Tuesday, March 31, 2009

ĐƯỜNG VỀ (5)

Đường về (5)

Nguyễn Việt

31/03/2009 6:30 sáng

http://www.talawas.org/?p=1694

Sau khi Jami về nước, tôi cũng từ bỏ ý đồ tiếp xúc một số quan chức trong Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên Môi trường để trình bày vấn đề mua điện của dân. Tôi nghĩ nên dành thời gian cho việc đi thăm họ hàng, bè bạn thân thiết, những người đã gắn bó với tôi bao năm qua, có nhiều kỷ niệm. Lý do không phải vì tôi ngại các quan chức lại sẽ đem Cơ chế ra để bào chữa, mà tại vì Phương, người sẽ môi giới các cuộc gặp này phải chuẩn bị đi công tác xa. Phương năm nay mới ngoài 40 nhưng đã làm tổng giám đốc một tổng công ty nhà nước với doanh số hàng trăm triệu USD/năm. Phương quý gia đình tôi lắm, vì chúng tôi đã đùm bọc vợ chồng hắn trong những năm đầu thập kỷ 90 tại Đức. Hồi đó Phương mới tốt nghiệp đại học xây dựng, mê chơi, ham tiền, cứ nghĩ là sang châu Âu sẽ lên tiên nên kéo Ngân, người yêu sang Đức hòng tìm may mắn. Tiếng tăm không có, nghề nghiệp chẳng ra sao, cuối cùng cả hai đứa đều đi rửa bát thuê cho mấy nhà hàng Việt. Vì Ngân có họ hàng với vợ tôi nên chúng tôi tuy lúc đó còn rất khó khăn, vẫn cho hai đứa ở nhờ trên gác xép. Cho đến bây giờ, đã lên vua rồi, hắn vẫn ngậm ngùi nhắc đến ngày cưới hai đứa cuối năm 1991, vợ chồng tôi tổ chức nướng thịt ngoài công viên, cách nhà mấy trăm mét, bị mưa, cả nhà ướt như chuột lột. Năm sau Ngân sinh con trai đầu, chúng tôi phải tìm thuê cho hai đứa căn hộ gần nhà tôi. Hồi đó phong trào bài ngoại ở Đức đang rất trầm trọng, liên tiếp có các vụ tấn công người nước ngoài của đám đầu trọc. Do đó nên chúng tôi phải khó khăn lắm mới kiếm được căn hộ đủ chỗ cho ba người. Giá thuê khá cao, chúng tôi phải bù thêm tiền nhà để đôi vợ chồng son đủ sống. Bố Phương, vốn là một cán bộ cao cấp trong Trung ương Đảng, biết con trai vất vả, đã viết thư sang khuyên hắn về nước, càng sớm càng tốt. Thấy Phương chần chừ, ông viết: “Bố chỉ còn mấy năm nữa sẽ về hưu, con về càng sớm càng tốt. Bố sẽ sắp xếp cho con một chỗ làm nhiều tiền đồ hơn là rửa bát xứ người.” Thấy hai vợ chồng Phương còn trẻ mà cứ sống dặt dẹo như vậy, vợ chồng tôi cũng khuyên chúng nên trở về Việt Nam. Thế là mọi kế hoạch để giúp chúng trụ lại ở Đức lại được đổi thành kế hoạch xin hồi hương. Riêng chuyện này viết ra cũng có thể thành một tiểu phẩm ly kỳ được. Năm 1994 cả gia đình Phương hồi hương.

Sáu năm sau, Phương nhờ tôi làm giấy mời sang Đức công tác với tư cách là giám đốc một công ty xây dựng nhà nước. Đợi mãi không thấy hắn sang, tôi điện về thì hắn nói: “Sứ quán Đức không cấp visa vì thấy tên em trong máy tính!” À ra cu cậu dính tội gì đó trong mấy năm rửa bát chui nên mới nằm trong sổ đen của cảnh sát Đức. Giá như ở Việt Nam, thế nào tôi cũng bị kỷ luật về tội quản lý cán bộ kém!

