Suy nghĩ về môi trường dân chủ Việt Nam
Nguyễn Hoàng
Đăng ngày 05/03/2009 lúc 16:19:22 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3581
1.
Từ cuối những năm 1980, đầu năm 1990, nhân loại đã được tận mắt chứng kiến sự sụp đổ liên tiếp của các nhà nước độc tài CS tại Đông Âu và Liên bang Xô Viết sau 70 năm tồn tại. Chế độ chính trị Cộng sản toàn trị được thay thế bằng chế độ nghị viện, dân chủ cởi mở tại các quốc gia này. Vào thời điểm đó, những tưởng cơn lốc cách mạng nhung và hoa sẽ nhanh chóng xoá tan chính quyền chuyên chế tại các quốc gia CS còn lại. Tiếc thay, nó đã bị chặn đứng tại Thiên An Môn đầu tháng 6 năm 1989.
Trái với dự báo và kỳ vọng của nhiều người, đến nay Việt Nam là một trong những quốc gia nhất nguyên chính trị ít ỏi còn sót lại trên thế giới. CS Việt Nam không những chưa bị sụp đổ, xem ra ngày càng mạnh lên với sách lược đổi mới. Có nhiều câu hỏi được đặt ra cho các nhà dân chủ, bất đồng chính kiến, phản kháng chính trị Việt Nam. Một trong những câu hỏi lớn chưa có câu trả lời thấu đáo là: tại sao những nhà dân chủ tại các quốc gia Đông Âu và Liên Xô (cũ) đã thành công trong việc kêu gọi dân chúng đứng lên xoá bỏ độc tài, Việt Nam thì chưa? Phải chăng, chính quyền Việt Nam giỏi hơn các chính quyền CS Đông Âu và Liên Xô (cũ); những nhà dân chủ, phản kháng chính trị, bất đồng chính kiến Việt Nam kém cỏi nên chưa tạo ra được một cuộc cách mạng màu và hoa ở Việt Nam? Để làm sáng tỏ những vấn đề này, theo tôi cần nghiên cứu môi trường dân chủ Việt Nam.
Trước hết, về môi trường dân chủ Việt Nam. Khác với các quốc gia CS Đông Âu đã bị triệt tiêu, chính quyền CS Việt Nam được tuyên bố thành lập năm 1945, sau đó ở miền Bắc năm 1954 và cả nước sau năm 1975 đều do những người Cộng sản chủ động. Lịch sử chống ngoại xâm, giành chính quyền của đảng CSVN mặc dù phải trả bằng rất nhiều máu của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây là điểm khác biệt giữa những người CSVN với CS Đông Âu. Chính quyền tại các quốc gia này do người Nga dựng nên sau thế chiến thứ hai (1945), chế độ chính trị CS toàn trị do người Nga áp đặt. Sự khác biệt này dễ dàng được nhìn thấy từ mức độ tin cậy của dân chúng đối với nhà cầm quyền. Cuộc chiến chống ngoại xâm và bản lĩnh kiên cường bám dân của những đảng viên kiên trung đã tạo nên sức mạnh thần thánh cho đảng CSVN trong sứ mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhà văn Hà Văn Thuỳ đã rất đúng khi nhận xét về mối quan hệ giữa dân và đảng CSVN từ sự kiện nông dân Thái Bình đứng lên phản kháng chính quyền địa phương qua bài viết “Bài học chưa thuộc”. Ông viết: “Người Nông dân Thái Bình biểu tình có thể đánh chém kẻ tham nhũng, ném đồ dơ của phụ nữ vào mặt quan chức. Nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý vẫn có đến 90% người ủng hộ chế độ! Tại sao vậy? Lý do đơn giản: dù có sai có hư hỏng thì đảng vẫn gắn với họ. Họ không chấp nhận những kẻ trắng má lạ mặt từ đâu tới ngồi trên đầu mình”(1). Đây là căn cứ phản bác các quan điểm cho rằng, dân tộc Việt Nam dũng cảm trong đấu tranh chống ngoại xâm bao nhiêu, thì lại hèn nhát trong thời bình bấy nhiêu cũng như quan điểm cần nâng cao dân trí cho nhân dân để thúc đẩy đấu tranh dân chủ. Chẳng lẽ, cho đến nay, người dân Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng để nhận biết được những giá trị dân chủ, các quyền tự do cá nhân đang bị nhà cầm quyền tước đoạt? Âu cũng là lý do giải thích câu hỏi tại sao dân oan lại giương cao ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, băng rôn ủng hộ đảng CSVN bên cạnh những yêu sách và danh tánh quan tham trong dòng người biểu tình. Những hình ảnh này trở thành quen thuộc dưới con mắt dân chúng Việt Nam.
