Wednesday, March 25, 2009

ĐÔNG HẢI VÀ TÂY NGUYÊN

Đông Hải Và Tây Nguyên: Hai Vấn Nạn Một Vấn Đề

Trần Hùng

Cập nhật ngày: 25/03/2009

http://viettan.org/spip.php?article8411

Việt Nam hiện đang là một trong những tiêu điểm được chú ý trên thế giới. Có nhiều diễn biến liên quan đến Việt Nam hiện đang được dư luận người Việt trong và ngoài nước quan tâm, và cũng có những vấn đề được các quan sát viên quốc tế đặc biệt theo dõi. Trong thập niên trước đây, nhiều giới đầu tư ngoại quốc đã đến làm ăn tại Việt Nam vì đánh giá tình hình tại đây là "ổn định trên nhiều mặt". Nay có nhiều công ty đang lục tục ra đi, khiến người ta hiểu rằng sự ổn định đó là giả tạo hoặc không còn nữa, nếu không phải là vì thứ hạng 117 trong số 124 quốc gia có "môi trường kinh doanh thuận lợi" mà Forbes mới công bố hôm cuối tuần. Sự việc mới nhất được đài BBC loan báo ngày 20-3 cho biết "công ty dầu hoả BP của Anh đã chính thức ngưng hợp tác với Petro Việt Nam trong việc thăm dò khai thác các mỏ dầu nằm ở phiá nam Côn Sơn". Đây không phải là lần đầu tiên một công ty khai thác dầu hỏa ngoại quốc bỏ hợp đồng, và cũng không phải là lần đầu tiên BP phải rút lui như vậy. Sự bỏ chạy của BP vừa rồi chỉ cho thấy tình hình tại biển Đông ngày càng thêm phức tạp. Và thái độ của các bên liên quan ngày càng gay gắt hơn.

Thái độ đó trước đây được thể hiện bằng những ngôn từ ngoại giao, vừa qua đã được các chiến hạm trình diễn đầy sống động trên biển Đông. Vịnh Bắc Việt đã từng dậy sóng bởi khu trục hạm Maddox trong thời chiến tranh Việt Nam, vì thế khi chiếc tầu thám thính của Hoa Kỳ Impeccable bị các tầu Trung cộng áp sát một cách đầy khiêu khích vào tuần trước, không ít thông tín viên quốc tế đã chuẩn bị gửi đi những bản tin nóng. Tham vọng của Trung cộng ở biển Đông giờ đây không chỉ gặp những lời phản kháng suông của CSVN như từ trước đến nay, mà đã phải đón nhận những thách thức mới. Đầu tháng 3, Thủ tướng Mã Lai tới thăm một số đảo thuộc Trường Sa để khẳng định chủ quyền của mình. Năm ngày sau đó, xẩy ra sự kiện tầu Impeccable, và chỉ 2 ngày sau, Tổng thống Phi Luật Tân Gloria Arroyo ký đạo luật tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo của Trường Sa. Vấn đề biển Đông mà Trung cộng từ đầu vẫn muốn giữ - với sự tuân thủ của CSVN - trong vòng giải quyết song phương, để khai thác tối đa sự hung hãn của một nước lớn bá quyền, nay một lúc một chốc bị tất cả các bên lôi ra giữa chợ, đòi giải quyết đa phương, và có thể được đưa lên diễn đàn quốc tế. Phi Luật Tân cho biết đã đệ đơn lên LHQ về vấn đề này. Miếng mồi ngon bỗng có cơ vụt khỏi bàn tay của Đại Hán, khiến Trung cộng bầy tỏ sự bất bình bằng cách hủy bỏ những chuyến viếng thăm cao cấp đến Phi Luật Tân đã dự trù trước.

Có thể nói rằng thái độ mạnh mẽ của Phi Luật Tân đối với Trung cộng đã mở ra triển vọng mới để giải quyết vấn đề biển Đông, hoặc tối thiểu chặn bớt đà hung hãn của Bắc Kinh. Từ trước tới nay CSVN ngoan ngoãn tuân theo "lề bên phải" do Trung cộng đề ra, là chỉ được "đối đáp song phương" với nước đàn anh và cũng là quan thầy này. Việc "đối đáp" không phải là thái độ phải đạo của một nước đàn em, nhưng Bắc Kinh ngó lơ việc này, để Hà Nội được lập đi lập lại lời tuyên bố rỗng tuếch mỗi khi Trung cộng tiến thêm một bước: "Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp và thực tiễn quốc tế".

Khi nhiều vùng đất đai và biển cả đã bị mất vào tay Trung cộng, khi những đối tác khai thác dầu hỏa đã bị Trung cộng đuổi ra khỏi biển Đông, và khi ngư phủ Việt Nam đã bị lính Trung cộng sát hại trên vùng biển của đất nước mình, thì lập trường nói trên chỉ là một cách tuyên bố đầu hàng. Vì thế, ngày nào mà tình trạng "song phương" nói trên vẫn còn tiếp diễn, thì tập đoàn tay sai ở Hà Nội vẫn không được làm gì hơn ngoài việc đàn áp thanh niên sinh viên yêu nước, bắt giam những người kêu gọi bảo vệ lãnh thổ, như họ đang giam giữ nhà dân chủ trẻ bất khuất Phạm Thanh Nghiên chỉ vì căng một tấm biểu ngữ "Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam" ở trong phòng khách của mình.