Vậy mà bốn năm sau đã thấy hắn gọi điện cho tôi từ Berlin. Tôi hỏi: “Sao em lại sang Đức được?” Phương nói: “Em đi theo phái đoàn kinh tế của chính phủ! Tý nữa em ghé thăm anh chị.”

Vài tiếng đồng hồ sau, một chiếc Mercedes bóng loáng đỗ xịch trước cửa công ty tôi. Phương được mấy đai gia từ Berlin tháp tùng đi vào. Ngửi thấy mùi nước hoa đắt tiền trên người hắn tôi nói đùa: “Ngày xưa chú mày lúc nào cũng sực mùi dầu mỡ, nhưng không khét như bậy giờ!”. Phương nhờ tôi đưa đi thăm lại các tiệm ăn Việt khi xưa hắn làm. Đến đâu hắn cũng cảm ơn mấy ông chủ cũ và mời họ nếu về Việt Nam phải để cho hắn đền ơn. Sau này tôi biết hắn luôn nhiệt tình đưa đón các ông chủ tiệm ăn này mỗi khi về Việt Nam chơi. Từ đó hắn hay qua lại châu Âu, lần nào cũng đi cùng đoàn doanh nghiệp tháp tùng các nguyên thủ Việt Nam. Hắn toàn giao du với các tổng giám đốc Vinashin, Vietnam Airlines, Vinaconnex v.v… Đi đâu cũng giới thiệu, đây là bạn em, bố nó là ông A ông B.

Chức vụ tăng, nhận thức cũng thay đổi. Năm 1997, khi còn làm giám đốc của một công ty xây dựng nhỏ, gặp tôi ở Hà Nội, hắn rất mừng về quyết định hồi hương và vô cùng lạc quan về tương lai kinh tế của đất nước. Vốn không phải là người sâu sắc về chính trị, nên đối với Phương, thu nhập và hưởng thụ là thước đo của tất cả. Phương so sánh sự vất vả khi nuôi đứa con đầu bên Đức với sự nhàn hạ của vợ chồng hắn hôm nay, khi mà hắn có hai osin giúp việc trong nhà, một cô chỉ lo chăm thằng thứ hai. Ca ngợi sự cởi mở của chế độ, Phương bảo tôi: Bây giờ em sắp vào Đảng rồi, họ biết là hồi trước em xin tỵ nạn chính trị bên Đức mà có nói gì đâu.

Tôi phải bảo nó: “Công an họ có ngu đâu, họ biết mày chỉ tỵ nạn kiếm tiền chứ chính trị cái mẹ gì. Chừng nào chú (bố Phương) còn ngồi đấy thì mày phải chịu khó mà ‘làm ăn’. Với cái ô đó thì mày cũng còn lên đến thứ trưởng như chơi!”

Khi đã lên tổng giám đốc kiêm bí thư đảng ủy, đi tháp tùng phái đoàn Việt Nam sang Đức đầu năm 2008 thì Phương đã chín hơn nhiều. Hắn còn hiểu hơn tôi sự thối nát trong lòng bộ máy nhà nước nên không ra sức bảo vệ nữa. Tranh luận với những ông chủ cũ đã đùm bọc hắn, Phương chỉ còn chống chế:

“Các anh ở ngoài nhìn vào cái nhà thấy nó mục nát, mái dột, tường sắp đổ thì muốn đập nó đi để xây cái khác. Nhưng chúng em ngồi bên trong thì lại phải tìm cách chống đỡ để cái nhà ấy nó khỏi sập, có gì dùng nấy, cả que lẫn sào, trông thì ngổn ngang đấy, nhưng nó không đổ ụp, dân bên trong không chết.”

Tôi ngượng quá phải nói nhỏ đủ cho hắn nghe thấy:

“Nếu thật tâm như vậy, trong tình thế xấu như thế thì phải hô hào mọi người góp sức, góp ý để chống đỡ cái nhà chứ sao lại không cho ai giúp đỡ cả, sao lại đi bắt giam, đánh đập những người góp ý, khuyên bỏ sào đi mà dùng xà, dùng dầm. Em định bịp anh hay em bị bịp vậy?”

Hắn lặng thinh, đánh trống lảng bằng việc khoe các dự án đầu tư vào bất động sản của hắn tại Việt Nam.

Đến đây tôi lại nhớ đến cuộc gặp nick “Sét Hòn” lần thứ hai tại Cà phê Saigon Tower ở đường Lê Lợi. “Sét Hòn” kể về nỗi khổ trong thời gian đi tù ở Long Khánh rồi kết luận chua chát:

“Hồi đó họ chửi tụi tôi là đồ phản động, đồ bán nước. Nhưng giá như tôi đi thoát thì nay lại trở về như một khúc ruột ngàn dặm của Đảng, ngày Tết được thành phố mời đi dự tiệc.”

Tôi nói: “Đã là ruột mà lòi ra khỏi bụng thì còn sướng cái nỗi mẹ gì. Bên ấy tụi mình gọi Việt kiều là nàng Kiều của đất Việt đó. Hồi xưa mình gần như phải đuổi thằng em (tức thằng Phương) về nước thì đời nó bây giờ ít ra cũng mới có được sự thỏa mãn về vật chất.”

Lần này gặp tôi, Phương xin lỗi là sáng sớm mai phải đi công tác Trung Đông nên không chắc có kịp liên hệ để tôi gặp gỡ các quan chức về vụ điện mặt trời.

“Không sao, việc đó không quan trọng lắm, anh thấy tình hình chưa chín như anh nghĩ.” Tôi đáp lại và nói rõ ý nghĩ của tôi về cái bẫy cơ chế.

Hắn trầm ngâm: “Em biết, chế độ này khó sửa lắm. Em cũng chẳng thể nào ngồi lâu trong cái nhà nước này đựoc. Ở trong ấy, mình có muốn là mình cũng chẳng được. Rủi ro cũng nhiều lắm. Xuýt nữa em phải vào Tây Nguyên làm trưởng ban chống tham nhũng của tỉnh mới đểu chứ. Ở cái cương vị đó, không giết chúng thì chúng cũng giết mình. Trước đây em còn cái ô của bố em, nay bản thân em đã trở thành cái ô nhỏ và cũng đã thành cái bia to rồi. Hồi xưa anh cứ bảo em, muốn làm quan được thì phải có chút máu lưu manh trong người. Giờ thì em công nhận anh nói đúng. Nhưng có lẽ cái lưu manh ở em cũng bắt đầu bị cái sợ nó đẩy lùi. Cứ nghĩ đến cái chức ‘trưởng ban chống tham nhũng’ là em lạnh gáy. Đã đến lúc phải tính đến chuyện ra ngoài làm ăn thôi.”

Rồi hắn nói về những dự định kinh tế của hắn, tôi nghe mà rụng rời luôn chân tay. Cả đời tôi không bao giờ dám mơ đến một góc những dự án đó. Phương rủ tôi đi uống rượu để nói chuyện tiếp, nhưng tôi bảo thôi nghỉ đi, để sáng sớm mai chú mày còn phải đi công tác sớm chứ.”

Hôm sau tôi nhờ Cường, bạn cùng phòng khi xưa dẫn đi thăm mấy anh chị thủ trưởng cũ đã về hưu. Mấy lần trước về nước, tôi thường tổ chức họp mặt, khi thì ở một nhà hàng, khi thì ở khách sạn, mời anh chị em xưa làm cùng phòng và các thủ trưởng cũ đến dự. Vui vẻ và cảm động lắm. Ôn lại các kỷ niệm cũ thời bao cấp đói khổ, những trò kiểm điểm tố giác nhau ngu ngốc, ai cũng bảo là sao hồi đó mình ngố thế! Năm nay các anh chị ấy đều ốm yếu nên tôi không thể làm như vậy được, phải nhờ Cường dẫn đi. Hà Nội 36 phố phường đối với tôi quá quen thuộc, nhưng Hà Nội mở rộng thì quả là không, vì có quá nhiều phố mới, với các loại ngõ ngang ngách dọc, số nhà, số ngõ loạn xì ngầu.

