rồi Quy Nhơn nên những hình ảnh anh kể (trong Lạc Đường) về vụ ném bom trên đầm Thị Nại tôi vẫn hình dung ra (nay chỗ đó đã bị xây cất tùm lum cả rồi). Điều tôi tò mò là đời tư của anh, vì trên một số diễn đàn có người chê anh là đa tình, lăng nhăng không chăm lo đến vợ con. Lẽ dĩ nhiên là đàn em, tôi không dám bốp chát phỏng vấn anh từng mục, mà chỉ hỏi quanh. Thì ra anh vẫn sống với gia đình anh hồi nào. Cô con gái lang thang tìm mẹ trong Lạc Đường, nay đã sang Mỹ định cư với chồng, làm viêc tại hãng Boeing, vẫn về chơi luôn. Anh chị hiện ở với gia đình cậu út. Anh kể rất sôi nổi, đầy tự hào về cháu nội anh. Tôi đang gặp một Đào Hiếu rất đa tình, rất lãng mạn thời trai trẻ, nhưng cũng là một Đào Hiếu rất yêu cuộc sống gia đình, rất thương con cháu.

Đời sống kinh tế của anh chị Hiếu cũng khá vững, anh không cần phải “bán sách” để kiếm sống nữa, anh viết vì cái tâm của mình! Vì không muốn ai đó bị lạc đường lần nữa, không muốn họ bị nuốt phải Con giun cao su[2], khạc mãi không ra.

Anh nói: “Chế độ này thối nát, bất lực trước tình hình đất nước, chỉ lo tranh thủ chụp giựt được lúc nào hay lúc ấy. Tuy nhiên tôi cũng không muốn chiến tranh, không muốn đổ máu vì dân Việt Nam đã chịu quá nhiều đau khổ vì chiến tranh rồi. Vì thế tôi chỉ muốn dùng ngòi bút của mình nói cho chính quyền biết rằng nhân dân Việt Nam rất căm ghét chính quyền và biết rất rõ những gì chính quyền đã và đang làm. Chính quyền không lừa bịp được ai đâu.” Cái mong muốn lớn nhất của anh là “làm sao cho dân ta có chút quyền dân chủ, không bị hà hiếp nhũng nhiễu, nông dân không bị lừa đảo lấy đất, công nhân không bị bóc lột đến xương tủy”. Về hưu rồi anh chỉ lấy việc viết và biên tập cho trang web của anh làm nguồn vui.

Tôi đã vào trang web daohieu.com và phải công nhận: Tuy là một trang cá nhân, nhưng nó được biên tập, chăm chút nghiêm chỉnh như một tờ báo chuyên nghiệp. Bài nào của cộng tác viên cũng được anh sưu tầm các hình ảnh phù hợp để minh họa. Anh rất chăm trả lời và tranh luận với độc giả. Hầu như ngày nào cũng có bài mới. Là người làm công nghệ thông tin nên tôi biết sự vất vả và yêu cầu chuyên môn của công việc này. Lượng người truy cập trang của anh khá cao, hơn ngàn độc giả mỗi ngày, và quan trọng nhất là: độc giả trong nước vào được trang của anh.

Hai hôm sau anh rủ Bùi Chát và tôi ghé nhà anh uống bia chơi, anh ra tận ngõ đón hai anh em. Từ nhiều năm nay, có lẽ do ngưỡng mộ anh, nên tôi cứ hình dung ra một Đào Hiếu bị cơ quan chèn ép, bị xã hội gây khó khăn, sống đạm bạc như một nho sỹ ở ẩn. Nay nhìn thấy anh cuộc sống ổn định, cơ ngơi khang trang, tôi mừng “hết lớn” luôn.