Ngay khi có tiếng nói mạnh mẽ của những quốc gia khác trong và ngoài vùng, đã có một số sự kiện đáng ghi nhận ở trong nước. Lần đầu tiên một cuộc hội thảo có chủ đề "Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế" đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17-3. Những phát biểu trong cuộc hội thảo sau đó được tường thuật trên trang báo điện tử VietnamNet của bộ Thông Tin - Truyền Thông dưới tựa đề in đậm: "Đối với Việt Nam, quốc tế hoá tranh chấp - mà một trong những cách quan trọng là đưa ra LHQ - là cần thiết để đương đầu với chiến lược và chủ trương của Trung Quốc". Cho dù phải nương vào tiếng sóng vỗ của con tầu Impeccable, hay phải dựa vào làn hơi của bà tổng thống Phi Luật Tân để đưa hồ sơ biển Đông ra diễn đàn LHQ, thì đây cũng là sự thay đổi có chiều hướng tích cực. Với những bằng chứng lịch sử đầy giá trị xác định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta không ngại ngùng tranh đấu trên bất cứ diễn đàn quốc tế nào. Liên Hiệp Quốc và những bộ phận phụ thuộc của nó là những địa chỉ thích hợp.

Những phát biểu trong cuộc hội thảo ngày 17-3 tại Hà Nội cho thấy khuynh hướng đi theo lề bên phải do Bắc Kinh vạch ra đang bị lấn áp. Có kinh nghiệm về sự vận hành của một chế độ độc tài, người ta biết cuộc hội thảo nói trên đã không thể diễn ra một cách êm xuôi nếu không được sự đồng tình của chế độ. Vì thế, có thể nghĩ rằng một thành phần lãnh đạo Việt cộng cũng muốn thoát ra khỏi sự khống chế của Trung cộng, đem vấn đề biển Đông ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, sự việc không thể đi đến kết luận một cách đơn giản như vậy. Sự phân hoá trong thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản vốn trầm trọng nhưng cũng rất gay go. Nếu không tiếp tục có nhiều áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài, thì không có gì bảo đảm rằng CSVN sẽ dám bước chân vào con đường "quốc tế hoá" vấn đề biển Đông mà quốc gia nhỏ bé Phi Luật Tân đã có can đảm mở ra. Ngay sau khi những diễn biến nói trên vừa xẩy ra, uỷ viên bộ chính trị CSVN Phạm Quang Nghị đã phải đi Bắc Kinh để triều kiến. Trung cộng cũng gửi một ủy viên trung ương đảng đến Hà Nội để trực tiếp ban huấn dụ cho 3 nhân sự chóp bu của Việt cộng là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng. Người ta có thể tin rằng những thành phần này sẽ không bán rẻ quyền lợi của đất nước hay không?

Tương tự như vấn đề hải đảo ở biển Đông, vấn đề bauxite trên Tây nguyên cũng bắt nguồn từ hiểm họa phương Bắc. Đã có vô số những bài nghiên cứu đầy tính khoa học của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho thấy đây là một kế hoạch bất lợi về kinh tế và xã hội, bất cập về môi sinh và nhân văn, cũng như bất ổn về an ninh quốc gia. Và đã có những chứng cứ rõ ràng cho thấy đây là kế hoạch do Trung cộng đề ra buộc Hà Nội phải thực hiện, để phục vụ cho quyền lợi của Bắc Kinh, bất chấp những hậu quả mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu. Không cần gợi nhớ lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc, người ta cũng biết rằng hiểm họa này là vô cùng to lớn. Vì thế, đã nổi lên dư luận cảnh báo mạnh mẽ từ nhiều thành phần người Việt ở trong cũng như ở ngoài nước. Tuy nhiên, cũng chính qua trường hợp này mà người ta thấy rõ bản chất tay sai của lãnh đạo Hà Nội, qua lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng, nói rằng "đây là chủ trương lớn của đảng và nhà nước", cho dù họ không thể chứng minh tính chất lợi ích cho dân tộc cũng như an toàn cho lãnh thổ Việt Nam.

Nhìn toàn bộ vấn đề Việt Nam hiện nay, người ta thấy những hiểm họa đang đè nặng lên dân tộc Việt Nam - qua việc tranh dành những mỏ dầu hỏa ở biển Đông cũng như những mỏ bauxite ở Tây nguyên - đều phát xuất từ tham vọng của Trung cộng, do nhu cầu về nguyên liệu to lớn của họ để phát triển kinh tế. Nỗ lực trước mắt của chúng ta là phải quảng bá bằng mọi phương tiện để tất cả người dân đều hiểu rõ được mối hiểm nguy đó, đồng thời tạo áp lực mạnh mẽ lên chế độ để ngăn chặn những kế hoạch này. Về đường dài, tích cực đẩy mạnh nỗ lực đấu tranh dân chủ. Một khi chủ quyền thực sự nằm trong tay người dân, quyền lợi của đất nước sẽ được bảo vệ, và lúc đó, vấn đề biển Đông hay Tây nguyên sẽ không còn là niềm quan ngại cho dân tộc nữa

No comments:

Post a Comment