Nói lại và nói thêm về nhân cách người Việt
Hoàng Hưng
24/03/2009 9:32 chiều
http://www.talawas.org/?p=1369
Đúng với mong đợi của tôi, bài viết về nhân cách Việt đưa lại trên Talablog (1) đã được hưởng ứng với nhiều bài viết và ý kiến phản hồi rất sâu sắc và mở rộng ra rất nhiều. Đơn cử bài của Thiện Ý (2). Tác giả, một cán bộ Cộng Sản lão thành, đã công phu điểm lại một cách hệ thống toàn bộ quá trình dẫn đến sự băng hoại đạo đức hôm nay. Tác giả khẳng định đó là do đường lối tư tưởng-văn hoá-giáo dục nhất quán từ Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây cho đến ĐCS Việt Nam bây giờ: vứt bỏ đạo đức truyền thống, dựng lên hệ thống đạo đức mới mang tính giai cấp; đề cao chủ nghĩa tập thể cực đoan, phủ nhận giá trị cá nhân. Đến hôm nay, khủng hoảng đã bùng nổ do thứ “đạo đức cách mạng” kia chỉ còn là những lời hô hào giả dối không ai buồn nghe, trong khi bản chất chế độ đã thay đổi từ “đi lên chủ nghĩa xã hội” chuyển thành “kinh tế thị trường” (thực chất là chủ nghĩa tư bản). Thiện Ý đề ra biện pháp cứu vãn đạo đức dân tộc mà ông tóm tắt: “hãy làm những gì mà cuộc sống đòi hỏi và hãy từ bỏ thật nhanh những gì chỉ nghĩ ra theo tư duy của ý thức hệ đã lỗi thời” và nếu “tất cả mọi việc đều minh bạch, chắc chắn đạo đức sẽ phục hồi.” Thật đơn giản và rõ ràng.
Đó cũng là ý tưởng chung của tất cả các ý kiến phát biểu từ trong đến ngoài nước mà tôi đọc được trên Talablog, cũng như đại đa số những comment trên BBC trước đó (ngoại trừ 2 ý kiến lạc lõng phê tôi là “phản động” một cách chung chung mà không chứng minh gì hết).
Điều thú vị là: gần như trùng hợp với cuộc thảo luận “ảo” xuyên quốc gia kia, đã diễn ra cuộc hội thảo của các vị học giả chính thống trong nước mà tôi cũng vừa đọc được bài tường thuật qua spectrum của Talablog (3). Có thể tóm tắt tinh thần hội thảo bằng cách trích vài câu mở đầu và kết luận bài viết: “Dù còn nhiều quan điểm bất đồng về nguyên nhân dẫn đến tâm thế, tư duy và lối sống của người Việt hiện nay nhưng hầu hết các học giả đều cho là: người Việt hiện nay… xấu xí”, “Nhiều học giả cho là người Việt cần đổi mới tư duy và lối sống để thích nghi tốt trong thời kỳ hội nhập.”
Bất đồng về nguyên nhân như thế nào thì bài tường thuật không nói, cũng như đổi mới tư duy và lối sống ra sao cũng không nói rõ, nhưng nhiều ý kiến được trích trong bài, dù cố gắng thể hiện rất nhẹ, rất khéo, rất vòng vo, đã cho thấy về bản chất không khác những ý kiến trên Talablog:
“Theo ông Tiến (Thạc sĩ Lê Minh Tiến), cái gốc của lối tư duy này phát sinh từ lối sống nông nghiệp bao đời nay của người Việt vẫn chưa sửa được, lối sống cộng đồng phát sinh thành tâm lý bầy đàn, “ai sao tui vậy” che mờ đi trách nhiệm cá nhân nên dẫn đến nhiều hệ lụy vì không phù hợp với xã hội công nghiệp hóa hiện nay.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thì lấy tâm lý của bộ phận công chức ra để chứng minh cho tư duy trọng tập thể, né tránh trách nhiệm cá nhân…Vì chính tư duy sợ trách nhiệm cá nhân nên họ không tin cả người dân đến làm việc với mình, đòi hòi đầy đủ giấy tờ thủ tục một cách máy móc và khô cứng, thiếu linh động dẫn đến trì trệ và mất thời gian cho người dân. Bởi họ sợ sai một chút gì là mình chịu, dẫn đến việc nước ta cải cách hành chính mười mấy năm qua nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Còn Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: … Từ việc sợ trách nhiệm cá nhân đã đẩy lên thành một chủ nghĩa cá nhân cực đoan trong lòng người Việt.”