Anh Hiếu hỏi tôi về hệ thống truyền thông bên Đức, tôi thấy ngay có sự hiểu nhầm: Các anh chị trong nước hay dùng từ “đài nhà nước”, “đài tư nhân”. Ở phần lớn các quốc gia dân chủ như Đức, Anh, Hòa Lan… lâu nay không ai nói đến truyền thông nhà nước nữa, mà là truyền thông công cộng (public broadcasting). Các đài phát thanh truyền hình công cộng khác đài nhà nước ở chỗ không ăn lương của chính phủ nên vẫn bình luận công bằng về các hoạt động của chính phủ. Chúng khác đài tư nhân ở chỗ không sống bằng quảng cáo nên không bị giới tài phiệt lũng đoạn. Kinh phí của các đài này do thuế của dân đóng. Ban quản lý các đài này (BBC thì gọi là Board of Governors, bên Đức là Rundfunkrat) đều do quốc hội đa nguyên và các tổ chức xã hội (công đoàn, giáo hội, nông hội v.v.) bầu ra. Nguyên tắc này đảm bảo cho hệ thống truyền thông công cộng trung lập với mọi đảng phái, mọi chính phủ, càng không phụ thuộc vào các tập đoàn công nghiệp, duy nhất chỉ phụ thuộc vào dân. Trọng tâm của hệ thống truyền thông công cộng là thông tin, giáo dục rồi mới đến giải trí. Quảng cáo bị hạn chế đến mức tối đa: BBC không được quảng cáo, các đài Đức như ARD, ZDF chỉ được quảng cáo buổi tối từ 18.00-20.00 giờ, doanh thu không được quá 10% chỉ tiêu hàng năm.

Tuy vậy truyền thông công cộng không phải cứ yên vị vĩnh viễn, muốn cho dân xem gì thì xem, nghe gì thì nghe. Sự cạnh tranh của truyền thông tư nhân và của các đài công cộng khác luôn ép chúng phải làm tốt hơn. Tại phương Tây, cũng vẫn xảy ra bóp méo sự thật, do vậy mới có câu ngạn ngữ “nửa chiếc bánh mỳ…”. Nhưng cái hay là ở chỗ, không ai được phép độc quyền về chân lý, được độc quyền nói dối.

Anh Hiếu cười: Nghe cậu nói mình thấy quá đơn giản để có được một nền báo chí độc lập. Nhưng ở ta thì có mơ cũng không được, vì người ta đâu muốn ai được độc lập, ai được tự do.

Bùi Chát nói: Bi kịch của nước mình là ở chỗ đó. Từ chục năm nay, cả nước cứ kêu về vấn nạn giáo dục, các ông nghị thì cứ hô hào cải cách giáo dục, các quan chức thì dựa vào đó để lên các chương trình cải cách giáo dục, để xin tiền của WB, ADB. Tiền như nước, nhưng càng ngày vấn nạn đó càng nặng. Cái gốc mà các ông ấy cố tình lờ đi là: Không chấp nhận đào tạo ra những con người có khả năng độc lập suy nghĩ, mà lỡ có thằng nhỏ nào từ bé đã có thói quen đó thì đã bị đoàn thể vùi dập cho chết. Vậy thì đến bao giờ mới có con người mới!

“Cậu cũng được đúc từ cái khuôn đó ra, sao cậu vẫn giữ được tư tưởng độc lập?”, tôi hỏi.

“Có lẽ may mắn của em là sinh ra trong một gia đình Công giáo, luôn có một đức tin vững chắc mà hệ thống giáo dục kia khó lọt vào. Hơn nữa Công giáo chúng em luôn là đối tượng của họ nên hai bên đâu có tin nhau.”

À ra vậy, tôi chợt nghĩ đến linh mục Chân Tín, đến các luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, những nguời theo đạo và nghĩ đến cậu Đắc, một kỹ sư Công giáo ở thành phố này, một đối tác làm ăn của tôi, rất chung thủy, rất trọng chữ tín.


[1] “Nỗi buồn mang tên Việt Nam” và “Đất nước này là của ai” là hai bài viết của Song Chi được phát tán nhiều nhất trên các trang web trong những ngày công an trấn áp thanh niên biểu tình chống TQ xâm phạm chủ quyền của ta tại HS-TS.

[2] Tác phẩm của Đào Hiếu, xem www.daohieu.com

No comments:

Post a Comment