Thế đấy, đảng CSVN cứ như là một tôn giáo ru ngủ nhân dân, nhất là nông dân. Đây cũng là câu trả lời cho những ai thắc mắc tại sao đảng CSVN ra tay đàn áp mạnh những ai bí mật rải tờ rơi dân chủ, nhẹ tay hoặc chưa “chăm sóc” xứng tầm những trang web, báo điện tử có nội dung dân chủ. Bộ máy đàn áp của đảng CSVN có đầy đủ khả năng để đo được mức độ ảnh hưởng dân chủ từ internet trong dân chúng. Rất có thể mức độ chưa đáng kể nên họ chưa ra tay bắt tất cả những ai có tên trong biên tập các báo điện tử Tự do ngôn luận của Khối 8406 do linh mục Nguyễn Văn Lý sáng lập, hiện nay là linh mục Phan Văn Lợi điều hành, báo Tổ Quốc của TS Nguyễn Thanh Giang và ông Nguyễn Gia Kiểng điều hành. Linh mục Phan Văn Lợi chỉ bị triệu tập thẩm vấn, bị đấu tố mấy lần. Ông Nguyễn Gia Kiểng ở bên Tây, khỏi nói. TS Nguyễn Thanh Giang cũng chỉ dừng lại bị khám nhà, thu máy tính và triệu tập sơ sơ mấy ngày. Tương tự, kỹ sư Đỗ Nam Hải chưa bị tống giam, bị phạt hành chính mấy chục triệu đồng, bị tịch biên hàng chục máy tính và quan trọng là đã được Công an tạo điều kiện cho đầu hàng. Trong lúc đó, bác sĩ Lê Nguyên Sang, ký giả Huỳnh Nguyên Đạo, kỹ sư Nguyễn Bắc Truyển, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Văn Tính, cô Phạm Thanh Nghiên, anh Phạm Văn Trội,… bị bắt giam, kết án khá nặng về tội rải tờ rơi, treo băng rôn dân chủ theo điều 88 của Bộ luật hình sự.
Lịch sử Việt Nam đã từng có những trang đẹp nói về một Nhà nước dân chủ đa nguyên do ông Hồ Chí Minh thành lập sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Dân tộc Việt Nam đã có những năm tháng được quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do lựa chọn lãnh đạo đất nước qua lá phiếu của mình và được bảo vệ bởi Hiến pháp văn minh nhất lịch sử Việt Nam. Đó là Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Đáng tiếc, Nhà nước dân chủ vì dân, do dân ấy đã sớm chấm dứt, để lại “nỗi đau dân chủ”(2) cho nhiều thế hệ trí thức Việt Nam. Để rồi, 30 năm sau giành lại chính quyền (năm 1975), đảng Lao động Việt Nam hoá phép thành đảng CSVN, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trở thành nước CHXHCN Việt Nam. Kể từ đó, đảng Cộng sản Việt Nam trở thành thế lực chính trị độc tôn cai trị quốc gia với gần 90% là nông dân do họ “giải phóng". Mãi cho đến hôm nay, xem ra họ vẫn chưa có đối thủ. Ngoài ra, khác với Chính quyền các nước CS Đông Âu, đảng CSVN đã tạo dựng và nuôi dưỡng bộ máy đàn áp đồ sộ về phương tiện và nhân sự (chủ yếu xuất thân từ nông thôn), tinh vi trong tác nghiệp, hết mực trung thành với họ. Đây chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với các phong trào phản kháng chính trị, bất đồng chính kiến của các nhà dân chủ trong nước. Rõ ràng, môi trường dân chủ Việt Nam hoàn toàn khác với các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ), tương quan lực lượng giữa nhà cầm quyền và phản kháng chính trị quá chênh lệch. Sự chênh lệch quá lớn này trên thực tế đã, đang là thách thức thường xuyên đối với phong trào phản kháng chính trị, bất đồng chính kiến. Đồng thời, nó cũng là cơ hội cho những người háo danh, vụ lợi vào cuộc.