Cộng thêm dư âm chưa tắt của di cảo “Đi tìm cái tôi đã mất” của nhà văn công thần chế độ Nguyễn Khải, tất cả những ý kiến nêu trên đều cho thấy: đã đến lúc những người tự đặt cho mình (hay tự huyễn về) trách nhiệm “quản lý, chỉ đạo” con tim khối óc của hơn 80 triệu con dân phải thật sự “nhìn thẳng vào sự thật” đúng như lời kêu gọi không chỉ một lần của người có chức vị tối cao của họ. Sự thật ở đây chính là: phải khôi phục tư cách, quyền lợi chính đáng của cá nhân, có như thế mới đòi hỏi được cá nhân có trách nhiệm thực sự với xã hội, xây dựng lại nền đạo đức tự nhiên mà cuộc sống đặt ra.
Tất nhiên tôi không cực đoan đến mức không thấy dụng tâm tìm cách “chui dần” ra khỏi vòng kim cô “đạo đức Cộng sản” của những người lãnh đạo Việt Nam khi họ cố đưa ra phong trào “học tập đạo đức Bác Hồ” để thay thế, bên cạnh việc khuyến khích truyền bá tư tưởng Phật giáo “nhập thế” đã được Việt hoá từ lâu đời. Việc thứ nhất dễ thấy là lãng phí thì giờ tiền bạc vô ích, vì nó vẫn luẩn quẩn trong cái vòng “đạo đức cách mạng” mà người rao giảng cũng chẳng còn tin, trong khi cả người “bị” nói đến người “bị” nghe trong thực tế đều đang mải mê chạy theo lời dụ của chính truyền thông nhà nước: “làm giàu không khó”!
Việc thứ hai tôi thấy là tốt. Theo quan sát của tôi, bên cạnh mặt trái của nó là tệ nạn buôn thần bán thánh & mê tín hoá một tín ngưỡng cao siêu và đầy nhân bản mà xã hội đang rung chuông báo nguy, phong trào phục hưng Phật giáo hiện nay cũng có tác dụng giải độc không ít nạn nhân của tư tưởng vô thần (dẫn đến “vô sừng vô sẹo”) và làm mềm không ít cái đầu dắn ngay trong hàng ngũ cao cấp của Đảng Cộng sản; tinh thần Phật giáo cũng là đối trọng hầu như duy nhất hữu hiệu để cân bằng lại lòng tham vốn là động lực phát triển tự nhiên của xã hội thị trường, phương thuốc hàn gắn vết thương vẫn còn rỉ máu trong lòng người từng đứng ở 2 bên chiến tuyến. Và chính thực tế này cũng lặp lại phán quyết: đã đến lúc những người tự đặt cho mình (hay tự huyễn về) trách nhiệm “quản lý, chỉ đạo” con tim khối óc của hơn 80 triệu con dân phải “nhìn thẳng vào sự thật”.
