Trao đổi giữa ông Bùi Tín và các thành viên X-cafe (phần 5)
http://www.x-cafevn.org/node/1456
Tv Bom: Nhà báo Trần Hùng Văn tức tác giả Việt Thường, trước đây ông viết cho tờ Độc Lập ở Hà Nội, lấy bút hiệu Trọng Kính. Trần Hùng Văn bị Cộng sản bắt giam hơn 10 năm, sau đó ông được chính phủ Anh bảo trợ sang Luân Đôn. Việt Thường Với cương vị là nhà báo dưới chế độ Cộng sản nên có dịp tiếp xúc với nhiều hạng người trong xã hội Cộng sản. Vì vậy tác giả Việt Thường biết được nhiều chuyện đặc biệt với nhiều chi tiết và lại có những bài viết về cá nhân bác với nhiều ngôn từ gây khó hiểu cho người đọc? Thực hư ra sao?
Ông Bùi Tín: Tôi đã bị Việt Thường chửi bới vu cáo, bịa đặt và chụp mũ một cách hạ đẳng. Tôi chưa hề gặp ông ta. Tôi không muốn hạ mình thảo luận với một kẻ không có tư cách. Nhưng khi ông ta in sách gọi tôi và anh Hiên là "đặc công đỏ" thì tôi buộc lòng tìm hiểu và lên tiếng 1 lần. VT có một kiểu viết rất tệ, đó là dựa vào sách và bài tôi viết rồi cắt, xén, lắp ghép, thêm bớt một hai chữ, bỏ đi vài ngoặc kép, lừa dối người nhẹ dạ. Đó là xảo thuật chính rất bất lương của ông ta. Anh Tường Thắng có thời bị mắc lỡm ông ta.
Ông ta và Nam Nhân dựng đứng chuyện tôi là phái viên của ông Giáp (!), của ông Linh (!), ông Trà (!) ở nước ngoài. Tôi đã nói : tôi là nhà báo tự do, tôi không có tạng làm gián điệp. Họ dựng đứng chuyện rất ly kỳ: Bùi Tín vừa đến Paris, Bùi Diễm đã sang báo cáo và xin ý kiến để phá cộng đồng. Thật ra mấy năm sau tôi mới gặp và quen thân anh Diễm, một người rất có tư cách.
VT phịa chuyện tôi khinh anh em QĐ VN Cộng hòa, gọi là nguỵ quân, thật ra tôi đều nói rõ đó là quan niệm "khi xưa", - "theo cách gọi của đảng CS" - Kiểu cắt xén, thêm bớt, chắp nối, vu cáo hèn hạ như thế, không bền lâu, sớm muộn ắt bị lộ tẩy. Tôi đã cố đánh thức lương tâm VT và NN, nếu như có ý tưởng chống Cộng thật sự thì hãy thức tỉnh lại đi, cứ chửi bới CS văng mạng, tục tĩu, thô bẩn hạ đẳng không hề làm hại một ly nào cho CS, mà cứ đánh phá anh Thiện, anh Hiên, anh Hoạt, anh Toàn, cô Công Nhân, cô Thanh Thuỷ ... là bất nhân, là ngu xuẩn, vì đó là những chiến sỹ dân chủ chống cộng chân chính, làm lung lay chế độ độc đảng có hiệu quả gấp triệu triệu lần những kẻ phá đám bất lương, hại nước, hại dân .
Vì hiện nay họ vẫn không chịu thức tỉnh, vẫn lao vào ý đồ đen "độc quyền chống cộng" dại dột, có hại chung, tôi buộc lòng nói rõ, theo tôi biết và theo sự điều tra của anh em trong nước thì: Việt Thường cũng như Trần Hồng Văn không hề có chân trọng Hội nhà báo VN, không hề có chân trong ban biên tập báo Độc lập, bị tù vì tội dân sự, "buôn lậu hàng cấm và hành hung", không hề dính tội chống chế độ, từng làm chỉ điểm rất hèn hạ ở trong tù CS; sang Anh bằng con đường đút lót ngành lãnh sự với lý do có con gái lấy một công dân Anh.
VT biệt nhiều chuyện cụ thể, lặt vặt về chế độ, nhưng không có hệ thống, không ngọn nguồn, chỉ là nhặt nhạnh, chắp vá , "sáng tạo" thêm, suy diễn.
Tôi không nghĩ Hà Nội xử dụng VT, NN để phá phong trào, vì con bài này hạ đẳng, khôn mà không ngoan, chỉ nhũng nhiễu phong trào trong thời gian và không gian rất hạn chế. Ông ta phá phách kiểu lưu manh chính trị, chửi đổng mọi người chỉ vì động cơ cá nhân mù quáng, sơn phết tô vẽ mình bằng cách bôi bẩn những người tử tế.
Tv buiphan: Hẳn ông cũng nghe nói về chuyện 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Nếu ông biết cụ thể về số phận sau cùng của nó và bạch hóa ra tại đây thì thật là một điều hữu ích.
Ông Bùi Tín: Trưa 30/4/1975 trong Dinh độc lập, ông phó thủ tướng đặc trách về kinh tế yêu cầu được gặp riêng tôi để báo rằng: "bọn tôi đã giữ lại hơn 16 tấn vàng của Trésor - Kho bạc, không cho ông Thiệu mang đi, xin giao lại các ông", tôi có hỏi lại là giữ có bảo đảm an toàn không, ông Hảo trả lời là để dưới hầm sâu, qua nhiều cửa khoá, bọn tôi giữ chìa khoá. Ông Hảo còn góp ý: số vàng đó nếu "placer " là gửi vào ngân hàng ngoại quốc lấy lời thì năm sau có thể lên 17 tấn, rồi sẽ lên 18, 19 tấn. Quý ông cần thì bọn tôi sẽ giúp.
Hiện ông Hảo còn sống, làm chuyên gia ở Haiti, có lần điện thoại hỏi thăm tôi; ông vẫn thỉnh thoảng về VN.
Tối đó tôi fax ngay cho tướng Lê Quang Đạo phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị báo tin về 16 tấn vàng, 2 hôm sau có đoàn của Bộ tài chính Hà Nội đi máy bay IL 18 vào nhận. Sau đó khi ra Hà Nội, tôi kể lại cho ông Đạo ý kiến của ông Hảo, ông Đạo trả lời ngay, đó là kiểu tư bản, ta không chơi được.
Mãi vào năm 1988, khi tham gia viết hồi ký của ông Trường Chinh, tôi vào Đà Lạt cùng ông, khi đi dạo ngoài vườn ông nhớ lại chuyện năm 1975 và than rằng: chú biết không, 16 tấn vàng hồi đó chú báo ra, ta không giữ được, đến nay, bay hết sạch rồi! Mỗi năm cấu véo một ít để mua nguyên liệu, mua lương thực... nay không còn gì!
Tôi kể chuyện này cho anh chị em phóng viên kinh tế báo Nhân Dân, các bạn nói chính nhờ số vàng ấy mà trong 10 năm kinh tế kiệt quệ do ta bị cô lập, bị phong toả sau khi chiếm Cam-bốt và chiến tranh với Tàu, ta có thể gắng gượng được cho đến thời đổi mới.
Tv Loner: Môi trường xã hội VN và chính quyền ĐCSVN rất khác với các nước Ở Liên Xô, Đức, Balan, Rumani,Tiệp... Ở các nước này, dân trí cao hơn hẳn so với VN, và điều quan trọng là khi đó người dân họ có cái quyền được nói lên tiếng nói của mình. Ông là người xuất thân từ trong ruột của ĐCS ra đi, theo ông có cách gì để đấu tranh với ĐCSVN một cách hiệu quả và nhanh chóng? Ngoài ra theo ông thì sự yếu kém của ĐCSVN ngày nay là do trình độ của họ, do nhận thức tư duy, quản lý yếu kém của họ, hay là do cái cơ cấu chính trị cộng sản (độc đảng) mà họ không thể phát huy được. Vậy nếu họ có trình độ cao, kiến thức uyên thâm thì với môi trường nhiều tài nguyên và sức lao động trẽ như VN thì họ vẫn có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh và dân chủ hơn không thưa ông?
Ông Bùi Tín: Vẫn là tâm lý sốt ruột, nôn nóng, sao chế độ độc đảng tệ hại, lạc hậu sống dai đến thế.
Không nên quá cường điệu sự khác biệt giữa các nước Đông Âu và nước ta. Dân tộc nào cũng có khát vọng tự do. Được tự do một phần lại muốn được tự do thêm nữa. Vì tự do mang lại niềm vui tinh thần , cái lợi vật chất rõ ràng. Ăn một miếng tự do là thèm ăn thêm, là mê, là nghiện tự do, đòi hỏi tự do.
Mới có một phần tự do kinh tế - thương mại ... mà đã khác hẳn trước. Gạo có thể chọn mua hàng chục loại, nếp, tẻ, tám thơm, gạo dự, dạo Thái, Ấn. Xà phòng vài chục loại tha hồ chọn. Áo quần, vải vóc, tơ lụa, muôn mầu nghìn thứ, trăm kiểu. Khi xưa hàng mậu dịch, khan hiếm, không thể lựa chọn. Gạo mốc, xà phòng nát bét, vải đen hay trắng vẫn cứ phải mua, còn van xin cầu cạnh để mua. Nay khách hàng là thượng đế.
Chính trị cũng vậy. Phải có quyền thật sự lựa chọn người đại diện cho mình. Ở châu Á, mươi năm trước Quốc Dân Đảng ngự trị một mình ở Đài Loan, gần đây có đảng dân chủ lên làm Tổng thống và Quốc hội đa đảng; Nam Hàn xưa cũng độc đảng quân phiệt với Pác Chung Hy,nay có 3 đảng lớn cạnh tranh, xưa Nam Dương và Philippin đều độc đảng Quân phiệt Suhactô, Marcos, gần đây mới có đa đảng, Cam bốt cũng vậy, nay có 3 đảng chính ra tranh cử. Sao ta không thể đi sớm hơn Trung quốc và Bắc Hàn theo hướng tiến bộ.
Hãy tự trách mình. Nhất là tuổi trẻ đã là tuyệt đa số cử tri. Vượt lên thế hệ cũ. Hãy xem Obama 47 tuổi do thuyết phục tuổi trẻ mà làm nên lịch sử. Ta có thế cực mạnh là thế của thời đại, xu thế từ độc đoán ra tự do, dân chủ, không thể cưỡng lại được. Bạn ạ, chớ sốt ruột, chớ ngồi chờ và "sao lâu thế ? "; mà đứng dậy, xắn tay áo, vào cuộc bằng hành động, sẽ hết sốt ruột.
Tv Cá Kho Tộ: Lúc “đóng cửa” 10 năm sau 1975, CSVN và cả nước sống dở chết dở, đến thời “mở cửa” 1986 thì tư bản ồ ạt đổ tiền tỉ đôla vào VN nên bộ mặt kinh tế VN đổi mới, gần như từng ngày! “Tiền của ngươi ở đâu thì linh hồn ngươi ở đó” do đó bọn tư bản có dám thực tâm ủng hộ tranh đấu dân chủ, tự do cho VN hay không? Vì CSVN đã báo trước, không độc tài thì xã hội sẽ xáo trộn. Xã hội xáo trộn thì tư bản mất lợi tức! Có thể nói khác hơn là tư bản và TQ “đã ăn cánh” với CSVN để đôi bên cùng hưởng lợi trên đầu trên cổ dân Việt. Do đó CSVN không sợ bị sụp đổ vì được tư bản và TQ bảo vệ vững vàng! Chắc chắn CSVN đang “đi đúng hướng” để bảo vệ độc quyền! Bác nghĩ sao về chuyện nầy? Bối cảnh như vậy, liệu tuổi thọ của bác có dài hơn tuổi thọ của CSVN như bác mong muốn hay không?
Ông Bùi Tín: Bạn Cá Kho Tộ, bạn nói đúng, nhưng có vẻ đúng một phần thôi. Đúng là Trung quốc là chỗ dựa và tư bản vì lợi nhuận vẫn giúp cho CS Việt Nam tồn tại. Nhưng không phải chỉ có vậy. Lại còn có mặt khác. Thái độ bành trướng, dân tộc Đại Hán của TQ cũng mang đến tai hoạ và làm suy yếu và mất uy tín của bọn đàn em CS Việt Nam. Thái độ quỵ luỵ nhân nhượng của Hà Nội kích thích lòng yêu nước của nhân dân, nhất là tuổi trẻ.
Còn bọn tư bản chưa muốn hạ bệ chính quyền Cộng sản nhưng chúng cũng lại góp phần làm VN CS suy yếu. Vì muốn làm ăn, chúng buộc Hànoi phải tôn trọng luật pháp, phải bài trừ tham nhũng, phải công khai minh bạch, đều là những điều CS rất e sợ. Chính quyền Obama vừa muốn khôn khéo, ôn hòa nhưng vẫn phải cam kết xây dựng dân chủ khắp nơi. Trong diễn văn nhậm chức, Obama nói đến Khe Sanh và cảnh cáo "những kẻ tham nhũng và bịt mồm người bất đồng chính kiến" chính là chĩa vào một số địa chỉ trong đó có Hà Nội. Cho nên Mỹ vẫn cho những phái viên nhân quyền sang VN, sứ quán Mỹ vẫn công khai thăm viếng ủng hộ các chiến sỹ dân chủ ta ...Cho nên nghĩ đi còn phải nghĩ lại, và cũng luôn nhận rõ sức đấu tranh của dân ta mới là quyết định trên hết và cuối cùng. Những điều bạn nêu là những trở ngại, không phải là ngáng trở, ngăn chặn, làm bế tắc cuộc đấu tranh.
Ta cần làm cho nhân dân, nhất là tuổi trẻ có ý chí đấu tranh tự chủ, nhận thật rõ cuộc đấu tranh này là cần thiết, chính nghĩa, là trách nhiệm công dân yêu nước để đứng dậy hành động không tính toán phân vân.
Trong lịch sử ông cha ta đã nghĩ và làm như thế. Chống ách thống trị phương Bắc, chống thống trị của thực dân Pháp, chống Tàu 30 năm trước...đều là như châu chấu đá voi, nhưng ta đều vượt được. Huống hồ sự nghiệp dân chủ hóa hiện tại là hợp với quy luật toàn thế giới từ Âu Mỹ sang Á Phi. 15 năm nay, Đài Loan với độc quyền Quốc Dân Đảng, Nam Hàn với độc quyền quân phiệt Pác Chung Hy, Nam Dương, Philippin đều độc quyền gia đình trị Suharto và Marcos, Thái Lan và Cambot cũng chuyển hẳn sang đa đảng.
Tại sao ta lại là (1 trong hay là) chiếc đèn đỏ ô nhục độc đảng cuối cùng của châu Á? Khi toàn dân ta, hay đa số hay một bộ phận tinh hoa của dân tộc nhận ra nghĩa vụ thiêng liêng ấy và đứng dậy đồng loạt thì cả thế giới sẽ ủng hộ ta và không có sức nào cản nổi. Cho nên bạn nêu một vấn đề khó khăn, nhưng không nan giải, không bế tắc, chỉ để ta thêm nghị lực, thêm ý chí, thêm thông minh vượt qua mọi trở ngại.
Tv kfd19: Ông đánh giá thế nào về THTNDC nói chung và anh Nguyễn Tiến Trung nói riêng? Có phải ông đã từng cố vấn chỉnh sửa bài viết cho anh Nguyễn Tiến Trung hay không?
Ông Bùi Tín: Tôi đã gặp anh Nguyễn Tiến Trung nhiều lần, cùng Hoàng Lan, Quốc Việt và ban biện tập báo Phía Trước. Đó là những thanh niên có nghị lực, dám dấn thân, có chiều sâu suy nghĩ và biết kết hợp với nhau . Rất đáng quý. Tôi đánh giá rất chân thực như thế. Tôi cũng đã nhiều lần góp ý rất chân thành và cởi mở, cụ thể cho Tập họp Thanh niên Dân chủ nhất là về tâm lý bạn đọc trẻ tuổi, về mở rộng mạng thêm và có thêm phần Audio cho sinh động. Mạng THTNDC đã đưa toàn bộ cuốn sách Tâm tình với Tuổi Trẻ VN của tôi viết riêng cho tuổi trẻ, với những giọng đọc trẻ trung và chút ít âm nhạc sinh động.
Tv 4Neu: Trước đây, bác có vào X-cafe bao giờ chưa? Mấy ngày gần đây, bác tham gia thảo luận với anh em x-cà, bác có suy nghĩ gì về tình hình ngôn luận của diễn đàn? Theo bác thì chúng cháu cần phải làm gì để trở nên tốt hơn nữa?
Ông Bùi Tín: Trước đây tôi rất ít vào mạng X-Cafe, vì bận và có quá nhiều mạng. Gần đây nhà văn Vũ Thư Hiên cho tôi biết và giới thiệu "các cậu ấy hay ra phết, chững chạc, đứng đắn, là một mạng trẻ và có chất lượng. Đó là anh chị em trí thức trẻ trong sáng, tìm ra đường và muốn đi tới ". Anh Hiên và tôi đều không khen ai một cách dễ dãi. Cho nên tôi có cảm tình với X-Cafe.
Tôi chỉ có vài góp ý : nên thu hút chị em vào mạng cho vui vẻ, trẻ hơn, vì sức đấu tranh của chị em không nhỏ đâu. Nên có những sáng kiến hành động, bằng những việc làm, nếu không thì lập mạng để làm gì, luôn đặt ra việc làm, làm gì nữa? Phân công mỗi bạn nhận một việc chung, về nước xem xét xã hội, nghiên cứu tình hình biên giới, hỏi thăm gia đình anh chị em bị bắt, bị giam, vận động anh chị em trẻ trong ngành công an, tuyên huấn - tư tưởng...móc nối với Báo Sinh viên Dân chủ vừa xuất hiện, tìm giới thiệu những bài thơ của và cho Tuổi trẻ theo chủ đề dấn thân.
Việc mạng các bạn ngăn những lời lẽ thô bỉ, vô văn hóa hay những vu cáo là rất cần. Không nên gọi đó là kẻ "chống cộng cực đoan", vì không chính xác, những kẻ ấy không chống cộng đâu, họ chuyên chống những người chống cộng có hiệu quả nhất, chúng phá đám sự nghiệp chống cộng; nếu chống cộng cực đoan có nghĩa là chống cộng triệt để, đến cùng thì là tốt chứ, nhưng chúng chống cộng nhố nhăng, lăng nhăng, chỉ để làm như chỉ có một mình chúng chống cộng trên đời. Chúng thật sự đáng thương hại.
Tv Neid: Cháu xin bác giải thích giùm một nghi vấn lịch sử về cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Huế. Căn cứ vào Việt Nam thiên sử truyền hình (phần nguyên bản chưa bị cắt), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi phỏng vấn, đã cho rằng chuyện người dân Huế bị tàn sát là điều bịa đặt, có hay chăng chỉ là nhân dân trừng trị các thành phần ác ôn, có nợ máu với nhân dân. Theo bác thì vấn đề này có hay là không ? Nếu có, thì phải giải thích như thế nào ?
Ông Bùi Tín: Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói lên lập trường chính thức của đảng CS. Đã có những cuộc tàn sát dân thường. số nạn nhân chính xác là bao nhiêu? Hiện có những con số khác nhau, từ 3.800 đến gần 10 ngàn, với nhiều hố chôn người tập thể.
Tôi không có mặt ở chiến trường này, nhưng vẫn tìm hiểu sự thật về sự kiện này. Tôi quen đại tá Lê Minh từng chỉ huy một cánh quân trong thành phố Huế. Nguyên nhân sâu xa là khi chiến dịch bắt đầu, đã có một thông báo của đảng uỷ phân khu Bình Trị Thiên nói lên đặc điểm của Thừa thiên-Huế, coi nơi đây là địa bàn có nhiều loại phản động (!) đông đảo nhất ở miền Nam. Nào là cơ sở gốc của các triều đại phong kiến, giòng họ Hoàng Phái đông đảo, nơi giòng họ Ngô đình Diệm và Ngô Đình Cẩn cắm rễ, nơi có nhiều đơn vị hiếu chiến nhất, nhiều đảng phái "phản động", nhất là đảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu ...rồi bảo an dân vệ cũng hung hăng hơn nơi khác. Thông báo nhấn mạnh đây là vùng có nhiều phản động đầu sỏ, nhiều ác ôn. Các đơn vị công an, an ninh đi theo các đơn vị để truy lùng phản động ác ôn thường dựa vào cơ sở tại chỗ, nằm vùng và mới tuyển mộ theo đơn vị. Do đó bọn chỉ điểm tại chỗ - như số 30/4 sau này, - cũng lợi dụng để hoành hành, " lập công ", trả thù cá nhân bừa bãi...
Xét cho cùng là do đường lối vô sản, quan điểm đấu tranh giai cấp quyết liệt, bạo lực đổ máu, oan còn hơn sót của đảng CS được áp dụng hung bạo khi hoảng loạn tháo chạy lúc bị tổn thất nặng, đã tạo nên cuộc tàn sát biết bao thường dân lương thiện. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói lên lập trường mù quáng khát máu sát nhân ấy của đảng CS giữa một cuộc chiến ác liệt.
Tv QT ThienAnMon: Cháu là đứa trẻ, lớn lên, bên gốc "cây đa" của báo Nhân dân. Nếu cháu không nhầm, bác chuyển sang báo nhân dân sau năm 1975. Vào năm 1973, cháu đọc các bài phóng sự của bác, lấy bút danh "Thành Tín", báo Quân đội, về trận Điện biên phủ trên không và rất thích thú (cháu còn nhớ, cho đến bây giờ). Bố cháu đã mất, cũng như với các đồng nghiệp, hàng xóm của gia đình cháu: Bác Tạ Quang Đạm, Nguyễn Thành Lê, Lê Điền, Hà Xuân Trường. Bố cháu có nói: "Bác viết phóng sự rất hay". Cháu xin hỏi bác: Sự kiện bóng bàn Trung quốc-Mỹ năm 1972: Một người phát hiện ra sớm "âm mưu" và hậu quả đối với VN là bác Hoàng Tùng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, là một nhà lý luận (vẫn còn sống,.... 7 DT) ?
Ông Bùi Tín: Chào bạn. Tôi cũng còn nhớ cây đa cổ thụ Hàng Trống lắm. Cụ Hoàng Tùng cây lý luận hàng đầu của đảng CS nay 92 tuổi rồi, năm 2005 có bài viết công nhận Staline và Mao trạch Đông là những kẻ sát nhân vượt quá tội ác của Hit-le và Tần Thuỷ Hoàng; nhưng vẫn chưa dám đụng đến ông Hồ! Ông Tùng biết thừa ông Hồ từng suy tôn 2 lão Xít và Mao ra sao!
Tôi quý cụ Tạ Quang Đạm lắm, em ruôt cụ Tạ Quang Bửu; cụ Đạm bị chiếu tướng chỉ vì từng có bằng cử nhân luật thời Pháp và có mấy tháng làm tri huyện Nông cống Thanh hoá. Cụ Lê Điền rất tâm huyết chống tiêu cực, ngược hẳn với Hà Xuân Trường cực kỳ cơ hội và giáo điều khi chống Nhân văn - Giai phẩm. Vụ Bóng bàn Trung - Mỹ thì ai cũng thấy là tai hại cho Việt Nam rồi.
Tv buiphan: Với một chính quyền bất chấp các chuẩn mực, thông lệ QT như CQVN hiện tại thì những tư liệu lịch sử quan trọng nhưng bất lợi cho DCSVN có khả năng bị họ tiêu hủy để phòng trường hợp bị "bạch hóa" như đã được làm ở Đông Âu sau khi hệ thống cộng sản nơi đó sụp đổ hay không?. Nếu câu trả lời là "Có" thì hành vi đó có thuộc tội phạm không?, đồng thời có biện pháp gì để ngăn chặn, phòng ngừa thậm chí hồi tố, hay chỉ trông chờ vào "Tòa Án Lương Tâm" mà thôi?.
Ông Bùi Tín: Chính quyền nào cũng có những kho hồ sơ, được xếp loại Mật, Tối Mật, Tuyệt đối Bí mật, Tuyệt Mật Loại Đăc biệt .... được luu giữ ở nhiều cấp, nhiều cơ quan như ở Văn Phòng Trung Ương đảng, Văn phòng Bộ chính trị; Văn phòng Ban Bí thư TW đảng, rồi ở Văn phòng Chính Phủ, Văn Phòng Bộ Ngoại Giao, Văn phòng Ban đối ngoại TW, Văn phòng Bộ Công an, Sở lưu trữ. Nay các hồ sơ đều cho vào máy tính hiện đại, máy cực lớn, bộ nhớ kho nhớ vô tận, lại rất dễ bị phá, bị lấy cắp, bị nhân bản, bị tiết lộ. Những viên chức ở cơ quan lưu trữ hiện đại thường '"lấy cắp" những dữ liệu quý làm của riêng, làm của quý hiếm sẽ tăng giá trị với thời gian.
Ở Liên xô, đã bạch hóa công văn cực kỳ bí mật mang chữ ký duyệt của Staline trên bản đề nghị của Béria về thủ tiêu gấp 20 ngàn sỹ quan Balan trong rừng Katin từ năm 1938. Bản Hiệp ước tuyệt mật Xô-Đức ký giữa Molotov và Ribbentrop ký hối ấy cũng được bạch hóa thời Gorbachov.
Tv caphao: Để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Hồ, 19/5/1990, là sự kiện rất quan trọng nên thường các cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước phải chuẩn bị trước đó cả hằng năm. Lúc này, ông phụ trách Phó Tổng biên tập báo Nhân dân và Tổng biên tập báo Nhân dân Chủ nhật. Tôi nhớ, bài báo công bố tác giả Trần Dân Tiên là cụ Hồ được đăng ở "Nhân dân chủ nhật" (nếu là ở Nhân dân thì xin nhờ ông sửa giúp). Với cương vị người phụ trách duyệt bài đăng, xin ông cho biết do ông "không để ý", cho là không quan trọng hay ông do sức ép của ai để phải đăng; thêm nữa, từ những tư liệu nào để ông khẳng định tác giả Trần Dân Tiên là cụ Hồ để đưa lên báo? Ngoài ra, vào giai đoạn 1990-1992 trở đi hay thời ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí Thư, vấn đề ngôn luận trong nước lúc đó không còn quá căng thẳng như trước, tệ sùng bái không còn quá nặng, vì như tờ báo Văn Nghệ vẫn đăng những truyện ngắn như "Linh Nghiệm" hay các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp nhắm tới chuyện đả phá thần tượng.
Ông Bùi Tín: Việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh ông Hồ 19-5-1900 đã được chuẩn bị từ cuối năm 1997. Việc năm 1999 Viện Văn học đưa tin công khai ông Hồ có mấy chục bút danh - được kể ra hết trong đó có Trần Dân Tiên và T.Lê - là do động cơ ca ngợi, đóng góp vào việc suy tôn ông Hồ. Họ không hề nghĩ đến việc đó sẽ gây nên phản ứng gì xấu đâu. Vì mọi người đã bị nhiễm sâu tệ sùng bái cá nhân rất sâu rồi. Hầu hết đảng viên, viên chức vẫn nghĩ ông Hồ không thể có sai lầm xấu xa nào. Họ cho rằng dù ông Hồ nói về việc sùng bái mình thì chỉ là nói một điều đã có thật rồi, một sự thật hiển nhiên thôi, không phải tự vỗ ngực khen mình.
Bài Linh Nghiệm của Trần Huy Quang là cực hiếm, lọt ra được sau kỷ niệm 100 năm ông Hồ.
Tôi không khoe hay tự đề cao đâu, tôi nói điều này trên BBC cuối năm 1990, là lời phê phán đầu tiên và công khai việc này. Tôi nói: "cuốn sách mở đầu viết: Bác Hồ chúng ta là người cực kỳ khiêm tốn, Người không bao giờ muốn kể về mình. Vậy thì ai đang nói về ai vậy? Ngay sau đó báo Quân đội Nhân dân viết bài trên trang 1: Bùi Tín dấn thêm một bước trên đường phản bội bằng vu cáo Bác Hồ...
Còn ai viết thì chính ông Hồ nhận, cũng không một ai khác nhận, thế là rõ. Ông Hồ có máy chữ, ở trên rừng, đánh máy một hai tuần lễ là xong. Hồi ấy là năm 1948, ông Hồ ở trên Việt Bắc.
Tv theviewingplatform: Theo ông, khả năng xuất hiện một Gorbachiov Việt Nam, để bắt đầu cách mạng tư bản từ bên trên có hay không?
Ông Bùi Tín: Ta không nên theo một mô hình cứng nhắc nào. Gorbachev là một gợi ý rất hay. Tức là có ý chí cải tổ xã hội từ bên trên, từ vị trí Tổng bí thư khi thay Brejnev ù lỳ, hưởng lạc, quan liêu. Gorbachev là lãnh tụ đảng cộng sản có văn hoá, có kiến thức, có lương tâm và trách nhiệm. Rất hiếm hoi trong thế giới cộng sản.
Tiệp với Hiến chương 77 là một gợi ý khác, một nhóm trí thức tập họp thành nhóm Hiến chương 77, cầm đầu là Havel một nhà văn - viết kịch ...Balan lại kiểu khác, từ phong trào công nhân công đoàn cùng giáo dân sùng đạo kết hợp trong Solidarnos, với phong trào bãi công; Hungari cũng có nét hay, với phong trào di dân ồ ạt sang Áo, phá đổ hàng rào phe XHCN ở khâu yếu nhất , dẫn đến phá sập bức tường Berlin ở Đức ... Rumani với nổi dậy quần chúng bất mãn ở vài tỉnh rồi mới lan về thủ đô Bucarest , trói vợ chồng Xeucescu sống xa hoa vương giả, lập tòa án tử hình lập tức.
Chế độ độc đoán nhiều đặc quyền đặc lợi của độc quyền cộng sản làm tha hóa dễ dãi người lãnh đạo, con người bình thường không cưỡng lại được. Nhiều người khá tốt, lên chức, lên ngôi, được tâng bốc, liền hư hỏng đi. Đó là do kiểu tuyển lựa nhân tài từ trên xuống, một nhóm ở trên chọn các cấp dưới theo kiểu chủ quan, cánh hẩu, quen biết, theo cảm tính và cảm tình cá nhân, nên lãnh đạo luôn yếu kém, dễ tha hóa hư hỏng. Cũng do độc quyền, không có ai kiểm tra, giám sát, không có ganh đua cạnh tranh, lại càng sa sút, tha hóa nhanh.
Tv Kami: Hiện nay tôi có cảm giác những người có suy nghĩ tiến bộ đều có nguyện vọng cải cách chế độ chính trị hiện tại ở Việt Nam ,thay thế chính quyền CS độc tài toàn trị hiện tại bằng một chính thể Dân chủ theo kiểu mô hình các nước phương Tây nhưng riêng tôi có suy nghĩ hơi khác mọi người vì theo tôi như vậy là quá cầu toàn,sẽ tốn nhiều sức người sức của của cả hai phía. Xin được bày tỏ cùng ông suy nghĩ của tôi: sẵn sàng chấp nhận cho Đảng CS tiếp tục nắm quyền một thời gian 5-10-15 năm, nhưng: 1 - Lập tức loại bỏ các cơ quan đảng trong hệ thống Tư pháp hoặc có một Tòa Án Hiến pháp hoàn toàn độc lập không chịu sự chi phối của đảng CS. 2 - Tôn trọng tự do báo chí,cho tư nhân xuất bản các loại báo chí dưới các dạng khác nhau.
Một thời gian ngắn mọi việc sẽ êm xuôi đâu vào đó khi đó tiến hành Đa đảng đa nguyên bầu cử tự do cũng chưa muộn. Theo suy nghĩ trên của tôi nghĩa là dung hòa cả hai phe sẽ gần nhau hơn để nói chuyện đàm phán cho tương lai. Xin hỏi ông có suy nghĩ gì về phương án tôi nêu ra?
Ông Bùi Tín: Theo tôi, tình hình xã hội Thái lan và Việt Nam rất khác nhau. Thái lan không hề trải qua thời kỷ CS, theo kiểu đảng chọn (qua Mặt trân Tổ quốc) và dân bầu. Dân Thái lan theo chủ nghĩa tư bản thị trường tư do từ lâu, nên có nếp xấu " mua phiếu "rất ngang nhiên.
Phương án của bạn rất khó khả dĩ. Vì ai đứng ra thay mặt toàn dân để ép CS nhận chỉ nắm chính quyền thêm 10 hay 15 năm nữa? Dung hòa 2 phía để gần nhau và chuyển hóa là ý kiến hay nhưng khó thực hiện vì Đảng CS vừa trịch thượng, ỷ thế kẻ nắm trọn quyền hành, vừa không muốn lùi một bước nào, vì lùi một bước sẽ bị đẩy lùi bước nữa và có thể đổ kềnh.
Theo tôi, Việt Nam nên đi theo con đường tổng hợp, nhiều lực lượng (trí thức, lao động, công nhân, nông dân,học sinh, sinh viên,trí thức, các tôn giáo) , nhiều mặt (kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng,xã hội), phối hợp hỗ trợ nhau, với những khẩu hợp phối hợp sắc bén, tập trung vào những mục tiêu then chốt như tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo (đều được ghi rõ trong Hiến pháp), quyền tư hữu ruộng đất... Những gì Hiến pháp bảo vệ thì cứ làm không cần xin phép ai, như một loạt báo Dân, Tổ quốc, Tư do ngôn luận, Tự do dân chủ, Phía Trước, Câu lạc bộ Nhà báo tư do, như một loạt diễn đàn, tập họp, nhóm , tổ chức, đảng bí mật và đảng nửa bí mật, như tổ chức 8406 ..., như một loạt blog tư nhân sinh sôi nhiều...
Cứ vào cuộc, sẽ có vô vàn sáng kiến, bạn Kami ạ.
Tv quiteyoungguy: Cháu xin được hỏi bác 3 câu:
1. Thời gian đồn trú tại Camboque, theo một số tài liệu cháu đọc được (hình như có cả của bác) thì ông Lê Đức Anh có ra lệnh thủ tiêu rất nhiều đảng viên khme đỏ cấp tiến. Nếu gia đình những đảng viên này thu thập những tư liệu và kiện ông Lê Đức Anh ra tóa án quốc tế về tội chống nhân loại thì ảnh hưởng của nó với những phán xét của quốc tế tới việc Việt Nam mang quân vào tiêu diệt Khme đỏ cũng như cái nhìn của dân Camboque với người VN ra sao?
2. Nếu bác có thông tin, bác có thể cho một nhận xét khái quát về quan điểm của tầng lớp cựu chiến binh tại Việt Nam hiện nay với những đòi hỏi dân chủ hóa đất nước?
3. Chính quyền Việt Nam hiện nay dường như đã không còn khả năng kiểm soát hữu hiệu tại các địa phương, khi có biến động gì đó họ thường gửi cảnh sát hoặc quân đội từ trung ương về giải quyết. Theo bác thì nguyên tắc và quyền lợi gì gắn kết đám lãnh đạo chóp bu với nhau để điều khiển hai lực lượng trên?
Ông Bùi Tín:
1 - Chuyện này đưa ra quốc tế rất khó, vì đó là thời chiến tranh. Ở Cam-bốt là nội chiến. Cũng không có ký kết gì khi kết thúc chiến tranh. Chỉ có Khme Đỏ bị loại và nay bị đưa ra tòa án quốc tế xét xử.
2 - Cựu chiến binh là một tổ chức không chặt chẽ. Nó không có hệ thống như quân đội. Nó mang tính chất hiếu hỷ hơn là thực chất. Hoàn toàn không như Hội những người kháng chiến cũ ở Sài Gòn và miền Nam hồi 1979-84, sau bị giải tán. Phần lớn Cựu chiến binh nay về sống đời sống như thường dân, do đó tư tưởng họ không thuần nhất, nhiều nét khác nhau.Số đông rất nhạy cảm với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới.
3 - Lãnh đạo chóp bu, như 15 nhân vật trong Bộ Chính trị, tuy có kèn cựa nhau nhưng hoàn toàn nhất trí trên đường lối chính sách, vì họ cùng một lò ra, lại chung đặc quyền đặc lợi. Họ đoàn kết nhân nhượng nhau để cùng tồn tại, nêu có ai có lập trường khác là bị số đông loại bỏ ngay. Như Trần Xuân Bách, như Nguyễn Cơ Thạch.
Tv susu: Theo bác, những gì bác viết mấy chục năm qua đã đủ chiều sâu và sự thực về vấn đề một chế độ hay thế hệ chưa?
Ông Bùi Tín: Lịch sử, chế độ, thế hệ là những vấn đề rộng lớn, bao quát, lại đang phát triển. Nó là không cùng, vô tận. Ngay lịch sử đã qua, đã là quá khứ, cũng có vô vàn sự kiện bị che giấu, bị phát hiện, khám phá đánh giá dần, và còn được tranh cãi. Cho nên không một ai có thể biết hết, nói hết, nói đúng và đủ được.
Sự thật là vô cùng. Cho nên tôi làm sao nói hết được. Tuy viết hàng mấy trăm bài báo, hàng chục cuốn sách, tôi cũng chỉ nói lên một phần sự thật. Nhận thức của tôi cũng hoàn thiện dần, bổ xung thêm hàng ngày. Phải cố học hỏi, suy nghĩ bằng tư duy tỉnh táo của chính mình, kiên trì tìm sự thật để trình bày ngay thật cho bạn đọc đó phải là lương tâm của người viết báo.
Tv Trịnh Minh: Xin được phép hỏi ông 2 điều sau:
1. Trong những năm qua, theo thiển ý, VN đã có những bước tiến đáng ghi nhận về kinh tế , ngoại giao, về chính trị thì tuy vẫn chưa có đa đảng, dân chúng quả thật là chưa được hưởng mọi thứ tự do như các quốc gia khác ... nhưng cũng có thể coi là có những thay đổi theo chiều hướng tốt, còn chậm hay nhanh là theo đánh giá của mỗi người. Tất nhiên, những cải thiện này có được là do nhiều yếu tố ( nhóm ) tác động đến, ở đây, tôi chỉ xin hỏi riêng về 2 yếu tố , giữa 2 cách, cách nào hữu hiệu hơn trong nhu cầu phát triển dân chủ trong nước:
a/ Những làn sóng Việt kiều về thăm quê hương, trong đó có những người về đóng góp , chia xẻ kiến thức về khoa học, kinh tế, nhân văn ... kể cả kinh doanh, hợp tác với chế độ.
b/ Những hội đoàn chính trị hải ngoại liên tục công kích chế độ và chủ trương 1 cuộc thay đổi toàn diện .
2/ Ông thường đề cao vai trò và sự quan trọng về nhận thức của thanh niên để phát triển dân chủ. Nhìn về sinh hoạt thanh niên trong nước với những thờ ơ và sợ hãi, tôi nghĩ rằng sẽ không đơn giản. Tôi cũng không nghĩ rằng chế độ hiện nay có thể thay thế bằng 1 cuộc cách mạng đổ máu hoặc 1 cuộc nổi dậy của thanh niên. Vậy thì ông có cho rằng 1 giải pháp " trung gian " nghĩa là " thỏa hiệp " với mọi thành phần để thay đổi từng bước có thể là 1 giải pháp khả thi? Trong trường hợp (Giả dụ như ông còn trẻ và đủ sức khỏe), nếu những người này mời ông trở về để cùng cộng tác vẫn trên khuôn mẫu độc đảng nhưng hướng đến cởi mở hơn nhiều về chính trị, tự do so với ngày ông ra đi cũng như hiện tại... thì ông có chấp nhận trở về không ?
Ông Bùi Tín:
1. a: Đúng là nước ta có biến chuyển lớn, về nhiều mặt. Đời sống chung cũng khá lên. Quang cảnh đường sá, nhà cửa, hàng hoá, ăn mặc khác hẳn trước. Nhưng mặt khác cần thấy là ta có thể tiến mạnh, nhanh hơn nhiều nếu có một chế độ dân chủ tiến bộ , có luật pháp nghiêm minh, trong sạch. Sẽ giảm đáng kể nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí ( ngốn chừng 3% mức tăng trưởng). Bạn có thấy nay ta vẫn xếp năm 2008:
- thứ 140/179 nước về thu nhập theo đầu người;
- thứ 105/177 nước về chỉ số phát triển con người,
- thứ 123/179 về chống tham nhũng,
- thứ 162/169 về tự do báo chí,
và thứ 145/167 về quyền tự do dân chủ của người công dân.
1. b: Bạn muốn giải pháp trung gian, nhưng bộ chính trị hiện không chịu thoả hiệp. Phong trào đầu tranh trong nước có lên rõ nhưng chưa đủ mạnh; Sức ủng hộ của bà con ta ở hải ngoại phân tán, gây sức ép cũng không mạnh, về đóng góp cho phát triển cũng thấp, chỉ có gửi tiền về giúp gia đình, người thân là đáng kể (trên 8 tỷ đôla năm 2008)
2. Tôi đã lớn tuổi, tôi tin tuổi trẻ sẽ làm nên chuyện, Obama còn trẻ, biết dựa vào tuổi trẻ (từ 16, 17 tuổi đến 38 tuổi) trong cuộc vận động tranh cử quyết liệt, thông minh mà thắng to đấy. Cô Lê Thị Công Nhân, cô Võ Thị Hảo, cô Phạm Thanh Nghiên, cô Tạ Phong Tần... rồi sẽ được tiếp nối đông đảo. Nếu chế độ chịu công nhân quyền tự do báo chí, tôi sẽ về nước cùng các bạn trẻ làm báo để thúc đẩy công cuộc dân chủ hoá. Đó là khả năng góp sức của tôi.
Tv buiphan: Ông có nghĩ rằng nếu đấu tranh cho Tự Do - Dân Chủ mà trông chờ ở CS một sự thỏa hiệp nào đó thì sẽ chỉ là một sự ấu trĩ đôi lúc là vô tình, đôi khi lại là cố ý và sẽ chỉ nhận được một sự thương hại của kẻ "bề trên"? Nhân đây tôi cũng mong ông giải thích cho mọi người thật sự hiểu hai chữ "thỏa hiệp", và nói chung trong cuộc sống trường hợp như thế nào thì mới tạo ra được một sự "thỏa hiệp" đúng với ý nghĩa của nó?
Ông Bùi Tín: Nếu chỗ dựa của cuộc đấu tranh chưa đủ mạnh, phong trào quần chúng còn yếu thì yêu cầu "thoả hiệp" sẽ không hiệu quả. Ở Ba Lan, tháng 2-1989 Chính quyền chịu chấp nhận Hội nghị Bàn tròn, ngồi vào thương lượng với đại biểu công đoàn mà Solidarnos là nòng cốt, thì đó chính là "Thoả hiệp" để phá vỡ bế tắc, chuyển sang chế độ đa nguyên trong hòa bình, trật tự, an ninh có lợi cho mọi người.
Việc này phải qua đấu tranh hơn 10 năm, xuống đường, biểu tình, vận động từ thấp lên cao, mới đạt.
Ở ta nếu có được một cuộc vận đồng xuống đường rộng khắp, với vài vạn người tham gia, có khí thế, với rừng băng, khẩu hiệu, biểu ngữ, ca hát, hô khẩu hiệu, cầu nguyện, kết hợp với bãi công bãi thị bãi khóa ... thì đàn áp không xuể , chính quyền buộc phải nghĩ đến một kiểu thỏa hiệp.
Tôi nghĩ khi nào một nửa của thành viên X-Cafe dấn thân quả đoán vì nghĩa lớn phối hợp cùng các nhóm, tỏ chức, mạng, tổ chức ...khác thì có thể làm nên lịch sử, cứu nước khỏi tai hoạ đảng trị đã 80 năm!
Tv Bom: Thời kỳ 88/89 tại Hà nội các phòng khách khu Ba đình xì xào nhiều với bản thảo cuốn hồi ký của ông Trường Chinh và hình như báo Nhân dân có kế hoạch đăng tải..? sau đó là sự ra đi đột ngột của ông. Vậy xin hỏi bác là người đã cùng tham gia viết cuốn hồi ký đó? Bác có thể cho biết những nét chính trong bản thảo đó và hiện tại hồi ký này đang lưu giữ tại đâu? Hình như cuốn hồi ký này có tên : 50 năm lịch sử ĐCS việt Nam, chứa đựng nhiều chi tiết dạng bạch hóa những thâm cung bí sử của đảng ta. Ông Trường Chinh trước đó đã đọc bài diễn văn thú nhận một số hành động nóng vội và sai lầm trong mười năm (1975-1985) tại Đại Hội Đảng Lần Thứ VI (15/12/1986). Ban nội chính TW, cục bảo vệ cán bộ và ông Thọ có liên quan gì với cái chết của Trường chinh? Nếu có thể được xin Bác cho biết vài nét khái quát về sự kiện này!
Ông Bùi Tín: Tôi có tham gia nhóm viết Tiểu sử kiểu Hồi ký cho ông Trường Chinh từ đầu năm 1985. Ban Bí thư TW ra quyết định chỉ định nhóm này, gồm có anh Lê Điền, anh Lê Bá Thuyên và tôi. Ông Chinh rất từ tốn điềm đạm, nên lề mề lắm. 1986 bắt đầu nghe ông kể. Từ tuổi trẻ, đến đi học, bạn bè, vào đảng, hoạt động, tránh né mật thám, các cơ sở, các cách hóa trang, lừa địch, cách giao thông liên lạc, gây cơ sở, phát triển đảng, theo dõi tin mặt trận chống phát xít ở Châu Âu, châu Phi, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương...
Có lần ông đưa cả gia đình vợ con cháu dâu rể lên nghỉ ở Đà Lạt trong dinh Bảo Đại cũ, và yêu cầu ban viết Hồi ký cho ông đi theo luôn.
Mới ở thời kỳ phác hoạ dàn bài, chia phần, phân công nhau chuẩn bị bước vào viết sơ thảo đầu tiên thì ông mất. Ngày 28-9-1988 vừa họp ở nhà ông bàn xong dàn bài chính thì sáng 30-9 được tin ông mất. Tôi không tin là ông bị thủ tiêu. Vì lúc ấy ông đã 81 tuổi, yếu lắm, béo bệu, ít đi lại, chân tay đã run. Ông mất khi từ tầng 2 xuống gác, trượt ngã, đầu đập vào bậc đá, bị chảy máu trong óc. Còn sự kiểm điểm của Trung ương đảng trước khi đổi mới từ năm 1986 (Đại hội VI) thì chưa có một buổi nào đi sâu kiểm điểm kỹ sai lầm đâu. Vẫn là báo cáo cân đối, ca ngợi chiến thắng, thành tựu chiếm đến hơn 3 phần tư và chỉ 1/4 nói đến sai lầm chủ quan, nóng, vội, duy ý chí; vẫn khẳng định tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội.
Tv TracTreo: Thưa ông Bùi Tín, về câu nói của ông với cựu Tổng thống Dương Văn Minh, với tất cả lòng tôn trọng đối với ông, tôi mạn phép được bày tỏ lòng mong mỏi để nghe một câu trả lời (dù chỉ với tính chất giãi bày) từ chính tác giả câu nói đã trở thành lịch sử ấy.
Ông Bùi Tín: Với tôi, không có chuyện gì gọi là "bắt Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng", hay "nhận đầu hàng của nội các Dương Văn Minh" cả. Vì tôi không được giao và không làm việc ấy. Tôi vẫn chỉ thường nói là tôi là nhà báo được có mặt, chứng kiến, và có tham dự sự kiện lịch sử này. Còn chính 2 trung tá Bùi Văn Tùng (chính uỷ lữ đoàn xe tăng) và Nguyễn văn Hân (trưởng ban Bảo vệ quân đoàn 2 ) yêu cầu tôi vào gặp họ vì cho rằng chưa có ông tướng nào có thẩm quyền vào cả; mà đến lúc ấy, tôi là sỹ quan cao cấp duy nhất có mặt. Lúc ấy là Hơn 12 giờ rưỡi trưa.
Nói tướng Nguyễn văn An vào rồi là nói không đúng sự thật. Tối mịt tướng An tư lệnh Quân đoàn mới vào. Nếu có ông tướng nào vào thì 2 trung tá Tùng và Hân đã không yêu cầu tôi vào, và tôi đã không nhận vào gặp. Tướng đầu tiên vào là tứơng Nam Long, phái viên của bộ Tổng tham mưu đến lúc chừng 4 giờ chiều, cùng tôi chụp ảnh kỷ niệm. Tôi kể mọi sự cho tướng Long.
Trước khi tôi vào, trung tá Hân vào báo trước: có sỹ quan cao cấp của Quân Giải phóng vào gặp. Tôi vào cùng trung tá Nguyễn Trần Thiết. Tất cả đã đứng dậy, ông Minh nói: "Chúng tôi chờ quý ông từ sáng đặng bàn giao chính quyền." Tôi trả lời: "Các ông không thể giao cái gì không còn có trong tay".
Câu này tôi không hề nghĩ trước. Nó đến đột nhiên, vì từ sáng vào thành phố tôi nhận rõ tình hình ngã ngũ hoàn toàn rồi. Chỉ còn những phát súng lẻ tẻ. Nhân dân nhất là tuổi trẻ phần lớn cưỡi xe gắn máy xúm đông quanh các xe tăng trước dinh Độc lập.
Thấy ông Minh , ông Mẫu ...rất buồn , tôi nói: "Chiến tranh đã chấm dứt; chỉ có người Mỹ là thua, còn toàn dân tộc ta thắng ..." Tôi thấy ông Mẫu cười. Tôi mời tất cả ngồi, tôi hỏi chuyện để hòa dịu không khí. Tôi hỏi ông Minh về sức khoẻ, chơi tennis một ngày mấy set (hiệp), collection phong lan của ông ra sao, ông khoe có 600 giò, nhiều giò mới lạ từ rừng Thái lan. Tôi hỏi thăm ông Mẫu, về khoa Luật Sài gòn,tôi kể quen biết em ông ở Hà Nội...
Ngay sau đó, ông phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo gặp tôi mật báo về chuyện giữ lại 16 tấn vàng, không để ông Thiệu mang đi. Hai ngày sau chuyến máy bay IL 18 từ Hà Nội vào nhận.
Thật ra người chính thức được Mặt trận Giải phóng và bộ chỉ huy chiến dịch HCM giao cho vào gặp chính quyền DVM là ông Sáu Hoàng, trong ngành an ninh miền, xưa vốn là chỉ huy Tự vệ cuộc Sài Gòn hồi 1945.
Ông vào quá chậm, khi trời đã tối, trong vườn cỏ quanh dinh, anh em xe tăng, thông tin, bảo vệ, đã nổi lửa đun nấu cơm, mỳ, nước uống. Cảnh rất lạ, đẹp. Tổ quay phim Giải phóng đã quay phim cảnh ông Sáu Hoàng vào gặp cũng như quay cảnh tôi trước đó.
Tôi đã đọc những bịa đặt : Bùi Tín hung hăng, phách lối, rút súng bắn chỉ thiên, xông vào ra lệnh cho cả nội các giơ tay đầu hàng, chửi bới nguỵ quân nguỵ quyền chúng bay ..Tôi không cần cải chính.
Tôi mong đây là lần cuối tôi trả lời trên X-Ca về chuyện này. Nên để thì giờ cho chuyện hiện tại và tương lai.
Nguồn: Diễn đàn X-cafevn
-----------------------------------------------------------
Trao đổi giữa ông Bùi Tín và các thành viên X-cafe
http://www.x-cafevn.org/node/1423
Trao đổi giữa ông Bùi Tín và các thành viên X-cafe (phần 2)
http://www.x-cafevn.org/node/1424
Trao đổi giữa ông Bùi Tín và các thành viên X-cafe (phần 3)
http://www.x-cafevn.org/node/1436
Trao đổi giữa ông Bùi Tín và các thành viên X-cafe (phần 4)
http://www.x-cafevn.org/node/1439
No comments:
Post a Comment