2.
Như đã nêu trên, môi trường dân chủ Việt Nam rất khắc nghiệt, sự tương quan lực lượng hoàn toàn bất lợi cho phong trào phản kháng chính trị, đấu tranh dân chủ. Để củng cố vai trò độc tôn lãnh đạo xã hội của mình, ngoài việc Hiến định trong điều 4; đảng CSVN đã thẳng tay trừng trị những người phản kháng chính trị qua các vụ án nhân văn giai phẩm (1958), chống đảng (1967). Sau này là các vụ án gián điệp, lợi dụng quyền tự do dân chủ, tuyên truyền phản cách mạng và một số tội danh khác như trốn thuế, gây rối, huỷ hoại tài sản Nhà nước,…theo các điều 80, 88, 258,…của Bộ luật hình sự. Mặc dù bị đàn áp khốc liệt, hàng loạt anh chị em bị tống giam, nhưng phong trào phản kháng chính trị, đấu tranh dân chủ tại Việt Nam tiếp tục được dấy lên tại nhiều địa phương trong cả nước. Phong trào phản kháng chính trị, đấu tranh dân chủ thời gian qua diễn ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau, nổi lên là hai khuynh hướng dưới đây:
Thứ nhất, liên kết với hải ngoại để hình thành tổ chức chính trị đối lập. Đứng đầu khuynh hướng là những nhà dân chủ xuất thân từ những hoàn cảnh điều kiện sống, tôn giáo và trình độ khác nhau. Điểm nổi trội của khuynh hướng này là phương pháp đấu tranh cứng rắn, internet là công cụ hữu hiệu để họ phô bày danh xưng, tấn công nhà cầm quyền, công bố tổ chức. Đây là khuynh hướng đã quy tụ được nhiều người tham gia, tạo được dấu ấn trong năm 2006, năm thời cơ vàng dân chủ. Vào thời điểm đó, chúng ta chứng kiến hàng loạt danh xưng dân chủ, chính trị liên tiếp xuất hiện trên Internet. Đầu tháng 4 năm 2006, Tuyên ngôn Tự do dân chủ cho Việt Nam, sau này gọi tắt là Khối 8406 được linh mục Nguyễn Văn Lý, kỹ sư Đỗ Nam Hải công bố cùng với 118 anh em trong nước ký tên. Sau đó, đầu tháng 6 năm 2006, giáo sư Hoàng Minh Chính tuyên bố phục hoạt đảng Dân Chủ Việt Nam dưới danh xưng đảng Dân Chủ XXI. Tiếp theo là các đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng Thăng Tiến Việt Nam, Công Đoàn Độc Lập, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, đảng Vì Dân, hội Dân Oan tuyên bố thành lập tại Việt Nam. Nhiều hình thức phản kháng chính trị xuất hiện nhằm tuyên truyền danh xưng, kêu gọi dân chúng đứng lên lật đổ chính quyền chuyên chế. Trong đó, hình thức lập báo điện tử và bí mật rải tờ rơi đã gây ảnh hưởng nhất định trong dân chúng. Lúc đó vào mạng, nhiều người lạc quan nhận định anh em dân chủ Việt Nam sẽ làm nên chuyện như các bạn Đông Âu trước đây.