Nhìn thẳng vào sự thật để ít nhất cũng thôi đi/ giảm thiểu những lời nói dối. Vâng, những lời nói dối có thể có lợi nhất định trong một giai đoạn. Nhưng ngay cả khi đó, nó cũng đã tiêm độc tố vào trái tim khối óc cả người nói lẫn người nghe rồi. Tôi không bao giờ quên một sự cố trong đời mình, sự cố đã khiến tôi dứt khoát rút lui khỏi văn đàn chính thống và bắt đầu con đường “làm thơ chui”, đúng vào lúc đang được o bế như một nhà thơ trẻ nổi lên của “thế hệ chống Mỹ”. Đó là buổi họp các cộng tác viên về Thơ của báo Văn nghệ vào năm 1973. Trước đông đủ thi hữu già trẻ, nhà thơ đầy uy lực Chế Lan Viên một mình lên lớp, “xạc” lớp trẻ về những vụ lộn xộn mới xảy ra như “Vòng trắng vòng đen” (thơ Phạm Tiến Duật), “Cây táo ông Lành” (truyện Hoàng Cát), “Ký sự đêm đợi tàu” (tác giả hình như tên Đỗ Phú?). Tôi không thể quên tư thế trịch thượng (ông đứng nói, một chân gác lên thanh ngang của chiếc ghế tựa) cũng như những lời mà tôi không dám tin ở tai mình. Ông bảo: “Đảng có thể bỏ đi cả một thế hệ các anh!” (nếu các anh cứ lộn xộn như thế). Ông còn khẳng định: “Nếu như trên trời máy bay ta với máy bay địch quần nhau mà máy bay ta rơi, các anh cũng phải hô lên: ‘máy bay địch rơi’ chứ!” Tất cả im phăng phắc, không ai dám ho he. Và tôi là người duy nhất đứng lên tranh luận với ông. Tôi nói đại ý: Vấn đề là anh có đủ lòng tin để hô lên như thế không đã chứ. Vì nếu chính anh không tin, thì làm sao anh thuyết phục được người đọc tin anh? Sau buổi họp ấy, tôi hoàn toàn tỉnh thức: người ta chỉ coi văn nghệ là những lời tuyên truyên để lôi kéo quần chúng, bất chấp sự thật. Đến một thần tượng của chúng tôi lúc ấy, một nhà thơ có tri thức vào hàng cao nhất mà đã huỵch toẹt ra thế thì… Hỡi ôi! Nhưng tôi phải công nhận, chính những lời nói dối có ý thức mà bộ máy truyên truyền miền Bắc đưa ra đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng trong cuộc chiến 1954-1975. Chính nó đã che giấu thực chất ý thức hệ và phe phái, làm nổi bật yếu tố dân tộc của cuộc chiến mà Thiện Ý coi là nguyên nhân chủ yếu đưa miền Bắc đến chiến thắng. (Sau này chính Chế Lan Viên đã ‘xám hối’ về những câu thơ thúc người lính ra trận trong một số bài “Di cảo” của ông).
Câu nói của Goebel (đại ý): “lời nói dối lặp lại hàng trăm lần sẽ thành sự thật” có thể đúng trong những hoàn cảnh đặc biệt như cách mạng, chiến tranh. Nhưng trong thời đại truyền thông hôm nay, câu nói ấy đã hoàn toàn phá sản. Không những thế, ngược lại: lời nói dối càng lặp lại càng phản tác dụng, cuối cùng dẫn đến sụp đổ niềm tin của mọi người, nhất là những người trẻ. Không còn niềm tin, thì đạo đức, lối sống tất phải băng hoại.
Các vị có thể cười vào sự ngây thơ của kẻ này, nhưng thực sự tôi đã hàng trăm lần tự hỏi và hỏi bạn bè: Hiện nay cũng như nay mai (tương lai gần) chưa thể có lực lượng nào thay thế Đảng Cộng sản lãnh đạo Việt Nam, vậy thì tại sao đảng không thể công khai thừa nhận những sai lầm của chủ nghĩa cộng sản trong quá khứ, tự mình chuyển hoá thành đảng của tinh thần dân chủ, nhân quyền, đoàn kết dân tộc thực sự, chủ động xây dựng một xã hội công dân lành mạnh, lấy pháp luật làm công cụ duy nhất để điều hoà lợi ích cá nhân và tập thể? Cái gì trói buộc họ, nếu không là những đặc quyền đặc lợi quá lớn? Thế còn những đảng viên không có/ có ít đặc quyền đặc lợi? Họ có suy nghĩ như Thiện Ý? Chả lẽ họ hoàn toàn không có tiếng nói trong đảng của mình?
---------------------------------------
(1) Từ cách thưởng Hoa đến Nhân cách Việt
(3) Hội thảo về sự “xấu xí” của người Việt
http://dantri.com.vn/c20/s20-314875/hoi-thao-ve-su-xau-xi-cua-nguoi-viet.htm
No comments:
Post a Comment