Đi thăm xong, Cường rủ tôi về nhà chơi. Cường là đồng nghiệp đáng tin cậy nhất của tôi, Thịnh, vợ Cường lại là bạn học của vợ tôi nên tôi nhận lời ngay. Trước khi đi Đức, tôi là một trong số it người ngoài Đảng làm trưởng phòng cấp một ở khối cơ quan trung ương khi đó. Mấy vị phó phòng và tay bí thư chi bộ luôn tìm cách phá thối công việc của tôi. Nhưng để đấu với một thằng kỹ sư xuất thân từ công nhân ra, thạo cả khâu làm nguội đến thiết kế vi mạch thì họ không có đủ lý lẽ. Diễn đàn duy nhất của họ là chi bộ đảng. Té ra các cuộc họp chi bộ phòng tôi hồi đấy thường là cuộc đấu tố vắng mặt tay trưởng phòng “vô thần”. Đảng viên duy nhất bảo vệ tôi trong các cuộc họp đó là Cường. Việc này do một cậu khác trong chi bộ kể với tôi. Cường là kẻ ít nói, không thích bon chen, cãi vã. Cũng có lẽ vì vậy mà năm nay Cường 60 tuổi vẫn không có “góc chiếu nào giữa đình”, chờ về hưu với chức vụ chuyên viên quèn. Thịnh thì đã về hưu từ năm ngoái, tuy không làm bác sĩ nữa, nhưng vẫn bị nền công nghiệp “sức khỏe” săn đón, nhờ bán các máy móc xét nghiệm cho các đồng nghiệp đang đương chức.

Thịnh nấu bún riêu cua cho tôi ăn, có cả rau muống chẻ, rau kinh giới. Ngon vô cùng vì đã quá lâu không được ăn. Hai vợ chồng bạn mới đi thăm con bên Mỹ về. Cậu con trưởng, nay đã ngoài 30 tuổi, cách đây 10 năm xin được học bổng sang Mỹ học rồi ở lại luôn. Có việc làm tử tế, nó giúp em gái sang học, lo nhà cửa cho em gái chu tất. Nay cháu gái cũng học xong và lấy chồng ở lại bên đó luôn, để lại hai ông bà già với căn nhà 5 phòng. Tôi hỏi: “Hai vợ chồng già ở như vậy có buồn không?”

Thịnh nói: “Bây giờ ở nước mình, phong trào cho con cái đi học rồi ở lại nước ngoài như Mỹ, Úc, Tân Tây Lan phổ biến lắm. Có lẽ đến 30-40% các cháu học xong là định cư ở nước ngoài. Buồn thì ai cũng buồn nhưng ở bên đó chúng có tương lai hơn.”

Tôi thầm nghĩ: các bạn đều là đảng viên sao lại có thể nghĩ như vậy. Nhưng đối với thằng bạn đảng viên Cường tôi không nỡ thốt ra điều đó.

Chuyến đi Mỹ vừa qua không những giúp Cường, Thịnh an tâm về cuộc sống của hai đứa con mà còn làm cho họ sáng tỏ về cuộc sống của cộng đồng “Việt kiều Mỹ”. Tiếp xúc với một vài số phận của những thuyền nhân cũ, Cường đã lý giải (nhưng không thông cảm) được hành động của đám đông quá khích trước tòa báo Viet Weekly. Té ra trước đây Cường chưa hề nghe về các đề tài ” Nghĩa trang binh sĩ cộng hòa”, “Đi tìm hài cốt cựu tù nhân cải tạo” hay về câu nói “Có hàng trăm cách yêu nước … Đất nước này đâu có phải của riêng những người cộng sản…” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những việc này rõ ràng xảy ra ngay tại Việt Nam, nhưng chỉ được thông tin, được nói đến cách đó hàng vạn dặm. Tiếp xúc với Việt kiều, cả hai vợ chồng Cường mới hiểu cái buồn da diết của kẻ tha hương và nỗi niềm nhớ thương tổ quốc của họ. Thực chất là người sống trong nước không mấy khi ý thức đựơc tình yêu của họ với lũy tre làng, với bát canh riêu cua, với làn điệu dân ca. Nhưng ở nước ngoài ai cũng ngấm điều đó. Rồi Cường kể về cuộc gặp gỡ một ông “Việt kiều Yêu nước” bên đó.

“Này cái danh từ ‘Việt kiều Yêu nước’ của các ông là bố láo!” - Tôi cắt ngang - “Nó chỉ nhằm chia rẽ chúng tôi thành hai loại ‘yêu nước’ và ‘bán nước’. Ông qua Mỹ thì thấy đấy, thằng Việt kiều nào mà không yêu bát canh riêu cua, không nhớ lũy tre làng, không yêu tiếng đàn bầu. Đấy là yêu nước chứ còn gì nữa. Vấn đề là nó có yêu Đảng hay không thôi. Còn bán nước thì bán thế chó nào được, khi mà họ chẳng nắm một tất đất, tấc đảo nào cả? Các ông suốt ngày ra rả ‘hòa giải dân tộc’ mà gọi một bên là ‘thương binh liệt sĩ’, còn bên kia là ‘phế binh ngụy’. Cái khác nhau giữa hai tay thương binh này chỉ là nơi sinh của họ. Chừng nào các ông còn kỷ niệm 30 tháng Tư rầm rộ thì bên kia họ còn nhắc đến Huế-Mậu Thân, họ đòi xây bia mộ thuyền nhân, hòa giải cái con khỉ.”

Có lẽ Cường không cho tôi là Việt kiều, mà chỉ là cán bộ đi ra nước ngoài, nên không hiểu được phản ứng của tôi. Nhưng đối với thằng bạn đảng viên Cường, tôi không nỡ nổi nóng hơn nữa. Tôi biết bạn tôi đã thỏa mãn với những gì đạt được, mặc dù luôn hiểu những mất mát của người khác.

Ở nhà Cường về đến khách sạn, cô tiếp tân đưa cho tôi một gói quà bọc giấy xi măng bên ngoài, trong túm tụm bằng nylon mỏng, nói là của cái Xuân tạp vụ của khách sạn mang đến tặng chú. Tôi mở ra thì thấy một chai mật ong rừng. Xuân quê ở Ba Vì, vùng quê nổi tiếng với cái giọng “con bo váng… anh bô đối”15. Năm 20 tuổi nó lấy chồng là một anh bộ đội trẻ phục viên, sau khi sinh Trang, đứa con gái thứ hai thì chồng Xuân mắc bệnh ung thư, vật vã 6 tháng sau thì mất. Năm 2002 nó gửi hai đứa con cho ông bà ngoại rồi lên Hà Nội tìm việc làm osin. Qua trung tâm giới thiệu việc làm, má tôi nhận Xuân về giúp phục vụ cho ba tôi ốm liệt giường mấy đã năm nay. Xuân chăm sóc ba tôi rất tận tình, như người thân vậy. Tôi hỏi, nó bảo đã từng chăm sóc chồng nó ốm nên nó hiểu. Sau độ vài hôm biết hoàn cảnh góa bụa, con côi của nó, má tôi bảo nó về đón con lên ở với mẹ cho đỡ khổ. Từ đó nhà ba má tôi từ hai nhân khẩu lên thành năm. Nhà chật thì cũng căng, nhưng gay nhất là chuyện đi học. Lúc đó thằng Phúc, con trai đầu của Xuân bắt đầu 6 tuổi, phải tìm cách nào cho nó đi học. Hộ khẩu không có, trái tuyến, osin thì tiền đâu nộp cho đủ. May vợ tôi trước kia là giáo viên nên vẫn còn bạn bè cũ, nay đã là các bà hiệu trưởng cả rồi. Thế là điện thoại từ Đức về xin cho được thằng cu Phúc vào trường Nguyễn Du, còn cái Trang 4 tuổi thì ở nhà với cụ. Chúng tôi coi hai đứa trẻ như con cháu trong nhà. Đồ chơi, quà bánh mang từ Đức về cũng chia cho chúng nên chúng gọi vợ chồng tôi là ông trẻ, bà trẻ. Được ít lâu sau ba tôi qua đời, ở nhà chỉ còn 4 bà cháu. Sau đó một năm má tôi tính chuyện bán nhà ở Hà Nội để vào Sài Gòn sống. Là dân miền Nam, bà không chịu nổi cái lạnh của xứ Bắc nên mùa đông bà ốm liên miên. Căn bệnh liệt giường của ba tôi mấy năm qua đã giữ chân bà ở lại Hà Nội. Cuối 2004 vợ tôi về giúp bà bán nhà, mua nhà, dọn nhà vào Nam và gia đình tôi cũng không quên số phận của Xuân.

Tôi nhờ Hải, bạn học cũ của tôi hồi cấp hai, nay là giám đốc khách sạn Thương Mại bên hồ Ngọc Khánh, nhận cái Xuân vào làm phụ bếp, tạp vụ trong đó. Vợ tôi thì gửi gắm cả hai đứa con của Xuân cho mấy bà bạn hiệu trưởng để chúng không phải đóng tiền trái tuyến. Có bà hiệu trưởng thương Xuân còn thuê nó về giúp việc nhà mỗi tuần mấy buổi. Đồ đạc trong nhà má tôi, từ xe đạp, giường, tủ, tivi đều cho Xuân để nó “ra ở riêng”. Xong xuôi đâu vào đấy má tôi mới bay vào Sài Gòn.

Mỗi lần vợ tôi hoặc tôi về nước đều ghé thăm xem 3 mẹ con sống ra sao và cho hai đứa nhỏ ít tiền. Với công việc phụ bếp, tạp vụ mỗi tháng Xuân kiếm được khoảng triệu rưởi, buổi trưa tranh thủ giờ nghỉ đi dọn dẹp nhà cho mọi người đựơc thêm năm trăm ngàn nữa. Trừ tiền thuê căn phòng nhỏ ngoài Phúc Xá mất bốn trăm ngàn, tằn tiện thì cũng đủ sống gọi là, may mà không mất tiền học.

Hôm sau Xuân te tái đến sớm để gặp tôi.

“Bố mẹ cháu có chút quà quê, chú cầm hộ về cho cô và các em bên ấy. Mật ong rừng đấy!”

“Cô chú bên ấy chẳng thiếu cái gì cả, vả lại đi máy bay mang cái này nó vỡ. Cô chú vẫn hiểu tình cảm của cháu. Thôi cháu mang về cho hai đứa nhỏ hay bố mẹ cháu dùng khi ốm đau.” Tôi bảo.

Xuân cứ chối đây đẩy và có vẻ tủi thân, cuối cùng tôi nhận và nói sẽ gửi vào Sài Gòn cho bà dùng nó mới chịu thôi. Nó cứ tiếc là lâu không gặp bà và hỏi ai giúp việc cho bà bây giờ, có tốt không?

“Bà chỉ thích ở với người làng Gò Bồi thôi, vì dân làng ở đấy ai cũng quen biết lẫn nhau và đều biết dòng họ ông bà từ hồi nào. Cô Bảy đang ở với bà cũng vậy, nhưng mà số cô ấy khổ lắm. Có chồng được hai mụn con rồi, tay chồng nát rượu, nghiện chơi bạc, lại hay ghen, suốt ngày hành hạ ba mẹ con. Đứa con gái lớn thì cạo đầu đi tu, cậu con trai nhỏ thì cô gửi cho cậu em ở Quy Nhơn nuôi. Ngày Tết cô ta cũng chẳng buồn về quê nữa, ở lại với bà, thỉnh thoảng gọi điện về hỏi thăm con trai. Về thì sợ chồng tìm bắt. Cháu thấy đấy, nhiều gia cảnh còn thảm hơn cháu.”