Nhưng thực tế ngược lại, sau khi tổ chức xong APEC 14, Hà Nội ra tay đàn áp. Một số anh chị em dân chủ bị bắt, phong trào phản kháng chính trị bị tổn thất về lực lượng. Có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về giai đoạn mang tính dấu ấn này của phong trào phản kháng chính trị theo chủ trương cứng rắn. Theo đó, có nhiều ý kiến thống nhất đánh giá phong trào bị tổn thất, rơi vào thoái trào. Một số ý kiến, trong đó có kỹ sư Đỗ Nam Hải tiếp tục có cái nhìn lạc quan về phong trào. Gần đây, anh tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ ý kiến của Nguyễn Vũ Bình theo hướng này. Nhiều bài học cũng đã được rút ra. Thiết nghĩ, chẳng cần phải bình luận gì nhiều. Chỉ tiếc rằng anh em với những động cơ khác nhau đã không nắm vững môi trường dân chủ khắc nghiệt trong nước, đã để cho sự nóng vội chi phối. Sự nóng vội, sợ mất thời cơ đã làm cho nhiều anh em bỏ qua những nguyên lý căn bản nhất của một tổ chức là cương lĩnh và quy chế hoạt động. Hầu hết các danh xưng này được “sản xuất” một cách vội vàng, công bố lên mạng từ PC. Thực trạng này, được ông Lữ Phương (trong nước) và ông Nguyễn Gia Kiểng (ở Pháp) mô tả, phân tích sâu sắc trong các bài viết “Nói chuyện với Lữ Phương về vấn đề Dân chủ hoá ở Việt Nam” do Đoàn Giao Thuỷ thực hiện qua internet xuất hiện trên trang web Diễn Đàn ngày 28 tháng 7 năm 2007 và “Thời điểm của một xét lại bắt buộc” trên báo điện tử Thông Luận. Sự nóng vội đã làm cho anh em quên vận hành bộ lọc, tỉnh táo, xảy ra nhiều sơ hở cho mật vụ cấy dân chủ cuội, lèo lái hướng đi. Vấn đề này, ông Hà Sĩ Phu đã từng hoá thân làm “người quan sát” phân tích rất kỹ. Để rồi, khi bị tổn thất, anh em mới nghiền ngẫm đến nó.
Gần đây, trên mạng liên tục xuất hiện những bài viết có nội dung “sàng lọc” của nhiều người… Nếu nói là “đấu tố” thì có vẻ nặng, nhưng khi đọc các bài viết của họ, lòng tin vào phong trào dân chủ có bị xói mòn nghiêm trọng. Đã có người từng nói “dân chủ hay dân chửi”, quả không ngoa. Sự thiếu vắng văn hoá tổ chức, không ai chịu ai đang là thảm hoạ của anh em dân chủ trong nước. Công an mật vụ chẳng thấy đâu, chỉ thấy anh em tự vạch, xé áo của nhau, lòi hết vết ra, đau đớn quá. Đến giờ này, nhiều người không hiểu được ai là người chủ trương phát động cuộc “sàng lọc” này và mục tiêu nhắm tới là gì. Có ý kiến cho rằng, sau khi giáo sư Hoàng Minh Chính qua đời, phong trào phản kháng chính trị Việt Nam thiếu ngọn cờ, vì vậy “sàng lọc” được sử dụng như là lý do hợp lý của một số một số anh em hoạt động nổi trội nhằm loại bỏ nhau, nuôi tham vọng trở thành ngọn cờ. Cờ đâu chẳng thấy, chỉ thấy phong trào vốn đang bị khủng hoảng, nguy cơ ly khai ngày càng trở nên rõ rệt hơn.
Sự liên kết trong, ngoài là nhu cầu bức thiết của phong trào dân chủ, không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, sự liên kết này chỉ có hiệu quả khi nó thực sự dân chủ, bình đẳng và không vụ lợi. Điều này sẽ được chứng minh rõ hơn, nếu chúng ta nhìn vào hai tổ chức nổi trội trong nước là đảng Dân Chủ Việt Nam và Khối 8406. Với Đảng Dân Chủ Việt Nam, do lệ thuộc vào bên ngoài, GS Hoàng Minh Chính đã đánh mất tự chủ, không còn là trung tâm của phong trào. Quyết định của giáo sư Hoàng Minh Chính không những không quy tụ được anh em dân chủ trong nước, vốn kính trọng suy tôn anh cả, mà đã làm cho phong trào bị rách thành nhiều mảnh. Kết cục, khi giáo sư qua đời, đảng Dân Chủ Việt Nam do bên ngoài chi phối hoàn toàn, anh em trong nước quay lưng lại. Và phụ tá của giáo sư - nhà nghiên cứu Trần Khuê, cũng phải tuyên bố ly khai, tự phong Tổng thư ký đảng Dân Chủ XXI với một số lượng đảng viên khiêm tốn, chủ yếu đang tiềm ẩn trong dân chúng.
Khác với đảng Dân Chủ Việt Nam, sau khi linh mục Nguyễn Văn Lý bị bắt giam, Khối 8408 do kỹ sư Đỗ Nam Hải điều hành đi theo xu hướng ôn hoà, thoả hiệp nhiều hơn là loại bỏ. Bản tuyên bố 9 điểm mới đây của Khối 8406 đã thể hiện rõ xu hướng này. Trước khi linh mục Nguyễn Văn Lý bị bắt, Khối 8406 chủ trương đấu tranh dân chủ cứng rắn với chính quyền. Linh mục Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi và Nguyễn Hữu Giải đã từng tuyên bố, nếu chính quyền “đụng” đến bất kỳ một thành viên nào của Khối, lập tức họ sẽ tuyệt thực để phản đối; công khai kêu gọi dân chúng tẩy chay bầu cử Quốc hội khoá 12, nếu bị bắt buộc thì xé phiếu; tuyên bố mặc áo trắng (tượng trưng dân chủ) vào các ngày đầu tháng, ngày 2/9/1945 là ngày quốc nạn của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam;... Nhưng nay đã khác, sự chệch hướng của Khối đang làm xuất hiện nguy cơ ly khai.
Môi trường dân chủ khắc nghiệt Việt Nam, trên thực tế là thách thức đối với anh chị em hoạt động dân chủ đích thực. Nhiều anh chị em đã bị tống giam, quản thức, rình rập và liên tục bị quấy nhiễu. Đồng thời, là môi trường cho một số người lợi dụng, vụ lợi. Không cần nêu tên, chúng ta đã biết ai đã hoạt động dân chủ để được người Mỹ chú ý, được tị nạn chính trị. Trong các bài viết “sàng lọc” vừa qua, người đọc dễ dàng nhận ra sự chi phối của tiền bạc. Xấu hổ. Nhưng đó là sự thật. Đấu tranh dân chủ như là một việc làm để kiếm tiền vậy. Có không ít bài viết, trả lời phỏng vấn dân chủ nhạt nhẽo, nhàm chán đến độ người đọc người nghe có cảm giác họ đang cố “gồng” lên để được tài trợ, để được giải thưởng nhân quyền.
Thứ hai, những nhà bất đồng chính kiến, kiên định vạch ra những quan điểm sai trái về lý luận, thực tiễn của đảng CSVN, cũng như vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, số anh em này như là những hiệp sĩ dân chủ. Họ là trí thức, lựa chọn con đường vào rừng tham gia giải phóng dân tộc, có người đã từng giữ cương vị nhất định trong đảng CSVN. Qua trải nghiệm, họ đã nhận ra những sai lệch của cái gọi là học thuyết Marx - Lénine, thực chất là do Staline áp đặt mà đảng CSVN sử dụng làm tư tưởng hành động. Họ cũng đã đi sâu phân tích công tội của ông Hồ Chí Minh trong việc dựa vào học thuyết này để giải phóng dân tộc. Từ đó, họ đã quyết định tự khai trừ để được tự do nghiên cứu, trình bày quan điểm của mình. Họ không hề tỏ ra hối tiếc vì đã lựa chọn con đường vào rừng tham gia kháng chiến, đã từng là “đồng chí” của đảng CSVN. Sau khi ly khai, họ độc lập nghiên cứu, nêu quan điểm của mình, không chịu ảnh hưởng của bất cứ một tổ chức, cá nhân hải ngoại. Họ đã nhiều lần cảnh báo sự bất cập về kinh tế thị trường định hướng XHCN, sự chủ đạo của kinh tế quốc doanh, nguy cơ của chủ nghĩa bành trướng hiện đại Trung Quốc, tham nhũng trong bộ máy công quyền và nhiều vấn đề bức xúc của dân chúng. Trong số họ, đã có người thẳng thắn đề nghị đảng CSVN cần loại bỏ chủ nghĩa ngoại bang, lấy chủ nghĩa dân tộc, yêu nước của ông Hồ Chí Minh làm tư tưởng hành động. Đọc hồi ký bản thảo chuyền tay “Những chuyến ra đi” và các bài viết về Hồ Chí Minh, học thuyết Marx của ông Lữ Phương, nhiều anh chị em trí thức trong nước, đảng viên CSVN thức tỉnh. Hơn ai hết, chính các ông Lữ Phương, Phan Đình Diệu, Nguyễn Quang A, Lê Hồng Hà, Lê Đăng Doanh, Bùi Minh Quốc.. đã đang gây men dân chủ, thúc đẩy quá trình tự vỡ của đảng CSVN diễn ra nhanh hơn, thu hút ngày càng nhiều đảng viên chân chính đảng CSVN ủng hộ tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Trái ngược với khuynh hướng thứ nhất, đây là khuynh hướng dân chủ tri thức, không ồn ào, có chiều sâu, ngày càng có sức sống trong giới trí thức và một số đảng viên chân chính của đảng CSVN.