Nhìn thấy Xuân đầu tắt mặt tối, người gầy đét, không còn chút gì cái nét của phụ nữ tuổi ba mươi, tôi khuyên nó:

“Trông cháu gầy gò quá. Cháu phải bớt làm việc đi. Bây giờ mà cháu ốm thì khổ lắm đấy. Còn nếu ở đây căng quá thì ba mẹ con nên về quê với ông bà. Ba Vì nay đã thuộc Hà Nội rồi, chắc sẽ khá hơn xưa. Vả lại cháu cũng phải nghĩ đến đi bước nữa chứ. Trông cháu thế này đàn ông nào họ để ý tới.”

Xuân cười mếu máo, mắt đỏ hoe:

“Cháu về quê làm ruộng thì cũng sẽ khó lắm, nhưng vất vả mấy cháu cũng đã trải qua rồi. Cái chính là hai cháu ông lên Hà Nội được học hành nghiêm chỉnh hơn. Ở quê, trường đâu có ra trường hở chú. Cái nữa là ở quê, họ o ép dân chúng lắm, chứ không như ở đây. Còn chuyện lấy chồng thì cháu chẳng bao giờ dám nghĩ đến. Chỉ sợ lại vớ được ông chồng như chị Bảy thì chết.”

Tôi đưa Xuân tiền lì xì cho hai đứa trẻ và dặn: “Lần này ông bận, không dẫn các cháu đi ăn phở như mọi khi. Nhưng nhớ bảo thằng Phúc là cô Hòa hiệu trưởng mách ông tội nó hồi này học sút vì ham chơi trò chơi điện tử. Lần sau ông về mà còn thế thì liệu hồn.”

Tối 16.2, đang ngồi trên tắc xi ra sân bay quay về Đức thì có người gọi điện cho tôi. Hóa ra Xuân gọi chúc tôi lên đường. Tôi bảo nó tắt máy đi để tôi gọi lại. Tôi hỏi: “Sao cháu chơi sang thế, có cả máy di động?” Xuân bảo nó chỉ xài máy cũ, mua giá rẻ, nhưng mà phải có máy thì mới trụ được. Một ngày nó phải đi hết nhà nọ nhà kia làm thêm ngoài giờ, nó cần có máy để các chủ nhà nhắn nó mua thêm cân rau, củ khoai trên đường đến, hoặc nếu họ đi vắng thì bảo nó lấy chìa khóa gửi chỗ nào v.v… Rồi tôi nghe tiếng thằng cu Phúc rụt rè nói thì thầm trong máy: “Ông trẻ ơi cháu sẽ nghe lời ông, không chơi điện tử nữa!”

Sân bay Nội Bài, nơi mà năm 1991 vẫn bị tụi tôi gán cho cái tên “Bài Nội” giờ đã có phần khác xưa, không còn cái kiểu Tây được ưu tiên hơn ta nữa. Song sự lộn xộn, nhếch nhác thì đâu vẫn hoàn đấy. So với các sân bay quốc tế Frankfurt, Paris hay sân bay Bangkok, Singapore mà tôi đã đi qua, Nội Bài nhỏ hơn nhiều. Lượng máy bay lên xuống cũng như khách ra vào không bằng một phần mười. Vậy mà lúc nào cũng thấy gọi nhau í ới, chen lấn. Hình như ai cũng có tâm lý sợ mất một cái gì đó, nếu mình không nhanh tay nhanh chân hơn kẻ khác. Cái tâm lý này đã bám chặt lấy tôi trong những ngày dậy từ 4 giờ sáng đi xếp gạch, xếp rổ rá để mua nước mắm, đậu phụ ở của hàng cung cấp “Nhà Thờ”16. Nay cứ nghĩ hết thời đó rồi thì lối sống của dân ta cũng văn minh hơn. Nhưng nghe đâu hôm Tết, dân Hà Nội vẫn tranh nhau cướp hoa ở Bờ Hồ. Rồi cuối cùng các nhà quản lý lại đổ tội cho mấy đứa nhập cư như ba mẹ con nhà cái Xuân gầy còm kia.

Sau khi làm xong thủ tục, tôi tranh thủ gửi SMS chào tạm biệt một loạt bạn bè và người thân. Hôm mới về nước tôi mua sim và được Viettel tặng khuyến mãi 30 cú SMS miễn phí, chưa dùng gì. Tưởng bở! Mới gửi SMS được hơn chục phát thì máy đã báo hết sim. Hóa ra mấy tướng quân làm kinh tế chỉ cho phép gửi SMS miễn phí trong nội bộ “quân ngũ” Viettel thôi. Thế là trong số chục SMS vừa rồi, mình cũng bị các vị tướng lừa ít nhất 5-4 cú. Giỏi chẳng khác gì Tây!

Tôi mở laptop ra và vào mạng Wifi được ngay. Khoản này thì ta hơn đứt Tây. Ở sân bay Frankfurt tôi cũng vào được mạng, nhưng chỉ xem được quảng cáo của T-Online17. Muốn vào trang khác để lấy email chẳng hạn là bị đám tư bản kia đòi tiền qua thẻ tín dụng. Cũng cần phải nói thêm là lần này tôi đã cảm nhận được chất lượng đường truyền Internet tốt hơn hẳn hai năm trước. Ở Hà Nội và Thành phố HCM tôi đều thấy vào Internet nhanh hơn hẳn. Như một chân lý bất di bất dịch ở nước ta, Internet càng nhanh, càng rộng thì tường lửa càng cao, càng hiểm! Chuyện vặt! Hóa ra tất cả mọi người tôi gặp đều tỏ ra coi thường bộ máy hàng chục triệu đô la đó. Ai cần thì vẫn vào, ai không cần thì cản làm gì!

Tôi nhận được ngay email của Bùi Chát: “Hy vọng chuyến về Việt Nam vừa rồi đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong anh. Mong những bài viết của anh. chúc anh vui, khỏe”. Cảm ơn Bùi Chát! Phải nói thực là Bùi Chát đã để lại trong tôi ấn tượng sâu nhất trong cả chuyến đi này. Tuy chỉ gặp nhau cả thảy 3 lần, nhưng lần nào tôi cũng học được ở cậu chút ít. Đó là sự tự tin vững chắc vào những điều cậu đã nghĩ về một nước Việt Nam mới, một sự ung dung đón nhận những gì sẽ đến. Đó là đầu óc phân tích sự việc một cách khách quan, không để những thành kiến lịch sử tác động, điều hiếm có ở tuổi trẻ, và lại càng hiếm ở tuổi già. Điều đáng buồn nhất: “Đọc thơ cậu, tớ chẳng hiểu gì cả, cứ như một lão già quen nghe hát chèo, nay bị bắt nghe nhạc hip hop!”

Chuyến về nước lần này, cũng như bao chuyến đi trước, luôn để lại trong tôi một sự pha trộn giữa những niềm vui và nỗi buồn. Nhưng càng những lần về sau, tôi càng thấy nặng lòng hơn với đất nước này, nơi mà má tôi, bố vợ tôi, cô Bảy, mẹ con cái Xuân, thằng Phương, vợ chồng Cường Thịnh, anh Đào Hiếu, anh Nguyễn Viện, các bạn trẻ Song Chi, Bùi Chát, Uyên Vũ… vẫn hàng ngày tạo nên dòng thở của cuộc sống: kẻ vất vả, mòn mỏi, kẻ bon chen, phè phỡn, kẻ thì đau khổ, thổn thức. Các nick bạn tôi sẽ còn thức đêm vượt tường lửa vào talawas, x-cafe, dânluận… để đọc, để viết, để tán, để bình cho thỏa chí, trong khi các bạn CAM vẫn mẫn cán làm nhiệm vụ.

Hẹn gặp lại tất cả.

Hà Nội tết Kỷ Sửu,

Cologne đầu tháng 3.2009

- Hết -

© 2009 Nguyễn Việt

© 2009 talawas blog

----------------------------------------

Đường về (4)

30/03/2009 5:50 sáng

http://www.talawas.org/?p=1689

Đường về (3)

28/03/2009 3:21 sáng

http://www.talawas.org/?p=1530

Đường về (2)

27/03/2009 5:38 sáng

http://www.talawas.org/?p=1488

Đường về (1)

26/03/2009 5:20 sáng

http://www.talawas.org/?p=1469

No comments:

Post a Comment