Sau khi đọc xong các chuỗi bài “Đối mặt” của ông Vi Đức Hồi trên báo Thông Luận điện tử, hình ảnh tương phản của các hiệp sĩ dân chủ nêu trên càng trở nên sắc nét. Bởi hình ảnh của họ có phần khác với ông Vi Đức Hồi. Giữa họ có điểm giống nhau, có thời gian dài gắn bó với đảng CSVN, đã từng là “đồng chí” của nhau. Trước khi ly khai, ông Hồi giữ cương vị là thường vụ huyện uỷ, phụ trách trường đảng của huyện Hữu Lũng. Sau khi ly khai, ông Hồi đã không tiếc lời lên án đảng CSVN, kết nối với các tổ chức hải ngoại để hoạt động dân chủ.
3.
Ông Andrei Amalrik, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng người Nga, đã từng so sánh một nhà nước chuyên chế như một người lính luôn chĩa súng vào kẻ thù - rốt cuộc cánh tay ấy sẽ mỏi mệt và người tù trốn thoát. Có thể, sự so sánh trên chỉ đúng với Đông Âu và Liên Xô (cũ). Nhà nước chuyên chế Việt Nam do đảng CSVN nắm giữ, có những đặc điểm riêng, cánh tay của họ rất đặc biệt - không mỏi mệt (!). Thực tế đã chứng minh rõ điều này. “Cánh tay” đặc biệt đã làm cho lực lượng đối kháng mỏi mệt không những chĩa súng thẳng vào đối kháng, mà còn nhẹ nhàng len lỏi vào phong trào đối kháng, tạo ra sự biệt phái, dân chủ cuội, nguy cơ tự vỡ thường xuyên xuất hiện.
Vô hiệu hoá “cánh tay” đặc biệt của nhà cầm quyền CSVN, rõ ràng là nhiệm vụ hàng đầu của phong trào phản kháng chính trị Việt Nam. Đây nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhưng không có nghĩa là không làm được. Tương quan lực lượng đang nghiêng hẳn về Nhà cầm quyền CSVN, phong trào đối kháng Việt Nam chưa đủ sức để tạo ra áp lực. Mặc dù rất mạnh, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cũng có những điểm yếu. Các hiệp sĩ dân chủ đã đang đánh trúng vào điểm yếu của CSVN, giống như gót chân Achilles. Các điểm yếu đó là sự khủng hoảng về lý luận, các quan điểm bao biện về kinh tế thị trường định hướng xã hội chũ nghĩa, tham nhũng… Bị điểm huyệt, nội bộ cầm quyền Việt Nam bị phân hoá. Một cuộc cách mạng trong đảng CSVN chắc chắn sẽ xảy ra. Xu hướng cấp tiến thân Mỹ sẽ thắng thế, bảo thủ thân Tàu sẽ mất vai trò. Theo đó, dân chủ đích thực sẽ được thiết lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ và cộng hoà sẽ được tái lập trên đất nước Việt Nam. Và chắc chắn “cánh tay” đặc biệt của CSVN sẽ bị mỏi mệt khi các khuynh hướng dân chủ Việt Nam liên kết được với nhau, việc sàng lọc được chú trọng thường xuyên và văn hoá tổ chức được đề cao.
Nguyễn Hoàng
--------------------------
(1) Hà Văn Thuỳ, “Bài học khó thuộc”. Talawas, ngày 19/05/2005.
(2) Phạm Đình Trọng, “Nỗi đau dân chủ”. Thông Luận, ngày 01/01/2009.
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment